TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trái táo Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trái táo Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Oct 26, 2017 11:42 pm    Tiêu đề: Trái táo Mỹ

Trái táo Mỹ


Thu nhẹ về trong gió. Thoảng trong không gian đầy sắc màu là hương thơm của những trái táo trĩu cành. Những chùm hoa táo trắng hồng mùa xuân nay đã hóa thân thành những trái táo tròn to quyến rũ. Trái táo có lẽ là loại quả được yêu thích và gần gũi nhất. Dấu tích hóa thạch cho biết người xưa đã ăn táo từ 6,500 B.C. Táo phổ biến đến mức nó được xem là trái cấm từ Cây đời Tri thức hiểu được Tốt – Xấu trong Vườn địa đàng. Khiến Eva cắn một miếng mà bị đuổi khỏi thiên đàng, khiến Adam ăn vào rồi biết vị tình ái, cuống họng nhô lên “trái táo Adam”.


Phụ nữ thời thuộc địa chưng cất nước táo cider


Táo có nguồn gốc từ dãy núi Thiên Sơn ở Kazakhstan (Trung Á) từ triệu năm trước. Từ đó táo được trồng và tạo giống, thích hợp khắp năm châu. Trên thế giới cây táo có đến ngàn loại. Nhưng có loại thật đắng và chua như Crab Apple mọc ở Bắc Mỹ. Chính vì thế khi những người di dân đầu tiên đến thuộc địa vùng Tân Thế Giới này đã mang theo hạt giống và cành chiết từ giống táo ở Châu Âu. Vịnh Massachusetts là nơi tổ tiên người Mỹ đã trồng cây táo đầu tiên. Sau đó ở Jamestown năm 1607. Dù chăm sóc tưới bón kỹ càng nhưng các quả táo thu hoạch lại chua và đắng. Người Mỹ không ăn được mà dùng làm cider, một loại nước trái cây lên men. Thức uống này rất phổ biến ở Anh, Pháp. Và di dân mang theo truyền thống này. Cả 13 thuộc địa đầu tiên đều trồng táo. Nước uống vào thời ấy rất ô nhiễm, chưa có lọc phèn hay tẩy trùng, người ta uống rượu cider an toàn thay cho nước, trẻ em thì được pha loãng. Cider trở thành thức uống có giá trị và đôi khi được dùng để trả lương hay trao đổi hàng hóa. Một vụ mùa cider chiết ra từ 2,500 cây táo có giá bằng 7.5 tấn thuốc lá. George Washington và Thomas Jefferson là những người trồng táo thành thạo và khuyến khích cho nền nông nghiệp nước Mỹ vào thời kỳ sơ khai. Thomas Jefferson, một trong những người khai sinh nước Mỹ, cũng là người được biết đến khi đem kem lạnh, mì sợi Ý Pasta đến nước Mỹ. Ông cũng đã giúp tạo nên giống táo Fuji nổi tiếng. Năm 1790 Bộ trưởng Pháp Edmond Charles Genet đem tặng Thomas Jefferson một nhánh táo. Món quà đó được đưa về trồng ở Virginia, đặt tên là giống táo Ralls Genet. Sau đó năm 1939, giống táo Nhật được đem vào Mỹ, lai chiết với giống Red Delicious để có được giống táo Fuji ngon ngọt ngày nay. Một nhân vật được người Mỹ nhớ đến mỗi khi ăn táo là Johnny Appleseed (Johnny Hột Táo), tên thật là John Chapman, sinh năm 1774 ở Massachusetts, là một nhà truyền giáo và một nông gia đam mê trồng táo, ông đã đi khắp rừng núi, đồng bằng của tiểu bang Ohio và Indiana để tìm giống táo cũng như phong thổ phù hợp cho cây táo, chỉ cho nông dân cách chăm sóc, chiết cây, phát triển ngành trồng cây ăn trái. Ông gọi táo là: Những quả lành từ Thiên đường. Hàng ngàn cây táo lớn lên trên mảnh đất mới nhờ Johnny Hột Táo. Các hạt giống và cành chiết mang từ Châu Âu cũng chưa làm nên các loại táo ngọt và đa dạng như hôm nay nếu không nhờ các con ong. Do thụ phấn ít nên táo không sai cành, người Mỹ phải nhập ong từ Châu Âu vào năm 1622, chúng có hiệu quả hơn giống ong tại Mỹ, một năm giống ong Châu Âu làm được 50kg mật, gấp 50 lần ong Mỹ.


Apple Pie


Một món ăn truyền thống của Mỹ là Apple Pie, bánh ngọt hình tròn như cái đĩa, vỏ giòn, bên trong nhồi mứt táo dẻo ngọt. Bánh có nguồn gốc từ Hòa Lan được di dân mang theo đến vùng đất mới. Thuở đó nhân làm bánh chỉ là loại táo dùng cho nấu ăn, không có vị ngọt thắm, giòn nhưng chua, đường cũng là xa xỉ, nên bánh táo được xem làm no bụng cho các công việc mệt nhọc. Tờ New York Times năm 1902 đăng các dòng: “Bánh táo là bí mật của sức mạnh đất nước và nền tảng của kỹ nghệ tối thượng. Bánh táo là đồng nghĩa của sự thịnh vượng, là thức ăn của người anh hùng. Không một người ăn bánh nào có thể bị đánh bại.” Cùng với kem lạnh, bóng chày, hotdog thì bánh táo là biểu tượng đặc trưng của người Mỹ. “As American as apple pie.” Bánh táo dần trở nên biểu tượng cho nỗi nhớ nhà của các lính Mỹ ở thế chiến II, khi được hỏi vì sao họ tham gia, họ trả lời: “Chiến đấu cho mẹ và bánh táo.” Bánh táo là món ăn quốc hồn, quốc túy của người Mỹ.


Phụ nữ ở thuộc địa James Town làm bánh táo


Trái táo là một biểu tượng tràn ngập mọi nền văn hóa thế giới. Từ huyền thoại Hy Lạp đến câu chuyện cổ tích của nàng Bạch Tuyết ăn trái táo độc để rồi ngủ nghìn năm cho đến khi có nụ hôn của chàng hoàng tử đánh thức. Trái táo là biểu tượng cho tri thức ngọt ngào của loài người, vì thế được dùng trong giáo dục. Từ những năm đầu tiên lập quốc, những giáo viên đi dạy cho các cộng đồng trong thuộc địa và các vùng đất mới chưa có lương tiền, học sinh tỏ lòng biết ơn mang táo tặng thầy cô. Các logo của cơ sở giáo dục học đường ngày nay thường có hình trái táo. Khi bổ ngang, bên trong trái táo có 5 hốc nhỏ chứa hột, tựa như ngôi sao 5 cánh. Những người được thụ giáo coi quả táo là thức ăn của tri thức và sự khát vọng. Trái táo cũng là biểu tượng của tình yêu nhục thể và đam mê. Nữ thần tình ái Venus thường cầm quả táo vàng.


Alan Turing và bia tưởng niệm


Cần phải kể bạn nghe huyền thoại đầy thú vị về logo trái táo bị cắn của hãng Apple. Trái với lời đồn đoán rằng logo trái táo có từ câu chuyện Isaac Newton bị táo rơi xuống đầu để rồi “chứng ngộ” tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn, cũng như trái táo biểu tượng cho tri thức trong Kinh thánh, hay cho rằng Steve Job từng mê say ăn táo trong vườn táo nhà mình, hay yêu thích bản nhạc Apple của Beatles, mà thú vị hơn là câu chuyện về nhà thiên tài toán học Alan Turing người Anh, cha đẻ của máy tính, người đã giải mã, bẻ khóa máy tính siêu việt Enigma của Ðức Quốc Xã, giúp nhân loại kết thúc đại họa, để rồi sau đó vì là người đồng tính, bị xã hội Anh bỏ tù, Alan Turing đã cắn trái táo có tẩm cyanide và chết ngày 7 tháng 6, 1954, đúng 10 năm sau ngày đổ bộ lịch sử lên Normandy của quân Ðồng minh, nhờ công lao của Alan Turing. Rob Janoff, người thiết kế logo đã nói rằng không hề có ý nghĩ liên quan gì về các ý niệm đó, ông ta chỉ mơ hồ nói rằng trái táo có thiết kế đường viền đơn giản, có vết cắn để dù cỡ nhỏ nó không giống quả dâu. Rồi ngẫu nhiên mà dấu cắn trong tiếng Anh là Bite, phát âm như Byte là một đơn vị căn bản dữ liệu trong máy tính.

Bạn cũng nghe gọi thành phố New York là Big Apple. Mặc dù tiểu bang New York trồng táo nhiều thua tiểu bang Washington, thế nhưng không phải vì vậy, trước đó vào năm 1673 thành phố New York được gọi là New Orange, vinh danh vua William III of Orange của Anh, sau đó đổi lại là New York. Vào năm 1920, ký giả John Fitz Gerald của tờ báo New York nghe một tay đua ngựa ở New Orleans nói về những con ngựa chuẩn bị cho cuộc đua lớn ở “Big Apple”, hàm ý cuộc đua sẽ là sự kiện lợi nhuận lớn, Fitz Gerald đã viết lên báo. Ðến năm 1930 nhiều nhạc sĩ chơi Jazz đã dùng tên gọi Big Apple cho New York như là nơi hội tụ lớn của các ban nhạc. Tên gọi ấy lắng xuống cho đến 1970, trong chiến dịch vận động cho ngành du lịch của tiểu bang, khi mà tội phạm và nền kinh tế New York trở nên xuống dốc, Charles Gillett, chũ tịch phòng thương mại du lịch đã quảng bá trở lại với áo thun, huy hiệu... và tên gọi Big Apple – Trái Táo Lớn trở nên thông dụng cho đến ngày nay.

Táo tốt cho sức khỏe con người vì có nhiều sinh tố A, B, C, E và K. Táo có ít calories, không có chất béo, muối và cholesterol, giàu fiber, có nhiều antioxidant và khoáng chất. Người Tây nói: “An apple a day, keeps the doctor away.” dựa vào câu nói xưa: “To eat an apple before going to bed, will make the doctor beg his bread.” Tạm dịch xuôi vần là: Ăn một táo mỗi ngày, bác sĩ thất nghiệp ngay.



Ngày nay táo không còn là loại quả yêu chuộng nhất của người Mỹ. Hơn 40 năm trở lại, người Mỹ tiêu thụ chuối nhiều hơn táo. Mặc dù chuối được trồng nhiều ở Florida và Hawaii, trong khi táo thì có mặt khắp các tiểu bang. Táo là loại quả quan trọng cho nền kinh tế đứng sau nho và cam. Nước Mỹ kiếm khoảng 2.7 tỉ đô la cho nền kinh tế qua việc thu hoạch táo mỗi năm. Nước xuất cảng táo nhiều nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc, sau đó là Mỹ. Thế nhưng táo Mỹ luôn là thương hiệu uy tín nhất phẩm chất và sự an toàn thực phẩm cho khách hàng. Tương tự như những sản phẩm xuất sắc mang giá trị đẳng cấp tuyệt vời của hãng Apple.

Táo Mỹ ngọt, giòn, thơm mà thật rẻ. Ngon như câu hát “Ngon như là trái táo chín. Thơm như vườn hoa kín.” Lời phóng tác ca khúc nhạc Pháp đắm say một thời L’amour C’est Pour Rien – Tình cho không biếu không. Tình yêu bao giờ cũng ngon như táo chín. Nhất là trái táo Mỹ. Ðẹp ngời khi được biếu cho thầy cô, khi dâng tặng cho người tình. Những dấu cắn quyến rũ ngọt ngào.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân