TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tủ lạnh ngày xưa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tủ lạnh ngày xưa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Aug 11, 2017 10:41 pm    Tiêu đề: Tủ lạnh ngày xưa
Tác Giả: Sean Bảo

Tủ lạnh ngày xưa


Mùa hè và cái nóng của miền Nam nước Mỹ không hề dễ chịu, nơi mà có ngày lên hơn 100 độ F. Cái nóng khô bực bội và cơn mưa không hẹn trở về. Nóng tỏa ra từ trời cao, từ mặt đất khô, từ ngọn cỏ vàng úa và từ nhánh sồi quằn quại. Nóng làm da thịt của nhau bứt rứt. Thèm ơi là thèm những ly kem, những lon beer, những cốc đá bào xi-rô... Nóng làm trí óc lan man về những tháng ngày chưa xưa mà đã thật xa. Hơn 150 năm qua khi tủ lạnh chưa ra đời. Những bà mẹ phải đi chợ mỗi ngày để có thịt cá rau quả tươi, những người tình biết làm sao gởi cho nhau đóa hồng tươi ở nơi xa, làm sao thuốc men y tế được giữ gìn khi gởi đến người bệnh ở chiến trường...

Bạn không còn phải ăn thịt muối, cá khô, dưa cải chua, đồ hộp. Bạn không phải ước ao những thức ăn ở xứ lạ xa xôi. Chính là nhờ tủ lạnh. Tủ lạnh đã xóa nhòa khoảng cách nghìn trùng của lục địa mênh mông này, xóa nhòa rào cản của khí hậu và mùa nóng lạnh. Tủ lạnh đã làm phát triển mọi kỹ nghệ của công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... và tự thân nó trở thành một kỹ nghệ, làm thay đổi đời sống và sức khỏe con người.


Iceman bán nước đá và nước lọc ở Ohio năm 1905


Thoạt đầu người ta phải thu hoạch nước đá đóng băng từ các sông hồ ở mùa đông các tiểu bang phía Bắc. Những sông ngòi và kênh đào được xây đắp cho việc vận chuyển tàu bè. Vào mùa đông chúng bị xẻ dọc ngang những tảng nước đá đóng băng, chứa trong những nhà kho ủ bằng mùn cưa và cỏ khô. Mùa hè thì những chuyến xe ngựa chở nước đá đi về phương Nam, đến tận xóm làng.

Khi nước Mỹ đi vào thời cấm rượu, những công ty chế tạo beer và rượu đành chuyển qua buôn bán nước đá. Họ thu hoạch nước khi chúng còn chưa đóng băng ở giữa hồ, nơi được xem là “tinh khiết” ít tạp chất, sau đó đổ vào thùng chứa bằng gỗ, trên xe wagon này che vải bạt với dòng chữ Ice, Nước lọc. Hẳn nhiên là xe hơi, tàu lửa còn khan hiếm để đi vào tận các thành phố, nên trên đường phố đầy những chuyến xe ngựa chở nước đá. Cũng giống như xe ngựa giao sữa bò, những chú nài thong dong tay cương, con ngựa quen đường sá, dừng lại ở những ngôi nhà có dán trên cửa sổ tấm bảng cần mua nước đá, 25, 50 hay 100 lbs. Họ quen tay chặt đá từng khúc với trọng lượng ước chừng, vác lên vai và đem vào nhà khách. Trẻ em thì háo hức và vui lắm khi thấy những iceman này, họ hay quăng cho chúng vài cục nước đá nhỏ, mút trệu trạo trên con đường đầy bụi và cái nóng kinh hồn.


Những trẻ em chân trần mang thau nhôm xếp hàng nhận nước đá được phát miễn phí mùa hè thật nóng ở New York, 1900.


Hẳn nhiên các nguồn nước đá này dơ bẩn và ô nhiễm, làm thúc đẩy kỹ nghệ làm nước đá và tủ lạnh thương mại. Nhất là kỹ nghệ làm nước giải khát, bia và thịt đóng hộp. Khi những người di dân gốc Ðức mang kỹ thuật chế tạo beer lager đến Mỹ năm 1840, những ly beer này ngon và hơn hẳn các loại beer ale có vị ngọt trái cây ở Mỹ, càng ngon hơn khi lager được làm ở nhiệt độ thấp và ướp lạnh. Nhờ kỹ thuật làm lạnh mà các hãng beer chế tạo sản phẩm quanh năm. Ðến năm 1891 các hãng beer đều trang bị dàn máy lạnh công nghiệp. Và thập kỷ sau đó các xưởng làm thịt và chế biến thực phẩm đều có máy lạnh, dùng hệ thống nén bằng ammonia. Cùng thời gian ấy các chuyến tàu lửa và xe tải vận chuyển bơ sữa, hải sản, trái cây rau quả đã được trang bị máy lạnh. Người Mỹ khắp lục địa có thể mua lê Georgia, nho California, cam Texas, quýt Florida, táo Oregon; hay tôm hùm Alaska, sò ở Boston, cá ở Louisiana... tất cả đều còn tươi. Những ngành công nghiệp và dịch vụ khác cũng phát triển nhờ máy lạnh. Từ thiết bị máy móc, dầu khí, giấy, vải dệt, nước hoa, bánh kẹo, đến bệnh viện và ngay cả quốc phòng. (Các đạn dược cần được giữ lạnh tránh phát nổ trong thời Thế chiến I.)


Tủ lạnh GE 1927


Tủ lạnh gia dụng ra đời muộn nhưng lại là phát minh vĩ đại làm thay đổi đời sống con người. Từ năm 1920, tủ lạnh là đồ dùng thiết yếu trong mọi gia đình dân Mỹ, từ 5 ngàn cái lên đến 1 triệu cái chỉ sau 10 năm. Sau thế chiến II thì tủ lạnh sản xuất theo dây chuyền đã gia tăng và vào năm 1950 thì 80% nông trại và hơn 90% gia đình người Mỹ đã có tủ lạnh. Tuy vậy giá của 1 chiếc tủ lạnh Frigidaire đắt đến 750 đô, so với chiếc xe Ford Model T giá 450, trong khi thu nhập trung bình dân Mỹ là 500 đô trong năm 1918. Phổ biến nhất là chiếc tủ lạnh của GE Monitor-Top năm 1927 có compressor đặt ở trên đầu, giống như ổ súng trên chiến hạm USS Monitor năm 1860. Từ đó tủ lạnh được sáng chế ra nhiều kiểu, nhiều loại, nhiều chức năng, đẹp đến choáng mắt và thỏa mãn hầu hết sự đòi hỏi của khách tiêu dùng.


Samsung Family Hub 2016


Samsung chào đời chiếc tủ lạnh hi-tech ở hội chợ CES năm 2015 (Las Vegas): với 5 ngàn đô bạn có một tủ lạnh Family Hub có wifi với màn hình cảm ứng 21.5 inch, độ phân giải cao 1080, ngồi ăn như muốn nhìn trân vào tủ lạnh xem TV hay xem các slide show ảnh gia đình, nghe nhạc, các ghi chú nhắc nhở, thay vì phải dán bằng những tấm note có nam châm. Camera sẽ chụp hình bên trong tủ lạnh xem thức gì thiếu để bạn order online. Tủ lạnh sẽ theo dõi và nhắc nhở bạn chế độ ăn kiêng. Và tất nhiên hằng trăm công dụng thú vị khác. Tôi thì hài lòng với cái tủ lạnh kiểu French door vừa túi tiền to đùng, có 4 cửa, ngăn dưới là tủ đông, ngăn giữa chứa cá thịt tươi và ngăn trên làm lạnh, trông như cái tủ lớn móc áo quần, bỏ nguyên được một con gà tây to trong mùa Tạ Ơn hay một nồi phở gia đình 10 người ăn. Chiếc tủ lạnh sáng bạc làm vui vẻ ngày tiệc bằng những ly sô-đa mùi chanh, hay nước nóng pha trà, cà phê được rót ra từ cửa tủ lạnh. Khi quên khép cửa, tủ lạnh báo tín hiệu vui tai. Tủ lạnh không chỉ làm lạnh, mà là một thiết bị không thể thiếu, nơi gia đình gặp nhau mỗi bữa ăn. Hạnh phúc như được rót ra, ướp lạnh và tươi mát từ đó. Ngay cả những đêm mất ngủ thèm một chút gì ấm bụng, ánh sáng dịu dàng từ chiếc tủ lạnh soi chút vang thừa và miếng cheese làm đêm không còn dài...


Cái chạn, garde manger ngày xưa.


Những cái tủ lạnh ngày nay làm chạnh nhớ cái gác-măng-rê (garde manger) ngày xưa. Cái tủ gỗ nhỏ có nhiều ngăn và cửa bằng lưới để chứa thức ăn và chén bát. Bốn chân tủ có kê 4 chén sành đầy dầu lửa cho kiến gián khỏi bò lên, tủ ám đầy bồ hóng và tro bụi. Bên trong tủ luôn có chén cơm nguội. Hồi ấy nghèo lắm, mẹ đi chợ xép mỗi ngày, chỉ có ít cá, miếng thơm, chút rau. Cái gì cũng mua lẻ chút chút, từ cục nước đá đến bịch dầu ăn. Ấy vậy mà tôi lớn lên bằng những buổi sáng ngủ muộn, lục lọi trong gác-măng-rê chén cơm nguội với tô nước bún bò, khuya đi chơi về khe khẽ lót lòng chén bánh canh cá mẹ để phần... Khi mùa hạn về nước sông trở mặn, uống lờ lợ, mẹ phải mua nước uống ngọt hơn chở trên xe kéo từ nguồn về. Mùa hè thuở ấy dài lắm. Không có tủ lạnh và những ly kem mát. Vắng tiếng leng keng của chú bán cà rem trước cổng trường tiểu học và tiếng trống trường thôi còn rung lên trong 3 tháng hè thật nóng – thật dài.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân