TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cuối năm đi thăm Miệt Dưới
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cuối năm đi thăm Miệt Dưới

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Jan 19, 2017 8:48 pm    Tiêu đề: Cuối năm đi thăm Miệt Dưới

Cuối năm đi thăm Miệt Dưới

Thổ dân Úc biểu diễn ở Bến cảng Sydney. (Hình: Bùi Văn Phú)


Cuối tháng Mười Hai vừa qua vợ chồng tôi đi thăm Miệt Dưới – là nước Úc Down Under – và nhân tiện ghé chơi vài đảo trong vùng biển Nam Thái Bình Dương.

Tối thứ Năm lên máy bay ở San Francisco, đường bay thẳng dài 15 tiếng đồng hồ, và vì giờ Sydney đi trước California 17 tiếng nên khi máy bay đáp xuống nước Úc thì đã là buổi sáng thứ Bảy.

Nhờ có hộ chiếu ePassport nên chúng tôi qua trạm kiểm soát di trú một cách nhanh chóng. Đến trạm hải quan, nhân viên xem tờ khai, ông nói: “Gết ệt” với giọng lạ nên tôi không hiểu, cho đến khi ông đưa tay chỉ hướng, tôi nhìn thấy chữ “Gate 8” và theo đó đi ra, được người nhà chào đón ngay cửa.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là phi cảng quốc tế Sydney không lớn và đẹp như phi cảng San Francisco hay Los Angeles. Kiến trúc bên ngoài cũng không có gì nổi bật vì bị nhà đậu xe và khách sạn che khuất. Nghe nói đang có dự định dời sân bay Sydney về một địa điểm mới ở phía tây thành phố cho rộng rãi hơn.

Điều đầu tiên tôi biết về giá sinh hoạt ở Úc là khi thấy bảng ghi giá đậu xe ở sân bay, hai tiếng đồng hồ là 45 Úc kim, khoảng 32 Mỹ kim (1 Úc kim = 72 cents Mỹ kim).


Trường đại học Sydney (hình: Andrea Schaffer, flickr)


Chúng tôi qua Úc dự đám cưới cô cháu gái. Cháu học ở Úc từ bậc phổ thông và đã tốt nghiệp đại học. Mấy năm trước gia đình của cháu từ Việt Nam được bảo trợ qua Mỹ định cư, nhưng cháu quyết định ở lại Úc làm việc, giờ đây cũng đã có PR (Permanent Resident, thẻ thường trú nhân như thẻ xanh của Mỹ) và sắp nhập tịch Úc. Đôi trẻ ở căn nhà xa trung tâm Sydney hơn một giờ xe lửa, trên mảnh đất rộng thênh thang, có hồ bơi, có ao hoa súng.

Qua những câu chuyện với người thân quen, tôi hiểu rằng muốn qua Úc đoàn tụ gia đình rất khó khăn. Đưa bố mẹ qua định cư phải đóng tới 70.000 Úc kim cho hai người. Trong số 20 loại visa định cư ở Úc không có diện bảo trợ anh chị em.

Chính sách di dân của Úc khá thuận lợi cho những ai có khả năng học vấn hay tay nghề chuyên môn. Một đất nước mênh mông với diện tích trên 3 triệu dặm vuông mà chỉ có 24 triệu dân thì rất cần đến những khối óc để phát triển.

Trên các báo Việt ngữ ở đây có nhiều quảng cáo của các văn phòng luật sư và cơ sở dịch vụ lo di dân vào Úc.

Được đến Úc định cư qua diện công việc là điều rất tốt. Nhiều hãng trả lương cao và không phải lo bảo hiểm y tế vì công dân và cư dân hợp pháp đều có bảo hiểm y tế của chính phủ.

Trong hơn 40 năm qua, hàng trăm nghìn người Việt cũng đã chọn nước Úc làm quê hương.

Trước năm 1975 có khoảng một nghìn người Việt ở Úc, đa số là sinh viên du học qua chương trình Học bổng Colombo. Từ năm 1976 thuyền nhân tị nạn từ Việt Nam đến thẳng bờ biển miền bắc Úc và được nhận cho định cư. Khi làn sóng vượt biển lên cao vào cuối thập niên 1970, chính phủ Úc đã nhận người tị nạn từ các trại ở Đông Nam Á. Đến nay số người gốc Việt ở Úc là 200.000, sống tập trung ở Sydney, Melbourne và Brisbane.

Nhưng bây giờ vẫn còn thuyền nhân Việt đến Úc khiến Canberra và Hà Nội đang phải đối phó và tìm cách giải quyết.

Trong khi đó đang có làn sóng di cư chất xám từ Việt Nam. Những ai có khả năng chuyên môn thì cơ hội định cư ở Úc không phải là điều khó khăn vì số học sinh, sinh viên từ Việt Nam đang học ở Úc cũng đến 30.000. Học xong đa số cũng sẽ tìm đường xin ở lại định cư. Nước Úc không xa Việt Nam lắm, Vietnam Airlines có đường bay thẳng Sydney – Sài Gòn, dài 8 giờ. Du học Úc dễ hơn và cũng không tốn kém bằng qua Mỹ hay Anh, Pháp.

Cabramatta nổi tiếng là khu sinh sống và buôn bán của người Việt, với John Street nhiều cơ sở thương mại đủ loại. Quanh khu này là phố Tàu, phố Thái và phố Việt chung với nhau, nhưng đông và nhộn nhịp nhất vẫn là những cửa hàng Việt. Người Việt chiếm đến một phần tư dân số của khu vực này.

Trên Bankstown, gần Sydney hơn, cũng có khu người Việt nữa nhưng không đông bằng ở đây.


Tượng đài Chiến sĩ Úc-Việt trong công viên ở khu Phố Việt Cabramatta.
(Hình: Bùi Văn Phú)


Trong công viên Cabramatta có tượng đài chiến sĩ Úc - Việt để tưởng nhớ những người lính trong quá khứ đã hy sinh trên chiến trường trong khi chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do tại Việt Nam.

Tinh thần chống cộng của người Việt ở Úc rất mạnh, qua biểu tình đòi đài SBS bỏ phát sóng VTV4 của Hà Nội, phản đối văn nghệ “Duyên Dáng Việt Nam” hay khi có những ca sĩ trong nước qua biểu diễn, những quan chức Hà Nội đến thăm Úc.

Cờ vàng có treo trên trụ sở của văn phòng Cộng đồng người Việt Tự do Úc châu trong khu Phố Việt. Hãng xe đưa rước Hoàng Đỗ in hình cờ vàng ba sọc đỏ bên hông và phía sau xe.

Người Úc gốc Việt đã có những thành công đáng kể. Trong chính trường có Thượng Nghị sĩ Sang Nguyễn; trên văn đàn có Nam Lê với tác phẩm The Boat, nghệ sĩ giễu hài có anh em Khoa Đỗ và Anh Đỗ; có Giám mục công giáo Nguyễn Văn Long. Trên chuyến bay từ Mỹ sang Sydney tôi gặp chị Carina Oanh Hoàng, tác giả của tập sách tài liệu Boat People.

Hội đồng thành phố Fairfield có 12 nghị viên, trong đó đại diện cho khu vực Cabravale có Phó Thị trưởng Kiên Lý và nữ nghị viên Đài Lê là hai người gốc Việt tị nạn.


Quán cà phê Nhớ trong khu Phố Việt lúc nào cũng đông khách.
(Hình: Bùi Văn Phú)


Rong chơi khu vực Cabramatta, nghe bạn kể nơi đây hơn mười năm trước tràn ngập tệ nạn xì ke, ma túy. Cảnh sát trưởng quyết tâm làm sạch nên hiện nay an ninh, buôn bán sầm uất từ sáng cho đến nửa đêm.

Giá nhà quanh Phố Việt, nghe bạn kể thì lúc này trên một triệu Úc kim là thường, dù là những căn nhà đã xây cả trăm năm hay ít ra cũng hơn nửa thế kỷ trước.

Trên đường Cabramatta có băng rôn quảng cáo bán nhà, 135 đơn vị trong một khu chung cư đang xây ở Bonnyrigg bên cạnh, nơi cũng có đông người Việt sinh sống, với giá 455.000 Úc kim cho một đơn vị với một phòng ngủ.

Hình như thị trường nhà cửa ở Sydney đang bùng lên rất nóng. Nghe kể chuyện đi mua nhà đắt như tôm tươi nên tôi thắc mắc không biết có phải người Việt, người Hoa từ trong nước cũng đang đổ tiền vào Úc đầu tư vào nhà cửa?

Hôm đi chơi dưới phố Sydney, bên cạnh Queen Victoria Building thấy trên nóc một tòa nhà cao tầng có cờ Trung Quốc và cờ đặc khu hành chính Hồng Kông bay phất phới. Đường dẫn vào phi trường có bảng quảng cáo ngân hàng viễn thông của Trung Quốc.

Trung Quốc đang xâm lăng thế giới và tạo ảnh hưởng ở các nước qua thương mại và di dân. Người Hoa tìm mọi cách vào Mỹ, vào Úc, Anh, Pháp, Đức. Xa xôi như thế mà họ còn làm được thì chuyện đầu tư hay qua sinh sống ở nước láng giềng Việt Nam sẽ dễ như trở bàn tay.


Với các anh Thái Hòa (phải) và Hoàng Ngọc Tuấn trong quán nhậu ở Phố Việt Cabramatta. (Hình: Bùi Văn Phú)


Đến Sydney có bốn người thân quen chúng tôi cần gặp, thì gặp mặt được ba.

Không gặp được anh Nguyễn Vy Túy, một nhà báo kỳ cựu ở Úc, hiện là chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Văn Nghệ. Như nhiều năm qua, đến kỳ nghỉ Giáng sinh anh đi làm công tác từ thiện ở Việt Nam và Campuchia. Túy nhỏ hơn tôi vài tuổi, ngày còn ở quê nhà trước 75 cũng sinh hoạt báo chí học trò cùng với em gái tôi. Chúng tôi đều là cư dân vùng Ngã Ba Ông Tạ. Túy ở xứ Lộc Hưng, tôi ở bên Nghĩa Hòa sát cạnh.

Thái Hòa là bạn thân từ quê nhà. Đến Sydney gặp lại nhau là lần tái ngộ đầu tiên kể từ chiều 28/4/1975 khi chúng tôi cùng xem tivi buổi lễ nhậm chức tổng thống của Tướng Dương Văn Minh, rồi buồn bã chào nhau như mọi buổi mà lòng trũng buồn vì không biết đất nước rồi sẽ ra sao, để rồi sau đó mỗi người một ngả. Lúc đó còn là sinh viên, chúng tôi đã muốn tham gia đảng phái chính trị, dò đường vào Đảng Quốc tiến của cụ Trương Vĩnh Lễ, vì muốn đóng góp, làm gì đó cho quê hương.

Hòa sinh hoạt truyền thông báo chí ở Úc cũng đã lâu, đầu tiên với tạp chí Quê Mẹ [khác với tờ báo cùng tên của ông Võ Văn Ái bên Pháp], sau làm cho đài SBS, giờ đã thôi việc ở đó và hiện cộng tác với báo Văn Nghệ.

Báo tiếng Việt ở Úc hiện có Chiêu Dương, Việt Luận, Dân Việt, Văn Nghệ và mấy tờ nữa, đa số là báo giấy, không đưa lên mạng, và là báo bán.

Ký giả Nhất Giang và con trai là Nhị Giang được coi như là những người thành công trong hoạt động báo chí tiếng Việt ở Úc. Tờ Chiêu Dương do Nhị Giang làm quản nhiệm là tờ báo đã sống được 36 năm, hiện nay phát hành 5 số mỗi tuần, với số báo 8080 ra ngày thứ Bảy 3/12/2016. Ông Nhất Giang là giám đốc trị sự cho tờ Văn Nghệ vừa phát hành số 689 ngày 1/12/2016 là tờ báo mang tính thông tin và thời sự, còn tờ Chiêu Dương nặng phần giải trí và thương mại hơn. Báo quán của hai tờ báo này nằm đối diện nhau trên đường Cabramatta, ngay khu Phố Việt.


Giai phẩm Xuân Đinh Dậu của báo Chiêu Dương được phát hành từ đầu tháng 12 Dương lịch. (Hình: Bùi Văn Phú)


Trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, các chương trình tiếng Việt ở Úc còn ít, không được phát triển như ở California.

Một bạn văn nghệ khác tôi hẹn gặp là anh Hoàng Ngọc-Tuấn, chủ biên trang văn học mạng Tiền Vệ (tienve.org) cùng với anh Nguyễn Hưng Quốc. Chúng tôi đã gặp nhau bên Mỹ trong những lần các anh đến San Jose sinh hoạt. Anh Quốc ở Melbourne nên tôi không ghé thăm được.

Gặp nhau, các anh Tuấn và Hòa rủ ra Phố Việt ăn cà ri dê. Quán không bán bia rượu nhưng cho phép khách mang vào để ăn nhậu nếu muốn. Cà ri ở đây đậm đà, ăn với bánh mì nóng giòn rất ngon.

Sau đó chúng tôi đi uống cà phê, nói chuyện văn học, báo chí, chuyện nhà nước Việt Nam luôn tìm cách định hướng văn học, bóp nghẹt tự do sáng tạo.

Anh Tuấn biết rõ nhiều trò kiểm duyệt của nhà nước. Anh nhắc lại chuyện một tác phẩm tiếng Anh có nhiều độc giả mà các quan văn hóa ở Hà Nội nghe tiếng nên thuê người dịch để xuất bản. Họ không biết là cuối sách có một chương về Tết Mậu Thân không thuận lợi cho quan điểm nhà nước. Làm việc đến đó, người dịch báo cáo lên trên thế là người phụ trách quyết định ngừng dự án và không cho in.

Anh cũng nhắc lại chuyện tác phẩm Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng được trong nước cho in cách đây gần chục năm, nhưng bị cắt xén, kiểm duyệt te tua đến độ có phát biểu của một nhà văn ở nước ngoài khi được in ra mang ý trái ngược hẳn với những gì ông đã trả lời.

Anh Tuấn không chỉ giỏi âm nhạc mà còn có hiểu biết nhiều về tôn giáo, kể cả đạo Hồi. Hiện nay anh đang phụ trách chương trình giáo dục âm nhạc cho Trung tâm Văn hóa Hồi giáo tại Sydney.

Người sau cùng chúng tôi cần đến thăm là vợ chồng người em họ của nhà tôi. Em có bằng cử nhân khoa IT từ Việt Nam, nhận việc làm với một công ty ở Úc, qua đây 6 năm và giờ đã có thẻ PR, ổn định cuộc sống và mua được căn nhà hơn triệu Úc kim.

Giá nhà bên này đắt không thua gì ở vùng San Jose, California. Nhà ba phòng ngủ gần các khu thương mại như Phố Việt Cabramatta hay trung tâm thành phố thường là gần một triệu Úc kim. Xa thành phố hơn, về hướng tây, nhiều khu nhà mới đang được xây và thấy trên bảng quảng cáo ghi giá nhà nhà ba phòng ngủ cũng gần 800.000 Úc kim.

Nghe kể chuyện đi mua nhà đắt như tôm tươi, tôi nhớ lại hơn thập niên trước ở California cũng thế, để rồi đến năm 2006 thì vỡ bong bóng.

Hiện nay giá nhà ở Sydney đã tăng gần gấp đôi trong vòng một thập niên qua. Bạn kể vì phân lời vay tiền ngân hàng còn rất thấp nên nhiều người mua nhà đầu tư cho thuê, nếu lỗ có thể được khấu trừ.

Đến Úc mấy anh em chúng tôi ở một căn nhà mới xây xong mấy tháng trước, chủ là người Việt, thuê qua AirBnB, ngủ được 6 người, với giá 1300 Úc kim cho 5 đêm. Nhà này có ba phòng ngủ, theo bạn, giá ít nhất cũng nửa triệu Úc kim.

Đám cưới xong chúng tôi đi chơi Sydney. Tàu lửa từ trạm gần nhà trọ là Leppington đến Opera House, trạm Circular Quay, mất 1 giờ 15 phút. Giá vé một chiều giờ cao điểm là 7,80 Úc kim, giờ thưa khách chỉ có 4,52 Úc kim.


Opera House, nhà hát hình con sò, là biểu tượng của nước Úc.
(Hình: Bùi Văn Phú)


Như mọi du khách đến Úc, chúng tôi lên Opera House, ngắm Harbour Bridge, ngó xuống bến cảng có chiếc du thuyền vừa cập bến, nhìn ngược về thành phố với những nhà cao chót vót. Chụp ít tấm hình kỷ niệm.

Ăn trưa với gà rán và khoai tây chiên xem có khác gì KFC. Nhìn chung thức ăn ở đây cũng không khác gì ở Mỹ. Trong siêu thị Úc, chợ Việt hay hàng quán chẳng thiếu gì so với Mỹ. Ở đây cũng có Costco, Target. Giá cả tính ra Mỹ kim có phần đắt hơn đôi chút.

Rời Opera House, chúng tôi đáp xe lửa về tòa thị chính. Vào chiêm ngưỡng một thánh đường rồi đi xem những cửa hàng sang trọng trong Queen Victoria Building. Thong dong theo đường George ngắm phố, hàng quán, ngó người qua lại. Khu này có mấy quán ăn Việt như Saigon Lane và Bánh Mì K bên cạnh quán Tàu, Mã Lai, Thái, Ý. Mấy cửa tiệm quần áo có người bán hàng và tính tiền là mấy cô gái nói tiếng Việt đặc giọng miền Bắc sau năm 1975.

Đổi tiền ở Úc là một kinh nghiệm, vì tùy nơi và phải mặc cả mới được giá cao. Lúc ở bến cảng, cần tiền nên tôi đổi 100 Mỹ kim và nhận được 116 Úc kim. Mấy tiếng sau cần thêm, vào một nơi đổi tiền trên đường George, tôi hỏi đổi 100 Mỹ kim, người trong quầy cho biết sẽ được 120 Úc kim. Tôi lắc đầu, anh ấy nói sẽ tính lại rồi bấm tới lui vào máy điện toán, sau đó cho tôi một giá cao hơn 128 Úc kim. Tôi đồng ý.

Úc có hai đặc sản là Vegemite và thịt kangaroo. Ba mươi năm trước trong một dịp đến Perth tôi đã thử Vegemite. Thứ này được nhiều người Úc ưa thích, ăn với bánh mì nướng, bánh crackers hay với trái bơ. Vegemite nhuyễn như peanut butter, mầu đậm và có mùi khó ngửi như trái ô môi, vị rất mặn. Tôi thấy cũng khó thưởng thức. Du khách đến Úc thử món này giống như đi du lịch Việt Nam muốn thử mắm nêm, mắm ruốc.


Đặc sản Vegemite của Úc. (Hình: Bùi Văn Phú)


Tôi chưa được nếm thịt kangaroo nên lần này muốn tìm ăn. Có cô em qua Úc đã vài tuần, đã đi nhiều nơi và nói anh chị cứ đến Phố Tàu là có.

Cổng dẫn vào Phố Tàu có ghi hàng chữ Anh ngữ: “Tứ hải giai huynh đệ”. Phố rất ngắn. Đi qua những nhà hàng chúng tôi đều xem thực đơn, không có thịt đặc sản nên có hỏi mấy người phục dịch. Cả chục tiệm đều không có. Một tiếp viên nhà hàng nói với chúng tôi loại thịt này không được phổ biến và ưa thích ở đây.

Cuối phố có một ki-ốt hướng dẫn khách du lịch. Tôi ghé hỏi nhưng người phụ trách cũng không biết quanh đây chỗ nào bán đặc sản đó. Bà cho tôi nhận xét là thịt kangaroo “không mỡ và mềm lắm” (lean and very tender).

Trở lại đường George, đi lòng vòng quanh khu vực, đang tìm đường đến ga Central thì thấy một tiệm ăn nhanh trên bảng có thịt kangaroo.

Tôi gọi một kangaroo burger, giá 7.50 Úc kim. Trông như thịt bò, ăn cũng ngon, thịt mềm nhưng hơi nhạt và thiếu mùi vị. Dù sao tôi cũng đã thỏa mãn vì đã được thưởng thức đặc sản Úc.


Đặc sản kangaroo burger của Úc mà tác giả đã thưởng thức. (Hình: Bùi Văn Phú)


Đi thăm Miệt Dưới, chúng tôi bỏ lại cái lạnh của mùa đông nước Mỹ để vui với những ngày hè ở Úc. Đến đây chúng tôi mang theo tình thân gia đình, tình bạn cùng với những chai rượu vang Napa, mấy tờ báo tiếng Việt ở California để tặng bạn.

Rời nước Úc, chúng tôi chẳng mang gì nhiều về Mỹ làm quà kỉ niệm ngoài tình thân, một lọ Vegemite và mấy tờ báo tiếng Việt phát hành ở Sydney.

Nước Úc là nơi có đông người Việt đón bình minh sớm nhất mỗi ngày. Nơi đây mỗi năm cũng bắn pháo hoa đón giao thừa sớm nhất.

Mới đầu tháng 12 Dương lịch mà Giai phẩm Xuân Đinh Dậu của báo Chiêu Dương đã được phát hành. Thân chúc bạn đọc Năm Mới 2017 và Năm Đinh Dậu dồi dào sức khoẻ, nhiều thành công, may mắn.

Bùi Văn Phú
Nguồn: voatiengviet.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân