TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Con ngựa nước Mỹ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Con ngựa nước Mỹ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Oct 15, 2017 10:23 pm    Tiêu đề: Con ngựa nước Mỹ
Tác Giả: Sean Bảo

Con ngựa nước Mỹ


Đã nói về chàng cao-bồi, chiếc quần Jeans thì phải nói đến ngựa – một con vật ảnh hưởng nhất đến lịch sử nước Mỹ. (Mà không riêng gì nước Mỹ, vó ngựa của Napoleon, của Tây Ban Nha, của Ba Tư, của Thành Cát Tư Hãn đã làm nên các đế quốc hùng mạnh một thời.) Ngựa gắn bó với người. Anh hùng thì phải mã thượng. Trên lưng ngựa một đất nước mở mang, dân tộc khác tan hoang.

Ngựa có mặt ở hầu hết các châu lục. Những bộ xương ngựa hóa thạch tìm thấy vào cuối thế kỷ 19 cho thấy ngựa đã hiện hữu ở Bắc Mỹ hàng triệu năm trước. Sau đó không biết vì thiên tai hay sao mà chúng bị xóa sạch và biến mất 15 ngàn năm sau. Cho đến khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đến Trung Mỹ vào thế kỷ 16, họ đã chiếm cứ vùng đất mới và để lại một trang sử luôn gắn bó với hình ảnh con ngựa. Với ngựa, người Châu Âu đã chinh phục và tiêu diệt các thổ dân, với ngựa họ đã làm nên mảnh đất trù phú bạt ngàn, xóa sạch dân tộc này và lập nên quốc gia khác cũng từ trên lưng ngựa. Với bệnh dịch, người Châu Âu đã xóa đi các bộ tộc bản địa nhưng đã để lại một giòng ngựa mới, từ đó chúng tìm thấy nơi miền đất bao la bạt ngàn đồi núi, cỏ xanh này chốn dung thân và phát triển nhanh chóng. Ngựa đã làm thay đổi đời sống của người da trắng, cũng như người thổ dân da đỏ. Ngựa làm thay đổi lịch sử lập quốc nước Mỹ và ảnh hưởng sâu rộng hơn hết thảy con thú nào khác.


Người da đỏ với ngựa kéo travoy


Hai người thám hiểm được biết đến là Hernando de Soto và Francisco Vázquez de Coronado vào năm 1541-1542 ở Texas. Sau khi De Soto đánh chiếm Cuba, từ đó theo cửa biển Louisiana ông ngược dòng sông Mississippi đi lên phía Bắc và tìm cách về phía Tây Texas, rồi từ đó xuống Mexico bằng đường bộ. Ông bị bệnh và mất, đoàn tùy tùng phải trở lại bến sông, cùng 22 con ngựa sống sót trong tổng số 243 con từ đầu cuộc thám hiểm. Khi tàu xuôi giòng, họ phải giết ngựa để lấy thịt, chỉ còn 6 con. Rồi khi gần cửa một con sông có cỏ rậm rạp chúng đã chạy thoát. Chúng chạy hàng trăm dặm để đến vùng Nam Trung Mỹ mơn man đồng cỏ, sinh sôi bầy đàn, từ đó người da đỏ tìm thấy và thuần thục chúng... Tuy vậy sử liệu trên không xác tín vì con đường từ cửa sông đi về phía đất bằng Trung Mỹ qua nhiều đầm lầy sông suối, khó cho ngựa tìm đến đồng cỏ và phần lớn các con ngựa mà De Soto mang đến là ngựa đực dùng cho chiến đấu. Do vậy người ta dựa vào giả thuyết từ cuộc thám hiểm của Francisco Coronado. Sau khi đến Mexico, đoàn theo hướng Bắc lên Texas, Arizona, New Mexico, mang theo 1000 con ngựa, 500 con bò, 5000 con cừu. Trong 5 tháng ở vùng đất bằng Trung Mỹ nhiều con ngựa chạy lạc vào hẻm núi, một số bị đuổi bởi bò rừng. Vài cặp ngựa đã thích ứng nhanh với môi trường mới và trong 60 năm sau cả ngàn con rong ruổi khắp nơi. Ðó là giống ngựa Mustang nổi tiếng, bền bỉ, nhanh nhẹn và chịu đựng được thời tiết Trung Mỹ. Chúng sống thành đàn, do một con đực đầu đàn dìu dắt bảo vệ.

Một sử liệu khác cho biết vào năm 1595, Juan de Oñate theo lệnh vua Tây Ban Nha Philip II đi chinh phục phía bắc Mexico, đến New Mexico, theo cùng với các Cha dòng Phanxicô (Franciscan) và các đàn bò, cừu và ngựa. Bộ tộc da đỏ người Pueblo bị tiêu diệt dần trong khi số ngựa thì gia tăng. Các chàng cao-bồi được hình thành từ đấy để chăn dắt các đàn gia súc và bò. Người da đỏ Pueblo bị cai trị cũng đã học cách cưỡi ngựa chăn bò. Họ tìm thấy vai trò quý giá của ngựa cho vận chuyển, săn bắn. Năm 1680 người Pueblo đã nổi dậy đánh lại người Tây Ban Nha và cướp các trang trại ngựa. Sau đó ngựa được mua bán trao đổi và cả đánh cắp giữa các bộ lạc. 100 năm sau thì ngựa đã lan tràn khắp các bộ lạc da đỏ nước Mỹ.

Trước đó người da đỏ chỉ vận chuyển đi lại bằng chân trần, với 2 cây rừng làm thành giá gỗ hình thang gọi là travoy, được chó kéo đi. Họ di chuyển theo đàn bò rừng. Khi thấy những con ngựa họ gọi chúng là “Chó Thần”. Ðời sống gắn bó với thiên nhiên giúp người da đỏ nhanh chóng gần gũi với ngựa và thuần phục chúng. Ngựa đã làm thay đổi đời sống du mục, giúp họ săn bắn hiệu quả cũng như chiến tranh với kẻ thù. Một kỵ mã trong buổi sáng có thể săn bò rừng buffalo đủ cho gia đình ăn suốt tháng, có da bò mặc ấm, làm lều rộng ở suốt năm. Ngựa có thể kéo hàng trăm ký lô cây rừng để làm lều. Cộng đồng ngày càng sung túc và hùng mạnh. Ngựa được các bộ lạc khác yêu chuộng và dùng làm vật trao đổi. Vó ngựa đã nới rộng lãnh thổ các bộ lạc và hình thành nên các đội chiến binh da đỏ kiêu hùng. Với họ, ngựa là thành viên của gia đình và bộ tộc. Các tên gọi cao quý của các lãnh tụ hay chiến binh dũng mãnh đều gắn liền với ngựa như Crazy Horse của Lakota, American Horse của bộ lạc Sioux. Như những kỵ mã trên các cánh đồng cỏ Mông Cổ, các thổ dân da đỏ cưỡi ngựa thành thục, mình đeo dính vào lưng ngựa, tay vẫn bắn cung tên chính xác. Chúng chạy rất nhanh đến 85 km/giờ. Ngựa có thể đổi hướng thật gấp, leo trèo dốc núi, vượt suối băng ngàn, chịu đựng băng giá và mưa dầm nắng hạn... Nhưng chỉ gần trăm năm sau, người da trắng cũng trên vó ngựa đã chinh phạt họ cùng với các vũ khí tối tân, người da đỏ bị lôi cuốn vào các cuộc chiến tranh tang tóc và dần dần bị tiêu diệt.


Ngựa mang đôi giày ủng quay ngược trong tang lễ Tổng thống Reagan


Các hành trình về miền Viễn Tây vào giữa thế kỷ 18 đã theo vó ngựa làm nên đất nước rộng lớn này. Khi các đô thị thành phố mọc lên khắp nước Mỹ, ngựa là phương tiện vận chuyển chính cho đất nước. Từ các nhà máy xay lúa, các chuyến xe chuyên chở hàng hóa, thư từ Pony Express, chở hành khách stagecoach, ngay cả các chuyến tàu lửa chạy trên đường ray cũng được kéo bằng ngựa. Hình ảnh nước Mỹ gắn bó với chàng cao-bồi và ngựa. Ngựa quý giá đến mức trong trang sử Miền Tây cao-bồi có những luật bất thành văn mà ai nấy đều nằm lòng: Hình phạt cho trộm cắp ngựa có thể xử tử. Cưỡi ngựa của người khác mà chưa được phép giống như ngủ với vợ của anh ta. Dù đói khát đến thế nào đi nữa, phải cho ngựa ăn cỏ, uống nước trước tiên.

Khi các đường dây thép và tàu lửa nối dài đất nước, vai trò của ngựa tưởng chừng như chấm dứt thì nội chiến xảy ra. Ngựa lại được trưng dụng từ 2 phía trong cuộc chiến tàn khốc này. Hơn 1 triệu con ngựa và la bị giết. Quân lính được lệnh khi dừng chân phải cố cắt cỏ, dự trữ cho ngựa. Những con ngựa to khỏe được dành cho vận chuyển súng cà nông. Ngựa nhanh thon mảnh được dùng chuyển tin tức, thương binh và quân nhu. Gắn bó với ngựa là kỵ binh. Như đôi bạn thân thiết, họ ăn, ngủ, sống, chết cùng ngựa. Khi tiếng kèn thúc trận vang lên là ngựa và kỵ mã sẵn sàng. Những con ngựa này không sợ tiếng súng đạn. Người kỵ binh có thể cúi đầu, nằm sát vào cổ ngựa tránh đạn xé gió, nhưng con ngựa thì gan dạ tung vó qua các chiến hào, rào cản đầy lưỡi lê... Quân sử Mỹ ghi danh 3 con ngựa được phong thưởng đầy huy chương danh giá và chôn cất đầy lễ nghi quân đội đó là Comanche, Black Jack và Sergeant Reckless. Comanche là con ngựa của Ðại úy Myles Keogh thuộc kỵ đoàn 7th. Sau nhiều lần tham chiến bị cung tên vẫn gan dạ xông pha trận mạc. Khi Trung tá George Armstrong Custer và toàn bộ binh sĩ bị thảm bại trong trận Little Bighorn với bộ lạc Comanche năm 1876. Hai ngày sau người ta tìm thấy con ngựa Comanche mình đầy vết thương. Ðược chữa lành và “về hưu” sau 29 năm chiến trận. Xác ngựa được nhồi và trưng bày ở Bảo tàng lịch sử trường đại học Kansas. Black Jack là con ngựa giống Morgan, màu đen tuyền, nó được chuyên dùng cho tang lễ của các sĩ quan cao cấp và nguyên thủ quốc gia. Ngựa chỉ đi riêng, không người cưỡi, mang đôi ủng của người quá cố quay ngược bên hông, được dắt đi chậm rãi sau quan tài. Ðôi ủng quay về sau lưng ngựa như là biểu tượng hình ảnh người sĩ quan (đã mất) quay lại nhìn đội quân của mình lần cuối. Ngựa Black Jack được vinh dự đưa tiễn 3 vị Tổng thống Mỹ đó là John F. Kennedy (JFK), Herbert Hoover, Lyndon B. Johnson và vị tướng kiêu hùng 5 sao MacArthur. Black Jack được hỏa táng sau 29 năm binh nghiệp. Riêng con ngựa cái mang tên Sergeant Reckless thật là hào hùng. Ðược Thủy quân lục chiến Mỹ mua lại ở Seoul, Nam Hàn dùng trong việc vận chuyển, sau đó ngựa tham gia mang đạn dược và tải thương trong Chiến tranh Triều Tiên 1953, tự nhớ đường đi trong khói lửa bom đạn, trong 9 tháng trời chiến trận, có ngày ngựa đi một mình hơn 50 lần để tiếp viện, nhiều lần bị thương nhưng đều lê về trạm. Khi chiến tranh kết thúc ngựa được phong quân hàm Thượng Sĩ, được tặng 9 huân chương cao quý của 2 nước Mỹ – Hàn, bao gồm 2 Purple Heart.


Chú ngựa nổi tiếng Sergeant Reckless trong Chiến tranh Korea năm 1953


Ngựa vẫn còn được dùng vào Thế Chiến I. Ðến thế kỷ 20 khi dầu mỏ cùng cách mạng công nghiệp đã thay thế các phương tiện giao thông và liên lạc bằng xe hơi, tàu điện, máy bay... thì ngựa chỉ còn đắc dụng cho các trường đua và chăn nuôi cừu bò. Các địa hình đồi núi vực thẳm nơi các đàn bò gặm cỏ, không phù hợp cho các chuyến bay chăn dắt từ trên cao, chúng cần các chàng cao-bồi.

Hình ảnh một con ngựa luôn là hình ảnh của sức mạnh, nhanh nhẹn, gan dạ và oai phong làm nên lịch sử của tuổi trẻ. Các con ngựa đi ra ngoài tầm cương roi của giáo điều và luật lệ như những gã giang hồ anh chị với “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, với tuổi trẻ nổi loạn phá phách mà đáng yêu như “Ngựa chứng trong sân trường”. Cũng mãi đẹp ngời trong văn học như:“Người lên ngựa kẻ chia bào./ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.” (Nguyễn Du) Cái đẹp của tráng sĩ tung vó dặm trường quan san, đi bảo vệ non sông trong mùa thu chia ly.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân