TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chúa và Vũ trụ của Chúa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chúa và Vũ trụ của Chúa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sat May 19, 2018 5:25 am    Tiêu đề: Chúa và Vũ trụ của Chúa



Chúa và Vũ trụ của Chúa


      Chúa và Vũ trụ của Chúa

      Bài này được trích ra từ cuốn TRIẾT SỬ ẤN ĐỘ của linh mục Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quí, nxb Phương Đông, 2015.

      Tựa cũng là tựa của tác giả khi ngài diễn giảng triết thuyết của CAITANYA (1485-1533) – (mà ở Ấn Độ được ghi đầy đủ là Sri Caitanya Mahaprabhu). Trước khi viết về triết thuyết của đại sư Citanya, tác giả viết như vầy:

      (...) Caitanya, tuy có học và rất thông minh, nhưng học không đựơc nhiều. Ông đọc một số purāṇa và ưa hát các bài ca đạo đức.
      (...) Sau này tại Gayā, ông được Īśvara Purī khai tâm cho, và trở về Navadvìpa ông bắt đầu giảng dạy về Bhāgavata - purāṇa.
      (...) Yếu tố nổi bật trong cuộc đời Caitanya là lòng đạo đức hết sức cảm tính của ông.
      (...) Càng lớn tuổi, ông càng trở nên như điên như dại vì yêu Chúa, đến nỗi có khi ngất xỉu, máu rỉ ra ở chân tóc ông và răng ông đập vào nhau, còn thân thể khi co thắt lại khi nở phồng lên, trong lúc xương hình như đứt rời ra từng cái một. Ông khóc nhiều và mất ngủ cũng nhiều.
      (...) Ông không thuyết đạo nhiều, nhưng ảnh hưởng của ông thực là lớn lao trong thời ấy và suốt mấy thế kỷ sau tại miền Bangla. Văn chương Sanskrit và Bangali nhờ đó mà tìm được một sinh khí mới để phát triển. hai đệ tử của ông là Jìva Gosvàmì và Baladeva Vidyàbhùsana là những triết gia quan trọng.

      (sđd. trang 431 & 432)

      **************************
   
 TRIẾT THUYẾT
 Chúa và vũ trụ của Chúa (tr. 432 & 433)

      Cuộc đời Caitanya và tâm tình say Chúa của ông khiến ta thừa đoán biết ông không thể chấp nhận thứ triết lý lạnh lẽo của Śaṅkara (1). Phải, Đấng Tối cao của ông không thể là một Brahman trung tính, cao vượt khỏi ông và vũ trụ. Ngài chỉ có thể là Chúa, một vị Chúa của tình yêu.

      Đã là Chúa tình yêu, thì yếu tính của Ngài phải là Tình yêu và Hạnh phúc. Tình yêu và Hạnh phúc không phải chỉ là phẩm tính của Kṛṣṇa: vị Kṛṣṇa đó là tinh hoa của tình yêu và là chính Tình yêu vô biên, cũng như là nguồn gốc và hiện thân của ānanda (ānanda: an lạc, ĐKP). Nói chung thì nơi Kṛṣṇa chứa đựng mọi thứ tâm tình.

      Kṛṣṇa là Sac cid ānandam (sac cid ānandam: Hiện hữu tuyệt đối, Tri thức tuyệt đối và An lạc tuyệt đối, ĐKP) là dương quang (sattva) thuần túy, vượt trên những gì thuộc lãnh vực Prakṛti. Ngài siêu việt (turīya) và không còn dấu vết luân hồi hay ảo giác (màyà) ở Ngài. Ngài tuy ở trong vũ trụ đấy, mà vẫn bên ngoài nó. Ngài có mặt khắp nơi nhưng không bị giới hạn ở bất cứ đâu, vì yếu tính của Ngài là vô biên và vô cùng vô cực.

      Chúa là Chúa. Còn cái Brahman trung tính vô định chỉ là một hiện thể bất toàn của Ngài.

      Chúa có pháp năng riêng gọi là Viṣṇu-śakti một thứ pháp năng nội tại, thiêng liêng (cicchakti) và cốt yếu (svarùpa- śakti), lại không ràng buộc với vũ trụ, nên cũng gọi là pháp năng siêu việt (pàra śakti). Tùy khía cạnh, pháp năng này còn được gọi là Hạnh năng (hlādinī śakti), Chân năng (sandhinì śakti) hay Tri năng (śakti). Hạnh năng giãi tỏa Hạnh phúc Chúa cho thiên đường và dương gian được hưởng, trong khi Chân năng làm cho thiên đường hiện hữu và có thực. Còn Tri năng mang ánh sáng tri thức đến soi cho các tinh thần. Chúa là Chân Tri Hạnh, nên Chân Tri Hạnh nơi tạo vật chỉ là một hiện thể của Chân Tri Hạnh siêu việt ở những cấp độ khác nhau tùy theo bản tính mỗi vật.

      Ngoài ra, Ngã còn có hai pháp năng khác: Kṣetrajña - śakti và Avidyà- śakti cũng gọi là Màyà- śakti. Kṣetrajña - śakti là pháp năng tuy tùy phụ nhưng thiêng liêng, nhờ đó Chúa hóa sinh ra các hồn. Cũng vì thế, pháp năng này còn gọi là jìva-sakti nữa. Avidyà- śakti. vốn là ngoại pháp năng Chúa dùng để tự hiển biến thành vũ trụ, đồng thời vẫn phân biệt với chúng.

      Pháp năng cũng là một với chính Ngài, và thể hiện ra bằng sáu pháp năng chủ tể. sáu pháp năng chủ tể đó là:
      - Aiśvarya (vương quyền tính) và Vìrya (hùng tính) cho quyền thống trị;
      - Yaśas (vinh quang) và Śrī (sáng láng) ;
      - Jñāna (biết) và Viaràgya (thoát tục).

      Chúa đã giáng trần. Các hình thức giáng trần của Chuá là chính thành phần của Ngài (sva - aṃśa), nên là một với chính Ngài.

      Chúa đã hóa sinh ra vạn vật, và việc hóa sinh ấy là thực, được thực hiện trong Màyà- śakti. Màyà không có nghĩa là ảo giác, do đó vạn vật có thực và các hồn cũng có thực như thế. Các hồn vừa khác với Chúa, lại cũng khác với nhau nữa.

      Vạn vật có thực, nhưng có thực nơi Chúa và do Chuá sinh ra, nên vừa ở ngoài vừa ở trong vũ trụ.

      Vạn vật tuy là hình thức hiển hiện của Chúa ra bên ngoài, nhưng chỉ các hồn mới là tia sáng thiêng liêng tỏa ra từ Ngài như Mặt trời vậy. Vì là sự thể hiện ra bên ngoài của chính Ngài, nên các hồn, cùng với vũ trụ, đều là śakti của Ngài.

      Tuy từ Chúa sinh ra và lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa trong tương quan tớ chủ, nhưng vì sinh ra do Màyà- śakti, nên hồn bị Màyà trói buộc, do đó quên mất bản tính thần thánh và nguồn gốc cũng như nền tảng của mình. Nguồn gốc và nền tảng ấy chính là Chúa, vì các hồn thoát ra như tia sáng từ chính Ngài. Tuy là pháp năng tùy phụ của Ngài (taṭastha - śakti), nhưng hồn thiêng liêng được tham dự vào Hạnh năng (hlādinī- śakti) và Tri năng (Saṃvit śakti). Hồn không phải là thể xác, nhưng con người do thể xác còn bị hấp lực của vật chất lôi kéo nữa.

      Màyà- śakti là của Chúa, nên Chúa điều khiển Màyà và qua Màyà điều khiển các hồn. Tuy Chúa sinh ra vũ trụ và các hồn cũng như điều khiển mọi biến hóa, nhưng chính Ngài thì lại nằm yên, bất biến.

      Linh mục Hoành Sơn HOÀNG SỸ QUÍ
      Sđd. TRIẾT SỬ ẤN ĐỘ, nxb Phương Đông, 2015; trang 432 & 433
      --------------------------------------------------------------- -----------------------
      (1) Śaṅkara (788-820) tên tôn kính là Śaṅkarāchārya, một trong các đại thánh sư lỗi lạc của triết phái Vedānta.

      Tây đô, May 19th 2018, một buổi chiều nắng nhẹ
      ĐKP
      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân