TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vì sao người Mỹ ít sử dụng metro, xe buýt?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vì sao người Mỹ ít sử dụng metro, xe buýt?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Oct 18, 2017 12:00 am    Tiêu đề: Vì sao người Mỹ ít sử dụng metro, xe buýt?

Vì sao người Mỹ ít sử dụng metro, xe buýt?

Một chuyến xe buýt tại Orange County. (Hình: voiceofoc.org)


Câu chuyện bắt đầu từ lời kể của một người Hòa Lan. Anh sang California thăm bạn gái ở Orange County.

Anh ở Maastricht, một thành phố nhỏ ở miền Nam Hòa Lan, sát biên giới Bỉ. Từ nhà, anh tự đi xe buýt, rồi đi xe lửa một cách dễ dàng để đến phi trường quốc tế Brussels của Bỉ để bay sang Mỹ.

Thế nhưng, khi đến phi trường Los Angeles, anh phải nhờ người bạn ra đón tại phi trường. Cảm thấy không thoải mái vì phải nhờ đưa đón, trong những ngày ở chơi tại Little Saigon, anh tự tìm kiếm thông tin, để tìm ra tuyến đường xe lửa có thể đưa anh từ Orange County ra phi trường LAX.

Anh đã chỉ lại cho người địa phương cách đi ra phi trường bằng phương tiện công cộng này, và rất ngạc nhiên khi thấy không có mấy người địa phương biết đến nó!

Những người Mỹ đã có dịp đi du lịch sang Châu Âu, Nhật, Úc đều thích thú với sự tiện nghi của các phương tiện vận chuyển công cộng như xe lửa, xe buýt. Chỉ cần một tấm vé, là có thể đi mọi loại xe công cộng như buýt, xe điện. Chỉ cần cầm một tấm bản đồ metro là có thể đi chơi khắp nơi, chẳng cần nhờ ai chở đi như ở Mỹ. Có nhiều người thắc mắc, tại sao ở Mỹ không có hệ thống vận chuyển công cộng tiện nghi như thế?

Một thống kê mới đây cho thấy chỉ có 5% người Mỹ dùng phương tiện công cộng để di chuyển hằng ngày, trong khi 61% nói rằng họ chưa bao giờ sử dụng xe lửa, xe buýt. Con số đã nói lên tất cả.

Ở Mỹ không phải là không có phương tiện di chuyển công cộng. Ở một số thành phố lớn như New York, Washington DC, Los Angeles... hệ thống metro cũng khá bận rộn. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển khác, hệ thống này kém xa về mặt tiện nghi, thuận lợi.

Ít chuyến, không đúng giờ, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu... Những yếu tố này đã góp phần khiến người dân Mỹ chẳng thèm quan tâm đến hệ thống công cộng, và chủ yếu chỉ dựa vào phương tiện di chuyển thống trị của quốc gia tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất thế giới: xe hơi.


Bên trong một chiếc xe bus ở Los Angeles.


Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Nước Mỹ giàu có, với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, có thể đưa con người lên đến tận mặt trăng, thì tại sao lại không thể có được những tuyến metro cho đàng hoàng? Một số nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích như dưới đây.

Đầu tiên phải nhắc đến, đó là vì nước Mỹ phát triển các khu đô thị, dân cư theo chiều hướng có lợi cho việc sử dụng xe hơi cá nhân để di chuyển. Ở Châu Âu, giá xăng mắc, tiền gởi xe mắc. Việc sử dụng đất để xây dựng khu dân cư ở được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, người dân sống tập trung trong những thành phố với mật độ dân cư dày đặc. Và các khu dân cư được phát triển song song với việc xây dựng các tuyến đường vận chuyển công cộng, để tận dụng tối đa việc sử dụng xe điện, xe buýt.

Ở Mỹ thì ngược lại. Người Mỹ thích nhà rộng rãi, không thích ở chung trong những khu dân cư chật chội. Vì vậy, các khu ngoại ô liên tục được phát triển, xây dựng, khiến cho mật độ cư dân trong trung tâm thành phố giảm. Khi các khu ngoại ô phát triển, thì hệ thống xa lộ, đường xá cho xe hơi được phát triển theo.

Điều này đặc biệt bùng nổ vào thập niên 1950, khi hệ thống xa lộ liên bang được xây dựng trên toàn quốc. Và khi mật độ dân cư càng thấp, thì phương tiện vận chuyển công cộng càng kém hiệu quả. Các khu đô thị vệ tinh được xây dựng chung quanh các thành phố lớn được quy hoạch để sử dụng xe hơi, chứ không ưu tiên cho metro.



Hậu quả tất yếu của việc quy hoạch khu dân cư ưu tiên cho xe hơi, đó là những công ty tư nhân đầu tư vào ngành công nghiệp vận chuyển công cộng bị thua lỗ. Họ buộc phải rút khỏi thị trường. Điều này cũng bắt đầu xảy ra vào thập niên 1950. Do đó, hệ thống vận chuyển công cộng được giao cho chính quyền thành phố quản lý. Việc vận hành chủ yếu dựa vào ngân sách của thành phố, tiểu bang, liên bang.

Với nguồn ngân sách hạn hẹp, hệ thống metro, xe buýt khó lòng mà phát triển. Ai cũng biết xây dựng các cơ sở hạ tầng cho hệ thống Metro rất tốn kém, và đòi hỏi đầu tư lâu dài. Mỹ là xứ sở của kinh tế tư nhân, chính quyền luôn bị kiểm soát, giới hạn quyền hành, ngân sách. Vì vậy, giao cho chính quyền quản lý là một cách giết chết hệ thống vận chuyển công cộng.

Không có nguồn vốn để đầu tư mới đã đành. Ngay cả việc duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có cũng gặp khó khăn. Trong các hệ thống metro hiện có trên nước Mỹ, Washington, DC là tương đối mới. Hệ thống metro của New York và Boston cũng đã được nâng cấp.

Tuy nhiên, tất cả chúng vẫn cần được bảo trì, sửa chữa thường xuyên. Ngân sách của chính phủ hiện nay đã phải chịu bao nhiêu gánh nặng như tiền hưu trí, trường học, an sinh xã hội... Sự xuống cấp cơ sở hạ tầng công cộng vì thế chỉ được chú ý khi chúng thật sự gây nguy hiểm cho người sử dụng, cần phải sửa khẩn cấp.

Việc bảo trì thường xuyên bị chậm trễ vì ngân sách. Thí dụ như Chicago Transit Authority đã chi $5 tỷ để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm năm qua, nhưng thành phố vẫn cần thêm $13 tỷ nữa. Những thành phố khác nhau trên nước Mỹ đang thiếu hụt khoảng $86 tỷ để thực hiện những kế hoạch sửa chữa còn tồn đọng.



Một yếu tố sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó chính là tâm lý, thói quen của người Mỹ. Nói đến nước Mỹ, là nói đến sự tôn thờ tự do cá nhân. Mà xe hơi riêng là biểu tượng của chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ.

Người Mỹ mất niềm tin nơi lĩnh vực công cộng. Ở Mỹ, người đi metro, xe buýt mặc nhiên được xem là những người nghèo, những người lớn tuổi, những người yếm thế trong xã hội. Trái ngược với cách nhìn này, ở Úc, những người đi làm với mức lương 6 số/năm cũng đi làm bằng phương tiện công cộng. Không có gì phải mặc cảm, mà lại còn tiện lợi hơn đi xe hơi riêng rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan. Nhiều báo cáo mới đây cho thấy tại nhiều tiểu bang đang đầu tư nhiều hơn cho xây dựng hạ tầng công cộng. Ngày càng có nhiều cư dân của những thành phố lớn nhận ra nhu cầu ngày càng tăng của metro, xe buýt. Thống kê năm 2016 cho thấy tại 10 thành phố có hệ thống vận chuyển công cộng lớn nhất Hoa Kỳ, mỗi ngày có tổng cộng gần 13 triệu lượt người đi. Dẫn đầu là thành phố New York, với gần 9 triệu lượt người mỗi ngày!

Câu chuyện dài về phương tiện vận chuyển công cộng ở Mỹ là vậy. Hoa Kỳ là một quốc gia đặc biệt, với nền kinh tế vận hành theo cách riêng của nó, không giống bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mọi chuyện đều có thể xảy ra ở Mỹ. Đến khi nào chính người Mỹ không còn xem xe buýt là dành cho người nghèo, và tự nhận thấy những tuyến metro đầy tiện nghi là một nhu cầu thiết yếu, thì ước mơ ngành vận chuyển công cộng chắp cánh sẽ thành hiện thực.

Nguồn: nguoi-viet.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân