TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Canh dưa hường giải nhiệt
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Canh dưa hường giải nhiệt

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Sep 02, 2017 11:01 pm    Tiêu đề: Canh dưa hường giải nhiệt
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Canh dưa hường giải nhiệt


Dân miệt vườn miền Tây ai mà không biết câu ca dao: “Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.” Dưa hường là dưa gì mà người mẹ phải “mong” được gả con mới có dưa ăn vậy ta? Tra Từ điển tiếng Việt chắc chắn không có giống dưa nào tên hường, mà chỉ có dưa leo, dưa hấu, dưa chuột, dưa gang, dưa mắm, dưa muối, dưa giá, dưa chua...



Kiếm không có là phải thôi, vì dưa hường chính là trái dưa hấu đỏ còn non. Dưa hấu được trồng vào khoảng Tháng Mười dương lịch, thu hoạch vào dịp Noel hàng năm, vụ này nông dân kêu là vụ dưa Noel. Vụ dưa Noel chỉ là phụ thôi, trồng để bán ra thị trường nhân dịp Noel khi người có đạo lẫn không theo đạo đều tổ chức vui chơi, tiệc tùng ăn uống mừng ngày Chúa giáng sinh. Vụ dưa chính là vụ Tết nguyên đán, được trồng vào Tháng Mười Một dương lịch và thu hoạch bán dài dài trước Tết Nguyên đán nửa tháng là xôm tụ nhứt, sau Tết Nguyên đán vẫn còn bán cho đến nửa tháng nữa mới chấm dứt, tức là có thể bán dưa liên tục trong vòng một tháng.

Người ta kêu là vụ chính bởi thời điểm này dưa bán ra rất mạnh. Phong tục tập quán dân tộc mà, đâu bỏ được. Không chỉ trong nhà nào cũng đều phải có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, mà trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng chưng cặp dưa hấu hai bên, chính giữa là mâm ngũ quả. Tôi nhớ những ngày còn sung túc, tiệm chụp hình kiêm sửa TV- Radio của cha tôi làm ăn phát đạt, cứ Tết đến là bà ngoại dẫn tôi đi chợ Tết mua dưa hấu chưng bàn thờ. Ngoại nhứt định phải lựa cặp dưa da màu xanh đen sậm, bóng lưỡng, tròn như trái banh và cũng bự cỡ trái banh da, hai trái dưa phải có độ lớn đều nhau. Lấy rơm quấn hai cái vòng tròn như vành khăn, đường kính nhỏ bằng hai phần ba đường kính trái dưa, cao chừng ba phân, lấy vải đỏ hay giấy đỏ quấn che kín rơm. Xong xuôi đặt hai cái vòng rơm này lên bàn thờ, để trái dưa lên trên vòng rơm cho trái dưa nó đứng yên một chỗ. Sau đó, lấy miếng giấy đỏ có chữ Nho viết Phước, Lộc, Thọ, hay Hỉ bằng mực nhũ vàng bán ngoài chợ dán lên mặt ngoài trái dưa.



Ngoại nói màu vỏ dưa càng xanh đen đậm thì vỏ dưa càng mỏng, ruột dưa càng đỏ sậm, xẻ ra có nhiều cát, và rất ngọt. Ngoại lựa mua cặp dưa chính chưng bàn thờ, xong còn mua thêm một mớ năm sáu trái nhỏ nhỏ màu sắc vỏ xanh xanh, ngoại kêu là dưa cuốn dây, giá bán rẻ như cho đem về nấu canh ăn. Ngoại giải thích dưa cuốn dây này còn có tên khác là dưa hường, vì nó là dưa non, nên ruột dưa đâu có đỏ như dưa già chín tới, xẻ ra có màu hường hường thôi (miền Bắc gọi là hồng hồng), hột dưa không đen mà có màu trắng, mềm xèo nên đem nấu canh ăn luôn cả hột dưa.

Ngoại tôi năm nào lựa được dưa hấu cát chưng bàn thờ thì rất vui. Mỗi lần có khách đến nhà chơi trầm trồ khen cặp dưa đẹp, là ngoại lại cười tủm tỉm, nói: “Tao lựa đó mày. Ðể tụi nó lựa còn khuya mới được dưa hấu cát”. Lúc đó, tôi không biết dưa hấu cát là gì, nghe nói nhà ai trái dưa Tết xẻ ra đỏ au toàn cát là năm đó hên lắm, mần ăn phát tài, và dưa cát rất ngon ngọt. Tôi cứ thắc mắc hoài, chẳng lẽ người ta xẻ dưa ra rồi bốc nắm cát liệng vô mấy miếng dưa, hay là bà bán dưa hấu lén lén chọt cái lỗ trên trái dưa rồi bốc nắm cát nhét vô xong dán kín lại? Như vậy làm sao ăn được mà khen ngon?? Tôi lật qua lật lại trái dưa coi kỹ khắp bề mặt của nó mà không thấy chỗ nào người ta khui lỗ để nhét cát vô trong trái dưa. Tôi hỏi ngoại, ngoại nói không giải thích được, để qua Tết xẻ dưa ra ăn rồi chỉ cho coi. Tôi cố gắng chờ cho đến khi hạ nêu, ngoại xẻ dưa hấu, tôi cố nhìn vô từng miếng dưa, chỉ thấy nó đỏ ối một màu đỏ sậm điểm hột dưa đen tuyền lấm tấm, miếng dưa đỏ lấp lánh dưới ánh sáng ban ngày. Tôi hỏi ngoại cát đâu sao không thấy? Ngoại cười, chỉ vô mấy chỗ lấp lánh trên miếng dưa và nói cát đó. Tôi vẫn cứ không hiểu tại sao không có cát (tức Silica) mà lại nói là có cát. Sau này, tôi đi học, mới biết đó là những tế bào trái dưa hấu căng mọng nước, dưa bở từng tế bào ra ở những chỗ có hột dưa, dưới ánh sáng mạnh thì ta nhìn thấy nó lóng lánh như hột cát (Silica).

Sau khi dân miền Nam “được phỏng giái” thì tiệm quán làm ăn tư nhân đóng cửa, tiền không có, mà có tiền cũng không có thứ gì để mua, tất cả đều “phân phối” theo tem phiếu qua Hợp tác xã, thì ôi thôi, chẳng còn dưa đỏ với dưa hường gì để ăn nữa.



Dân sống ở thành thị chỉ dịp Tết, dịp Noel mới có dưa hường để ăn. Người trồng dưa từ lúc dưa trổ bông, đậu trái bự hơn nắm tay một chút là đã có dưa hường để ăn dài dài rồi. Người ta chọn những trái mập mạp, tròn đều giữ lại cho nó lớn già, còn trái nào không đẹp, yếu ớt thì hái hết để dây dưa dồn sức nuôi những trái còn lại thiệt tốt. Loại dưa không đẹp này chính là dưa hường. Khi dưa hấu sắp hết vụ, người trồng dưa cũng hái hết tất cả trái lớn, trái nhỏ đem ra chợ bán, nhổ hết dây dưa để làm đất cho sạch trồng thứ khác, nên đám dưa hường non này cũng kêu là dưa cuốn dây.

Dưa hường nấu canh phải lựa trái lớn cỡ chén ăn cơm trở lên đến bằng cái tô nhỏ. Vỏ dưa căng bóng, mọng nước, cuống dưa lớn cỡ chiếc đũa ăn cơm, xanh và còn lông tơ mới là dưa còn tươi và non, nấu canh sẽ rất ngọt, giòn mà mềm. Nếu lấy dưa hơi già và không tươi thì hột dưa cứng, khi ăn phải vừa nhai vừa lừa hột dưa sẽ mất ngon. Dưa bị héo, cuống dưa teo nhỏ lại thì nấu canh không ngọt, thơm.

Nấu canh dưa hường với tôm, thịt heo bằm, cá đồng, đều được nhưng nấu với tôm càng xanh là ngon nhứt. Cách nấu rất đơn giản, dễ dàng. Cứ gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, chỉ cần bỏ lớp vỏ xanh, không cần phải bỏ hết lớp vỏ trắng. Rửa sạch rồi xắt dưa thành những lát dài cỡ ba bốn phân, mỏng cỡ một phân là được.



Mua tôm càng xanh còn tươi (tên khác là tôm lóng) đem về cắt bỏ râu, càng, lột bỏ và đuôi tôm, lột bỏ vỏ trên đầu tôm nhưng vẫn giữ nguyên phần thịt đầu tôm và gạch tôm dính chung với phần mình con tôm. Xong rửa sạch, để ráo nước rồi ướp tôm với muối, bột ngọt (hoặc hạt nêm), hành, tiêu, tỏi trong mười lăm phút cho tôm thấm gia vị.

Bắc cái nồi sâu lòng lên bếp, cho lửa cháy lớn, cho dầu ăn vô nồi. Chờ dầu sôi đổ tôm vô nồi xào cho tôm săn lại, khi thấy tôm dậy mùi thơm thì đổ thêm nước lạnh vô nồi nấu cho nước sôi lên. Muốn đổ nước vô nồi ít hay nhiều tùy ý người nấu thích ăn canh đặc hay lỏng. Khi thấy nước trong nồi sôi lên cho dưa hường đã xắt miếng sẵn lúc nãy vô nồi, đậy nắp canh cho nước sôi bùng lên lần nữa. Nếm lại nước canh coi gia vị đã vừa miệng chưa, thêm gia vị theo ý muốn rồi tắt lửa.

Lúc này múc canh ra tô, rắc một ít hành lá, ngò rí đã xắt nhỏ lên mặt tô canh đang bốc khói. Ăn canh dưa hường nấu tôm với cá kho khô, thịt kho khô, cá tươi ướp gia vị chiên giòn, cá khô nướng lửa than đước hay chiên giòn đều phù hợp. Ngày nắng nóng, cứ nấu canh dưa hường ăn đi rồi sẽ tự hiểu vì sao bà mẹ kia lại tha thiết “Mẹ mong gả thiếp về vườn / Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.”

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân