TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nước uống và Sức khỏe
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nước uống và Sức khỏe

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Sat Jan 27, 2018 12:47 am    Tiêu đề: Nước uống và Sức khỏe

Nước uống và Sức khỏe


Nước rất cần cho cơ thể, để duy trì sức khỏe tốt, dung dịch chất lỏng đưa vào và thải ra khỏi cơ thể cần phải được cân bằng. Mỗi ngày cơ thể tiêu thụ khoảng 2.5 lít chất lỏng trong các loại nước uống và trong thực phẩm nhất là rau, trái cây. Ðồng thời có chừng 1.5 lít nước mất đi qua nước tiểu, mồ hôi, hơi thở... nên số lượng này cần cung cấp bù vào.



Điều hòa nước

Nước cần được liên tục ra vào cơ thể dưới một số chế độ điều hòa:

    1. Khát nước là dấu hiệu báo động sự thiếu và cần nước của cơ thể.

      Trung tâm điều hòa cảm giác khát nằm ở bộ phận hypothalamus trong não bộ và giữ vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng nước trong cơ thể.

      Bình thường, ta uống nước khi cảm thấy khát. Lý do là khi nước xuống thấp, khối lượng máu giảm theo, nồng độ natri hơi nhích cao, trung tâm được kích thích khiến ta thấy khát và tìm nước hoặc chất lỏng khác để uống.

    2. Nước miếng không tiết ra khiến miệng khô cũng là một kích thích để uống nước.

    3. Khi nước giảm, kích thích tố chống tiểu tiện (Antidiuritic hormone, ADH) được tuyến yên tiết ra nhiều hơn, thận sẽ tái hấp thụ nước trở lại máu. Ngược lại khi có nhiều nước thì kích thích tố ADH ít đi, thận tăng tốc độ bài tiết nước dư.

    4. Một số bệnh về thận hoặc bệnh nội tiết cũng ảnh hưởng tới sự thăng bằng nước.

Các cơ quan điều hòa này đôi khi cũng gặp trục trặc, nên tình trạng khô nước (dehydration) với hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là ở trẻ em, người cao tuổi và các vận động viên thể thao.

Ngoài ra, khi natri thải ra nhiều sẽ kéo theo nước và đưa tới khô nước. Ngược lại hàm lượng cao của natri trong cơ thể sẽ giữ nước lại, làm cơ thể sưng phù hoặc tăng huyết áp.

Uống nước quá nhu cầu cũng đưa tới tình trạng ngộ độc nước (Water intoxication). Chẳng hạn khi bớt béo phì theo chế độ giảm ăn và tăng uống nước, thận không kịp bài tiết nước, nước xâm nhập tế bào, làm mất thăng bằng muối khoáng. Các chức năng tế bào đình trệ, đưa tới kinh phong, hôn mê và có thể chết người.



Uống nước đầy đủ

Như đã trình bày ở trên, trong điều kiện bình thường, mỗi ngày ta mất đi chừng 1.5 lít nước. Ðể cho cơ thể hoạt động tốt, nhiều chuyên gia khuyên là cần uống vào một lượng nước từ 1.5 tới 2 lít, nghĩa là từ 6 tới 8 ly nước một ngày, mỗi ly khoảng 250 ml. Nuớc có thể từ chất lỏng ta uống hoặc từ thực phẩm ta ăn.

Ðây cũng chỉ là lời khuyên tổng quát. Vì nhu cầu nước của cơ thể còn tùy thuộc cấu trúc và sinh hoạt của mỗi người, vào thời tiết và loại thực phẩm ta ăn.

Nói một cách tổng quát thì phải uống nươc khi cơ thể cần. Uống nhiều hơn khi bệnh có sốt cao, mất nước, khi thời tiết nóng, đổ mồ hôi nhiều, khi tập dượt cơ thể, khi bị ói mửa hay đi tiêu chảy...

Nước có ở khắp mọi nơi và ta chỉ việc muốn uống là có đủ số lượng chất lỏng cần thiết cho một cơ thể lành mạnh. Ăn cơm đều đặn với các món ăn khác nhau cũng mang đến một số nước đáng kể. Thức ăn quá mặn, nhiều muối nên ta lại càng phải uống nước nhiều hơn cho cân bằng.

Nước lạnh mau được dạ dày và ruột hấp thụ hơn nước nóng ấm.

Nước uống có thể là nước máy, nước chưng cất hay nước đã vô chai, sữa, nước trái cây, nước súp... các chất lỏng như rượu mạnh, bia không được xếp vào nhóm nước uống. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các thức uống như cà phê, trà lúc mới uống có thể làm thỏa mãn cơn khát, nhưng lại có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể thải ra nhiều nước hơn.

Người bị bệnh sạn thận mà uống nhiều nước cũng giúp sạn ít tái phát. Bệnh nhiễm độc đường tiểu tiện cũng mau lành nếu uống nước nhiều, như một cách để đẩy vi khuẩn ra ngoài.

Khi uống thuốc trị bệnh cũng cần tăng lượng nước uống để thuốc được dễ dàng hấp thụ đồng thời giảm kích thích khó chịu cho miệng và bao tử. Nên cẩn thận với các loại thuốc nhuận tràng vì để phẩn mềm, dễ đại tiện, chúng làm ruột thu hút nhiều nước của cơ thể.



Uống nước

Sáng ngủ dậy làm một ly nước lạnh, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể sau một đêm không được ngụm nước nào. Ðừng quá tin ở ly cà phê buổi sáng vì cà phê làm lợi tiểu, mất nước của cơ thể.

Năm phút sau khi uống là nước đã rời khỏi bao tử. Cho nên có nhiều chuyên gia khuyên là chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc hai giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn. Họ giải thích là uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị bao tử xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ.

Uống nước chia ra làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Uống nước khi có cảm giác khát cũng là một kỹ thuật cần được lưu ý. Lúc khát ít, miệng hơi khô, chỉ nhấp một chút nước đã thấy bớt khát. Khi thiếu nhiều nước, cảm giác khát mạnh hơn, đòi hỏi phải có nước vào bao tử ta mới bớt khát.

Thường thường, sau khi uống được 15 phút thì mới thấy đã cơn khát, nên nhiều người đi trong trời nắng nóng về khát quá, thấy nước là vội vàng uống cả mấy ly lớn một lúc, đầy cả bao tử. Tốt nhất là nên từ từ uống từng ngụm một để cho nước có thì giờ thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Quý vị hay thức giấc tiểu đêm khó ngủ thì uống nhiều trong ngày, giảm dần rồi từ 5 giờ chiều, chỉ nhắp chút ít cho khỏi khô miệng.

Ngoại trừ những khi tập dượt hay làm việc nặng nhọc, đổ mồ hôi mất nhiều muối khoáng cần phải bổ túc, không nên uống quá nhiều “nước thể thao” (được cho thêm muối khoáng) để tránh mất thăng bằng giữa khoáng chất và nước trong cơ thể. Nên chia ra uống trước, trong và sau khi tập thể thao, thể dục, đừng đợi đến lúc cơ thể thấy khát cháy rồi mới uống thật nhiều.

BS Nguyễn Ý Đức

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân