TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ngắm núi lửa Asama ở Nhật
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ngắm núi lửa Asama ở Nhật

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat May 20, 2017 2:27 pm    Tiêu đề: Ngắm núi lửa Asama ở Nhật

Ngắm núi lửa Asama ở Nhật

Núi Asama vào Thu. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Asama là tên một ngọn núi lửa nổi tiếng nằm trong tỉnh Gunma của Nhật. Núi nổi tiếng không phải vì dáng núi đẹp mà chỉ vì “lòng núi” còn nhiều uất hận với thế gian nên núi liên tục giận dữ chấn động và thở những cơn khói giận lên cao vút trời xanh bất cứ lúc nào mà không ai tiên đoán trước được.

Mỗi lần núi nổi giận là mỗi lần dân tình run sợ. Tuy nhiên sau các cơn giận dữ, thần núi lại làm lành với đời sống nhân gian và thiên nhiên. Asama-yama (“yama” có nghĩa là núi) đã để lại cho người dân Nhật ngoài tro bụi phì nhiêu cho nông nghiệp, núi còn để lại một thắng cảnh nổi tiếng “Onioshidashi Park,” một công viên lạ lùng trong tỉnh Gunma ngay sát cạnh với thành phố cao nguyên Karuizawa của Nhật.

Ngày thuở còn ngồi trong ghế nhà trường trung học, tôi vẫn tưởng rằng núi là một biểu tượng cho sự bền vững, không điều gì có thể lay chuyển đổi dời núi được, vì thế có người mới dùng hình ảnh núi để ví von về sự vững bền của tình cảm yêu thương. Từ khi có cơ duyên gặp gỡ ngọn núi Asama, trong lòng tôi chợt nhớ về bài thơ “Tự Tình” của nhà thơ Ðỗ Quý Toàn: “Hãy yêu chàng như núi/ Núi nào có biết gì/ Núi nằm đó yên ngủ/ Ðã hàng muôn năm qua.”


Dãy núi Asama & Kurofu có hình dáng Phật đang nằm ngủ.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Nhưng núi có thật yên ngủ hay không! Sống ở Nhật một thời gian vừa đủ dài để tôi tìm được câu trả lời, không có ngọn núi nào yên ngủ hàng muôn năm qua cả.

Năm 1783, không biết đất trời đã trêu chọc gì đến Asama mà núi đã nổi một trận thịnh nộ dữ dội tàn phá hết cả một vùng rộng lớn, chôn vùi cả một ngôi làng dưới chân núi, cướp đi sinh mạng gần 1,500 người dân làng.

Dòng dung nham chảy ộc ra từ miệng núi và lan rộng chảy dài đến cả 6 km. Không những thế, núi còn phun bắn ra ngoài những tảng đá núi lửa lăn theo dòng chảy dung nham chiếm đến một khoảng rộng gần 7 km vuông ngay dưới chân núi.

Hơn 200 năm trôi qua, dòng chảy dung nham và các tảng đá núi lửa nguội lạnh dần và tạo ra một vùng không gian nham thạch đen xám ngay phía dưới chân Asama. Có lẽ sự tàn phá của núi Asama quá lớn, người Nhật đặt tên cho vùng này là “Quỷ Áp Suất,” tên Nhật là “Onioshidashi.” Oni có nghĩa là quỷ, oshi có nghĩa là áp đẩy/phun, dashi có nghĩa là xuất ra. Ba chữ “Quỷ Áp Suất/Onioshidashi” có nghĩa là quỷ được phun đẩy ra ngoài...

Tôi không hiểu người ta muốn ám chỉ thần núi Asama là “quỷ” hay cơn thịnh nộ của thần núi là “quỷ dữ” khi thần núi đã phóng ra nguồn lửa dung nham tàn phá dân lành, giết chết quá nhiều sinh linh trong một khoảnh khắc quá nhanh.

Người Nhật vốn là con cháu Thái Dương Thần Nữ, họ tin vào thần và cho rằng thần hiện diện khắp mọi nơi. Vì thế, Asama-yama cũng là một vị thần núi như bao nhiêu vị thần núi khác.

Phải chăng ranh giới giữa thần và quỷ chỉ là cơn thịnh nộ! Tôi nhớ đến một câu nói trong triết lý Phật Giáo “bỏ gươm xuống là thành Phật.” Tiếc rằng thần núi Asama đã chẳng buông gươm vào năm 1783! Dân làng đã tạo ra một hình ảnh quỷ dữ vối các hàm răng nanh luôn dọa nạt con người. Hình ảnh này bây giờ trở thành một biểu tượng cho công viên Onioshidashi.


Chùa Quan Âm trên đỉnh Onioshidashi Park.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Thời gian trôi qua, các tảng đá núi lửa và các dòng dung nham đã kết cấu lại tạo ra nhiều tảng đá hình thù khác lạ, chồng chất lên nhau nằm trên một diện tích khá lớn như đã kể trên.

Năm 1958, dân làng cho xây một ngôi chùa Quan Âm trên giữa đỉnh cao nhất của Onioshidashi để cầu siêu cho những người đã bị quỷ dữ nuốt chửng. Ðồng thời, người ta làm thêm các lối đi vòng quanh khu vườn đá này, biến Onioshidashi thành địa danh “công viên Onioshidashi” để thu hút du khách. Buổi chiều đứng trên đỉnh đồi Quan Âm, nghe tiếng chuông chiều Onioshidashi vang vọng tạo cho tâm tư du khách một niềm tĩnh lặng thật kỳ lạ.


Bản đồ công viên Onioshidashi tại Karuizawa, Nhật Bản.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Ðến Onioshidashi, bạn nên đi theo bản đồ chỉ dẫn để có thể thưởng ngoạn hết cảnh đẹp nơi đây. Những tảng nham thạch (đá núi lửa) to lớn với những hình thù không giống nhau nằm ngổn ngang không thứ tự. Sau lưng chúng là ngọn Asama sừng sững với nét mặt ngạo nghễ như thách thức người thưởng ngoạn.

Tuy nhiên, dù thần Asama có phóng ra những con quỷ hung tợn, dùng dung nham nóng chảy đỏ rực tàn phá tất cả sinh linh dưới chân đồi núi, nhưng thần cũng đã không giết chết được hết đời sống các rừng cây. Ðời sống của các cây tùng bách, các cây hoa, các đám rêu xanh tươi vẫn len lỏi qua các đường kẽ nứt của đá vươn cao ra, khoe màu sắc mỗi khi trời đất đổi mùa. Không gian mùa Thu-Xuân của Asama-yama làm tôi nhớ thêm những vần thơ cũng của nhà thơ họ Ðỗ: “Khi núi thức mùa Xuân/ Hãy yêu chàng như cỏ/ Cỏ ngây ngất mọc đầy/ Tràn bao quanh trái đất.”


Cây tùng sống trên tảng đá núi lửa Asama.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Không gian của Asama-yama không có nước, thế mà cây cỏ và hoa vẫn cố vươn mình lên để sống. Ðiều làm tôi ngạc nhiên và thích thú nhất là đứng quan sát sự sống của các cây tùng bách mọc ra từ các khẽ nứt của các tảng nham thạch. Có nhiều cây tùng bách không to cao lắm, nhưng tuổi cây quả không ít chút nào! Tôi đoán có những cây tùng đã già đến cả hơn trăm tuổi. Cây mọc ra và sống trong kẽ đá, rễ không nước mà chỉ sống nhờ sương gió và tuyết của mùa Ðông vì thế sự phát triển của cây rất chậm.

Hình ảnh cây tùng bách đứng trơ trọi trên đỉnh đá cao Onioshidashi khiến tôi liên tưởng đến ngay cây Lonely Cypress của Pebble Beach vùng Monterey, California (Hoa Kỳ). Cây Cypress đơn độc này đã đứng ngắm đất trời trên vùng biển Pacific cũng khoảng 200 năm nay.

Tuy hình ảnh Lone Cypress Tree của Pebble Beach đẹp và đơn độc thật đấy, nhưng nỗi cô đơn của nó hình như vẫn không thể nào so sánh được với cây tùng bách ở Onioshidashi. Lone Cypress vẫn còn có biển vỗ về, có núi cao đứng ngắm cuộc đời, có khí hậu tuyệt vời của nắng California sưởi ấm nó mùa Ðông.

Ở Onioshidashi thì không như thế, tuyết lạnh của mùa Ðông, khô cằn của mùa Hạ, lá rụng của mùa Thu. Tiết trời bốn mùa tuy cũng làm thay đổi không gian của đá lẫn cỏ cây, nhưng tất cả chỉ làm tăng thêm nỗi đơn độc của tùng bách giữa trời xanh và bốn bề đồi núi. Vậy mà tôi lại nhận thấy rõ ràng sắc màu tùng bách của Onioshidashi xanh tươi và dịu dàng hơn hẳn Lone Cypress Tree của Monterey.

Bên cạnh những cây tùng bách, tôi còn nhìn thấy những mảng rêu xanh tươi bám trên một vài tảng đá núi lửa, dường như chúng mới có sự sống thời gian chưa được bao lâu. Mùa Thu về, các rừng cây đổi màu vàng đỏ làm vàng ửng cả không gian Asama-yama.

Nhìn đời sống “rong rêu tùng bách” ở trong những kẽ nứt của tảng đá dung nham đen xám khô cằn, tôi chợt nhận thấy ngay cả cây cỏ cũng phải phấn đấu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên giữ lại sự sống. Sự chết thật là dễ dàng, sự sống mới thực là khó!

Ðể bảo tồn sự sống, các loài sinh vật, thực vật phải trải qua muôn vàn khó khăn mới có thể vươn lên tồn tại được. Ðể sống còn, con người nhiều khi phải thi vị hóa với thiên nhiên bốn mùa để quên đi những nhọc nhằn trong đời sống, quên đi những ưu phiền thất bại giữa tâm tư: “Lấy mùa Ðông làm xương/ Mùa Xuân làm da thịt/ Mùa Thu làm mắt xanh tóc biếc/ Mùa Hạ làm máu chảy ấm tim” (“Tự Tình,” Ðỗ Quý Toàn).


“Mặt quỷ dữ” tượng trưng cho công viên đá Onioshidashi.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Nói nhiều về quỷ dữ Onioshidashi mà không nói đôi chút về thần núi Asama thì cũng không phải lẽ. Núi Asama không cao lắm nếu đem so với ngọn Phú Sĩ Sơn (cao 3,776 m). Asama chỉ cao 2,568 m và nằm bên cạnh ngọn núi láng giềng Kurofu cao 2,405 m. Hai ngọn núi này nằm kề nhau nhưng vô tình lại tạo ra một hình dáng giống như Ðức Phật đang nằm ngủ, nên người ta còn cho chúng thêm cái tên Sleeping Budda.

Ngoài ra, Asama-yama được xếp vào hạng núi lửa “hoạt động” nhiều nhất, có nghĩa thần núi Asama dư thừa năng lượng tro bụi, dung nham trong lòng nên thần dễ nổi giận với thiên nhiên và con người. Thêm một điều nữa, có lẽ vì đặc tính “tàn phá dữ dằn” của núi, tên của thần núi cũng được dùng đặt cho một chiến hạm hoàng gia Nhật là Asama Ship. Asama-yama cũng có tên trong danh sách 100 ngọn núi nổi tiếng của Nhật.

Ngày nay ngọn núi Asamayama và công viên đá núi lửa Onioshidashi hợp nhất lại thành một địa danh cao nguyên nổi tiếng dành cho du khách thưởng ngoạn. Không gian ở đây cho tôi cảm nhận được sự hiệp nhất của thần, Phật, quỷ, người và rêu xanh giữa lòng trái đất...

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân