TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Có an toàn hơn với những bức tường ngăn cách biên giới?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Có an toàn hơn với những bức tường ngăn cách biên giới?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri May 05, 2017 10:37 am    Tiêu đề: Có an toàn hơn với những bức tường ngăn cách biên giới?

Có an toàn hơn với những bức tường ngăn cách biên giới?

Một phần hàng rào dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico


Trong khi Tổng thống Donald Trump kiên quyết xây dựng bức tường ngăn cách dọc biên giới Mỹ - Mễ thì có ý kiến cho rằng đây sẽ là khoản đầu tư đắt giá nhất nhưng lại kém hiệu quả an ninh nhất, thậm chí còn gây chia rẽ người dân trên toàn thế giới.

Ở tiểu bang Texas Hoa Kỳ, nhiều cử tri ủng hộ ông Donald Trump thế nhưng trong số đó lại rất ít người đồng ý với ông về kế hoạch xây dựng một bức tường chia cách biên giới với Mexico.

Dân biểu Will Hurd thuộc đảng Cộng hòa là một trong số những người chống lại kế hoạch của ông Trump. Ông Hurd đã làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gần 10 năm và nay ông nói, ông biết ít nhiều cái điều gọi là “chasing bad guys” (Truy đuổi những kẻ xấu xa). Ông khẳng định một bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mễ là quá tốn kém mà không hiệu quả.

“Trách nhiệm của chúng ta là bảo đảm rằng chúng ta đang tiêu từng đồng đô la tiền thuế một cách khôn ngoan. Nếu một bức tường như thế được thực hiện với chi phí từ 15 đến 40 tỷ đô la thì xin để tôi so sánh chuyện này bằng con số nhé. Toàn bộ ngân sách cho hoạt động tình báo Hoa Kỳ là 43 tỷ đô la. Có nhiều phần thuộc biên giới với Mexico, nơi mà đáng lẽ chúng ta cần đến những con ngựa thay vì một bức tường ngăn cách,” ông Hurd nói.


Bức tường ngăn cách Israel - Palestine


Ý tưởng của Donald Trump không có gì mới

Những rào cản vật chất đã từng có rất lâu cũng như sự tồn tại của con người, tính hiệu quả của nó đã được chứng minh trong việc bảo vệ các đường biên giới và ngăn chặn những kẻ thù và các vị khách không mời mà đến.

Tuy nhiên, những rào cản kiểu đó cũng kéo theo những hệ quả không mong muốn. Ví dụ như nó phá hoại quang cảnh thiên nhiên và đời sống động thực vật tự nhiên, ngăn cản những nạn nhân vô tội tìm kiếm sự an toàn.

Trong quá khứ, năm 2002 Israel cũng bắt đầu xây dựng một hàng rào tách biệt ở khu bờ Đông như một biện pháp đối phó theo sau hàng loạt các vụ đánh bom tự sát, giết chết hơn 15 người. Đến ngày hôm nay, đường ngăn cách an ninh này đã hoàn thiện được 550 cây số trong tổng cộng 726 cây số theo kế hoạch. Đường biên chưa được hoàn thiện thì hiện bảo vệ nghiêm ngặt bởi các binh sĩ Do thái.

Đại tá về hưu Danny Tirza, người thiết kế đường ngăn an ninh này, với biệt danh tại Israel là “Cha đẻ của hàng rào an ninh”, nói về chiến lược an ninh này.

“Hàng rào này thật ra được xây dựng chỉ để đối phó với khủng bố từ Palestine. Nó không phải là một đường biên giới. Đường biên giới thì sẽ phải được thông qua trên bàn đàm phán. Israel khẳng định đây không phải là một đường biên giới và phía Palestine cũng xác nhận điều đó. Vì vậy, chắc chắn là khi chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán thì hàng rào ngăn cách sẽ chỉ được coi là một điều để tham khảo chứ không phải là đường ngăn cách chính thức,” ông Tirza nói.

Ông Tirza nói hơn 1,500 người đã thiệt mạng trong hơn 4,000 cuộc tấn công xảy ra từ năm 2000 đến 2006.

Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2007, sau khi hàng rào an ninh được thiết lập và gần hoàn thiện thì đến nay chỉ xảy ra 35 vụ tấn công và khiến 28 người thiệt mạng.


Hungary xây dựng hàng rào ngăn cách biên giới với Serbia


Các làn ranh giới ngăn cách tại Châu Âu

Trong khi đó, Hungary cũng đã xây dựng các hàng rào an ninh ngăn cách biên giới với Serbia và Croatia vào năm 2015, khi mà mỗi ngày có đến hàng ngàn người tìm cách vượt qua biên giới chung này để đến nước Đức và các quốc gia Tây Âu khác.

Thủ tướng Viktor Orban được coi là nhân vật có quản điểm rất cứng rắn với vấn đề di dân và Hungary cho đến nay cũng chỉ tiếp nhận có khoảng vài trăm người tầm trú mỗi năm.


Bức tường tại đảo Cyprus ngăn cách Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ


Còn tại Cyprus, cũng đã có một đường ranh giới thỏa thuận quy mô lớn ngăn cách hòn đảo này, đường ranh giới kéo dài 180 cây số nối 2 đầu vùng bờ biển để phân chia khu vực phía Bắc ráp với Thổ Nhĩ Kỳ và phía Nam của Cyprus đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, khi vào đến thủ đô Nicosia của Cyprus thì đường ranh giới được quy định rõ ràng với bức tường chia cắt khu trung tâm với nhiều di tích thời trung cổ của thành phố.

Nghị viên thành phố Nicosia, Eleni Loucaidou nói bà hy vọng một ngày nào đó sẽ được thấy bức tường ngăn cách này không còn hiện hữu nữa.

“Đây là một tình trạng trái với tự nhiên nhất. Sự chia rẽ và chia cách. Nó chia cách con người ta và tước bỏ quyền tự do đi lại. Chúng tôi không sinh ra để sống trong điều kiện như thế này. Đó là điều trái với tự nhiên và tôi nghĩ đến một ngày nào đó thì chuyện này cũng sẽ chấm dứt vì nó đi ngược lại với quy luật tự nhiên,” bà Loucaidou nói.

Trong gần 3 thập niên, người Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ đã hầu như không hề có sự liên hệ nào. Đến năm 2003, những người Cyprus gốc Thổ đã đi tới các khu vực ngăn cách tương đối dễ dãi và một vài trạm kiểm soát đã được mở ra cho phép người qua lại giữa 2 phía. Tuy nhiên, để đi qua bức tường ngăn cách công dân của cả 2 phía phải có giấy tờ tùy thân hoặc sổ thông hành.

Một cư dân ở Nicosia, Christakis Partassides nói mọi người phải học để quen với cách sống chung với bức tường ngăn cách đó.

“Những cuộc thảo luận vẫn tiếp tục và chúng tôi chưa bao giờ nguôi hy vọng cho dù chưa có mất đồng bạc nào cho việc cá cược về tính khả thi của giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi vẫn phải sống chung với nó. Thật đáng tiếc nhưng chúng tôi đúng là phải sống chung với bức tường ngăn cách đó,” ông Partassides nói.


Quân đội Ấn Độ đang canh gác dọc Line of Control


Những hàng kẽm gai tại Châu Á

Trong khi đó ở Kashmir, một đường ngăn cách được gọi là Line of Control (Đường kiểm soát) được dựng lên từ 2 hàng dây kẽm gai vào năm 2003. Đường kiểm soát này cắt ngang qua các làng mạc, những khu rừng, cánh đồng và băng ngang dãy núi Himalaya. Mục đích của đường ranh giới này là chia biên giới thực tế giữa các khu vực tranh chấp thuộc Ấn Độ và Pakistan.

Chỉ trong vòng 2 năm, một hàng rào kẽm gai cao được xây dựng dọc theo 550 cây số chia cách khu vực tranh chấp giữa Ấn và Pakistan.

Quân đội Ấn Độ khẳng định rào ngăn cách đã tỏ ra thành công trong việc giảm số lượng các tay súng phiến quân băng xâm nhập, nhưng thực sự chưa hoàn toàn chấm dứt được việc này.


Một người lính canh gác biên giới Ấn Độ-Pakistan tại Attari, Punjab. Hình: IANS


Nhà hoạt động nhân quyền Khuram Parvez nói các hàng rào ngăn cách biên giới không bao giờ chấm dứt được việc xâm nhập.

“Dựng hàng rào ngăn cách không bao giờ có thể ngăn chặn được các tay súng phiến quân băng qua khu vực do Ấn Độ kiểm soát là Jammu và Kashmir hoặc ngược lại là xâm nhập vào Pakistan. Gia đình của những tay súng đó sống ngay gần các đường rào biên giới cũng chịu cảnh chia cắt bời vì chính đường rào gọi là Đường kiểm soát này. Chúng tôi đã chứng kiến những ngôi làng bị chia cắt, nhiều gia đình sống trong làng thật sự đã bị tách khỏi nhau ở 2 phía đường rào biên giới, nơi mà Ấn Độ vẫn tuyên bố là lãnh thổ của họ,” ông Parvez nói.

Chuyên viên nghiên cứu chính trị Gul Mohammed Wani từ Đại học Kashmir cho rằng hàng rào biên giới tranh chấp chính là tượng trưng cho nỗi khổ đau và chia rẽ.

“Các quốc gia không thật sự quan tâm, thậm chí là không hề bận tâm đến văn hóa, lịch sử và truyền thống. Họ cũng không đoái hoài đến cuộc sống chung gắn bó của người dân sống trong các vùng đó. Vì vậy, có thể hiểu rằng hàng rào phân giới chỉ cho thấy nỗi đau, sự chia rẽ, một thứ không bao giờ có tương lai bởi họ vẫn còn coi nhau là kẻ thù,” ông Mohammed Wani nói.

Greg Dyett, Xuân Ngọc

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân