TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cử Tri Viện – Electoral College
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cử Tri Viện – Electoral College

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Dec 09, 2016 11:29 pm    Tiêu đề: Cử Tri Viện – Electoral College

Cử Tri Viện – Electoral College


Để giúp độc giả tìm hiểu thêm về thể thức bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, trong bài này chúng ta sẽ đi ngược dòng lịch sử để xem hệ thống Cử Tri Viện (Electoral College) bắt nguồn từ đâu và đã biến hoá như thế nào theo thời gian.

Vào năm 1787, khi các nhà khai quốc công thần (Founding Fathers) của nước Mỹ nhóm họp để bàn thảo và thông qua bản Hiến Pháp cho tân quốc gia, một trong những đề tài được nghiên cứu và bàn luận rất kỹ, rất lâu là cách thức bầu chọn tổng thống. Vào thời điểm đó, nước Mỹ chỉ mới là tập hợp của mười mấy vùng đất thuộc địa cũ, mỗi tiểu bang đều có chính phủ riêng, độc lập và tự trị. Chính quyền trung ương đang mới thành hình nên còn rất yếu. Ðảng phái chính trị phải vài chục năm nữa mới xuất hiện.

Một trong những vấn đề họ cần giải quyết là làm cách nào để bảo vệ quyền tự do và tự lập của công dân, không để cho những tiểu bang mạnh trấn áp các tiểu bang nhỏ, không cho đa số áp đảo và cai trị thiểu số. Vì lý do đó, các vị khai quốc công thần đã quyết định KHÔNG chọn biện pháp bầu tổng thống bằng phiếu phổ thông (popular vote). Và cũng vì vậy mà họ bác bỏ giải pháp giao cho các thống đốc (governors) hay các nghị viện của mỗi tiểu bang (state legislatures) quyền chọn người lãnh đạo nhánh hành pháp. Nói một cách khác, quyền tự do, tự lập (liberty) được xem trọng hơn quyền dân chủ (democracy).

Trong chiều hướng đó, họ đã thiết kế một hệ thống bầu cử phức tạp dựa trên một mô hình xuất xứ từ chế độ nghị viện của La Mã xưa. Theo mô hình này, người dân không trực tiếp bầu chọn người lãnh đạo, mà công việc đó được trao cho những người gọi là “tinh hoa” (elite) của xã hội.


Tranh hí họa chế giễu hệ thống bầu cử phức tạp của xã hội Mỹ


Nên nhớ là vào thời lập quốc, quyền bầu cử rất hạn chế. Ðại đa số các tiểu bang chỉ cho phép những người đàn ông da trắng có tài sản (đất đai, ruộng vườn, nô lệ v.v...) đi bầu. Hai nữa là khi ấy phương tiện di chuyển còn thô sơ, vùng đất mới lại quá rộng lớn mà thông tin thì giới hạn, cho nên người dân bình thường không dễ tìm hiểu về các ứng cử viên như ngày nay.

Ðể giải quyết những khó khăn đó, và cũng để quân bình giữa hai nhu cầu “tự do” và “dân chủ”, chế độ Cử Tri Viện ra đời. Nó là một hình thức bầu cử gián tiếp để thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của thời đại đó.

Một mặt, người dân được tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống. Mặt khác quyết định cuối cùng vẫn nằm trong lá phiếu của những người được gọi là elector, tạm dịch là đại cử tri, tức những người đại diện cử tri để bỏ phiếu trực tiếp cho các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống. Khi người dân đi bầu, trên thực tế là họ bỏ phiếu cho các đại cử tri chứ không phải cho các ứng cử viên.


Kids.gov giải thích dễ hiểu con đường tới tòa Bạch Ốc


Vậy thì các đại cử tri này ở đâu ra? Họ được chọn bởi ai?

Ðể trả lời câu hỏi này, trước tiên ta cần hiểu rằng từ Electoral College, tức Cử Tri Viện, trong thực tế là một quy trình làm việc chứ không đơn thuần là một nhóm đại cử tri. Quy trình này có nhiều phần, được tiến hành từng bước một và liên quan đến nhiều bộ phận của chính quyền liên bang cũng như tiểu bang.

Thuở ban đầu, khi chưa có đảng phái chính trị, những vị đại cử tri thường được bầu chọn bởi các nghị viện (legislature) của mỗi tiểu bang. Họ thường là những người có học thức, của cải, hoặc uy tín trong cộng đồng. Ðể tránh trường hợp xung đột lợi ích, Hiến Pháp không cho phép họ tham gia vào chính quyền.

Trước kỳ bầu cử, mỗi tiểu bang phải lập một danh sách đại cử tri cho tiểu bang của mình. Mỗi đại cử tri tương đương với một phiếu. Tổng số phiếu đại cử tri của một tiểu bang được tính bằng số dân biểu trong Hạ Viện (thay đổi mỗi mười năm dựa theo thống kê dân số) cộng với hai phiếu cho hai Thượng Nghị Sĩ.


Bảng tổng kết phiếu đại cử tri cuộc bầu cử năm 1824, chứng nhận tại Quốc Hội Tháng Hai năm 1825. nguồn: National Archives


Sau ngày đầu phiếu phổ thông, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao (Secretary of State) của mỗi tiểu bang có bổn phận liệt kê danh sách đại cử tri của tiểu bang mình, trước khi những vị này đích thân đi đến Hoa Thịnh Ðốn để bỏ phiếu bầu trực tiếp cho tổng thống, thường là vào đầu tháng 12. Danh sách đại cử tri này gọi là Certificates of Ascertainment (tạm dịch là Chứng chỉ Ðại cử tri) phải được chứng nhận bởi thống đốc tiểu bang và nộp trước ngày bầu cử trực tiếp cho cơ quan Ðăng Ký Liên Bang (Federal Registry) để kiểm chứng, tránh trường hợp những đại cử tri không đạt tiêu chuẩn pháp lý đi bầu.

Cũng thể theo Hiến Pháp thuở ban đầu, mỗi đại cử tri phải bỏ hai phiếu cho tổng thống, nhưng một trong hai người đó không được là cư dân cùng tiểu bang với mình, một biện pháp ngăn ngừa tình trạng dồn phiếu cho gà nhà.

Nhưng Hiến Pháp Hoa Kỳ lại không có điều khoản nào bắt buộc các đại cử tri phải bầu cho ứng cử viên đạt được đa số phiếu phổ thông trong tiểu bang của mình. Ðiều đó không phải do vô tình hay sơ ý, mà chính là để phòng ngừa việc đa số người dân chọn nhầm một người không xứng đáng cho chức vụ tổng thống. Trong trường hợp đó, đại cử tri có quyền bỏ phiếu cho người khác, dựa theo lương tâm và sự phán đoán cá nhân.

Sau cuộc bỏ phiếu trực tiếp của các đại cử tri, đến Tháng Giêng năm tiếp theo, chủ tịch Thượng Viện, tức đương kim Phó Tổng Thống Mỹ, sẽ chủ tọa một cuộc đếm phiếu công khai trong phòng đại nghị của Lưỡng Viện Quốc Hội và công bố kết quả bầu cử. Người có số phiếu đại cử tri quá bán sẽ lên làm tổng thống, người có số phiếu cao thứ nhì sẽ làm phó tổng thống. Trong trường hợp không ứng viên nào hội đủ số phiếu quá bán thì Hạ Viện sẽ bầu tổng thống và Thượng Viện bầu phó tổng thống.


Bích chương ứng cử viên đảng Cộng Hòa năm 1904


Ðến đầu thế kỷ 19 thì phương pháp này được sửa đổi chút ít sau khi có sự xuất hiện của các đảng phái chính trị, nghĩa là bắt đầu có liên danh hai ứng cử viên TT/PTT cùng một đảng. Từ đó trở đi, thay vì bầu hai phiếu cho tổng thống thì mỗi đại cử tri phải bầu một phiếu cho tổng thống và một phiếu khác cho phó tổng thống. Và cũng từ đó, các đại cử tri cũng được lựa chọn bởi đảng của mình, thường là tại các cuộc đại hội đảng toàn quốc.

Sau ngày bầu cử phổ thông, liên danh của đảng nào được nhiều phiếu phổ thông nhất trong một tiểu bang thì đảng ấy được quyền gởi toàn bộ đại cử tri đoàn của tiểu bang đó lên Hoa Thịnh Ðốn để bỏ phiếu trực tiếp. Ðiều này thường có nghĩa là toàn bộ đại cử tri đoàn của một tiểu bang sẽ bỏ hết số phiếu của mình cho liên danh của đảng đã thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang đó.

Nhưng như đã nói ở trên, Hiến Pháp Mỹ không ngăn cấm cá nhân đại cử tri bỏ phiếu theo ý mình. Trường hợp này đã từng xảy ra tuy rất hiếm. Dù vậy, một số tiểu bang cũng đã đề ra những đạo luật đặc biệt để xử trí các “đại cử tri phản đảng” mà tiếng Mỹ gọi là “faithless elector” này, thường là phạt tiền hay bị cách chức và thay thế bởi người khác.


Tổng kết số phiếu phổ thông 2016 (vẫn còn đang cập nhật). Ngoài tổng số phiếu toàn quốc (U.S. Total) còn thêm 13 tiểu bang “nghiêng ngửa” (Swing State). Cột “Dem ’12 Margin” và “Dem ’16 Margin” cho thấy tỉ lệ thắng/thua của đảng Dân Chủ trong hai kỳ bầu cử vừa qua; cột “Margin Shift” là chỉ số khác biệt giữa Obama năm 2012 và Hillary Clinton năm 2016. nguồn: Cook Political Report


Sau kỳ bầu cử năm nay giữa Donald Trump và Hillary Clinton, một số người đang lên tiếng kêu gọi các đại cử tri có lương tâm hãy đừng bỏ phiếu cho ông Trump vào ngày 9/12 sắp tới. Họ lý giải rằng ông Trump không phải là người tài đức để đại diện cho đất nước, đồng thời viện dẫn chứng cứ là bà Clinton cho đến hôm nay đã có hơn ông Trump đến hai triệu phiếu phổ thông, một con số lớn chưa từng thấy cho một ứng cử viên bên thua cuộc.

Ðã vậy, một cuộc tái kiểm phiếu (recount) đang diễn ra tại tiểu bang Wisconsin (10 phiếu ÐCT) nơi ông Trump chỉ thắng khít khao (0.7%). Nếu sau khi đếm lại mà ông Trump thua bà Clinton về phiếu phổ thông thì sự sai biệt về số phiếu đại cử tri giữa hai ứng cử viên sẽ không còn nhiều nữa. Và rất có thể thêm hai tiểu bang nữa cũng sẽ kiểm phiếu lại: Michigan (16 ÐCT) và Pennsylvania (20 ÐCT).

Hiện nay, tại Michigan ông Trump chỉ hơn bà Clinton số phiếu phổ thông cực mỏng manh: khoảng 10, 000 phiếu (0.3%). Nếu sau khi đếm lại, Michigan cũng ngả theo bà Clinton thì rất có thể xảy ra trường hợp hy hữu là không ai đủ 270 phiếu để thắng cử. Nếu việc này xảy ra, Hạ Viện sẽ có nhiệm vụ bầu chọn tổng thống (mỗi tiểu bang được một phiếu) từ hai ứng cử viên được nhiều phiếu nhất (Trump, Clinton) ; và Thượng Viện sẽ chọn phó tổng thống từ hai ứng cử viên đầu bảng (Pence, Kaine).


Bảng Chứng Chỉ Cử Tri Viện của tiểu bang Alabama, ghi rõ tên họ các đại cử tri và số phiếu phổ thông của mỗi đảng. nguồn: Internet


Lần cuối cùng sự kiện hiếm có này xảy ra là vào kỳ bầu cử năm 1824 giữa Andrew Jackson và John Quincy Adams, 192 năm trước. Khi đó các đảng chính trị đang bị phân hoá, một số chính trị gia bắt đầu tách ra khỏi quỹ đạo của các nhóm thủ cựu trong đảng để khởi động một luồng gió mới. Cả hai ông Jackson và Adams đều đại diện cho cuộc phản kháng này, chống lại ứng cử viên đại diện thế lực thủ cựu là ông William Crawford.

Lần ấy ông Jackson dẫn đầu bảng với 99 đại cử tri nhưng lại không đủ số phiếu quá bán để thắng. Ông Adams thì được 84 phiếu, còn ông Crawford chỉ có 41 phiếu, cả ba không ai đủ số đại cử tri tối thiểu. Còn một ứng cử viên thứ tư là ông Henry Clay, đương kim chủ tịch Hạ Viện, chỉ được 37 phiếu.

Thế nhưng khi cuộc bầu cử được giao cho Hạ Viện thì ông Adams lại đi đêm với ông Henry Clay để kiếm thêm phiếu. Ông Clay bèn dùng chức vị chủ tịch của mình để kêu gọi đồng nghiệp trong Hạ Viện dồn phiếu cho ông Adams. Thế là Andrew Jackson, một danh tướng thời chiến tranh lập quốc, bị loại trong đau khổ mặc dù vẫn thắng nhiều phiếu phổ thông hơn.

Sau khi lên làm tổng thống, John Quincy Adams ngay lập tức bổ nhiệm ông Henry Clay chức Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao như một phần thưởng chính trị. Vụ tai tiếng này giữa Adams và Clay được sử sách gọi là cuộc “mặc cả đồi bại” (the corrupt bargain). Hậu quả là ngay sau đó hệ thống đảng phái phức tạp trên chính trường Mỹ bắt đầu có những sự chỉnh đốn sâu sắc, dần dần đưa đến sự ra đời của hai chính đảng lớn như ta thấy ngày hôm nay.

Giờ đây, hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cũng đang có nhiều dấu hiệu rạn nứt và phân hoá, đưa đến nhiều biến động phức tạp trên chính trường và trong xã hội Mỹ. Kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử năm 2016, cũng như những sự kiện đáng ngại đã và đang xảy ra ngay sau đó, có thể là những chỉ dấu cho thấy một cuộc cách mạng mới đang từ từ diễn ra trước mắt.

Cho tới giờ phút này, khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra khi các đại cử tri đi bỏ phiếu vào tuần tới. Rất có thể mọi chuyện sẽ tiến hành suôn sẻ, nhưng cũng có thể sẽ có những tình huống bất ngờ. Chúng ta hãy chờ xem.

Ian Bùi
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân