TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vài điều cần biết về ung thư phổi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vài điều cần biết về ung thư phổi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9604

Bài gửiGửi: Sun Jun 18, 2017 10:32 pm    Tiêu đề: Vài điều cần biết về ung thư phổi

Vài điều cần biết về ung thư phổi


Không ai trong chúng ta chưa từng nghe nói tới một người quen biết bị mắc bệnh ung thư phổi, chứng tỏ bệnh này không phải là hiếm và cũng không phải chỉ xẩy cho người hút thuốc hay từng hút thuốc, thậm chí số phụ nữ chưa từng hút thuốc lại mắc ung thư phổi có vẻ đang tăng lên.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ, ở nam giới cũng như phụ nữ. Ung thư phổi giết nhiều người mỗi năm hơn ung thư ruột già, tuyến tiền liệt, buồng trứng và ung thư vú kết hợp.

Ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn sớm nhất của nó mà thường chỉ có triệu chứng khi bệnh đã tiến triển khá xa.



Triệu chứng

Triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:

    • Ho ra máu, dù chỉ ít thôi

    • Khó thở

    • Tức ngực

    • Khò khè

    • Khàn tiếng

    • Một cơn ho mới xẩy ra nhưng kéo dài dai dẳng không hết

    • Cơn ho lâu ngày, thường thấy ở người hút thuốc lá, nay thay đổi tính cách

    • Giảm cân không cố tình

    • Đau xương

    • Đau đầu

Nên hẹn đi khám bệnh nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khiến bạn lo lắng. Nếu bạn hút thuốc, hãy hẹn gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị cách bỏ hút thuốc, chẳng hạn như tư vấn, thuốc và các sản phẩm thay thế nicotin.

Hút thuốc gây ra phần lớn số ung thư phổi - cả ở người hút thuốc và những người tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp. Nhưng ung thư phổi cũng xảy ra ở những người không bao giờ hút thuốc lá và những người không bao giờ tiếp xúc lâu với khói thuốc. Trong những trường hợp này, có thể không có nguyên nhân rõ ràng.



Hút thuốc gây ung thư phổi bằng cách nào?

Hút thuốc lá gây ung thư phổi bằng cách làm hỏng các tế bào phổi. Khi bạn hít khói thuốc láchứa chất gây ung thư, những thay đổi trong mô phổi bắt đầu gần như ngay lập tức. Lúc đầu cơ thể bạn có thể sửa chữa được hư hỏng này. Nhưng với những tiếp xúc lặp đi lặp lại, các tế bào bình thường ngày càng bị hư hỏng. Theo thời gian, các tế bào sinh sản bất thường và gây ra bệnh ung thư.


Hình phóng to của ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư không phải tế bào nhỏ


Các loại ung thư phổi

Các bác sĩ phân chia ung thư phổi thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị dựa trên loại ung thư phổi. Hai loại ung thư phổi gồm:

    • Ung thư phổi tế bào nhỏ: thường xảy ra hầu như chỉ ở những người hút thuốc nặng và ít thấy.

    • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: gồm một số loại ung thư phổi tiến triển tương tự nhau như ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến giáp và ung thư biểu mô tế bào lớn (squamous cell carcinoma, adenocarcinoma and large cell carcinoma).



Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi bao gồm:

    • Hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng cùng với số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Ngưng hút thuốc ở mọi lứa tuổi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư phổi.

    • Tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi tăng lên nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp.

    • Tiếp xúc với khí radon. Radon được tạo ra bởi sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước, cuối cùng trở thành một phần của không khí bạn thở. Mức radon không an toàn có thể tích lũy trong bất kỳ tòa nhà nào. Các bộ dụng cụ thử nghiệm radon mua tại các tiệm bán đồ sửa nhà có thể xác định mức độ an toàn. Nếu tìm thấy hiện mức radon không an toàn, có thể tìm cách khắc phục.

    • Tiếp xúc với asbestos và các chất gây ung thư khác. Việc tiếp xúc với chất asbestos và các chất khác như arsenic, crom và nikel cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn đang hút thuốc.

    • Gia đình có tiền sử ung thư phổi. Những người có cha / mẹ, anh chị em ruột hoặc trẻ em bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao.



Biến chứng

Ung thư phổi có thể gây ra các biến chứng, như:

    • Khó thở. Những người bị ung thư phổi có thể bị hụt hơi nếu bướu ung thư phát triển lớn, chặn đường thở chính. Ung thư phổi cũng có thể làm cho chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm phổi bị khó khăn hơn khi hít vào.

    • Ho ra máu. Ung thư phổi có thể gây ra chảy máu trong đường thở, khiến bệnh nhân ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên trầm trọng. Có phương pháp điều trị để kiểm soát chảy máu.

    • Đau đớn. Ung thư phổi tiến triển lan đến niêm mạc phổi hoặc đến một khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, có thể gây ra đau.

Nói với bác sĩ của bạn nếu bạn gặp đau. Đau có thể ban đầu là nhẹ và không liên tục, nhưng có thể trở nên liên tục.



Người khỏe mạnh có nên đi truy tầm ung thư phổi không?

Một số tổ chức khuyên những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên đi chụp hình CT scan để tìm ung thư phổi. Nếu bạn 55 tuổi trở lên và hút thuốc hoặc từng hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ của việc truy tầm ung thư phổi.

Một số nghiên cứu cho thấy truy tầm ung thư phổi có thể giúp cứu sống bệnh nhân bằng cách tìm ra bệnh ung thư sớm, khi nó có thể được điều trị thành công hơn. Nhưng các nghiên cứu khác cho thấy việc truy tầm ung thư phổi nơi người khỏe mạnh thường tìm thấy những “bệnh” khác, lành tính hơn nhưng thường dẫn đến việc phải làm nhiều thử nghiệm khiến mọi người lo lắng không cần thiết.



Các thử nghiệm chẩn đoán ung thư phổi

Nếu có lý do để nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư phổi, bác sĩ có thể yêu cầu một số thử nghiệm tìm tế bào ung thư và loại bỏ các tình trạng khác. Để chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ có thể đề nghị:

    • Thử nghiệm hình ảnh. Chụp quang tuyến X phổi có thể cho thấy một khối u bất thường hoặc hạch trong phổi. Chụp CT scan có thể cho thấy những tổn thương nhỏ trong phổi của bạn không thấy tronghình quang tuyến X.

    • Tế bào đờm. Nếu bạn bị ho có đờm, xét nghiệm đờm dưới kính hiển vi đôi khi có thể cho thấy các tế bào ung thư phổi.

    • Mẫu mô (sinh thiết)

BS Nguyễn Thị Nhuận

Còn tiếp

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9604

Bài gửiGửi: Mon Jun 19, 2017 9:49 pm    Tiêu đề: Vài điều cần biết về ung thư phổi (tiếp theo và hết)

Vài điều cần biết về ung thư phổi

(tiếp theo và hết)


Khi ung thư phổi đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh ung thư để giúp bạn và bác sĩ quyết định cách điều trị nào là thích hợp nhất.

Bác sĩ có thể dùng các thử nghiệm gồm CT scan, MRI, PET và chụp cắt lớp xương.



Các giai đoạn của ung thư phổi

    • Giai đoạn I. Ung thư giới hạn ở phổi và không lan đến các hạch bạch huyết. Khối u nói chung nhỏ hơn 2 inch (5 cm).

    • Giai đoạn II. Khối u ở giai đoạn này có thể lớn hơn 2 inch, hoặc khối u nhỏ hơn nhưng lan đến các cấu trúc gần đó, chẳng hạn như thành ngực, màng phổi hoặc lớp màng xung quanh phổi (pleura). Ung thư cũng có thể lan ra các hạch bạch huyết lân cận.

    • Giai đoạn III. Khối u ở giai đoạn này có thể đã phát triển rất lớn và xâm chiếm các cơ quan khác gần phổi. Hoặc giai đoạn này có thể gồm một khối u nhỏ đi kèm với các tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết cách xa phổi hơn.

    • Giai đoạn IV. Ung thư đã lan ra ngoài đến phổi bên kia hoặc các vùng nơi xa trong cơ thể.

Ung thư phổi tế bào nhỏ đôi khi được mô tả là bị giới hạn hoặc lan rộng. Giới hạn tức là ung thư được giới hạn ở một phổi. Mở rộng tức là ung thư đã lan rộng ra ngoài phổi.



Điều trị

Kế hoạch điều trị ung thư dựa trên một số yếu tố, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, loại và giai đoạn của bệnh ung thư, và sở thích của bệnh nhân. Các chọn lựa thường bao gồm một hoặc nhiều phương pháp điều trị như giải phẫu, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị bằng thuốc có chủ đích.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể chọn không điều trị. Họ có thể cảm thấy rằng các phản ứng phụ của điều trị lớn hơn lợi ích. Khi đó, bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc thoải mái, điều trị chỉ những triệu chứng ung thư đang gây ra, chẳng hạn như đau hoặc thở dốc.



Chăm sóc hỗ trợ (Palliative Care)

Bệnh nhân ung thư phổi thường phải chịu đựng những triệu chứng của ung thư cũng như các phản ứng phụ của điều trị. Chăm sóc hỗ trợ, còn được gọi là chăm sóc nhẹ, là một lĩnh vực chuyên môn của y khoa bao gồm việc làm việc với bác sĩ để giảm thiểu các triệu chứng của bệnh nhân. Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân gặp một nhóm chăm sóc nhẹ ngay sau khi chẩn đoán bệnh để bảo đảm rằng bạn đang cảm thấy thoải mái trong và sau khi điều trị ung thư.

Trong một nghiên cứu, những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã lan rộng bắt đầu nhận chăm sóc hỗ trợ ngay sau khi chẩn đoán của họ sống lâu hơn những người tiếp tục những điều trị như hóa trị và xạ trị. Những người nhận chăm sóc hỗ trợ cho biết đã cải thiện tâm trạng và phẩm chất cuộc sống. Họ sống trung bình gần ba tháng lâu hơn những người được chăm sóc như truyền thống.

Bạn có thể lo rằng việc chăm sóc nhẹ có nghĩa là không điều trị ung thư tích cực. Nhưng thay vì thay thế các phương pháp điều trị, chăm sóc nhẹ sẽ bổ sung cho việc điều trị ung thư của bạn và có thể giúp bạn hoàn thành các phương pháp điều trị.



Hụt hơi

Nhiều người bị ung thư phổi cảm thấy phải thở dốc tại một thời điểm nào đó. Các phương pháp điều trị, chẳng hạn như cho hít thêm oxygen, và các loại thuốc có sẵn để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, nhưng không phải lúc nào cũng đủ. Để đối phó với hơi thở ngắn, bệnh nhân có thể:

    • Thử thư giãn. Cảm giác thở hụt có thể rất đáng sợ. Nhưng sợ hãi và lo lắng chỉ làm cho khó thở hơn. Khi bạn bắt đầu cảm thấy không thở được, hãy thử quản lý sự sợ hãi bằng cách chọn một hoạt động giúp bạn thư giãn. Nghe nhạc, tưởng tượng nơi nghỉ mát yêu thích của bạn, thiền định hay nói lời cầu nguyện.

    • Tìm một vị trí thoải mái. Nghiêng về phía trước có thể cảm thấy dễ thở hơn.

    • Tập trung vào hơi thở. Khi bạn khó thở, nên tập trung tâm trí vào hơi thở. Thay vì cố gắng hí vào làm đầy phổi, nên tập trung vào việc di chuyển các bắp thịt thở như hoành cách mô (diaphragm) tức phình bụng và hóp bụng

    • Tiết kiệm năng lượng cho những gì quan trọng. Nếu bị khó thở, bạn có thể bị mệt dễ dàng. Cắt bỏ các công việc không cần thiết trong ngày để có thể tiết kiệm năng lượng cho những gì cần phải làm.

Cho bác sĩ của bạn biết là bạn cảm thấy khó thở hoặc nếu triệu chứng tăng lên vì có rất nhiều phương pháp điều trị khác để giảm bớt sự thở hụt hơi.

Các cách điều trị ung thư phổi bổ sung và thay thế không thể chữa ung thư của bạn nhưng có thể được kết hợp với sự chăm sóc của bác sĩ để giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng.



Những phương pháp khác

American College of Chest Physicians khuyên những người bị ung thư phổi nên xem xét thêm cách trị liệu bằng Châm Cứu, Xoa Bóp, Thiền và Yoga.



Những điều nên làm

Bị chẩn đoán ung thư có thể làm bạn choáng váng. Với thời gian bạn sẽ tìm cách để đối phó với những căng thẳng và không chắc chắn của bệnh ung thư. Cho đến lúc đó, bạn có thể:

    • Tìm hiểu đầy đủ về ung thư phổi để quyết định về việc chăm sóc của bạn. Hỏi bác sĩ về ung thư phổi của bạn, bao gồm các lựa chọn điều trị và, nếu bạn muốn, tiên lượng của bạn. Khi bạn tìm hiểu thêm về bệnh ung thư phổi, bạn có thể tự tin hơn trong việc quyết định điều trị.

    • Giữ bạn bè và gia đình gần gũi. Giữ các mối quan hệ gần gũi sẽ giúp bạn đối phó với ung thư phổi. Bạn bè và gia đình có thể cung cấp sự hỗ trợ thực tế mà bạn cần, chẳng hạn như giúp chăm sóc nhà của bạn nếu bạn ở trong bệnh viện cũng như cung cấp sự hỗ trợ tinh thần khi bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi ung thư.

    • Tìm ai đó để nói chuyện. Tìm một người nghe sẵn sàng lắng nghe bạn nói về hy vọng và sợ hãi của bạn. Đây có thể là một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình. Sự quan tâm và hiểu biết của một cố vấn, nhân viên y tế xã hội, các vị lãnh đạo tinh thần hoặc nhóm hỗ trợ ung thư cũng có thể hữu ích.

    • Hỏi bác sĩ về các nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn. Hoặc kiểm tra sổ điện thoại, thư viện hoặc tổ chức ung thư, chẳng hạn như Viện Ung thư Quốc gia hoặc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.



Ngăn ngừa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ của bạn nếu bạn:

    • Không hút thuốc. Nếu bạn không bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu. Nói chuyện với con của bạn về việc không hút thuốc. Bắt đầu trò chuyện về nguy cơ của việc hút thuốc với con của bạn sớm để chúng biết cách phản ứng với áp lực của bạn bè.

    • Ngưng hút thuốc ngay. Việc bỏ hút làm giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong nhiều năm. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chiến lược và các thuốc hỗ trợ hút thuốc lá để giúp bạn bỏ thuốc lá. Các lựa chọn bao gồm các sản phẩm thay thế nicotine, thuốc men và các nhóm hỗ trợ.

    • Tránh khói thuốc lá. Nếu bạn sống hoặc làm việc với một người hút thuốc, khuyên người đó phải bỏ thuốc lá. Ít nhất, hãy yêu cầu người đó hút thuốc bên ngoài. Tránh những khu vực có nhiều người hút thuốc chẳng hạn như quán bar và nhà hàng.

    • Kiểm soát chất radon trong nhà. Hãy đo mức radon trong nhà, đặc biệt nếu bạn sống trong một khu vực mà radon là một vấn đề. Mức radon cao có thể được chữa để làm nhà bạn an toàn hơn. Để biết thông tin về thử nghiệm radon, hãy liên lạc với phòng y tế công cộng địa phương hoặc một chương địa phương của Hiệp Hội Phổi Hoa Kỳ (American Lung Association.

    • Tránh các chất gây ung thư tại nơi làm việc. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm chất độc hóa học tại nơi làm việc. Tuân theo các biện pháp phòng ngừa. Ví dụ, nếu bạn được cho một mặt nạ để bảo vệ, hãy luôn luôn mang nó. Hỏi bác sĩ của bạn những gì khác hơn mà bạn có thể làm để bảo vệ mình trong công việc. Nguy cơ bị tổn thương phổi do các chất sinh ung thư nơi làm việc tăng lên nếu bạn hút thuốc.

    • Ăn đầy đủ trái cây và rau cải. Dùng vitamin và chất dinh dưỡng thiên nhiên là tốt nhất. Tránh dùng liều vitamin lớn trong dạng viên, vì chúng có thể có hại. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu hy vọng giảm nguy cơ ung thư phế quản ở những người hút thuốc nặng đã cho họ uống thêm thuốc bổ sung beta carotene. Kết quả cho thấy việc này thực sự làm tăng nguy cơ ung thư ở người hút thuốc lá.

    • Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn không tập thể dục đều đặn, hãy bắt đầu từ từ. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân