TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ Thị Nghè
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ Thị Nghè

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Sep 03, 2017 9:34 pm    Tiêu đề: Chợ Thị Nghè
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ Thị Nghè

Quang cảnh Chợ Thị Nghè thập niên 40 của thế kỷ trước với nhà lục giác phía trước.


Trong bài “Chuyện tên chợ của mấy bà”, tôi có nhắc qua Chợ Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Hạt, Bà Điểm, Chợ Da Bà Bầu. Đây là những ngôi chợ dính dáng các bà ngày xưa tại thành phố Sài Gòn từ khi thành lập cho đến thập niên 60 và sau thời gian này phát sinh vài ba ngôi chợ mang tên của các bà nữa. Riêng quận Bình Thạnh, ngoài chợ Bà Chiểu có thêm chợ Bà Nghè mà người dân vẫn thường gọi Thị Nghè. Chợ có mặt tiền hướng ra con rạch cùng tên. Và bà Nghè cùng dân chúng địa phương quyên góp tiền của làm cây cầu gỗ cho người dân thuận tiện qua lại tạo nên hình ảnh của một ngôi chợ trên bến dưới thuyền để lại dấu ấn trong lòng người cố cựu.

Nhớ hồi thời trai trẻ đam mê môn thể thao bơi lội, tôi thường xuyên luyện tập tại Câu lạc bộ bơi lội Yết Kiêu mỗi ngày. Cứ mỗi lần cùng với thằng bạn thao tập khoảng cách dài là nó rủ tôi về nhà gần chợ Thị Nghè ăn uống bồi bổ sau một ngày tiêu hao sức lực. Cha mẹ thằng bạn rất vui tính, ngày trước cả hai làm nghề giáo. Ông già thỉnh thoảng viết bài biên khảo cho tạp chí Quê Hương của trường Ðại học Luật khoa chủ trương xuất bản. Sau năm 1975 hai ông bà tiếp tục đứng trên bục giảng, tiền bạc từ nghề dạy học thời đó chẳng là bao nhưng chắt chiu nấu ăn đầy đủ chất chăm chút cho thằng con thích môn thể thao mà ông già hồi còn thanh niên đam mê không kém.


Một góc Chợ Thị Nghè trên mảnh đất còn thưa thớt dân cư khoảng thập niên 30.


Ông già kể chuyện: “Hồi thời Pháp, Sài Gòn chỉ có mỗi Câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais sát bên Vườn Ông Thượng (Tao Ðàn) dành cho công chức người Pháp. Mãi cho đến thời VNCH thì mới có hồ bơi An Ðông ở Chợ Lớn và Yết Kiêu cạnh Sở Thú giáp ranh Quận 1 và Quận Bình Thạnh. Lúc còn thiếu niên, bác mê bơi lội nên mỗi chiều đợi nước lớn rủ đám bạn trong xóm ra cầu dẫn vào Vườn Bách Thảo (sau 1956 mới gọi là Sở Thú) nhảy xuống tắm sông, bơi qua bơi lại rạch Thị Nghè cả chục bận mà không biết mệt. Cái cầu đó sau này chính quyền Ðô thành thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho làm lưới sắt ngăn lại ở giữa không cho người sống bên Thị Nghè qua lại Sài Gòn như ngày trước” (ngày nay là cầu Nguyễn Hữu Cảnh).

Nghe chuyện kể của cha người bạn, tôi mường tượng ra con rạch Thị Nghè ngày xưa nước trong xanh chứ đâu phải giống như khoảng thời gian của thế hệ chúng tôi dòng nước chuyển màu đen xỉn, sình bùn thấy sợ. “Hồi đó, nước ròng còn thấy sạch huống chi nước lớn. Nước lớn lòng rạch nở rộng xanh trong”. Trong bài phú Gia Ðịnh phong cảnh vịnh miêu tả thế này: “Coi ngoài rạch Bà Nghè / Dòng trắng hây hây tờ quyến trải / Ngó lên Giồng Ông Tố / Cây xanh mù mịt lá chàm rai”.

Theo sách sử biên khảo của Trịnh Hoài Ðức, rạch Thị Nghè xuất hiện từ cuối thế kỷ 18, trước đó người Cao Miên cư trú ở vùng đất này gọi tên con rạch là Prêk Kompon Lư, người Việt di dân vào Gia Ðịnh kêu là Nghi Giang, rồi sau gọi là rạch Bình Trị theo cái tên làng thời khai hoang lập ấp hình thành tổng Bình Trị thuộc phủ Tân Bình. Bà Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trương Hầu Nguyễn Cửu Vân kêu gọi dân chúng trong vùng cùng nhau quyên góp tiền bạc bắc cầu qua con rạch để tiện việc đi lại làm ăn mua bán cho mọi người mà trong đó có phu quân của bà mỗi ngày phải đi ghe vào thành Phiên An làm việc thật là bất tiện. Cây cầu gỗ hình thành khoảng năm 1837. Sau đó mảnh đất bên cầu tự nhiên tập trung người dân buôn bán hình thành nên cái chợ. Người dân địa phương ghi nhớ công lao của bà nên gọi tên Cầu Bà Nghè, con rạch Bình Trị là rạch Bà Nghè và ngôi chợ trên bến dưới thuyền không do bà lập nhưng vẫn được mang tên Chợ Bà Nghè.


Khu bán cá trong nhà lục giác thập niên 50.


Cha người bạn nhận xét: Chắc thuở xa xưa đó, người dân tôn trọng danh xưng nên gọi là Bà Nghè, chứ từ thuở đời cha của bác (đầu thế kỷ 20) đã nghe cái tên Rạch Thị Nghè, Chợ Thị Nghè. Chỉ có tên con rạch trên bản đồ hành chánh do người Pháp thiết lập gọi là Avalanche. Chắc người Pháp xem Sài Gòn là Paris thứ hai của nước Pháp nên cứ đặt tên đường, sông, rạch theo tên Pháp bất kể người Việt có biết đọc tiếng Pháp hay không. Avalanche nguyên là tên của con tàu chiến của Pháp tiến vào sông Sài Gòn, đi sâu vào rạch Thị Nghè thám thính một ngày trước khi đại quân Pháp đánh chiếm thành Gia Ðịnh.

Con rạch Thị Nghè chạy ôm trọn một vòng cung phía Tây Bắc thành phố Sài Gòn được mở rộng sau này ăn thông với kênh Nhiêu Lộc. Kể từ đầu thập niên 1950, dân chúng khắp nơi kéo về Sài Gòn sinh sống dọc theo bờ kênh, lấn chiếm ra giữa dòng kênh tạo thành một khu gia cư nhà sàn nhếch nhác. Vệ sinh yếu kém, xả thải trực tiếp xuống dòng kênh gây nên tình trạng ô nhiễm dòng nước. Phía hạ lưu rạch Thị Nghè tương đối ít ô nhiễm hơn nhưng do ngôi chợ Thị Nghè nằm sát rạch, rác rến mỗi ngày dọn dẹp chất chứa một bãi ngay bên bờ. Ghe thương hồ chở hàng từ Ðồng Nai, Lục Tỉnh đổ về năm ba bữa mới nhổ sào cho nên vệ sinh môi trường sống ngay khu chợ càng ngày càng trở nên tệ hại. Bao nhiêu năm trôi qua, tình trạng sống của cư dân hai bên bờ rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè càng trở nên tồi tệ làm xấu cảnh quan đô thị. Mãi đến gần đây, nhà cửa bát nháo trên con rạch này được giải toả trả lại dòng rạch thông thương, bộ mặt hai bờ rạch trở thành đường Trường Sa và Hoàng Sa phủ bóng cây xanh, vườn hoa xinh tươi trải dọc theo bờ nước.


Nhà lục giác trước Chợ Thị Nghè làm nơi bán cá và hớt tóc.


Mọi thứ đều phải thay đổi, cũng như ngôi nhà lục giác cột gạch tô xi măng, mái ngói ba tầng trước Chợ Thị Nghè. Ðây là một công trình trang trí khá chắc chắn mang hình dáng rất thôn quê dựng lên trước mặt tiền chợ. Từ lúc cha người bạn còn là một cậu bé thì đã thấy nhà lục giác này. Nhà kiểu thuỷ tạ không nằm trên mặt nước lại nằm trên bờ không biết để làm gì mà chỉ thấy mấy bà bán buôn cá sống, các bà gánh nước thuê và mấy ông thợ cạo đặt ghế bàn hớt tóc. Vào khoảng cuối thập niên 1960, nhà tròn này bị dỡ bỏ xây lại thành nhà lồng bán cá mắm.

Nhớ có lần ông kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe. Hồi đó đâu khoảng giữa thập niên 1940, tổng Bình Trị còn là những làng thuần nông, dân chúng làm lúa mỗi năm 2 mùa. Một số nhà dân quanh chợ thì trồng rau màu chứ ít mở tiệm bán buôn chung quanh như mấy ngôi chợ khác ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Vùng Thị Nghè này còn nét thôn quê, gìn giữ phong tục cúng bái cho thôn làng bình yên được mùa no ấm. Mỗi năm tổng Bình Trị đều tổ chức lễ cúng gọi là Kỳ Yên sau ngày Tết nhất hay cúng miễu vào tháng Tám. Ðám rước quần áo ngũ sắc, cờ lọng trống chầu, xếp hai hàng đi trước, chức sắc hương làng áo dài khăn đóng dẫn đoàn dân chúng mặc quần lãnh áo hoa, đầu đội mâm xôi, gà cúng, hương hoa bánh trái nối đuôi theo sau. Ðám rước khởi đầu từ ngôi chùa cổ Văn Thánh miếu cách đó không xa, tế lễ các bậc Thành hoàng rồi đi ngang qua Chợ Thị Nghè dừng lại trước ngôi nhà lục giác bày sẵn hương án, tế lễ cúng Bà Nghè và các bậc tiền hiền khai canh cho vùng đất Bình Trị để dân làng được ấm no hạnh phúc.


Khu bán trái cây rau cải được mở rộng bên hông Chợ Thị Nghè hồi thập niên 60.


Theo tôi được biết, hiện nay không ít làng xã nông thôn các tỉnh vẫn còn duy trì việc cúng bái tiền hiền mỗi năm trong mùa lễ Kỳ Yên. Có một lần tôi về Cù lao Giêng (An Giang) tìm tài liệu về Tu viện dòng Chúa Quan Phòng có trên trăm tuổi xây dựng từ thời Pháp, sẵn dịp dự lễ Kỳ Yên của cư dân sống trên vùng đất cù lao. Một lễ hội với nhiều hình ảnh đẹp tôi còn nhớ đến giờ. Chẳng thế mà cha của người bạn từng ghi vào ký ức hình ảnh xưa đẹp đẽ đó để có dịp nhắc lại cho con cháu nghe.

Chợ Thị Nghè được xây cùng thời gian với Chợ Gò Vấp, Chợ Hóc Môn vào khoảng cuối thập niên 1920. Hình thức là một nhà lồng dài, kiểu cách thuần Việt, bốn phía đều trống không dựng sạp. Về sau từ thời VNCH, chợ bắt đầu che chắn các sạp mặt tiền chung quanh. Bãi xe chở hàng bên hông chợ cũng được di dời. Khu bán trái cây, rau cải mở rộng dọc theo bến sông do dân chúng kéo về định cư ngày càng đông làm tăng nhu cầu buôn bán ở chợ. Ghe thuyền khắp nơi vẫn tụ tập trên bến sông xưa tạo nên một hình ảnh trên bến dưới thuyền của một vùng đất Bình Thạnh sống thuần bằng nghề nông, chăn nuôi và trồng trọt hoa màu. Nhưng ngôi chợ Thị Nghè mang hình ảnh thôn quê ngày xưa đã thay đổi nhiều khoác lên mình một diện mạo mới.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân