TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - nhân ngày Tạ Ơn ở Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

nhân ngày Tạ Ơn ở Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Sun Nov 19, 2017 9:42 pm    Tiêu đề: nhân ngày Tạ Ơn ở Mỹ


canh nông phía nam USA, tranh thạch bản

suy cảm về ngày tạ ơn

tôn thất tuệ

Hơn mười năm nay tôi đã về vùng quê nhiều cây cối nhưng lá rụng không gây nhọc mệt như lúc còn ở quanh Atlanta. Trong mười hai cô Hằng một năm thì tôi đã để riêng một em lo quét lá, từ mấy cây ốc (oak) của riêng mình và mấy cây ốc bên hàng xóm đổ qua. Lá phải bỏ vào bao giấy thùng giấy, hay trong thùng nhựa. Nhà ở góc đường nên phải dọn gần 100 mét (300 feet) bờ lề. Lao động sinh ra sáng kiến, nói vậy nếu muốn ủng hộ duy vật sử quan.

Tôi mới nghĩ ra lấy cái máy cắt cỏ có lưỡi đôi, thiết kế để chém nát cỏ đổ xuống làm phân; lấy cái máy ấy nghiền lá un đống trên đường, hốt bỏ vào gốc cây hay ăn gian để đó mưa gió cuốn đi, đúng như tên tiểu bang "Gone With The Wind".

Cây trong thành phố, từ lòng đất phát ra giữa những vùng mà chủ nhân xem lá là thành phần bất hảo phải lượm ngay. Chính vì vậy chúng không có gì ăn; vì trong rừng lá chồng lên lá, mục rả trở về cỗi nguồn trong sự tuần hoàn của vạn vật. Không có gì ăn nên cây không thọ, vã lại, cây trồng hoặc cùi từ nhánh hoặc bứng không có rễ đột để đi xuống sâu dễ bị gió lật.

Cây trong thị tứ không có sự bảo vệ tự nhiên của môi sinh. Cây cối to nhỏ từ đại thụ cho đến dây leo sống chung và trừ khử bênh tật cho nhau. Ví dụ, cây sồi chống vi khuẩn A ở bên cạnh cây sếu sẽ giúp sếu trừ độc hại vi khuẩn nầy. Dựa vào nguyên tắc cọng sinh ấy, Lương Nông Quốc Tế đã phối hợp với Trung Cọng thí nghiệm thành công trồng nhiều loại lúa khác nhau ở các luống to lớn xen kẻ. Các loại ấy khắc chế địch thủ của nhau như sâu, rầy, nấm v.v....

Trở về chuyện quét lá, thật nhiêu khê, nhất là lúc đã giá lạnh. Tôi không bao giờ phiền trách những ngọn lá khô. Chúng đã làm cho bầu trời xanh mát, chận những tia cực tím, cực đỏ, nhả hơi nước trong bóng mát, làm cho máy lạnh bớt chạy, chúng đã hút smog do con người thải ra. Nay chúng tàn lụi, khô héo rơi xuống đất như mọi sự chấm dứt của cuộc đời khác dù là vua chúa, kẻ nghèo cùng v.v...

Với những công đức vừa nêu, lá khô đáng được giải quyết, nếu không với thái độ biết ơn cao quý thì cũng không nên cho kèm theo những lời mắn mỏ như Shit, God damn... Cha mẹ đã nuôi dưỡng con cái, lúc chết các vị phải được chôn cất tử tế. So sánh hai việc là điều khập khểnh quá to và quá nhỏ, nhưng trên cái nhìn hoàn vũ thì đại pháp bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh v.v...

1984 tôi được yêu cầu cầu nguyện trong một bữa ăn đông người. Tôi xin trời đất làm sao cho mọi người được ăn chỉ bằng một phần nhỏ của bữa cơm nầy. Giữa chừng chủ nhà cho biết từ trước đến nay, bà chỉ nghe cầu nguyện làm sao cho chính mình được tiếp tục có ăn.

Thấy một ông quan đánh một nông dân, vua Louis 10 (hay 12?) ra lệnh mời ông ăn một bữa không có bánh mì. Hôm sau, khi được hỏi có được thù tiếp đầy đủ không, ông nói chỉ tiếc không có bánh mì. Nhà vua giải thích tại vì ông đánh một người làm ruộng. Phùng Khánh, tức là ni sư Trí Hải, người dịch Siddharta của Herman Hess, đã học bài liên hợp tình người từ một người chị. Bé Khánh, mặc chiếc áo lụa vàng, đến thăm người chị đã xuất gia ở chùa Viên Thông, chị chỉ cho biết bao nhiêu bàn tay đã góp sức mà có cái áo, từ người nuôi tằm hái dâu cho đến ông thợ may. Bài học đã đưa PK suy nghĩ học hỏi thâm sâu về sự liên hợp của các pháp trong sự sinh thành vạn sự hữu hình lẫn vô hình.

Lần hồi con người vì tiện nghi đã không thấy những khổ nhọc để cung hiến thực phẩm. Người Mỹ không thấy việc 12 quả trứng có khi chưa được một MK là một điều quá khó, nó nằm trong cái vĩ đại to lớn của nước nầy bên cạnh phi thuyền con thoi và những khám phá không gian, khám phá hạ nguyên tử.

Trước sự sung mãn quá mức, người thụ hưởng quên cảm ơn chính sách nhân bản lấy con người làm gốc, làm cứu cánh tuy con người cũng là một phương tiện sản xuất. Một bản tường trình của World Bank tin tưởng tuyệt đối rằng nạn đói chỉ là hậu quả của một nền chính trị phi nhân, chứ không phải thiếu tài nguyên thiên nhiên hay kiến thức. Gần ba chục năm trước, một giáo sư tại đại học UC San Diego đã nghiên cứu lối sống trên những vùng khó khăn như sa mạc Phi Châu cũng đi đến kết luận như vậy.

Bắc Hàn đói kém mà Nam Hàn thì thành một trong năm con rồng của Đông Nam Á. Sau 1975, heo ở Cà Mâu ăn gạo trắng vì ngăn sông cách chợ, dân thành phố thì bị tội buôn lậu và tịch thu nếu đem quá 15 kg khoai mì; các trạm kiểm soát từ Saigon đi Đà Lạt xông một mùi thối vì rau cải bị tịch thu chất đống. Sudan đã phục kích đốt cháy các đoàn xe cứu đói. Phụ nữ Afganistan dưới thời Taliban không được làm việc; không có tiền họ phải đi lượm bánh mì mốc, quết nhỏ trong cối đá cho con ăn. VN bị nạn đói năm Dậu vì Nhật thu gạo để biến thành nhiên liệu. Thập niên 1920 – 30, Staline đã cải cách ruộng đất ở Ukraine, thu hết sản lượng và đất đai và ra lệnh trồng những thứ cần cho kỹ nghệ Nga. Nạn đói đã hoành hành. Bức ảnh trẻ em lòi xương vẫn còn lưu trữ. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, nghe mà muốn chảy nước mắt.



3 triệu trẻ em trong số 1/4 dân Ukraine chết đói thập niên 1930
ref: Ukraine Holodomor Genocide
link

Ở một điểm khác, người Âu Châu nhập cư lục địa Mỹ đã quên ơn người địa phương. Lớp người đầu tiên gần như chết đói và muốn trở về quê cũ; lạnh quá không thể trồng lúa mì. Người Da Đỏ chỉ cho họ phải làm đất và gieo hạt trước khi giá lạnh, lớp đá trên mặt thành một thứ cách nhiệt như người Eskimo ở trong nhà đá. Hạt được giữ ấm và ẩm sẽ nẩy mầm ngay khi băng tan.

Thế nhưng người mà Kha Luân Bố cho là tiền nhân của thánh Gandhi bị đánh đuổi giết chóc. Bò dài sừng cũng bị tiêu diệt, xương bò chất thành núi để chận đường lương thực của người Native Indian. Những ai sống sót thì bị tập trung vào các khu reservation. Họ đã mất hết mọi thứ kể cả truyền thống văn hóa. Họ được những đặc ân (sic) như uống rượu dễ dàng và được mở sòng bạc. Ngày nay người gốc Âu dùng tiền và thế lực vào khai thác hai điều nầy, nhất là mở casino. Các đội banh dùng hình ảnh người Da Đỏ như một thời thượng, chẳng có ý nghĩa tương thân hay ý thức lịch sử. Red Skin football ở Washington DC cũng giống như con ó Falcon của Atlanta; Seminole (bộ lạc) college football của Florida State U có khác gì con cá sấu Gator của Florida U. Cảnh người Da Đỏ, đội mũ có lông ngỗng, cỡi ngựa bên lề sân cỏ cùng các mợ cheerleaders sexy, chỉ tạo nên sự lạc lõng, đem người ta về những phim ảnh (nay đã lỗi thời) xem thổ dân à những thứ phải tiêu diệt, mô tả sức mạnh của súng đối với cung tên.

Văn minh vũ khí đã vào các reservation nầy, mùa Thanks Giving 2012, tại một khu tập trung North Dakota, có kẻ đem súng giết cả nhà người khác. Một chú bé giả chết nằm dưới xác của người anh đã thoát chết cùng một cô bé còn sống vì ham trượt tuyết sau đồi.

Sự bị ngược đãi nầy sẽ được vơi đi trên mức đại hùng đại lực đại từ bi, nếu sự đó được đem nhỏ lại vừa tầm với câu chuyện sau đây. Một thiền sư đã bị bò cạp cắn nhiều lần mà vẫn vớt chúng khỏi chết trôi. Trước sự chê cười thế gian, ông nói cắn là việc của nó, vớt là việc của tôi.

Trong thế giới hiện tượng, không có gì tuyệt đối, khóc cười bên nhau. Những người nhập cư đầu tiên đã tạo dựng những hạ tầng cơ sở, những con đường nhỏ, những con đê, những rừng thông, họ vẫn ôm ấp những ước mơ như không bị đàn áp về tôn giáo, muốn tổ chức chính quyền các cấp trong tinh thần tự trị để dân có thể tham gia. Họ không tránh được những sai lầm như xài phí tài nguyên thiên nhiên, tự tôn xem người Da Đỏ và Da Đen là những loài hạ đẳng.

Họ đã theo đường lối thực tiễn, điều mà Staline mơ ước và khuyên cán bộ CS nên theo; họ không tha thiết triết lý trừu tượng như kiểu Descartes. Họ nói sự ồn ào huyên náo là kẻ thù của tự do tư tưởng, cho nên họ thiết kế các thành phố có chỗ nghỉ ngơi như công viên, những khu bảo trì thiên nhiên, họ nói người lái xe cày có quyền hưởng tiện nghi của xe du lịch nên đã chế tractor có cửa kính và máy nóng lạnh.

HK vẫn tiếp tục có những xáo trộn như 2014, tại Ferguson, Missouri một thanh niên da đen bị bắn mà người cùng da màu với nạn nhân cho là nhân viên công lực vi luật. Vụ nầy chưa tiến đến chỗ đốt thành phố Los Angeles sau khi tòa xử trắng án nhân viên cảnh sát đã hành hung Rodney King 1992. Nhưng tôi tin rằng những hà lạm ấy chỉ có tính cách ngoài da, có nghĩa là những hà lạm do các cá nhân đầy thiên kiến có từ trong lịch sử. Những sai quấy ấy không nằm trong một chính sách của một chính phủ như thứ chính phủ chủ trương thà giết lầm hơn bỏ sót; làng nào bất cứ làng lớn hay làng nhỏ bắt buộc phải có một địa chủ để đấu tố.

Tuy thành ngữ “freedom from wants” được biết nhiều qua miệng TT Roosevelt, giải tỏa con người khỏi sự bức bách của nhu cầu cuộc sống là suy tư, lo âu chính của mọi người từ chính giới, cho đến kỹ nghệ, kinh doanh. Ngày Tạ Ơn đừng quên Henry Ford, nhà đại cách mạng âm thầm. Ngày 5 thg 1, 1914, Henry Ford đơn phương tăng lương công nhân từ $2,38 lên 5$ một ngày công 8 giờ. Tóm lược mục tiêu chính yếu là làm sao cho người thợ hãng Ford sẽ là người mua xe Ford. Lúc ấy một chiếc xe trị giá 3.000 dollar, chưa được một phần trăm dân chúng đủ sức mua. Nhà kinh doanh lập dị nầy đã đem giá thành xuống mức 500 đô và đưa ra thị trường 250 ngàn xế hộp vào năm 1913. Nhưng đồng lương mỗi năm của thợ thuyền chỉ có 354 đô. Một mặt Ford tiếp tục cải thiện hệ thống sản xuất một mặt tăng lương cho thợ thuyền.



Henry Ford

Dĩ nhiên kết quả trực tiếp là số người mua xe gia tăng; đồng tiền tạo nên những chu kỳ kinh tế mới. Quyết định của Ford dù muốn dù không đã khai sinh trào lưu tiêu thụ (consumerism), ngày một mạnh thêm cho đến ngày nay, kéo theo hệ quả là lối sản xuất quốc tế (global) làm cho nước Tàu từ nghèo rệp đến chỗ thành chủ nợ thế giới, đứng ra tranh bá đồ vương.

Ai cũng biết, 1917, Bôn chê vít cướp chính quyền Nga, một nước nông nghiệp lạc hậu. Biến cố nầy không xẩy ra theo biện chứng của CS, nếu không muốn nói trái ngược. Trong lúc ấy, HK đã phát triển kỹ nghệ, đã có cái mà Marx gọi là vô sản, lớp người không làm chủ phương tiện sản xuất mà chỉ đi làm công ăn lương. Mọi người mê say lý thuyết hay mê say một đế quốc theo kiểu mới vừa chính trị vừa mang tính chất chủ nghĩa. Họ cho rằng HK sẽ đi đúng sách vỡ. CS QT đã hoạt động rất mạnh ở Mỹ, trên báo chí, trong nghiệp đoàn và trong các tổ bạo động, phá hoại. Họ tin tưởng ngòi nổ sẽ xuất phát từ Detroit, kinh đô xe hơi.



T model

Quyết định của Ford đã làm cho lý thuyết CS lạc quẻ. Công nhân Mỹ không bao giờ làm chủ xí nghiệp mà làm chủ chiếc xe hơi và căn nhà. Trong lúc ấy công nhân Nga làm chủ cả xí nghiệp, thuê phòng tập thể và không có xe hơi, chiều về phải xách lè kè bao lúa mì mua của hợp tác xã. (Sự thật nầy đã là đề tài cho nhiều câu chuyện tiếu lâm và các bức hý họa). Henry Ford đã quyết đi theo quan niệm “vertical”, thẳng đứng, nghĩa là công ty làm ra mọi thứ để ráp thành chiếc xe Ford. Vì vậy Ford nuôi cả những người may nệm ghế v.v…Về sau các hãng như GM, Chrysler cũng theo như vậy; không rõ bây giờ có còn như trước không.

Ngoài ra Ford còn đóng vai trò bảo bọc (paternalism) công nhân qua các chương trình cải cách đời sống, và cải thiện nơi làm việc. Báo chí đã đi vào các công ty to nhỏ xem thợ thuyền làm việc ra sao vừa để bảo vệ cho họ và bảo vệ phẩm chất của vật dụng và nhất là thực phẩm vệ sinh.

An toàn của đời sống đã đi từ những sáng kiến cá nhân vào luật pháp, để thành những định chế pháp lý. Người đóng góp nhiều nhất phải kể là Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR) Khởi đầu là câu chuyện Bốn Thứ Tự Do.


TT Roosevelt


tranh Norman Rockwell: Freedom from want & freedom from fear

Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng thì có ai lạ chi trên đầu môi từ ngày HK độc lập. Trong bài diễn văn về Tình Hình Liên Bang Dec 8 1941, FDR thêm vào hai thứ tự do khác: tự do đối với nhu cầu, tự do đối với sợ hãi. Người dân phải được chính quyền bảo vệ trước mọi thứ xâm lăng, trước mối sợ hải của chính quyền độc đoán; người dân phải có sự an toàn trong đời sống, không bị câu thúc bức bách bởi sự nghèo đói và ngu dốt. Những điều FDR nêu ra đã thành những đề tài nghiên cứu của xã hội học, nhân chủng học, nói chung là các khoa học xã hội.

FDR đưa ra nhiều đạo luật có tính cách cấp tiến và bị Tòa Tối Cao cho là vi hiến. Nhưng rốt cục ông cũng đã tạo ra một khuynh hướng chính trị gọi là American Liberalism. Hiện nay đa số các đạo luật do ông ký đều bị hủy bỏ trong thập niên 1975-1985 dưới ảnh hưởng của chính sách bảo thủ, bớt quyền của chính phủ liên bang. Trong số ít ỏi những công trình còn sót lại, có ba điều hiện đang ảnh hưởng hầu như 100% dân chúng nhưng ít ai chú ý đến nguồn gốc.

Thứ nhất là đạo luật điện khí hóa nông thôn, một trong ba điều kiện để HK được xếp vào xã hội hậu kỹ nghệ (mọi thôn ấp đều có điện, nhà thương, trường học).Trong lúc ấy điện là một một giấc mơ của Staline, biểu lộ qua công thức: Xã Hội Chủ Nghĩa = độc tài vô sản + điện khí hóa. Điện đóng góp vào sự sản xuất thực phẩm rẻ nhất thế giới.

Thứ hai là điều các bạn thấy hằng ngày mà không để ý, nó nằm ngay cửa các ngân hàng: F.D.I.C. công ty bảo hiểm tiền bạn gởi. Federal Deposit Insurance Corporation, làm cho người ký thác yên tâm.

Thứ ba là đạo luật an sinh xã hội. Đó là nguồn gốc của hưu bỗng, trợ cấp tàn tật, tiền già, medicare, medical, medicaid, food stamps… (liên bang hay tiểu bang phối hợp).

Hiện nay những người bi quan lo ngại cho sự sụp đổ của Hoa Kỳ với bằng chứng hơn 50% dân chúng nhận sự trợ cấp của chính phủ nhất là trợ cấp y tế vì lợi tức nằm dưới mức nghèo. Nhiều người trước kia xem ai nhận tiền trợ cấp là đáng ghét nay chìa tay nhận food stamp vì vật giá leo thang hay thất nghiệp. Có nhiều dấu hiệu cho thấy giai cấp trung lưu sẽ thành giống sắp bị diệt (endangered species). Trung lưu là giới mà, theo kinh nghiệm của chính trị học, giữ vững sự ổn định và liên tục của một quốc gia, lớp người làm lụng và đóng thuế.

Tôi không dám tổng quát hóa nhưng cứ nhìn phố xá ở tiểu bang Georgia thì thấy sự lo âu nói trên không phải là vô căn cứ. Những nơi phồn hoa xưa được cho thuê để bán hàng “loại một đồng” hay để làm nhà thờ đặc biệt cho người Nam Mỹ, mới thành Christian sau khi đã là Roman Catholic. Còn cho thuê là còn tốt, nhưng nhiều nơi bỏ trống.

Nền doanh nghiệp mất tính chất cộng đồng. Công nhân Mỹ không làm chủ xí nghiệp như ở Nga (?!) nhưng họ xem các xí nghiệp là của chính họ, trong tâm tưởng, trong thương yêu. Ngày nay các xí nghiệp đem ra nước ngoài giá nhân công thấp, cái gì cũng “out source”, cái gì cũng “global”. Một công ty với số thương nghiệp ba tỷ MK chỉ thâu dụng chín người trên đất Mỹ Tâm hồn doanh nhân để ở những nơi chậm tiến, đồng lõa với chính quyền địa phương để bóc lột; có tiền họ lại cất dấu ở những nước khác để tránh thuế.

Dân chúng phẫn nộ sự tham lam của giới tài chánh bằng cách chiếm bên ngoài các ngân hàng nhất là ở New York. Phong trào được mệnh danh là Occupy Wall Street. Họ đòi hỏi đánh thuế người giàu. Thuế vụ HK rất phức tạp, từ đầu dựa vào nguyên tắc rất dân chủ là thuế lũy tiến (progressive tax), tỷ lệ thuế gia tăng cùng lợi tức, với mục đích giảm sự chia cách giàu nghèo, đưa thuế vào ngân sách để tái phân lợi tức qua các công trình hữu ích công cọng. Nhưng trên thực tế, người giàu tìm mọi cách đóng thuế rất ít. Sở thuế chỉ có một công việc là vây khổn giai cấp trung lưu và người nghèo. Một người già chỉ thiếu thuế 2 dollars, nhưng không biết nó thành chưa được hai chục mà phải bị xiết nhà. Trong lúc ấy các chính khách, các giới nổi tiếng thiếu hằng triệu. Occupy Wall Street lưu ý một tệ trạng từ lâu là "kỹ nghệ vận động" (lobby) chính quyền lập và hành pháp làm giàu các công ty. Một danh từ mới đã ra đời mấy chục năm nay là "corporate welfare" (người nghèo thì ăn oen phe).

TT Obama quyết định cho một công ty khai thác năng lượng mặt trời vay nửa tỷ để công ty nầy khai phá sản chưa đầy hai tháng sau. Công trạng của cựu thượng nghị sĩ Bob Dole là cho công ty ADM hai tỷ nói là để nghiên cứu sản xuất nhiên liệu từ bắp; nhưng ADM dùng tiền để chế thực phẩm từ bắp, nhất là mật bắp (corn syrup) thay đường. Các nhà dinh dưỡng tin rằng đường các loại nầy làm cho dân Mỹ phì lũ bệnh tật; nước ngọt chỉ là nước mật bắp.



Hiện nay phong trào New Economics đang cố gắng điều chỉnh những sai lạc trầm trọng. “Think tank” nầy gồm nhiều tổ chức trước đây nằm dưới cánh tay mẹ là Schumacher Center. Schumacher, nhờ làm việc ở Miến Điện, đã biết Bát Chánh Đạo; ông dùng một trong tám điều ấy, chánh mệnh, làm căn bản cho luận thuyết Buddhist Economics. Nhưng dù theo triết thuyết nào, cố gắng nầy nằm chung trong chiều hướng cải cách nhân bản mà Geiger đã tóm lược ý kiến phát biểu ở một đàm trường tại tiểu bang Maine:

Ngày nay, chúng tôi có thể nói không chút do dự rằng những sự thay đổi (có tính cách) cách mạng ở xứ nầy xẩy ra không phải vì giai cấp mà bởi vì tuyệt đại đa số người Mỹ, ở mọi tầng lớp xã hội, ngày càng được thỏa mãn nhu cầu làm người và làm dân. Nói khác, cuối cùng chúng tôi đã tự giải thoát khỏi lý thuyết Mát Xít và Âu Châu về giai cấp và về quần chúng cá đối bằng đầu cá mè một lứa không diện mạo riêng.

Cách mạng là thay đổi nhưng không phải thay đổi nào cũng giống nhau. Cuộc cách mạng Hoa Kỳ rất sâu rộng vì nó thay đổi quan niệm của dân chúng về ý nghĩa thế nào là làm người, làm một nhân thể.
(Ref: trống không và cách mạng).

Xin cầu chúc mọi người an lạc, sung mãn
free from fear, free from want
không sợ hãi, không thiếu thốn.




xuất xứ đây
Web Page Name

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân