TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Biển mai còn có cá cơm?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Biển mai còn có cá cơm?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Mon May 08, 2017 1:05 pm    Tiêu đề: Biển mai còn có cá cơm?
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Biển mai còn có cá cơm?


Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có nghề truyền thống làm nước mắm và là cường quốc nước mắm, người Việt ở Mỹ thường hay nói với nhau rằng “Người mình nói tiếng Mỹ có mùi nước mắm”. Với chiều dài bờ biển cận nhiệt đới hơn 3,260 km (tương đương 2,027 dặm) thì nguồn lợi thủy sản từ biển của Việt Nam rất là phong phú, tràn trề luôn, trong đó cá cơm thì nhiều không kể xiết.

Con nít ở vùng quê biển như tôi, đứa nào cũng biết bài vè này: “Nghe vẻ nghe ve nghe vè loài cá/ No lòng phỉ dạ, là con cá cơm/ Không ướp mà thơm, là con cá ngát/ Liệng bay thoăn thoắt, là con cá chim/ Hụt cẳng chết chìm, là con cá đuối/ Lớn năm nhiều tuổi, là cá bạc đầu/ Ðủ chữ xứng câu, là con cá đối/ Nở mai tàn tối, là cá vá hai/ Trắng muốt béo dai, là cá úc thịt/ Dài lưng hẹp kích, là cá lòng tong/ Ốm yếu hình dong, là con cá nhái/ Thiệt như lời vái là con cá linh...



Kêu là cá cơm vì nó nhỏ từ đầu đũa ăn cơm cho đến lớn nhứt bằng ngón tay út, mềm mại, màu trắng tinh khôi lấp lánh, thịt ngon ngọt và mềm, lành tính, ví như hột cơm ăn mỗi ngày. Từ thuở xa xưa, người Việt đã biết tận dụng lợi thế này, cá cơm nhiều quá, người ta bèn nghĩ ra đủ kiểu để ăn liền tại chỗ và tích trữ trong mùa mưa bão, trái gió trở trời. Vậy là các món cá cơm kho tiêu, cá cơm lăn bột chiên giòn, cá cơm chiên trứng, mắm cá cơm, nước mắm cá cơm, khô cá cơm... lần lượt ra đời.

Cá cơm tươi trong mua ở chợ về cho vô rổ tre, nhúng rổ vô thau nước, dùng nắm lá chuối khô cầm trong tay chà cho cá chạy vòng vòng trong rổ, cọ xát giữa rổ tre và nắm lá chuối cho tróc vảy cá, rồi đem rửa sạch để ráo nước. Sau đó ướp gia vị là chút đường, muối, bột ngọt (tùy khẩu vị), chút bột ngũ vị hương cho cá thơm, để chừng ba chục phút cho thấm gia vị. Khi ướp gia vị cá sẽ ra nước, vì vậy đổ cá trở ra rổ để cá bớt nước, nhưng không cần để cho cá ráo nước, có chút nước thì bột chiên mới dính chặt vô thân con cá được. Cho cá trở vô thau, rắc thêm bột mịn vô thau trộn đều cho bột bám dính đều khắp con cá. Hồi xưa bà ngoại tôi lấy bột gạo khô đã rây mịn trộn vô cá. Sau đó bột mì do người Pháp đem vô Việt Nam phổ biến đến vùng quê thì bà ngoại chuyển qua xài bột mì để chiên cá cho nó giòn hơn. Bây giờ các chợ đều có bán bột giòn đóng gói (đã pha chế sẵn) dùng để chiên giòn thức ăn thì xài bột giòn này chiên còn giòn ngon hơn nữa.



Bắc chảo lớn và sâu lòng lên bếp, đổ dầu ăn (hoặc mỡ heo) vô chảo nhiều như ta chiên chuối chiên, bánh cống, tùy theo số lượng cá muốn chiên nhiều hay ít, chảo bao lớn mà đổ dầu (mỡ nước) vô chừng một phần tư, một phần ba tính từ đáy chảo lên thành chảo là vừa. Cho lửa hơi lớn một chút nhưng đừng lớn quá, lửa liếm lên thành chảo là sẽ phụt vô chảo gây cháy đa. Chờ cho dầu (mỡ) sôi lên thì dùng đũa dài gắp từng con cá thả vô chảo chiên, thả cá vô chảo cho đến khi bề mặt chảo kín cá thì thôi. Dùng đũa đảo và trở cho con cá vàng đều, thấy màu vàng chuyển sang hơi sậm một chút thì vớt cá lên cái vỉ sắt gác ngang trên mặt chảo cho cá nhỏ hết dầu (mỡ) xuống chảo, như vậy cá mới thiệt giòn. Thấy cá đã ráo hết dầu (mỡ) thì gắp bỏ qua cái dĩa (hoặc tô lớn) bằng sứ, lấy chỗ cho lượt cá mới lên. Cứ làm như vậy lần lượt đến hết thau cá.

Chỗ dầu (mỡ) còn thừa trong chảo chờ nó nguội rót vô hũ thủy tinh đậy nắp kín đem cất, nhớ bỏ cặn lại. Phần dầu dư này ta có thể tận dụng chiên lại lần thứ hai hãy bỏ.

Bây giờ là lúc ta có thể thưởng thức từng con cá cơm còn nóng thơm phức, nhai cứ giòn rụm trong miệng. Ăn với cơm trắng, rau luộc hay canh đều rất ngon. Cá chiên và rau luộc, canh sẽ trung hòa mùi vị với nhau, làm cho món ăn trở nên ngon hơn. Ðừng ăn cá chiên với rau đậu xào, cả hai thứ đều khô và có dầu (mỡ) thì bị “đụng hàng”, ăn ngán lắm, lại dễ bị khô cổ, sẽ cảm thấy mất ngon đi. Nếu thấy lạt có thể chấm thêm với xì dầu. Một cách thưởng thức khác là cuốn cá chiên với bánh tráng dẻo, bún tươi, rau sống, chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt ăn cũng bá chấy lắm đó.

Có thể làm món cá cơm chiên trứng bằng cách ướp cá (như ở trên) xong đổ cá ra rổ cho ráo nước. Ðập trứng gà (hoặc trứng vịt) vô cái thau, cùng với chút bột mì hoặc bột bắp (để tăng độ kết dính) đánh cho tan đều bột với trứng. Xong đổ cá vô thau trứng vừa đánh, trộn đều. Cho dầu (mỡ) vô chảo, chờ sôi lên rồi lấy cái dá cỡ trung múc từng dá cá và trứng thả cho chạy từ từ vô chảo, sao cho nó có hình dáng tròn tròn hay hình elip cũng được, lớn cỡ một nửa bàn tay là vừa. Như vậy, cá dễ chín và có độ giòn xung quanh miếng cá chiên hơn là ta làm một miếng bự chà bá lửa nó sẽ không giòn phần chính giữa.

Tôi đi chợ thấy có bán cá cơm đông lạnh đóng trong vỉ, mỗi vỉ chừng nửa ký lô, xuất xứ từ Việt Nam, có chợ còn bán cá cơm xuất xứ Trung Quốc nữa mới ghê chớ. Mà hỡi ơi, với tình trạng biển Việt Nam nhiễm độc từ Bắc vào Nam như thế này, ai mà dám ăn hải sản xuất xứ từ Việt Nam chớ. Nhất là từ sau vụ Formosa làm chết biển miền Trung, nhà máy giấy của Trung Quốc làm nhiễm độc nguồn nước và bầu không khí, khiến cư dân tỉnh Hậu Giang đi ngủ phải trùm đầu bằng bọc nilon, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì cứ một mực khẳng định “đảm bảo an toàn”, thôi thì hải sản biển cứ để cho quan chức Việt Nam “ăn đóng phim” lừa dân chúng, chớ thế giới tự do chẳng có ai bị lừa mà ăn hải sản Việt Nam nữa. Thấy cá lòng tong Canada, con bự gấp đôi con cá cơm Việt Nam, đông lạnh đóng vỉ (nửa ký lô) giá bán rẻ có $2.5, mua cá này về làm giống như ở trên ăn cũng ngon như thường, mà lại đảm bảo an toàn, vừa ăn vừa tưởng tượng đó là cá cơm Việt Nam cũng được, “Có còn hơn không, có còn hơn không” (Thơ: Nguyễn Tất Nhiên).



Nhìn cảnh những ngư dân Việt Nam, nam giới đem thân đi ở đợ xứ người (được nhà cầm quyền gọi bằng cụm từ mỹ miều “xuất khẩu lao động”), phụ nữ qua các nước láng giềng bán thân, ai không còn sức lực, con cái đùm đề còn bé níu chân, tuổi chưa đủ lớn... thì ngày ngày ra biển ngồi bất lực nhìn những con thuyền đánh cá nằm úp trên bờ cát, hay nhìn mông lung ra biển xa giờ đã đổi từ màu xanh mát sang màu hồng, màu đỏ, màu vàng, màu đen... Họ là những phận người ngày mai này không biết sẽ về đâu, sẽ sống như thế nào, con cái học hành ra sao khi cái nghề duy nhất mà họ biết từ thuở lọt lòng đến giờ là ra khơi rồi trở về trên những chiếc thuyền đầy ắp cá, là lựa cá, chế biến cá và buôn bán cá. Những ngày no đủ, hạnh phúc ấy với họ giờ đây đã tan biến theo bọt biển. Tôi bâng khuâng chợt nhớ hai câu thơ đã đọc cách đây ba chục năm về trước (không nhớ tên tác giả): “Nước ròng thương bãi bơ vơ/ Xuồng ai xa lắc la lơ hỡi xuồng”. Xin mạn phép tác giả “nối điêu” thêm như vầy: Ai ơi nhìn lại cội nguồn/ Lẽ nào cam chịu cúi luồn khuyển ưng?

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân