TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Pháp quyền trong xã hội dân chủ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Pháp quyền trong xã hội dân chủ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Feb 20, 2017 4:44 pm    Tiêu đề: Pháp quyền trong xã hội dân chủ

Pháp quyền trong xã hội dân chủ


Việc một thẩm phán liên bang tại Seattle đã đưa ra án lịnh tạm thời để vô hiệu hóa sắc lệnh tổng thống, là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất về hệ thống pháp quyền tại Hoa Kỳ, một nền tảng căn bản trong thể chế dân chủ hợp hiến. Cơ cấu tòa án liên bang ra sao và vai trò cùng thẩm quyền các thẩm phán liên bang như thế nào trong việc kiểm soát và cân đối quyền lực của chính phủ liên bang? Nhằm mang đến cho các bạn thêm vài khái niệm căn bản về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, chuyên mục đã tổng hợp và tham chiếu một số tài liệu từ Tòa án Liên Bang, Bộ Tư Pháp và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhân câu chuyện thời sự về việc đình chỉ sắc lịnh tổng thống vừa xảy ra đôi tuần qua.


Hệ thống Tòa án Hoa Kỳ


Có lẽ cũng cần nhắc sơ về câu chuyện thời sự đang xảy ra, trước khi đi vào hệ thống tòa án Hoa Kỳ hoạt động như thế nào. Sau khi Donald Trump ban hành sắc lịnh – có hiệu lực tức thời và được đưa ra với lý do an ninh quốc gia, tạm cấm công dân bảy nước Hồi Giáo và người tị nạn nhập cảnh Hoa Kỳ, hai tiểu bang Washington và Minnesota đã đệ đơn kiện chính phủ về sắc luật này. Thẩm phán James Robart tại Seattle, một thẩm phán liên bang được Tổng thống George W Bush bổ nhiệm đã đưa ra án lịnh (restrain order) tạm hoãn việc thi hành sắc lịnh. Bộ Tư Pháp (DOJ), cơ quan hành pháp thuộc quyền chính phủ đã khẩn trình thỉnh thư lên tòa phúc thẩm liên bang, yêu cầu giữ hiệu lực sắc lịnh tổng thống nhưng bị bác bỏ. Ðại diện pháp lý của hai tiểu bang và Bộ Tư Pháp đã ra tranh cãi trước ba thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang vùng 9 (9th Circuit). Và câu chuyện còn lại như chúng ta đã biết, tòa phúc thẩm tuần trước đã giữ nguyên phán quyết của Thẩm Phán Robart, tạm thời vô hiệu hóa sắc lịnh tổng thống, hứa hẹn một khả năng dẫn vụ việc lên đến Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. Vụ việc sẽ tiếp diễn như thế nào là câu chuyện tương lai, còn ở đây, người ta thấy được quyền lực và vai trò độc lập của hệ thống pháp quyền tại Hoa Kỳ ra sao để có thể bác bỏ cả những quyền hành tổng thống, điều chỉ xảy ra ở những thể chế dân chủ hợp hiến như Hoa Kỳ.



Hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ bao gồm hệ thống tòa liên bang và tòa tiểu bang với nhiều tòa án độc lập khác nhau, cùng tồn tại và hoạt động song song với những chức năng khác nhau. Dù vậy cả hai đều có những căn bản chung dựa theo nền tảng luật pháp Hoa Kỳ. Về mặt hành chính thì cả hai có cùng cấu trúc kim tự tháp với các tòa sơ thẩm, phúc thẩm và tòa tối cao, mà với tòa liên bang thì Tối Cao Pháp Viện sẽ là tòa án phân xử cuối cùng, dựa theo luật liên bang và hiến pháp Hoa Kỳ. Về mặt thủ tục thì cả hai hệ thống đều phân xử các vụ án qua tranh tụng, theo quan niệm rằng sự thật sẽ có nhiều khả năng được phơi bày khi tạo cơ hội cho cả hai bên nguyên và bị được quyền đưa ra những lý lẽ của mình trước một bồi thẩm đoàn và quan tòa công tâm, phán xét dựa trên chứng cứ buộc tội hay bào chữa. Một yếu tố quan trọng khác cho hệ thống tư pháp Hoa Kỳ nói chung là có thêm khái niệm về thông luật hay luật do quan tòa xác lập (có hay bất thành văn), khi mà các phán quyết của các tòa cấp cao sẽ tạo ra tiền lệ cho các vụ kiện tương tự. Ðiều này khác với hệ thống luật pháp của đa số các quốc gia khác, chỉ xét xử dựa theo những bộ luật đã được soạn sẵn.



Tòa án Liên bang Hoa Kỳ là một hệ thống hợp nhất được phân chia theo địa lý và hành chính tư pháp, bao gồm một số tòa chuyên biệt, 94 Tòa Sơ Thẩm khu vực (US District Court), 13 toà Phúc Thẩm vùng (US Court of Appeals) và cao nhất là Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court). Các tòa Sơ Thẩm là những tòa án sơ khởi để xử các vụ án hình sự và dân sự trong khu vực tài phán mình phụ trách, với số thẩm phán tùy thuộc vào diện tích và dân số của mỗi tiểu bang. Tòa Phúc Thẩm là những tòa trung gian, nơi phần lớn các vụ án được giải quyết ở đây nếu các bên nguyên hay bị không đồng ý với phán quyết của tòa Sơ Thẩm thì họ sẽ kháng cáo lên các tòa này. Phiên tòa phúc thẩm sẽ do ba thẩm phán được chọn lựa ngẫu nhiên, xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng, dựa trên các văn bản biện hộ hay tranh luận bằng lời. Phán quyết cuối cùng dựa trên quan điểm đa số của ban thẩm phán, tức hai trong ba người đồng ý với nhau. Thẩm phán không đồng ý với phán quyết đa số có thể đưa ra quan điểm của mình về vụ án, giải thích tại sao có sự khác biệt, tuy nhiên không có giá trị pháp lý về vụ xét xử. Trong phán quyết về sắc lịnh tổng thống tạm cấm người tị nạn tuần trước thì sự đồng thuận đến từ cả ba thẩm phán (3-0). Nếu bên thua không đồng ý với phán quyết này thì có thể khiếu nại lên đến Tối Cao Pháp Viện, bao gồm chín thẩm phán (mà hiện nay đang thiếu một người) để được phân xử và có phán quyết cuối cùng. Thông thường chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ các vụ án là có thể được Tối Cao Pháp Viện chấp thuận sẽ phân xử. Tương tự như tòa phúc thẩm, phán quyết cuối cùng dựa theo sự đồng thuận đa số, tức tối thiểu là năm thẩm phán cùng quan điểm. Như đã nói về thông luật bên trên, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ có giá trị để các tòa cấp thấp khắp nước Mỹ lấy đó để so sánh và làm chuẩn mực xét xử các vụ tranh chấp.

Các thẩm phán liên bang do tổng thống đương nhiệm bổ nhiệm và được Thượng Viện chuẩn thuận. Họ thường là những thẩm phán, công tố viên, luật sư kinh nghiệm trong hệ thống tư pháp liên bang, tiểu bang cùng các cấp địa phương hay cũng có thể là những luật sư, giáo sư luật học uy tín, nhiều kinh nghiệm. Nếu không bị bãi nhiệm vì đạo đức chức nghiệp, công việc của một thẩm phán liên bang là trọn đời. Hoa Kỳ hiện có 890 thẩm phán liên bang và đang khuyết khoảng 120 người, trong đó Tối Cao Pháp Viện đang bị thiếu một thẩm phán. Nữ thẩm phán liên bang Jacqueline Nguyễn, 52 tuổi là thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên, đã được Tổng thống Obama bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa sơ thẩm hồi năm 2009 và hai năm sau, lại bổ nhiệm bà lên Tòa phúc thẩm liên bang tại California (tòa số 9 vừa xét xử vụ sắc lịnh tổng thống), trở thành người phụ nữ Châu Á đầu tiên nắm giữ vị trí Thẩm Phán tòa Phúc Thẩm Liên Bang.


Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ Capitol nhìn từ Tối cao pháp viện- nguồn wikipedia.org


Không hệ thống tòa án nào có thể hoạt động một cách công bằng và hiệu quả nếu không có những cơ chế để bảo đảm, trong chừng mực có thể, tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức đối với các quan toà, các thẩm phán, và những người khác có liên quan đến vụ kiện. Do đó sự công tâm, tính chuyên nghiệp và liêm chính của họ là những yếu tố vô cùng quan trọng để người dân tin cậy và ủng hộ. Những tòa liên bang hoạt động trong một khuôn khổ hiến pháp toàn diện nhằm đảm bảo tính độc lập và trung lập của tòa án. Chẳng hạn như tổng thống có quyền bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, nhưng lại không có quyền cách chức họ. Nhưng ngược lại, các thẩm phán lại có quyền bác bỏ các sắc lịnh, hành động của Tổng thống và Quốc hội bằng cách tuyên bố rằng những hành động đó vi phạm hiến pháp. Bởi từ buổi khai sinh nền Cộng hoà, vai trò của tòa án ở Hoa Kỳ không chỉ là truy tố tội phạm, giải quyết các tranh chấp dân sự mà còn là bảo vệ những quyền đã được nêu trong Hiến pháp.


Sơ đồ về Tam Quyền Phân Lập tại Hoa Kỳ


Sự tách biệt giữa quyền lực và chức năng giám sát và điều tiết trong Hiến pháp Hoa Kỳ giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp là một trong những đặc tính được coi trọng nhất của nền dân chủ ở Hoa Kỳ. Ðiều này không chỉ duy trì tính độc lập mà còn cả quyền lực của hệ thống tư pháp liên bang như vừa trình bày. Nó là nơi để bảo vệ công lý cùng sự thật, thay vì là công cụ bảo vệ chính quyền, trấn áp người dân qua các phiên toà thiếu minh bạch và không công bằng tại các quốc gia độc tài. Chính vì vậy, công việc điều hành quốc gia của bất cứ một tổng thống cùng nội các chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm nào đó cũng không thể đi ra ngoài khuôn khổ pháp luật cho phép.

Đinh Yên Thảo
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân