TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chọn NON-GMO hay ORGANIC?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chọn NON-GMO hay ORGANIC?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Jun 21, 2017 10:41 pm    Tiêu đề: Chọn NON-GMO hay ORGANIC?

Chọn NON-GMO hay ORGANIC?

Chọn lựa thế nào đây nhỉ? Khó nghĩ quá!


Khi vào chợ, chắc hẳn các bạn đã từng thắc mắc về những nhãn hiệu ghi trên rau, quả, cá, thịt. Lúc đầu có vẻ lạ mắt nhưng càng lúc càng trở nên phổ biến hơn. Những nhãn hiệu được nói tới nhiều nhất hiện nay là “non-GMO” và “Organic,” bên cạnh đó chúng ta lại thấy những sản phẩm khác không ghi dấu gì cả. Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về những chữ này?


Nghe nói là hàng NON-GMO mới lành mạnh


NON-GMO và ORGANIC

Ý nghĩa đầu tiên là những sản phẩm có nhãn hiệu “non-GMO” hoặc “Organic” được nuôi trồng theo những phương thức lành mạnh, đòi hỏi nhiều công sức hơn nơi nhà sản xuất. Trong khi đó, những sản phẩm không dán nhãn hiệu như trên thì được hiểu rằng, chúng là GMO (trái với Non-GMO), hoặc là INORGANIC (trái với Organic).

Nuôi trồng GMO là thế nào, NON-GMO thế nào, ORGANIC thế nào, và INORGANIC thế nào? Đó là chuyện của nhà nông, của chủ trại, và Hằng đề nghị chúng ta chưa cần bận tâm tới việc ấy trong lúc này làm gì. Chúng ta chỉ cần biết một điều thực tế, đó là những sản phẩm có dấu NON-GMO hoặc ORGANIC thường đắt hơn những sản phẩm không được ghi dấu như vậy, hoặc ghi ngược lại.

Oái oăm thay, những sản phẩm có nhãn hiệu tuy đắt hơn mà trông lại không ngon bằng những sản phẩm cùng loại không ghi dấu. Nhưng các thầy cô chuyên về dinh dưỡng lại khuyên: Nếu túi tiền cho phép, bạn nên chọn những thứ gì có ghi NON-GMO hoặc “ORGANIC”để có được những thực phẩm lành mạnh cho gia đình



NON-GMO? Hay ORGANIC?

Như vậy, ranh giới giữa GMO và NON-GMO đã rõ ràng; Và, sự phân biệt giữa ORGANIC và INORGANIC cũng rõ ràng như vậy. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là thuyết phục giới nội trợ về ưu điểm của NON-GMO so với GMO, hoặc ORGANIC so với INORGANIC nữa.

Nhưng ngay cả khi bạn không so đo gì về giá cả và tuyệt đối tin vào lời khuyên của các thầy cô chăng nữa, bạn vẫn cảm thấy khó xử khi gặp trường hợp thế này: Hai vỉ trứng có nhãn hiệu, một vỉ ghi “NON-GMO” và vỉ kia đề “ORGANIC,” cũng là thứ nhãn hiệu được ưa chuộng, thì bạn nên chọn thứ nào? Đây không phải là một thí dụ do Hằng tưởng tượng ra nhé, mà là thí nghiệm do một đài phát thanh lớn trên nước Mỹ đã thực hiện như sau:

Phóng viên Dan Charles của đài NPR (National Public Radio) đã đến trước một ngôi chợ Whole Foods Market ở Washington D.C. để làm thí nghiệm: Hai tay cầm hai vỉ trứng, một ghi NON-GMO và một ghi ORGANIC, ông hỏi những người đang từ trong chợ bước ra, xem họ chọn thứ nào?

Kết quả là đa số giới nội trợ đều chọn vỉ trứng NON-GMO vì nó rẻ hơn... 50 xu!

Lý luận chung trong đầu mọi người là: Nếu cả hai thứ đều tốt, tại sao không chọn thứ rẻ hơn? Thực tế thì cả triệu người dân Mỹ cũng đều chọn lựa như vậy.

Theo thống kê của giới quan sát thị trường, sản phẩm có nhãn hiệu NON-GMO đã gia tăng đáng kể trong một vài năm qua. Cô Megan Westgate, giám đốc điều hành chương trình cổ động NON-GMO tại đài phát thanh nói trên, cho biết, số lượng sản phẩm NON-GMO bán ra đã đạt được 16 tỷ vào năm 2016, so với tổng số 7 tỷ vào hai năm trước đó. Sản phẩm mang nhãn hiệu ORGANIC cũng tăng, nhưng không nhanh bằng NON-GMO.

Vậy ý kiến của giới chuyên môn trong vấn đề này như thế nào? So sánh giữa NON-GMO và ORGANIC, thứ nào tốt hơn? Tại sao ORGANIC lại đắt hơn?


Nhưng NON-GMO thì nhỏ, thua xa GMO


Ông Allen Williams, một chủ trại tại Cerro Gordo, thuộc tiểu bang Illinois, đã giúp chúng ta hiểu sự khác biệt một cách thực tế. Ngay trên trang trại của mình, ông Williams cho trồng hoa màu theo ba lối: Organic, Non-GMO, và GMO.

- Trên khu vực Organic, hoa màu chỉ được bón bằng phân gà, chứ không dùng phân hóa học. Còn nhặt cỏ thì ông mướn các cháu học sinh đến nhặt cỏ bằng tay, chứ không dùng thuốc diệt cỏ.

- Trên khu vực Non-GMO và GMO, ông cũng trồng những thứ hoa màu như vậy, nhưng cho bón phân hóa học và diệt cỏ bằng thuốc sát trùng. Chỉ có điều khác biệt là, ở khu vực NON-GMO, ông dùng những loại hạt giống nguyên thủy, trong khi ở khu vực GMO, ông gieo loại hạt đã được biến đổi di truyền (genetically modified) để có được những sản phẩm lớn hơn, đẹp mắt hơn.

Như vậy, qua sự quan sát trực tiếp, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao sản phẩm Organic lại đắt. Bởi vì, chúng được nuôi trồng một cách công phu hơn theo những cách thức mà không mấy trại chủ muốn áp dụng.


GMO là thứ dùng hạt giống đã bị biến đổi di truyền


Còn về giá trị thì sao? Gạt ra ngoài sản phẩm GMO là thứ dùng hạt giống đã bị biến đổi di truyền, có thể tác hại tiềm tàng vào cơ thể người tiêu thụ, chúng ta cũng có thể đánh giá dễ dàng giữa hai loại còn lại:

- Organic là sản phẩm hoàn toàn hữu cơ, hay nói một cách khác, hoàn toàn thiên nhiên, không có phân hóa học, mà ngay cả hóa chất diệt cỏ cũng không.

- NON-GMO tuy là sản phẩm từ hạt giống nguyên thủy, nhưng cũng vẫn có thể được nuôi trồng bằng phân hóa học, và phần nào ô nhiễm từ thuốc diệt cỏ.


Nên chọn mua hàng Organic với mã số có 5 số và bắt đầu bằng số 9


Vậy bây giờ, nếu gặp ông nhà báo Dan Charles với hai tay hai vỉ trứng, bạn biết chọn thứ nào rồi chứ: Organic phải không? Hằng cũng làm như vậy nữa.

VŨ HẰNG
Nguồn: viendongdaily.com

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Jun 24, 2017 12:05 pm    Tiêu đề: Thực phẩm GMO: Liệu có ích lợi gì không?

Thực phẩm GMO: Liệu có ích lợi gì không?


Lần trước chúng ta nói về việc lựa chọn giữa thực phẩm có nhãn NON-GMO và ORGANIC, trong đó ORGANIC thì được ưa chuộng hơn. Nhưng nếu không có ORGANIC thì NON-GMO cũng là một chọn lựa tốt. Lý do tại sao Organic lại được ưa chuộng hơn thì cũng dễ hiểu, vì đây là cách nuôi trồng bằng các phương tiện thiên nhiên, không dùng đến hóa chất. Nhưng còn NON-GMO? Tại sao cũng được ưa chuộng? Muốn hiểu ra điều này, trước tiên chúng ta cần nói qua một chút về những sản phẩm đối nghịch với nó, được gọi là GMO.



Sản phẩm GMO là gì?

GMO là phương pháp nuôi trồng các sản phẩm đã được biến đổi di tính thể (genetically modified organism), được áp dụng khá phổ thông trong các nông trại thời nay. Nói một cách khách quan, đây là một tiến bộ khoa học đáng nể phục: Các nhà bác học đã tổng hợp những điều tốt đẹp của nhiều loại cây trái, rồi “ghép” chúng vào hạt của một loại cây nào đó trước khi gieo chúng xuống đất.

Ngoài cây trái, kỹ thuật biến đổi di truyền cũng được áp dụng cho các loài gia súc, như trâu bò, gà vịt. Nhờ đó cây cối và gia súc phát triển nhanh hơn, để nhà nông có thể cung cấp nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu mỗi lúc mỗi gia tăng của nhân loại, cứu đói được biết bao nhiêu người ở những khu vực kém phát triển.


Bản đồ GMO cho thấy những vùng tô đậm, bao gồm chủ yếu Mỹ, Canada và Trung Hoa là những nước sản xuất GMO nhiều nhất.


Trong bản đồ đính trên đây, các bạn thấy ngay từ năm 2005, tại các quốc gia trong vùng được tô đậm, có đến 95% nông sản là được sản xuất theo kỹ thuật GMO. Xem kỹ lại thì nhiều nhất là Hoa Kỳ, Canada... và Trung Hoa.

Thế nhưng, sự hào hứng đón nhận chưa được bao lâu thì giới chuyên môn lại bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của các sản phẩm GMO này. Đến nỗi người ta phải chính thức đưa vấn đề ra hỏi ý kiến dân chúng: Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2012, người dân California đã bỏ phiếu chấp thuận Đề Nghị (Proposition) 37, buộc nhà nông phải dán rõ nhãn hiệu về nguồn gốc sản phẩm, để người mua biết rõ và tự do chọn lựa giữa GMO (đã được biến đổi di truyền) hoặc NON-GMO (còn dạng nguyên thủy, chưa bị biến đổi di truyền). Cuộc trưng cầu dân ý tuy không nói rõ là “cấm cửa” GMO, nhưng đã làm cho sự nghi ngờ càng thêm mạnh đối với GMO.

Thực tế, GMO xấu đến mức nào? Và nếu nó không có điều gì tốt thì tại sao những nền kinh tế được coi là lớn nhất thế giới hiện nay đều sản xuất GMO?


Theo một số nhà khoa học thì GMO vẫn có nhiều ưu điểm (pro) hơn là khuyết điểm (con).


GMO: Những điều ích lợi

Theo Văn Phòng Nghiên Cứu Khoa Học tại Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ (US Department of Energy), thì sản phẩm GMO có những ưu điểm này:

    • Khi còn ở trong vườn, cây có sức chống bệnh tật, sâu rầy hiệu quả hơn: Một cuộc nghiên cứu thực hiện tại Đại Học UC San Diego cho thấy một số loại vi trùng vô hại đối với con người, có thể tiêm vào trong hạt giống sẽ giúp cây có sức đề kháng mạnh hơn đối với sâu rầy, giúp nhà nông đỡ phải dùng thuốc diệt sâu và cây đỡ bị ảnh hưởng bởi hóa chất.

    • Lớn nhanh, sớm sinh hoa kết quả: Hạt giống cũng như gia súc GMO có thể đối phó với những khắc nghiệt của thời tiết để duy trì sự phát triển đều hòa và nhanh chóng. Kết quả là: Nhà nông thâu hoạch nhiều hơn, còn người tiêu thụ thì có rau trái tươi ngon, thịt gia súc bổ dưỡng hơn... FAO, tổ chức Lương Nông Thế Giới (United Nations Food and Agricultural Organization) cũng đồng ý khi cho rằng với kỹ thuật GMO, nhà nông có thể cung cấp được nhiều thực phẩm hơn trên một diện tích đất nuôi trồng nhỏ hẹp hơn. Chẳng hạn, hạt lúa gạo, vốn là thực phẩm nuôi sống hơn một nửa số dân trên địa cầu, nhờ được biến đổi di truyền mà có thêm Vitamin A cung cấp cho những dân tộc còn nghèo đói.

    • Ích lợi hơn với môi sinh: Theo một báo cáo của Đại Học Oklahoma State University, sự gia tăng nuôi trồng gia súc và cây trái GMO đã giảm bớt thời gian lao động, dụng cụ, hóa chất... nhờ đó giảm thiểu hiệu ứng lồng kính, soi mòn đất đai và ô nhiễm môi trường. Kết quả là môi sinh chung quanh trang trại được cải thiện, đóng góp thêm vào sự bảo trì và nâng cao giá trị của nguồn nước và không khí, đưa lại ích lợi tối hậu cho mọi người sinh sống trên mặt đất.

    • Sáng tạo thêm nông phẩm mới: Với kỹ thuật biến đổi di truyền, các nhà bác học có thể sáng tạo ra những nông sản có khả năng sống trong những vùng thời tiết khắc nghiệt, những vùng quá khô hoặc quá lạnh, vốn là nơi cây cối thảo mộc chưa từng phát triển được. Chẳng hạn, các nhà bác học mới đây đã “sáng chế” được một loại cà chua mới có thể mọc được trong... đất mặn! Bên cạnh đó, giới khoa học cũng đã thành công trong việc loại trừ chất caffeine gây nghiện ra khỏi hạt cà phê, để cung cấp cho chúng ta những ly cà phê nóng hổi, vẫn thơm ngon nhưng không tác hại như khi có caffeine. Và còn nhiều điều lạ lùng khác nữa.

Chà, xem vậy thì sản phẩm GMO cũng được lắm chứ! Nhưng, vì sao một số thầy cô khác lại cho rằng nó có tiềm năng nguy hại? Chúng ta sẽ xem lại vấn đề này trong bài lần sau nhé.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Jul 05, 2017 10:35 pm    Tiêu đề: Thực phẩm GMO: Lợi bất cập hại

Thực phẩm GMO: Lợi bất cập hại


Thực phẩm GMO, cũng gọi là GM Foods, đang là một đề tài được bàn cãi khá sôi nổi trong giới khoa học và chuyên viên dinh dưỡng. Chúng ta, người phàm mắt thịt, lại hóa ra sướng, cứ ngồi im mà tọa hưởng thành quả các nghiên cứu rất công phu của các vị, nên Hằng xưa nay vẫn coi họ như “thầy cô” là vì thế. Về riêng đề tài này, các thầy cô đã cống hiến cho đời nhiều nông phẩm GMO phổng phíu, đẹp mắt, ngon lành... cứu giúp được bao nhiêu con người trong các vùng đói kém.

Nghiên cứu của trường đại học Brown University cảnh cáo về nhiều rủi ro mà nông phẩm GMO có thể gây ra.

Tưởng rằng với thành quả ấy, từ nay chúng ta có thể sống một cách đầy đủ an nhàn, không khác gì thiên đàng ở trần gian. Nhưng trần gian vốn dĩ không là thiên đàng, nên các thầy cô sau đó lại khám phá ra nhiều khía cạnh không tốt của nông phẩm GMO. Thực là... cụt hứng, phải không bạn?

Nhưng nhìn những trái bắp, trái táo lớn mọng, thành quả của kỹ thuật GM này, chúng ta phải lấy làm tiếc mà tự hỏi: Chúng có khuyết điểm gì? Hôm nay mình sẽ thử nhìn đến những điều gọi là không hay, xem tác dụng (hoặc, tác hại) của chúng thế nào.

Theo nghiên cứu tại Brown University, một trường đại học lâu đời nhất của nước Mỹ, có mặt như một ngôi sao Bắc Đẩu trong làng nghiên cứu thế giới từ năm 1764 đến nay, thì những sản phẩm đã bị biến tính di truyền có thể đưa đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người trong những lãnh vực sau đây:



1. Gây dị ứng (allergy)

Muốn tác động để nâng cao phẩm chất di truyền của một sinh vật, trước tiên nhà khoa học phải đưa vào cơ thể nó những đạm chất (proteins) lạ vốn không có trong cấu trúc nguyên thủy của sinh vật chủ ấy. Như vậy, khi ăn một trái chuối GMO, bạn đừng nghĩ rằng mình vẫn đang thưởng thức thứ trái cây quen thuộc, chưa gây dị ứng cho mình bao giờ. Điều bạn không biết là trong trái chuối ấy bây giờ đã có thêm một hay nhiều thứ đạm chất mới, rất có thể không thích hợp với cơ thể bạn, đưa đến những cơn dị ứng mà bạn không ngờ.

Thực tế đã xảy ra đúng như vậy.

Trung Tâm Thống Kê Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Center for Health Statistics) nhận thấy số trẻ em bị dị ứng thực phẩm đã từ 3.4% trong những năm 1997-99 lên 5.1% trong những năm 2009-2011, sau khi thực phẩm GMO được đưa vào thị trường.

Tình trạng này chắc chăn gây thêm phiền phức cho người mua, họ sẽ không biết thứ trái cây vốn lành mạnh với họ trước nay, có còn được như thế sau khi đã bị biến đổi di truyền hay không. Hậu quả là sự chọn lựa của giới tiêu thụ sẽ bị thu hẹp lại.


Ăn bắp GMO vẫn ngon mà, sao lại nói là có rủi ro về sức khỏe?


2. Mùi vị đổi khác, có thể không an toàn như xưa

Quả táo GM nhìn thì ngon, nhưng chưa chắc bạn tìm lại được cái mùi vị nguyên thủy mà bạn vẫn mê trong loại táo quen thuộc. Chuyện này dễ hiểu, bởi vì, thực chất trái táo đâu còn nguyên thủy, mà đã được pha thêm nhiều chất lạ rồi.

Đi xa hơn một chút nữa, nhiều thầy cô còn nghi ngờ rằng, những chất mới thêm vào khiến cho sâu rầy sợ biết đâu cũng là những thứ đáng sợ với cơ thể chúng ta? Thời gian chưa đủ lâu để thấy những hậu quả tích lũy phát triển thành bệnh tật, nhưng có ai liều mang thân mình đi thử không?



3. Giảm sự phong phú của vũ trụ

Đây có thể coi như hậu quả lớn của kỹ thuật GM. Với kỹ thuật biến đổi di truyền, chúng ta có thể làm cho mùa màng trở nên miễn nhiễm đối với một số loại sâu rầy, lâu dần, sẽ làm cho loại sâu rầy ấy chết dần đi, và có thể bị “tuyệt tích giang hồ.” Bạn có thể cười khà khà nhìn ruộng lúa của mình phát triển, không bị sâu rầy xâm phạm, nhưng thiên nhiên mất đi một “tác phẩm, ” và những loài chim ăn sâu mất nguồn lương thực, rồi có thể cũng dần dần tuyệt chủng theo.



4. Rối loạn trật tự thiên nhiên

Biến đổi di truyền là đưa bàn tay của con người vào “quậy phá, ” đảo lộn trật tự thiên nhiên, khiến cho các gene nguyên thủy bị thổi tung, lang thang đi tứ phía, rồi vô tình đậu lại ở một nơi bất ngờ, tạo ra các hậu quả ngoài sự tiên liệu của các nhà khoa học. Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO, The Food and Agricultural Organization of the United Nations) có đưa ra thí dụ như sau: Những genes chống thuốc diệt cỏ, lẽ ra được cấy vào bên trong hạt lúa, rốt cuộc lại bay vào trong hạt cỏ, từ đó mọc lên một loại cỏ mà không một loại thuốc diệt cỏ nào có thể trừ được. Đúng là phúc chưa thấy đã thấy tội.

Chưa hết đâu nhé. Thí dụ: Bạn có một dàn mướp GMO đang nở hoa, ong bướm đến hút nhụy, rồi mang nhụy GMO ấy đi cấy vào những dàn mướp trong những trang trại thật xa, vô tình biến nông phẩm ở đây thành một thứ GMO mà chủ trại không hề hay biết gì cả. Khi người chủ trại này đưa nông phẩm vào thị trường, đương sự vẫn mạnh miệng quảng cáo rằng hàng của mình là Organic, không hề có GMO. Như vậy có phải là... bát nháo lắm không?

Một số thầy cô cũng từng cảnh cáo rằng, khi genes đã được tách rời và phóng ra thì không có cách gì thu phục chúng trở về được. Đúng là đổ nợ ngoài ý muốn!



5. Làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh (antibiotic)

Từ những nghiên cứu của trường Đại Học Iowa State University, các thầy cô lưu ý chúng ta về việc những chất kháng sinh được tiêm vào để giúp nông phẩm có sức đề kháng với bệnh tật và sâu rầy trong lúc phát triển. Những chất kháng sinh như vậy, theo các thầy cô, khi được chúng ta tiêu thụ sẽ tồn đọng trong cơ thể, làm cơ thể quen lờn với trụ sinh, khiến cho những thuốc trụ sinh chúng ta uống vào sau này sẽ kém hiệu quả. Đây là điều đang được ghi nhận trong thống kê của nhiều bệnh viện trên thế giới.


Trái bắp GMO được nhiều người “tán” là sự pha trộn của hột bắp và những viên thuốc... trụ sinh.


6. Nguy cơ phát sinh nhiều bệnh mới

Để làm cho cây rau không còn sợ sâu rầy phá phách tấn công sau này, nhà khoa học phải tiêm vào đó những “đoàn lực sĩ” mà sâu rầy phải tránh xa nếu đánh hơi được sự hiện diện của họ. Nhưng các bạn có biết những “lực sĩ” ấy là ai không? Những con vi trùng khác! Những con vi trùng có khả năng làm cho sâu rầy sợ hãi tránh xa, nhưng không làm hại tới con người, các nhà khoa học cổ động GMO nói vậy.

Nhưng có ai bảo đảm được rằng 5 năm, 10 năm, hoặc 20 năm sau... khoa học lại không có những khám phá mới? Chẳng may, một trong những khám phá mới ấy là, đám vi trùng được cấy vào thực phẩm GMO không vô hại, mà chính là nguyên nhân gây ra những bệnh lạ bẩm sinh, những bệnh mà bây giờ chưa có tên gọi.

Cứ xem những thứ bệnh tật lạ lùng chỉ mới xuất hiện gần đây, những bệnh mà ngày xưa cha mẹ chúng ta cũng chưa hề biết thì sự ra đời của những thứ bệnh lạ, liên quan tới những con vi trùng “vô hại” được cấy vào thực phẩm, chắc chắn không phải là chuyện tưởng tượng xa vời.



7. Lạm dụng như một vũ khí

Trước tiềm năng phát tán bệnh tật xuyên qua thực phẩm, các quốc gia có thể dùng kỹ thuật GMO như một vũ khí để chống lại nhau. Thực vậy, một số nhà khoa học đã tỏ ra lo lắng rằng một khi bị lạm dụng với ác ý, thực phẩm GMO có thể gây ra những bệnh mới hiểm nghèo, giết chết nhiều sinh mạng trên thế giới.


GMO là gì? Một quả cà tô mát nguyên thủy được tiêm thêm chất lạ!


8. Ích lợi cho môi sinh? Chưa hẳn!

Nhiều nhận xét ban đầu cho thấy, kỹ thuật tạo ra GM Foods giúp nhà nông giảm bớt dùng phân hóa học, giúp môi trường đỡ bị xoi mòn. Nhưng nhận xét này đang càng lúc càng mất trọng lượng, vì những chất được tiêm vào nông phẩm không hoàn toàn vô hại. Có nhiều điều chưa hoàn toàn được bạch hóa trước công chúng.

Bên cạnh đó, người ta lại đang suy nghĩ sang chiều ngược lại, là GM Foods thậm chí có thể làm hại môi sinh vì lý do được các thầy cô gọi là “tràn gene” (Gene Spilling) qua những cánh bướm, những vết chân kiến và những làn gió thổi ra bốn phương. Chúng hút lấy gene đã được biến đổi của những dàn bí dàn bầu tại nơi này, rồi bay đi chuyền lan tới những dàn bí dàn bầu ở những nơi khác, bất chấp ý muốn của chủ vườn ra sao. Như vậy là kể từ nay về sau, không nhà nông nào dám nói chắc rằng sản phẩm của mình còn hoàn toàn nguyên giống nữa, vì tất cả đều có thể bị “tràn gene” từ một địa phương xa xăm nào đó. Đó là một sự hỗn độn mà không ai muốn xảy ra trong thiên nhiên.

Chưa hết, nếu những “hạt” gene được biến đổi để có sức đề kháng thuốc diệt cỏ chẳng may lại tràn vào những khu rừng cỏ dại, tạo ra một loại cỏ siêu hạng, không một loại thuốc diệt cỏ nào trị nổi thì... sự khủng hoảng mới được tạo ra chắc chắn không nhỏ.



9. Suy giảm nguồn thực phẩm!

GMO có thể dẫn đến một hậu quả ngược lại với ích lợi nguyên thủy: Thay vì tạo nguồn thực phẩm phong phú dồi dào hơn, kỹ thuật biến đổi di truyền có thể làm cho nguồn thực phẩm thế giới ít đi do bị khống chế bởi một thiểu số. Là vì, kỹ thuật GMO có thể trở thành sản phẩm độc quyền: Nếu người sáng chế đăng ký để lấy bằng phát minh, sự sản xuất lúc bấy giờ sẽ bị thao túng theo lợi ích riêng của người đó, bất chấp nhu cầu xã hội.

Nhiều tổ chức vô vụ lợi đang lo sợ rằng, các dân tộc nghèo trong những quốc gia thuộc thế giới thứ ba sẽ là nạn nhân trực tiếp của tệ nạn độc quyền này.



Nhìn cả hai khía cạnh tốt và xấu, trong khi không thể phủ nhận những ích lợi chúng ta cũng rất lo sợ trước những viễn tượng đen tối GMO có thể đưa lại. Vậy, những người nội trợ như chúng ta đây phải có kết luận thế nào? Các bạn có ý gì không? Chà, nếu kẹt rồi thì... lần sau, chúng ta sẽ xem ý các thầy cô ra sao nhé.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Jul 08, 2017 11:00 pm    Tiêu đề: Thực phẩm GMO tại Hoa Kỳ

Thực phẩm GMO tại Hoa Kỳ

Phần lớn ngô bắp bàn trên thị trường Mỹ đều là sản phẩm GMO


Chúng ta đã nói về ưu khuyết điểm của thực phẩm trong công nghệ biến đổi di truyền, vẫn được biết dưới cái tên chung là GMO. Xem ra khuyết điểm thì nhiều hơn, thậm chí lại có những điều nguy hại. Điều đó khiến chúng ta phải thắc mắc: Nếu GMO có những khuyết điểm như nhiều người đã vạch ra thì tại sao nhà nước không cấm luôn cho tiện sổ sách? Và nếu nhà nước không cấm mà chúng ta vẫn muốn tránh thì có cách nào không?


Người ăn chay, sống chủ yếu nhờ sản phẩm đậu nành, chắc chắn là khách hàng quan trọng của kỹ nghệ GMO


Tại sao không cấm?

Chẳng những không bị cấm mà thực phẩm GMO còn đang trở nên mỗi lúc mỗi lan tràn rộng rãi hơn tại... Hoa Kỳ, một quốc gia mà chúng ta vẫn tưởng có những luật lệ rất khắt khe để quản lý sự an toàn về thực phẩm cho người dân.

Tại sao? Là vì mặc dầu nhiều nghi vấn được nêu lên về hậu quả của GMO, nhưng chưa có ai đưa ra được một bằng chứng khoa học về sự không an toàn của GMO. Phần lớn chỉ là suy luận và nghi vấn, chưa kể những suy luận trái nghịch nhau.

Chẳng hạn, GMO có nguy cơ làm giảm hiệu quả thuốc kháng sinh? Có thể! Nhưng chưa thấy xảy ra trên thực tế, là vì kỹ nghệ GMO, phát triển tại Hoa Kỳ từ giữa thập niên1990, dù sao vẫn còn quá non trẻ, chưa đủ thời gian để các nhà khoa học thống kê hậu quả, nếu có. Trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm GMO gây họa cho con người thì phần lớn các cuộc thí nghiệm trên động vật lại cho thấy GMO là... an toàn!

Đối với môi trường, trong khi một số nhà khoa học lo lắng về tác hại của GMO thì nhiều thầy cô khác lại cho rằng kỹ nghệ biến đổi di truyền sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi sinh.

Về tình trạng đói nghèo còn phổ biến trong các quốc gia chậm tiến trên thế giới, nhiều người cho rằng GMO sẽ là câu giải đáp khi làm cho nguồn thực phẩm được dồi dào do kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn, chứ không thể làm cho khan hiếm hơn vì nạn độc quyền sáng chế như nhiều người khác lo sợ.

Tóm lại, tranh luận về thực phẩm GMO có làm dấy lên nhiều mối quan tâm, nhưng chưa ai đưa ra được thống kê rõ ràng. Trước tình trạng mập mờ đó, chính phủ không thể ra lệnh cấm.

Mặc dầu thiếu bằng chứng chống lại thực phẩm GMO, nhưng sự nghi ngờ trong dân chúng càng lúc càng tăng, trong lúc các cuộc tranh luận về lợi hại vẫn chưa thấy có dấu hiệu ngã ngũ. Nhiều đoàn thể dân chúng đã yêu cầu chính quyền bắt buộc nhà sản xuất GMO phải ghi rõ ra nguồn gốc trên nhãn hiệu của sản phẩm.

Thế nhưng, yêu cầu này mới chỉ được áp dụng tại các quốc gia Âu Châu, còn Mỹ thì không. Người Âu Châu có thể tự hào rằng chợ búa của họ có bán những sản phẩm mà ở Mỹ không có, đó là những bó rau, hộp thịt... mang nhãn GMO. Chỉ là vì, ở Mỹ, nhà sản xuất GMO không buộc ghi ra như vậy trên các mặt hàng của mình thôi.

Thực tế, ở Âu Châu, số thực phẩm đã được biến đổi di truyền rất ít, có thể coi như mặt hàng “quí hiếm.” Và Hoa Kỳ mới chính là nơi các loại GMO hiện diện đầy đủ, đông vui, sẵn sàng theo chân người nội trợ vào bếp, và góp mặt trên bàn ăn của hầu hết mọi gia đình dân Mỹ.


Còn ở đây, bạn chọn quả nào?


Thực phẩm GMO tại Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, phần lớn nông phẩm mà dân chúng quen dùng nhất như ngô bắp (corn), đậu nành (soybean), ngũ cốc (cereal), cà chua (tomato), dầu hạt cải (canola oil), củ cải đường (beet), khoai lang (potato), đu đủ (papaya), bí vàng (yellow squash), zucchini (bí xanh)...

Với nông phẩm GMO, người ta lại dùng để nuôi gà vịt, heo, dê, trâu, bò... và biến chúng thành súc vật GMO. Theo ước tính, hơn 95% gia súc được nuôi để lấy thịt trong các trang trại Hoa Kỳ là đều được nuôi bằng thực phẩm GMO cả.

Hơn 93 phần trăm số ngô bắp và đậu nành trong ở Mỹ hiện nay đều đã được biến đổi di truyền. Xin nhớ rằng, đậu nành, bắp, dầu canola là những thành phần rất phổ thông để làm ra các thực phẩm chế biến sẵn đựng trong đĩa, trong hộp. Những người hay ăn đồ chế sẵn, đồ “to go,” những người ăn chay, sống chủ yếu dựa vào các sản phẩm làm từ đậu nành như đậu hũ, chao, sữa đậu nành, thịt, cá chay... chắc chắn là những khách hàng quan trọng của ngành thực phẩm GMO đó.

Trong khi chính quyền Hoa Kỳ vẫn... bình chân như vại, còn dân chúng thì không yên, nhiều người nghi ngờ nhà nước cố ý thiên vị kỹ nghệ GMO mà bỏ qua sự an nguy của dân chúng. Nhưng lo lắng như vậy thì... sao? Để xem, có làm gì được nhau không, các bạn nhé!

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Jul 10, 2017 10:43 pm    Tiêu đề: Dân chúng Mỹ và thực phẩm GMO

Dân chúng Mỹ và thực phẩm GMO


GMO là thành quả khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp: Bằng cách thay đổi cấu tạo di truyền của nông phẩm, người trồng trọt có thể gia tăng sản xuất, thu hoạch được nhiều hơn mà tốn kém ít hơn. Và cũng từ đó, giới tiêu thụ được hưởng rau trái ngon hơn mà giá rẻ hơn.

Lẽ ra với những thành quả như thế, sản phẩm GMO phải được đón nhận nhiệt tình mới đúng. Nhưng không, hiện nay thì chỉ những người chưa biết rõ mới có thể tỏ ra nhiệt tình được thôi. Nhiều người khác, tuy không công khai tẩy chay nhưng tỏ ra dè dặt khi chọn lựa thực phẩm với câu hỏi cụ thể: Bó rau, nải chuối, miếng thịt này... có phải là sản phẩm GMO không?

Câu hỏi cứ mỗi lúc một lan truyền đến nỗi dân chúng nhiều nơi đã vận động chính quyền ra luật buộc nhà sản xuất phải ghi rõ GMO trên nhãn hiệu, nếu đó là sản phẩm đã biến đổi di truyền. Đó là chuyện nhiều nước Âu Châu đã làm. Còn ở Mỹ thì chưa, chính vì thế mà thực phẩm GMO còn được lan tràn khá tự do. Có phải vì người dân Mỹ thờ ơ? Hoặc, ý thức về an toàn thực phẩm không cao bằng người dân Âu Châu?

Thực ra không phải thế. Các thầy cô trong Trung Tâm Nghiên Cứu Toàn Quốc thuộc tổ chức Consumer Reports đã phỏng vấn 1,004 người nội trợ từ nhiều nơi trên đất Mỹ, và nhận thấy rằng 92% mong muốn thực phẩm bán ở chợ phải được dán nhãn GMO nếu đã được biến đổi di truyền.


Bịch cereal này có ghi rõ “not made with genetically modified ingredients” là cũng có ý khoe “tôi không dính dáng gì với GM đâu nhé! ”


NON-GMO là gì?

Trong khi chính quyền chưa đáp ứng nguyện vọng đó thì nhiều nhà sản xuất đã nhìn ra được một nhu cầu mới trong dân chúng và tìm cách đáp ứng nó, đó là tự ý dán nhãn NON-GMO cho những thực phẩm nào mà cấu tạo di truyền KHÔNG bị thay đổi. Thì “tốt đẹp khoe ra” mà, thấy thiên hạ e ngại GMO thì mình phải nói to: Lại đây nè, tôi không có GMO đâu. Vậy các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi khi đi chợ chỉ thấy NON-GMO mà không thấy GMO nhé.

Về phía chính quyền Hoa Kỳ, mà cụ thể là sở quản lý thực phẩm dược phẩm liên bang FDA (Foods and Drugs Administration), thì họ không nghĩ rằng là cứ lờ đi nguyện vọng của dân chúng mà xong được. Các vị sư phụ này cũng khôn ngoan lắm, họ trả lời rằng: Người nào muốn dán nhãn NON-GMO thì tôi đây không cấm, nhưng tôi không đòi buộc ai dán nhãn GMO hết á; Làm như vậy vừa tốn tiền, lại vừa gây ra sự hiểu lầm! Hiểu lầm? Có gì mà hiểu lầm?

Theo các vị sư phụ ở FDA thì sự hiểu lầm là thế này: Dân chúng sẽ so đo giữa hai cái nhãn, và có thể đi đến kết luận rằng thực phẩm GMO kém cạnh hơn NON-GMO, một sự đánh giá mà các thầy cô FDA cho rằng lẩm cẩm, vẩn vơ, chưa bao giờ được khoa học chứng minh. Là cơ quan có trách nhiệm về sự an toàn thực phẩm cho cả nước, FDA chỉ ra luật dán nhãn đối với những sản phẩm nào có thể tạo ra những thay đổi đáng kể nơi người sử dụng mà thôi, chẳng hạn như qui định về dán nhãn đậu phọng vì nó có thể gây ra phản ứng mạnh với những người vốn bị dị ứng. Còn với sản phẩm GMO thì FDA vẫn cho rằng sự thay đổi cấu tạo di truyền của nông phẩm không tác hại tới sức khỏe người sử dụng, nên việc dán nhãn là không cần thiết.

Hơn nữa, việc đáp ứng đòi hỏi dán nhãn, theo FDA, lại có thể mở ra một tiền lệ dẫn đến nhiều đòi hỏi vô lý, khó đáp ứng khác trong tương lai. Chẳng hạn, nhỡ mai kia có người lại đòi phải ghi rõ là nông phẩm này do lao động của các em nhỏ dưới 14 tuổi, hay là do người lớn trồng trọt và thâu hoạch, v.v. và v.v. thì sao?

Đúng là chúng ta không thể cãi lại được các vị sư phụ, nhưng trong thực tế, nhu cầu đối với sản phẩm NON-GMO mỗi ngày một tăng vọt. Tổng kết của tạp chí dinh dưỡng Nutrition Business Journal cho biết tổng lượng sản phẩm NON-GMO bán được trong năm 2013 đã tăng lên 80% so với 5 năm trước đó.


Còn bịch “chip” này, do Pepsi Cola sản xuất, nghe nói là Non-GMO, không biết có thực không?


Trước khuynh hướng của giới tiêu thụ hướng về sản phẩm Non-GMO, nhiều công ty thực phẩm lớn tại Hoa Kỳ đã phải suy nghĩ lại. Chả nói đâu xa, ngay cả Pepsi Cola, tác giả của những chai nước ngọt và những bao “chip” ngậy bùi hấp dẫn rất đắt hàng trên toàn thế giới, đã bắt đầu sử dụng nông phẩm NON-GMO để làm thành những bịch “Stacy Simply Naked Bagel and Pita Chip”; Hãng General Mills cho ra đời những bao Cheerios với những hạt cereal Non-GMO.


Những hộp sữa bột Similac này còn ghi rõ ràng hơn: Non-GMO


Mặc dầu khuynh hướng chung của giới tiêu thụ là như vậy, nhưng bạn đừng nên cầu kỳ kén chọn quá kẻo mà... đói meo. Bởi vì, muốn tìm thực phẩm hoàn toàn Non-GMO tại Hoa Kỳ cũng vẫn là chuyện khó khăn đó.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân