TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thiền viện Hang Cọp - Bhutan
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thiền viện Hang Cọp - Bhutan

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Thu Sep 13, 2018 11:47 pm    Tiêu đề: Thiền viện Hang Cọp - Bhutan

Thiền viện Hang Cọp - Bhutan

Tu viện (Dzong)


Nếu bạn yêu phong cảnh sông núi thì nơi này chính là chốn dừng chân lý tưởng nhất. Người Bhutan đã hiện diện tại đây từ 2000 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Ðạo Phật được truyền bá mạnh mẽ vào đây từ thế kỷ thứ 7 sau Thiên Chúa Giáng Sinh và dần dà gây ảnh hưởng sâu xa đến chính trị tôn giáo và văn hoá, cũng như cuộc sống của người dân. Lịch sử Bhutan có ghi lại các cuộc nội chiến tương tàn giành quyền lực rồi cuối cùng đã được thống nhất bởi vị Lạt ma Ngawang Namgyal là thủ lĩnh quân sự người Tây Tạng. Bây giờ Bhutan theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến. Do đó khi viếng thăm, bạn sẽ thấy còn rất nhiều dấu vết các pháo đài được gọi là Dzong tồn tại. Các Dzong ngày nay còn là tu viện, nơi học hỏi và nghiên cứu Phật pháp. Dân số vào khoảng 700 ngàn người với 20 tỉnh, mỗi tỉnh có một tu viện (Dzong). Tu viện luôn được chia làm hai nơi, một bên đặt văn phòng hành chánh, phần còn lại dành cho các tu sĩ.


Bên trong tu viện


Khi thăm các tu viện, đền thờ hay chùa chiền các nơi, sông núi, chỗ nào tôi cũng thấy các lá cờ đủ màu giăng ngang dọc. Tôi hỏi và được biết thêm rằng, trong đạo Phật có 5 màu chính, xanh lục, xanh dương, trắng, đỏ, vàng. Xanh dương tượng trưng cho sông, trắng cho nước, vàng cho đất, đỏ là lửa và xanh lục cho cây cối. Do đó chúng ta thấy nhiều lá cờ 5 sắc giăng gần núi hay sông, cầu, là biểu tượng của sự sống, cho môi trường tốt lành và không khí thanh sạch trong đời này và những đời khác. Còn các cây phướn trắng tượng trưng cho người đã khuất.


Tượng Phật Dordenma


Du khách đến đây được đi thăm các tu viện và được hướng dẫn viên cắt nghĩa đầy đủ về lịch sử, văn hoá cũng như tôn giáo của họ. Tượng Phật ngồi bằng đồng Dordenma lớn nhất thế giới đang được xây cất ở Thimphu là thắng cảnh nổi bật hấp dẫn du khách. Phật tử, và dân bản xứ tụng kinh, sinh hoạt bên dưới pho tượng đông vô kể. Tượng cao 173 ft (53m), bên trong rỗng nhưng có đặt 125 ngàn tượng Phật bằng đồng cỡ nhỏ. Pho tượng khổng lồ lớn hơn tượng Phật Bảo Liên ở Hồng Kông và tượng ở Nara bên Nhật. Tượng ngự trên cao, khắp thành phố, bất cứ đi đâu cũng nhìn thấy, hệt như pho tượng Chúa Giê Su dang tay ở Rio De Janeiro bên Ba Tây vậy. Dự án này khoảng 100 triệu đô, hơn 50 triệu đã bỏ ra cho đến giờ vẫn chưa xong. Ngân sách dự án này do người Hoa ở Bhutan đi quyên góp phật tử ở khắp nơi, nhiều nhất là các nhà giàu ở Trung Quốc. Người Bhutan đã tự hào mình không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng không biết họ có thấy được một âm mưu ẩn tàng nào của Trung Quốc trong việc đặt một “tượng Phật ngồi” với tiền của Trung Quốc giữa thành phố Thimphu là thủ đô của Bhutan? Bài học của Việt Nam, Lào, Miến Ðiện, và Sri Lanka, không biết Bhutan có biết không?

Bạn có biết thành phố gồm khoảng 95 ngàn dân này không có lấy một ngọn đèn xanh, đỏ để kiểm soát trục lộ giao thông. Thế mà chẳng có tai nạn xảy ra. Ðời sống và lối suy nghĩ của họ có lẽ đặt căn bản trên sự đơn giản và tự giác nên người dân cảm thấy càng đặt nhiều luật lệ giao thông càng phiền hà, rắc rối. Ngay trung tâm thành phố chỉ có 1 trạm cảnh sát duy nhất với các nhân viên cảnh sát thay nhau hướng dẫn giao thông.


Thiền viện Hang Cọp bên vách núi


“Cái đẹp nhất được để dành vào phút chót”. Vào những ngày cuối ở Bhutan chúng tôi được dẫn đi xem Ðền Tiger’s Nest còn được gọi là Thiền Viện Hang Cọp. Trên triền dốc, gần đỉnh ngọn núi cao, Tu viện Taktshang treo lơ lửng giữa mây trắng và bầu trời xanh trong vắt đã là một biểu tượng của Bhutan lôi kéo đôi chân du khách khắp thế giới về đây.

Chuyến đi là một kỷ niệm mà tôi nghĩ khó ai có thể quên cuộc hành trình thích thú và đầy cam go này. Sở dĩ tôi nói cam go vì trong quá trình lên núi đã có nhiều người bỏ cuộc, ở bất cứ nơi nào trong chặng đường leo núi khó khăn này. Ngoài ra điều kiện thời tiết rất bất thường, không may gặp mưa, đường trơn trợt khó đi, cũng là một trong những nguy hiểm bất trắc cản đường khách hành hương. Thời gian mới chính là mấu chốt rắc rối lớn trong suốt chuyến đi. Hướng dẫn viên bảo đoàn chúng tôi chỉ có 3 tiếng đồng hồ để lên núi và 2 tiếng để xuống núi, dù chúng tôi khởi hành từ rất sớm để đến chân núi lúc mặt trời vừa lên. Vấn đề là tu viện nằm vắt vẻo trên một khoảng đất nhỏ nên không có nhiều chỗ để du khách ngủ qua đêm. Chúng tôi phải xuống núi trước khi trời sập tối nếu không sẽ không thấy đường để xuống. Ðường lên và xuống núi gập ghềnh, dốc cao, khó đi, xuống dốc mà gặp mưa trơn trợt thì té lăn quay là chuyện thường. Mùa đông lạnh thì đầy tuyết đóng băng nên rất trơn. Người leo phải tự lượng sức khoẻ mình có đi nổi hay không mới dám đi vì đã lên rồi phải xuống, mà khi xuống còn trơn và dễ té hơn khi lên. Hơn nữa, khi leo núi bạn không thể nhờ vả vào ai được, không ai có thể giúp bạn ngoại trừ sức lực chính mình. Người già không nên leo. Tôi thấy có người thuê ngựa nhưng ngựa chỉ giúp mình đi một đoạn ngắn trên con đường đi lên thôi, phần còn lại phải tự leo lấy vì đường mỗi lúc một hẹp, lại rất dốc, ngựa quá to không đi được. Người dẫn đường khuyên chúng tôi không nên thuê ngựa vì khi ngựa bị trượt chân thì mình cũng bay theo ngựa xuống núi, thà tự leo, tự kiểm soát còn hay hơn.


Đường núi lên Thiền Viện


Ai leo núi cũng cần có một cây gậy, không có, bạn có thể thuê ở chân núi khoảng 1 đô, có người thuê cả hai cây gậy. Gậy để chống lấy sức lúc leo lên và giữ thăng bằng lúc leo xuống. Ỷ y mình đã từng đi hiking leo núi đã quen, nhưng thấy hướng dẫn viên khuyên, nên tôi cũng thuê một cây. Ban đầu tôi tay máy ảnh, tay cầm gậy không chống mà đi tung tăng vừa đi vừa chụp hình, nhưng càng lên cao, đường càng hẹp, và khi bắt đầu quá mệt mới thấy sự hữu dụng của gậy. Khi xuống núi, tôi cảm thấy như sau lưng có một lực đẩy phăng phăng, kéo mình tuột xuống, mới biết không có gậy chắc chết, vì không biết bám vào đâu. Lúc mới leo, tôi hầu như dẫn đầu đoàn, nhưng vì mê cảnh đẹp dọc đường và mải chụp hình, càng ngày tôi càng bị bỏ lại phía sau. Sợ bị lạc, tôi bắt đầu leo nhanh hơn và hậu quả là tôi bắt đầu thở dốc. Dừng lại nghỉ, kiểm soát hơi thở và đi từ từ, tôi khoẻ và tiếp tục leo. Tuy nhiên vì thời giờ có hạn, cứ vừa leo vừa xem giờ, nhìn chung quanh chẳng còn thấy ai trong đoàn, tôi bỗng hồi hộp vì ý nghĩ mình đã bị bỏ lại. Trên đường đi, tôi chứng kiến hai vợ chồng già, người Âu Châu, mỗi người hai cây gậy mà vẫn té. Còn có người leo trước té vào người leo sau, may ông kia đỡ kịp không thì cả hai cùng ngã.


Rừng, Spanish moss và lá dương xỉ đỏ


Dọc đường, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh núi non đẹp như vậy, dù tôi đã từng leo núi ở Mỹ và cảnh núi ở đây rất khác. Ánh nắng ban mai của thần Thái Dương rọi xuyên qua cây cỏ tạo nên rừng cây những màu sắc kỳ ảo tuyệt đẹp. Loại dây leo Spanish moss lóng lánh sương, chỉ sống ở độ núi cao, giăng đầy trên các cây cổ thụ chắc cũng cả ngàn tuổi, khiến phong cảnh nên thơ vô ngần. Có những loại cây cỏ chỉ mọc ở dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn rất khác. Những chiếc lá dương xỉ thay màu từ xanh qua vàng đỏ, xuất hiện rất nhiều, tô vẽ cho bức tranh sơn thủy những màu nóng, lạnh tương phản, quyến rũ hồn tôi. Không dằn được cảm xúc, chốc chốc tôi dừng lại làm một pô hình, rồi leo tiếp. Cứ thế, cuối cùng tôi cũng đến nơi mà thấy dường như mình vừa trải qua con đường thiên lý vạn dặm.


Sông nước Bhutan


Ðứng trên triền cao nhìn xuống ngọn thác đổ và phía bên dưới là con đường vòng vèo mình đã qua mà nhiều người đang leo lên, tôi bỗng rùng mình. Phần thưởng của tôi là Tu viện Taktshang, “trú xứ của hổ” sừng sững đứng tựa bên vách núi, những hàng lá phướn kéo dài suốt từ đỉnh núi tu viện đến chân mình đang tung bay trong gió. Lòng tôi dịu hẳn xuống, con ngươi mở rộng nuốt cảnh thần tiên vào mắt để sẵn sàng cho cuộc thám hiểm thế giới tu hành và khe núi, nơi ngày xưa chúa tể sơn lâm đã từng đặt chân đến. Thăm thiền viện xong, tôi hít một hơi thở sâu, rồi từ từ thở ra, sửa soạn cho cuộc hành trình xuống núi, tuy nhanh hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, đang chờ tôi ở phía trước. Tôi lẩm bẩm lòng dặn lòng “Ðã đi là phải đến, mà đến rồi phải trở ra cho bằng được”, vì không ai dắt, bồng hay dìu mình xuống giùm, dù thế nào cũng phải tự lực mà đi.

Trịnh Thanh Thủy

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân