TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tokyo đón Tết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tokyo đón Tết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Tue Jan 09, 2018 12:33 am    Tiêu đề: Tokyo đón Tết

Tokyo đón Tết

Nét nghệ thuật “Kadomatsu, khúc gỗ tượng-hình chữ Tâm” đón mừng năm mới. (Hình: ATNT Tours)


Tháng Mười Hai là tháng thời tiết Tokyo bắt đầu dần dần se lạnh báo hiệu mùa Đông đã đến. Đây cũng là lúc người dân xứ Phù Tang rộn ràng nhộn nhịp đón mừng năm mới theo Tết Dương Lịch.

Sự nhộn nhàng háo hức của người dân đã khiến thủ đô Tokyo cũng bị lôi cuốn chạy theo nhịp điệu “đón Tết” của người dân.

Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi vào năm 1868, ông đã có tham vọng chạy đuổi theo sự tiến bộ của thế giới phương Tây bằng mọi giá, ông làm một cuộc duy tân nước Nhật mà sau này lịch sử gọi là “Minh Trị Duy Tân.”

Một trong những nét duy tân đó, ông đã cho đổi ngày Tết Âm Lịch (Tết Nguyên Đán) thành Tết Dương Lịch theo lịch của người phương Tây để các cơ quan hành chính – thương mại – tài chính ngân hàng của nước Nhật có thể làm việc nhịp nhàng theo “lịch” làm việc của Âu Châu.

Kể từ đó, nước Nhật đón mừng “Tết Nguyên Đán” vào đầu năm Dương Lịch vào ngày mùng Một Tháng Giêng mỗi năm. Tất cả các điểm văn hóa – phong tục dân gian của Tết Âm Lịch đều được “chuyển sang” thời gian dương lịch.

Có lẽ trong một vài thập niên khởi đầu sự thay đổi, người dân Nhật cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sự chuyển đổi một tập tục đã có từ lâu đời, nhất là chuyển đổi cả một “không gian đón mừng Tết” không phải là một sự dễ dàng. Những người dân vùng quê ngày xưa, họ thường ăn mừng luôn cả hai ngày Tết – Tết Âm Lịch và Tết Dương Lịch. Bây giờ “không gian đón mừng Tết Âm Lịch” dần dần cũng đã tan loãng với thời gian.


Kodomatsu thường đặt cạnh hai bên cửa nhà, cơ sở thương mại, hay các building để đem lại may mắn và an toàn vào năm mới. (Hình: ATNT Tours)


Một trong những trọng điểm văn hóa thay đổi mà người ta nhận thấy là trong khi văn hóa Tây phương đón giao thừa bằng giây phút countdown thì người dân Đông Kinh đón Giao Thừa bằng cách đi viếng thăm đền Minh Trị Thần Cung, một ngôi đền được dân Nhật xây để tưởng nhớ đến vị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật từ vị trí thấp kém tủi nhục trở thành một đất nước hùng mạnh vào cuối thế kỷ 19, có vai vế sánh ngang hàng với các đế quốc phương tây. Ông đã làm cho các dân tộc Âu Châu không còn dám khinh thường giống dân da vàng Châu Á (trận hải chiến Nga-Nhật năm 1905 xảy ra và kết quả hải quân Nga thua trận đã chứng minh điều đó).

Ngôi đền Minh Trị Thần Cung nằm gần khu vực nhà ga tàu điện Harajuku, bên cạnh khu Olympic nơi Tokyo được tổ chức Thế Vận Hội vào năm 1964. Đền tương đối lớn và uy nghiêm nếu phải so sánh với các ngôi đền thần đạo khác ở Nhật. Tuy nhiên, khác với những ngôi đền Thần Cung khác, đền Minh Trị được người ta giới thiệu chút ít về lịch sử triều đại của vị Thiên Hoàng này bằng hai ngôn ngữ Nhật và Anh. Dĩ nhiên lịch sử đất nước nào cũng thường nói hay nói tốt về văn hoá lịch sử của dân tộc họ.

Chỉ nội trong một đêm Giao Thừa thôi, hằng năm có hơn cả triệu người dân Nhật đến viếng đền Minh Trị. Nếu bạn có chứng kiến cảnh một ngôi đền nhỏ như thế mà phải tiếp nhận một số lượng người kinh khủng như thế (trong một đêm) mà cảnh sát Nhật vẫn kiểm soát được một cách trật tự thì người ta mới ngưỡng mộ hết tài năng của ngành cảnh sát Nhật cũng như ý thức rất cao của người dân Nhật.

Những ai đã từng sống ở Tokyo lâu năm, chắc hẳn thế nào cũng đã có dịp một lần đến đền Minh Trị xem dân Nhật đón Giao Thừa ở đây. Chỉ có tham dự bạn mới cảm nhận hết được những cảm xúc khi chứng kiến “đêm Giao Thừa ở đền Minh Trị Thần Cung.” Đây cũng là thời điểm mà du khách có thể xem tận mắt những lễ nghi và phong tục của một ngôi đền Thần Cung, từ cung cách người dân Nhật đi qua các cổng “tori” của đền đến cung cách “rửa tay, rửa miệng, làm sạch thân” trước khi vào đền viếng “Thần.” Ngay cả khi cầu nguyện, cách người Nhật cũng có cung cách cầu nguyện khác hẳn các dân tộc khác.


Đền Minh Trị Thần Cung tại Tokyo. (Hình: ATNT Tours)


Người Nhật không ăn mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng người ta có thể hình dung ra được rằng thời gian từ dịp Lễ Giáng Sinh đến đêm Giao Thừa là thời gian người Nhật nhộn nhịp cho thời gian đón Tết. Các khu mua sắm cạnh tranh quảng cáo “on sale” khắp mọi nẻo đường phố.

Tokyo vốn là thành phố luôn luôn đông kín người, kể cả mùa Đông. Không có mùa nào mà thủ đô Tokyo vắng người vắng shoping. Nhưng đặc biệt, vào Tháng Mười Hai là tháng mà người ta nhận thấy tất cả các gian hàng, cửa hàng đều được trang trí rực rỡ, các khu phố nổi danh như Ginza, Shinjuku, Shibuya, Harajuku, Ikebukuro... đâu đâu cũng thấy trang trí hình dáng “cây thông Giáng Sinh” và đèn đuốc cho những ngày lễ hội.

“Cây thông Giáng Sinh” được trang trí quanh thành phố không có nghĩa là người Nhật theo tôn giáo Catholic nhiều. Đây có lẽ chỉ là một dấu mốc báo hiệu cho dân Nhật biết “năm mới” sắp đến. Trong tuần lễ này, người ta bắt đầu thấy trong các khu nhà ga, các gian hàng đã bày bán các loại cây như “cây nêu,” các loại cây được nối kết lại theo phong tục Tết của người Nhật như “kadomatsu” (*), Shimenawa (**), hay Wakazari (***) là các loại cây được được kết nối lại với mụa đích trừ tà đuổi quỷ hay mang lại mọi điều tốt làng trong ngày đầu năm mới được bày bán khắp mọi nơi. Giá cả của các “kadomatsu, shimenawa, hay wakazari” tùy theo cỡ lớn hay nhỏ nhưng giá cả hoàn toàn không rẻ chút nào.

Nếu bạn có thích thú với một ít điểm văn hóa Nhật Bản ngày xưa, bạn nên đến thăm một vài phố thị như phố Asakusa với ngôi chùa nổi tiếng Sensoji vì ở đây bạn có thể bắt gặp những điểm văn hóa còn sót lại của thời Edo (Giang Hộ), đây là tên cũ của Tokyo (Đông Kinh) trước khi Minh Trị Thiên Hoàng thiên đô về đây.

Sensoji là một ngôi chùa rất cổ xưa và nổi tiếng linh thiêng của vùng Edo. Ngày nay chùa đã được trùng tu lại rất nhiều lần và điểm đặc biệt ở ngôi chùa này, bạn có thể xin “xâm.” Trước khi xin “xâm,” nhà chùa xin bạn tự giác bỏ vào thùng “phước sương” 100 Yen (tương đương $1) cho một quẻ xâm. Nếu bạn xin được quẻ xâm tốt thì không sao cả, nhưng nếu không may gặp quẻ xâm xấu thì bạn nên gửi quẻ xâm xấu này lại chùa, nhờ Thần Phật giữ “điềm các xấu và tai họa” lại cho bạn nên “bổn mạng” của bạn luôn luôn được tốt và vững bền. Tôi thường hay đùa nghịch gọi đây là “văn hóa huề vốn” của các quẻ xâm! Ngoài nhà chùa, ai là người hưởng lợi nhất thì bạn đã biết ngay rồi!


Tượng Chó Đá Hachiko đón Tết trước cửa Shibuya Station, Tokyo. (Hình: ATNT Tours)


Trong tuần lễ cuối năm, Tokyo có rất nhiều điểm lôi cuốn du khách, không vì thời tiết mùa Đông se lạnh mà thiếu vắng du khách. Người dân vùng Đông Nam Á và Trung Quốc đến du ngoạn và mua sắm ở đây rất đông. Số lượng du khách hòa mình vào trong số lượng người dân thành phố chuẩn bị đón Tết tạo thêm phần nhộn nhịp cho phố xá thủ đô. Một phần vì người Nhật ăn Tết trước, trong khi các nền văn hóa khác thì lại đón Tết Âm Lịch nên du khách đã không bỏ lỡ cơ hội vừa đi du ngoạn vừa đi shopping “giá rẻ” ở Osaka hay Tokyo.

Tôi không nghĩ rằng mua sắm ở Nhật quá mắc nếu đem so sánh với những món hàng “cùng hiệu, cùng loại, cùng phẩm chất” ở khắp nơi trên thế giới. Thậm chí tôi còn nhận thấy rằng có nhiều design, nhiều mẫu hàng “hiệu” nổi tiếng như Channel, Louis Vuitton mà chỉ có ở Nhật bạn mới có thể tìm thấy các design khác hẳn bên Âu Châu. Các cửa hàng mua sắm ở Ginza hay Shinjuku cũng đông ngẹt người mua sắm, du khách xếp hàng dài lấy “tax refund.” Đây cũng là một ưu điểm khác của các cửa hàng mua sắm của Nhật, khách hàng không cần phải ra đến phi trường mới lấy lại được tiền “tax refund,” các cửa hàng Nhật đều có các chỗ cho bạn lấy lại tiền thuế ngay tại nơi mình mua, rất tiện lợi cho du khách.

Nếu bạn mua sắm ở khu nhà ga Shibuya, thế nào bạn cũng có dịp thăm tượng con chó đá “Hachiko” được dựng ở ngay trước cửa nhà ga. Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm, tượng Hachiko cũng có khác đôi chút! Thời gian gần Tết, người ta cũng đeo “một yếm thần” vào cổ Hachiko. Tôi nghĩ con chó trung thành “Hachiko” cũng rất xứng đáng được tôn vinh lên hàng “Thần” trong dân gian Nhật Bản. Hachiko, con chó trung thành trong suốt chín năm trời ngày nào cũng đúng giờ đến nhà ga Shibuya ngồi đợi đón chủ về. Nó không biết người chủ đã chết từ lâu và vẫn ngày ngày mòn mỏi đến đón ngươì chủ cho đến ngày Hachiko chết gục trên một con đường nhỏ ở Shibuya. Câu chuyện đã được người Nhật tôn sùng, làm tượng đá Hachiko ở đây để kỷ niệm về một con chó trung thành. Ai nói chó không có tình!



Sau cùng, nếu bạn không phải là mẫu người thích mua sắm thì Tokyo vẫn có nhiều cảnh mùa Đông để bạn có thể thưởng ngoạn vào dịp đón mừng ngày Tết. Bạn nên đến con phố Marunouchi, con phố Parthenon Odori, Shinjuku Kabukicho, khu Asakusa với tháp Sky Tree cao nhất thế giới, hay bạn đến khu phố mới Odaiba thưởng thức những nét rực rỡ về đêm của thủ đô Nhật Bản.

Tết Nhật Bản khởi đầu vào mùa Đông khoảng 150 năm nay, mùa của tiết trời se lạnh. Mùa Đông không cho du khách thưởng ngoạn hoa của mùa Xuân, sen mùa Hạ, và cũng không có màu lá đỏ thẫm của mùa Thu. Nhưng mùa Đông thường khiến người ta đằm thắm hơn, đời sống trầm xuống. Có người gọi nước Nhật là nơi xứ lạnh tình nồng. Tôi không biết đúng bao nhiêu phầm trăm, nhưng quả thực Tết Nhật Bản và mùa Đông Đông Kinh vẫn cho tôi cái dễ chịu và đằm thắm hơn các mùa Xuân Hạ Thu.

Giao Thừa đã đến rồi, xin được nói một câu chúc Tết mà người Nhật sẽ nói với bạn “Shinnen Akemashite Omedeto Gozaimasu” (Xin chúc mừng một năm mới tươi sáng).

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel


    (*) Kadomatsu: Biểu tượng cho sức sống bền vững qua mọi thời tiết. Kadomatsu được làm từ cành thông, tre và nối kết với một vài loại hoa để chào đón Thần vào năm mới. Kodomatsu thường đặt cạnh hai bên cửa nhà, cơ sở thương mại, công ty hay các cơ quan.
    (**) Shimenawa: Treo trước cửa nhà với ý nghĩa trừ ma đuổi quỷ.
    (***) Wakazari: Là một vòng tròn bện bằng dây thừng và kết hoa trên đầu. Tượng trưng cho đời sống ấm no và lúc nào cũng được an toàn.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân