TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ Hóc Môn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ Hóc Môn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Sep 22, 2017 10:14 pm    Tiêu đề: Chợ Hóc Môn
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ Hóc Môn

Chợ Hóc Môn ngày nay đã được xây dựng lại mới hoàn toàn


Sau hơn hai thế kỷ, vùng đất Hóc Môn nhiều lần tách nhập địa giới hành chánh, Hóc Môn vẫn giữ nguyên đơn vị cấp huyện như ngày xưa. Tuy vậy, với mật độ dân số gia tăng khoảng ba thập niên sau này, Hóc Môn nhanh chóng đô thị hoá trở thành một huyện nửa thành thị nửa thôn quê. Hình ảnh xưa cũ của những mái nhà ngói đỏ rêu phong cùng tiếng xe thổ mộ lóc cóc mỗi ngày ra chợ huyện của người bán buôn, của người đi chợ, vẫn còn để lại trong lòng người cố cựu nhiều hoài niệm đẹp một thời bình yên nơi thôn dã.

Tôi tìm về ký ức xưa khoảng thời gian gần bốn mươi năm về trước. Khoảng thời gian ấy, cuộc sống kinh tế rất khó khăn, thế mà, người dân Hóc Môn rất hào phóng tiếp nhận nuôi ăn nuôi ở từng nhóm nhỏ “người của thành phố” về làm công việc của các chuyên viên đo đạc đất đai.

Nhóm chúng tôi bốn năm người được về nhà “bà má Tám”: “Ăn uống mấy con đừng lo. Nhà có ruộng, có gạo, có rau, có trứng gà trứng vịt, có gì ăn nấy để có sức mà đi đo đạc vẽ vời”. Tấm lòng chân chất của người sống miệt thôn quê sát thị thành rộng mở không đổi thay như thuở xa xưa khi những người di dân từ đàng Ngoài vào Nam khai khẩn đất hoang dừng chân tại tỉnh Gia Ðịnh, lập nên địa danh Hóc Môn theo hình thái của vùng đất có nhiều con rạch nhỏ mọc um tùm các bụi môn nước.

Tôi không biết tên thật của má Tám Trầu mà chỉ gọi theo cách gọi của mấy người hàng xóm vì bà bán trầu cho mối lái đem đi bỏ mối ở Sài Gòn. Tôi nhắc lại tên gọi đời thường của bà trong bài viết với lòng tưởng nhớ dâng tặng người đã khuất mà mãi đến sau này qua một vài người bạn đồng nghiệp tôi mới biết tin. Nhà má Tám Trầu có cả một vườn trầu ôm nọc cau thẳng tắp. Mỗi ngày bà đều hái một cần xé lá trầu cay chờ người thu mua đến lấy. Con cái nghe đâu có người ở bên Pháp thỉnh thoảng gởi tiền về giúp gia đình nhưng chưa bao giờ về quê hương thăm viếng. Bà sống với vợ chồng anh con trai út nuôi cặp ngựa lai gây giống bán cho người ham mê ngựa đua.


Xe thổ mộ một phương tiện đến chợ của người bán buôn và người đi mua sắm


Vào thời buổi khó khăn cuộc sống khi đó, ăn cơm độn khoai lang, bột mì, bo bo vậy mà anh bạn tên Út đem bo bo nuôi ngựa. Anh có toan tính riêng của mình: “Chờ thời ngựa đua khôi phục. Mấy chỗ chuyên nuôi ngựa đua ở Ðức Hoà gầy cả đàn ngựa chiến chứ đâu như mình nuôi một cặp ngựa thì ăn thua gì”. Ngày trước, cha anh không nuôi ngựa đua mà nuôi ngựa thồ bán cho mấy ông xà ích chở hàng rau cải ra Chợ Hóc Môn. Xứ Hóc Môn nhiều nhà có ngựa, bên kia sông Sài Gòn là huyện Thuận An của Bình Dương cũng là cái nôi nuôi ngựa thồ và đóng thùng xe thổ mộ. Miệt Củ Chi thì lại ít hơn, người ta nuôi trâu bò kéo cày, chở hàng hoá. Cho nên, khi nhìn lại Hóc Môn tôi chợt nhận ra có điểm đặc biệt hơn các huyện khác trong chuyện vận chuyển hàng hoá bằng xe ngựa giữa các làng xã với nhau.

Anh Út kể: “Lúc tui còn nhỏ, ngày nào cha tui lại không đánh xe ngựa đưa bà già mang trầu cau ra Chợ Hóc Môn bán. Cho đến đầu thập niên 1970 xe ngựa ở Hóc Môn vẫn còn được sử dụng rất nhiều để thồ hàng. Sau năm 1975, xe ngựa ngưng một thời gian vài ba năm rồi trở lại sử dụng lúc xăng dầu khan hiếm. Ðược vài năm mấy cỗ xe lại phải đem cất xó vào góc vườn vì lệnh cấm không cho sử dụng xe ngựa chở rau màu vào vùng Bà Quẹo nữa”.

Chuyện xe ngựa thồ hàng ở Hóc Môn nhiều người cố cựu biết rõ. Trước chợ quận Hóc Môn vào khoảng thập niên 1950 có một bến xe ngựa xếp hàng dài. Nhiều người đi chợ mua sắm bảo con cái đánh xe ngựa ra chợ quận như những người “quý tộc” xưa ở tận châu Âu. Tôi gọi chợ quận theo cách gọi của người dân cố cựu vùng này. Từ một chợ quận của huyện Bình Long, tỉnh Gia Ðịnh trở thành huyện lỵ của thành phố Sài Gòn mở rộng mới được vài năm. Người lớn tuổi vẫn quen gọi theo tên cũ “chợ quận”. Mà thật tình hai tiếng “chợ quận” nghe bảnh hơn “chợ huyện” trung tâm, vì Hóc Môn lúc này đã hình thành nhiều ngôi chợ theo tên làng xã như Ðông Thạnh, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng... có tên chợ hẳn hoi chứ không còn là những ngôi chợ làng ngày xưa nữa.


Chợ Hóc Môn vừa mới xây cất hồi năm 1930, quang cảnh bên ngoài còn đầy đất đá


Tôi nhớ Chợ Hóc Môn vẫn tường vách xưa cũ, mái ngói rêu phong. Cách chợ vài trăm mét có bến xe lam, và xe đò chạy bằng than (“cải lùi” sau này do khan hiếm xăng dầu). Ðạp xe đạp loanh quanh một vòng xem như đi hết cả khu trung tâm huyện lỵ mà nghe người lớn tuổi kể lại rằng, “chợ sầm uất, nhộn nhịp mua bán suốt ngày vì Hóc Môn khi xưa nổi tiếng với hàng thịt heo quay. Nhiều sạp chợ quay gà vịt heo tại chỗ cung cấp cho các chợ trong nội thành bán lẻ”.

Quang cảnh buôn bán ở Chợ Hóc Môn xưa, nghe chỉ để nhớ chuyện ngày xưa, chớ khoảng thời gian tôi đặt chân đến Hóc Môn chỉ biết đó là một vùng đất nông nghiệp, trồng rau cung cấp cho thành phố. Duy chỉ những mái nhà ngói dọc theo đường làng, tỉnh lộ còn để lại dấu ấn của những làng quê thuần chất với các hàng rào trồng lá sương sâm. Mỗi chiều sau khi đi thực địa về nhà cơm nước xong, ngôi thu lu nhìn ra cửa sổ xem mảnh ruộng lúa xanh rì, nghe tiếng bụi tre hông nhà xào xạc làm nỗi nhớ nhà trỗi dậy mà chỗ mình đang ở có cách xa nội thành bao nhiêu đâu mà cứ tưởng mình đang sống ở một vùng quê xa ngái.

Nhưng khi nhìn thấy trên mạng tấm ảnh Chợ Hóc Môn xưa được xây cất cuối năm 1930, lòng tôi chợt trổi lên nhiều cung bậc cảm xúc. Khoảng thời gian nửa thế kỷ từ lúc ngôi chợ được hình thành cho đến thời điểm tôi còn nhìn thấy Chợ Hóc Môn đầu thập niên 1980 không thay đổi nhiều. Cấu trúc xây dựng vẫn còn y nguyên đó, chỉ lớp tường vách bao quanh với những sạp hàng san sát là mới xây thêm. Những thay đổi sinh hoạt của một ngôi chợ quận xưa diễn ra rất chậm so với những đổi thay như bây giờ, chợ hoàn toàn xây mới, nhà cửa mọc đầy trên những con phố mới mở làm người xa Hóc Môn nhiều năm gần như không còn nhận ra cố quận nơi mình sinh sống nữa.


Một con phố ở khu vực chợ quận Hóc Môn khi xưa còn có đường xe điện chạy qua.


“Ðó là chuyện đương nhiên, khi dân số tăng cao gấp mấy lần ngày trước”, một người quen lớn tuổi quê ở Hóc Môn bạn của bạn tôi nhận xét khi nghe tôi đề cập đến huyện Hóc Môn nói chung và Chợ Hóc Môn nói riêng. Hóc môn là một trong những quận thuộc tỉnh Gia Ðịnh sát Sài Gòn, hưởng chút hào nhoáng của vùng thành thị nhưng cuộc sống còn rặt chất thôn quê. Gò Vấp, Thủ Ðức, Nhà Bè trước 1975 người dân còn trồng lúa, trồng hoa màu. Hóc Môn thuận lợi hơn ở vùng đất cao, hiếm gặp triều cường ngập úng. Nguồn nước ngầm phong phú và con sông Sài Gòn ôm trọn ranh giới huyện bên hướng đông thuận lợi cho việc dẫn nước vòng ngang phía bắc qua kênh An Hạ. Những điều kiện địa lý tự nhiên làm cho vùng đất Hóc Môn trù phú về hoa màu rau trái. Cho nên Sài Gòn sau năm 1975, cuộc sống gặp nhiều khó khăn về lương thực thực phẩm chứ dân Hóc Môn sống an nhiên tự tại, chẳng phải lo miếng ăn hằng ngày.

Nỗi nhớ chợ quận hay ngôi chợ Hóc Môn huyện lỵ ngày nay cũng giống như cảm giác lâu ngày không gặp lại người quen thoáng qua trong ký ức. Hóc Môn bây giờ có đến 13 chợ chưa kể hai siêu thị to đùng và một chợ đầu mối nông sản cung cấp rau màu cho thành phố. Ði đâu cũng có chợ, chợ xã chợ huyện thì bán buôn hàng họ có khác gì đâu. Nghe ông bạn người Hóc Môn bày tỏ, tôi chợt nhớ lời thơ của tác giả Trầm Khiêm qua bài Nhớ chợ Hóc Môn: “Buổi chiều nhớ chợ Hóc Môn / Một ký chôm chôm giá ba ngàn / Nui vàng đóng bịch nằm nghiêng ngó / Trăm bàn tay lật ngửa lật ngang”.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân