TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xe gắn máy Sài Gòn nửa thế kỷ qua
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xe gắn máy Sài Gòn nửa thế kỷ qua

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Aug 29, 2016 11:38 pm    Tiêu đề: Xe gắn máy Sài Gòn nửa thế kỷ qua
Tác Giả: Trang Nguyên

Xe gắn máy Sài Gòn nửa thế kỷ qua

Xe Mobylette vàng được giới sưu tập sơn lại


Nói chuyện xe gắn máy thời nửa thế kỷ trước, ông bạn già của tôi tiếc hùi hụi chiếc xe Mobylette vàng bị mất khi ra tòa án xin tư pháp lý lịch số 3 để đi du học hồi đầu năm 60. Khu vực tòa án, có cảnh sát gác cổng an toàn, chiếc xe không cánh mà bay. Có khóa vẫn mất huống hồ chi không khóa. Ông nhớ lại, vừa mới dựng chiếc xe cạnh ngay cửa sổ để chờ nhân viên lục hồ sơ đưa cho ông, lòng trông mong có nhanh phiếu lý lịch toan tính chuyện tương lai, nào để ý đến chiếc xe mình dựng gần đó vài bước chân. Chiếc xe biến mất, lòng đang vui bỗng hóa buồn. Thời đó, chiếc Mobylette vàng là cả một số tiền lớn.


Bãi đậu xe Vespa và Lambretta trên đường Trần Hưng Đạo ngày trước – Nguồn: Anhxuasg


Mobylette vàng là cách gọi chung cho dòng xe Mobylette có thân ống tuýp sơn màu beige gần giống màu cà phê bạc xỉu nhưng ngả vàng nhiều hơn. Người đi xe phân biệt dòng xe Mobylette theo kiểu trông màu đặt tên cho dễ nghe chứ nói tên model thì khó nhớ. Mobylette thời đó có vàng, xám và xanh. Ðời màu vàng xuất hiện tại Sài Gòn sớm nhất vào giữa thập niên 50 cùng thời với Velosolex loại xe có thiết kế bộ phận máy đặt ở phía trên đầu bánh trước. Chiếc xe thân yêu nhiều kỷ niệm lúc tốt nghiệp đại học đi dạy rồi đi du học của ông chỉ được hai ba năm, tự dưng biến mất hỏi sao không buồn. Ông không nhớ giá tiền chiếc xe là bao nhiêu nhưng quy ra vàng thì khoảng năm sáu lượng. Ðể mua được chiếc xe nhiều gia đình điền chủ phải bán cả ngàn giạ lúa.


Xe gắn máy Goebel của Đức trên đường phố Sài Gòn – Ảnh: LIFE


Chuyện thứ hai, là chiếc xe gắn máy của ba tôi. Nhớ thuở tôi lên tám, ba tôi mua chiếc xe Honda 68 mới tinh. Chiếc xe màu đỏ láng lẩy vè sắt xi sáng bóng như gương mà tôi thường nhìn vào đó ngắm khuôn mặt mình dài thượt trông giống trái dưa gang có cái mũi trái dừa. Mua xe nhưng ba tôi ít khi nào có dịp đi đây đó, thỉnh thoảng chở anh em chúng tôi đi lòng vòng đường phố Sài Gòn như thể khoe với bàn dân thiên hạ rằng nhà tôi cũng có chiếc xe Honda bảnh tỏn như ai. Phần nhiều thời gian chiếc xe trùm mền để trong nhà. Tôi thường đứng cạnh bên, vặn tay ga, rồ máy miệng, chân đạp cần máy loạn xạ. Có lần ba tôi để quên chìa khóa trong ổ công tắc, tôi táy máy tay chân vặn chìa, đạp máy. Chiếc xe nổ máy vang trời trong nhà không biết làm sao mà tắt. Má tôi lính quýnh, chạy sang nhà hàng xóm nhờ chú cạnh nhà bên qua xem. Chỉ có vặn ngược cái chìa khóa dễ như trở cái bánh tráng mà chẳng ai biết. Từ đó về sau, tôi không rắn mắt, chỉ đạp máy khơi khơi. Chuyện này càng tai hại hơn nữa. Chiếc xe không thèm nổ máy mỗi khi ba tôi lấy xe đi đâu đó. Kỳ lạ! Chiếc xe mới mua, trở chứng cứ “bệnh” ngộp máy hoài, ba tôi kêu bán đi cho rảnh nợ.


Velosolex, Goebel, Puch từ châu Âu trước khi có dòng xe Nhật nhập vào Sài Gòn – Nguồn: Anhxuasg


Thuở ấy, với nhiều gia đình xe gắn máy là một tài sản lớn chứ không phải là một phương tiện di chuyển rẻ tiền như chiếc xe đạp. Cả xóm tôi ở, mười mấy ngôi nhà xúm xít chỉ hai ba nhà là có xe gắn máy. Mãi cho đến sau khi xong trung học, bước chân ra đời đi làm vài ba năm trong thời buổi kinh tế khó khăn, xăng dầu khan hiếm, ngoài đường ai cũng đi xe đạp. Thời “đổi đời” đó, ai mà vi vu trên xe gắn máy thiệt là bảnh bao. Vì vậy, khi thấy vài anh chị trong cơ quan đi chiếc Vespa 50, Lambretta hay chiếc Honda các loại là tôi ngưỡng mộ và mong muốn sau này sẽ sắm một chiếc Vespa đua chen với đời. Lương ba cọc ba đồng, ít tiền thì làm sao so bì với thiên hạ. Mong ước chỉ là ước mong. Có lần tôi nói chuyện xe cộ với chị tổ trưởng, một trong số ít nữ kiến trúc sư ra trường trường kiến trúc giữa thập niên 60. Chị sống độc thân trong một phòng chung cư ở đường Lê Thánh Tôn. Là người có học thức, khá giả nhưng chị vẫn thường đi làm bằng xe đạp. Tôi hỏi chị sao không đi xe gắn máy cho xứng với chức nghiệp của mình. Chị bảo: Của cải là vật ngoại thân. Nghe chị nói xong, tôi muốn nghỉ việc đi tu liền.


Xe Nhật PC, Honda 68 tại công trường Lam Sơn – Nguồn: Anhxuasg


Muốn gì được đó, nhưng tôi không đi tu mà thi vào đại học. Thuở sinh viên lại tiếp tục đạp xe chứ nào sắm được chiếc xe gắn máy thậm chí chẳng mua nổi chiếc cà tàng như Mobylette vào lúc đó được xếp hàng vào dòng xe cổ lỗ sĩ, giá chỉ tương đương chiếc xe đạp cuộc Tiệp Khắc. Lúc này, các dòng xe gắn máy đạp của Pháp có mặt tại Sài Gòn từ thập niên 50 đã chìm vào quá khứ. Tuy vậy, một số ít người vẫn còn sử dụng Mobylette xanh. Tôi nhớ, có lần đến nhà cô bạn học dự sinh nhật ở đường Thủ Khoa Huân gần chợ Bến Thành. Trong nhà có chiếc Cady Motobécane (một trong những loại Mobylette cải tiến) dựng ở góc sân hông nhà, cạnh bên có chiếc xe hơi Peugeot 408 màu đen. Cô bạn hỏi có thích thì lấy về sửa lại chạy chơi. Thôi, đành từ chối, ôm cái của nợ này về chỉ tổ tốn tiền và mắc “nợ đời” muôn kiếp.

Ra trường, lại vẫn hai vòng bánh xe “quay đều quay đều” mệt mỏi cho công việc làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm trang trải thêm cho cuộc sống. Cuộc sống chẳng lãng mạn tí nào như “Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ. Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè...” (Xe đạp ơi). Nói vậy thôi, chứ tôi rất thích lời và giai điệu bài hát của nhạc sĩ Ngọc Lễ ca ngợi mối tình thuở xưa với chiếc xe đạp cũ mèm. Thời của lứa tuổi chúng tôi nó như vậy, lãng mạn trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, có chiếc xe đạp không bị dãn sên là tốt rồi, mong chi có được chiếc xe gắn máy của Pháp hay Nhật Bổn. Cũng lạ thật, ít thấy nhà thơ hay nhạc sĩ nào viết bài nhạc với chủ đề xe gắn máy ngoại trừ Viễn Châu viết bài tân cổ Văn Hường đi xe gắn máy “Kawasaki, Honda super sport, Yamaha, Suzuki ta cùng đua...”. Xe đạp đơn giản hiện hữu từ xa xưa đến tận giờ. Phải chăng nhịp sống thời đại mỗi lúc càng nhanh khiến con người ta lúc nào cũng ngóng về hoài niệm xưa như một cuộc sống chậm.


Xe gắn máy Peugeot 102 nhập vào miền Bắc cùng thời với loại xe Cady cuối thập niên 60


Thôi, chúng ta đang nói về xe gắn máy, hoài niệm xe đạp làm chi cho nỗi nhớ mông lung. Mấy năm sau, tôi cũng sắm được chiếc xe gắn máy ưng ý. Chiếc gắn máy Peugeot 102 màu đỏ, mọi thứ còn y như mới. Nghe đâu xe gắn máy Peugeot có mặt ở Hà Nội cùng thời với dòng xe Cady Motobécane ở Sài Gòn. Thời đó, đời sống ở Hà Nội ra sao, tôi chẳng biết. Cuộc sống Sài Gòn bon chen dành dụm để có được chiếc xe gắn máy đạp là thỏa mãn lắm rồi trong khi Sài Gòn đang bùng nổ xe Honda Super Cub nghĩa địa nhập vào sửa chữa, tân trang lại bày bán khiến người ta thích chí xe gắn máy đời mới của mình cũ của người ta.

Chiếc Peugeot 102 nguyên là của thầy cũ của tôi mang vào Sài Gòn bán đi tìm mua chiếc Honda Cub thời thượng. Thấy đẹp và rẻ tôi xin thầy nhượng cho. Chiếc xe nổ máy êm và ai cũng khen trông thật tao nhã. Không chỉ đẹp mà còn là “của” hiếm ở Sài Gòn thời đó. Xe thanh lịch, sử dụng đơn giản, phụ nữ hay nam giới chạy trông hay hơn là đi chiếc Barbetta của Tiệp Khắc đang bán trên thị trường. Dân sưu tập xe gắn máy xưa cho biết, ở Hà Nội loại Peugeot gắn máy không có nhiều, chỉ những gia đình khá giả mới sắm được. Chiếc Peugeot vào Sài Gòn làm cho dân Sài thành lạ mắt, chạy đi đâu ai cũng nhìn, đố có “đụng hàng”. Bạn bè ai cũng hỏi tôi tậu được chiếc Peugeot ở đâu, chỉ giùm cho họ.



Theo thời gian, mọi thứ rồi cũng lỗi thời. Những sản phẩm xe gắn máy thay đổi kiểu dáng hằng năm. Các loại xe Pháp, Ðức, Ý trở thành hoài niệm cho giới săn lùng xe cổ. Người có tiền hay ít tiền đều khoái xe Nhật, nhất là các loại Honda 66, 67, 68. Loại xe đàn ông này đúng là đàn ông mạnh mẽ, cày khỏe như trâu chứ không thèm sắm chiếc Honda dame hay Honda đỏ mà nhiều người khen là xe dùng trong quân đội, máy chạy bền. Trong giới sưu tập xe Puch đều thương tiếc cho cái chết của ông Ðặng Ðình Ðáng – người đã mang xe gắn máy Puch vào Sài Gòn. Ông nhìn thấy thời suy tàn của các loại xe gắn máy Pháp, xe Ðức Goebel hay Sachs máy nổ to bình bịch, kiểu dáng thô kệch không hấp dẫn người mua. Chiếc gắn máy Puch của Áo, máy mạnh, chở nặng mới là niềm đam mê của các anh hùng xa lộ. Ông Ðặng Ðình Ðáng gom hết tài sản, nhập phụ tùng và xe gắn máy nguyên chiếc, mở đại lý độc quyền ở đường Ngô Tùng Châu vào giữa thập niên 60 với mộng làm bá chủ thị trường. Không ngờ, ông Tổng trưởng kinh tế Âu Trường Thanh lại ký kết thương mại với Nhật cho nhập các dòng xe Honda vào thị trường, giá xe rẻ lại có bán trả góp cho quân nhân công chức. Ðại lý Puch phá sản, nợ nần không trả nổi, ông Ðặng Ðình Ðáng nhảy cầu Bình Lợi tự vẫn. Thế mới biết, thương trường là chiến trường.

Tuy vậy, thật lòng mà nói, xe gắn máy Nhật vừa đẹp lại vừa bền, nhất là các dòng xe Honda. Chẳng thế mà người Nhật vẫn sản xuất xe Honda Super Cub bán khắp thế giới đến hiện giờ với con số hơn 70 triệu chiếc. Các dòng xe gắn máy xưa, giờ chỉ còn tồn tại trong tay các nhà sưu tập như một cách thể hiện sự đam mê hoài niệm về các dòng xe gắn máy Sài Gòn nửa thế kỷ qua.

Trang Nguyên
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân