TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hội chứng chân không yên là gì?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hội chứng chân không yên là gì?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9614

Bài gửiGửi: Tue Nov 15, 2016 11:06 pm    Tiêu đề: Hội chứng chân không yên là gì?

Hội chứng chân không yên là gì?


Hội chứng chân không yên (RLS: Restless Legs Syndrome) là tình trạng bạn có một sự thôi thúc không chịu nổi khiến bạn phải di động đôi chân, thường là do chân khó chịu, xảy ra vào buổi tối hoặc đêm trong khi bạn đang ngồi hoặc nằm. Di động chân giúp giảm bớt tạm thời cảm giác khó chịu.

Hội chứng chân không yên, hiện được gọi là bệnh hội chứng chân bồn chồn/bệnh Willis- Ekbom (RLS/WED), có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi và thường nặng hơn lên khi bạn có tuổi. Nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ - khiến bạn buồn ngủ ban ngày - và làm cho việc đi du lịch bị khó khăn.


Triệu chứng


Đặc điểm chung của các dấu hiệu và triệu chứng RLS bao gồm:

    • Cảm giác bồn chồn ở chân bắt đầu sau khi nghỉ ngơi, khi bạn đã nằm xuống hay ngồi trong một thời gian kéo dài, chẳng hạn như trong xe hơi, máy bay hay rạp chiếu phim.

    • Bớt cảm giác này khi chuyển động. Cảm giác khó chịu của RLS / WED giảm đi khi bạn chuyển động, chẳng hạn như giãn gân, đong đưa chân, đi bách bộ hay đi bộ.

    • Triệu chứng tăng lên vào buổi tối. Các triệu chứng xảy ra phần lớn vào ban đêm.

    • Co giật chân vào ban đêm. RLS/WED có thể liên kết với một tình trạng thông thường hơn gọi là chuyển động chân tay trong giấc ngủ, khiến đôi chân co giật và đá, có thể suốt đêm, trong khi bạn ngủ.

Bệnh nhân thường miêu tả triệu chứng của RLS/WED như một cảm giác bất thường, khó chịu ở chân hoặc bàn chân của họ, trên cả hai bên của cơ thể. Thường cánh tay ít bị ảnh hưởng hơn.

Những cảm giác, thường xảy ra nơi tay chân hơn là trên da, được mô tả như sau:

    • Cảm giác có vật gì bò, leo dần lên, kéo lên

    • Nhức, ngứa

Đôi khi những cảm giác rất khó mô tả. Người bịnh thường không tả những cảm giác này như chuột rút hoặc bị tê. Họ luôn mô tả cảm giác muốn di động đôi chân. Các triệu chứng thường có mức nặng nhẹ khác nhau. Trong một số trường hợp, các triệu chứng biến mất trong một khoảng thời gian, sau đó tái xuất hiện.


Khi nào nên đi khám bệnh?


Một số người bịnh không bao giờ đi khám vì họ lo là bác sĩ không tin triệu chứng của họ và coi nhẹ họ. Một số bác sĩ thường cho là các triệu chứng gây ra do căng thẳng, lo lắng, mất ngủ hay chuột rút.

Nhưng RLS / WED đã nhận được nhiều chú ý từ các phương tiện truyền thông và cộng đồng y tế trong những năm gần đây, làm cho nhiều người nhận thức được tình trạng bệnh này.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị RLS / WED, nên gọi bác sĩ của bạn để làm hẹn khám bệnh.

Hiện vẫn chưa biết được nguyên nhân của hội chứng chân không yên. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ tình trạng này có thể là do sự mất cân bằng của chất hóa học dopamine trong óc, là chất gửi tín hiệu để điều khiển chuyển động bắp thịt.


Di truyền


Đôi khi RLS / WED xẩy ra trong gia đình, đặc biệt là khi tình trạng này bắt đầu trước tuổi 50. Các nhà nghiên cứu đã xác định các chỗ trên các nhiễm sắc thể mà gen gây ra RLS / WED có thể có mặt.


Mang thai


Mang thai hoặc thay đổi nội tiết tố có thể tạm thời làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của RLS/WED. Một số phụ nữ bị RLS/WED lần đầu tiên khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối cùng của thai kỳ. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng thường biến mất sau khi sinh.

RLS/WED có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, ngay cả trong thời thơ ấu. Rối loạn này xảy ra nhiều hơn khi tuổi tác tăng lên và có nhiều ở phụ nữ hơn là nam giới.

Hội chứng chân không yên thường không liên quan đến một vấn đề y tế trầm trọng nào. Tuy nhiên, RLS/WED đôi khi đi kèm với các bệnh khác, chẳng hạn như:

    • Bệnh thần kinh ngoại biên. Thiệt hại cho các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân đôi khi do các bệnh mãn tính như tiểu đường và nghiện rượu.

    • Thiếu chất sắt. Ngay cả khi không gây ra thiếu máu, thiếu chất sắt có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm RLS/WED. Nếu có tiền sử chảy máu dạ dày hoặc ruột, có kinh nguyệt nhiều hoặc nhiều lần hiến máu, bạn có thể bị thiếu chất sắt.

    • Suy thận. Nếu bị suy thận, bạn cũng có thể bị thiếu chất sắt, thường kèm theo thiếu máu. Khi thận không hoạt động đúng, dự trữ sắt trong máu của bạn có thể giảm. Điều này, với những thay đổi khác trong hóa học cơ thể, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm RLS /WED.

Mặc dù RLS / WED không dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng khác, các triệu chứng của RLS/WED có thể từ chỉ gây ra chút khó chịu cho đến nặng làm bệnh nhân không sinh hoạt được. Nhiều người bị RLS / WED bị khó ngủ.

RLS/WED nặng có thể gây ra suy giảm phẩm chất cuộc sống đáng kể và có thể dẫn đến trầm cảm. Mất ngủ có thể gây ra ngầy ngật ban ngày nhưng RLS/WED lại có thể khiến bạn không ngủ ban ngày được.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng chân không yên, nên lấy hẹn với bác sĩ. Sau khi khám, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên về hệ thần kinh hoặc một chuyên gia giấc ngủ.

Bác sĩ có thể lấy bệnh sử của bạn và yêu cầu mô tả các triệu chứng. Một chẩn đoán RLS/WED được dựa trên các triệu chứng sau đây, được thành lập bởi Restless Legs Syndrome International Study Group:

    • Bạn có một thôi thúc mạnh mẽ, không thể cưỡng lại được, cần phải di động đôi chân, thường đi kèm với cảm giác khó chịu được mô tả như có vật gì bò lên, leo dần lên, chuột rút, ngứa ran hoặc kéo lên.

    • Các triệu chứng bắt đầu hoặc tồi tệ hơn khi bạn đang nghỉ ngơi, chẳng hạn như đang ngồi hoặc nằm.

    • Các triệu chứng một phần hoặc tạm thời thuyên giảm bởi những hoạt động, chẳng hạn như đi bộ hoặc duỗi chân.

    • Triệu chứng tồi tệ hơn vào ban đêm.

    • Các triệu chứng không thể được giải thích bằng một chứng bệnh khác hoặc vấn đề về hành vi.

Bác sĩ có thể khám thể chất và thần kinh, sau đó cho thử nghiệm máu, đặc biệt thử bệnh thiếu chất sắt, để loại trừ các nguyên nhân khác của các triệu chứng.

Ngoài ra, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ và bạn phải qua gồm một đêm nghỉ tại phòng khám giấc ngủ, nơi các bác sĩ có thể nghiên cứu giấc ngủ của bạn nếu họ nghi ngờ bạn bị rối loạn giấc ngủ, như ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, một chẩn đoán RLS / WED thường không đòi hỏi phải nghiên cứu giấc ngủ.

Đôi khi, điều trị một tình trạng căn bản, chẳng hạn như thiếu chất sắt, sẽ làm giảm các triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn.

Nếu bạn bị RLS / WED không liên quan đến một tình trạng bệnh nào khác, sự điều trị sẽ được tập trung vào việc thay đổi lối sống, và nếu không có hiệu quả, sẽ dùng thuốc.


Tự giúp


Những thay đổi trong cách sống đơn giản có thể giúp làm giảm bớt các triệu chứng của RLS/WED.

    • Tắm nước nóng và massage. Ngâm mình trong bồn nước ấm và xoa bóp đôi chân có thể làm thư giãn các bắp thịt.

    • Đắp khăn ấm hoặc mát. Dùng nóng hoặc lạnh, hoặc xen kẽ, có thể làm giảm bớt cảm giác nơi chân tay của bạn.

    • Áp dụng kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga. Stress có thể làm trầm trọng thêm RLS / WED. Học cách thư giãn, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

    • Thiết lập vệ sinh giấc ngủ tốt. Mệt mỏi có xu hướng làm tăng các triệu chứng của RLS / WED, vì vậy cần thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt. Lý tưởng nhất, có một môi trường ngủ mát, yên tĩnh, thoải mái; đi ngủ và thức dậy cùng thời gian hàng ngày; và ngủ đầy đủ. Một số người bị RLS / WED thấy rằng đi ngủ muộn hơn và dậy trễ hơn giúp ngủ đủ giấc.

    • Tập thể dục. Tập thể dục vừa đủ, thường xuyên có thể làm giảm triệu chứng của RLS / WED, nhưng tập quá trớn hoặc quá muộn trong ngày có thể làm tăng triệu chứng.

    • Tránh chất caffeine. Đôi khi cắt giảm caffeine có thể giúp chân đỡ bị bồn chồn. Cố gắng tránh các sản phẩm có chứa caffein, kể cả chocolate và đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà, nước giải khát, trong một vài tuần để xem có giúp làm bớt triệu chứng không.

RLS / WED thường là một tình trạng kéo dài suốt đời. Để sống thoải mái với RLS/WED, cần đặt ra một chiến lược đối phó hiệu quả, chẳng hạn như:

    • Nói với người khác về tình trạng của bạn. Chia sẻ thông tin về RLS/WED sẽ giúp các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hiểu rõ hơn khi họ thấy bạn đi lại dọc hành lang, đứng ở phía sau của nhà hát, hoặc đi bộ nhiều lần trong ngày.

    • Đừng chống lại nhu cầu di chuyển. Nếu bạn cố gắng ngăn chặn nhu cầu di chuyển, bạn có thể thấy rằng các triệu chứng bị tăng lên.

    • Giữ một cuốn nhật ký giấc ngủ. Theo dõi các loại thuốc và những gì giúp hoặc cản trở việc chiến đấu của bạn với RLS/WED, và chia sẻ thông tin này với bác sĩ của bạn.

    • Giãn gân và massage. Bắt đầu và kết thúc một ngày của bạn với bài tập giãn gân hoặc massage nhẹ nhàng.

    • Tìm kiếm sự giúp đỡ. Các nhóm hỗ trợ giúp tập trung các thành viên gia đình và những người có RLS/WED. Khi tham gia vào một nhóm, những hiểu biết của bạn không chỉ có thể giúp bạn nhưng cũng có thể giúp đỡ người khác.

BS Nguyễn Thị Nhuận
Nguồn: viendongdaily.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân