TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - “Con ma đỏ miền Tây”
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

“Con ma đỏ miền Tây”

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Nov 01, 2017 10:40 pm    Tiêu đề: “Con ma đỏ miền Tây”
Tác Giả: Sean Bảo

“Con ma đỏ miền Tây”


Những ai có dịp phiêu lãng về Miền Tây, dọc theo con lộ 66 vang bóng một thời, ghé qua tiểu bang Arizona, vài thành phố bỏ hoang tiêu điều. Giữa hoàng hôn phủ xuống chập chùng đồi khô cát bụi và những cành gai xương rồng sẽ được nghe câu chuyện Con Ma Đỏ trong hoang mạc Tây Nam Mỹ.

Năm 1883, cuộc chiến giữa người Mỹ trắng đến định cư và người da đỏ Apache vẫn còn tiếp diễn, các nông trại nằm lẻ loi trong rừng vắng luôn có các tay súng canh gác. Trong một trang trại lẻ loi gần con suối Eagle ở Tây Nam Arizona, mờ sáng, hai người đàn ông cưỡi ngựa đi vào rừng trông nom đàn bò, để hai người vợ ở nhà. Xế trưa, một người vợ đi xuống suối lấy nước trong khi người còn lại ở nhà. Có tiếng chó sủa vang, người phụ nữ trong nhà nghe tiếng gào thét kinh hãi. Qua cửa sổ bà thấy một con quái vật lớn màu đỏ hung lướt qua, trên lưng mang một xác người... Quá sợ hãi bà khóa cửa và đợi cho đến khi người chồng về. Ðêm đó họ tìm thấy xác người phụ nữ xuống suối bị giẫm nát gần bụi hoang, chung quanh có dấu chân quái thú lớn, móng lún sâu trong nền đất, nhiều sợi lông đỏ vướng quanh bụi cây.

Vài đêm sau cách đó chục dặm, thợ mỏ ở Clifton bị đánh thức bởi tiếng vó giẫm vào mặt đất như sấm và tiếng gào thét kinh hãi. Lều trại bị đổ ngã, hai người thợ mỏ may mắn bò ra để chỉ kịp thấy bóng một con quái thú chạy khuất trong rừng dưới ánh trăng. Nhiều sợi lông đỏ vương vãi khắp lều và những dấu chân lớn quái lạ. Câu chuyện ngày càng đồn đại hơn khi vài chủ trại kể là họ thấy quái thú chở xác chết trên lưng. Vài người thợ đào vàng kể quái thú có 4 chân, trên lưng là một kỵ sĩ không đầu. Cứ thế là quanh các đống lửa trại và saloon trong miền Tây hoang dã rộ lên câu chuyện con Ma Ðỏ chở xác chết không đầu. Ðáng tin cậy là Cyrus Hamblin một nông gia ở Salt River, xác nhận là nhìn thấy con lạc đà lớn trên lưng còn dính bộ xương người. Dù vậy nhiều người vẫn không tin. Vài tuần sau, gần Verde River, một nhóm thợ mỏ phát giác con lạc đà vào ban ngày, trên lưng có vật lạ. Họ truy đuổi và bắn hụt, lạc đà chạy mất, để lại một vật kinh hoàng: sọ người còn dính tí tóc và da.



Trong 9 năm kế, con lạc đà hung dữ lông đỏ mang bộ xương người này tiếp tục là nỗi ám ảnh cho các nông trại hẻo lánh ở phía Tây Arizona. Cho đến một sáng, một người chủ trại thấy con lạc đà đang gặm cỏ trong vườn, ông ta lấy cây súng săn Winchester và bắn chết nó. Chính nó là con Ma Ðỏ huyền thoại, trên lưng nó còn hằn vết chai sần vì nịt da buộc xác người. Một số cư dân ở Arizona chưa bao giờ nhìn thấy lạc đà. Họ không biết đó là con lạc đà hoang của đám lạc đà mà quân đội Mỹ mua về từ Ả Rập gần 40 năm trước đó.

Năm 1848, quân đội Mỹ đã nhiều lần đề nghị lên Quốc hội cho nhập lạc đà từ Ả Rập. Người chủ xướng mạnh mẽ là Jefferson Davis, Thống đốc Mississippi, và sau này là vị Tổng thống duy nhất của phe Confederate Miền Nam. Dựa vào lịch sử thế giới khi cho rằng người Anh, Pháp đã dùng lạc đà thật hữu dụng trong chiến tranh, vận chuyển quân nhu. Công việc truy lùng các nhóm chiến binh da đỏ ở Miền Viễn Tây với địa hình, phong thổ, khí hậu tương tự như ở Ả Rập, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt khô hạn ở Arizona, New Mexico và các hoang mạc Tây Nam Mỹ, bền bỉ chịu khát hơn ngựa và la, có thể đi không nghỉ 15 dặm một giờ, thì lạc đà là con vật lý tưởng cho kỵ binh Mỹ. Vài nghị sĩ cho rằng khí hậu sẽ giá rét không hợp cho lạc đà, sau cùng Quốc hội bác bỏ khi phải chi ra 30 ngàn để mua 30 con lạc đà cùng 20 con có hai bướu. Chuyện không lắng xuống khi báo chí ở California đã thổi phồng lên, thuyết phục Quốc hội khi cho rằng lạc đà có thể chuyển thư nhanh từ bờ Ðông về Tây chỉ trong 15 ngày, sau khi uống đầy nước chứa trong bướu ở sông Missouri, lạc đà đi một mạch đến Texas, uống nước sông Colorado rồi sau đó băng qua hoang mạc về California. Với lạc đà sẽ không cần kênh đào Panama, không sợ khát nước trên sa mạc Arizona, không sợ băng tuyết trên dãy Sierra, không có cảnh tàu đắm hải hành trên đại dương... Lạc đà sẽ cần thiết trong khi chờ đường hỏa xa xây dựng. Cuối cùng Quốc hội bị thuyết phục và chấp thuận, 30 ngàn đô cho việc mua và nhập cảng... lạc đà.

Tháng 12, 1854, Ðại úy C. Wayne tới Ai Cập và Ả Rập mua 75 con lạc đà, chúng là loại lạc đà sa mạc, giá từ 75 đến 300 đô một con. Tàu thủy hải quân chở về Indianola, Texas trong vịnh Mexico vào ngày 29 tháng 4, 1856 sau 3 tháng trên biển. Ba con lạc đà chết trong cuộc hải trình nhưng 2 con lạc đà con chào đời. Hai người nài Trung Ðông đi theo tên là Greek George và Hi Jolly. Ðược quàng chăn đỏ, lạc đà đổ bến. Dân hiếu kỳ bu quanh xem lạc đà ré vang, đá chân hung hãn, rộn ràng như gánh xiếc đến phố.



Tháng 2, 1857 đoàn thứ 2 gồm 41 con nhập về bờ biển Texas. Chúng được đưa về Trại Verde gần San Antonio. Cuộc thử nghiệm bắt đầu thành công khi 6 con lạc đà có thể thay thế công việc của 12 con ngựa, tiết kiệm thời gian đến 3 ngày trời, leo trèo đường mòn dốc cao mà các wagon xe bò không kham nổi. Một nửa số lạc đà được dẫn về Albuquerque, New Mexico. Theo vĩ tuyến 35 chúng đi về phía tây, qua sa mạc Mojave đến California. Ðoàn gồm 44 thường dân, 20 binh sĩ, lạc đà mang theo nước uống và hành lý đến nơi an toàn. Sau đó lạc đà được tiếp tục tuyến đường New Mexico và California nhiều lần. Nửa số lạc đà còn lại chuyển về Texas và Nam Arizona. Thời gian này lạc đà phần lớn được dùng trong việc đo đạc và lập lộ trình cho các đường xe lửa, tuyến đường xuyên bang từ Ðông sang Tây ở phía Nam.

Từ năm 1858 đến 1860, Jefferson Davis làm Bộ trưởng Chiến tranh và đề nghị nhập thêm ngàn con lạc đà. Nhưng rồi nội chiến bùng nổ và ngưng việc này lại. Những công ty buôn bò ở Texas e ngại mất kinh doanh. Ngựa và lạc đà luôn xung khắc với nhau. Thành phố biên giới Brownsville, Texas ra luật cấm cưỡi lạc đà trên phố.

Mặc dù báo chí tiếp tục thổi phồng đề cao về giá trị đắc dụng của lạc đà, các con số tấn hàng được nâng lên, các con số thời gian được rút ngắn, nhưng lạc đà khó thuần thục và không được lính Mỹ ưa chuộng. Và một điều then chốt mà người Mỹ không biết được: Người nài lạc đà. Các nài lạc đà người Mỹ quen với ngựa và bò, trong khi với lạc đà thì khác hẳn. Các lạc đà Ả Rập quen biết chủ nài từ thuở nhỏ, quen với các thổ âm tiếng Ả Rập, chúng không quen gần các con ngựa ở Mỹ, các cao-bồi ở Mỹ khó khăn khi phải chăn một con lạc đà bướng bỉnh, dường như bất kham, lạc đà không thể chạy nhanh như ngựa. Việc truy lùng các chiến binh da đỏ thật khó khăn trên lưng con vật có bướu này.



Khi nội chiến nổ ra, chừng 40 con còn lại được đưa về các đồn trại ở phía Nam. Sau đó các trại lính dồn quân về phía Tây để đánh quân Union phía Bắc. Dần dà kỵ binh Mỹ bỏ rơi lạc đà, một số bị thả hoang, một số được bán đấu giá... Chúng được các trại mỏ mua về chở quặng và nông sản ở Nevada, thế nhưng chúng cũng bị bỏ rơi vì kém hiệu quả so với bò ngựa. Một số được bán cho đoàn xiếc. Một vài con được thả rông đi vào nơi hoang dã. Năm 1882 vài con lạc đà hoang lại bị bắt ở Arizona và bán cho đoàn xiếc. Một số dần bị chết trong khi người dân ở vài nơi như Arizona, Mexico còn thấp thoáng bóng con lạc đà nay lông phủ rậm già nua. Năm 1885, một cậu bé trong trại lính của cha mình ở Ðồn Selden, New Mexico thấy một lạc đà đầu lông xù, cổ cong và dài đi chậm chạp quanh trại lính. Cậu bé đó sau này là vị tướng lừng danh Douglas MacArthur. Nhiều khách đi xe lửa đã thấy lạc đà hoang trong sa mạc. Lần cuối cùng người ta thấy lạc đà là năm 1929 ở Palm Springs, California. Về 2 người nài, ở nhà lưu niệm của Ðồn Irwin, California còn có con lạc đà nhồi bông và câu chuyện về Hi Jolly một lần cứu 5 binh sĩ Mỹ khi bị người da đỏ tấn công ở sa mạc Mojave. Hi Jolly đã gan dạ cưỡi con lạc đà, áo choàng bay trong cát bụi, miệng thét vang ‘Bismiallah’ (God is Great), thổ dân chưa bao giờ thấy con lạc đà và người cưỡi lạ kỳ như thế, hoảng sợ bỏ chạy. Hi Jolly sống đến 70 tuổi và được người dân ở Quartzsite, Arizona xây mộ hình Kim tự tháp năm 1903, đỉnh có hình con lạc đà. Người nài Greek George còn lại thì không may mắn. Sau khi đoàn lạc đà bị bỏ rơi, George định cư ở Nam California. Một ngày George vô tình cứu giúp một tên cướp Mexico bị thương. George bị truy tố phạm tội đồng lõa và treo cổ. Dù George không hề biết tiếng Anh hay tiếng Mễ.



Trở lại chuyện con Ma Ðỏ rùng rợn. Ðến giờ người ta vẫn không biết bộ xương người trên con lạc đà đó là ai và vì sao. Vài lời đồn đoán rằng một tay nài trẻ sợ lạc đà nên bị cột vào lưng để tập. Lạc đà sau đó bị quất roi để phóng đi, các tay ngựa đuổi theo làm lạc đà càng hoảng sợ và chạy sâu vào hoang mạc, không ai thấy con lạc đà và người nài trẻ nữa... Dù vậy đó cũng chỉ là lời đồn đoán trong bao câu chuyện huyền thoại của miền Tây hoang dã bao la, giữa những đêm cuối tháng 10 tối đen chập chùng đom đóm.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân