TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Động đất và những điều cần làm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Động đất và những điều cần làm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Jun 29, 2017 11:39 pm    Tiêu đề: Động đất và những điều cần làm

Động đất và những điều cần làm

Xa lộ I-10 ở Culver City, California, sau trận động đất năm 1994. (Hình: NOAA/NGDC, M. Celebi)


Động đất, còn được gọi là địa chấn, xảy ra rất thường. Theo Trung Tâm National Earthquake Information Center thì một năm có khoảng từ 12,000 tới 14,000 trận động đất.

Sở dĩ người ta không nói tới là vì hầu như tất cả những trận động đất ấy là nhỏ không đáng kể. Bài này tôi nói về nguyên nhân của động đất, khi xảy ra động đất thì phải làm gì, có thể đoán trước động đất được không?



Cấu tạo của trái đất

Trái đất từ trung tâm ra ngoài có ba lớp: lớp lõi (core) trong cùng là kim loại dày đặc (dense metal) và rất nóng, lớp phủ (mantle) gồm phần lớn là đá cứng và khoáng chất, nhưng có chỗ là mac-ma (magma) nhão và lớp vỏ (crust).

Lớp vỏ này dày từ 5 tới 75 cây số (3 tới 46 dặm). Chỗ dày nhất là trên mặt đất và chỗ mỏng nhất là dưới lòng đáy biển. Lớp vỏ bao gồm nhiều mảng (plate). Mảng ở dưới đại dương gọi là mảng đại dương, những mảng khác gọi là mảng lục địa.


Nứt rạn bình thường (trái), nứt rạn ngược chiều (giữa), và nứt rạn trượt ngang. (Hình: geo.mtu.edu)


Động đất xảy ra khi nào

Những mảng nói trên không nằm yên một chỗ mà di chuyển. Động đất xảy ra khi hai mảng xáp lại gần nhau hay dang xa nhau.

Động đất còn xảy ra dọc theo những lằn nứt rạn (fault) của trái đất. Lằn nứt rạn là chỗ mà hai phần của một mảnh hay của hai mảnh di chuyển theo hai chiều khác nhau. Có ba loại nứt rạn:

    • Nứt rạn bình thường, nứt rạn này xảy ra khi một khối đá di chuyển xuống, dang ra xa một khối đá khác. Nứt rạn này thường xuất hiện khi một mảng từ từ tách ra làm hai hay hai mảng dang xa nhau.

    • Nứt rạn ngược chiều, nứt rạn này xảy ra khi một mảng đẩy vào một mảng khác. Vì hai mảng xô vào nhau nên một khối đá bị đẩy xuống phía dưới hay đẩy lên một khối đá khác.

    • Nứt rạn trượt ngang (strike-slip fault), nứt rạn này xảy ra khi hai mảng trượt ngang qua nhau. Nứt rạn nổi tiếng San Andreas bên California là nứt rạn thuộc loại trượt ngang này.



Điều cần biết khi xảy ra động đất

Dĩ nhiên những người ở vùng hay có động đất như California phải có những chuẩn bị trước. Thí dụ như không để đồ đạc nặng trên những kệ cao và biết cách tắt các ống hơi, ống nước và điện.

    • Nên làm gì khi động đất:

      • Bình tĩnh, đừng hoảng hốt. Nếu bạn đang ở trong nhà thì cứ ở trong nhà đừng chạy ra ngoài. Nếu bạn đang ở ngoài thì cứ ở ngoài.

      • Bò xuống thấp và che chở đầu bằng tay hay vật liệu khác để đề phòng những đồ vật có thể đổ xuống.

      • Nếu bạn ở trong nhà thì bò xuống dưới bàn hay ghế vững chắc hay một góc tường. Tránh xa cửa kính hay những vật dụng có thể rơi xuống như đèn treo trên trần.

      • Nếu bạn ở ngoài đường thì tránh xa dây điện, nhà cửa hay cây lớn.

      • Nếu đang lái xe hay ngồi trong xe hơi thì phải ngừng xe lại và ngồi trong xe chờ cho hết động đất. Không nên ngừng xe gần nhà cao, cây lớn, cột đèn hay những thứ có thể đổ xuống.

    • Nên làm gì ngay sau khi động đất:

      • Cẩn thận vì có thể có dư chấn (aftershock).

      • Kiểm soát chính bạn hay những người chung quanh xem có ai bị thương không. Nếu có thì phải lo cứu giúp.

      • Kiểm soát ống nước, dây điện, nhất là ống hơi. Nếu bạn ngửi thấy mùi hơi đốt thì phải ra khỏi nhà lập tức và gọi cảnh sát.

      • Tránh xa nhà cửa đã bị hư hại vì động đất.


Máy ghi địa chấn. (Hình: earthquake.usgs.gov)


Ghi và đo động đất

Động đất được ghi bằng một dụng cụ gọi là máy ghi địa chấn (seismograph). Bản ghi của máy ghi địa chấn gọi là biểu đồ địa chấn (seismogram).

Năm 1935, ông Richter, một chuyên viên về địa chấn học tại đại học California Institute of Technology phát minh ra một bậc thang để đo cường độ của động đất ở vùng California, gọi là thang Richter. Bậc thang này dùng một công thức dựa vào biên độ của sóng lớn nhất ghi được của máy ghi địa chấn và khoảng cách từ chỗ động đất tới máy ghi địa chấn.

Sau này người ta dùng thang cường độ mô-men (moment magnitude scale) chính xác hơn thang Richter. Tuy nhiên, động đất có cường độ dưới 8 thì hai bậc thang cũng giống nhau. Bậc thang cường độ cũng như thang Richter đặt trên thang lô-ga-rít. Có nghĩa là cường độ tăng lên một số thì biên độ tăng lên gấp 10 lần. Cho nên động đất cường độ 7 mạnh hơn động đất cường độ 6 rất nhiều.

Theo một ước tính trên mạng www.geo.mtu.edu thì động đất cường độ 8 phát ra năng lượng tương đương với 6 triệu tấn TNT. Được biết quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima chỉ tương đương với 16,000 tấn TNT.


Biểu đồ địa chấn. (Hình: earthquake.usgs.gov)


Có tiên đoán được động đất không?

Các nhà khoa học đã thử nhiều phương pháp khác nhau để tiên đoán động đất, nhưng chưa có phương pháp nào thành công cả. Các nhà khoa học cũng thừa nhận là họ chưa biết làm sao để tiên đoán động đất.

Tuy nhiên theo cơ quan U.S. Geological Survey thì có thể tính xác suất cho động đất trong tương lai. Thí dụ các nhà khoa học, dựa vào các dữ liệu khoa học, tiên đoán là trong vòng 30 năm tới, với xác suất 76%, sẽ có một trận động đất với cường độ 7 ở miền Bắc California.

Động vật có biết trước động đất không? Năm 373 Trước Công Nguyên bên Hy Lạp đã có nói tới việc chuột, rắn và vài động vật khác rời khỏi tổ và tìm chổ ẩn nấu an toàn mấy ngày trước khi có trận động đất lớn. Từ đó đến nay đã có nhiều giai thoại về động vật có những hành động kỳ lạ trước khi có động đất. Nhưng chưa có cách nào có thể giải thích sự kiện này một cách rõ ràng và có thể kiểm chứng được.

Tuy nhiên, báo New York Times ngày 18 Tháng Sáu mới đây có đăng một bài nói về một thử nghiệm tại một nông trại bên Ý về việc các động vật có biết trước động đất sẽ xảy ra hay không.

Một khoa học gia người Đức, tên là Wikelski là người đứng đầu công cuộc nghiên cứu này. Ông gắn vào một số thú vật như là trừu, bò, gà và chó một dụng cụ cảm biến rất tối tân. Bộ cảm biến này ghi lại từng giây rất nhiều thông số của thú vật như vị trí, chiều hướng di chuyển và nhiệt độ.



Tờ New York Times nói là ông Wikelski không thể cho biết kết quả cuộc nghiên cứu này được vì phải chờ cho đến khi kết quả được đăng trên một tạp chí nghiên cứu khoa học. Nhưng ông cũng có nói là các thú vật đã di chuyển một cách đồng nhất cả mấy giờ trước khi có động đất.

Ông cũng đã thử nghiệm thú vật với việc tiên đoán núi lửa từ năm 2012 tới 2014. Ông phúc trình là thú vật biết trước khi núi lửa phun từ 4 tới 6 giờ đồng hồ.

Những nghiên cứu như vậy rất quan trọng. Vì nếu đúng là thú vật biết trước khi động đất xảy ra thì có thể dùng sự kiện đó như một cảnh báo để mọi người tìm chỗ trú an toàn. Một chuyên viên về xây cất nhà vùng bị động đất đã nói là thường thì động đất không làm thiệt hại nhân mạng. Người ta chết hay bị thương là do bị nhà cao tầng đổ và đè lên.

Nếu có một dấu hiệu chắc chắn báo trước động đất thì mọi người có thể chạy ra khỏi những tòa nhà cao tầng và tránh được sự thiệt hại nhân mạng vì nhà đổ.

Hà Dương Cự/Người Việt
Nguồn tài liệu: earthquake.usgs.gov, geo.mtu.edu, www2.usgs.gov

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân