TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 50 năm đọc lai "Ý Thức Mới ..." của Phạm Công Thiện
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

50 năm đọc lai "Ý Thức Mới ..." của Phạm Công Thiện

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue Feb 13, 2018 8:35 am    Tiêu đề: 50 năm đọc lai "Ý Thức Mới ..." của Phạm Công Thiện



50 năm đọc lại "Ý thức Mới... " của Phạm Công Thiện


      50 năm đọc lại “Ý Thức Mới... ” của Phạm Công Thiện

      Thật ra, sau tháng 4/1975 cho đến bây giờ còn mấy ai nhớ nghĩ về những năm tháng thủa xưa nữa, chứ nói chi là văn nghệ và triết học! Biết bao những khổ nạn, khó khăn vây phủ bốn bề. Lo kiếm cái ăn thôi cũng đủ già và cằn cỗi. Những người may mắn thì ra được nước ngoài, kẻ không may ở lại với anh chị em ai cũng nghèo, cha mẹ lại già yếu; mạnh ai nấy lo; chưa kể con cái còn nhỏ quá phải lo toan. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm và bây giờ... hơn bốn mươi năm rồi! Khiến mình nhớ lại bài thơ sau của Vũ Hoàng Chương (1916-1976):

      Ta còn để lại gì không
      Kìa non đá lở nọ sông cát bồi
      Lang thang mấy độ luân hồi
      U minh nẻo trước xa khơi dặm về
      Trông ra bến cả bờ mê
      Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
      Ta van cát bụi cát bụi bên đường
      Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

      Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi được thấy cuốn sách này của Phạm Công Thiện là những ngày tháng cuối niên học lớp đệ Nhất (1965-1966) trường Duy Tân. Khi ấy một bạn học cùng lớp, tôi nhớ mãi tên và họ, ĐÀNG THỊ GIỎI. Bạn Giỏi vừa mới mua cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết học của Phạm công Thiện từ hiệu sách Tao Đàn, đối diện với Tòa Hành chánh tỉnh Ninh Thuận, trong giờ ra chơi. Giỏi thấy tôi thích sách nên nói: Phụng cứ mang về đọc đi, khi nào trả cũng được. Quí lắm thay! (Bây giờ không biết Giỏi đang ở phương trời nào!)

      Mới mở ra ở trang đầu, tôi đã ngây ngất với những dòng sau đây của PCT:

      “Nha Trang, tháng 6 năm 1963
      Huy,
      Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ quên được đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon.
      Hình ảnh đau buồn lặng lẽ ấy đã ám ảnh tôi suốt những đêm dài âm u ở vùng biển xanh. Tôi vẫn không quên được một tối cùng ngồi với Huy nơi một quán rượu bên bờ sông Saigon. Đêm ấy, trời làm mưa, trời làm gió... Mưa phủ kín hết những chiếc tàu. Mưa phủ hết những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ... ”

      Rồi sau đó tôi tìm đọc tác phẩm “Ngày Vui Qua Mau” của Tuấn Huy, vì PCT có ghi chú: Bức thư trên đã làm lời Tựa mở đầu cho cuốn tiểu thuyết đó.

      Đấy, lúc ấy mình chỉ biết có thế thôi, còn 17 bài PCT viết về các loại Ý Thức thì mình... chào thua! Ông thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, trí nhớ tốt và đọc quá ư rất nhiều tác phẩm nước ngoài từ thơ, văn đến biên khảo triết học... Mình chỉ là cậu học sinh sắp sửa đi thi Tú tài toàn phần, với vốn Anh ngữ như lá mít chứ nói chi Pháp ngữ (sinh ngữ II)! Suốt đêm đọc xong cũng chẳng biết mô tê gì, thế là sáng hôm sau mình trả ngay cho Giỏi!

      Thời gian sau đó qua mau, vào đại học đọc lại cũng chỉ “nuốt” được những gì ông viết về văn chương, chứ về triết Tây phương và Thiền Zen Nhật Bản thì chưa “nuốt trôi”. Chỉ biết kính phục PCT mà thôi. Rồi lệnh tổng động viên cuối năm 1968 vào quân ngũ, ra trường năm 1969 may mắn làm việc tại Saigon. Từ 1969 đến 1973 vừa làm việc vừa tiếp tục học văn khoa. Nhưng công việc nhà binh tuy ở văn phòng (tức không ra chiến trường) nhưng phải xuôi ngược công tác liên miên cùng với bài vở nhà trường, còn thời giờ và tâm trí đâu mà đọc thêm các sách mới ra! Sau hiệp định Paris 1973 đổi về Cần Thơ; rồi... tháng 4/1975... rồi HTCT (brain washing)... rồi không may mắn chương trình HO (thiếu tháng!)... vân vân và vân vân... cho tới bây giờ! 43 năm!

      *************************
   
 Giờ đọc lại “Ý Thức Mới... ”, mua được mấy hôm nay như đã nói (cộng với ba cuốn nữa), cảm tưởng ra sao? Tới cái tuổi gần 60 rồi thì phải khác xa với tuổi trẻ của thời học sinh và sinh viên nên đâu còn “mơ mộng” “thao thức” “suy tư” “trầm tư” hay “ngồi đâu đó một mình âm thầm nơi quán nhỏ suy tưởng về tương lai, về cuộc đời ”... nữa; chứ nói chi tuổi 71, 72 bây giờ!

      Có lẽ PCT cũng thế, vì qua tuổi 50 ông chuyển sang viết về TU HÀNH (xin xem: Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Im Lặng (1994) hay Những Lời Dạy của Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ Atisa Lúc Truyền Đạo Phật vào Tây Tạng; Viên Thông, California, USA, 1998 và Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương; Viên Thông, California, USA, 1998).

      Những nơi ông sinh sống là ở các nước Tây phương, chủ yếu là Hoa Kỳ, cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng ở Houston, Texas ngày 08-3-2011 – chưa đầy 70 tuổi - với đời sống tinh thần hoàn toàn thoải mái (nói theo nghĩa tự do) và cuộc sống vật chất coi như rất đầy đủ so với quê hương mà ông đã bỏ ra đi từ 1970. Thế nhưng tôi nghĩ ông vẫn mãi mãi tuyệt đối tin vào PHÉP LẠ; tôi tin vào phép lạ như ông đã khẳng định; tức là ông vẫn cầu nguyện như tôi hay bất kỳ ai cũng vậy trên cõi đời này. Khi khổ đau luôn nghĩ về Đấng Tối Cao, Đấng Chí Tôn, Đấng Linh Thiêng Cao Cả của Muôn Loài, Đấng Toàn Năng Trí Tuệ & Trắc Ẩn, Cha của Chúng Con ở trên Trời; hay Brahman, A-Di-Đà, Jehova, Allah hay bất cứ thánh danh nào như Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Quan Âm Bồ Tát, Mẹ Kali, Mẹ Maria v. v.. và v. v..

      Tôi yêu mến Phạm Công Thiện không phải vì tài năng dị thường của ông mà là CON NGƯỜI CHÂN THẬT KHÔNG GIẤU GIẾM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ VỀ MÌNH. Không chỉ trong các sách xuất bản ở quê hương những năm từ 1966 đến 1970, mà nếu đọc các tác phẩm viết sau này ở nước ngoài của ông quí bạn sẽ thấy điều đó. Câu sau đây chứng tỏ ông là con người như vậy: “Nếu trên đời này không có đàn bà thì Thầy đã thành Phật từ lâu rồi. ” khi ông nói với người học trò cũ mến mộ ông. Thử hỏi từ cổ chí kim có ai dám bộc lộ như vậy không?

      Có lẽ chính vì sự chân thành như thế nên có thể ông – bằng một bí ẩn nào đó - đã hòa nhập làm MỘT với Đấng Tối Cao như các vị thuộc dòng tu HESYCHASM của Chính Thống Giáo (Orthodox Church) đã nói. Ngay cả PLATO (427-347) mà còn nói:

      “Tìm biết được Đấng Sáng Tạo, cha chung của toàn thể vũ trụ vạn vật này, là một công việc rất khó khăn, và một khi đã nhận biết được Ngài thì cũng chẳng thế nào thông tri cho mọi người được. ”

      Tóm lại, những gì của Phạm Công Thiện còn lại trong tôi không phải là những gì ông viết mà là những ẨN NGỮ của ông rải rác đâu đó trong toàn bộ các tác phẩm của ông, từ bài thơ sau đây khi còn rất trẻ:

     Tôi đi đông chìm
      Trời âm u thung lũng khô
      Nhiều mây chim bay không nổi
      Tôi đi dưới kia sụp đổ
      Núi Cấm nổ tôi ra
      Cửu Long ca từ Tây Tạng
      Tôi về tôi hiện
      Đèn tắt trời gió tắt trăng
      Chim lạ kêu tiếng người
      Hố thẳm ra đời
      Tôi bay trên biển.

      Cho đến lúc đã về gần tuổi 60:

      “Những quyển sách tồi tệ nhất về Phật Giáo gọi là những công trình “uyên bác”, tập tành sử dụng những phương pháp học thuật khảo học của những nền nhân văn Tây phương hiện đại và “hậu hiện đại”; nông cạn sử dụng một mớ ý niệm Triết học và Sử học hay Xã hội học hoặc Chính trị học hay Phân tâm học hay Ngôn ngữ học hoặc Nhân chủng học của Tây phương, những nền học thuật hiện đại của Tây phương đang sụp đổ và bị lung lay nền tảng ; nông cạn sử dụng những học thuật đang bị phá sản ấy để xuyên tạc những điều giản dị chính yếu nhất mà ngay một chú tiểu mới tu ở chùa cũng đã thể nhập thông đạt một cách trong trắng và thần diệu. ” (xin xem “Tinh Túy Trong Sáng của Đạo Lý Phật Giáo”, nxb Viên Thông, California, USA 1998; trang 108)

      Quí bạn hãy để ý ba tự-ngữ HẬU HIỆN ĐẠI mà ông đặt trong dấu “... ”. Tôi sẽ trở lại một dịp nào đó về chủ nghĩa hậu hiện đại (tiếng Anh: Postmodernism) nếu Ơn Lành...! Đây là một học thuyết (hay chủ nghĩa cũng vậy) lên án gần như muốn phá bỏ chủ nghĩa NỀN TẢNG (tiếng Anh: Foundationalism). PCT đã nói từ năm 1998. Đến nay là 20 năm ở VN bây giờ một số tu sĩ Phật giáo khoa bảng tuổi đời chưa tới 50 thuyết pháp đang có mùi “hậu hiện đại”!

      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न
      Tây đô, 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu
      (Feb. 13th 2018; 07: 15 PM)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân