TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đền Tiger’s Nest, Bhutan
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đền Tiger’s Nest, Bhutan

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Tue Sep 05, 2017 10:53 pm    Tiêu đề: Đền Tiger’s Nest, Bhutan

Đền Tiger’s Nest, Bhutan

Tu viện Taktshang nằm trên độ cao hơn 800 mét. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Một trong những biểu tượng của Bhutan được thế giới biết đến nhiều, đó là hình ảnh một ngôi tu viện treo lơ lửng giữa chừng dốc núi cao.

Hình ảnh tuyệt đẹp này đã hấp dẫn lôi cuốn nhiều du khách đến xứ Phật Bhutan để thưởng ngoạn một không gian lạ lùng và hiếm có. Tu viện này có tên là Taktshang hay Tiger’s Nest nằm ở gần thành phố Paro mà tôi xin tạm dịch “Trú xứ của Hổ.”

Paro không phải là thành phố lớn nhất và cũng không phải là thủ đô của Bhutan, nhưng lại là thành phố duy nhất có sân bay đủ rộng để có thể đón tiếp các chuyến bay quốc tế đưa du khách đến Bhutan ngoạn cảnh.

Mặc dù tôi đã có dịp tham dự rất nhiều các chuyến bay đi khắp nơi trên thế giới, song chuyến bay từ Kathmandu đến Bhutan đã đặc biệt cho tôi nhiều cảm giác thích thú và khó quên nhất. Hình ảnh đẹp nhất lưu giữ trong ký ức tôi chính là lúc mình được thưởng ngoạn toàn cảnh không gian của dãy núi Himalayas với các đỉnh núi cao vượt hẳn lên trên biển mây trắng xóa, nhìn không khác gì các “hải đảo trắng” trôi nổi trên biển mây, dưới bầu trời xanh thẫm.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, bạn mới có dịp thấy tài nghệ của những viên phi công Bhutan. Họ điều khiển phi cơ bay lượn trên thung lũng Paro giữa hai dãy núi cao, hẹp bao bọc thành phố và tìm cách hạ cánh. Ðây cũng là lúc mà bạn thưởng thức thêm một hình ảnh đẹp thứ hai nhìn từ trên máy bay với cảm giác hết sức thích thú, bạn cảm giác như mình bỗng hóa làm thân chim bay lượn giữa không trung.



Hình ảnh những thảm ruộng xanh tươi bên dưới thung lũng, xen lẫn với phi đạo độc nhất thẳng tắp, dài gần ba cây số của sân bay Paro trải dài song song với dòng sông Pachu là một hình ảnh hết sức độc đáo “chào mừng” du khách đến Bhutan. Người ta còn cho tôi biết, tất cả các chuyến bay đến Paro đều phải do các phi công Bhutan thuần thục lái, nhóm này chỉ gồm khoảng 10 người có đầy đủ kinh nghiệm để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay hạ cánh xuống Paro.

Từ trung tâm Paro đi về hướng Tây Bắc khoảng 12 cây số là đến khu vực ngọn núi có tu viện Taktshang. Phóng tầm mắt nhìn xa vào những ngày trời trong, không mây, người ta có thể nhìn thấy các ngôi đền như những điểm chấm nhỏ hiện lên giữa lưng chừng dãy núi, một không gian khiến nhiều người chưa đi mà đã cảm thấy chùn chân. Thành phố Paro ở độ cao 2,100 mét trên mực nước biển, tu viện Taktshang nằm trên triền núi cao hơn Paro thêm gần 900 mét nữa, có nghĩa tu viện “trú xứ của Hổ” cao gần 3,000 mét.

Tuy cách biệt chiều cao không nhiều lắm nhưng cuộc hành trình du ngoạn leo núi Taktshang cũng khiến nhiều du khách bỏ cuộc vì con đường lên đến Taktshang gập ghềnh, cao dốc khó đi. Bạn cần ba tiếng đồng hồ để đi lên núi và hai tiếng để xuống núi.

Giữa đoạn đường chinh phục này này có một trạm dừng chân nghỉ mệt cho du khách. Ở đây, du khách cũng có một khoảng không gian thoáng rộng và đẹp để ngắm nhìn “trú xứ của hổ” lơ lửng trên triền núi cao! Đây cũng là lúc bạn cần lượng lại sức mình xem còn có thể tiếp tục cuộc hành trình hay không? Hay bạn sẽ thối chí, đành “hạ sơn” cho đôi chân thoải mái. Nếu bạn đã thực sự “mỏi gối chồn chân” rồi thì xin hãy cẩn thận, lượng xem lại sức khoẻ của mình trước khi tiếp tục hành trình vì khi đi lên núi thì dễ, lúc xuống núi mới quả là vấn đề nan giải cho hai đầu gối chân của bạn.


dây leo Spanish Moss


Sau khi vượt qua khỏi quán nghỉ chân bên đường, từ trên độ cao 2,600 mét bạn nhận thấy phong cảnh cây cối vách núi và bên vực thẳm bắt đầu có nhiều đổi thay. Khách bắt gặp loại dây leo Spanish Moss, tên một loại dây leo màu xanh lam nhạt, quấn vào các cành cây trước khi mềm mại buông rủ xuống như những nhành liễu, đong đưa, lả lướt theo gió, tạo thêm phần thơ mộng cho núi rừng.

Ở Bhutan, loại dây leo Spanish Moss chỉ xuất hiện ở các vùng có độ cao. Một khi bạn đã chạm mặt nó, cho dù bạn có muốn quay lưng xuống núi thì lúc này cũng trễ rồi vì “tiến thoái lưỡng nan,” đi tiếp hay xuống núi đều đáng ngại cho đôi chân mỏi mệt của mình. Thôi thì đành miệng niệm “Nam mô A di đà,” mắt dõi theo hình ảnh ẩn hiện của ngôi tu viện trên cao để đôi chân vui bước, quên đi bao mỏi mệt trên con đường gập ghềnh lên núi.

Nhưng sau hành trình lên núi gian nan khó nhọc đó, bạn sẽ được đền bù xứng đáng sau khi bạn vượt lên đến điểm cao gần với tu viện. Ðứng từ núi bên này nhìn qua núi bên kia, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn cả một không gian thần tiên trong cõi thế. Tu viện “trú xứ của hổ” sừng sững đứng tựa bên vách núi, những hàng lá phướn kéo dài suốt từ đỉnh núi tu viện qua đến nơi bạn đứng tung bay trong gió.


Thác nước trắng xóa đổ ầm xuống vực sâu.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Gần đó, một thác nước giữa hai ngọn núi, ào ạt tuôn đổ xuống vực sâu. Thác nước không lớn quá nhưng cũng không quá nhỏ, âm thanh tiếng thác đổ tạo thêm nét hùng vĩ cho không gian thiên nhiên chung quanh núi, tiếng thác đổ như lôi cuốn gợi thêm niềm cảm khái trong lòng du khách, làm mình tưởng như đang lạc bước đến một nơi chốn thần tiên có thật ở cõi trần gian này.

Ðây là không gian đẹp nhất của Taktshang: hình ảnh tu viện giữa cảnh rừng xanh bao la, dáng chùa tựa vào vách núi đá thẳng đứng. Thêm vào đó hình ảnh thác nước trắng xóa đổ ầm xuống vực sâu, kèm theo các lá phướn tung bay dưới bầu trời xanh ngắt, mây gió như hòa quyện làm một với hồn du khách.

Không một máy video hay camera nào có thể ghi lại bức tranh tĩnh mặc tuyệt diệu này ngoại trừ chính đôi mắt và tâm tư bạn hòa nhập lại thành một.


Tượng Đức Phật Di Lặc với cặp mắt từ bi trí tuệ tại Shigatse, Tibet.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Ngày trước, sau lần đến viếng thăm tu viện Tashilhunpo của Ban Thiền LMạt Ma tại thành phố Shigatse bên Tây Tạng. Tại đây, tôi có dịp chiêm bái pho tượng Ðức Phật Di Lặc lớn nhất, cao 27 thước, trong khu vực Himalayas (Tibet, Nepal, Bhutan) với đôi mắt của ngài thể hiện trí huệ và lòng nhân từ qua những nét vẽ điêu khắc tuyệt đẹp. Từ đó, tôi yêu thích và mang theo mình đôi mắt Ðức Phật Di Lặc ở Shigatse mà tôi cho rằng không ở nơi đâu có sự diễn tả toàn vẹn hơn.

Ðến Nepal, tôi bất chợt gặp lại đôi mắt từ bi ấy qua nét vẽ của một nghệ nhân Nepal nào đó khiến tôi chợt bừng tỉnh với dấu hiệu “hợp nhất là một” của Phật Giáo Nepal. Nét vẽ thể hiện sự đơn sơ nhưng chứa đựng cả một triết lý sống lý tưởng cho con người.

Phía trên hai con mắt, giữa trán là một dấu chấm tròn, tượng trưng cho “điểm giác ngộ.” Con mắt trái (từ phía người xem) tượng trưng cho từ bi và con mắt phải tượng trưng cho trí tuệ. Bên dưới, giữa hai con mắt là một chữ viết giống như dấu hỏi. Đây là cách viết theo lối chữ Phạn, có nghĩa là số 1, đồng thời ngụ ý là sự hợp nhất. Cách viết chữ Phạn này làm nhiều khách thưởng ngoạn ngộ nhận đó là một dấu hỏi, một dấu hỏi của kiếp sống!

Ôi, chỉ vài nét vẽ “nguệch ngoạc” đó mà hàm chứa tất cả ý nghĩa đời sống nhân sinh, cho những ai muốn vượt sông mê, phá vỡ vô minh để nương theo từ bi và trí huệ, rời xa bi kịch “ảo tưởng,” về những cái “tưởng có” nhưng không thực sự có của đời sống kiếp người.

Trở lại câu chuyện Taktshang, bạn đang đứng núi bên này nhìn ngóng về không gian tu viện ở núi bên kia với một tâm thức cởi mở nhẹ nhàng, không chút vướng bận đến mọi chuyện vây quanh. Ðường chim bay giữa hai nơi ngỡ là ngắn ngủi. Nhưng không dễ dàng như thế, bạn hãy còn một ít thử thách.


Một góc tu viện Taktshang. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Muốn tới tu viện, bạn còn phải đi xuống vài trăm bậc thang, xuống tận nơi thác nước đổ và từ đó bạn lại phải leo lên cả trăm bậc thang nữa mới được vào chùa lễ Phật. Phải chăng Ðức Phật hay Ngài Liên Hoa Sinh muốn thử thách đức tin của bạn?

Tôi hít một hơi thở thật sâu vào trong lồng ngực rồi chậm rãi thở ra bằng miệng, thấy mình lần xuống nơi thác nước đổ lúc nào không hay. Tên thác nước là Dakini. Người Bhutan tin thác nước này là nguồn nước thánh, nơi bồ tát “Yeshey Tsogyal,” vợ ngài Liên Hoa Sinh, đã ném chuỗi tràng hạt vào tảng đá và từ đó mở ra dòng suối “cam lồ” nhằm cứu độ chúng sinh. Tôi bước vội qua thác, để cho ít nước thánh thấm lạnh vào người, giúp quên đi hết những nhọc mệt của đoạn đường núi vất vả.

Cuối cùng, tôi đã đến được “Trú xứ của hổ” giữa không gian thoáng ngát của tình yêu của ngài Liên Hoa Sinh và vợ ngài “Yeshey Tsogyal! ” Cõi Phật của đất nước Bhutan cho tôi thêm một bài học mới giữa thế giới hận thù ngày một tăng cao của nhân loại!

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân