TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - HÀ NỘI tháng 10 năm 1975 theo lời thuật của ...
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

HÀ NỘI tháng 10 năm 1975 theo lời thuật của ...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon May 08, 2017 8:44 am    Tiêu đề: HÀ NỘI tháng 10 năm 1975 theo lời thuật của ...



HÀ NỘI tháng 10 năm 1975 theo lời thuật của...


      HÀ NỘI tháng 10 năm 1975 theo lời thuật của...
      HÀ NỘI TÔI THẾ ĐÓ.

      Đó là tựa đề bài viết của Nguyễn Ngọc Lan (1930-2007), một nhân vật mà những ai tuổi đời từ 60 trở lên sinh sống ở Miền Nam không xa lạ gì vị linh mục này – nhưng năm 1976 ông đã bỏ áo tu sĩ và cưới vợ. Toàn văn bài Hà Nội Tôi Thế Đó đã được đăng trên tạp chí Đứng Dậy, 1976, TP. HCM, và Nguyễn Q. Thắng đã cho đăng lại hết nguyên văn từ trang 130 đến 143 trong VĂN HỌC VIỆT NAM NƠI MIỀN ĐẤT MỚI, (tập I, nxb Văn Học, 2008; khổ lớn: 16x24cm, chữ nhỏ).

      Vì bài viết rất dài, nên sau đây, trong khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ trích vài đoạn chính, để quí độc giả có dịp nhìn lại hình ảnh của Hà Nội quãng thời gian 42 năm trước, tức sau ngày 30-4-1975, theo lời mô tả của Nguyễn Ngọc Lan, mà Nguyễn Q. Thắng viết về vị linh mục này như sau: Trong những ngày tham gia các tổ chức chống chánh quyền Saigon có lúc ông ra vùng Giải phóng tham quan, nhưng những năm 90 ông bị chánh quyền quản thúc trong ba năm tại gia. ” (...) Và sau ngày 30 tháng tư năm 1975 có dịp cùng đoàn đại biểu TP. HCM ra thăm Hà Nội ông có bài: HÀ NỘI TÔI THẾ ĐÓ.
      (sách đã dẫn, tr. 118).

      ****
      “ Nếu: ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”thì hai mươi lăm ngày ở Hà Nội từ 30 tháng Chín đến 24-10-1975, càng không phải là nhiều.
      Nhưng đồng thời nếu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”thì trừ đi những giờ, những buổi ăn no ngủ kỹ quá đáng, tôi dám mạo muội nghĩ rằng qua chuyến về Hà Nội hai mươi lăm ngày vừa qua, mình đã thâu hoạch đựơc trên dưới 20 sàng khôn.

      (...)

      Cái sàng khôn thứ nhất của tôi là đầy chuyện nghèo của Hà Nội. Hà Nội tôi thế đó. Nghèo, rất nghèo.
      Vẫn phố Hàng Đào, vẫn phố Hàng Bạc nhưng...

      Cảm giác đầu tiên của những người đã từng sống ít nhiều ở Hà Nội là thành phố này kể như không thay đổi gì. Trên chiếc xe ca đưa chúng tôi từ sân bay Gia Lâm về thành phố, LM Nguyễn Huy Lịch, người duy nhất trong phái đoàn là con ruột của Hà Nội vì quê quán và sanh trửơng hoàn toàn ở đây cho đến ngày đi Pháp du học rồi về Sài Gòn, đã có thể nhận ra từng góc đường, góc phố, từng cơ sở kiến trúc của trên 20 mươi năm về trước. Mà không phải chỉ là khu Cửa Bắc hay bóng dáng hai ngọn tháp Nhà Thờ Lớn. Riêng tôi, một chiều chủ nhật, đã tìm về phố Jacquin của chín năm thơ ấu của mình. Chỉ có tên phố thay đổi: bây giờ là phố Ngô Thời Nhiệm. Còn hoàn toàn như cũ. “Lớn” nhất vẫn là vài ba căn nhà có gác như căn nhà gia đình tôi đã thuê ở 40 năm về trước, với giá – tôi còn nhớ rõ - 16đ, một phần năm hay phần sáu lương công chức của cha tôi. Con đường chỉ thêm bóng cây đó như thêm rợp bóng thời gian. Căn nhà xưa bây giờ chỉ thêm rêu phong. Cái “ban-công” nhỏ bé chỉ già cỗi hơn những thanh sắt hoen gỉ đến độ như không còn buồn hoen gỉ thêm nữa. Trong khoảnh khắc trên vỉa hè phố Ngô Thời Nhiệm tôi chợt thấy như thời gian đứng khựng lại không biết tự bao giờ, và cả con người mình từ bao nhiêu thay đổi suốt ba cuộc chiến trên đất nước này như bật trở lại trọn vẹn với những tháng ngày thơ ấu vô tư lự.

      Hàng Đào không lụa, Hàng Bạc không vàng.

      Thế nhưng có gì vẫn không như cũ. Nhiều chuyện không như cũ mà trước tiên và dễ thấy hơn cả là cái chuyện Hà Nội ngày nay thật nghèo. Và nếu Hà Nội vẫn phố Hàng Đào, vẫn phố Hàng Bạc thì để sát với thực tế còn phải thêm một câu phụ đề: nhưng Hàng Đào không lụa, Hàng Bạc không vàng. Có thể nói như vậy mà không chua chát, không mỉa mai. Nghẹn ngào một chút thì có. (...)

      (...) Ngay ngoài đường phố, cách ăn mặc giản dị. Quá giản dị. Dĩ nhiên chỉ có vải nội hóa là nhiều. Ông nào cũng như ông nào quần gọi là quần tây thì đều mặc, nhưng trông một màu khiêm tốn, có bạc màu, có rách vá cũng chẳng sao, chẳng cần ủi thẳng thớm. Đến 99% quần không có nếp. Các bộ trưởng, thứ trưởng cũng thế thôi, trừ trong những buổi lễ thật đặc biệt như ngày 2-9. (...) Lối ăn mặc quá giản dị như vậy là chỉ vì còn thiếu vải, còn nghèo.

      (...) Hà Nội còn thiếu ăn. Năm tháng sau ngày Hòa bình trọn vẹn, cơm vẫn phải độn 50% mì, tuy mì là bột mì, chứ không phải là khoai mì mà ngoài này gọi giản dị là sắn, còn cái gọi là sắn trong Nam thì ở miền Bắc gọi là củ đậu. Độn mì là một thực tế chứ không phải là chuyện chỉ nói để làm mủi lòng người dân Saigon chơi thôi. Miếng cá miếng thịt được cân kỹ từng lạng và bán theo phiếu rất giới hạn. Anh Hồ Ngọc Nhuận và tôi rảo ngang dọc hàng giờ vẫn không thấy cá tôm đâu hết. Có thể vẫn có hàng tôm hàng cá mà chúng tôi không thấy thế thôi. Nhưng sinh hoạt chung trong chợ cho chúng tôi cái cảm tưởng khá rõ rệt là số lượng cá thịt bán mua chưa hẳn đã bằng chỉ một phần chợ Phú Nhuận. Nước mắm cũng bán theo phiếu. Trong tất cả các hàng mậu dịch thực phẩm ở chợ Đồng Xuân, chỉ thấy chỗ bán muối là... tự do. Và tự do nghĩa là trẻ con nhiều hơn người lớn thật hỗn độn chen nhau tranh dành mua: 3 hào một gói. Các cô các bà không khỏe chen lấn thì đón mua lại 4 hay 5 hào cho được việc.

      (...) Chỉ vài hôm trước Tết Trung thu nhưng trong chợ vẫn vỏn vẹn một hàng bánh chiếm không quá mươi thước vuông. Chúng tôi nhìn theo một bà mẹ đến mua bánh. Bà cũng đưa phiếu, cũng trả tiền rồi cô bán hàng lôi từ những thùng giấy cứng ra hai chiếc bánh dẻo và hai chiếc bánh nướng, lấy giấy báo gói lại, giao cho khách hàng. Thế là xong, khỏi phải lựa chọn, khỏi mặc cả gì hết. Không có nhiều thứ. Không thể thấy một hàng bánh trung thu đạm bạc như thế ở Saigon. Mặc dù ở miền Bắc trẻ em vẫn đựơc Nhà Nước chiều chuộng đặc biệt. Và Tết của nhi đồng là Tết của nhi đồng hẳn nhiên chứ không bị biến thành Tết của người lớn, nhất là của các ông lớn như Sài Gòn những năm trước đây.

      (...) Hà Nội, nguyên quán của phở... Bắc. Dẫu sao theo nhận xét của chính bà con Hà Nội đã có dịp vào Saigon trong thời gian sau này thì phở Bắc ở Hà Nội bây giờ không sẵn và không ngon bằng phở Bắc Saigon.

      Nói gì đến các món không cần thiết, các chỗ uống cà phê rất hiếm mà phần lớn thì phải là dân nghiện cà phê ở thủ đô như các ông nhà văn nhà báo mới biết đường tìm tới. Thuốc lá không phải ở góc đường nào cũng có bán.

      Rượu còn hạn chế hơn nữa. Vì gạo chưa đủ cho dân ăn nên các loại rượu chỉ được sản xuất giới hạn để xuất cảng. Trên một kệ cao đằng sau quầy hàng, còn có những chai rượu cam, rượu chanh, rượu lúa mới, rượu nếp mới. Rượu cam, rượu chanh thì có đề giá sẵn. Nhưng những chai rượu cà phê, lúa mới, nếp mới hấp dẫn hơn thì lại thấy không để giá. Tôi ngạc nhiên hỏi giá thì người đứng bán hàng còn ngạc nhiên hơn vì câu hỏi ngớ ngẩn và phải một chập sau mới hoàn hồn để trả lời là thứ đó... không để giá vì chỉ bày ra mà không bán. Ngày về Saigon, chúng tôi có đem theo được vài chai rượu cà phê để đãi bạn bè là nhờ mua được ở khách sạn như... những người ngoại quốc!... ”

      Còn tiếp



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân