TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Điều gì giúp chúng ta đạt được hạnh phúc?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Điều gì giúp chúng ta đạt được hạnh phúc?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Mar 15, 2017 2:38 pm    Tiêu đề: Điều gì giúp chúng ta đạt được hạnh phúc?


Điều gì giúp chúng ta đạt được hạnh phúc?

Bài dịch từ cuộc nói chuyện của ông Robert Waldinger



Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh suốt cuộc đời? Nếu bạn đang định đầu tư ngay bây giờ vào tương lai thì bạn sẽ đặt thời gian và tâm sức ở đâu? Một cuộc khảo sát gần đây cho thế hệ trẻ đã hỏi mục tiêu quan trọng nhất trong đời là gì; và hơn 80% nói rằng mục tiêu chính là làm giàu. Và 50% khác trong số những người trẻ tuổi đó nói rằng một mục tiêu chính khác trong cuộc đời là trở nên nổi tiếng.

Và chúng ta liên tục được nhắc phải làm việc, phải cố hơn nữa và đạt được nhiều hơn nữa. Chúng ta có ấn tượng rằng đó chính là những thứ cần theo đuổi để có một cuộc sống tốt. Bức tranh về cả cuộc đời, về lựa chọn của mọi người và những chọn lựa ấy tiến triển thế nào gần như không thể đạt được. Đa số những gì ta biết về cuộc đời là dựa vào cách hỏi mọi người về quá khứ, thế thì sao có thể chính xác hoàn toàn được. Chúng ta quên rất nhiều những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, và đôi khi trí nhớ là do tự sáng tạo nên.

Tưởng tượng chúng ta có thể nhìn thấy cả cuộc đời hé mở dần trước mắt ta? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nghiên cứu con người từ khi họ mới là thanh thiếu niên đến lúc họ bước vào tuổi già để xem điều gì khiến họ hạnh phúc và khỏe mạnh?



Cuộc nghiên cứu

Chúng tôi đã làm được điều đó. Nghiên cứu về sự phát triển của người lớn của Đại Học Harvard có lẽ là nghiên cứu lâu nhất về cuộc đời của người lớn. Trong 75 năm chúng tôi đã theo dõi cuộc đời của 724 người đàn ông, năm này qua năm khác. Chúng tôi hỏi về công việc, cuộc sống gia đình, sức khỏe của họ, và đương nhiên hỏi tất cả mà không biết những câu chuyện về cuộc đời họ sẽ xảy ra như thế nào.

Những nghiên cứu như thế này rất hiếm. Hầu hết những dự án như thế này đều sụp đổ trong khoảng một thập niên bởi vì quá nhiều người bỏ nghiên cứu, hoặc quỹ cho nghiên cứu cạn kiệt, hoặc những nhà nghiên cứu bị phân tâm, hoặc họ chết, và không ai tiếp tục nghiên cứu. Nhưng qua sự kết hợp của may mắn và sự bền bỉ của một vài thế hệ các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này vẫn tồn tại. Khoảng 60 trong số 724 người ban đầu vẫn còn sống, và vẫn tham gia vào nghiên cứu này, hầu hết họ đã trên 90 tuổi. Và bây giờ chúng tôi đang bắt đầu nghiên cứu hơn 2000 đứa con của những người đàn ông này. Tôi là người giám đốc thứ tư của nghiên cứu này.

Từ năm 1938, chúng tôi đã theo dõi cuộc đời của 2 nhóm người. Nhóm đầu tiên là sinh viên năm thứ 2 của đại học Harvard. Và sau khi học xong đại học trong chiến tranh thế giới thứ hai, đa số đã nhập ngũ. Nhóm thứ hai mà chúng tôi theo dõi là nhóm những cậu bé đến từ những vùng lân cận nghèo nhất của Boston. Những cậu bé này được chọn cho cuộc nghiên cứu vì họ đến từ những gia đình khó khăn và thiệt thòi nhất của Boston vào những năm 1930. Đa số sống ở những khu tập thể, nhiều nơi thiếu cả nước lạnh và nước nóng.

Khi họ tham gia nghiên cứu, tất cả những thanh thiếu niên này đều được phỏng vấn. Họ được khám sức khỏe. Chúng tôi đã đến nhà họ và phỏng vấn bố mẹ họ. Và sau đó những thanh thiếu niên này trưởng thành. Họ trở thành những công nhân nhà máy và luật sư, và thợ xây cất và bác sĩ, một người trở thành Tổng Thống Mỹ. Một số trở nên nghiện rượu. Một vài người mắc bệnh tâm thần. Một số người leo lên nấc thang xã hội từ tận cùng đến trên cao nhất, và một số người thì đi hướng ngược lại.

Những người lập nên nghiên cứu này có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng rằng tôi đang đứng ở đây, 75 năm sau, kể cho các bạn nghe rằng nghiên cứu này vẫn đang tiếp tục. Cứ 2 năm, những nhân viên nghiên cứu tận tâm lại gọi những người đàn ông kia và hỏi rằng chúng tôi có thể gửi họ một nhóm câu hỏi nữa về cuộc sống của họ không.

Một số người sống ở Boston hỏi chúng tôi, “Tại sao các ông vẫn muốn nghiên cứu tôi? Cuộc đời tôi đâu có thú vị như vậy." Những người từ Harvard không bao giờ hỏi câu hỏi đó.

Để thấy được bức tranh rõ nét nhất về cuộc đời những con người này, chúng tôi không chỉ gửi họ những bản điều tra thăm hỏi ý kiến. Chúng tôi phỏng vấn họ tại phòng khách của họ. Chúng tôi nhận kết quả khám sức khỏe từ bác sĩ của họ. Chúng tôi trích máu của họ, chúng tôi scan não của họ, chúng tôi nói chuyện với con họ. Chúng tôi quay phim họ nói chuyện với vợ về những nỗi lo sâu thẳm nhất của họ. Và khi, khoảng một thập niên trước, chúng tôi cuối cùng hỏi những người vợ rằng họ có muốn tham gia cùng chúng tôi với vai trò là thành viên của cuộc nghiên cứu không, nhiều người phụ nữ trong số đó đã nói, "Cũng đến lúc rồi đó."

Vậy chúng ta đã học được những gì?

Những bài học rút ra được từ hàng chục trong cả nghìn trang thông tin mà chúng tôi nghiên cứu được về cuộc sống những con người này là gì? Những bài học ấy không phải về sức khỏe hay sự nổi tiếng hay sự làm việc cật lực hơn và hơn nữa. Thông điệp rõ nhất mà chúng tôi nhận được qua cuộc nghiên cứu 75 năm này là: Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Chấm hết.



Ba bài học lớn

Chúng ta học được 3 bài học lớn về những mối quan hệ. Bài học thứ nhất là những mối quan hệ xã hội rất tốt đối với chúng ta, còn sự cô đơn thì giết ta. Những người liên lạc với gia đình, với bạn bè, với cộng đồng nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn; họ sẽ khỏe mạnh hơn về thể chất và sống lâu hơn những người ít kết nối. Và sự cô đơn trở nên độc hại. Những người hay xa lánh người khác thường cảm thấy họ ít hạnh phúc hơn, sức khỏe của họ sút giảm sớm hơn trong thời trung niên, chức năng não của họ cũng sút giảm sớm hơn và họ sống cuộc đời ngắn ngủi hơn những người không cô đơn. Và sự thật đáng buồn là ở bất kì thời điểm nào, hơn một người trong số năm người bảo rằng họ đang cô đơn.

Và chúng tôi biết rằng bạn có thể cảm thấy cô đơn trong một đám đông và bạn có thể cảm thấy cô đơn trong một cuộc hôn nhân, vậy bài học lớn thứ hai mà chúng ta học được là không phải là số lượng bạn bè bạn có, và cũng không phải việc bạn có ở trong một mối quan hệ hay không, mà chính phẩm chất của mối quan hệ gần gũi ấy mới là quan trọng. Hóa ra là sống ở giữa xung đột rất có hại cho sức khỏe chúng ta. Những cuộc hôn nhân hay xảy ra xung đột, thiếu thốn tình cảm hóa ra lại rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có thể còn tệ hơn việc li dị. Và việc sống giữa những mối quan hệ tốt đẹp, ấm áp sẽ bảo vệ chúng ta.

Khi đã theo dõi những người đàn ông kia đến khi họ trên 80 tuổi, chúng tôi muốn nhìn lại họ trong thời trung niên để xem rằng chúng tôi có thể phỏng đoán được ai sẽ trở thành những ông lão 80 hạnh phúc, khỏe mạnh và ai sẽ không.

Và khi chúng tôi tập hợp lại những điều về họ ở độ tuổi 50, không phải là lượng cholesterol cho biết họ sẽ già đi như thế nào. Mà việc họ hài lòng như thế nào trong các mối quan hệ của họ mới chính là yếu tố định đoạt. Những người hài lòng nhất về những mối quan hệ của họ ở tuổi 50 chính là những người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80. Và những mối quan hệ tốt, gần gũi dường như giúp ta giảm đi những tác hại của tuổi già. Những cặp đôi hạnh phúc nhất của chúng tôi bảo rằng, khi họ bước vào tuổi 80, vào những ngày họ đau về thể xác,họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng những người trong những mối quan hệ không hạnh phúc, vào những ngày họ đau về thể xác, nỗi đau tinh thần họ càng lớn hơn.

Và bài học lớn thứ ba chúng ta học được là những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ bảo vệ cơ thể mà còn bảo vệ não của ta nữa. Hóa ra việc ở trong một mối quan hệ bền chặt với một người khác ở tuổi 80 sẽ giúp bảo vệ bạn. Những người ở trong những mối quan hệ với một người mà họ cảm thấy có thể tin cậy được khi gặp lúc khó khăn giữ được trí nhớ của họ lâu hơn. Những người ở trong những mối quan hệ với người mà họ không tin tưởng được sẽ bị giảm trí nhớ sớm. Và những mối quan hệ tốt đó không nhất thiết phải luôn luôn trơn tru. Một số cặp 80 tuổi có thể cãi nhau vặt với nhau ngày này qua ngày khác, nhưng chừng nào họ còn cảm thấy tin tưởng được người liên hệ khi gặp khó khăn thì những cuộc cãi nhau đó không hề ảnh hưởng xấu đến trí nhớ của họ.



Chân lý khó đạt

Vậy cái thông điệp rằng những mối quan hệ gần gũi tốt đẹp rất tốt cho sức khỏe và sự hạnh phúc của ta đây là lẽ phải rất lâu đời. Vậy tại sao nó lại là việc khó đạt được và dễ bị lờ đi? Chúng ta là con người. Những gì chúng ta muốn là giải pháp nhanh chóng có thể đạt được khiến cho cuộc sống ta trở nên tốt đẹp mãi. Nhưng những mối quan hệ thường rất rối ren và phức tạp mà việc dành sức lực quan tâm đến gia đình và bạn bè thường không quyến rũ hay hấp dẫn mà cứ kéo dài và không bao giờ chấm dứt.

Những người trong cuộc nghiên cứu 75 năm cảm thấy hạnh phúc nhất khi nghỉ hưu là những người đã năng động để thay thế những người cùng làm việc bằng những bạn cùng chơi mới. Cũng giống như thế hệ trẻ trong cuộc khảo sát gần đây, rất nhiều người trong số những người chúng tôi nghiên cứu đã bắt đầu là những thanh niên tin rằng danh vọng và của cải và thành tích cao là những gì họ cần theo đuổi để có cuộc sống tốt. Nhưng trong hơn 75 năm này, nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng những người hạnh phúc nhất là những người quan tâm đến những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng.

Còn bạn thì như thế nào? Cứ cho rằng bạn 25, hoặc 40, hoặc 60 tuổi. Việc quan tâm đến những mối quan hệ của bạn như thế nào?

Có rất nhiều cách. Đó có thể chỉ đơn giản như bớt thì giờ chú tâm vào các màn hình mà thay vào đó chú tâm vào chính người thân, hoặc làm sôi động những mối quan hệ cứng nhắc bằng cách làm những điều mới mẻ chung với nhau, những cuộc đi bộ dài hay những buổi hẹn hò hoặc liên lạc với những thành viên trong gia đình mà bạn chưa nói chuyện trong nhiều năm bởi những mối hận thù gia đình thường có thể gây hại cho những người hay thù hận.Tôi muốn khép lại bằng một câu danh ngôn từ Mark Twain. Hơn một thế kỷ trước ông đã nhìn lại cuộc sống của mình và viết, "Chúng ta không có thời gian – vì cuộc sống quá ngắn ngủi - cho những cuộc cãi nhau vặt, những lời xin lỗi, những lời tổn thương trái tim, bắt lỗi. Chỉ có thời gian cho sự yêu thương, mà thực ra cũng quá ngắn."

Cuộc sống tốt được xây dựng từ những mối quan hệ tốt.

Xin cảm ơn.

Nguồn: viendongdaily.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân