TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ông chủ nhà sách Khai Trí
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ông chủ nhà sách Khai Trí

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Tue Dec 05, 2017 12:05 am    Tiêu đề: Ông chủ nhà sách Khai Trí
Tác Giả: Nguyễn & Bạn Hữu


Ông chủ nhà sách Khai Trí

Với những người yêu văn chương chữ nghĩa ở Sài Gòn trước 1975 thì nhà sách Khai Trí là điểm hẹn quen thuộc. Những người trẻ vào đây phần lớn là để đọc sách cọp chứ không mua sách (tiền đâu mua). Ông chủ Khai Trí biết chứ nhưng ông làm lơ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân thú nhận có lần thó một cuốn sách ở Khai Trí (tập thơ Phạm Thiên Thư?), ông biết được chỉ khuyên: Đã được đi học thì đừng ăn cắp! Với lòng yêu sách từ thời đi học, ông Khai Trí đã tiết kiệm, dành dụm tiền để mua sách rồi dần dần dựng lên nhà Khai Trí, lớn vào bậc nhất Miền Nam. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều nhà văn, học giả. Năm 1975, khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn, ông Khai Trí bị cướp sạch, bản thân còn bị tù tội. Sau đây mời độc giả đọc một bài viết trên Internet kể lại cuộc đời của nhà văn hóa Khai Trí.

NGUYỄN & BẠN HỮU


Ông Khai Trí và nhà biên soạn tự điển Nguyễn Văn Khôn.


Tôi có người chị ruột giúp việc bán sách cho tiệm sách Việt Hương ở số 34 đường Lê Lợi. Từ đây đi về hướng chợ Bến Thành có thêm 3 tiệm sách: Thanh Tuan số 56, Phúc Thành số 58 và Khai Trí chiếm 2 căn 60 – 62. Theo chị tôi kể lại Ông Khai Trí khởi nghiệp bằng một chiếc xe đẩy (như xe bán sách ở bến sông Seine bây giờ). Xe bán sách của Ông thường đậu trước cổng Trường Chasseloup Laubat đường Hồng Thập Tự. Tôi nghe kể lại vậy thôi chớ đâu ngờ gặp Ông ở trại Z30C Hàm Tân.

Buổi sáng tù đợi đi lao động, nhưng sớm hơn có một ông già lúc nào cũng với bộ quần áo trắng đã ngả qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe cải tiến chứa phân Bắc của Tù đem đi. Sáng nào cũng vậy, ít ai biết ông là ai. Ðó là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975.

Người Sài Gòn gọi ông là “ông Khai Trí” (theo tên nhà sách – nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.

Ông Khai Trí tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Ðức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều Thứ Hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách. 3 hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.


Nhà sách Khai Trí.


Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonnard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí. Ðây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo...


Nhà văn Nhật Tiến giới thiệu ông Nguyễn Hùng Trương
trong buổi ra mắt tuần báo Thiếu Nhi


Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú. Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.

Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam...

Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Loan mắt nhung,” một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề “Vĩnh biệt ông Khai Trí,” trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975.

Ông Khai Trí mất ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước “quản lý”, nay mang tên Phahasa của nhà nước.


Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương


Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người trước đây đã từng sống ở miền Nam ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.

Ông Khai Trí cũng đã ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức của ông về mặt tiền bạc.

... Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa. Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi? Ông cười chua chát:- Phải đến năm 3000 thì may ra..

Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn giấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.

Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia sẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

Nguyễn & Bạn Hữu
TIẾNG XƯA
Nguồn: Văn Việt. Văn Tuyển

Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Sun Dec 10, 2017 6:25 pm    Tiêu đề: nhà sách Khai Trí
Tác Giả: Tôn Thât Tuệ



Tui nghe người ta nói người Pháp đọc sách số một; sách là nói gồm báo ngày báo đêm báo tuần báo tháng, báo mùa, báo năm.... Nhưng nhìn bức hình Saigon cũ bản bè gời cho, thấy dân nghèo, gánh gồng mà cũng xem báo. Lúc tui mới xong tiểu thì chủ nhật hè thường khi về dưới Nam Phổ đọc truyện Tàu cho mấy bà bán gánh lên bán Chợ Đông Ba, Huế,  bán cau trầu, chè cháo, bánh canh. Số là mấy bà thuê truyện Tàu về kêu thằng nhỏ đọc như máy rồi thưởng cho chén chè, tô bánh anh, cho thêm trái bưởi, bây giờ thấy mình dại, răng mà không đòi cho được một o Năm Phổ ở lỗ trèo cau. Thời gian qua không trở lại. Mấy bà Huế nầy không có khung cảnh sống thiên nhiên ưu đãi miền Lục tỉnh nên không đi học được, không hên như người đàn bà đứng góc Chợ Cũ, đọc báo bên gánh bưởi xẻ. Nhưng lòng ham học của cả hai trường hợp được xã hội hổ trợ và chính quyền không bị cấm đoán. Nói cả quên, chuyện cười ra nước mắt; có lần họ mượn cuốn ni thì mang về đưa cuốn tê, không biết chữ mà!

Dài dòng như trên để phóng chiếu cao rộng hơn giải thích vì sao con đường Bonard Lê Lợi có không biết bao nhiêu nhà sách, trong đó có nhà sách Khai Trí.

Khi tôi mới vô Saigon, người ta đã chuẩn bị gần xong nhà sách Saigon từ một hộp đêm, nơi có vụ giết nhau và sau đó đóng cửa. Ông Lê Thanh Tuân hình như mới khai trương nhà sách Thanh Tuân, để nhà sách Lê Thanh Tuân Huế cho người em là Lê Thanh Cát quản lý. Bài báo nói từ nhà số 34 đi về phía Chợ Bến Thành có ba nhà sách gần như liên vách: Thanh Tuân, Phúc Thành và Khai Trí. Nhưng cho rốt ráo tới Chợ thì ít nhất thêm hai nhà sách khác: Việt Bằng và Tự Lực của hai chủ nhân người Bắc 54. Ông Tự Lực vô cùng dễ thương dễ mến, ăn nói nhỏ nhẹ, ông đã ngoắc tôi vô quán cafe lề đường trước trường Văn Khoa cũ lúc tôi mới ở tù về ăn mặc rách rưới, còn ông thì còn ngon lành, có đi đôi xa bô da; nghĩ tới thật muốn khóc. Nhà Tự Lực ít sách và mua bán nhiều dụng cụ văn phòng và đồ dùng của học sinh. Việt Bằng nhiều sách Pháp không kém Xuân Thu đường Tự Do. Chừng 1962... có lẽ vì viện trợ văn hóa và hối suất thuận tiện, được nhập cảng nhiều sách của nhà xuất bản Horizon dịch tóm lược sách Mỹ đủ loại. Loạt nầy nầy ra đời chính yếu để đưa đến các cựu thuộc địa Pháp.

Điềm khác Việt Bằng là nơi duy nhất bán hai thứ sách cùng đóng bìa mỏng (paper back). Rẻ nhất là sách tiếng Pháp dưới mẫu chung là Livre de Poche, thiếu gì những Camus, Malraux, Saint Exupery, bản dịch từ các tác phẩm khác như của Koestler, Silone, Weig, Gheorghiu. Bên cạnh sách bỏ túi ấy, là ấn phẩm dưới mẫu Idée thuộc các khoa học nhân văn; lần nào tôi tới Việt Bằng cũng thấy giáo sư Bửu Lịch khệ nệ sách Idee chờ taxi.

Nhưng nếu bạn muốn mua các phụ bản văn học hằng tuần của Le Monde hay Figaro, bạn phải tới Xuân Thu, sau đó có quyền làm le vô đọc trong La Pagode. Hồi ấy, tôi mua khá nhiều sách và đọc như bây giờ đọc Chú Đại Bi, nghĩa là không biết chi hết, đọc tiếng Tây như đọc "hất vô đá ra, đá ra hất vô.

Khai Trí thì có cửa hàng to hơn hết, rộng rãi và bề thế; Saigon cũng rộng và có tầng lầu quanh theo thiết kế phòng trà cũ nhưng không có nét riêng như Khai Trí. Khai Trí nhiều sách Việt nhất; Khai Trí cũng xuất bản và làm các việc khác như bảo trợ báo Nhi Đồng, in lại tự vị Đào Duy Anh.

Saigon có những người như ông Khai Trí, ông Ưng Thi (chủ rạp Rex, Đại Nam), chủ tiệm vàng Thế Tài có con cọp giữ cửa (đi nhai đứng ngậm ngồi cười, về nhà nằm ngủ có người xỉa răng).... chưa chắc núi Tản sông Lô năm nầy qua năm kia lại vẫn không thay đổi (Tản Đĩnh Lô Giang tuế tuế đồng, Nguyễn Du). Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, sông núi ao hồ lắm chuyện truân chuyên, huống là người.


Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon Dec 11, 2017 3:17 am    Tiêu đề: Kính ngưỡng người khai sinh KHAI TRÍ

Không còn bút mực nào để diễn ta hết công sức to lớn cũng như  lòng hào hiệp của ông chủ Nhà sách KHAI TRÍ ở Saigon trước tháng Tư đen 1975. Tất cả những ai yêu mến sách báo tạp chí đều tiếc thương và ngưỡng phục ông chủ nhà sách Khai Trí .Bậc hậu sinh như chúng tôi không dám gọi đích danh tên của ông , rất thất lễ . Tên của ông phải đặt ngang hàng với  những vị đã làm nên lịch sử ở miền Nam thân yêu của chúng ta , chỉ khác ở chỗ lãnh vực chuyên môn của mình thôi .

Nếu người ta nhớ đến cụ Chánh Trí MAI THỌ TRUYỀN (1905-1973) với hai cơ đồ:  Chùa Xá Lợi, một ở Saigon và một ở Cần Thơ và Tổng Thư viện Quốc gia VNCH khi cụ được thỉnh cầu  ra nhận chức  Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá , thì cũng phải nhớ đến  ông chủ nhà sách Khai Trí SG .


Trong số các tác phẩm lớn được Khai Tri xuất bản phải kể đến bộ VIỆT NAM TỰ ĐIỂN của LÊ VĂN ĐỨC & một nhóm văn hữu và do LÊ NGỌC TRỤ hiệu đính ..  

Sách gồm hai cuốn :

-  Quyển thượng (từ A đến L) 866 trang + Phụ lục : Tục ngữ, Thành ngữ và Điển tích 214 trang + Phụ lục :  Danh nhân và Địa danh : 135 trạng .
-  Quyển  hạ  (từ M đến X)     từ trang 873 đến 1865 + Phụ lục : Tụcngữ, Thành ngữ, Điển tích 376 trang + Phụ lục : Nhân danh và Địa danh :  273 trang .


Ngót nghé gần 3000 trang khổ 25 cm x 16 cm .  Ấn loát công phu trên giấy trắng láng hảo hạng , xong ngày 08-7-1970 , in tại nhà in Văn Hữu 28C Lê Lợi Saigon 3000 quyển .

Cho đến nay không có bộ tự điển nào đồ sộ và có tầm cỡ như bộ này .

Giờ phút này chắc ông đang thong dong trên cõi Trời ĐAO LỢI .
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân