TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hoa anh đào và mùa Xuân Nhật Bản
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hoa anh đào và mùa Xuân Nhật Bản

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Apr 04, 2018 11:46 pm    Tiêu đề: Hoa anh đào và mùa Xuân Nhật Bản

Hoa anh đào và mùa Xuân Nhật Bản

Hoa anh đào Sakura Someiyoshino còn đọng sương rơi. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nhật Bản có bài hát dân ca thường được người Nhật hát mỗi dịp Xuân về, vào mùa hoa anh đào nở. Giai điệu của bài hát cũng cho người nghe thoáng qua biết ngay được đây là một giai điệu đặc biệt của xứ Phù Tang hát về một loại hoa mà người Nhật rất tự hào – hoa anh đào.

“Sakura Sakura

Noyama mo sato mo

mi-watasu kagiri

kasumi ka kumo ka

asahi no niou

sakura sakura

Hana zakari”

“Trên núi dưới quê*

Hoa anh đào nở

Không gian như thể

Sương mờ hay mây

Thơm nhẹ ban mai

Chỉ vì đóa hoa

Anh đào đang nở”

Tìm hiểu về xuất xứ, người ta tin rằng cây anh đào nguyên thủy được mọc lên từ khu vực dãy núi Hymalayas. Sau đó cây mọc lan đi khắp mọi nơi phía Bắc Bán Cầu, trong đó có Nhật Bản.

Từ thế kỷ thứ 5, cây anh đào đã được vun trồng tại làng Yoshino thuộc cố đô Nara Nhật Bản, nên lúc đó người Nhật đặt tên cho cây là Yoshino. Tuy nhiên, loại cây Yoshino này lại được đem về trồng tại làng Somei của tỉnh Toshima và trở thành nổi tiếng.



Vì thế vào đầu thế kỷ 20, người Nhật mới đặt tên lại cho cây anh đào là Someiyoshino để chỉ về cây có loại hoa đào năm cánh màu trắng, có nhuốm chút màu hồng ở gần nhụỵ hoa. Màu hồng này dần dần lan tỏa ra phía đầu cánh hoa khi hoa nở rộ, tạo ra hình ảnh những hàng cây anh đào trắng và hồng nhạt xen kẽ lẫn nhau nở trông rất đẹp mắt.

Someiyoshino là loại cây anh đào có chiều cao từ 5 mét đến 12 mét. Cây cho ra hoa trước rồi mới ra lá. Thường thì từ lúc hoa nở rộ cho đến lúc tàn chỉ khoảng một tuần lễ. Tuy nhiên, tùy theo độ lạnh của thời tiết mà đời sống của hoa kéo dài thêm.

Mỗi khi cơn lạnh đổ về, hoa thường ngưng nở và tiếp tục nở khi cơn ấm dần lên. Tuy họ hàng “cây đào” có nhiều loại khác nhau như lý đào, thu đào, sơn đào, bát trọng đào,... nhưng có lẽ chỉ có loại hoa anh đào (Someiyoshino) mới tạo ra một nguồn cảm hứng cho người dân Nhật Bản vì lẽ họ cảm nhận được tất cả các nét đẹp thoáng qua trong đời sống của loại hoa này.

Thời tiết ở Nhật, mùa Thu trên đảo Honshu đến vào Tháng Mười. Đây cũng là lúc lá cây anh đào bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng úa và Tháng Mười Một, mùa lá bắt đầu lìa cành. Mùa Đông đến vào Tháng Mười Hai, cây anh đào chỉ còn trơ trọi toàn cành là cành, không một lá anh đào nào ở lại với cây. Cây bắt đầu vào giấc ngủ Đông.



Nhưng khi tiết trời mùa Đông giá lạnh bắt đầu ấm dần lên đợi chờ tiết trời mùa Xuân đến. Đây là khoảng thời gian cây anh đào thức giấc! Hoa bắt đầu đâm chồi nở nhụy sau hơn bốn tháng chìm trong giấc ngủ Thu Đông. Các chồi hoa anh đào (thường thì có đến năm hay sáu nụ hoa) bắt đầu nhú lên dần từ trong một chụm gốc hoa. Nụ hoa thường mang sắc màu hồng hơi đậm, bên ngoài được cuống hoa xanh tươi ấp ủ. Thời gian để nụ hoa nở mãn khai tùy theo độ ấm lạnh của thời tiết như đã nói ở trên.

Với tôi, hoa anh đào nở rộ rất đẹp vào lúc tiết trời ấm, nhưng có lẽ hoa nở đẹp nhất khi không gian vẫn phải còn chút lành lạnh vương vấn ở tiết trời. Những hạt sương sớm vẫn còn đọng trên cánh hoa trắng hồng mỏng manh như làn tơ, lúc đó cánh hoa tươi tắn lạ thường khiến cho người xem ngây ngất trước vẻ đẹp của từng chùm anh đào đang nở. Lúc đó người thưởng ngoạn mới thấm hết ý nghĩa “Hoa anh đào nở/ Không gian như thể/ Sương mờ hay mây! ”


Cánh hoa anh đào dưới cội cây. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Hoa anh đào chỉ có năm cánh bao quanh nhụy vàng cuống hồng đậm tạo cho người thưởng ngoạn cảm nhận được sự mỏng manh của hoa. Sau khi hoa nở mãn khai, các cánh hoa thường chỉ lưu lại ở nụ hoa vào khoảng 7 đến 10 ngày. Những cánh hoa lúc này chỉ đợi những cơn gió Xuân thổi đến, cánh hoa sẽ nương theo làn gió tung bay vào không gian và trở về yên nghỉ dưới cội hoa. Không gian hoa đào lúc này chắc hẳn là tuyệt đẹp, chẳng thế mà nhà thơ Phạm Thiên Thư đã từng mơ rằng, “Mai anh chết dưới cội đào. Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu.”

Thần đạo vốn dĩ là một tôn giáo dân gian đã thẩm thấu vào tâm thức của dân tộc Nhật Bản. Họ tin rằng chung quanh họ đâu đâu cũng có thần hiện diện. Nụ hoa cũng có thần, cánh hoa cũng có thần. Cánh hoa tung bay trong gió cũng do thần làm đẹp cho đời sống.

Trước thế kỷ 12, tinh thần võ sĩ đạo đã tiềm tàng trong văn hoá xứ Phù Tang. Qua thế kỷ này, Minamoto, một vị tướng quân đã thiết lập ra chế độ chiến binh samurai nhằm để bảo vệ chế độ Mạc Phủ. Vị tướng quân này đã tạo ra một “văn hóa samurai” trong xã hội Nhật từ thời đó.

Để trở thành một chiến binh samurai, người lính đó phải hội đủ ba yếu tố: trung thành, danh dự, và can đảm. Trải qua thời gian, giai cấp chiến binh samurai lớn mạnh theo phò các tướng quân và lãnh chúa. Họ luôn luôn phải đối diện với mọi sự bất trắc xảy ra cho chính mạng sống của họ bất cứ lúc nào.

Sống giữa những bất trắc mất còn chỉ trong nháy mắt đó, họ cảm nhận được nét đẹp tương đồng giữa họ và đời sống đóa hoa anh đào. Họ cảm nhận được sự phù du trong cõi vô thường của Phật Giáo. Họ đã nhân cách hóa đời sống của hoa anh đào vào trong đời sống chiến binh samurai của họ và có lẽ cũng là một yếu tố tạo ra sự can đảm để họ xem thường sự chết. Khi sống thì họ cũng phải sống đẹp như cái đẹp lúc hoa anh đào nở mãn khai giữa không gian đất trời.



Nếu có phải chết, họ sẽ chọn cái chết đẹp như khi cánh hoa anh đào tung bay trong gió. Những người chiến binh samurai Nhật Bản đã qua đi theo chiều thời gian lịch sử cả hai trăm năm nay, nhưng ảnh hưởng tinh thần của “Zen bushido/ Thiền-võ sĩ đạo” của ngày xưa vẫn còn bàng bạc trong tâm thức người Nhật đến thế kỷ 20.

Thế kỷ 19, thế giới chứng kiến cảnh Shogun Tokugawa Yoshinobu (Đức Xuyên Khánh Hỷ), vị tướng quân thứ 15 của triều đại Mạc Phủ Tokugawa đã không màng đến danh lợi và triều đại Mạc Phủ, vì sự sống còn của đất nước Phù Tang, ông đã quyết định trao trả quyền hành về Minh Trị Thiên Hoàng. Một hành động mà không phải ai cũng làm được.

Minh Trị là vị thiên hoàng có công rất lớn với đất nước Phù Tang, nhưng chính ông cũng là người đã dùng thần đạo để tạo ra một tầng lớp quân đội Thiên Hoàng tuyệt đối vâng lệnh của thần, có nghĩa là người dân và quân lính phải tuyệt đối vâng lệnh thiên hoàng vì ông là thần sống để cai trị đất nước Phù Tang. Nhưng từ đó cũng là một nguyên nhân đã xảy ra những thảm họa vào thế kỷ 20 do quân đội thiên hoàng gây ra cho các nước lân bang dưới sự chiếm đóng của họ.



Tuy hoa anh đào không phải là biểu tượng cho Nhật Bản, nhưng ảnh hưởng đời sống của hoa đã gần như được khắp mọi nơi xem như là hình ảnh của nước Nhật suốt từ thế kỷ 19. Trong Thế Chiến Thứ II, phi đội Thần Phong đầu tiên của quân đội Thiên Hoàng được đặt tên là Yamazakura (sơn đào). Các phi công thường ví đời sống của họ vô thường như cánh hoa anh đào. Vì thế, những viên phi công đó thường hay sơn vẽ hình ảnh hoa anh đào lên thân chiếc phi cơ của mình. Đời sống của họ dành cho thiên hoàng, họ sống cho thần, sống cho thiên hoàng. Họ hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ thần. Thần ra lệnh chết, họ sẵn sàng nghe lời thần để chết.

Từ cổ chí kim, từ ngàn xưa cho đến ngay cả ngày hôm nay, nhân loại đều đã được chứng kiến những sự cực đoan của những người mang ảo tưởng của lý tưởng dân tộc, của chủ nghĩa, và của những người đội lốt “nhân danh tôn giáo” đã và đang dẫn dắt nhân loại đến địa ngục chiến tranh. Quân đội thiên hoàng trước 1945 cũng không thoát khỏi vết xe lịch sử đó.

Chỉ sau thất bại Thế Chiến II, “Thần Đạo Thiên Hoàng” đã lui vào bóng tối để “Thần Đạo Nhân Bản” đích thực xuất hiện lại trên đất nước Phù Tang. Trong chuỗi lịch sử của xứ Yamato, hoa anh đào lại bắt đầu đâm chồi nở nhuỵ kể từ sau 1945. Thua trận, người dân Nhật đã thay đổi tư duy của họ, họ biết nhìn lại đời sống giữa họ và thế giới. “Thần Đạo Nhân Bản” đã dạy cho họ một đời sống biết tương kính với vạn vật chung quanh, họ tương kính cả với một hòn đá lẫn một cành hoa, tôn kính cả với cha trời mẹ đất.


Hoa anh đào và núi Phú Sĩ trên công viên Hòa Bình. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ngày nay đến Nhật, bạn có bao giờ thấy hình ảnh một người dân Nhật víu bẻ cong một cành cây hoa anh đào xuống để làm dáng chụp hình đẹp cho mình. Bạn có bao giờ thấy hình ảnh một người Nhật nào tự “rung” một cành anh đào để làm hoa rụng và lấy cảnh hoa rụng đó làm sự thỏa mãn cho chính họ. Bạn có bao giờ bắt gặp một nhóm người Nhật đứng nói cười ầm ĩ giữa nơi công cộng, bạn có bao giờ bắt gặp một người Nhật ném điếu thuốc lá thừa xuống đất giữa nơi đường phố.

“Thần Đạo Nhân Bản” tự trong tâm thức đã dạy cho họ biết tôn trọng và tương kính tha nhân, nhưng dĩ nhiên họ không dễ dàng để cho người khác bắt nạt được họ. Người ta có thể đánh giá sự văn minh, văn hóa, và dân trí của một đất nước qua những hành động vô ý thức của người dân xứ đó. Tôi đã từng đọc những bản tin về những hàng cây anh đào mà nước Nhật đã gửi đến Hà Nội. Người dân Hà Nội “yêu quý” hoa anh đào đến độ họ không đến ngắm hoa mà họ chỉ đến “rung” hoa, bẻ cành. Kết quả chỉ trong hai ngày, vườn hoa được “giải phóng! ” Ôi. Còn đâu điểm văn hóa Hà Thành thuở xa xưa cũ!

Từ cuối thế kỷ 19, người dân Nhật đã biến mùa Xuân anh đào nở thành một lễ hội “ngắm hoa anh đào nở” được gọi là “Hanami.” Trong suốt tuần anh đào nở là những ngày lễ hội, bạn bè gia đình tụ tập về dưới cội hoa đào ăn uống chuyện trò. Họ cũng tạo ra một nếp văn hoá mà nhiều xứ khác đang dần dần bắt chước.

Những thế hệ tiếp nối của xứ sở Phù Tang vẫn còn thấm nhuần nét đẹp văn hóa tinh thần “hoa anh đào nở” mà cha ông họ đã để lại. Từ thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 thế giới đã chứng kiến sự bại trận tang thương và thảm họa thiên tai của Nhật Bản. Tất cả những thảm họa đó đã đổ ập xuống người dân Nhật, nhưng họ đã tự đứng lên và đùm bọc lẫn nhau. Điều gì đã làm cho người Nhật nối kết với nhau, xem sống chết nhẹ nhàng như thế! Người ta chỉ có thể trả lời được qua hình ảnh “đời sống hoa anh đào.”



Một cây anh đào cho dù nở nhiều hoa đến đâu chăng nữa, không gian của một cây anh đào không thể nào đẹp đẽ được. Nhưng khi bạn nhìn thấy một rừng cây anh đào nở thì bạn thưởng ngoạn được cả một không gian trắng hồng đẹp đẽ lạ thường. Càng đẹp hơn nữa vào lúc một ngọn gió Xuân thổi nhẹ vừa đủ làm các cánh hoa chia tay với cành, chúng bay trong gió như những làn bông tuyết trắng.

Đời sống đẹp của hoa anh đào đã từng làm cho Thiền Sư Saigyo nổi tiếng Nhật Bản nguyện ước:

“Nguyện ước của tôi*

Được nằm yên nghỉ

Dưới cội anh đào

Vào đêm trăng rằm

Giữa tháng mùa Xuân.”

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel


(*Các bài thơ trong “3000 thế giới thơm” của Nhật Chiêu)

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân