TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Jerusalem
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Jerusalem

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Wed Jul 25, 2018 11:24 pm    Tiêu đề: Jerusalem

Jerusalem


Jerusalem là một thành phố cổ nằm trên mặt phẳng của dãy núi Judea, giữa Ðịa Trung Hải và Biển Chết (Dead Sea). Ðây là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới và được xem là thánh địa của ba tôn giáo lớn có chung một gốc rễ là ông tổ Abraham: Thiên Chúa, Do Thái và Hồi giáo. Cả hai quốc gia Israel và Palestine đều gọi Jerusalem là thủ đô của đất nước họ.

Trải qua nhiều thời đại, Jerusalem có nhiều tên gọi khác nhau: Trong khoảng thế kỷ XIV trước Công Nguyên, trên bia đá cổ Ai Cập ghi chép tên “Urusalim”, có nghĩa “City of Salem” dựa theo thần thánh từ triều đại Canaanite. Trong thời Israelite, thế kỷ IX trước Công Nguyên, thành phố được xây cất rầm rộ, và một thế kỷ sau, Jerusalem trở thành trung tâm tôn giáo và hành chánh của Kingdom of Judah. Sách vở ghi chép tên gọi “City of David” (một phần của Jerusalem) từ thế kỷ IV trước Công Nguyên (BCE). Tên gọi “Rusalim” và “Urusalim” ghi chép trong cổ thư được sử gia cho rằng đó là tên cổ xưa của Jerusalem.


Walls of Jerusalem


Là một thành phố tuổi nhiều ngàn năm, Jerusalem mang nặng chuỗi lịch sử đầy những cuộc chiến tranh, chịu tấn công, tàn phá, cướp bóc, chiếm giữ và ít nhất là hai lần, thành phố bị hoàn toàn phá huỷ, san thành bình địa. Năm 1538, Jerusalem được vua Suleiman the Magnificent xây cất lần sau cùng, tường thành từ thủa ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Từ thế XIX, thành phố cổ được chia làm bốn khu vực dựa trên bốn nhóm tôn giáo có nhiều cư dân nhất: Armenian (một giáo phái Thiên Chúa giáo, không trực thuộc hội thánh La Mã), Christian (Thiên Chúa giáo), Jewish (Do Thái giáo), và Muslim (Hồi giáo). Từ năm 1860, thành phố bắt đầu được mở rộng bên ngoài tường thành cũ để đáp ứng nhu cầu phát triển của cư dân. Tính đến năm 2015, Jerusalem có khoảng 850,000 cư dân; 200,000 cư dân theo đạo Do Thái ‘cấp tiến” (không còn thuần nhất như đạo chính gốc nhưng vẫn tự nhận là “Jewish”), 350,000 tín đồ Do Thái thuần thành (gọi chung là nhóm “Haredi Jews”, các giáo hội Do Thái áp dụng chặt chẽ mọi giáo luật, mỗi chi nhánh có synagogue và giáo chủ riêng) và 300,000 người Palestine sinh sống trong khu vực phía đông thành phố, khu vực này là lãnh thổ của quốc gia Palestine (theo sự chia cắt của Anh, the British Mandate) khi vùng Judea còn là thuộc địa của Hoàng Gia Anh.


the First Temple


Theo kinh thánh Do Thái, vào thế kỷ X (khoảng năm 993) trước Công Nguyên, sau khi chiếm được đất đai từ người Jebusites, vua David là ông tổ dựng nước Israel, đặt thủ đô tại Jerusalem. Do đó, Jerusalem còn có tên “City of David”. Vị vua kế nghiệp, vua Solomon, xây dựng ngôi đền thờ thứ nhất, the First Temple. Những dữ kiện lịch sử này, ngoài ý nghĩa tôn giáo, còn là nền tảng lập quốc của Israel.

Theo kinh thánh Septuagint, một bản dịch từ nguyên tác Hebrew của giáo hội Thiên Chúa Chính Thống Hy Lạp (Greek Orthodox Church) trong thế kỷ III-II trước Công Nguyên, Jerusalem là thánh địa của Thiên Chúa giáo, niềm tin này được củng cố sau khi Jesus chịu đóng đinh và tử nạn tại Jerusalem theo kinh thánh Tân Ước.

Theo giáo phái Hồi giáo – Sunni, Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina. Trong kinh Quran, năm 610 là năm đầu tiên, the first qibla, và 10 năm sau Giáo Chủ Muhammad đã đến Jerusalem trong đêm tối, the Night Journey; đã lên trời hầu chuyện cùng Thượng Ðế.


Bản đồ Phố Cổ – Jerusalem ngày nay


Với những chi tiết ghi chép từ thánh kinh của ba tôn giáo kể trên, dù diện tích chỉ vỏn vẹn trên dưới một (1) cây số vuông, Phố Cổ của Jerusalem trở thành thánh địa và được (bị?) các tín đồ tranh giành. Các thánh tích quan trọng bao gồm the Temple Mount (nằm trong lãnh thổ của Palestine) nhưng bức tường [phía] Tây (Western Wall hay Wailing Wall) bên ngoài lại là thánh địa nơi Do Thái tín đồ cầu nguyện; Dome of the Rock và al-Aqsa Mosque thuộc về Palestine, thánh địa này chỉ mở cửa rất giới hạn, Dế Mèn đến đó chỉ được đứng từ xa mà ngó bên ngoài đền thờ; và Church of the Holy Sepulchre, thánh địa của Thiên Chúa giáo nơi Chúa Jesus tử nạn.

Với một lịch sử lâu đời và phức tạp như thế, Jerusalem vẫn tiếp tục là nơi tranh chấp của hai quốc gia Israel và Palestine. Trong trận chiến Arab–Israeli War năm 1948, West Jerusalem do Israel chiếm giữ trong khi East Jerusalem, bao gồm cả Phố Cổ, do Jordan chiếm giữ. Trong trận Six-Day War năm 1967, quân đội Israel chiếm được East Jerusalem và khu vực lân cận. Israel ban hành đạo luật “the 1980 Jerusalem Law” đoan quyết rằng Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của quốc gia họ dù cộng đồng quốc tế không nhìn nhận tính cách hợp pháp của việc chiếm giữ East Jerusalem; khu vực này vẫn được thế giới xem là lãnh thổ của Palestine và là vùng “tạm chiếm”.

Bất kể áp lực quốc tế, Israel đặt cơ quan hành chánh tại Jerusalem, quốc hội (the Knesset) và các công thự như dinh tổng thống (Beit HaNassi), dinh thủ tướng (Beit Aghion)... đều nằm tại Jerusalem, bên ngoài Phố Cổ (Old City).



Dân gốc Israel và theo đạo Do Thái (Zionism) cho rằng Jerusalem thuộc về họ vì tổ tiên đã sinh sống ở đó trên dưới 5,000 năm trong khi cư dân Palestinian cho rằng tổ tiên họ cũng sinh sống trên mảnh đất ấy dù chỉ mới trên dưới 1,000 năm, và do đó Jerusalem là đất tổ bất kể ai đến trước đó. Dù East Jerusalem nằm gọn trong lãnh thổ Israel, khu vực nhỏ xíu này treo cờ Palestine, chưng bảng cấm cư dân Do Thái, và do quân đội / cảnh sát Palestine tuần hành.

Năm 1981, Jerusalem được ghi tên trên danh sách Di Sản Thế Giới.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Thu Aug 02, 2018 11:46 pm    Tiêu đề:

Jerusalem Phố Cổ

Thành phố cũ và mới nhìn từ triền đồi Mount of Olives, xa xa là nóc Dome of the Rock (Qubbat Al-Sakhra) thếp vàng lấp lánh


Vua David đặt hoàng thành tại Jerusalem trong thế kỷ X trước Công Nguyên, trải qua nhiều thời đại, hoàng thành bị phá hủy rồi xây cất lại. Đến triều vua Herod (thế kỷ I), hoàng thành được mở rộng và nền móng được giữ lại cho đến ngày nay. Sau những trận chiếm đẫm máu, Jerusalem bị san thành bình địa và bỏ phế cho đến khi vua Suleiman the Magnificent, vị sultan lừng lẫy nhất của triều đại Ottoman, xây cất lại vào năm 1538. Bao quanh thành phố là một tường thành cao cỡ 12 thước với những khúc tường thành được xây cất trên nền đá cũ của tường thành cổ xưa. Tương truyền rằng vua Suleiman nằm mộng thấy thần linh bảo rằng phải xây thành Jerusalem, nếu không sẽ bị cọp nuốt. Nhà vua bèn gửi kiến trúc sư và kỹ sư sang thuộc địa xây thành quách trên gạch đá vụn (thành Jerusalem thủa ấy bị hư hại khá nhiều sau các trận đánh của quân Thập Tự trong thế kỷ XIII). Phố Cổ nằm trên một mặt phẳng, bên dưới là thung lũng Kidron và chung quanh là các ngọn đồi lớn nhỏ.


Đền thờ Hồi giáo El Aksa, từ bên ngoài


Thành Phố Cổ – Jerusalem có tám cổng vào nhưng ngày nay chỉ còn bảy: Jaffa, Damascus, Dung, Zion, New Gate, Lion (cũng có tên là St Stephen) và Golden Gate (hay Gate of Mercy). Quanh những cổng vào là các địa danh nổi tiếng. Từ Rehavam Ze’evi Observation Point nằm trên triền đồi Olives (Mount of Olives), ta có thể nhìn chung quanh và thấy khá nhiều thắng tích, từ Temple Mount với Dome of the Rock thếp vàng rực rỡ, nóc các ngôi nhà thờ lớn nhỏ, đại học Hebrew và cả khu nghĩa trang Do Thái nơi chôn cất các tiên tri Haggai, Malachi và Zechariah, các quý tộc từ thế kỷ I... Ðây là nơi các tín đồ Do Thái thuần thành đều muốn được chôn cất (khái niệm khi chết được về Ðất Thánh, từa tựa như người Ấn Ðộ muốn được hỏa thiêu bên sông Hằng) nhưng ngày nay đất đai có hạn, chỗ đâu để dùng? Từ đó, nảy sinh những mẩu chuyện về người giàu đi tìm truyền nhân của kẻ chết để mua lại đất đai.


Nghĩa trang Do Thái nhìn từ trên đồi, người Do Thái vẫn giữ cổ tục đặt một viên đá, sỏi trên mộ mỗi khi thăm viếng


Khu Phố Cổ nhỏ xíu nhưng mang theo lịch sử ngàn trang; cứ vài mươi bước chân là ta lại “gặp” một di tích, nơi được xem như chỗ Chúa Jesus đi qua, chỗ tiên tri / giáo sĩ Do Thái giảng đạo... Người dẫn đường vừa đi vừa giải thích, Dế Mèn lắng nghe được khoảng một, hai tiếng đồng hồ là lỗ tai lùng bùng, đành đứng nhìn quanh rồi chụp hình ảnh để dành chờ lúc về phòng trọ đọc sách vở tìm hiểu thêm.


Cổng vào Dung Gate


Phe ta vào Phố Cổ ngày đầu tiên qua Dung Gate, tường thành phía nam; ngày xưa cổng này là nơi cư dân đổ và mang rác ra khỏi thành phố (chữ “dung” trong Anh ngữ là phân thú vật, có lẽ cùng nghĩa với chữ “phế thải” của Hebrew?). Ngày nay cổng được mở rộng để taxi và xe bus có thể ra vào dễ dàng. Ði bộ chút xíu từ cổng vào là ta thấy một công trường lát đá khá rộng, Azarat Israel Plaza, dẫn đến Western Wall hay Wailing Wall, nơi các tín đồ Do Thái đến cầu nguyện hàng tuần, nhất là tuần lễ Pass Over. Trước khi vào cầu nguyện, tín đồ đến bồn nước giữa công trường rửa tay, một hình thức “tẩy uế” cho trong sạch, bằng một vật chứa có hai quai xách, để tay [đã rửa] sạch không sờ vào quai bẩn. Khuôn viên trước bức tường đá được ngăn làm hai phần, đôi bên nam nữ cầu nguyện riêng. Phụ nữ thường trùm khăn che kín tóc tai, váy dài dưới đầu gối và đi vớ đen, giày đen; nhiều phụ nữ đội tóc giả (che giấu tóc thật) để khỏi phải trùm khăn. Giữa các tảng đá trên tường thành là các khe hở, bá tánh viết giấy kê khai ước nguyện rồi gấp nhỏ và nhét mảnh giấy vào các kẽ hở ấy. Không biết có ước mơ nào thành hình hay không, riêng Dế Mèn cũng cầu mong bình an cho mình và thân nhân. Ðến hôm nay khi ngồi gõ những dòng này kể chuyện thăm viếng Israel với bạn đọc, cũng đang được bình an như ý nguyện nên hoan hỷ lắm.


Bồn nước & cách rửa tay


Người Do Thái gọi nhà nguyện của họ là “synagogue”, không gọi là “temple”; lịch sử Do Thái chỉ nhìn nhận có hai đền thờ được xây cất và bị phá hủy. Nền tảng của đền thờ được sách vở ghi chép là “Temple Mount”. Ðền thờ đầu tiên do vua Solomon (con vua David) xây cất trong thế kỷ X trước Công Nguyên, bị phá hủy vào năm 585 trước Công Nguyên; đền thờ thứ nhì do cư dân xây cất trên nền đất cũ trong khoảng năm 525-516 trước Công Nguyên và được vua Herod mở rộng nên có tên Herod’s temple. Ðền thờ này bị phá hủy bởi quân La Mã năm 70. Các thành quách dinh thự cổ ta thấy ngày nay cũng được xây cất trên nền cũ của “Temple Mount”, nổi tiếng nhất là Dome of the Rock và Al Aqsa Mosque sau khi quân Hồi giáo chiếm đóng Jerusalem, và khu đất này trở thành thánh địa của Hồi giáo.


Tín đồ Do Thái cầu nguyện tại Western Wall, khu dành cho nam phái và nhiều phụ nữ cầu nguyện dưới chân tường trong đường hầm


The Western Wall hay Kotel Ha-Ma‘aravi theo Hebrew do vua Herod xây cất để bao bọc khu đền thờ gồm nhiều dinh thự; trường thành xây theo ba mặt đông, tây và nam. Tường xây bằng những tảng đá. Tảng đá lớn nhất cao khoảng 3.6 thước, dài 14 thước và nặng khoảng 400 tấn! Không biết thủa xa xưa ấy người ta làm thế nào để khuân các tảng đá ấy đến đây và xếp đá chồng lên nhau? Sách vở ghi chép rằng người La Mã đã xây thành Jerusalem ròng rã suốt 11 năm! Western Wall được dân Âu Châu đặt tên “Wailing Wall” hay Bức Tường Than Khóc vì dân Do Thái đến đây kêu than về nỗi mất đền thờ (“Temple”) hoặc thề nguyền sẽ quang phục đất tổ và xin đất trời chứng giám. Tín đồ Do Thái tay cầm thánh kinh, tay sờ bức tường và thân mình đưa tới đưa lui nhịp nhàng. Nhìn ngắm các tín đồ cầu kinh ta mới “thấm” phần nào lòng thành tín của họ và dù không đồng tâm hợp ý, Dế Mèn cũng bắt đầu hiểu tại sao máu đổ triền miên cả mấy trăm năm vì tranh giành đất đai.



Từ Western Wall, phe ta lần mò theo nhóm du khách vào đường hầm qua ngả Robinson’s Arch. Bên trong là cả một thành phố dưới lòng đất, đầy đủ bể chứa nước, hồ tắm (ritual bath), lối đi, các bậc thang lên xuống, những phòng ốc nhỏ nhỏ là nơi thờ phượng xưa cũ... Tóm tắt là khu Phố Cổ không chỉ bao gồm các dinh thự ta nhìn thấy trên mặt đất mà còn những kiến trúc khác sâu dưới lòng đất. Dế Mèn nghe kể rằng sau trận chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel chiếm lại một số đất đai của Palestine, khi các nhà khảo cổ Israel khai quật đào xới đã tìm thấy vô số các cổ vật quý giá nhưng bị người Palestine kêu gào đòi chủ quyền vì Phố Cổ nằm trong lãnh thổ Palestine. Tất nhiên là người Do Thái căm hận lắm vì các cổ vật ấy mang số tuổi ngàn năm, có nguồn gốc Israel trước khi đất đai bị quân Hồi giáo chiếm cứ. Ngoại trừ các đường hầm dọc theo Western Wall sau khi được khám phá và mở cửa cho du khách đến xem, từ đó (khoảng năm 1980-82), Israel bị cấm ngặt không được phép đào xới tìm hiểu chi nữa dưới phần đất của Palestine.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Thu Aug 16, 2018 11:47 pm    Tiêu đề: Dolorosa - Đàng Thánh Giá

Dolorosa - Đàng Thánh Giá

Nhà thờ Sepulchre, bên ngoài


Ngay trong Phố Cổ của Jerusalem, chỉ vài trăm bước là ta đi từ thánh tích Hồi giáo qua đến thánh tích Thiên Chúa giáo. Không được vào nhìn ngắm Temple of the Rock, thánh địa Hồi giáo với đền thờ El Aksa nơi lưu trữ khoảng chục sợi tóc của Giáo Chủ Muhammed, và chỉ có tín đồ mới được vào chiêm bái, phe ta lần theo đường hầm Hasmonean với những tảng đá vài ngàn tấn nằm sâu dưới lòng đất để đến chặng đầu tiên của Ðàng Thánh Giá, nhà nguyện Xử Tội (Chapel of Condemnation) và nhà nguyện Quất Roi (Chapel of Flagellation), mấy chục bước phía bên phải là nhà thờ Thánh Anne (Thánh Anne là mẹ bà Maria mẹ Chúa Jesus). Ðây là một nhà thờ tương đối mới, ở một vùng đất cổ xưa như Jerusalem, món chi dưới 5,000 năm được xem là “mới”, xây cất trong thế kỷ XII, thời quân Thập Tự; bên cạnh là hồ Bethesda nơi Chúa Jesus chữa lành kẻ liệt. Nhà thờ thì còn nguyên nhưng hồ Bethesda ngày nay chỉ còn là những tảng gạch vụn.


Nhà nguyện Condemnation & Flagellation


Condemnation & Flagellation là điểm khởi đầu của 14 chặng đường khổ nạn của Chúa Jesus, đây là nơi Chúa Jesus bị đem ra xử tội và đánh đòn. Trạm đầu của con đường khổ nạn nằm trong khu phố Hồi giáo, phía đông của Jerusalem, thuộc lãnh thổ của Palestine trong khi trạm thứ ba cho đến trạm cuối nằm trong khu Thiên Chúa giáo, thuộc lãnh thổ của Israel. Sách vở ghi chép rằng trên con đường đá ngoằn ngoèo Chúa Jesus đã vác thánh giá đi qua, đã ngã xuống ba lần. Mỗi đoạn đường đánh dấu bởi một biến cố, nơi Ngài ngã xuống, được gặp mẹ, được trợ giúp..., ngày nay mỗi chặng đường đều được đặt đài tưởng niệm & chiêm bái; nơi là nhà nguyện, chỗ là một cổng đá... Những trạm này do các giáo hội Thiên Chúa giáo xây cất và bảo trì. Tùy theo giáo hội, bên trong nhà nguyện bài trí khác nhau.


Tín đồ hành hương


Ðặc điểm của giáo hội Chính Thống Hy Lạp là các ngọn đèn treo từ trần nhà, đèn lù mù ít ánh sáng và tín đồ chiêm bái đều trùm khăn trên đầu. Nhà nguyện của giáo hội La Mã tương đối sáng sủa và bài trí giản dị hơn.


Chặng 3: Chúa Chúa Jesus ngã lần thứ nhất


Chặng thứ ba là nơi Chúa Jesus ngã lần thứ nhất, nhà nguyện này do giáo hội La Mã xây cất theo kiểu Ba Lan.


Chặng 4: Chúa gặp bà Maria

Chặng thứ tư là một cổng đá có tượng bà Maria nắm tay con và Chúa Jesus vác thập tự trên vai.


Chặng 5: Ông Simon vác thánh giá giúp Chúa Jesus


Chặng thứ năm là một cổng đá nơi dòng tu Francisco có phòng thuyết giảng giáo lý; chặng thứ sáu nơi thánh Veronica lau mặt cho Chúa Jesus... Và năm chặng cuối cùng ngày nay là nhà thờ Holy Sepulchre, do nhiều giáo hội Thiên Chúa xây cất và bài trí, phần của giáo hội La Mã, phần của giáo hội Chính Thống Hy Lạp, phần của nhà thờ Armenia.


Anointment Stone


Giáo hội La Mã xây cất nhà nguyện nơi Chúa bị lột áo (Chapel of the Stripping [of Chúa Jesus’] Garment) ; giáo hội Hy Lạp xây bàn thờ nơi Chúa Jesus bị đóng đinh và bàn thờ nơi Chúa Jesus tắt hơi, trước mặt là tảng đá nơi đặt xác, Stone of Anointment. Tín đồ thuần thành mang hình tượng và những vật dụng đến đây cầu xin phép lạ; họ quỳ gối, hôn lên tảng đá, có người rạp đầu bái lạy. Nhà thờ tối thui lại không cho phép dùng đèn nên hình ảnh lù mù, tối tăm. Ðành vậy.


Hầm mộ


Chặng cuối cùng là nơi Chúa Jesus được mang vào hầm mộ (thủa xa xưa, người Do Thái chôn cất bằng cách mang xác vào các hang đá), nơi này được xem là thánh địa của Thiên Chúa giáo; bá tánh xếp hàng lòng vòng để được vào hầm mộ, thời gian chờ đợi dài đến ba tiếng nên Dế Mèn chịu thua, chỉ chụp tấm hình từ nóc hầm mộ rồi thôi.


Tín đồ hành hương


Hôm Dế Mèn đến thăm thánh địa Thiên Chúa giáo, ở đó cả ngàn tín đồ hành hương, từng nhóm từng nhóm người trong đủ kiểu trang phục màu sắc, người người xếp hàng lòng vòng chờ đến phiên mình thắp nến, quỳ lạy... ở mỗi hình tượng. Tiếng cầu kinh, tiếng thì thầm chỉ dẫn của tour guide... và bên trong nhà thờ đầy các thánh tích, dày đặc khói nến, hơi người và thán khí nên khó thở vô cùng. Dù muốn tẩn mẩn đứng xem từng bức tranh, từng tảng đá... nhưng phe ta cũng đành thôi. Tiếc lắm.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Tue Aug 28, 2018 11:44 pm    Tiêu đề: Đồi Olives & Vườn Gethsemane

Đồi Olives & Vườn Gethsemane

(Hinh: WomEOS/flickr)


Chân Ðồi Olives có khu vườn Gethsemane (hay có nghĩa là “oil press”, ép dầu [ô liu]), một thánh tích quan trọng của Thiên Chúa giáo.


Cổng vào Vườn Gethsemane


Tương truyền rằng đây là nơi Chúa Jesus cầu nguyện, Ngài trăn trở thao thức trước ngày bị bắt và đem xử tội trong khi các môn đồ đều say ngủ. Do đó, khu vườn nơi cư dân thủa ấy trồng và ép dầu ô liu còn có tên là Vườn Thống Khổ, Garden of Agony.


Cây olive tuổi ngàn năm trong Vườn Gethsemane


Trong vườn là những cây ô liu già cỗi, có ba gốc cây được định tuổi trên dưới 1,000 năm và được xem là cây ô liu “già” nhất thế giới. Có cả tảng đá nơi Chúa Jesus ngồi thao thức (?) theo truyền thuyết của hội thánh La Mã.


Tảng đá nơi Chúa Jesus cầu nguyện trong Vườn Gethsemane


Tuy nhiên cách khu vườn khoảng chục thước, cũng trong khuôn viên của tu viện là một tảng đá khác, lớn hơn, được hội thánh Tin Lành cho rằng đó mới là nơi Chúa Jesus cầu nguyện. Tạm hiểu là cũng trong khu vườn này, mỗi hội thánh đánh dấu một tảng đá và cho rằng đó là nơi Chúa Jesus cầu nguyện và thao thức; và tín đồ tùy theo lòng tin cứ đến tảng đá ấy mà chiêm bái, thờ lạy.


Basilica of Agony (Church of All Nations)


Bên cạnh vườn Gethsemane là ngôi nhà thờ Basilica of the Agony, còn có tên “The Church of All Nations”, trực thuộc hội thánh La Mã. Ngôi nhà thờ tương đối mới, xây năm 1924, trên nền tảng của hai ngôi nhà thờ cổ, nhà thờ cổ nhất xây trong thế kỷ IV thời Byzantine và nhà thờ thứ nhì trong thế kỷ XII, thời quân Thập Tự.


Huy hiệu Hoa Kỳ trong nhà thờ Agony


Nhà thờ được xây cất dưới sự tài trợ của 12 quốc gia, mỗi quốc gia đóng góp đều có huy hiệu trên mái vòm: Argentina, Brazil, Chile, Mexico, Italy, France, Spain, Anh, Belgium, Canada, Germany, và Hoa Kỳ. Trần nhà có màu xanh lam với các điểm trắng để chỉ bầu trời đêm với các tinh tú, đêm không ngủ của Chúa Jesus. Ngoài ra, các công trình bài trí được tài trợ bởi bốn quốc gia khác: Ireland, Hungary, Poland và Australia. Mỗi quốc gia đóng góp đều được long trọng ghi tên ở cổng vào! Với mái vòm, các cột đá và mặt tiền dát gạch vụn, nhà thờ có kiểu dáng “Tân Cổ Ðiển”, neoclassical.

Cạnh vườn Gethsemane là huyệt mộ của bà Maria, trên mặt đất là nhà thờ, ngôi nhà thờ trông không có chi đặc biệt nhất là khi phe ta đã nhìn ngắm trên dưới cả trăm ngôi nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ trước khi đến thánh địa này. Ðường xuống mộ tối lù mù nên Dế Mèn chụp không ra hình ảnh.


City of David – Thành David

Lăng mộ vua David, nơi tín đồ Do Thái chiêm bái & cầu nguyện


Thành David nằm trên Ðồi Zion (Mount Zion), ngọn đồi thấp bên ngoài tường thành của Phố Cổ Jerusalem. Ngọn đồi này cũng được gọi là “Ðồi Tây” hay “Western Hill” trong một số sách vở xưa cũ. Dù thành quách đã bị phá hủy cả ngàn năm nhưng gạch đá còn lại vẫn ghi chép dấu vết của thời đại cổ xưa. Con cháu dân Israel thu góp gạch đá và xây dựng lại những tòa nhà mới để thờ phượng tổ tiên.


Cổng vào Phòng Tiệc Ly


Lăng mộ Vua David nằm trên Ðồi Zion, đây là nơi thờ phượng của tín đồ Do Thái nên nam nữ riêng biệt và ngay bên cạnh là Coenaculum nơi Chúa Jesus và môn đệ ăn bữa tối, the Passover Seder và cũng là bữa ăn cuối cùng, The Last Supper.


Phòng Tiệc Ly bài trí với cửa kính kiểu Ả Rập và cũng có tượng thờ kiểu La Mã. Khi chiếm giữ đất đai, quân Hồi giáo giữ lại một số thánh tích Thiên Chúa giáo trong vùng; tạm hiểu là [giáo lý] Hồi giáo nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Jesus như một đấng tiên tri dù không tin rằng Ngài là Chúa Cứu Thế.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân