TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trở lại đảo Galang
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trở lại đảo Galang

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9614

Bài gửiGửi: Tue May 02, 2017 10:24 am    Tiêu đề: Trở lại đảo Galang
Tác Giả: Gió Đồng Nội


Trở lại đảo Galang

Một bức tranh trong Bảo tàng viện – Nơi lưu giữ những kỷ vật của người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Galang


Nam Dương, một nơi hoàn toàn xa lạ với tôi nhưng rất quen thuộc với những đồng bào từng vượt biển, chạy trốn Cộng sản và từng trôi dạt vào đảo Galang, nơi đã trở thành chốn tạm trú cho hàng trăm ngàn người vào những năm 1979 đến 1996. Galang nằm phía Nam, là một trong những quần đảo của Batam.

Theo đúng chương trình đã định, sau khi nhóm chúng tôi hát ở Úc tại hai nơi Melbourne, và Sydney để gây quỹ giúp Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trùng tu, tảo mộ thuyền nhân thì lên đường đi thăm nghĩa trang các thuyền nhân nằm lại đảo Galang. Qua những chỉ dẫn từ nhà báo Lưu Dân và ông Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân, chúng tôi không gặp trở ngại gì khi tới nơi.


Ghé Phố mua nhang, đèn, bánh, kẹo trước khi đến nghĩa trang


Dù “láng giềng” với Nam Dương, chính quyền Singapore vẫn kiểm soát kỹ lưỡng những người ra, vào quốc gia họ. Rời phi trường Singapore (Tân Gia Ba), sau khi trình sổ thông hành, chúng tôi lên tàu nhỏ đi sang Batam, thuộc Nam Dương. Chiếc xe 14 chỗ ngồi đón chúng tôi, ghé vào phố để mua nhang, bánh kẹo, trái cây trước khi vào trại. Thuở còn người tỵ nạn, không có đường xe vào trại, phải đi bằng ghe, tàu. Ngày nay, có lẽ vì nhìn thấy mối lợi thương mãi, chính quyền Nam Dương đã cho xây 6 cầu, nối các đảo nhỏ lại với nhau để du khách dễ dàng thăm viếng hơn. Nhà cửa, cao ốc đang xây lên rất nhiều, Batam đã trở thành khu du lịch.


Bảo tàng thuyền nhân


Chỉ hơn 1 giờ, xe đưa chúng tôi đến nghĩa trang Galang. Không còn nhà, không còn lều hay bất cứ chứng tích gì chứng tỏ nơi đây đã từng có gần hai trăm ngàn người tỵ nạn Cộng Sản đặt chân đến, sống, và ra đi.



Không còn gì ngoài khu nghĩa trang, ngôi chùa, đài Ðức Mẹ và bảo tàng viện thuyền nhân. Ðể mắt tìm kiếm nơi tấm bia tưởng niệm đã bị phá hủy. Ðó là tấm bia đá hoa cương do 150 thuyền nhân đã đi định cư ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Gia Nã Ðại, Áo, Pháp, cùng về họp mặt tại trại tỵ nạn này vào tháng Ba năm 2005, đã góp tay dựng lên. Khắc trên tấm bia là những hàng chữ tiếng Mỹ (tôi xin tạm dịch): “Ðể tưởng nhớ hàng trăm ngàn thuyền nhân đã thảm tử trên đường vượt biển tìm tự do (1975-1996). Những người đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, kiệt sức, hay vì nhiều lý do khác. Cầu cho linh hồn họ vui hưởng hạnh phúc cõi an bình. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị quên lãng. Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại 2005”. Mặt bên kia ghi: “Chân thành cám ơn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tỵ Nạn (UNHCR), hội Hồng Thập Tự, hội Trăng Lưỡi Liềm Ðỏ Nam Dương và tất cả những cơ quan, tổ chức quốc tế, chính phủ và người dân Nam Dương cũng như những quốc gia đã chấp nhận cho người tỵ nạn định cư. Ðồng thời xin cám ơn hàng ngàn người trong những công việc giúp đỡ người tỵ nạn. Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại 2005”.


Tấm bia bị chính quyền Nam Dương đục bỏ dưới áp lực của CSVN


Tấm bia đá nói lên lý do thuyền nhân có mặt ở đây cùng lời tri ân sự giúp đỡ của nhiều người mà Cộng Sản Việt Nam xem đó là một bằng chứng cụ thể nhất chứng minh sự bạo tàn, dã man của họ. Chỉ hai tháng sau, vì áp lực của Cộng Sản Việt Nam, chính quyền Nam Dương đã cho đục tấm bia, mặc sự phản đối của đồng bào Việt ở hải ngoại. Tệ hơn thế, họ đã hủy bỏ hết tất cả những gì dính líu đến hai chữ tỵ nạn. Luôn cả bệ, tấm bia đá này nay đã mất tăm tích. Lối vào nghĩa trang chỉ là tấm bia xi măng trắng, viền vàng chữ đỏ đề “Nghĩa Trang Galang”. Ðến cây cột xi-măng cao, dựng ngay lối vào, trước đây sơn màu Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ cũng bị bôi thành đen với ba vạch trắng. Mái nhà tôn chỉ có một vách ở phía sau mới được sửa chữa lại để làm chỗ đặt hoa quả, nhang đèn cho người viếng mộ. Trại tỵ nạn chỉ còn có thế. Ðơn sơ như 503 ngôi mộ của trên một ngàn thuyền nhân vừa được sơn lại. Không phải là chết mỗi người mỗi mồ. Có ngôi mộ chứa xác cả gia đình, (khi ghe dạt vào bờ, tất cả đã chết nhưng tay còn cột dính với nhau vào mạn thuyền). Có mộ thê thảm hơn, chôn nguyên cả tàu vì không biết liên hệ mỗi người...


Khách viếng đang treo cờ Việt Nam Cộng Hòa lên tường xi-măng đã bị sơn lại màu trắng.


Chúng tôi sau khi cầu nguyện đã cùng nhau đi cắm nhang cho từng ngôi mộ hầu sưởi ấm phần nào linh hồn đồng bào đã thảm tử. Những tấm bia ghi lại: em bé sinh và chết cùng ngày. Vợ lập mộ chồng, con dựng mộ cha. Nhiều nấm mồ không tên. Nắng gay gắt trên đầu, khói nhang cuồn cuộn bốc lên, nước mắt chảy xuống. Cầu xin cho các linh hồn được yên nghỉ.


Thẻ căn cước


Ra khỏi nghĩa trang, bên kia đường là vài chiếc thuyền sau cùng (được nhập trại) còn đây. Màu sơn mới, số danh bộ của ghe vẫn còn. Xéo góc kia là xác chiếc ghe đã bị mối ăn, mọt đục, chỉ còn lại một nửa. Ở một nơi gọi là bảo tàng viện (không có chữ tỵ nạn), bên ngoài trông rất khang trang. Bên trong chẳng có gì ngoài một số vật dụng của đồng bào tỵ nạn còn lưu lại như chiếc cối đá, những quyển sách cũ, chảo, nồi méo mó, chén, dĩa, sứt mẻ và nhiều hình ảnh, tranh vẽ, treo trên tường. Không kể thùng quyên góp tiền của du khách (để giữ gìn nơi đây). Một khoảng sân khác, chỗ có bảng đề Catholic Church chỉ là khu đất trống hoác. Ngôi nhà thờ đã bị phá hủy? Tượng Ðức Mẹ, cũng vừa được sơn lại, đứng trên đài cao, gần bên Thánh Giá ngay cạnh. Hai băng gỗ (dùng làm ghế?) đặt phía trước. Không mái che mưa, nắng; Mẹ cũng nghèo (vật chất) như người tỵ nạn.

Ngoài những khu vực đã phát quang, dọn cỏ, sửa sang dành cho du khách, nơi đây đã mọc đầy cây dại, cỏ hoang trở lại như lúc trước khi có người tỵ nạn. Trại tỵ nạn Galang chỉ còn có thế.


Những chiếc ghe may mắn


Trên đường ra về, chúng tôi ghé thành phố. Giống như tất cả các nơi trên thế giới, phần lớn người giàu có sống ở thành phố với nhiều tiện nghi. Cũng xe hơi, nhà lầu hai, ba tầng. Một số đàn ông Nam Dương còn mặc váy (quấn), một số khác vẫn giữ thói quen sống chung 2, 3 đời dưới một mái nhà, có nhà thờ Tổ trong khu riêng. Nhiều nhà giàu xây miếu thờ ngay trong sân hay trên tầng cao nhất. Ðại đa số người dân không mấy khá giả, dân chúng sử dụng xe gắn máy làm phương tiện di chuyển. Ðường phố chật hẹp. Vẫn còn những thửa ruộng nhỏ với người cày ở những nơi xa thành phố.

Bác tài giới thiệu thức ăn. Ðặc biệt nổi tiếng, Nam Dương có món Baby Guling (giống y như heo sữa quay của VN). Da giòn như bánh tráng. Khác người Việt ở cách ăn. Họ tách da khỏi thịt, chặt da thành từng miếng nhỏ. Còn thịt heo quay đem xào với sả, ớt, hành, kiểu xào lăn, rất thơm xong bỏ lên dĩa, cạnh lớp da. Khi đi mua, tôi có ý so sánh heo quay Nam Dương có khác vị người Việt hay không, nhưng vì chẳng có người thông dịch, ra dấu họ cũng không hiểu nên đành mua đại. Ăn cũng được lắm. Theo tôi, cách nêm nếm của người Ấn Ðộ, Nam Dương hay Mã Lai hơi hơi giống nhau. Họ dùng nhiều gia vị như nghệ, riềng, sả, ngổ (cumin), nhất là ớt. Cay mờ mắt. Một điểm giống nhau nữa là tôn trọng khỉ (những người theo Hinduism). Một Rừng Khỉ (Monkey Forest). Có tới 3 đền thờ Khỉ (Main, Beji và Prajapati Temple) trong khu rừng thiên nhiên này. Khoảng 600 con khỉ thuộc loại đuôi dài (macaque) sinh sống ở đây. Bé nhất là sơ sinh, già nhất là 6 năm cho khỉ đực. Tuổi thọ của khỉ cái ngắn hơn 2 năm. Những con khỉ này tinh khôn vô cùng. Trong chớp mắt chúng có thể giật mất thức ăn trên tay bạn. Ngay cả những thứ giấu kỹ trong túi đeo trên lưng, nếu ngửi thấy mùi, chúng có thể cùng nhào tới cướp. Ðó là lý do khi mua vé vào cửa nhân viên luôn đề nghị bạn gửi xách tay lại đó, đi tay không (chai nước cũng bị giật). Rõ chán, mua vé (khoảng 3 US đô la) để xem khỉ lại bị nó “cà chớn”, thật chẳng đáng.

Nếu ở Mã Lai tôi đã kể với bạn về Chocolate Sầu Riêng thì ở Nam Dương tôi sẽ nói đến Cà Phê Cứt Chồn. Cũng là thủ công nghệ (hay họ làm ra thế để quảng cáo?). Tôi đi xem những con chồn được nuôi trong chuồng, cho ăn cà phê để lấy phân nó thải ra. Từng chùm, vì ruột chồn không tiêu hóa được hột cà phê. Rửa sạch những hột cà phê từ chồn thải ra, người ta rang, hay sấy khô rồi đem bán. Mắc lắm bạn ơi! 25 US đô la cho nửa ký. Chỉ dám mua 1 gói, cũng để làm quà vì không biết uống cà phê, dù bất cứ loại nào. (Uống thử cũng không dám, làm sao dám uống thiệt. Nghĩ đến phân chồn là thấy ơn ớn rồi, và cà phê thì tôi đây không ham). Hy vọng nó “ngon” thiệt để đỡ uổng tiền mua và công khuân về.


Một khung hình thuyền nhân cũ


Thật sự mà nói, mục đích chính của chuyến đi để giúp Văn Khố Thuyền Nhân gây quỹ thì chúng tôi đã làm tròn, lại viếng được nghĩa trang Galang nữa nên mọi người đều vui. Vui vì thấy việc mình làm có ý nghĩa còn những chuyện khác chỉ là chuyện nhỏ.

Gió Đồng Nội

Gió Đồng Nội là bút hiệu của một chuyên viên từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện bà đã hưu trí.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân