TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ Phú Lâm xưa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ Phú Lâm xưa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Tue Oct 17, 2017 11:57 pm    Tiêu đề: Chợ Phú Lâm xưa
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ Phú Lâm xưa

Chợ gạo Phú Lâm và nhà ga xe lửa Phú Lâm ngày xưa.


Trên bản đồ Trấn Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 ghi chú một số địa danh ở vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn) như Lò Gốm, Cây Mai Tự, Phúc Lâm Thị... Chợ Phúc Lâm có phải là Chợ Phú Lâm hay do lẫn lộn cách phát âm của người bản xứ gồm nhiều sắc dân người Việt, người Miên, người Hoa sống chung trên một vùng đất mà ra? Người Hoa gọi là Phước Lâm. Phước hay Phúc đều một nghĩa. Tuy nhiên nếu là Phú thì xem ra đúng hơn, thể hiện sự đồng nhất hình thành địa danh làng xã trên đất Sài Gòn – Gia Định bắt đầu bằng chữ Phú.

Như vậy, Chợ Phú Lâm là một trong những chợ lâu đời trên đất Gia Ðịnh vào thời Nguyễn và sau đó thời Pháp thuộc là tỉnh Chợ Lớn. Xem lại tấm ảnh chợ bán heo vào cuối thế kỷ 19 tại Phú Lâm, có thể hình dung ra vùng đất này xưa kia rất trù phú. Phú Lâm tuy là một làng nhưng rộng lớn trải dài từ Mũi Tàu Phú Lâm (ngày nay) ôm theo Rạch Lò Gốm qua Rạch Ông Buông giáp ranh làng Tân Hoá, Tân Khai thuộc Bình Trị Ðông. Khu vực này ngày xưa là nơi cư trú của người Miên, sau đó người Việt từ đàng Ngoài và người Minh Hương từ Cù Lao Phố Biên Hoà kéo về sinh sống tạo nên một cộng đồng đa sắc dân, sinh sống bằng nghề buôn bán và sản xuất đồ gốm. Trong Gia Ðịnh Phong Cảnh vịnh có ghi: “Lạ lùng xóm Lò Gốm / Chơn vò vò bàn cổ xây trời”.

Việc truy tìm lịch sử phát triển của một vùng đất là công việc chuyên môn dành cho những nhà địa dư chí. Từ khi tôi biết đến vùng Phú Lâm vào khoảng cuối thập niên 1960, khu vực này đã thay đổi rất nhiều. Chuyện thay đổi diện mạo đô thị là lẽ đương nhiên nhưng nó phát triển quá nhanh khiến ta không kịp hình dung khi xưa Phú Lâm là cửa ngõ đường thiên lý đi miền Tây, là vựa gạo của đất Sài Gòn với lý do vào thời Pháp thuộc trên con đường Thiên Lý (ngay vòng xoay Phú Lâm ngày nay) có ga xe lửa Phú Lâm, không xa đó là Chợ gạo Phú Lâm chuyên cung ứng gạo cho Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn.


Chợ gạo Phú Lâm khoảng thập niên 1960 khi bị nhà cửa bao quanh.


Mặc dù vậy, Chợ gạo Phú Lâm chỉ là một ngôi chợ bình thường như bao nhiêu ngôi chợ khác ở Chợ Lớn thời bấy giờ, là nơi bán buôn hàng hoá cho người tiêu dùng. Hồi xưa người ta ví Phú Lâm là vùng đất trù phú sầm uất chẳng qua vị trí khu vực Phú Lâm sát ngay trung tâm Chợ Lớn (Q.5), có nhiều vựa chành, nhà máy xay lúa ở Bến Bình Ðông. Ngay như sau này, khi Chợ gạo Phú Lâm dời vào đường Bà Hom khoảng đầu thập niên 1960, thì ở đường Phú Giáo (Q.5), Chợ Lớn bắt đầu hình thành một ngôi chợ chuyên buôn bán gạo sỉ cho người mua đi bán lại mang tên nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu. Rồi sau đó đến năm 2005 Chợ gạo Trần Chánh Chiếu bị giải toả chuyển về chợ đầu mối nông sản Bình Ðiền.

Chuyện hoán đổi vị trí chợ đầu mối không phải là vấn đề lớn một khi khu vực đó dân số đã quá tải cần chỉnh trang đô thị. Trở lại Chợ gạo Phú Lâm: sau khi dời vào mảnh đất trống gần Ngã Tư Bà Hom đã không còn chức năng của một ngôi chợ chuyên bán gạo mà trở thành một ngôi chợ buôn bán hàng hoá thực phẩm như bao ngôi chợ khác. Cũng nhắc thêm một chút, trên đường Bà Hom (trước gọi Tỉnh lộ 10) qua Ngã tư Bà Hom (An Dương Vương) đến đường số 6 đã có một ngôi chợ xưa là Chợ Cây Da Sà nhiều người biết tiếng. Tuy là một chợ lâu đời nhưng Chợ Cây Da Sà là một chợ tự nhóm không có nhà lồng, sạp chợ bày bán lộ thiên còn đậm chất nhà quê trong khi Phú Lâm đang phát triển thành một khu thị tứ khởi đầu bằng những khu cư xá Phú Lâm A, B bán cho công chức và quân nhân vào khoảng gần cuối thập niên 1960.


Antenna của đài truyền tin tại Phú Lâm, nhưng nhiều người lầm tưởng là đài radar.


Tôi nhớ lúc đó ba tôi bốc thăm mua được căn nhà ở Cư xá Phú Lâm B. Ba tôi chở tôi trên chiếc Honda 68 đến nhận nhà. Tối ở lại một đêm nghe tiếng ếch nhái kêu vang không sao ngủ được. Sáng dậy, hai cha con dông xe đi xem lòng vòng khu vực dân cư, sau khi ghé Chợ Phú Lâm làm một tô hủ tiếu lót bụng. Ngày đó, với tôi Chợ Phú Lâm chẳng có gì hấp dẫn. Tôi chỉ để ý món hủ tiếu của ông Tàu bán trước chợ, chưa ăn mà đã thấy thèm, nhất là miếng bánh tôm vàng ươm nằm chễm chệ vắt ngang tô hủ tiếu.

Nhưng thiệt lạ, lúc đó tôi không để ý đến chợ buôn bán thứ gì nhưng lại quan tâm đến một ngôi tháp của Ông Ðạo Dừa do ba tôi kể mà sau này khi ra làm báo tôi mới có dịp về Cồn Phụng ghi nhận đầy đủ tài liệu về Ông Ðạo Dừa chỉ uống nước dừa thôi mà tu hành đắc đạo. Cái Tháp Hoà Ðồng Tôn Giáo thật ấn tượng đối với một đứa con nít như tôi. Hình thể trông chẳng khác chùa Thiên Mụ ở ngoài Huế. Tiếc rằng, Tháp Hoà Ðồng sau này đã bị dỡ bỏ không còn lưu lại một chút di tích như những gì còn lại ở Cồn Phụng, Bến Tre.

Chợ Phú Lâm lúc đó với tôi chỉ là một hình ảnh nhợt nhạt ngoài hình ảnh tô hủ tiếu thơm ngon cho món điểm tâm sang bảnh vào thuở đó. Khi tôi kể chuyện này cho ông bạn trước đây có ngôi nhà ở mặt tiền gần vòng xoay Phú Lâm thì ông bạn già gật gù: “Chợ Phú Lâm hồi trước chẳng qua là cái chợ nhỏ mới xây sau khi dẹp bỏ Chợ Phú Lâm chuyên bán gạo gần nhà tôi. Gần đó có trường tiểu học Phú Lâm nơi tôi mài mòn đít quần trên ghế hồi giữa thập niên 1940. Thuở đó, ngôi chợ còn đứng một mình, nhà cửa chưa chen lấn làm khuất đi ngôi chợ trong khoảng thời gian sau này. Ngoài bán gạo trong chợ, phía sau người ta còn bày bán thuốc rê, cau trầu, bánh cốm gạo ngào đường. Ðường Bà Hom nhiều chỗ còn ao trũng toàn lục bình, bèo tấm xanh lè, nhiều nhà làm nhang đem ra phơi đầy đường. Nói chung, khu vực Chợ Phú Lâm còn đượm nét quê mùa, trong khi đi vô trong nữa là hết đường. Ở đó có Ðài Radar của Mỹ dựng lên. Lính tráng canh phòng, hàng rào kẽm gai chằng chịt... ”


Phía sau Chợ gạo Phú Lâm người ta bày bán thuốc rê, cau trầu.


Ông kể thêm: “Tuy nhà ở gần Chợ Phú Lâm, nhưng mỗi lần đi chợ tôi đều thích đi xe ngựa của nhà. Hồi đó nhà ba má tôi có thuê anh xà ích làm công việc lặt vặt trong nhà và đánh xe ngựa đi Chợ Lớn Mới cách nhà hơn cây số. Chợ của ông Quách Ðàm bán đủ món ngon vật lạ nên ba má tôi thường đi hơn. Chợ Phú Lâm buôn bán hàng hoá lèo tèo. Mang tiếng dân cư đông đúc chứ thật ra chỉ là những nhà dân dọc theo đường lớn, còn lại hầu hết là những ngôi nhà chấp vá bèo nhèo trên những con đường làng còn đất đỏ trơn trợt mỗi khi mưa dầm ngập úng. Ban đêm ít ai dám đi một mình trên mấy con đường làng tối mù mù vì sợ ma. Hồi đó bên hông những con đường làng còn nhiều bụi chuối xen kẽ những nấm mồ đá ong xưa cũ”.

Ma bên đường thì tôi chưa thấy nhưng tôi nghe nhiều chuyện ma trong An dưỡng địa Phú Lâm từ miệng bạn bè kể lại y như thiệt. Nào là ma tóc dài thất tình khóc bu lu bu loa khi trăng lên. Nào là ma trẻ con tàn tật bò quanh nghĩa trang tìm kiếm đồ cúng trên các nấm mộ vào lúc nửa đêm. Hoá ra vùng đất Phú Lâm sầm uất lâu đời, có nhiều chùa xưa cũng không hoằng hoá được cô hồn lớn nhỏ.

Nhưng thôi, bây giờ vùng Phú Lâm khác xưa nhiều lắm. Bắt đầu từ Chợ gạo Phú Lâm gần nhà ga nhỏ Phú Lâm hiện nay đã trở thành siêu thị Coop Mart to chễm chệ bên cạnh vòng xoay. Còn ngôi Chợ Phú Lâm sau này cũng đã dời về mảnh đất rộng trên đường Tân Hoà Ðông không xa đường Bà Hom là mấy.


Một khu chợ bán heo ở Phú Lâm cuối thế kỷ 19.


Có lần, tôi dông xe vào Chợ Phú Lâm chạy lòng vòng mà không biết mình đi tìm cái gì ở chợ. Có lẽ tôi đi tìm những hình ảnh ngày xưa khi trong đầu cứ đinh ninh nó còn lẩn khuất đâu đó. Cứ đi tìm rồi sẽ thấy nhưng cuối cùng chẳng thấy gì ngoài cơn mưa lớn gây ngập úng cả một vùng, tràn vào lối chợ khiến mấy bà bán buôn than trời trách đất. Ngay cả hình ảnh của khu cư xá Phú Lâm B ngày xưa nơi tôi từng có vài đêm ngủ lại trong căn nhà trệt, mái ngói đỏ trải dài từng lớp cũng đã thay hình đổi dạng thành những dãy nhà lầu khang trang hai ba tầng. Hồi trước chỉ có cư xá khu B, khu A nay lại thêm khu C, khu D mang tên Phú Lâm.

Riêng ông bạn già tôi khi nghe đến Phú Lâm thì bỗng dưng tiếc nuối hình ảnh của ngôi chợ gạo thuở xưa mà ông từng ít khi ghé đến mặc dù nhà ông ở gần ngay đó. Phải chăng cảm xúc con người luôn luôn đến muộn hơn thực tại, một khi mất đi rồi chỉ còn lại nỗi hoài niệm tiếc nuối vu vơ?

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân