TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Indonesia và những ngày Tết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Indonesia và những ngày Tết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Feb 08, 2017 11:47 pm    Tiêu đề: Indonesia và những ngày Tết

Indonesia và những ngày Tết

Tết Tahun Baru Hijiriah tại Đông Java –.nguồn beritadaerah.co.id


Từ khi biết quan sát hoàn cảnh và sự vật ở chung quanh, tôi không nhớ đã nghĩ đến ba chữ “Tết Nguyên Ðán” bao nhiêu lần nhưng chắc chắn tôi không viết nhiều về Tết – thời điểm đã trở thành truyền thống đón mừng Năm Mới không chỉ của Việt Nam, mà của nhiều quốc gia trong vùng Ðông Nam Châu Á. Chẳng viết nhiều không đồng nghĩa với việc không có gì để viết, bởi vì tuy cũng mừng năm mới theo Âm Lịch, nhưng Tết của vùng miền này khác với Tết của vùng miền kia; và dĩ nhiên Tết của ai đó không thể nào y hệt Tết của tôi. Một phạm trù bao la như biển có tên gọi chung là Tết, lẽ nào ít tư liệu khiến tôi tránh né chẳng dám viết. Làm gì có chuyện đó! Chỉ e rằng khuôn khổ một ngàn hai trăm chữ hay phải ít hơn một ngàn năm trăm chữ không đúng là “diện tích” lý tưởng, để tôi nói về những cái Tết đông phương ở nhiều quốc gia khác mà tôi từng cư trú hay đã đi qua, cũng đón mừng Năm Mới theo Âm Lịch. Hơn nữa rất nhiều khi vừa viết xong lại phải tự cắt bỏ vì lý do “dài quá” khiến câu chữ trở nên èo uột. Việc tự cắt xén này thường tạo ra một vài lỗi typing ngoài ý muốn... ; đây là hai trong số những lý do khiến tôi không tùy bút viết về Tết.

Nhưng hôm nay lại khác. Tôi muốn viết về Tết ở Indonesia – nơi tôi từng ghé chơi. Nói đến Indonesia là nói đến đất nước có nhiều tôn giáo và nhiều sắc tộc, vì thế cách đón Tết của họ rất độc đáo và đa dạng. Indonesia hay Nam Dương được mệnh danh là “xứ vạn đảo,” nằm giữa Ðông Nam Á và Châu Ðại Dương gồm có 13,487 hòn đảo, khoảng 237 triệu dân, đứng hàng thứ tư trên thế giới về dân số. Mặc dù là quốc gia có số dân theo Hồi Giáo nhiều nhất thế giới, nhưng Ðạo Hồi không phải là quốc giáo của Indonesia. Thủ đô Jakarta là thành phố lớn nhất tại Indonesia – nơi đây và toàn thể quần đảo Indonesia từng là vùng thương mại quan trọng nhất vào thế kỷ thứ 7, khi Vương Quốc Srivijaya giao lưu buôn bán với Trung Quốc và Ấn Ðộ. Những vị vua cai trị địa phương bắt đầu chịu ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo, chính trị Ấn Ðộ từ những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Lịch sử Indonesia bị ảnh hưởng, vì các cường quốc nhòm ngó đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Thương gia Hồi Giáo đã du nhập Ðạo Hồi vào Indonesia. Các cường quốc Châu Âu cũng tìm cách tranh giành, độc chiếm thương mại tại xứ sở này. Khi Thế Chiến Thứ Hai (?) chấm dứt, Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945, chính thức được công nhận vào ngày 27 tháng 12 năm 1945, kết thúc 350 năm chịu sự thống trị của Hòa Lan.


Tahun Baru Saka – nguồn wikiwand.com


Khẩu hiệu của Indonesia “Bhinneka tunggal ika” (“Thống nhất trong đa dạng,” hiểu theo nghĩa đen “nhiều nhưng là một”) thể hiện rõ sự đa dạng đã hình thành quốc gia này. Tuy nhiên căng thẳng tôn giáo và chủ nghĩa ly khai đã gây ra những xung đột đầy bạo lực, đe dọa tình trạng ổn định kinh tế-chính trị tại Indonesia. Cho dù rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng Indonesia vẫn là một trong số những quốc gia khó nghèo trên thế giới. Nhưng cho dẫu căng thẳng và khó nghèo đến đâu đi nữa, khi gần Tết – tùy theo truyền thống và tôn giáo – người dân Indonesia vẫn rộn ràng chuẩn bị đón mừng năm mới.

Người bản xứ cũng như du khách có thể thưởng thức khung cảnh Tết thuần túy Tahun Baru Hijirirah của người Hồi Giáo, có thể chào đón năm mới theo lễ nghi Tahun Baru Saka hay Nyepi của người Hindu trên đảo Bali, và dĩ nhiên không thể thiếu Tết Âm Lịch của người Hoa. Có nhiều sắc thái liên quan đến phong tục, tập quán, tôn giáo, vì thế Tết ở Indonesia được chuẩn bị rất công phu, tốn không ít thời gian. Dân chúng Indonesia cùng thiết kế và xây dựng những ngai thờ cao hai mét bằng gạo nhuộm đủ màu sắc, bằng trái dừa, lá dừa, và cây mía để cúng tế thần linh. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầy sắc màu rực rỡ, trưng bày tại nơi dành để thực hiện nghi thức thờ phượng. Một đám rước có hàng chục ngàn người tham dự được tổ chức ở khắp mọi nơi. Người ta đem kiệu của vị thần dìm xuống nước, trước khi bắt đầu đón chào lễ hội mùa xuân.

Tahun Baru Hijiriah – Tết truyền thống của người Hồi Giáo Indonesia tính theo Lịch Hồi Giáo tổ chức vào ngày đầu tiên của Tháng Muharram, là Tháng Chín Dương Lịch (Gregorian Calendar). Ðêm giao thừa họ đến nguyện đường nghe các giáo sĩ giảng dạy, đọc và lắng nghe Kinh Koran, cũng như nghe thánh ca Hồi Giáo. Một số tổ chức thuộc Ðạo Hồi mở cửa các chợ, cung cấp thực phẩm, tiền, dịch vụ y tế miễn phí cho dân nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em. Vào ngày này các thành phố lớn thường tổ chức bắn pháo hoa, giới trẻ ra đường diễn hành. Những trung tâm giải trí tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, đón tiếp dân chúng và du khách.

Phần lớn những người theo đạo Hindu tại Indonesia sống ở Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Tết Tahun Baru Saka hay Nyepi của họ tổ chức vào Tháng Ba, trong không khí trầm lặng trang nghiêm, không quá ồn ào náo nhiệt. Dân làng tập trung tại một khu vực cùng ăn mừng. Thức ăn chuẩn bị trước, để chiêu đãi số lượng người tham dự. Mục đích chính trong những ngày Tết của người Hindu là tạ ơn Thượng Ðế; họ dùng đồ tế lễ đã được chuẩn bị cẩn thận từ nhiều ngày trước, để thể hiện sự thành kính. Họ tha thứ cho nhau những lỗi lầm trong năm cũ, bắt đầu một năm mới không có gì khúc mắc vướng bận trong lòng. Người Hindu cũng có truyền thống đi thăm đại gia đình, thể hiện tình yêu và lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng thân thiết.


Tahun Baru Imlek – Berita Daerah


Tahun Baru Imlek – Tết Âm Lịch của người Hoa, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia từ năm 2000. Ðây là thời điểm rất náo nhiệt nhờ chương trình múa lân trình diễn tại các thành phố, đặc biệt là ở những trung tâm thương mại. Trong ngày Tết, người Indonesia tổ chức nhiều cuộc thi đua thể thao, thời trang. Họ cũng mở cửa siêu thị tặng thực phẩm, tiền, cho người nghèo. Trung tâm thương mại tràn ngập màu đỏ và hình trang trí kiểu Trung Quốc. Những người gốc Hoa tại Indonesia vẫn có thói quen gửi thiệp mừng năm mới đến bạn hữu và gia đình.

Giống như Việt Nam, Tết ở Indonesia là thời gian để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ, sum họp trong sự hoà thuận yêu thương. Họ ăn ngon mặc đẹp, hào phóng đãi khách, tận hưởng lễ hội đón xuân, luôn luôn cầu chúc những điều tốt đẹp cho người thân, bạn hữu, và khách mời. Tuy thời gian tổ chức không khác biệt, nhưng điểm tương đồng của các ngày Tết tại Nam Dương – Indonesia vẫn là sự Chân Thiện Mỹ – nét đẹp đầy tính nhân bản của người Phương Ðông.

Hải Vân
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân