TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - The Baltic
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

The Baltic

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Dec 14, 2017 12:45 am    Tiêu đề: The Baltic

The Baltic?


Trên trang giấy thứ ba trong cuốn sổ tay của Dế Mèn có chữ “Baltic” đi kèm với ba dấu chấm hỏi, “Baltic??”, ghi ngày 16 tháng Tư, năm 2007. Câu chuyện bắt đầu từ lần giao tiếp với người đồng sự làm việc tại chi nhánh Nga, công ty không có văn phòng trong vùng Baltic nên ông ấy bao giàn luôn, từ Nga đến Baltic. Người bạn giải thích rất lâu về cách sinh hoạt ở nơi ấy nhưng mãi đến nay, nỗi thắc mắc về “Baltic region” mới giảm được một nửa sau mấy tuần lễ đi loanh quanh ở vùng đất ấy.

Danh từ “Baltic region”, “Baltic Rim, và “Baltic Sea countries” được sử dụng theo nhiều nghĩa, từ tên gọi chung cho các quốc gia nằm bên bờ biển Baltic bao gồm Ðan Mạch (Denmark), Estonia, Latvia, Phần Lan (Finland), Ðức, Lithuania, Ba Lan (Poland), Nga (Russia), và cả Thụy Ðiển (Sweden). Báo chí ngày nay dùng danh xưng “Baltic states” để gọi chung ba quốc gia Estonia, Latvia, và Lithuania; ngoại trừ một phần lãnh thổ của Lithuania bị xén ra và đặt tên “Kaliningrad Oblast of Russia”. “Baltic states”, “Baltic countries”, “Baltic republics”, hay ngắn gọn: “the Baltic” là ba quốc gia nằm trên phía bắc Âu Châu, mỗi quốc gia gọi tên theo ngôn ngữ riêng: Estonian: Balti riigid, Baltimaad; Latvian: Baltijas valstis; Lithuanian: Baltijos valstybes.

Ðất đai bị thay tên đổi họ theo lịch sử và thời gian nên vùng đất xanh mướt mắt Baltic cũng đã thay khá nhiều áo. Trong bài du ký ngắn ngắn này, Dế Mèn chỉ đề cập đến vùng Baltic với ba quốc gia Estonia, Latvia, và Lithuania với ngôn ngữ khác biệt dù cách sinh sống khá tương đồng.



Sơ lược về lịch sử vùng Baltic: Di tích cho thấy con người đã có mặt tại vùng Baltic từ 10,000 năm trước Công Nguyên nhưng đến 3,000 năm trước Công Nguyên mới có dấu vết của tổ tiên những người Baltic ngày nay. Sinh sống bằng nghề săn bắn và chài lưới, tộc Finno-Ugrians (tổ tiên người Phần Lan và Estonia ngày nay) là những người đầu tiên từ Á Châu đến Âu Châu. Khoảng một ngàn năm sau (năm 2,000 trước Công Nguyên) thì bị tộc Indo-European (mang theo nghề canh tác) đuổi đánh, xâm chiếm đất đai. Các bộ tộc Finno-Ugrians và Indo-European pha trộn và trở thành cư dân trên miền đất ấy.

Những thế kỷ đầu Công Nguyên, các bộ tộc bắt đầu hình thành dựa trên hình thể địa lý thiên nhiên, người miền núi (Aukstaitjans), người đồng bằng (Salmogitians) sinh sống tại phía đông và tây lãnh thổ Lithuania; người Curonians sinh sống dọc theo bờ biển; người Prussia sống dọc theo bờ sông Nemunas; người Zemalians sống tại trung tâm Latvia và Selonians sống ở phía đông Latvia. Người Baltic thủa ấy thờ phượng các hiện tượng trong thiên nhiên, họ tin rằng Trời Ðất, Mặt Trăng, Mặt Trời, sấm sét... là thần thánh; cây cối cũng như thú vật đều có linh hồn... hay “Paganism”, tạm dịch là đạo thờ “Thiên Nhiên”.

Ðến thế kỷ XI, các bộ tộc kể trên bắt đầu phát triển, mở rộng đất đai sinh sống dọc theo bờ biển, từ Klaipedas đến St Petersburg ngày nay. Dù không được sách vở ghi chép nhưng các di tích cho thấy đã có sự giao thương, đổi chác giữa các bộ tộc này với Thụy Ðiển và Ðức qua đường biển và với Nga theo đường bộ. Sách vở Ðức và Thụy Ðiển ghi chép về người Baltic như các hải tặc giỏi nghề đóng thuyền và vô cùng hung ác!


Mùa đông tại Tallinn (thủ đô của Estonia). nguồn: valuenomad.com


Buôn bán với người Âu ở phía tây nên vùng Baltic nhanh chóng được (bị?) các nhà truyền đạo hăm hở đòi khai sáng, xuất cảng tôn giáo sang vùng đất mới. Sau bao nhiêu năm bị cự tuyệt, người Baltic giữ chặt niềm tin của mình, vẫn tiếp tục duy trì các tập tục theo đạo thờ thiên nhiên; năm 1198, Giáo Hoàng Innocent Ðệ Tam cử đội quân Thập Tự (Crusaders), vác thánh giá và đao kiếm sang Baltic, theo kiểu mẫu “dỗ” không xong thì “dạy” cho một bài học nên thân! Nhóm Teutonic Knights (gốc Ðức) vâng lời Hội Thánh La Mã đánh chiếm các vùng đất Baltic, dùng Riga làm bản doanh để tiến quân. Người Ðức bảo nhau “Drang nach Osten” (“Ðông Tiến”) và câu nói ấy được hãnh diện lặp lại để khích động quân đội Nazi trong Thế Chiến II. Chiếm được đất đai, đội quân Thập Tự thành lập vùng Livonia (bao gồm lãnh thổ Latvia và một phần của Estonia ngày nay), đặt thủ đô tại Riga. Từ đó, Livonia chịu sự cai quản của Hội Thánh La Mã.

Quân đội thắng trận đi đến đâu thì thương nhân theo chân đến đó buôn bán làm giàu. [Ấy là chuyện ngày xưa, người ta dùng quân đội để chiếm đất giành dân cướp tài nguyên; ngày nay thì nhờ các tay ngoại giao đi trước thương thảo, lập hiệp ước rồi thương nhân theo sau mua bán?] và từ đó, vùng Baltic chịu ảnh hưởng của người Ðức. Riga và Reval (Tallinn ngày nay) trở thành các hải cảng buôn bán rầm rộ. Ðất đai được bán / chia cho các thương nhân Ðức khai thác, với tước phong “Lãnh Chúa” mỗi vùng.

Sát bên cạnh Latvia nhưng vùng đất thuộc về Lithuania thì có phần khác biệt. Từ năm 125, Lithuania đã có sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo La Mã vì lãnh chúa Mindalgas theo đạo Thiên Chúa để được Hội Thánh La Mã phong vương [vào thủa ấy, hình như lãnh chúa nào cũng theo kiểu mẫu cầu cạnh Hội Thánh La Mã để được nhìn nhận và phong vương thì mới được danh chính ngôn thuận?! ] dù cư dân phần lớn tiếp tục giữ cổ tục thờ thiên nhiên. Ðến năm 1385 khi Công Tước Jogaila lấy công chúa Ba Lan rồi trở thành vua của cả Ba Lan lẫn Lithuania, cũng được Hội Thánh La Mã nhìn nhận và phong vương.


Phố cổ Riga tại Latvia. nguồn: latvia.travel


Ðất Lithuania đã theo đạo Thiên Chúa nên quân Thập Tự không thể dùng chiêu bài “Thánh Chiến” dù vẫn uýnh lộn tơi bời với quân đội địa phương để tranh giành lãnh thổ. Tuy không thua người Ðức nhưng Lithuania lại thua Ba Lan. Dù vua là người gốc Lithuania nhưng đất nước lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ba Lan, một lãnh thổ giàu có hơn ở phía Ðông và đất đai Lithuania mất dần vào tay các lãnh chúa thuộc hoàng gia Ba Lan.

Vào thế kỷ XIV, chiến tranh bùng nổ khi quân đội Thụy Ðiển và Nga đánh chiếm vùng Baltic. Ðức thua và kết quả là vùng Livonia bị cắt từng mảnh, Estonia bị Thụy Ðiển chiếm lãnh, Latvia trở thành thuộc địa của Ba Lan và Lithuania hoàn toàn chịu sự cai trị của Ba Lan. Tạm hiểu là quân Nga thua, Ba Lan thắng và mở rộng bờ cõi tận Latvia.

Ba Lan và Thụy Ðiển tiếp tục tranh giành cho đến thế kỷ XV, Thụy Ðiển chiếm được Latvia từ Ba Lan rồi đặt nền móng hành chánh trong khi người Ðức dù thua trận nhưng vẫn giữ được ảnh hưởng văn hóa chính trị nên tiếp tục buôn bán làm ăn phát đạt. Các trường đại học vùng Livonia dùng tiếng Ðức thay vì La Tinh (theo hội thánh La Mã).

Ðến thế kỷ XVI khi hoàng gia Thụy Ðiển không còn trọng dụng các vương hầu Ðức nữa thì người Ðức liên kết với Nga để giành lại quyền lợi. Năm 1710, vùng Livonia (Estonia và Latvia ngày nay) trở thành thuộc địa của vương triều Nga, dưới sự cai trị của Sa Hoàng (“Tzar” phiên âm từ “Cesar” hay “Ðại Ðế”) Peter the Great. Lithuania tiếp tục chống chọi suốt 80 năm mới thua và đến năm 1795, Lithuania trở thành thuộc địa của Nga.


Đồi Thánh giá tại Lithuania. nguồn: Wondermondo


Tóm tắt là từ cuối thế kỷ XVIII, vùng Baltic chịu sự cai trị của người Nga, Imperial Russia. Sau vương triều Nga là giai đoạn tối tăm bị trị bởi Liên Bang Xô Viết, Soviet Union, cho đến khi giành được độc lập vào năm 1991, cả ba quốc gia Estnia, Latvia và Lithuania trở thành hội viên của Liên Âu và thành phần của NATO.

Liên Âu đổ tiền bạc trợ giúp, phát triển; từ các vùng đất khánh kiệt, nghèo đói, ba quốc gia Baltic thay da đổi thịt nhanh chóng và nghiễm nhiên trở thành “tiền đồn” hay vùng “trái độn”, buffer zone, phía bắc của Âu Châu.

*Sách vở ngày nay sử dụng chữ “Geo-politics” (tiếng Việt chuyển dịch thành “địa [lý] chính [trị]”) để mô tả ảnh hưởng của vị thế địa lý trên các tương quan chính trị thế giới.

Lịch sử cận kim cho thấy sau các cuộc chiến tranh lớn, vùng Baltic bị các cường quốc xâu xé, cai trị mang theo ảnh hưởng về văn hóa giáo dục cũng như tôn giáo. Những biến chuyển ấy giải thích phần nào khuynh hướng chính trị cũng như phong cách sinh sống của cư dân. Chịu ảnh hưởng lâu dài của Ðức và Thụy Ðiển, không sử dụng chữ La Tinh nên Estonia và Latvia theo đạo Tin Lành Lutheran trong khi Lithuania chịu ảnh hưởng của Ba Lan nên Thiên Chúa giáo La Mã trở thành quốc giáo. Ðiều này cho thấy sự quan trọng của ngôn ngữ, ngôn ngữ dẫn đến tư tưởng; cùng ngôn ngữ giúp con người gần gũi nhau hơn.

Với Dế Mèn, điểm nổi bật nhất là vùng đất nhỏ xíu kia đã chịu khá nhiều tai ương từ ngày lập quốc, độc lập rồi bị xâm chiếm nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, chưa bị các cường quốc lân bang đồng hóa và xóa sổ. Những yếu tố nào khiến vùng đất hẹp dân thưa kia giữ được bản sắc, đất đai của tổ tiên mà trường tồn như thế?

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Dec 21, 2017 12:16 am    Tiêu đề: Lithuania (Lieutuvos Respublika)

Lithuania (Lieutuvos Respublika)


Lithuania lập quốc từ thế kỷ XIII, vị lãnh chúa đầu tiên khởi nghiệp thu góp các bộ tộc và thống nhất đất nước là Công Tước Mindaugas, the Grand Duchy of Lithuania, vào năm 1240. Chịu phong tước từ Hội Thánh La Mã và mang Thiên Chúa giáo vào Lithuania, một tôn giáo xa lạ sử dụng tiếng La Tinh trong việc tế lễ nên mất lòng dân; Công Tước Mindaugas bị ám sát ít năm sau đó. Dù được Hội Thánh La Mã phong tước nhưng không được phong “vương”, nhìn nhận là hoàng đế, như các quốc gia Âu Châu thủa ấy, cũng có nghĩa là Lithuania là một đất nước “nhỏ”, thuộc loại “chư hầu”.


Tượng Công Tước Gediminas và con chó sói dưới chân


Con cháu tiếp tục kế nghiệp, lừng lẫy nhất là thời Grand Duchy Vytautas người đã mở rộng bờ cõi đến Hắc Hải (Black Sea) và vùng St Petersburg ngày nay. Huyền thoại kể lại rằng Công Tước Gediminas nằm mơ thấy chó sói tru từ đồi cao, và được giải mộng là con sói tượng trưng cho hoàng thành nơi vua xây cung điện tại Vilnius để cai trị thần dân. Từ đó, Vilnius trở thành thủ đô của Lithuania. Công Tước Gediminas cũng được xem như anh hùng dân tộc, đã thiết lập nền tảng giáo dục và văn hóa cho đất nước. Ông này mở cửa mời gọi người Ðức, kể cả người Ðức gốc Do Thái đến lập nghiệp tại Vilnius. Ngày nay, cư dân Lithuania dựng tượng Công Tước Gediminas có con chó sói hầu dưới chân trong công trường Nhà Thờ Chính Tòa, Cathedral square.

Sau một trăm năm lập quốc và phát triển mạnh mẽ, Lithuania trải qua các cuộc chiến tranh với đội quân Thập Tự cho đến khi liên kết với Ba Lan qua cuộc hôn nhân của Grand Duke Jogaila và thành lập liên minh Ba Lan – Lithuania, Polish-Lithuania Commonwealth. Ông Công Tước lấy vợ là công chúa Ba Lan nên nghiễm nhiên lên ngôi vua, hẳn vương triều Ba Lan thủa ấy không có con trai thừa kế?

Ðất đai được mở rộng nhưng từ đó Lithuania lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ba Lan. Thủ đô của Polish-Lithuania Commonwealth được đặt tại Warsaw, thành phố nằm giữa Vilnius và Krakow, các đời vua kế tiếp đều có hai tước hiệu, Grand Duke of Lithuania và Hoàng Ðế Ba Lan.

Sự liên kết kể trên giúp Lithuania chống lại vương triều Nga trong suốt 200 năm. Cuối thế kỷ XVI, năm 1795, liên minh Ba Lan – Lithuania mới rã đám, và Lithuania rơi vào tay người Nga, sau các thời đại Sa Hoàng rồi đến liên bang Sô Viết. Vào năm 1991, Lithuania mới giành lại độc lập và sau đó trở thành thành viên của Liên Âu.


Bản đồ Lithuania và vùng lân cận


Ngày nay, Lithuania có diện tích là 65,300 cây số vuông, dân số 2.8 triệu người nhưng đây chỉ là một con số phỏng định. Trên thực tế, với những người trẻ rần rần bỏ đất nước ra đi tìm công việc làm tốt đẹp hơn, sinh sống thoải mái hơn và nhất là tương lai xem ra được bảo đảm hơn tại các quốc gia Liên Âu khác.

Nguyên nhân chính là khi Sô Viết sụp đổ, những món tiền ký thác với ngân hàng nhà nước cộng sản cũng như quỹ hưu bổng (mọi người đều là công nhân viên nhà nước) đều sạch bách nên cư dân Lithuania trắng tay. Chính phủ mới thành lập, ngân khố kiệt quệ. Nhờ sự tài trợ của Liên Âu, chính phủ Lithuania mới có ngân quỹ trang trải nhưng những người trong tuổi hưu trí cũng chỉ nhận được những món tiền còm cõi, khoảng 300 Euro / tháng. Nhìn cha mẹ sống khó khăn chật vật như thế nên thế hệ kế tiếp nản lòng, rủ nhau đi tìm nơi sinh sống bảo đảm hơn. Họ không thể chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn, chờ đất nước thu góp tích trữ tiền bạc hầu bảo đảm đời sống vững chắc cho cư dân. Cái gương tày đình trước mắt là gần đây Nga Sô xua quân chiếm Crimea của Ukraine, có thể nào lịch sử tái diễn, Nga Sô lại chiếm đất nước họ như ngày xưa? Chắc ăn, ăn chắc hơn là cứ di tản qua Bắc Âu, qua Tây Âu khi có cơ hội như bây giờ, có sổ Thông Hành Liên Âu giúp người trẻ Lithuania xây dựng đời sống mới!?

Dân số Lithuania khoảng 2 triệu người, phần lớn sinh sống tại các thành phố lớn như Vilnius, Kaunas và Klaipeda. Tỷ lệ sinh con tại Lithuania giảm trầm trọng, khoảng 10/1,000 người trong khi tỷ lệ tử vong là 14.6/1,000 và dân cư mỗi ngày một cao tuổi. Tương tự như các quốc gia Bắc Âu, xã hội Lithuania chia chung sự lo âu về việc tiết giảm dân số.



Lithuania có ngôn ngữ riêng, lietuviu kalba, khá gần gũi với ngôn ngữ Latvia; là một sinh ngữ trong nhóm Indo-European và vẫn giữ được khá nhiều đặc tính của thời Proto-Indo-European. Khoảng 80% dân cư theo đạo Thiên Chúa La Mã, 4% theo đạo Thiên Chúa Chính Thống Nga (Russian Orthodox). Nhà thờ tại Lithuania chưng thánh giá với mặt trời bao quanh, Pagan Cross, biểu tượng của sự pha trộn giữa Thiên Chúa giáo và đạo thờ thiên nhiên.

Về mặt kinh tế, Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Lithuania là 42.5 tỷ Mỹ kim trong khi lợi tức hàng năm cho mỗi đầu người là 30,000 Mỹ kim. Với một quốc gia non trẻ, Lithuania tương đối sung túc so với các quốc gia khác trên thế giới. Chỉ 17 năm sau khi độc lập, Lithuania chuyển mình từ hệ thống kinh tế “bài bản”, xếp đặt sẵn từ chính phủ, sang hệ thống buôn bán tự do. Nhờ chính sách kinh tế sáng suốt và hợp thời, từ chương trình “privatization” chuyển các công ty của chính phủ sang tay tư nhân đến việc trao trả chủ nhân các tư sản bị chiếm lãnh bởi quan chức cộng sản qua (“Của Cesar trả lại cho Cesar”, sở hữu chủ có giấy tờ chứng minh đều được trả lại đất đai, của cải trước đây bị nhà cầm quyền cộng sản Sô Viết trưng thu) và các biện pháp lưu trữ tiền tệ khác theo tiêu chuẩn Liên Âu, Lithuania trỗi dậy vì cư dân cũng như các nhà đầu tư quốc tế tin vào chính phủ nên bỏ tiền buôn bán làm ăn. Là một thành viên của “Euro zone”, Lithuania lưu hành đồng Euro.

Một vài chi tiết thống kê thú vị về truyền thông: điện thoại di động vô cùng phổ thông; tỷ lệ điện thoại để bàn/ cư dân là 19/100 so với điện thoại lưu động 147/100; nghĩa là mỗi người dân có... 1.5 cái điện thoại di động! Và 75% cư dân sử dụng mạng ảo. Hẳn đây là các dấu hiệu về sự “trẻ trung”, “theo thời” của cư dân Lithuania?



Lithuania là một quốc gia theo chính thể cộng hòa: Tổng Thống do dân bỏ phiếu với nhiệm kỳ 5 năm, nhưng quốc gia điều hành bởi Thủ Tướng và nội các. Thủ Tướng do Tổng Thống đề cử và được Quốc Hội biểu quyết. Nội các do Thủ Tướng đề cử và Quốc Hội biểu quyết. Quốc Hội cũng do dân bỏ phiếu bầu.

Cư dân 18 tuổi phải gia nhập và phục vụ trong quân đội 9 tháng, trừ những người chọn võ nghiệp (professional military). Với một dân số khiêm nhường, ít người nên quân đội Lithuania là những người “chuyên môn”, được huấn luyện để làm các công vụ đặc biệt.


Các “fan” từ Scotland


Chuyến đi Baltic bắt đầu từ Vilnius, thủ đô của Lithuania, khoảng hai giờ bay từ Frankfurt, Ðức. Trên chuyến bay có mấy chục “cái quạt” (fan) của đội bóng Scotland sắp sửa chơi với đội bóng địa phương nên rủ nhau đi hò hét ủng hộ đội banh nhà. Họ mặc váy, đeo túi da trông rất vui mắt. Các “cái quạt” bàn tán rôm rả về trận banh sắp tới và uống sạch sẽ mọi chai bia, rượu trên chuyến bay của Lufthansa. Hành khách nào hỏi bia rượu đều nhận một cái lắc đầu, mỉm cười cáo lỗi từ tiếp viên!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Dec 28, 2017 12:08 am    Tiêu đề: Vilnius

Vilnius


Vilnius là thành phố lớn nhất với dân số khoảng nửa triệu người. Phố Cổ (Old Town) được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới (UNESCO World Heritage Site) vào năm 1994. Trước Thế Chiến II, Vilnius là một trong những thành phố nơi người Do Thái cư ngụ đông đảo nhất tại Âu Châu. Ngày nay, phố Do Thái, Jewish ghetto, mất gần hết dấu vết, và số cư dân gốc Do Thái chỉ còn vài trăm người sau khi bị quân đội Nazi bắt bớ, tận diệt trong những năm 40 của thế kỷ trước.


Nhà thờ St. Anne


Vua chúa theo đạo Thiên Chúa nên đi một quãng ngắn là thấy nhà thờ. Nhà thờ St. Anne xây theo lệnh Công Tước Vytautas, cho bà vợ yêu quý tên Anne, nhà thờ Gothic này nằm trước mặt nhà thờ St. Bernardine khuất đằng sau, dựa lưng sông Vilnius.


Khách sạn Mabre Residence


Quán trọ nằm cạnh khu Phố Cổ, xây cất vào thế kỷ XVI; trước đây dãy nhà là tu viện Dòng Tên, bên cạnh là nhà thờ và đi bộ vài bước là một ngôi nhà thờ khác, St. Anne. Nhà thờ St. Anne xây theo kiểu Gothic trong khi các nhà thờ khác lại theo kiểu Baroque, một kiểu kiến trúc khá phổ thông tại đây. Ðặc thù Baroque nhất là nhà thờ St. John nằm trong khuôn viên của trường đại học.

Vào thời Xô Viết (khối cộng sản do Nga Sô lãnh đạo), theo chủ thuyết vô thần của chính quyền, mọi nhà thờ, tu viện đều bị đóng cửa, trưng dụng làm nhà kho, trại quân... Quán trọ Mabre nguyên thủy là tu viện Dòng Tên, lớn nhất trong các tu viện của thành phố, cũng trải qua một thời khốn khó (dùng làm trại lính, chỗ trú ngụ cho các sĩ quan Hồng Quân) cho đến khi đất nước độc lập, tu viện gồm nhiều tòa nhà được tu bổ và biến thành khách sạn.

Nhà trọ có phòng ăn rất đặc biệt, trần nhà những vòm lát gạch đỏ và bàn ăn ngoài sân cỏ. Thức ăn không có chi đặc biệt cũng theo kiểu Ðông Âu khoai và thịt, nhưng rau cỏ và trái cây rất tươi, đầy đủ hương vị. Bữa ăn thịnh soạn thường gồm súp rau rồi đến thịt hoặc cá và món ngọt tráng miệng.

Cảm nhận đầu tiên: thức ăn nặng về kem, cream sauce, món chi cũng có kem [sữa và bơ]. Súp là những loại rau nghiền nát nấu với kem, thịt hay cá và cả khoai tây, nghiền nát hay còn nguyên miếng cũng ăn chung với kem!


Pilies Street


Từ khách sạn thả bộ ra Phố Cổ khoảng năm phút, những con đường lát gạch ngoằn ngoèo dẫn ra phố chính nằm hai bên đường Pilies.

Từa tựa như mọi con phố chính ở những thành phố lớn nằm bên dòng sông, Vilnius cũng có các nghệ sĩ địa phương đàn hát, trưng bày tác phẩm. Phe ta dừng bước ở một bức họa thời thượng có màu chính trị, vẽ hai ông nguyên thủ nước lớn mặt xanh nanh vàng.

Khi Dế Mèn hỏi thăm đến cảm tưởng của cư dân Vilnius về chính trị, người dẫn đường là một phụ nữ trong tuổi ba mươi, công dân Latvia, thông thạo bốn năm sinh ngữ kể cả Anh và Nga. Laura cười mỉm trả lời khéo léo rằng dân Baltic như cô ấy không ưa cả hai lãnh tụ nhưng sẽ có dịp hỏi thăm chi tiết hơn khi nhóm du khách gặp gỡ, thảo luận với người địa phương.


Hai ông Trump và Putin dưới cái nhìn của nghệ sĩ địa phương


Giữa những con đường nhỏ là các tòa nhà cổ, tuổi tác khoảng 200 năm. Ðường Literature (Literatu gatve) trưng bày hình ảnh các văn nhân thi sĩ của đất nước, và trên đường có cả một tiệm xăm mình.

Buổi thảo luận với một nhà giáo/nhà báo địa phương khiến phe ta băn khoăn nghĩ ngợi. Ông giáo sư dạy môn Chính Trị / Báo Chí tại địa phương đã từng sinh sống tại thành phố New York, tốt nghiệp Thạc Sĩ báo chí từ đại học Columbia; khi đất nước độc lập ông ta về làm tùy viên báo chí cho mấy đời thủ tướng Lithuania, bây giờ thì dạy học và viết báo lai rai.

Bài diễn thuyết về lịch sử chính trị của Lithuania dài khoảng nửa tiếng, những vấn nạn kinh tế, tài chánh sau ngày liên bang Xô Viết sụp đổ, cư dân đất nước này lầm than và trải qua những ngày sóng gió, bất ổn vì tương lai mờ mịt. Ðộc lập rồi sao nữa? Ngân khố trống rỗng sau khi Nga Sô rút dù, lấy chi làm ăn buôn bán, trả lương công nhân viên? Ðất nước chẳng có chi để bán vì Xô Viết theo sách kinh tế định sẵn, mỗi vùng đất chư hầu chỉ sản xuất một loại thực phẩm hay vật dụng, chẳng hạn như Lithuania chỉ trồng khoai và chế tạo quân dụng, may quần áo cho quân đội; Latvia trồng cây cô tông... Mọi hoạt động kinh tế trong khối liên bang Xô Viết đều do chính phủ chỉ thị, bao giàn. Ðộc lập rồi thì Lithuania biết làm chi với quân phục Hồng Quân? Toàn dân là công nhân viên nhà nước [cũ] lãnh lương từ chính phủ nên chính phủ mới vô cùng bối rối, họ vay mượn từ khối tự do. Thế rồi thời kỳ đen tối ấy cũng nặng nề trôi qua nhưng thế hệ chịu thua thiệt túng thiếu không thể quên kinh nghiệm ấy. Họ than oán và biểu con cháu rằng dù thiếu tự do nhưng... no cái bụng. Thời cộng sản phải học tiếng Nga, ngày ngày đứng xếp hàng mua thực phẩm vì chính sách bóp nghẹt bao tử để kiểm soát và điều khiển nhưng ít nhiều, ai cũng có miếng ăn. Việc giáo dục huấn luyện cũng do chính phủ chỉ định, học nghề chi thì học nhưng khi ra làm việc thì tính sau, tùy theo nhu cầu hãng xưởng; kỹ sư hóa học làm công nhân xưởng dệt, suốt ngày đi dệt vải, kéo sợi... Nghĩa là chẳng phải nghĩ ngợi, tính toán hay bươn chải cho lắm, nghèo túng nhưng ai cũng sống sót... Sở thích hay chuyên môn chỉ là những món hữu danh vô thực! Ông giáo sư kèm thêm một câu: Tất nhiên con cái quan chức đều được du học Nga, chọn nghề và trở về tiếp tục lãnh đạo đất nước với chủ trương thân Nga. Tạm hiểu là chủ trương trồng người là một chính sách lâu dài, thế hệ này qua thế hệ khác. Ở nơi ấy, con vua mới được làm vua chứ dân đen như cha mẹ ông Obama, ông Clinton thì chẳng bao giờ con cái lên làm tông tông!? Ôi chao là đau xót...

Phần thảo luận cho thấy những “think tank” (chuyên nghề phân tích suy luận các tình trạng xã hội từ chính trị, kinh tế, thương mại đến giáo dục, môi sinh...) của đất nước ấy đang băn khoăn với các vấn đề nan giải như tiết giảm dân số, sản xuất và di dân... Những người trẻ có tài năng, có chuyên môn hè nhau xuất cảnh, chỉ trong mười năm, dân số sụt gần 1/3, từ 2.8 triệu còn cỡ 2 triệu người trong khi dân thất nghiệp thiếu chuyên môn từ đất nghèo Rumania, Bulgaria... lại rủ nhau đến đây kiếm sống. Tạm hiểu là thiếu người, lo âu về an ninh quốc gia nhưng Lithuania lại kén cá chọn canh, họ chỉ muốn những người có khả năng và thiện chí xây dựng, làm giàu cho đất nước; và nhất là chưa mở cửa với những kỹ sư huấn luyện từ Ấn Ðộ hay Hoa Lục!

Mấy ý tưởng lan man trong đầu chưa có lời giải thích thỏa đáng thì Dế Mèn gặp gỡ mấy người trẻ địa phương lúc ghé thăm trường đại học Vilnius vào đúng lúc tựu trường, ngày 1 tháng Chín. Cũng cái nhìn lạc quan và tự tin như người trẻ Huê Kỳ, nhóm sinh viên nam nữ độ chục người chụm đầu bàn luận chương trình học, có người học IT, có người theo môn sinh ngữ, thương mại... Người trẻ nói tiếng Anh khá khá, đủ để diễn đạt ý kiến. Họ không lo âu như ông giáo sư nọ về việc tiết giảm dân số, về việc duy trì tinh thần “quốc gia” (nationalism) mà tin rằng thế giới là một mặt phẳng liền lạc, bất kể biên giới nhân tạo, đất lành thì chim đậu, chủng tộc nào cũng thế, tha hồ pha trộn, cái dở sẽ bị đào thải và cái hay sẽ trường tồn và thế giới sẽ là một cái nồi hẩu lốn kiểu Huê Kỳ nới rộng!



Nhà thờ St. John the Baptist, bên ngoài và bên trong có dàn organ bề thế


Ðại học Vilnius là trường đại học lâu đời nhất tại Ðông Âu (người dẫn đường cười toe mà khoe rằng lâu đời hơn Harvard của Huê Kỳ nữa lận) ; thành lập từ năm 1568 do các giáo sĩ Dòng Tên tạo dựng, thủa ban đầu có tên Jesuit College, chính thức trở thành đại học và đổi tên năm 1579. Sân trường khá rộng, nhiều tòa nhà lớn mang các kiểu kiến trúc khác nhau và trên chục cái sân. Vuông sân lớn nhất, Great Courtyard, trưng bày hình tượng các vị giáo sư tiền bối nổi tiếng, the galleries, một mặt là nhà thờ St. John the Baptist với tòa tháp bên cạnh, ngày nay tòa tháp dùng làm Cơ Thể học viện cho sinh viên y khoa. Dế Mèn cũng tò mò muốn xem nhưng không được vào.


Đường Literatu


Nổi tiếng nhất có lẽ là Littera, bookstore, nơi bán sách vở, bên trong có trần nhà trang trí bằng hình vẽ [trên] tường (frescoe) rất đẹp. Không hiểu tại sao người địa phương tô vẽ trang điểm tiệm bán sách như một nơi triển lãm như thế nhỉ? Hẳn sách vở là những thứ quý giá nên được trưng bày một cách trang trọng?

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Jan 01, 2018 11:39 pm    Tiêu đề: Vilnius (tiếp theo)

Vilnius (tiếp theo)

KFC trên đường phố chính


Lithuania có một cổ tục rất đáng yêu ngày tựu trường là học trò lớn nhỏ mang hoa tươi đến tặng thầy cô. Trên đường phố Dế Mèn thấy người người cầm hoa đi xuôi ngược, hỏi ra mới vỡ lẽ.

Vòng ra phố chính, tòa nhà nơi sứ quán Ireland thuê chỗ cũng là cửa tiệm KFC ở tầng dưới. Tòa đại sứ Ðức thì bề thế hơn, chiếm nguyên một dãy phố.

Vilnius Cathedral và tháp chuông chiếm một chỗ khá lớn trong công trường thành phố, town square. Xây cất trên nền một đền thờ đạo thiên nhiên từ thế kỷ XIII, sau nhiều thay đổi, ngay bề mặt của nhà thờ có kiểu French Classic pha trộn với Baroque địa phương, cũng những cột nhà rất lớn nên trông từa tựa như các đền thờ Hy Lạp. Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, nhà thờ bị chính quyền Sô Viết đóng cửa, dùng làm nhà để xe, sửa chữa xe vận tải và đến thập niên 90 mới trao trả Hội Thánh La Mã. Từ đó thành phố và cư dân góp tay tu bổ sửa chữa, phục hồi các bức tượng, tranh vẽ xưa cũ.


Nhà thờ St Casimir


Dế Mèn có cái máy hình cà quỷnh, nhà thờ không cho xài “flash” nên hình ảnh mờ ảo không được ưng ý. Sau chuyến đi này, phe ta ắt sẽ cần một dụng cụ chụp hình, thu hình “hiện đại” hơn.


Bên trong nhà thờ St Casimir


Nhà thờ Thánh Casimir được xây để vinh danh một hoàng tử bỏ hoàng thành đi tu, chịu sống khổ hạnh với kẻ nghèo khó. Hoàng tử Casimir mất năm 25 tuổi vì bệnh lao, hình ảnh để lại cho thấy ông Thánh có đến... ba bàn tay (để cứu giúp người nguy khốn). Ông hoàng tử sống đời nghèo khó nhưng nhà thờ xướng danh lại rực rỡ với các cột đá cẩm thạch, hình tượng thếp vàng...


Nhà thờ Sts Peter and Paul


Nhà thờ Sts. Peter and Paul nằm bên ngoài Phố Cổ, được xem là ngôi nhà thờ nhiều lịch sử nhất của thành phố. Cũng kiến trúc Baroque bên ngoài, bên trong trang trí theo kiểu Neo-Classic pha lẫn với Gothic, có cả một chiếc đèn pha lê có hình chiếc tàu Viking, thả từ trần nhà.


Bên trong nhà thờ Sts Peter and Paul


Nhìn chung, dưới thời liên bang Sô Viết, nhà thờ nào cũng cùng số phận, bị cướp bóc, hủy hoại, chịu bỏ phế suốt nửa thế kỷ nên cổ ngoạn mất mát gần hết, những món cổ trưng bày ngày nay thường do tư nhân cất giấu được và tặng lại cho nhà thờ hoặc là bản copy của cổ vật ngày trước. Giọng người dẫn đường đều đều chịu đựng, chỉ trỏ giải thích các tấm ảnh xưa, chụp lại hình ảnh thời Sô Viết, rồi cư dân chung tay sửa chữa, gầy dựng lại tích cũ.

Thành phố cũng có một vài nhà thờ của giáo hội Chính Thống Nga, Russian Orthodox church, nhưng không ghé thăm vì người dẫn đường biểu rằng hãy đến Nga mà xem, đẹp mắt hơn?! Nghe mà chùng lòng quá thể!

Mấy ngày liền nhóm du khách được ăn món địa phương, bữa nào cũng súp, món chính với thịt hoặc cá và món ngọt tráng miệng. Bữa tối thường có thêm bánh mì lúa mạch đen thui, và cả khoai tây. Dế Mèn không thấy bánh [lúa] mì trắng, chỉ thấy rye (đại mạch?) và wheat (kiều mạch?) chế biến thành bánh mì có màu sậm và cả món tráng miệng, bánh mì nghiền nát ăn chung với kem tươi ngọt ngọt và vài trái dâu nhỏ xíu, không biết là dâu gì, cái tên lạ hoắc nên phe ta không tài nào nhớ nổi. (Ðịnh ghi chép nhưng thấy kỳ kỳ nên Dế Mèn đành thôi). Người địa phương dùng ngò tây (parsley) và thìa là (dill) tươi làm gia vị, món salade thường có dưa leo và cà chua trộn chung với giấm và thìa là; bắp cải cũng xuất hiện thường xuyên dưới dạng bóp giấm hoặc nấu súp. Người dẫn đường quảng cáo món đặc biệt, cổ truyền ‘Cepelinai’, hay “zeppelins” theo phiên âm Anh ngữ, mới nghe qua Dế Mèn lại tưởng là một loại bánh tiêu chiên phồng rải đường bột của dân Ý tên “zepolin” nhưng bé cái lầm. Hai món này khác xa, từ hình dạng đến hương vị. Cepelinai hay ‘didžkukuliai’ là món ăn quốc hồn quốc túy của người Lithuania, chế biến từ khoai tây. Bột khoai tây trộn lẫn với khoai tây bằm làm vỏ, nhân là thịt băm trộn chung với nấm và phó mát rồi đem luộc, một loại “dumpling”, ăn chung với sốt kem. Ăn một cái cỡ nắm tay là no từ sáng đến chiều!


Hí họa trên tường vẽ hai ông Trump & Putin


Thành phố rất sạch sẽ, không thấy bá tánh bỏ rác bậy bạ, đất không giàu nhưng người có tinh thần công dân, civil responsibility, cao? Vilnius dựa lưng dòng sông, dưới cầu sông nước lặng lờ, chân cầu cũng có tranh vẽ (graffiti). Và không chỉ vẽ vời dưới chân cầu, các tay nghệ sĩ dân gian còn bày tỏ quan điểm chính trị qua những bức tranh tường, nổi tiếng nhất là bức vẽ cảnh hai ông lãnh tụ ôm nhau (bắt chước mấy tấm hí họa Hitler và Stalin ôm nhau thắm thiết năm xưa) với nhan đề “Make everything great again”. Tạm hiểu là cư dân không mấy hoan hỷ với ý muốn bành trướng lãnh thổ của Nga Sô và đánh đồng ông Trump với ông Putin cùng tư tưởng “nationalism” (“dân tộc”?)!?

Phố Cổ của Vilnius không lớn lắm, đi bộ chừng hai tiếng là có thể nhìn ngắm gần hết những điểm chính. Giữa những con đường hẹp ngoằn ngoèo uốn khúc theo dòng sông là các con hẻm nhỏ, nhà cửa bên trong chưa được sửa chữa, trông vẫn tang thương, tiều tụy như thủa còn xếp hàng lãnh tem phiếu.

Từ công trường Nhà Thờ Chính Tòa, Vilnius Cathedral Square, nhìn quanh sẽ thấy đầy đủ các dinh thự lớn. Royal Palace, một thời dùng làm kho lúa sau khi thành phố bị quân đội Nazi xâm chiếm, khuân vác hết bảo vật quý giá rồi đốt phá. Hồng Quân Nga chiếm lại rồi tiếp tục cai trị, vo tròn bóp méo theo chính sách cộng sản.



Viện Bảo Tàng Quốc Gia, National Museum cũng gần một bên, khoảng 5 phút đi bộ. Bên ngoài có bức tượng Vua Mindagas, người dựng nước, bên trong chẳng có chi nhiều. Thật là ái ngại, mất nước là mất tất cả? Di sản tổ tiên, tài vật, văn hóa...

Ðằng sau viện bảo tàng là lâu đài Gediminas nằm trên đồi. Từ trên đồi ta có thể nhìn ngắm thành phố dưới chân. Buổi chiều, nhóm du khách rủ nhau đi xem viện bảo tàng KGB, trụ sở của cơ quan mật vụ của chính phủ Xô Viết ngày trước, tên chính thức là “Museum of Genocide Victims”. Bên ngoài có những bức vách trưng bày tranh vẽ của nhi đồng thành phố, diễn tả ý tưởng về các biến cố dưới thời Xô Viết và về ngày độc lập, những bức tranh vẽ xe tăng, súng máy và mơ ước tự do [“Laisva”] độc lập cho đất nước [“Lietuva” hay “Lithuania”].

Thành phố đặt đài tưởng niệm các nạn nhân của liên bang Xô Viết. Mỗi thôn làng có người bị giết góp một viên đá và đài tưởng niệm thành hình.


National Museum


Suốt thế kỷ XX, gần một trăm năm chịu sự cai trị của bạo quyền, Xô Viết và quân đội Nazi, dân Lithuania từng nhóm nhỏ trỗi dậy, chống đối đòi độc lập, và đã bị tàn sát thẳng tay. Thoạt tiên là những trận càn quét, các nhân sĩ, người có tên tuổi và gia đình bị bắt trong đêm tối và chuyển đi Tây Bá Lợi Á rừng thiêng nước độc, đày đọa cho đến chết. Sách lược của Xô Viết là tru diệt tận gốc rễ và tàn sát thẳng tay những người bất đồng chính kiến, khởi đầu từ thời Stalin. Khi quân Nazi kéo vào thành phố, cư dân mừng quá tưởng thoát ách cộng sản nên mang hoa chào đón. Ngờ đâu Nazi cũng áp dụng cùng sách lược, vơ vét tài sản và tru diệt nhân sĩ, các nhà tư tưởng nhất là cư dân gốc Do Thái. Từ một thành phố đông cư dân Do Thái nhất nhì Âu Châu, sau trận càn quét, Vilnius ngày nay chỉ còn lơ thơ vài trăm người sống rải rác và “phố Do Thái” hoàn toàn mất dấu! Dù khác ý thức hệ (ideology) nhưng quân đội Hitler học và áp dụng sách lược tru diệt [kẻ khác dòng giống] từ cộng sản Nga; rồi cộng sản Tàu, cộng sản Cam Bốt và cộng sản Việt cũng bắt chước tàn bạo in hệt. Sự khác biệt là Nazi tru diệt dân Do Thái, cộng sản Sô Viết tru diệt dân [các nước] chư hầu trong khi cộng sản Tàu và cộng sản Việt tru diệt chính đồng chủng, người cùng tổ tiên! Không hiểu tại sao, sự tử tế không nảy mầm lan truyền rộng rãi như cái tàn độc hung bạo?


KGB museum, bên trong


Trụ sở KGB đầy đủ các phòng giam, nơi tra tấn, nơi đặt máy móc nghe lén... Phòng ốc thâm u, trên tường đầy những tấm ảnh của nạn nhân từ lúc bị bắt đến lúc bị giết... Người dẫn đường nói rằng suốt mấy chục năm lúc nào đất đai chung quanh trụ sở ấy cũng ướt và tanh mùi máu... Hồng Quân Nga chiếm xứ sở Luthuania bạo tàn như thế nào thì lúc ra đi đất nước ấy cũng tắm máu như thế. Không lạ là người Lithuania căm ghét cộng sản Sô Viết và nghi ngại dân Nga.

Những tấm hình trên tường, các nạn nhân, từ thường dân, tu sĩ đến kẻ chống đối bị bắt, đôi mắt nào cũng u uẩn thất thần như nhau, thật kinh hoàng.

Cảm tưởng? Là một vùng đất hiện diện từ thời Phục Hưng (Renaissance) nhưng Lithuania nói chung và thủ đô Vilnius nói riêng mất mát khá nhiều di tích và cổ ngoạn, thành phố đang vươn mình tu bổ, thu góp lại gia sản tinh thần.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Jan 05, 2018 11:24 pm    Tiêu đề: Đảo Trakai

Đảo Trakai


Cách Vilnius khoảng 45 phút, đảo Trakai có lâu đài cùng tên do Công Tước Vytautas xây cất trong thế kỷ XV theo kiểu Trung Cổ, một loại “tiền đồn” để bảo vệ thành phố trong cuộc chiến tranh với quân Thập Tự. Sau chiến thắng để đời, the Battle of Grunwald, lâu đài trở thành nơi nghỉ mát của hoàng gia. Người đời sau vẫn nhắc đến kỳ tích ấy mà vinh danh, nhớ ơn tổ tiên.

Lâu đài thành quách bị quân hoàng gia Nga phá tan nát trong thế kỷ XVII và chịu cảnh hoang phế cho đến năm 1950, không hiểu tại sao lại được chính phủ Xô Viết cho phép tu bổ khi các nhân sĩ Lithuania khởi đầu phong trào phục hồi các di tích tổ tiên. Chương trình tái tạo hoàn tất năm 1987. Tạm hiểu là lâu đài mới keng xây cất theo kiểu cũ dựa theo tranh vẽ, hình ảnh còn giữ được. Phe ta ra bến sông, xuống tàu đến đảo Trakai, hòn đảo nằm giữa nhiều ốc đảo và các hồ nước nhỏ; hồ Gatvé thủa trước là hào sâu bao quanh lâu đài.


Bản đồ thành quách trên đảo Trakai


Lâu đài được xây bằng gạch nung dù nền móng là đá. Ðất đai Lithuania không có núi để lấy đá (stone) nên các lãnh chúa thủa trước nghĩ ra cách “thu thuế” vô cùng độc đáo: Họ cho thương nhân từ xa đến buôn bán, mỗi lần nhập cảnh đều phải mang theo ít nhất một viên đá, ngoài các lệ phí, thuế má khác. Từ đó người Lithuania có đá để xây thành quách!

Phong cảnh mấy hồ nước rất đẹp, nước trong vắt thấy rõ các loài thủy sinh dưới nước cá, lươn... thong thả bơi lội; trên các ngọn cây, chim chóc đứng rỉa cánh, mấy con bồ câu béo mẫm đi lạch bạch như vịt bầu! Dế Mèn không thấy mấy người thả câu buông lưới, bắt chim trời cá nước về làm thịt. Ðất nước không giàu có nhưng con người xem ra bao dung với thú vật chung quanh?!


Viện bảo tàng trong lâu đài Trakai


Bên trong lâu đài là viện bảo tàng, chỉ thấy hình vẽ các lãnh chúa và một ít cổ vật tìm thấy khi tu bổ di tích, vài chiếc bình đất nung đựng tiền cắc, những đồng tiền mỏng dính, kích thước lớn hơn đầu đũa chút xíu... Người dẫn đường biểu rằng ngày ấy người ta chôn giấu tiền bạc bằng những cái hũ cỡ nửa gang tay như thế.


Bên trong cổng vào lâu đài Trakai


Ðặc biệt là hình ảnh của một nhóm người thiểu số, dân Karaites, còn gọi là “Karaim”, sinh sống “độc lập” (được hưởng quy chế “tự trị”) tại đảo Trakai trên lãnh thổ Lithuania. Người Karaim có ngôn ngữ riêng, Turkic, tôn giáo, và tục lệ riêng; chỉ những đứa trẻ có cha là người Karaim được thôn làng nhìn nhận là người Karaim. Giáo điều Karaites dựa trên kinh thánh Cựu Ước (gần như đạo Do Thái) pha trộn với một số lý thuyết Islam, đền thờ là “Kenesa”.


Lâu đài Trakai, nhìn từ bên ngoài


Tổ tiên người Karaim gốc Thổ, bộ tộc Kipchaks, rất thiện chiến gan dạ nên được tuyển mộ làm lính. Ðội quân viễn chinh Karaim thua trận bị bắt làm tù binh, được các lãnh chúa Lithuania mang về từ Crimea năm 1397, giữ làm ngự lâm quân để bảo vệ vua chúa và giữ hoàng thành. Quân lính [ngoại quốc] được tuyển mộ đặc biệt như thế [chỉ biết trung thành với nhà vua] hầu tránh nội loạn. Không lạ là kiểu trang trí nhà cửa, đồ dùng có dấu vết Thổ Nhĩ Kỳ xưa cũ.


Bảng giới thiệu dân Karaim trên đảo Trakai


Ngày nay, khoảng 400 người Karaim sinh sống tại Lithuania, phần lớn trong thôn làng trên đảo Trakai. Nhà cửa làm bằng gỗ, có ba cửa sổ nhìn ra đường. Ngoài quán ăn, cư dân Karaim có cả đền thờ, trường học, nghĩa địa riêng.Nhóm du khách ăn trưa tại quán địa phương của người Karaim, nhà hàng Kybynlar. Món “truyền thống” là kibinai, một loại bánh nhồi thịt nướng, vỏ bánh là bột mì cán mỏng, hình dạng từa tựa cái bánh quai vạc của ta nhưng to bằng bàn tay người lớn. Nhân bánh là thịt heo bằm trộn với hành tây và gia vị. Hình như nhiều dân tộc có loại bánh nướng này kể cả Nga Sô và Thổ, bánh quai vạc Việt Nam thì chiên thay vì nướng?


Viện bảo tàng nhỏ xíu của người Karaim trên đảo Trakai


Bữa trưa mở đầu là súp rau bắp cải, hành tây, trên mặt hũ súp là phó mát nướng chảy, từa tựa như onion soup của Tây, rồi đến món kibinai kể trên. Ăn hết tô súp là đầy bụng, lại thêm cái bánh to kềnh nên phe ta “chở” không nổi, chỉ nhấm nháp cho biết rồi đành bỏ thừa. Tráng miệng là cà phê đậm đen, Dế Mèn không thử nên không biết mùi vị ra sao. Trong bữa ăn, nhà hàng mời rượu, món rượu Krupnikas đặc biệt trong vắt, không biết chế biến bằng hạt ngũ cốc nào nhưng mùi rất nồng chỉ ngửi thôi phe ta cũng lắc đầu. Loại rượu này chắc “nặng” cỡ 80 proof!


Nhà hàng Kybynlar và tấm biển quảng cáo đặc sắc, có tác giả đứng ké chụp hình (trái)


Trakai là nơi người thành phố đến nghỉ ngơi cuối tuần và vào mùa hè, câu cá và đi dạo quanh hồ xem ra vô cùng phổ thông. Khi Dế Mèn ghé chơi cũng là ngày cuối hè, học trò trở lại trường học nên đường sá vắng hoe, chỉ có du khách từng đoàn đi quanh.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Jan 08, 2018 12:33 am    Tiêu đề: Từ Vilnius đến Klaipeda

Từ Vilnius đến Klaipeda

Rumsiskes

Hàng quán giữa các con đường lát gạch đá gồ ghề


Trên đường đi Klaipeda, một thành phố ven biển của Lithuania, nhóm du khách dừng chân ghé thăm viện bảo tàng “ngoài trời” Rumsiskes. “Open-air museum” là một khái niệm khá mới mẻ, vật dụng kể cả nhà cửa theo đúng kích thước đều được trưng bày ngoài trời, dùng thiên nhiên chung quanh làm khung cảnh. Tại Rumsiskes, trong khuynh hướng “về nguồn”, người Lithuania dựng lại các ngôi nhà trong thế kỷ XVIII – XIX để bảo tồn tục lệ, cách sinh sống của tổ tiên họ; để con cháu có hình ảnh mà biết thêm về cha ông, dòng giống. Ðây là điều dễ hiểu vì suốt thế kỷ XX chịu sự cai trị của Liên Bang Sô Viết với chính sách xóa bỏ lịch sử đất nước chư hầu, nhi đồng đến trường chỉ được học tiếng Nga và lịch sử của Nga, không biết gì để tự hào về cha ông. Do đó, người Lithuania khổ công gầy dựng lại văn hóa, lịch sử của họ. Không chỉ dân Lithuania mà dân Latvia cũng như Estonia đều có các chương trình giáo dục tương tự, trong trường học đến viện bảo tàng, nơi giải trí...


Nhà thờ trong thôn làng


Viện bảo tàng là một khu đất mênh mông, đầy đủ nhà thờ, công trường nơi dân làng tụ họp (từa tựa như sân đình làng của ta) cửa tiệm, nhà riêng... Tòa nhà nào cũng làm vách gỗ, mái lợp gỗ hoặc đất trộn rêu, lợp tranh để giữ hơi ấm. Cách bài trí theo đúng kiểu xa xưa, cũng lò sưởi, nơi dự trữ thức ăn, từ khoai đến thịt xông khói, củi, cối xay lúa lấy bột làm bánh mì...


Một ngôi nhà gỗ trong làng Rumsiskes


Phụ nữ được xem “chân cẳng” qua vườn hoa trước cửa. Hoa tươi là người trong nhà ‘đảm đang”, có giá. Giữa nhà thường trưng bày hòm xiểng nơi người con gái cất giữ khăn áo, các món gia dụng bằng vải thêu... Trai kiếm vợ cứ việc nhìn ngắm hòm xiểng to nhỏ, khăn bàn, màn cửa... là có thể đoán biết người con gái trong nhà có đủ công dung ngôn hạnh hay không!?


Cổng vào nhà riêng tại Rumsiskes


Người dẫn đường mặc áo quần, đi giày đội mũ theo đúng cổ tục. Cũng cài một miếng ren trước trán để che tóc theo tục lệ, phụ nữ có chồng không cho người ngoài thấy tóc tai (tóc tượng trưng cho tình dục trong văn hóa cổ truyền). Trong nhà luôn có một tấm khăn vải để lỡ hàng xóm vui chân đến thăm thì chỉ trong 30 giây là bà chủ nhà có thể ra đón khách trong khăn áo chỉnh tề với chiếc khăn quấn trên đầu che kín tóc tai.


Kaunas


Ðây là thành phố lớn thứ nhì của Lithuania, tọa lạc nơi hai dòng sông Nemunas và Neris gặp nhau. Lịch sử Kaunas cũng đầy những cuộc chiến tranh, từ lần xâm lăng của Nga năm 1655, của Thụy Ðiển (năm 1701) và của cả Pháp thời Napoleon (1812). Kaunas trở thành thủ đô [tạm thời] khi Lithuania tuyên bố độc lập năm 1919 và thủ đô Vilnius lúc ấy đang bị Ba Lan chiếm giữ; chỉ một thời gian, đất nước lại rơi vào tay quân Nazi và sau đó trở thành chư hầu của Liên bang Sô Viết.


Tòa Thị Chính, còn có tên “White Swan”


Kaunas nhỏ xíu nhưng cũng giữ được vài di tích lịch sử tại công trường chính, như Tòa Thị Chính, còn có tên “White Swan”, bên ngoài trông in hệt một ngôi thánh đường nhưng lại là một công thự.

Hôm ấy dù trời mưa ướt nhẹp nhưng nam thanh nữ tú quần áo là lượt đi dự đám cưới. Ðứng trú mưa dưới mái hiên nhà thờ chính tòa mang tên hai ông Thánh Peter & Thánh Paul, Dế Mèn đếm được gần chục nhóm ra vào Tòa Thị Chính ký giấy chung thân. Cô dâu nào cũng mặc áo đầm trắng dài quét đất, voan trắng lê thê như mọi đám cưới phương tây. Xe đậu xa xa bên ngoài công trường nên đám cưới nào cô dâu chú rể cũng đội mưa lướt thướt.

Bên trong không có chi khác lạ so với mấy ngôi nhà thờ khác tại Lithuania, cũng bị chính phủ Sô Viết sử dụng làm kho chứa thực phẩm, bị bỏ phế suốt nửa thế kỷ cho đến ngày nay. Nhà thờ đang được tu bổ nên trông bớt tiều tụy dù tường vách còn lở lói.

Một di tích đặc biệt khác là Perkunas House, nhà [của] Thần Sấm Sét, theo đạo thờ thiên nhiên. Tòa nhà được xây cất theo kiểu Gothic, hình như đây là tòa nhà Gothic duy nhất tại Kaunas, các tòa nhà khác đều theo kiểu Baroque. Thủa xa xưa Perkunas House là nơi tụ họp của thương nhân trong nhóm Hanseatic League gốc Ðức, sau bán cho nhà dòng Dòng Tên và trở thành nhà nguyện. Trong thế kỷ XIX, nhà nguyện Dòng Tên trở thành hý viện rồi thành trường học; dưới thời Sô Viết, là nơi chứa quân xa. Ngày nay lại thuộc về Dòng Tên trực thuộc Hội thánh La Mã.

Tòa nhà quả là truân chuyên trôi nổi theo lịch sử đất nước, nhưng rồi châu lại về hợp phố... cho đến khi xảy ra một biến cố mới?


Y phục theo kiểu xưa


Tại vùng ngoại ô Kaunas, tại khu đất đặt đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản, nhóm du khách gặp gỡ một phụ nữ trong tuổi bát tuần, nhân chứng sống trong cuộc lưu đày của Sô Viết. Năm 1941, sau khi vào thành phố, Hồng Quân Sô Viết mở cuộc càn quét thân hào nhân sĩ; trong ngày đầu tiên lúc nửa đêm, còn mặc quần áo ngủ phong phanh những con người bất hạnh ấy kể cả đàn bà con nít bị lôi lên xe bít bùng. Bà cụ Madalena thủa ấy mới 13 tuổi, cũng bị bắt cùng cha mẹ anh em và một số gia đình khác. Họ bị tải đến trạm xe lửa, dồn vào một toa tàu chở hàng hóa và bắt đầu cuộc lưu đày, cỡ 60-80 con người bị nhồi nhét trong khoảng không gian 15 x 8 x 6 bộ Anh.

Ngày sau, một trong những toa tàu kia được mang về Kaunas để trưng bày cùng với những bức vẽ nguệch ngoạc của nhi đồng mô tả chuyến đi kinh hoàng


Bên ngoài toa xe lửa chở nạn nhân Sô Viết đi Siberia


Trên đường đi Siberia, chuyến đi kéo dài cả tháng trời, có khoảng chục người trong nhóm chết vì bệnh tật, đói khát. Sống sót trong trại tù Siberia đến năm 34 tuổi trong khi người cha chết rất sớm và bà mẹ cũng qua đời ít năm sau đó, bà Madalena trốn về Kaunas qua sự trợ giúp của một nhóm người nghiên cứu địa chất đến Siberia làm việc. Trốn lánh trong suốt hai mươi mấy năm bằng tên giả, cải trang, không dám liên lạc với thân nhân, bà ấy cuối cùng mới được thực sự “trở về”, lấy lại tên cũ sau khi Lithuania độc lập năm 1991!

Bà cụ nói rằng tôi sẽ kể câu chuyện lưu đày cho bất cứ ai muốn nghe vì ước mong rằng lịch sử đừng lặp lại, đừng để những con người cộng sản kia đày đọa, tàn sát thường dân nữa!

Câu chuyện lưu đày khổ ải khiến những người Huê Kỳ may mắn rớt nước mắt. Cộng sản Việt Nam theo đúng sách vở của Liên Xô mà đày đọa người miền Nam sau khi chiếm được đất đai, cũng các trại khổ sai, cũng những chính sách tẩy não, bóp nghẹt... Không thể nào hiểu được nhờ đâu mà một chính thể tàn bạo như thế vẫn còn hiện hành, từ Hoa Lục đến Bắc Hàn và Việt Nam?

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Jan 17, 2018 12:32 am    Tiêu đề: Klaipeda và vùng phụ cận

Klaipeda và vùng phụ cận

Hí viện trong công trường chính của Klaipeda


Đến Klaipeda thì trời đã chiều, trời vẫn mưa sướt mướt. Klaipeda là thành phố ven biển và cũng là hải cảng duy nhất của Lithuania. Thành phố có mặt từ năm 1252 khi quân Thập Tự xây đồn trại Memelburg ngay tại cửa sông Dane. Qua nhiều thế kỷ, Klaipeda giữ vai trò quan trọng của một hải cảng dù dưới thời Sô Viết, thành phố trở thành xưởng chế biến quân nhu, quân dụng và chịu tàn phá khá nặng nề trong Thế Chiến II

Quán trọ ở ngay trong khu phố Cổ, gần công trường chính, Theater Square, của thành phố. Cũng một kiểu kiến trúc với sân gạch nằm giữa, bốn phía là các tòa nhà lớn và nhà thờ. Cứ vài góc phố là ta lại thấy nhà thờ, nhà thờ lớn nhà thờ nhỏ, rất nhiều nhà thờ.

Công trường mang tên Hí Viện vì ở đó có một... hí viện (“nhà hát” nói theo tiếng Việt hiện hành)! Trên sân thượng của hí viện, ngày 23 tháng Ba, năm 1939, Adolf Hitler đã xuất hiện nói chuyện trước đám đông. Ngày ấy, trước mặt hí viện là bức tượng Annchen of Tharau do thành phố dựng năm 1912 để vinh danh nhà thơ Simon Dach (1605-1659), nổi tiếng suốt mấy trăm năm qua các tác phẩm văn chương điển hình là bài thơ ‘Annchen of Tharau’ sáng tác năm 1637.

Tương truyền rằng bức tượng đứng quay lưng về phía hí viện; nhưng bị xoay 180 độ để mặt hướng về phía Hitler khi ông này diễn thuyết. Bức tượng biến mất trước Thế Chiến II, được tái tạo năm 1989 bởi nghệ sĩ địa phương theo phong trào “về nguồn”, phục hồi di sản của tiền nhân và tô điểm bản sắc thành phố. Bức tượng được đặt vào chỗ cũ, trên nóc bồn nước.

Klaipeda cũng là địa điểm xa nhất về phía Ðông Bắc trên đường tiến quân của quân đội Nazi. Họ dừng chân ở đó và ra tay vơ vét của cải, tàn sát cư dân qua chiêu bài “bảo tồn chủng tộc”.


Bản đồ sơ lược về các địa điểm nên thăm viếng tại Curonian Spit


Thành phố nhỏ, chỉ có vài đường phố chính, đi lòng vòng chút xíu là quay về chốn cũ. Quán ăn cách nhà trọ cỡ năm phút đi bộ, trời tối hù lại mưa lất phất nên Dế Mèn cũng ngại lang thang. Món ăn chẳng có chi đặc biệt, rượu vang địa phương có vẻ nhạt nhẽo nhưng quán đông khách vì có ban nhạc sống, ca sĩ hát những bản nhạc Âu Mỹ thịnh hành trong những năm 80-90 của thế kỷ trước mang lại cảm tưởng “quen thuộc” cho nhóm du khách dù đang lang thang trên xứ lạ! Âm thanh quả là một cách “gợi nhớ” vô cùng hiệu quả, không lạ là trong việc phục hồi trí nhớ, y học ngày nay sử dụng những bài hát cũ, âm thanh quen thuộc với bệnh nhân... Dế Mèn ngồi nghe nhạc “Yesterday” mà mơ màng đến những ngày ở Huê Kỳ!


Doi đất Kaliningrad nằm giữa lãnh thổ Lithuania:


Buổi sáng hôm sau phe ta qua phà đến Curonian Spit, một dải đất ven biển được UNESCO công nhận là di tích lịch sử. Dải đất mỏng và dài gần trăm cây số, nằm co ro giữa biển nước, một bên là hồ Curonian, bên kia là biển Baltic. Mảnh đất hiện diện trên dưới 5,000 năm gồm những rừng thông xanh rì, những đồi cát chập chùng và những bờ biển cát trắng.

Một phần của dải đất ấy là Kaliningrad, lãnh thổ của Nga Sô, nơi đồn trú của quân đội Nga. Khi trả lại độc lập cho Lithuania, Nga Sô giữ lại doi đất có tính cách quân sự ấy, phòng lúc “có chuyện”, hễ ‘động đậy’ là Nga Sô có thể tiến quân chớp nhoáng theo đường bộ chưa kể việc chuyển quân bằng đường thủy qua cửa biển sát bên cạnh.

Trời âm u, thời tiết khá lạnh, cỡ 45-50 độ F, lại ra biển gió lồng lộng nên bá tánh bắt đầu quấn khăn trùm mền. Nhóm du khách lang thang trên bờ biển nhìn ngắm phong cảnh, cây xanh mướt mắt pha trộn giữa những đồi cát. Trong tầm mắt là đất Nga cờ quạt phất phới; một người trong nhóm lội bộ ra sát biên giới xem đất Nga có những gì, mới đến khoảng 20 thước cách đường dây kẽm gai đã thấy lính biên phòng thổi còi xua đuổi.

Biển Baltic nổi tiếng về amber (mã não?), còn gọi là “Baltic gold”. Amber nằm trong biển cả, sau mỗi trận mưa bão, amber thường trôi dạt đến bờ biển nên người địa phương thả bộ tìm kiếm nhặt nhạnh mỗi khi ra biển. Mảnh amber lớn nhất tìm thấy tại bãi biển nọ nặng cỡ 30 cân Anh!


Công viên SunDial trên đồi cát


Một chút về amber: Ðây là những khúc gỗ thông hóa thạch sau nhiều ngàn năm, có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau tùy theo mức khoáng chất, cây cỏ địa phương. Phổ thông nhất là màu mật ong trong suốt, mà xanh lục hoặc trắng thì quý hiếm hơn. Amber được chế biến thành đồ dùng và vật trang sức. Giá một đôi bông tai bằng bạc, dát amber giản dị cỡ 60 Euro. Có giá như thế nên tất nhiên là có những món hàng giả và tại một “studio” trong làng, Gintaro Gallery nơi chế biến và bán amber, người bán chỉ dẫn đôi chút về món hàng: Amber cũng được cắt, mài giũa theo hình thể định sẵn rồi chùi cho bóng trước khi bày bán; khi đốt hàng “thật” sẽ cháy và sẽ nổi lên trong nước muối.

Ngoài việc tìm kiếm amber trong biển cả, người Nga và cả người Columbia (Nam Mỹ) còn khai quật hầm mỏ amber trên đất liền. Hình như amber từ Columbia có giá cả rẻ hơn amber từ vùng Baltic?


Ngôi nhà điển hình tại Nida


Dọc theo bờ biển, đẹp nhất là làng Nida với những ngôi nhà vén khéo, được chăm sóc cẩn thận để cho thuê trong mùa nghỉ hè, chủ nhân có thể chịu khó ở tạm trong nhà kho hoặc thuê phòng tạm trú ở Kaunas. Trên nóc nhà là những vật “hóng gió”, weather vane. Ngày xưa người địa phương chế biến vật dụng này để nhận hướng gió và thay thế cho địa chỉ, nhà nuôi gia súc dê cừu thì có hình thú vật, nhà có con gái tuổi cập kê thì có hình tượng cô gái... Từ xa, người ta có thể nhận “mặt” chủ nhân mà tìm đến đúng nhà.

Những tấm weather vane sặc sỡ bắt mắt nhưng quá cồng kềnh để khuân về Huê Kỳ, thích lắm mà phe ta đành chịu thua, cứ nghĩ đến chuyến đi còn ít nhất cả hai tuần lễ nữa mà tha mà lôi qua bốn, năm thành phố nữa vừa xe bus vừa máy bay là nản lòng!


“Đồng hồ” đổi giờ theo hướng nắng


Nổi bật giữa các đồi cát là Parnidis Dune, ngọn đồi cát cao nhất vùng có nguyên một công viên mang tên cái “đồng hồ” đọc giờ theo hướng nắng, Sundial park.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Feb 04, 2018 11:11 pm    Tiêu đề: Klaipeda và vùng phụ cận (tiếp theo)


Klaipeda và vùng phụ cận (tiếp theo)

Bản đồ bờ biển Neringa


Tại làng Neringa, nơi nghỉ mát nổi tiếng của Lithuania, khí hậu ở đây dễ chịu nên cây cỏ xanh tươi, mát mắt. Sau những đồi cát là rừng thông bạt ngàn, có ngọn thông cao đến 40 thước; giữa những rừng cây là các ngọn đồi, nổi tiếng nhất đụn cát Juodkrantè có ngọn đồi Phù Thủy (the Witches’ Hill) nơi các tay điêu khắc đóng góp trên 80 bức tượng gỗ sồi rất lớn. Gỗ sồi khá cứng, khó tạc nhưng bền bỉ dưới mưa nắng.


Tác giả trong vai du khách


Ngày xa xưa, người địa phương mừng lễ Rasos hay Jonines (St John’s Eve.; mùa hè với đêm ngắn nhất trong năm) bằng những buổi tụ họp ca hát, giong thuyền từ làng này sang làng kia trên hồ Curonia. Tương truyền rằng đêm hè ấy cũng là lúc các phù thủy hiền và dữ tụ họp để ra tay độ trì hoặc bức hại cư dân qua sấm sét, mưa bão, lụt lội... Khi đất nước rơi vào tay Sô Viết, mọi lễ lạt (tụ họp dân chúng) đều bị cấm chỉ nên khi giành lại độc lập, người Lithuania tổ chức các buổi lễ cổ truyền và trong thập niên 80, họ bắt đầu tạc tượng và dựng tượng trên đồi. Ðồi Phù Thủy trở thành một địa điểm thăm viếng thú vị cho du khách và cả người địa phương.


Cửa địa ngục và Lucifer – Tấm hình này không rõ lắm nhưng mấy bức tượng khá đặc sắc nên vẫn được đem ra chưng với bạn đọc


Qua ánh nắng, khu rừng Phù Thủy gần như được chia làm hai phần sáng và tối; những bức tượng liên quan đến cổ tích nằm ở phần sáng của khu rừng, qua cửa “địa ngục”, nơi đặt tượng Lucifer là khu rừng tối dần. Hầu như mỗi bức tượng là một câu chuyện, kể cả chuyện ngụ ngôn và chuyện cổ tích địa phương. Người dẫn đường kể từng chi tiết ở các bức tượng đoạt giải, Dế Mèn nhớ không hết nên mua luôn một cuốn sách nhỏ ghi chép sẵn những dữ kiện ấy.

Tại cổng vào là danh sách các nghệ sĩ đóng góp tác phẩm và bản đồ đường đồi ngoằn ngoèo dẫn đến các bức tượng ấy. Dưới đây là một số bức tượng điển hình dù phe ta chụp cả trăm tấm ảnh ở khu rừng này. Trong rừng có những bụi hoa rue (ruta), mùi hăng hắc rất lạ. Hoa rue là quốc huy của Lithuania, xuất hiện các con tem, tòa nhà hành chánh và cũng là biểu tượng của khuê nữ, cô dâu thường đội vương miện kết bằng vòng hoa rue trong ngày cưới.


Bức tượng “Neringa ra đời” và người dẫn đường, hình ảnh cho thấy kích thước bức tượng khá lớn. Hầu hết các bức tượng gỗ ở đây đều lớn như thế.


Dưới chân tượng “The Birth of Neringa” của Juozas Jakstas, người dẫn đường kể chuyện khuê nữ Neringa ra đời, tài giỏi xinh đẹp có phép thần thông. Ðến tuổi cập kê, khuê nữ gieo cầu giao hẹn sẽ lấy chàng trai nào ném viên đá xa nhất. Thần Gió Bão thua cuộc, ghen tức nổi sóng; khuê nữ tung khăn tạo ra dải cát ngăn cách hồ Curania và biển cả để che chở cư dân quanh hồ. Bức tượng tạc hình ảnh nữ thần Neringa nằm trên sóng, được thần Neptune và thần Mặt Trời che chở.


Phù thủy nhăn nhó, con mắt cú vô cùng sống động, dường như theo lưng người nhìn ngắm chằm chằm


Phù thủy trong truyện cổ tích địa phương là những người đầy quyền phép, có thể biến người chồng thành ngựa để cưỡi hoặc chim se sẻ, biến con người thành chó sói, biến các cô gái xinh đẹp trở nên xấu xí, đau ốm, triệt sản... Nhưng bà phù thủy trong bức tượng này, The Witches’ Snare của ông Jonas Lukaukas, lại là người tử tế, sẽ ban phép cho quý ông hoàn thành nguyện ước nếu đến đây mà sờ nắn những phần... nổi gồ ghề trên thân tượng!? Một người trong nhóm nổi máu khôi hài, chạy ra ôm... bình sữa, Dế Mèn chụp hình không kịp nên tiếc lắm!


Chinh phụ đội đèn bão ngóng chồng trong đêm mưa bão


Thôn làng miền biển nên ngư phủ ra khơi đánh cá trong khi vợ con chờ đợi ở nhà. Những ngày mưa bão, chinh phụ lên đồi mang theo đèn bão với đốm lửa hy vọng người chồng biết hướng đất liền mà trở về bình an. Bức tượng chinh phụ (She Who Waits của Stacys Karanauskas) rất sống động, hai con mắt âu lo, tà áo bay trong gió bão, đầu đội chiếc đèn...

Hình như từ Âu sang Á, nơi nào cũng có những chinh phụ, tấm gương chung thủy được khắc thành tượng, tượng gỗ, tượng đá, tranh vẽ... khắp nơi?

Cửa địa ngục đầy những phù thủy mặt mũi dữ tợn, sau cổng là Lucifer đứng sẵn chờ các linh hồn bị sa địa ngục, Lucifer & the Gate of Hell của Raimonda & Anicetas Puskorius. Cổ tích kể rằng có ngư ông đói quá sau những lần ra biển mà không lưới được con cá nào, thất thểu trở về ngư ông gặp quý tộc (Lucifer trá hình) và được quý tộc hứa hẹn sẽ cho cơm ăn áo mặc nếu ngư ông đồng ý 18 năm sau sẽ dâng quý tộc một thứ mà khi rời nhà, ngư ông không có... Túng quá nên ngư ông đành ưng chịu gật đầu, khi về đến cửa thì bà vợ trao người chồng đứa con sơ sinh! Một câu chuyện bán linh hồn cho quỷ dữ.


Bức tượng cô bé giẫm lên chân quỷ dữ trá hình chàng trai thanh lịch trong ngày hội


Thời đại nào cũng có ma quỷ và những cô gái ngây thơ bị dụ dỗ. Trong câu chuyện ngụ ngôn có quỷ dữ trá hình bắt hồn trẻ thơ trong ngày hội mùa hè. “The Dancers” của Jonas Ignotas gồm cả chục bức tượng nhiều nhạc công, mỗi nhạc công dùng một loại khí cụ và người nhảy múa. Trong bức tượng này, quỷ dữ ăn mặc đàng hoàng sạch sẽ, điển trai như mọi chàng trai thanh lịch đang dụ dỗ một cô bé xinh đẹp, nhưng tình cờ cô ấy giẫm lên giày quỷ và phát giác ra rằng chiếc giày trống rỗng (quỷ không có bàn chân!?). Quỷ dữ mời nàng lên xe, cô bé khôn ngoan từ chối, nói rằng mình không có áo dạ hội, quỷ dữ búng tay và chiếc áo đẹp xuất hiện. Cô bé tiếp tục đòi những món khác để trì hoãn, vải thêu, khăn quàng, chuỗi hạt, nhẫn... mọi thứ đều xuất hiện như ước muốn. Khi cô bé sửa soạn xong, khăn áo đầy đủ thì gà gáy, bình minh bắt đầu và quỷ dữ đành biến mất... Tóm lại là cô bé may mắn, thoát khỏi tay quỷ dữ với một mớ quà tặng đắt giá.


Những con cóc và cô bé lười


Bức tượng Raining Frogs của Alfonsas Skiesgilas dựa theo câu chuyện ngụ ngôn về phù thủy nhi đồng. Khi còn thơ nhi đồng phù thủy cũng phải đi học, đi học để lấy phép thần thông gọi mưa, làm gió... và cũng phải thi cử đàng hoàng, nhi đồng chăm chỉ, chịu khó học hành, thi đậu mới trở thành phù thủy có phép! Những đứa trẻ lười biếng, trốn học khi đi thi thì quên mất cách làm mưa gọi gió. Thay vì mưa, nhi đồng làm thế nào mà chỉ có đàn cóc xuất hiện... Thì ra truyện ngụ ngôn Lithuania cũng có “con cóc là câu ông Trời... ”, mỗi khi cóc nghiến răng là trời mưa?!


Băng ghế ngồi trong công viên với hình tượng phù thủy

Những tấm ghế ngồi cũng được đẽo gọt rất tỉ mỉ đem trưng bày trong rừng...


Băng ghế ngồi trong công viên với hình tượng cá sấu


Bạn sẽ cần khoảng ba tiếng đi loanh quanh trên đồi nhìn ngắm các bức tượng gỗ để thưởng lãm tài nghệ của những tay điêu khắc. Việc đẽo gọt tượng gỗ rất phổ thông như thú giải trí ưa chuộng của cư dân vùng Baltic.


Ðồi Thánh Giá (The Hill of Crosses)

Tác giả và cây thánh giá giữa đồi


Hill of Crosses là một trong những địa điểm nổi tiếng của Lithuania, nằm trong thôn làng Jurgaiciu, vùng Kryziu kalnas. Ðây là một ngọn đồi không cao lắm, nằm giữa một cánh đồng khá rộng, trên đồi đầy những chiếc thánh giá, đủ mọi hình dáng, kích thước lớn nhỏ; Ðếm ra có lẽ vài... triệu cây thánh giá được cắm trên đồi!

Ðạo Thiên Chúa La Mã (Catholic) được xem là quốc giáo của Lithuania nên hình ảnh cây thánh giá hiện diện hầu như khắp nơi. Nhưng ở đây, ngọn đồi trọc cắm đầy thánh giá lại là chứng tích của một cuộc chiến đấu âm ỉ, oanh liệt; lịch sử của ngọn đồi là một dữ kiện đáng kể.

Vào thế kỷ XIX, khi quân đội Nga Hoàng thẳng tay đàn áp những trận nổi dậy đòi độc lập của Lithuania, sau mỗi trận tàn sát, cư dân cắm một cây thánh giá trên đồi để kỷ niệm biến cố ấy (?) và để tuyên dương tử sĩ (?). Ðến cuối thế kỷ XIX thì ngọn đồi có chừng 150 cây thánh giá lớn, đến năm 1914 thì cỡ 200 cây thánh giá và nhiều nữa dưới thời Sô Viết cai trị bắt đầu từ năm 1940.



Theo chủ nghĩa vô thần, thánh giá là biểu tượng của tôn giáo nên không được nhà cầm quyền chấp nhận. Ngọn đồi sau đó bị san bằng, các thánh giá bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1961. Sau mỗi lần thánh giá bị triệt hạ, những cây thánh giá mới lại xuất hiện trên đồi như chứng tích của một sự phản kháng âm thầm nhưng bền bỉ. Sau quá nhiều lần thử thách niềm tin của cư dân, nhà cầm quyền đành bỏ mặc ngọn đồi với những cây thánh giá lớn nhỏ.

Năm 1993, Giáo Hoàng John Paul II đến thăm ngọn đồi, tuyên dương sức mạnh của lòng tin và sự quật cường bền bỉ của cư dân. Lời phát biểu của Giáo Hoàng được khắc trên đá granite giữa đồi “Thank you, Lithuanians, for this Hill of Crosses which testifies to the nations of Europe and to the whole world the faith of the people of this land.”

Bà mẹ Giáo Hoàng John Paul II là người gốc Lithuania, nên đất nước này là quê ngoại của Ngài.

Mấy ngày thăm viếng Lithuania đủ để Dế Mèn “nghe” được tiếng nói của những con người bất khuất, nghe rồi cảm phục và mơ ước, ước gì lòng quật cường kia theo gió thổi về đến quê hương cũ. Cứ đứng dậy thì sẽ được người thế giới dang tay trợ giúp?

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Feb 12, 2018 11:38 pm    Tiêu đề: Latvia (Latvijas Republika)

Latvia (Latvijas Republika)

Hải cảng Riga năm 1910


Khi dòng sông Daugava trở thành con đường huyết mạch của thương nhân từ Tây Âu thì Riga trở thành trung tâm thương mại giữa vùng Baltic và Tây Âu. Giàu có nên Latvia thu hút các sứ quân/lãnh chúa kể cả quân Thập Tự. Lịch sử lập quốc của Latvia bắt đầu từ năm 1201 khi bị quân đội Thập Tự xâm chiếm và cai trị suốt ba thế kỷ. Người Đức xây cất lâu đài thành quách để bảo vệ đất đai, thu thuế và buôn bán; nổi tiếng nhất là các thành quách trong vùng Cesis, Kuldiga và Valmiera. Người địa phương trở thành các sứ quân thần phục triều cống quân xâm lăng. Bị cai trị, các lãnh chúa Latvia chịu nộp thuế nhưng vẫn âm thầm chống đối.

Mãi đến thế kỷ XVI, theo phong trào Cải Cách (Reformation), và đạo Tin Lành trở thành quốc giáo thì chiến tranh xảy ra, cuộc chiến tranh được lịch sử gọi là ‘the Litvonia War’. Dùng danh xưng tôn giáo, trừng phạt kẻ “vô thần” hay “phản Chúa”, người Ba Lan kéo quân chiếm Latvia để truyền bá “đạo lý”; đạo Thiên Chúa La Mã trở thành quốc giáo và lãnh chúa Latvia với lãnh thổ lớn nhất trở thành Công Tước Courland (Duchy of Courland), triều phục Ba Lan.

Chiến tranh giữa Thụy Ðiển (Tin Lành) và Ba Lan (Thiên Chúa La Mã) tiếp tục trong thế kỷ XVI, kết quả là Thụy Ðiển cai trị vùng đất phía bắc Latvia trong suốt thế kỷ XVII, cho đến khi thua trận và nhường lại lãnh thổ cho Nga. Nga Hoàng cai trị Latvia trong 200 năm. Qua sự thương thảo khéo léo, người Ðức tiếp tục giữ được quyền lợi dưới tay Thụy Ðiển và cả chủ nhân mới. Từ đó, quyền lực, tiền bạc và đất đai của đất nước Latvia nằm trong tay người Nga và người Ðức.


Latvia công bố độc lập năm 1918


Vào cuối thế kỷ XIX, Hoàng gia Nga chuyển hướng, muốn dùng Nga Ngữ thay cho tiếng Ðức. Khuynh hướng này khiến các nhân sĩ Latvia thân Ðức bất bình, và họ tổ chức các cuộc nổi dậy chống lại Sa Hoàng. Khi Thế Chiến I bắt đầu năm 1914, Latvia trở thành mục tiêu tranh giành của Nga và Ðức. Trong khi người Latvia muốn độc lập, cư dân địa phương lại bị bắt lính, bắt ép chiến đấu dưới lá cờ của Nga. Thế là anh em Latvia xoay ra uýnh nhau, người theo Ðức, kẻ theo Nga. Thắng trận, người Ðức chiếm Riga và giữ được vùng đất này trong một thời gian ngắn nhưng rồi thua quân đội Ðồng Minh vào năm 1918 khiến người Ðức phải rút quân về nhà. Nắm lấy cơ hội quân xâm lăng bỏ chạy, người Latvia đứng dậy công bố độc lập, nền độc lập đầu tiên trong thời cận kim. Riga trở thành thủ đô của quốc gia Latvia mới mẻ và cả vùng Baltic. Ngôn ngữ Latvia bắt đầu được sử dụng rộng rãi nơi công sở và trường học. Người Latvia buôn bán với Tây Âu và cùng lúc, tránh làm ăn với Nga Sô.


Hồng Quân Nga xâm chiếm Latvia năm 1940


Ngày 17 tháng Sáu năm 1940, Hồng Quân Nga chiếm lãnh thổ Latvia, biến đất nước này thành chư hầu của khối Sô Viết. Thân hào nhân sĩ địa phương và gia đình đều bị giết hoặc lưu đày đến Siberia.

Người Ðức trở lại Latvia qua quân đội Nazi, chỉ tốn 10 ngày trong tháng Sáu năm 1941, đã chiếm xong toàn cõi Latvia từ tay Sô Viết. Cách cai trị của Nazi cũng tàn bạo như Hồng Quân Nga nhưng mục tiêu truy sát có phần khác biệt: cũng cướp bóc tài sản, tru diệt người họ xem là “kẻ thù” nhưng Nazi nhắm đến người Do Thái sinh sống tại Latvia trong khi Sô Viết truy bức, tàn sát người không [theo] cộng sản.

Ba năm sau, Hồng Quân Nga trở lại “giải phóng” Latvia. Khi lằn ranh giữa hai chính phủ chưa rõ rệt, và Sô Viết chưa hoàn toàn siết chặt vùng đất mới xâm chiếm, cả trăm ngàn người Latvia chạy trốn qua Tây Âu. Năm 1949, chính sách “đồng hóa” của Sô Viết lên mức cao nhất, họ đuổi người địa phương qua Siberia và nhập cảnh di dân nói tiếng Nga thay thế nhân công. Ðến năm 1990 thì một nửa cư dân Latvia dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ; ngôn ngữ văn hóa Latvia bị thay thế và có nguy cơ mất dấu thì người Latvia đứng dậy, họ thành lập các tổ chức đối kháng và bắt đầu các cuộc xuống đường đòi độc lập.

Cuộc nổi dậy của dân Latvia gặp thời cơ may mắn: tại Nga Sô, quyền lực đổi tay sau cuộc đảo chánh, ông Yeltsin lên ngôi thay thế ông Gorbachev, dân tình hoang mang, quan toàn quyền phương xa lúng túng và người Latvia tuyên bố độc lập [lần thứ nhì] năm 1991.


Trưng cầu dân ý: người Latvia bỏ phiếu tán thành tham gia Liên minh châu Âu


Ðể tạo thanh thế, người Latvia nhanh chóng liên kết với Estonia phía đông bắc và Lithuania phía nam tạo thành khối Baltics, và thành công trong việc xin gia nhập Liên Âu năm 2004, sử dụng Euro.

Mối lo âu canh cánh trong lòng người Latvia là việc nửa dân số sinh sống trên đất nước họ là những di dân từ Nga, nói tiếng Nga, được chính thể Sô Viết ưu đãi, ăn trên ngồi trước nhiều thế hệ, nên tất nhiên là họ luôn ủng hộ Nga, dù liên bang Sô Viết đã sụp đổ. Có thể nói, lượng di dân hùng hậu này dễ dàng trở thành “nội tuyến” cho thế lực Nga từ Moscow. Việc thay đổi ngôn ngữ tại học đường đã và đang tiếp tục là vấn nạn nhức đầu cho chính phủ Latvia. Cư dân nói tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ, tiếp tục đòi sử dụng Nga ngữ trong công sở và trường học tại Latvia, một hình thức chống đối âm thầm nhưng mãnh liệt vì ngôn ngữ kết chặt với văn hóa và truyền thông. Sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ quen thuộc trong môi trường truyền thông cũng là cách biểu hiện sự gắn bó, yêu thương nguồn gốc ấy.

Khi nhắc đến ngôn ngữ địa phương, người dẫn đường, Laura (một phụ nữ Latvia trong tuổi 30), đã kể lại mẩu chuyện thời thơ ấu. Khi còn học tiểu học, có lần Laura buột miệng nói tiếng Latvia trong trường, và bị “bạn” mách với thày cô. Ðể trừng phạt Laura và làm gương ngăn cấm những đứa trẻ khác, cô bé đã phải mang trên ngực tấm biển “Tôi nói tiếng Latvia” như một tội đồ. Hình phạt này chỉ chấm dứt khi một đứa trẻ khác phạm tội tương tự, tấm biển được chuyển qua ngực tội phạm mới. Mấy mẩu chuyện xem ra vặt vãnh nhưng ta có thể hiểu được rằng chính phủ Sô Viết đã kiên trì, kỹ lưỡng với sách lược bôi xóa nền văn hóa địa phương qua nhiều thế hệ chư hầu. Lạ một điều là kỹ lưỡng, tỉ mỉ, bài bản như thế mà họ vẫn không thành công!?


Các pho tượng Lenin trên đất Latvia bị giật đổ


Ngày nay, Latvia (Latvija) là một quốc gia trong khối Baltics tại phía bắc Âu Châu. Latvia bắc giáp Estonia, nam giáp Lithuania, Nga về phía tây, Belarus về phía đông nam và biển Baltic về phía tây. Diện tích Latvia gồm 64,590 cây số vuông với 500 cây số bờ biển.

Dân số Latvia là 2 triệu người (theo bản ước tính của CIA năm 2017), có tuổi thọ trung bình là 74. Tỷ lệ sinh sản là 9.7/1,000 người và tử vong là 14.5/1,000 người; tạm hiểu là dân số mỗi ngày một giảm sút vì số người chết cao hơn số người ra đời. Ðây cũng là dấu hiệu của sự già nua, mòn mỏi của xã hội: Một xã hội thiếu cư dân non trẻ để xây dựng, vun xới trong khi người già từ từ qua đời thì sẽ có ngày đi đến chỗ diệt vong.

Phần đông cư dân theo đạo Thiên Chúa: cộng đồng tôn giáo lớn nhất là Tin Lành, giáo phái Lutheran (40%), kế tiếp là Thiên Chúa Chính Thống Nga (Russian Orthodox) khoảng 20%, và các tôn giáo khác.



Về mặt kinh tế, giữa 1991 – 2007, Latvia phát triển không ngừng tuy cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của trận suy thoái toàn cầu trong những năm 2008-2010. Latvia hồi phục khá nhanh chóng và được xem như vùng đất có tốc độ phát triển nhanh nhất Liên Âu.

Tổng sản lượng quốc gia năm 2016 là 50.62 tỷ Mỹ kim, lợi tức hàng năm mỗi đầu người là 26,700 Mỹ kim.

Là một quốc gia nông nghiệp, Latvia chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết và kinh tế trở nên khá phồn thịnh nhờ chuyển từ nông nghiệp sang kỹ nghệ cung cấp dịch vụ.

Vấn nạn quan trọng nhất của Latvia là số cư dân “vô tổ quốc” (stateless). Cư dân gốc Latvia trước thời Sô Viết cai trị và con cháu họ được nhìn nhận là công dân Latvia sau ngày độc lập 1991. Nhưng cư dân sinh sống tại Latvia, không phải là công dân Latvia hoặc không có quốc tịch nào đều là những người “vô tổ quốc”, non-citizen, và được dùng thông hành đặc biệt “non-citizens passport”. Tuy nhiên, dù cha mẹ “vô tổ quốc”, con cháu sinh trưởng tại Latvia sau ngày độc lập đều có thể trở thành công dân Latvia.

Cư dân vô tổ quốc không được đi bầu, không được làm trong công sở, không gia nhập quân đội Latvia nhưng vẫn được sử dụng loại thông hành đặc biệt kể trên để di chuyển trong Liên Âu mà không cần chiếu khán (visa). Tuy nhiên cư dân vô tổ quốc vẫn có thể xin vào quốc tịch nếu đã sinh sống tại Latvia ít nhất 5 năm, thi đậu kỳ sát hạch về Latvia ngôn ngữ và lịch sử và biết hát quốc ca.


Cổng vào và bản đồ


Dùng xa lộ A1, nhóm du khách đi xe bus đến Riga, thủ đô Latvia. Biên giới giữa Lithuania và Latvia chỉ là hai cột cờ và những hàng cây xanh mát, chẳng có trạm biên phòng, không có hàng rào mà cũng chẳng có lính gác xét giấy tờ, in hệt việc di chuyển giữa các quốc gia trong khối Liên Âu.


Lâu đài Rundale


Trên đường đi, xe dừng tại lâu đài Rundale, Rundalespils, cho nhóm du khách nhìn ngắm. Tòa lâu đài nằm giữa các thôn làng cô quạnh, rừng và các ngọn đồi chập chùng.

Ngày trước, đây là nơi nghỉ mát của Công Tước Courland; lâu đài do kiến trúc sư Bartolomeo Rastrelli vẽ kiểu và xây cất; ông này cũng là người xây cất lâu đài Hermitage tại St. Petersburg. Thủa ấy, các ông hoàng bà chúa Âu Châu thường là anh em, họ hàng, họ kết hôn với nhau để duy trì sự liên kết lân bang và giữ ngôi vị. Thân thích nên người trong hoàng gia thường... bắt chước nhau và kèn cựa, so sánh mức sang giàu. Khi một tòa lâu đài được trầm trồ khen ngợi là kiến trúc sư vẽ kiểu [cho lâu đài ấy] được mời chu du khắp nơi. Lâu đài Rundale cũng không ngoại lệ, để khoe giàu khoe sang, Công Tước Courland cũng mời ông kiến trúc sư nổi tiếng về xứ lạ để xây lâu đài theo kiểu Baroque đương thời; vườn tược cũng rập khuôn Versailles bên Tây nhưng nhỏ hơn. Ðại khái là ngày ấy, Versailles cũng như Hermitage nổi tiếng là đẹp nên nếu chủ nhân lâu đài nào không theo kiểu Versailles là... không có thớ!


Bên trong lâu đài Rundale – White Hall


Do đó, chỉ nhìn thoáng là Dế Mèn đã thấy... quen quen vì đã nhiều lần nhìn ngắm các tòa lâu đài xây cất trong thế kỷ XVII tại Âu Châu. Phòng ốc vật dụng bài trí chẳng có gì.

Nói giản dị là lâu đài Rundale không có chi đặc biệt với phe ta, lại có phần “nghèo nàn” so với các tòa lâu đài không bị tàn phá hoặc bỏ phế tại Âu Châu. Nhưng ấn tượng thấm thía sâu đậm nhất có lẽ là lòng yêu thương đất nước của người địa phương; tòa nhà đã bị tàn phá vì chiến tranh, lại bị nhà cầm quyền Sô Viết bỏ phế sau khi cướp bóc sạch sẽ. Người Latvia cặm cụi tỉ mẩn làm lại từng viên gạch, từng tấm màn, mua lại các vật dụng cùng thời để trang trí cho phù hợp với số tuổi của tòa nhà. Họ dốc lòng khôi phục di sản của tổ tiên để con cháu có cái mà hãnh diện!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Feb 23, 2018 12:08 am    Tiêu đề: Latvia (Latvijas Republika) (tiếp theo)

Latvia (Latvijas Republika) (tiếp theo)


Riga

Riga là thủ đô của Latvia, thành phố có lịch sử trên dưới 800 năm. Vị thế địa lý của Riga khá lý tưởng, nằm trên bờ biển, và gần như nằm giữa ba quốc gia vùng Baltic. Một vị thế vô cùng tốt đẹp về quân sự, lối tiến quân, tiếp viện qua đường bộ và đường biển. Không lạ là năm 1201, quân đội Thập Tự (Crusaders) do Giám Mục Albert von Buxhoeveden lãnh đạo đã chọn Riga làm trung tâm hành chánh và quân sự, xây cất đồn lũy chung quanh.

Trước đó, Riga đã là nơi buôn bán giữa cư dân địa phương, thương nhân Nga và Thụy Ðiển. Và khi quân Thập Tự chiếm được Riga, họ thành lập Hanseatic League tiếp tục mở mang thị trường làm ăn. Tạm hiểu là tự thời xa xưa, Riga đã là một thành phố lớn nhất, “hiện đại” nhất của vùng Baltic.

Thành phố đổi chủ thêm vài lần nữa, Thụy Ðiển trong giai đoạn 1621 – 1710, rồi đến thời Nga Hoàng và liên bang Sô Viết, Riga tiếp tục thay da đổi thịt, đường phố mở mang thay thế đồn lũy, các dinh thự cũng thay kiểu kiến trúc theo thời đại và ảnh hưởng văn hóa từ chủ nhân cũng như những thương nhân quyền thế. Với một lịch sử nhiều thay đổi như thế, điều dễ hiểu là ngoài các bộ tộc gốc rễ, Riga cũng đậm nét Ðức, Hòa Lan, Nga Sô... Kẻ đi người đến để lại các dấu tích văn hóa khiến Riga mang nhiều bộ mặt khác nhau, bộ mặt đặc thù của sự pha trộn văn hóa. Vào cuối thế kỷ XIX, khi vương triều Nga giàu có phóng tay tiêu xài thì phong trào xây cất nở rộ. Các tòa nhà trong thành phố có nhiều thể loại kiến trúc san sát bên nhau, kiểu kiến trúc được người đời nay gọi là “Art Nouveau” hay “Nghệ Thuật Tân Thời”. Những tòa nhà được UNESCO xướng danh “di sản thế giới”. Riga nổi tiếng là thành phố có nhiều tòa nhà tân thời đặc thù nhất trên thế giới và đây là niềm hãnh diện của dân địa phương.


Town Hall Square


Phố Cổ

Bắt đầu từ Phố Cổ. Phố Cổ dựa lưng sông Daugava, nơi có công trường chính hay Town Hall Square vì tòa nhà hành chánh (Town Hall) và những tòa nhà xây cất từ thời Trung Cổ tọa lạc. Ðây là nơi cư dân tụ họp trong dịp lễ lạt ngoài trời hoặc... biểu tình xuống đường!


Dome Cathedral


Một mặt của công trường chính là Dome Cathedral, ngôi nhà thờ lớn nhất của thành phố, còn có tên Riga Cathedral, nơi cư trú của vị Tổng Giám Mục cai quản hội thánh Tin Lành Lutheran tại Latvia. Ngày xa xưa, vị Tổng giám mục tại đây cai quản cả hội thánh Lutheran vùng Baltic. Nhà thờ được xây cất từ thế kỷ XIII nhưng đã trải qua nhiều lần sửa chữa tu bổ sau khi chịu bom đạn tàn phá, gần đây nhất là năm 2001. Nhà thờ cũng là nơi hòa nhạc của các ban nhạc thành phố.

Hôm Dế Mèn ghé thăm cũng có một buổi hòa nhạc vào buổi chiều tối nhưng sau cả ngày lang thang rã hai cái cẳng, phe ta đổ lười, chỉ ăn uống qua loa rồi... thăng, lấy sức đi tiếp ngày hôm sau nên không biết bên trong nhà thờ bài trí ra sao. Chỉ nghe bạn bè kể lại là nhà thờ bài trí đơn sơ, giản dị; không thếp vàng thếp bạc lộng lẫy như các nhà thờ Thiên Chúa La Mã. Tại Rega cũng có nhà thờ chính tòa (cathedral) của hội thánh Thiên Chúa La Mã, nhà thờ Thánh Jacob, nhưng xem ra có vẻ khiêm nhường so với Dome Cathedral.


Tháp chuông nhà thờ Tin Lành St. Peter


Một ngôi nhà thờ Lutheran khác, cũng nổi tiếng không kém là nhà thờ Thánh Peter, trên nóc có cái đồng hồ và tháp chuông, trong thành phố nhìn từ phía nào cũng thấy cái đồng hồ cao nghệu ấy. Nhà thờ Thánh Peter “đứng” sau lưng hai tòa nhà có tên House of the Blackheads.


Tòa nhà Blackheads


House of the Blackheads được xây cất từ thế kỷ XIV dành riêng cho những thương nhân Ðức độc thân, the Brotherhood of Blackheads, đến Riga làm ăn buôn bán. Khá giả nên các thương nhân họp nhau tìm chỗ tụ họp, nghỉ chân cho sang trọng tương xứng với tài sản và vị thế xã hội của họ; một loại “hội quán”, “club” riêng, tách biệt người trong “club” với những người khác. Nhóm thương nhân độc thân gốc Ðức tự xưng là “Blackheads”, chọn quan thầy là Thánh Maurice qua hình ảnh một binh sĩ da đen mặc giáp trụ hiệp sĩ Trung Cổ. Tạm hiểu là suốt mấy thế kỷ, người Ðức đã giữ vị thế “quý tộc”, là những người quyền quý cha truyền con nối trong xã hội Latvia và Baltic. Ngay tại cổng vào có khắc hàng chữ “Nếu bị hủy hoại, [tòa nhà] sẽ được tái tạo” (“If I am destined to ruination, I will be rebuilt by you! ”).

Tòa nhà được trang điểm thêm thắt trong suốt mấy thế kỷ (1580-1886) cho đến khi bị quân đội Nazi dội bom năm 1941. Sau khi Riga rơi vào tay Hồng Quân Sô Viết, năm 1948, tòa nhà bị phá nát, và người thành phố tái dựng từ năm 1995, rồi tiếp tục tu bổ cho đến ngày nay. Và hàng chữ hứa hẹn kể trên xem ra đã được người thành phố thi hành.

Hôm ghé thăm, House of the Blackheads đang được sửa chữa nên Dế Mèn cũng chỉ nhìn ngắm từ bên ngoài. Có lẽ đây là tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất của thành phố.

Ngày nay, House of the Blackheads trở thành nơi triển lãm, nơi tổ chức các buổi hòa nhạc.


Tượng Rolando


Trước mặt House of the Blackheads là bức tượng Roland (Rolando), một hiệp sĩ Trung Cổ trong huyền thoại Ðức; hiệp sĩ Roland là biểu tượng độc lập của [người] thành phố trước những quý tộc.


Tượng “Nhân Dân”


Một phía khác của công trường chính là tòa nhà giống in hệt một cái hộp, khác biệt hẳn với các kiến trúc chung quanh. Tòa nhà được xây cất dưới thời Sô Viết, trước mặt là bức tượng “Nhân Dân”, tòa nhà này ngày nay là nơi lưu trữ tài liệu về tội ác của quân đội Nazi và Hồng Quân Nga, Museum of the Occupation of Latvia


Viện Bảo Tàng Thời Xâm Chiếm


Giữa các kiến trúc cổ, mấy tòa nhà, tượng đá thời Sô Viết trông lạc lõng, tách biệt vì kiểu dáng quá thô tháp và cục mịch khác thường. Nhìn ngắm rồi Dế Mèn nhận ra rằng người Riga thâm thúy quá, họ giữ lại chứng tích của một thời bị trị, mất chủ quyền. Dù căm ghét kẻ ngoại xâm, người địa phương tiếp tục tu bổ và gìn giữ những chứng tích [xấu xí] ấy như để nhắc nhở con cháu nỗi đau đớn của một dân tộc bị cai trị, di sản tổ tiên bị kẻ xâm lăng bôi bác, phá hủy.


Đường sá trong Phố Cổ


Chung quanh Phố Cổ là những con đường lát đá gồ ghề, từa tựa như Phố Cổ của Vilnius với những cửa tiệm, hàng quán. Hầu hết các con đường này dùng cho khách bộ hành hoặc xe đạp, xe gắn máy hai bánh loại nhỏ. Xe hơi đều phải dừng tại bãi đậu xe bên ngoài Phố Cổ. Xe bus cũng chỉ được di chuyển trong công trường chính. Con đường này treo bảng “The God Father” với các tòa nhà của thành phố New York, bán thức ăn và pizza. Dế Mèn không ghé nên không biết thức ăn có mùi vị giống New York chút nào không.


Các tòa nhà cổ (the Three Brothers)


Một trong những con đường nhỏ hẹp quanh công trường chính, Maza pils, là con đường tiêu biểu của kiến trúc thành phố, có cả ngôi nhà lâu đời nhất, xây cất từ thế kỷ XV. Hầu như mỗi ngôi nhà có một kiểu dáng khác nhau, điển hình là một nhóm ba ngôi nhà đứng cạnh nhau, the Three Brothers. Căn nhà số 17 là ngôi nhà cổ nhất, tuổi tác từ thế kỷ XV trong khi ngôi nhà số 19, màu vàng, được xây cất trong thế kỷ XVII, ngày nay là viện bảo tàng kiến trúc. Tòa nhà màu xanh, số 21, xây cất từ thế kỷ XVIII.

Hôm ấy, trước ngôi nhà số 17 có ban hát rong, họ trình tấu những nhạc khúc cổ điển của Âu Châu. Thấy nhóm du khách xì xào Anh ngữ, ban nhạc bèn đổi tông, trình diễn bản quốc ca Huê Kỳ. Không ai bảo ai, nhóm du khách đứng sững giữa đường, có người còn đặt tay lên ngực như thể lúc chào cờ cho đến khi hết bản nhạc. Ban nhạc được nhóm du khách tặng một món tiền nhỏ.

Riêng Dế Mèn thì nấn ná đứng lại rồi đánh bạo đòi ban nhạc cho nghe quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Phe ta cất giọng mấy lần... Này công dân ơi... thử xem nhạc công có quen thuộc với quốc ca mình không... Cả ban nhạc lắng nghe rồi lắc đầu dù một người gật gù bảo rằng có nghe đến quốc gia Việt Nam Cộng Hòa nhưng bây giờ thì “... no more?! ”

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Mar 08, 2018 11:54 pm    Tiêu đề:

Latvia (tiếp theo)

Cổng Thụy Điển


Ngày xa xưa, Riga cũng được bảo bọc bởi tường thành xây bằng đá nhưng khi thành phố mở mang, các bức tường bị phá bỏ và Riga chỉ còn giữ được một trong tám cổng vào, Cổng Thụy Điển (the Swedish Gate). Câu chuyện từa tựa như chuyện năm cửa Ô xưa ngày nay chỉ còn mỗi Ô Quan Chưởng của thành Hà Nội.

Cổng Thụy Ðiển được xây cất từ năm 1698 khi người Thụy Ðiển làm chủ Riga, tương truyền rằng nhà cầm quyền thủa ấy tháo dỡ tầng dưới của một ngôi nhà cũ, trổ cửa làm lối ra vào cho quân sĩ đồn trú tại doanh trại St. Jacob gần đó. Ngày nay, nơi này là chỗ nhạc sĩ hát rong trình diễn và cũng là chỗ chụp hình của các cô dâu chú rể trong ngày cưới vì cổng Thụy Ðiển được xem là mang lại sự may mắn


Great Guild


Mới mẻ hơn là tòa nhà “Great Guild”, xây cất trong những năm 1853 -1860, dù trước đó kiến trúc có phần khiêm nhường hơn. Ðây là nơi tụ họp của các thương nhân gốc Ðức trong thành phố từ thế kỷ XIII, từa tựa như “the House of Commerce” hay “Hội Quán Mậu Dịch”. Ngày nay tòa nhà trở thành hí viện nơi trình diễn của các ban nhạc hòa tấu, the Philharmonic Orchestra.


Small Guild


Nhỏ hơn nhưng đẹp mắt hơn là tòa nhà Small Guild gần bên, tuy không giữ vị trí quan trọng về thương mại nhưng tòa nhà này lại là nơi những quý tộc Ðức... khoe sang, triển lãm nghệ thuật mang đến Riga từ cố quốc.

Dinh thự là biểu tượng của quyền bính, vị thế xã hội trong mọi thời đại. Riga cũng không ngoại lệ; có quyền thế tiền bạc thì được ra vào một số dinh thự dành riêng cho giai cấp ấy. Một giai thoại khá thú vị về cách phản kháng của người bị kỳ thị, bị tách biệt bởi xã hội “quý tộc” thủa ấy. Thủa trước Thế Chiến I, có thương nhân Latvia bị cấm lui tới tòa nhà Great Guild vì ông ấy không phải là người Ðức. Tức mình, ông thương gia xây một tòa nhà khá lớn gần đó, trên nóc có hai con mèo đen, đứng cong đuôi (dáng đứng của con vật lúc sửa soạn phóng uế) chổng mông về phía tòa nhà mậu dịch.


Cats’ House


Sau một thời gian thưa kiện khá lâu, ông thương gia thắng kiện, được quyền gia nhập hội thương gia và ra vào tòa nhà mậu dịch. Ông ấy bèn xoay hai con mèo đen trên nóc nhà ra phía khác. Tòa nhà này được cư dân đặt tên “the Cats’ house”.


Ligu Square


Ngoài công trường chính, Riga cũng có những công trường nhỏ nhỏ, đẹp nhất có lẽ là Ligu Square nơi hàng quán tấp nập buôn bán và họ bày các bức tượng khá lạ mắt.


Milda, “Nữ Thần Tự Do” của Latvia đứng trên bệ cao


Một công trường khác, tuy không đẹp lắm nhưng có tính cách lịch sử của thành phố, đó là nơi đặt tượng đài “Tự Do” (Freedom Monument). Nơi này, ngày xa xưa là nơi đặt bức tượng Sa Hoàng, Peter the Great. Ðến năm 1935, trong thời kỳ độc lập của Latvia, thì người thành phố xây tượng đài Tự Do, biểu tượng độc lập của đất nước Latvia. Tượng đài do điêu khắc gia Karlis Zale vẽ kiểu. Bệ tượng là một khối granite khắc những hình ảnh tượng trưng cho các đức tính như cần mẫn [làm việc], [chú ý đến đời sống] tâm linh, [chăm sóc] gia đình và ái quốc; cũng như hình tượng các anh hùng của Latvia.Bệ tượng khắc hàng chữ “Tổ Quốc và Tự Do”. Bức tượng phụ nữ mỏng manh, tên nôm na là Milda, đứng trên bệ, tay cầm ba ngôi sao tượng trưng cho ba vùng văn hóa Kurzeme, Vidzeme và Latgale.

Dưới thời Sô Viết, nhà cầm quyền cấm dân chúng đặt hoa tưởng niệm ở đây và họ đặt một bức tượng Lenin gần đó. Hôm ấy, vào mùa “xây cất” (vì khí hậu khắc nghiệt, người Baltic chỉ có thể tu bổ sửa chữa đường sá, thực hiện các chương trình xây cất trong mùa xuân và mùa hè) nên di tích quý giá nào cũng bị bọc lưới [cho an toàn] để tu bổ. Dế Mèn chụp được tấm ảnh lờ mờ từ xa nên nản lòng quá xá, nhưng có còn hơn không!


Tòa nhà Stalin Birthday Cake


Quanh quẩn ở trung tâm phố Cổ khoảng một – hai tiếng là ta có thể nhìn ngắm hết mọi di tích chính, xa hơn chút xíu là nóc nhà của “Stalin Birthday Cake” vượt khỏi các tòa nhà chung quanh.

“Bánh Sinh Nhật của ông Stalin” là tên gọi nôm na do dân địa phương đặt cho tòa nhà cao 107 thước, xây cất từ năm 1956 với những góc cạnh thẳng, sắc nét; khác hẳn những cột tròn và “trang điểm” với hình thể nhân công lực lưỡng, mạnh mẽ thay cho hình tượng thần thánh ẻo lả, dịu dàng. Trong thời gian xây cất, nhà cầm quyền “quyên góp” tiền bạc bằng cách trừ lương tháng của công nhân viên dưới tiêu đề “quà mừng sinh nhật”.

Ngày nay, tòa nhà 23 tầng, 766 phòng được sử dụng làm Trung Tâm Khoa Học của Latvia (the Latvian Academy of Sciences). Phe ta chỉ đứng ngó từ xa chứ không vào bên trong mà nhìn ngắm vì tòa nhà chỉ mở cửa tầng lầu thứ 17 cho bá tánh vào xem, những nơi khác thì cấm hẳn.


Central Market


Central Market hay ngôi chợ lớn nhất của thành phố, trước đây là những “hangar” chứa máy bay của Hồng Quân Sô Viết, cũng những cửa hàng bán đủ mọi sản phẩm, quần áo giày dép, thực phẩm từ phó mát, thịt, cá khô đến những món muối chua. Món bắp cải muối chua rất phổ thông ở đây, người ta muối chua với nhiều món gia vị nên bắp cải có nhiều hương vị khác nhau. Bên ngoài là các cửa hàng bán rau tươi, trái cây... ; nhất là nấm, nấm đủ mọi loại, màu sắc rực rỡ rất bắt mắt.


Quán rượu “chuyên trị” các loại Melnais balzams


Nhóm du khách ghé quán rượu để thử món “Black Balsam”, Melnais balzams, đặc biệt của Latvia. Ðây là món rượu thuốc cổ truyền, chế từ vodka ngâm với gia vị (spices), nghe nói tới 24 món, nụ hoa linden, nụ birch, rễ cây valerian, raspberry, bilberry, gừng, hồ tiêu và cả nutmeg. Rượu thuốc ngâm trong thùng gỗ sồi cỡ một năm rồi mới uống, nồng độ rượu khá cao, cỡ 45 độ (90 proof).

Người địa phương dùng black balsam để chứa bá bệnh, cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy... Dế Mèn cũng nếm thử, rượu có mùi rất nồng, vị đắng nghét nên chẳng khuân vác về Huê Kỳ làm quà như những người khác trong nhóm.


Các tòa nhà có kiến trúc Nghệ thuật Tân Thời của Riga


Riga được tôn vinh là thành phố có kiến trúc nghệ thuật mới nhiều nhất thế giới. Ngoài số lượng, các kiến trúc này còn nổi tiếng về phẩm chất, những tòa nhà không cân đối, “trang điểm” tỉ mỉ, chi tiết với hình thể cổ cũng như tân, dựa trên lịch sử và thiên nhiên. Kiểu kiến trúc đặc biệt của Riga là những đường thẳng góc và có khuynh hướng “lãng mạn” đặc thù của Latvia (sử dụng hình thể của nghệ thuật dân gian pha trộn với thiên nhiên). Ðặc biệt là các tòa nhà trên đường Elizabetes và Alberta. Dế Mèn chụp được khá nhiều hình ảnh ở đây.


Latvia Folk Dance


Buổi tối, nhóm du khách ăn uống ở quán địa phương và xem một chương trình “Folk Dance” ngắn ngắn, nhạc khí có phần lạ mắt, loại kèn trông giống “horn pipe” của Scotland. Thức ăn không có chi đặc biệt, cũng khoai, thịt và... cream sauce!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân