TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Alzheimer, căn bệnh chết người
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Alzheimer, căn bệnh chết người

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Jul 28, 2017 11:37 pm    Tiêu đề: Alzheimer, căn bệnh chết người

Alzheimer, căn bệnh chết người

Thời điểm bắt đầu triệu chứng Alzheimer cho đến khi chết là khoảng từ ba đến 20 năm. (Getty Images)


Hiện nay có hơn 5 triệu người Mỹ đang chung sống với bệnh Alzheimer. Số lượng người Mỹ mắc bệnh này và các chứng suy giảm trí nhớ khác sẽ tăng lên mỗi năm khi tỉ lệ dân số Mỹ ở độ tuổi trên 65 tiếp tục gia tăng.

Một trong những người nổi tiếng bị bệnh này là cựu Tổng Thống Ronald Reagan. Trong nhiều năm sau khi rời Tòa Bạch Ốc năm 1989, ông đã không xuất hiện trước công chúng, được vợ chăm sóc ở nhà tại Nam California cho đến ngày qua đời năm 2004.

Cô Robyn Yale, một nhân viên y tế xã hội có giấy phép hành nghề trong vùng Vịnh San Francisco, nói rằng những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu vẫn có được cuộc sống phong phú, sống động, vì họ vẫn khỏe mạnh, hoạt động tốt. Nhưng dần dần bệnh sẽ hủy hoại cuộc sống. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn hơn, khi không còn nhớ nổi ngày tháng năm sinh, hoặc quê quán mình ở đâu.



Người bị Alzheimer có thể tử vong

Bệnh Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Đây không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh, mà là dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ.

Hội chứng suy giảm trí nhớ là thuật ngữ tổng quát về việc mất trí nhớ và các khả năng tư duy đủ nghiêm trọng để gây trở ngại cho cuộc sống thường ngày. Bệnh Alzheimers chiếm khoảng 60% đến 80% trường hợp suy giảm trí nhớ.

Với bệnh Alzheimer, không chỉ người bệnh mà cả người chăm sóc người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Chăm sóc người bệnh Alzheimer thường rất khó khăn, và nhiều gia đình hoặc bạn bè giúp trông nom người bệnh đã phải trải qua những cảm xúc vô cùng căng thẳng và dẫn đến trầm cảm.

Bệnh Alzheimer trầm trọng hơn theo thời gian và cuối cùng gây tử vong. Mặc dù các triệu chứng có thể rất khác nhau, nhưng vấn đề đầu tiên mà nhiều người nhận thấy là tính hay quên đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người bệnh khi họ ở nhà, tại nơi làm việc hay lúc tận hưởng sở thích riêng.

Những triệu chứng khác bao gồm lú lẫn, đi lạc ở những nơi quen thuộc, để đồ đạc không đúng chỗ và gặp khó khăn khi nói và viết.

Theo Hiệp Hội Bệnh Alzheimer Hoa Kỳ, thời điểm bắt đầu triệu chứng cho đến khi chết khoảng từ ba đến 20 năm. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình dành cho người mắc bệnh, người chăm sóc và gia đình của họ tập trung vào giai đoạn sau, khi nhận thức và thể chất của bệnh nhân đã bị suy giảm, và bệnh nhân không thể thảo luận về bệnh trạng của họ.

Chính vì vậy, trong suốt hơn 10 năm qua, cô Yale đã tìm mọi cách để thúc đẩy các nhóm hỗ trợ giai đoạn đầu và giáo dục trên toàn quốc cho người mắc bệnh Alzheimer, chủ yếu thông qua Hiệp Hội Bệnh Alzheimer.

"Chúng tôi đang bác bỏ những khuôn mẫu," cô nói. "Trong nhiều năm, các thành viên trong gia đình có bệnh nhân mới mắc bệnh ở giai đoạn đầu đã phải đi đến các nhóm hỗ trợ, nơi họ sẽ nghe về tất cả các vấn đề mà họ sẽ gặp phải như đi lang thang, không kiềm chế, không tự chăm sóc được bản thân. Trong giai đoạn đầu này, họ chỉ mới bắt đầu học cách đối mặt với bệnh tật và làm thế nào để điều chỉnh mối quan hệ gia đình."



Nguyên nhân bí ẩn

Mặc dù các nhà khoa học đã biết rằng bệnh Alzheimer liên quan đến sự tổn thương không ngừng của tế bào não, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, họ đã xác định được các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng tiến triển bệnh Alzheimer.

    • Gia tăng tuổi tác

      Trước hết, yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất của bệnh Alzheimer là sự gia tăng tuổi tác. Cứ 8 người Mỹ trong độ tuổi từ 65 trở lên thì có 1 người mắc bệnh Alzheimer, và gần một nửa số người từ 85 tuổi trở lên mắc bệnh này.

    • Tiền sử mắc bệnh trong gia đình

      Yếu tố nguy cơ khác là tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Nghiên cứu cho thấy rằng những người có bố/mẹ hoặc anh/chị/em mắc bệnh Alzheimer, họ sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Nguy cơ sẽ gia tăng nếu có nhiều hơn một thành viên trong gia đình mắc bệnh. Khi bệnh có khuynh hướng lan truyền trong gia đình, yếu tố di truyền học (cấu trúc gen) hoặc môi trường, hoặc cả hai, có thể đóng một vai trò nhất định.

    • Gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

      Các nhà khoa học đã xác định được gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhưng không chứng minh chắc chắn rằng cá thể mang gen đó sẽ tiến triển thành bệnh. Nghiên cứu cũng khám phá ra một số gen hiếm gặp, mà cá thể mang gen đó gần như chắc chắc sẽ mắc bệnh Alzheimer. Các gen này chỉ được tìm thấy trong vài trăm gia đình đa thế hệ trên toàn thế giới và giải thích cho chưa đến 5% tổng số các trường hợp bệnh Alzheimer.

Hầu hết chuyên gia tin rằng đa số trường hợp bệnh Alzheimer xảy ra là kết quả của một quá trình tương tác phức tạp giữa gen và các yếu tố nguy cơ khác. Tuổi tác, tiền sử mắc bệnh trong gia đình và di truyền là những yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể thay đổi. Hiện nay, nghiên cứu bắt đầu hé lộ những manh mối về các yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta có thể hạn chế thông qua việc lựa chọn lối sống, cách chăm sóc sức khỏe nói chung và tầm soát hiệu quả các tình trạng sức khỏe khác.

    • Chấn thương đầu: Dường như có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chấn thương đầu nghiêm trọng và nguy cơ mắc bệnh Alzheimers trong tương lai, đặc biệt là khi chấn thương xảy ra nhiều lần hoặc dẫn đến bất tỉnh. Bảo vệ não của bạn bằng cách thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm khi chơi thể thao, và có biện pháp chống té ngã ngay trong nhà bạn.

    • Mối liên hệ giữa não và tim: Các bằng chứng mới đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe của não và của tim. Não của bạn được nuôi dưỡng bởi một trong những hệ mạch máu giàu dinh dưỡng nhất của cơ thể. Mỗi nhịp tim bơm khoảng 20% đến 25% lượng máu lên não, tại đây các tế bào não sử dụng ít nhất 20% chất dinh dưỡng và oxy mà máu mang theo. Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hoặc chứng suy giảm trí nhớ liên quan đến mạch máu có vẻ đang gia tăng bởi các vấn đề gây hại đến tim hoặc mạch máu. Chúng bao gồm bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và cholesterol cao. Hãy đi khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe tim mạch của bạn và chữa trị ngay khi mới chớm bệnh.

    • Các bằng chứng khác cho thấy rằng các chiến lược nhằm hạn chế sự lão hóa nói chung có thể giúp não bộ cũng như cơ thể khỏe mạnh. Những chiến lược này thậm chí có thể cung cấp khả năng bảo vệ chống lại việc tiến triển bệnh Alzheimer hoặc các rối loạn liên quan. Để tránh bệnh, cố gắng giữ trọng lượng của bạn trong giới hạn được khuyến cáo, tránh hút thuốc lá và uống rượu bia quá độ, sinh hoạt gần gũi với cộng đồng và tích cực rèn luyện cơ thể cũng như trí óc.



Khám phá sớm và sẵn sàng cho giai đoạn bệnh nặng

Bệnh Alzheimer trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Các chuyên gia sử dụng thuật ngữ “giai đoạn” để mô tả mức độ biến chuyển về năng lực của người bệnh so với chức năng thông thường khi bệnh Alzheimer tiến triển.

Điều quan trọng cần lưu ý là các giai đoạn được đưa ra chỉ là những định hướng tổng quát và các triệu chứng có thể khác biệt rất nhiều. Không phải mọi người đều có triệu chứng giống nhau hoặc tiến triển bệnh ở tốc độ như nhau.

Cơ cấu bảy giai đoạn này dựa trên một hệ thống được phát triển bởi Tiến Sĩ Y Khoa Barry Reisberg, giám đốc lâm sàng của New York University School of Medicine”s Silberstein Aging and Dementia Research Center.

    • Giai đoạn 1: Không có biểu hiện suy yếu (chức năng bình thường.

      Người bệnh khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì về trí nhớ và không có biểu hiện rõ ràng nào khi được chuyên gia y tế thăm khám.

    • Giai đoạn 2: Sự suy giảm nhận thức rất nhẹ (có thể là sự thay đổi bình thường theo tuổi tác hoặc là dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer)

      Người bệnh có thể cảm thấy trí nhớ của họ bị giảm sút, đặc biệt là họ hay quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác. Nhưng các vấn đề này không biểu hiện rõ khi được thăm khám hoặc không biểu hiện trước mặt bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.

    • Giai đoạn 3: Sự suy giảm nhận thức nhẹ

      Bệnh Alzheimer giai đoạn đầu có thể được chẩn đoán trong một vài người, nhưng không phải tất cả, trường hợp có biểu hiện các triệu chứng này. Bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp bắt đầu nhận ra sự bất thường. Vấn đề về trí nhớ hoặc sự tập trung có thể đo lường được qua xét nghiệm lâm sàng hoặc biểu hiện rõ khi được bác sĩ thăm khám cụ thể.

      Những khó khăn phổ biến bao gồm: Quên từ ngữ nghiêm trọng đủ để gia đình hoặc người thân chú ý; Giảm khả năng nhớ tên khi được giới thiệu với người mới; Thiếu hiệu quả trong môi trường làm việc hoặc xã hội, nghiêm trọng đủ để gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp chú ý; Đọc một đoạn văn và ghi nhớ được ít dữ liệu; Làm mất hoặc thất lạc một vật có giá trị; Giảm khả năng lên kế hoạch hoặc tổ chức.

    • Giai đoạn 4: Sự suy giảm nhận thức vừa phải (giai đoạn đầu/nhẹ của bệnh Alzheimer)

      Ở giai đoạn này, một cuộc thăm khám sức khỏe chu đáo sẽ phát hiện được những thiếu sót rõ ràng như sau: Giảm khả năng hiểu biết về các việc gần đây hay những sự kiện hiện nay; Giảm khả năng thực hiện các phép tính đòi hỏi tư duy – ví dụ, đếm ngược từ 100 trong 7 giây; Giảm khả năng thực hiện các công việc phức tạp, như tiếp thị, lên kế hoạch ăn tối cho khách hàng hay thanh toán hóa đơn và quản lý tài chánh; Không nhớ rõ về tiểu sử cá nhân; bệnh nhân có thể tỏ ra thờ ơ và lãnh đạm, đặc biệt trong bối cảnh đòi hỏi phải giao tiếp và tư duy.

    • Giai đoạn 5: Sự suy giảm nhận thức tương đối nghiêm trọng (giai đoạn giữa/vừa phải của bệnh Alzheimer)

      Các khoảng trống lớn trong trí nhớ và suy giảm chức năng nhận thức bắt đầu xuất hiện. Bệnh nhân cần được giúp đỡ trong các hoạt động thường ngày. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể: Khi khám sức khỏe, bệnh nhân không thể nhớ lại các chi tiết rất quan trọng như địa chỉ hiện tại, số điện thoại cá nhân, tên trường đại học hay trung học mà họ tốt nghiệp; Nhầm lẫn về nơi họ đang sinh sống hoặc về thứ, ngày trong tuần, mùa; Gặp khó khăn với các phép tính tư duy ít thử thách hơn; ví dụ như đếm ngược từ 40 trong 4 giây hoặc từ 20 trong 2 giây; Cần được giúp đỡ trong việc chọn quần áo thích hợp theo mùa hoặc sự kiện; Thường vẫn nhớ được các thông tin quan trọng về bản thân và biết tên mình cũng như tên của chồng/vợ hay con cái; Thường không cần sự giúp đỡ khi ăn hoặc sử dụng nhà vệ sinh.

    • Giai đoạn 6: Sự suy giảm nhận thức nghiêm trọng (giai đoạn giữa/tương đối nghiêm trọng của bệnh Alzheimer)

      Các khó khăn về trí nhớ tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn, sự thay đổi lớn về tính cách có thể xuất hiện và bệnh nhân cần giúp đỡ nhiều hơn trong các hoạt động quen thuộc hàng ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể: Mất hoàn toàn ý thức về các hoạt động và sự kiện gần đây cũng như về môi trường xung quanh của họ; Không nhớ hết được tiểu sử bản thân, mặc dù nhìn chung họ vẫn nhớ tên mình; Thỉnh thoảng quên tên vợ/chồng hoặc người chăm sóc chính, nhưng nhìn chung, họ có thể phân biệt được người lạ và người quen; Cần giúp đỡ để mặc đồ đúng cách; khi không được giám sát, họ có thể mắc các lỗi như mặc chồng đồ ngủ bên ngoài quần áo ban ngày hoặc mang giày sai chân; Rối loạn chu kỳ thức/ngủ bình thường; Cần giúp đỡ khi đi vệ sinh (xả nước toilet, lau chùi và sử dụng giấy vệ sinh đúng cách) ; Ngày càng gia tăng tình trạng tiêu tiểu không tự chủ; Tính cách thay đổi đáng kể và xuất hiện các triệu chứng về hành vi, bao gồm đa nghi và ảo tưởng (ví dụ, tin rằng người chăm sóc là kẻ lừa đảo) ; ảo giác (nhìn thấy hoặc nghe thấy những điều không có thật) ; hoặc các hành động lặp đi lặp lại mang tính thôi thúc như vò đầu bứt tai hay xé vụn giấy; Có khuynh hướng đi lang thang và bị lạc.

    • Giai đoạn 7: Sự suy giảm nhận thức rất nghiêm trọng (giai đoạn cuối/nghiêm trọng của bệnh Alzheimer)

      Đây là giai đoạn cuối của bệnh, lúc này bệnh nhân mất khả năng phản ứng với môi trường xung quanh, không thể tham gia trò chuyện và cuối cùng là không thể kiểm soát cử động. Họ vẫn có thể nói được các từ hoặc cụm từ.Bệnh nhân ở giai đoạn này cần sự giúp đỡ trong rất nhiều hoạt động hàng ngày, bao gồm cả ăn uống và sử dụng nhà vệ sinh. Họ cũng có thể mất khả năng mỉm cười, tự ngồi xuống và ngẩng cao đầu. Các phản xạ trở nên bất thường. Cơ bắp dần dần cứng lại. Việc nuốt thức ăn ngày càng khó khăn.


Tuy chưa có cách điều trị bệnh Alzheimer, những liệu pháp điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc đều hữu ích. (Getty Images)


Chưa có biện pháp điều trị

Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị bệnh Alzheimer. Nhưng những liệu pháp điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc đều hữu ích với cả hai loại triệu chứng liên quan đến nhận thức và hành vi.

Triệu chứng liên quan đến nhận thức ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng nhận biết, ngôn ngữ, óc phán đoán và các quá trình tư duy khác. Hiệp Hội Quản Lý Thuốc và Thực Phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã phê chuẩn lưu hành hai loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng liên quan đến nhận thức của bệnh Alzheimer, gồm loại thuốc giúp ngăn ngừa sự giảm hàm lượng acetylcholine - một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cho quá trình ghi nhớ và học hỏi. Bằng cách giữ cho hàm lượng acetylcholine ở mức cao, những loại thuốc này sẽ hỗ trợ cho quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh.

Triệu chứng liên quan đến hành vi: Nhiều người cho rằng sự thay đổi trong hành vi của người bệnh là điều khó khăn và đáng lo lắng nhất. Sự thay đổi này bao gồm bối rối, lo âu, gây hấn và xáo trộn giấc ngủ. Nguyên nhân cơ bản nhất gây nên các triệu chứng về mặt tâm thần và hành vi này là do các tế bào não bị tổn thương không ngừng.



Biện pháp để đối phó với bệnh

Trong phần 1, Robyn Yale cho rằng bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu vẫn có được cuộc sống phong phú, sống động, vì họ vẫn khỏe mạnh, hoạt động tốt. Chính vì thế, cô đã đưa ra lời khuyên cho những gia đình có người mắc bệnh này.

Dưới đây là các bước quan trọng nhất mà các chuyên gia khuyên dùng để đối phó với bệnh nhân ở giai đoạn sớm.

Tham gia nhóm - trực tiếp hoặc trực tuyến - để được giáo dục và hỗ trợ. Với cách này, bạn có thể giúp người thân yêu của bạn có được các vấn đề pháp lý và tài chính bao gồm giúp họ có được một ý chí sống và cấp cho bạn giấy uỷ quyền chăm sóc sức khoẻ cũng như quản lý về tài chính.

Nói chuyện với người thân của mình khi mà họ còn có thể thảo luận được về tương lai. Sắp xếp các giấy tờ quan trọng như giấy khai sinh, hợp đồng bảo hiểm, tài khoản hưu trí, an sinh xã hội và giữ tất cả ở một nơi.

Nếu bệnh nhân vẫn lái xe được, bạn cũng nên quan tâm. Đừng để bệnh nhân lái xe một mình, hoặc lái xe vào ban đêm. Nếu người bệnh sống một mình, bạn cần phải để ý nhiều hơn nữa, nhất là những món ăn hàng ngày.

Điều cần thiết là trong lúc bệnh nhân còn tình táo, hãy làm các thủ tục ủy quyền ngay cả khi bạn không sử dụng nó vào thời điểm này, vì một khi bệnh tiến triển, nó sẽ gây khó khăn cho bạn.

Yale nói: "Có nhiều thứ rất tích cực, bởi vì những người ở giai đoạn đầu vẫn còn rất nhiều khả năng, và bản năng sống còn. Họ chưa phải là người ngồi chờ chết hoặc sẽ được đưa vào một nhà dưỡng lão “. Vì vậy, hãy giúp họ làm những gì họ có thể làm được, để giúp cuộc sống của họ có ý nghĩa.

ĐOAN TRANG
(Theo Healthday.com, Hiệp Hội Bệnh Alzhelmer Hoa Kỳ)

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân