TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ Tân Định ngày ấy
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ Tân Định ngày ấy

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Sep 15, 2017 11:51 pm    Tiêu đề: Chợ Tân Định ngày ấy
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ Tân Định ngày ấy

Chợ Tân Định vào thập niên 1940.


Được người quen giới thiệu, tôi liền gọi điện thoại cho chú Tân cũng cư ngụ cùng thành phố Fort Worth để đến thăm chú và cùng hồi tưởng về những hình ảnh của Chợ Tân Định. Mặc dù những hình ảnh đó cách nhau cả một thế hệ đời người nhưng xem ra không khác gì mấy khi nhớ về những con đường quanh chợ, hàng quán hai bên và chú lại là người cố cựu sống gần đầu đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản) ra đường Hai Bà Trưng ngay Chợ Tân Định. Chỉ khác nhau, tôi sống ở quận 10, học trung học tại quận 3 trường Lasan Đức Minh (Trần Quốc Tuấn) và hay la cà ở Chợ Tân Định quận1.

Tất nhiên là tôi không có nhu cầu đi chợ mà là đi ăn “theo” với đám bạn khi nhiều lúc bỗng nhiên tiết học cuối được Cha giám thị (năm 1976 lúc tôi học lớp 10, các giám thị đều là tu sĩ) lên lớp thông báo thầy giáo bị bệnh không đến trường. Nói là “ăn” cho khí thế chứ đám học trò chúng tôi hiếm đứa có tiền trong túi để ăn quà vặt. May là thằng bạn nhà ở gần góc đường Mã Lộ và Nguyễn Hữu Cầu phía sau Chợ Tân Ðịnh, má nó mở quán bán đủ loại chè. Tôi hảo ngọt, nghe rủ rê thì làm sao bỏ cuộc chơi với đám bạn. Mặt mày đứa nào cũng sáng rực khi nghe nhân vật chính mời “về nhà tao ăn chè”.

Hồi đó tôi chẳng quan tâm đến Chợ Tân Ðịnh mang hình dáng kiến trúc ra sao mà lại chú ý đến con đường Mã Lộ dài hơn trăm thước từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến đường Bà Lê Chân. Tên đường ở Sài Gòn hầu hết đều đặt theo tên của những danh nhân tướng sĩ trong khi con đường này lại mang tên Mã Lộ, nghĩa của nó quá rõ ràng, con đường xe ngựa. Thằng bạn nhà tuy ở đây nhưng chẳng biết gì hơn tôi, quay sang cầu cứu bà mẹ đỡ cho ít lời: “Má về sống ở đây lúc mới sanh ra mày, con đường này đã có tên Mã Lộ nhưng chỉ lưa thưa vài ba chiếc xe thổ mộ chở hàng cho mấy bà buôn gánh bán bưng. Ba mày chắc biết nhiều, ổng sống ở vùng này từ nhỏ, tiếc là ổng không có ở đây (đi học cải tạo ở miền Bắc), đợi chừng nào ổng về rồi hỏi”.


Chợ Tân Định ngày xưa là chợ Phú Hòa dựng trên mảnh đất của làng Phú Hòa thuộc vùng Tân Định.


Tôi biết thằng bạn chẳng có dịp đợi ba nó về để hỏi mà trả lời thắc mắc của tôi. Ba nó bị đứt mạch máu não khi ra đồng lao động trồng khoai. Lần đó đám bạn bè chúng tôi có đến nhà chia buồn và theo gia đình đến chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ cúng siêu độ vong linh. Mấy năm sau, nhiều lần tôi có dịp đi trên đường Hai Bà Trưng ngang qua Chợ Tân Ðịnh nhưng không còn ghé vô quán chè nhỏ bên góc đường Mã Lộ có ngôi nhà nhỏ của thằng bạn thân thương. Nghe đâu cả nhà vượt biên. Cho đến bây giờ, tôi chẳng nhận được một tin tức gì, không biết còn sống hay đã chết.

Nghĩ lẩn thẩn, nói chuyện chết chóc chẳng vui chút nào cho thằng bạn bặt tin. Không biết nó mắc nợ tôi câu trả lời hay tôi mắc nợ nó. Nay tôi nhận câu trả lời này từ chú Tân một người cố cựu tuổi gần đất xa trời, sống ngay khu vực Chợ Tân Ðịnh, từng làm công chức tòa án từ thời Pháp sang thời VNCH. Chú biết tường tận từng con hẻm, con đường quanh Chợ Tân Ðịnh. Khi nghe tôi hỏi về khu vực chợ búa hồi xưa chú từng sống, chú như sống lại thuở thanh niên, lòng đầy nhiệt huyết. Nhưng chú nói: “Tui rành khu vực quanh chợ hơn là bắt tui tả lại cảnh mua bán nhộn nhịp của chợ búa năm xưa”. Chú Tân cà rỡn: “Bây giờ mà kêu tui viết bài văn miêu tả Chợ Tân Ðịnh thì đành bó tay”.

Chú thanh minh: “Hồi xưa, đàn ông mình đâu có đi chợ. Chuyện chợ búa dành cho các chị em phụ nữ vì là nội tướng lo bếp núc nấu ăn trong nhà. Không như ngày nay, nam nữ bình đẳng như nhau. Nhất là khi sang Mỹ, tui lại biết đi chợ, thậm chí nấu ăn mà nấu ăn ngon mới lạ”. Chú kể, ban đầu chú cũng chỉ giúp vợ phụ bếp. Thế rồi từ phụ bếp dần dần lên bếp chính hồi nào không hay. Bả chết trước, bây giờ không biết ngày nào lên đường đoàn tụ với bả. Giờ tuổi già sức yếu, tay run, chú đâm ra lười nấu ăn nhưng còn lái xe ra chợ mua “cơm chỉ” ăn cũng được, chẳng phiền gì đến con cái.


Dãy phố trên đường Hai Bà Trưng đối diện Chợ Tân Định đầu thập niên 1950, sau năm 1975 mới trở thành những đoạn phố buôn bán vải.


Nhưng thôi, chuyện đàn ông sang Mỹ trở thành bếp phụ hoặc bếp chính để dành cho người trong cuộc nghiền ngẫm, tôi xin trả chú về thuở thanh niên một thời của vùng đất Tân Ðịnh. Chú chậm rãi lục tìm trong ký ức: Hồi thời Pháp, con đường Mã Lộ có tên Lê Văn Duyệt trong khi mấy con đường ở Sài Gòn đều mang tên Tây. Hai Bà Trưng là Paul Blanchy, Bà Lê Chân là Frostin, Trần Văn Thạch là Vassoigne (tức Nguyễn Hữu Cầu sau này). Con đường trước nhà của chú vào thời VNCH mang tên Nguyễn Ðình Chiểu, thời Pháp có tên D’Arfeuilles khi đó còn là một con đường nhỏ thông từ đường Pasteur ra Hai Bà Trưng. Sau năm 1975 mới được mở rộng đặt tên Trần Quốc Toản.

Không rõ vì sao người Pháp lại ưu ái lấy tên của một vị Tả Quân triều Nguyễn đặt cho con đường đất nhỏ ngay sau khi Chợ Tân Ðịnh được xây dựng hồi năm 1928 (lẽ ra đặt tên Lê Văn Duyệt cho con đường lớn). Con đường này theo lịch sử đã hình thành từ xa xưa. Khi ấy, trên mảnh đất nhỏ của làng Phú Hòa thuộc vùng Tân Ðịnh mọc lên cái chợ. Chợ Phú Hòa chỉ là tên gọi theo tên làng chứ không phải chợ mang tên chính thức như chợ Bến Thành hay Chợ Lớn Mới. Tuy là ngôi chợ làng nhưng có nhà lồng hẳn hoi, tập trung buôn bán đông đúc. Cư dân vùng này đa phần là dân khá giả cho nên có vài bài báo viết về Chợ Tân Ðịnh cho rằng đây là ngôi chợ của dân nhà giàu.

Có thể hiểu, từ đầu thế kỷ 20, thành phố khi đó chưa mở rộng về khu Tân Ðịnh. Khu vực trung tâm Sài Gòn giới hạn đến nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi ngay góc đường Hiền Vương (Mayer) và Hai Bà Trưng. Từ ngã tư này trở lui đến Cầu Kiệu qua Phú Nhuận còn nhiều đất trống trồng hoa màu, hoặc rừng cây. Nói chung là vùng ngoại ô thành phố.

Theo ghi nhận của Bộ Thuộc Ðịa Pháp, Chợ Phú Hòa hình thành từ thập niên 1880. Ðó là một ngôi chợ làng trù phú của vùng Bắc Sài Gòn. Thời điểm đó phương tiện giao thông chánh yếu là đi bộ hoặc xe kéo chứ xe ngựa chưa xuất hiện cho đến khi xe kiếng (xe ngựa kéo) xuất hiện để chở các quan chức và khách Tây. Thành phố tiếp tục phát triển ra các hướng không riêng gì hướng Bắc, dân từ các tỉnh đổ về Sài Gòn đô hội do lực hút của một thành phố lớn dễ kiếm sống, dễ làm ăn. Rồi sau đó mới có xe bò, xe ngựa chở hàng hóa và xe thổ mộ chở khách cho đến thời VNCH phát triển ngày thêm nhiều do nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hoa màu, cá mắm từ Thủ Ðức, Gò Vấp, Cầu Ông Lãnh về Chợ Tân Ðịnh. Ngoài xe ngựa chở hàng, còn có bến xe thổ mộ chở khách nên con đường Lê Văn Duyệt tấp nập ngựa xe. Chú Tân nhớ lại, hình như giữa năm 1955, đường này đổi tên thành Mã Lộ cho hợp với hoàn cảnh giao thông lúc đó hơn là đặt tên theo danh nhân lịch sử. Ðến khoảng giữa thập niên 1960 khi bùng nổ xe gắn máy cá nhân và xe lam vừa chở hàng vừa chở khách, chính quyền ra lệnh cấm xe ngựa lưu thông trong trung tâm thành phố vì vấn đề an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.


Chợ Tân Định có đường nét cách điệu giản đơn, bên dưới thông thoáng không ken kín các sạp buôn bán như ngày nay.


Về mặt kiến trúc của Chợ Tân Ðịnh phải nói là rất đơn giản, mang vẻ đẹp hiện đại thời đó mặc dầu đường nét ngang dọc được cách điệu một cách tối đa từ kiểu kiến trúc của châu Âu. Mái lợp ngói. Cột, đà đúc bê tông. Khung dầm bằng sắt. Mặt tiền chợ chính là bộ mặt của ngôi chợ nằm trên con đường Hai Bà Trưng như bao người đều nghĩ vậy. Thực tế, phía sau chợ, tức mặt ngó ra đường Mã Lộ mới là mặt chính vì ngôi chợ có địa chỉ giao dịch tại con đường này. Tất cả hàng hóa mua bán ra vào chợ đều qua cửa phía sau.

Sở dĩ kiến trúc Chợ Tân Ðịnh mang hình dáng đặc biệt hơn các chợ xây vào hồi thời Pháp thuộc bởi lẽ phía bên kia đường Hai Bà Trưng, khoảng góc xéo đường Nguyễn Hữu Cầu có ngôi nhà thờ Tân Ðịnh. Ngôi thánh đường này giáo dân về đây sinh sống ngày càng đông. Ðể phù hợp cảnh quan, mặt tiền Chợ Tân Ðịnh cũng được thiết kế theo châu Âu không pha tạp kiến trúc Á Ðông như các chợ xây trước đó hoặc cùng thời. Phía trên chợ không có tháp lầu mà có 3 tháp chuông mang tính trang trí hơn là sử dụng (sau năm 1975, chỉ còn lại một cái chuông ở giữa).

Chợ Tân Ðịnh được công ty Société Indochinoise d’Etudes et de Constructions (SIDEC) thiết kế và khởi công xây dựng vào tháng 7 năm 1927, xây trong một năm thì khánh thành. Với vẻ đẹp kiến trúc đơn giản, chợ được chọn dựng lại mô hình tham dự cuộc thi đấu xảo tại Paris vào năm 1931 cùng với nhiều công trình có kiến trúc đẹp trên toàn thế giới.

Sau năm 1975, nhiều người cho biết hàng hóa đặc biệt bán ở Chợ Tân Ðịnh là vải lẻ, vải khúc ở đầu cây. Thực ra, khu chợ vải không phải nằm trong chợ mà là đối diện phía bên kia đường, mọc ra nhiều tiệm bán vải không biết nhập từ đâu hay là lấy sỉ từ chợ chuyên bán vải Soái Kình Lâm dưới khu thương xá Ðồng Khánh ở Chợ Lớn. Dọc một dãy nhà đối diện chợ biến thành khu phố vải đủ loại nhìn ngợp mắt. Chú Tân nói: “Hồi trước chỉ có một vài nhà bán vải phục vụ cho nhu cầu của nhiều tiệm may ở bên kia Cầu Kiệu, nhưng sau này thấy người ta bán được nên nhà nhà thi nhau mở tiệm”.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân