TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Lại kể chuyện về Phạm Công Thiện
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Lại kể chuyện về Phạm Công Thiện

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue Jul 26, 2016 3:20 am    Tiêu đề: Lại kể chuyện về Phạm Công Thiện



Lại kể chuyện về Phạm Công Thiện


      Lại kể chuyện về Phạm Công Thiện

      Bạn Mai Thọ sáng nay có chuyển đến các bạn bè qua e-mail một bài viết về Phạm Công Thiện, tựa đề là “Đọc Lê Khắc Thanh Hoài Chuyện một người đàn bà... năm con. Kể chuyện tình nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện (1941-2011) ”. Tựa bài khá dài nhỉ!
      Trước là cảm ơn Mai Thọ, sau là mình có vài “góp nhặt” như sau:

      • Không biết tác giả (TG) là ai, chỉ thấy cuối bài có ghi: Paris 23-7-2016, PHẠM TRỌNG CHÁNH, Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện Đại học Paris V, Sorbonne. Thành vậy không hiểu bài viết là của Phạm Trọng Chánh hay của Nhiem Huynh Van.

      • Bài viết cũng khá dài (5 trang A4 chữ nhỏ), nhưng tôi chỉ ghi vài điểm thôi. Tôi không biết các sự việc TG viết về PCT sinh sống ở VN trước khi ra nước ngoài năm 1971, là trích từ tác phẩm “Chuyện một người đàn bà... năm con” của Lê Khắc Thanh Hoài. [tác phẩm này “do nhà xuất bản Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Saigon cùng đọc giả trong và ngoài nước” (nguyên văn) ; nhưng tôi không rõ xuất bản năm nào ]; hay là do TG viết từ hiểu biết của mình.

      • TG viết “ Những người PCT quen biết, tôi đều có dịp gặp gỡ: từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại học Vạn Hạnh: Họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hò thượng Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh.

      • Dầu là ai, tôi vẫn có vài bổ túc thêm để cho hậu duệ biết ; như sau.

      1- TG viết “Nguyễn Hiến Lê là một tác giả tự học viết khoảng 60 quyển sách, từ sách Tự học làm người đến Triết học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục. ” Thật ra Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết 100 quyển sách, tính đến đầu năm 1975 nhân kỷ niệm ông ra đời tác phẩm thứ 100 của ông. Còn chuyện “kính phục Nguyễn Hiến Lê”, tôi dành riêng cho TG nhìn qua lăng kính của TG. Chỉ biết khi mới vừa “giải phóng 1975” Nguyễn Hiến Lê đã viết một bài trên báo ở SG nói ông ta “được may mắn đã tham dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc 1946 ở Hà Nội do chánh phủ VNDCCH tổ chức”. Và sau đó ông có rất nhiều bài được đăng ở các báo mới vừa ra sau tháng 4/1975.

      2- TG viết “ Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, ước mơ một chân trời khác. ” (...). Thú thật khi tôi đọc các dòng chữ này, tôi cứ ngỡ là của các sinh viên “xuống đường” thời trước 1975 mà họ tự cho mình là “sinh viên yêu nước, thành phần thứ ba” hay “lực lượng hòa hợp hòa giải dân tộc” vân vân. Chứ những thằng SV học Triết như chúng tôi thời đó đâu có như vậy! Đâu phải cần phải có đến PCT hay Bùi Giáng mới “ thoát ra khỏi không gian tù túng, ước mơ một chân trời khác. ”!

      3- TG viết “ anh (tức PCT) thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. ”. TG không cho biết đó là tác phẩm nào? Thật ra, phải ghi ra mới đúng, đó quyển ANH NGU  TINH ÂM TU ĐIỂN, xuất bản năm 1957 (tuyệt bản). Cuốn tự điển này hay ở chỗ là: PCT, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cho ra đời một cuốn tự điển khác với các cuốn trước đây, vì PCT không phải mô phỏng các tự điển có trước mà chép lại. PCT đã chỉ ra một từ tiếng Anh với các phát âm khác nhau, và từ sự khác nhau về phát âm (pronunciation) nên nghĩa (meaning) cũng khác nhau. Vì tôi chỉ nhớ theo ký ức của mình, nên đành ghi ra đây một ví dụ nhỏ thôi: RECORD, nếu dấu nhấn (stress mark) ở vần (syllable) đầu là danh tự (noun) có nghĩa là... ; nếu dấu nhấn ở vần sau là động tự (verb) có nghĩa là:.... Chính vì thế PCT mới đặt tên cho cuốn tự điển của mình là TINH ÂM TỰ ĐIỂN.

      4- TG viết “Chị Thanh Hoài (...) con của một bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong trào tranh đấu Phật giáo miền Trung, năm 1963 từng bị tù dưới chế độ Ngô Đình. “ Đã là một bác sĩ nổi tiếng, tại sao không ghi tên họ cho HẬU DUỆ biết. Vì thế, tôi xin ghi thêm nhé: đó là Bác sĩ LÊ KHẮC QUYẾN (1915-1978), nguyên Khoa trưởng Y khoa đầu tiên của Viện Đại học Huế. Ông viết rất nhiều bài và rất đặc sắc cho các tạp chí trước 1975, mà một trong số đó tôi còn nhớ là bài: VẤN ĐỀ Y LÝ TRONG TRUYỆN KIỀU.

      5- Có một điều này nữa nếu tôi nhớ không lầm: Có lần tôi đọc đâu đó (năm 1966 hay 1967), PCT có nói đại ý như sau: Ông đã được chấp thuận làm luận án tiến sĩ ở Đức, và tựa đề luận án của ông là “Ý NIỆM CHÂN LÝ TRONG TRIẾT HỌC CỦA PLATON VÀ HEIDEGGER”. Nhưng cuối cùng ông bỏ về VN, vì ông nói các giáo sư sẽ không đủ khả năng để chấm luận án của ông, vì sao? vì ông trích dẫn nguồn tài liệu cho luận án từ các sách viết bằng 5, 6 ngôn ngữ, cổ ngữ & sinh ngữ khác nhau, mà có thể các giáo sư giám khảo không biết đến 4 ngoại ngữ!

      PCT nổi tiếng là NGÔNG và NGANG TÀNG; ấy thế mà các sinh viên văn khoa thời đó hầu hết lại KHOÁI ông! Vì sao? Kỳ sau tôi sẽ kể vài giai thoại thú vị về ông khi ông còn ở Nha Trang và Saigon trước khi rời bỏ VN năm 1970 như ông đã viết trong một cuốn sách nhỏ của ông: “Tôi sẽ bỏ Việt Nam mà đi, vì nước VN sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới”. Làm chúng tôi nhớ lại bài thơ thứ nhất mở đầu cho tập thi phẩm nhỏ của ông NGÀY SANH CỦA RẮN (1965):

      Tôi đi đông chìm
      trời âm u thung lũng khô
      nhiều mây chim bay không nổi.

      Tôi đi dưới kia sụp đổ
      núi Cấm nổ tôi ra
      Cửu long ca từ Tây Tạng.

      Tôi về
      tôi hiện
      đèn tắt trời
      gió tắt trăng
      chim lạ kêu tiếng người
      hố thẳm ra đời
      tôi bay trên biển.
   
  Kỳ sau: Vài giai thoại thú vị về Phạm Công Thiện.



Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Wed Jul 27, 2016 5:59 pm    Tiêu đề: Chuyện về Phạm Công Thiện (Bài II) - Đỗ Kim Phụng

dokimphung đã viết :


Chuyện về Phạm Công Thiện (II)


      Chuyện về Phạm Công Thiện (II)

      Lẽ ra kỳ này tôi viết mấy giai thoại về Phạm Công Thiện (PCT), nhưng sau khi đắn đo tôi quyết định không viết. Vì đã là GIAI THOẠI tức là chuyện được nghe từ người nào đó kể rồi viết lại hay nói cho nhau nghe; do đó có thể “tam sao thất bản”. Vả lại lúc nghe mấy giai thoại ấy chúng tôi còn trẻ lắm, đầu tiên là lúc 16 tuổi (1963): khi nghe một đồng môn đàn anh học trên hai lớp thuật lại khi anh học Hè ở trung học tư thục Kim Yến, Nha Trang, học thêm Anh văn có PCT dạy – lúc đó ông chưa nổi tiếng ; rồi vài ba lần nữa vào năm 1971, 1972 và 1973 ở Saigon.

      Chúng tôi xin dùng câu nói sau đây của ông bổ sung thêm cho lý do trên:

      “... bây giờ thì tôi không thể viết lại được; vì chúng ta chỉ có thể viết về một đề tài nào đó trong một thời gian nào đó, trong một hoàn cảnh, khung cảnh đặc biệt nào đó, với một tâm trạng nào đó. Lúc bấy giờ, viết là một sự đòi hỏi khẩn thiết mà chúng ta không thể không viết được. Nhưng khi những điều kiện ấy đã mất rồi thì ta không thể nào viết lại được và ta chỉ có thể viết một bài mới khác... ”

      Trích từ phần CHÚ THÍCH trong cuốn Tiểu Luận Về Bồ-Đề Đạt-Ma, nxb Tân Ý Thức, 1964, tr. cuối sách. Sách dày 102 trang, khổ 10. 5 x 20. 5, chữ vừa.

      Thay vào đó, tôi xin trích ra đây những gì ông đã viết về ông, trước 1975 và sau 1975 để quí độc giả nhận định.

      1- “Tôi thường mang tiếng là giỏi sinh ngữ, thực sự thì tôi khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó học nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự Điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ẩn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được.
      Còn tiếng ngoại quốc? Tôi coi những thứ tiếng ngoại quốc như những trò chơi nhảm nhí. Hồi 13- 14 tuổi, tôi đã học tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Ba Lan, vân vân. Đến năm 18-19 tuổi, tôi lại học thêm tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hy Lạp, tiếng Tây Tạng, vân vân. ”

      Trích từ Lời Mở Đầu cho tác phẩm Tôi Là Ai, Phạm Công Thiện dịch Ecco Homo từ tiếng Đức của Nietzsche; nxb Phạm Hoàng, SG, 1970; tr. 10-11.

      2- “... Ngôn ngữ Việt Nam kêu gọi người viết lên đường đi về một cuộc tự phá hủy toàn diện của chính ý thức vọng nghĩa trong lòng u ẩn nhất của tiếng nói quê hương.
      Sau 17 năm bỏ viết tiếng Việt, bây giờ người viết bắt đầu khiêm tốn học viết lại từng nét chữ linh hiện của tổ tiên .
      PHẠM CÔNG THIỆN, Garden Grove, California, ngày 24-5-1988."

      Lời Mở Đầu cho tác phẩm Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất của Phạm Công Thiện; nxb Trần Thi, 1988, California, USA.

      3- “Tại sao nó lại ngồi đây, ngồi tại một căn phòng trong một ngôi nhà ở Garden Grove? Tại sao lại với Heraclitusvà Céline? Tại sao cứ trích dẫn những câu văn tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, tiếng Hy Lạp, tiếng mọi, tiếng Mường, tiếng Mán?

      Tại sao cứ loạng quang cả đời với Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo và một đống kinh Phật chữ Tàu, chữ Phạn, chữ Pali, chữ Tây Tạng? Tại sao cứ luẩn quẩn với con gái, với đàn bà?...

      ... Tại sao mấy ông linh mục và giám mục thường hiểu sai Phật giáo? Tại sao mấy ông đại đức thượng tọa lại hiểu lầm “công giáo” là “tôn giáo chung, tôn giáo nhà nước “?

      Tại sao lúc 16 tuổi mà nó đã học thuộc lòng 9 quyển tự điển tiếng Anh dày đến trên 1000 trang và đã học thuộc lòng đến 7 lần?

      Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất của Phạm Công Thiện; nxb Trần Thi, 1988, California, USA; tr. 76-77-78.

      Kỳ sau tiếp.
      ĐKP (Bhaktivedantavidyaratna)

Ghi chú :
* Xin phép Phụng được chuyển sang đây cho liên tục .  Bài thứ III nên đăng tiếp theo bài II !
* Viết ngắn quá xem chưa đã !
* Thân ái,
  MHT




Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Thu Jul 28, 2016 9:10 pm    Tiêu đề:

dokimphung đã viết :


Chuyện về Phạm Công Thiện (III)


      Chuyện về Phạm Công Thiện (III)

      Cảm ơn Thọ. Có gì về kỹ thuật trình bày Thọ giúp nhé, mình rất dở computer lắm: muốn lấy ảnh từ sách/báo hay riêng rẻ để minh họa cho bài mà mình cũng chẳng biết làm sao. Có dịp rảnh Thọ chỉ cho mình qua e-mail thì quí lắm.

      Thật ra chuyện về PCT kể ra nhiều lắm, đó là không đề cập đến các giai thoại. Thôi thì bây giờ mình chỉ trích vài đoạn đâu đó trong các tác phẩm của chính ông viết để cống hiên cho HẬU DUỆ biết về những gì trước đây khi các cháu chưa chào đời; như thế hay hơn. Thật ra, sẵn dịp Nhiem Van Huynh viết về PCT và vợ, mình thấy có cái gì đó không ổn, cho nên mình muốn bổ sung cho độc giả biết thêm, thế thôi. Mình chỉ ghi lại MỘT THỜI ĐỂ THƯƠNG VÀ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ của chặng đời trước tháng 4-1975.

      Có lẽ từ khi ra nước ngoài PCT thay đổi quá nhiều, nhất là PCT khoái rượu & gái! Có lần PCT nói với một học trò vài năm trước khi qua đời rằng: Nếu trên đời này không có đàn bà, thì thầy đã thành Phật lâu rồi.

   
 Kỳ trước tôi nói, bọn thanh niên như chúng tôi thời đó khoái ông vì ông NGÔNG và NGANG TÀNG. Nay tôi trích dẫn chính lời ông nói.

      1- TẠI SAO TÔI NGANG TÀNG NHƯ THẾ:
      (nguyên văn trang 148 trong TÔI LÀ AI), bản Việt dịch từ nguyên bản Đức ngữ ECCO HOMO của Nietzsche)

      (...) Bọn “làm văn nghệ”ở Việt Nam thích viết những dòng chữ như “nghĩ về... ”, “hiện tượng”, “sinh hoạt... ”, “ý thức tiến bộ... ”vân vân. Bọn chúng viết văn rất tự mãn hay bất mãn một cách có tổ chức, luôn luôn sẵn sàng phê bình, nhận xét, kiểm điểm, chỉ định, phản ứng kịp thời, cái lũ ranh con làm phê bình gia đầy dẫy trong những tạp chí như Khởi Hành, Bách Khoa, Văn Học vân vân, mà kiến thức được giới hạn bởi nhà sách [i]Việt Bằng và Xuân Thu. Trong tay chúng luôn luôn có những tờ Express, Figaro littéraire và Nouveles littéraire , thỉnh thoảng giở những tập Critique, Les letters nouvelles, La Table Ronde, Esprit và Planète...

      Samuel Beckett vừa mới bị trúng giải Nobel thì chúng đã viết bài sẵn sàng tán dương, một cách vội vã và hợp thời, như cổng chuồng vừa mở thì mấy con heo vụt chạy ra và ăn cám.

      Đó là hạng thanh niên trí thức mới, luôn luôn ăn những thứ cám mang tên là “cơ cấu luận”, “hiện tượng luận”, ”phê bình và chống phê bình”, “Jean Paul Sartre và Roger Caillois” vân vân. Họ thường ngồi ở Pagode, vừa mới tốt nghiệp triết học ở đại học Đà Lạt hoặc ở đại học văn khoa Saigon, thích uống cà phê bỏ đường nhiều và hút Bastos xanh, viết một câu chữ Pháp chưa nên thân mà hay bi bô một tràng Pháp văn rất littéraire, rất thông thạo về “sinh hoạt hiện tình văn nghệ miền Nam” hay lên giọng bao dung lễ độ một cách hài hước. Chốc chốc họ lại làm điệu Lão Tử: ”tôi không đọc sách gì hết”. Đó là cái hạng thanh niên ngoài hai mươi cho đến 35 hoặc 36-37 tuổi.

      Còn hạng 40 trở lên thì lại thích nói đến Nguyễn Du và dân tộc tính, hạng này có kinh nghiệm với mác-xít và rất lấy làm vênh vênh tự mãn khi vung tay chối bỏ quá khứ hoặc để cho khỏi mang danh “phản động” thì cũng xìa ra đôi lý luận rất quốc hồn, quốc túy, rất xã hội, cộng đồng, quần chúng, tiến bộ.

      Còn hạng thanh niên choai choai từ 16 đến 25 tuổi thì đều tưởng là “thiên tài độc nhất của nhân loại”. Cái gì cũng thích chửi rủa đập phá; cái gì cũng tự nhận là số một, rất sung sướng khi được bạn bè gọi là “nghệ sĩ”, “thằng sống bât cần đời”, “ngang tàng oanh liệt”. Họ sung sướng tự nhận là “đồ đệ của Phạm Công Thiện”!

      Nhưng tôi muốn hỏi các ngài: các ngài có đủ sức chịu đựng sự lố bịch của các ngài không? Tôi báo cho các ngài biết: càng cố gắng tỏ ra lố bịch, bất cần đời thì các ngài càng sợ lố bịch nhất mà tôi muốn tặng cho các ngài:
      - Xin các ngài đừng ngó ra ngoài.

      Còn một hạng công chức về hưu hay đọc Krishnamurti, Thiền tông, Đạo ĐứcKinh và Nam Hoa Kinh. Họ ăn nói như những cụ đạo sĩ đắc đạo. Ngồi nghe họ nói chuyện một giây thôi, tôi cũng đủ hộc máu mà chết. Họ thường nói như con gà trống: đừng đi tìm gì cả, Phật hay Chúa gì cũng ở tại tâm, đời sống rất giản dị, không có vấn đề gì cả. Họ thích nói chữ “chấp”. Tôi nghe chữ ấy thì muốn bạo động và đạp cho họ một đạp cho rơi xuống hố. “Kẻ nào ngã té thì xô cho nó té luôn” Nietzsche nói như thế[).
[/i]
   
 TRÍCH Từ TÔI LÀ AI, bản Việt dịch từ nguyên bản Đức ngữ ECCO HOMO của Nietzsche; nxb Phạm Hoàng, Saigon, 1970; tr. 157-158-159-160.

      (còn tiếp)

      ĐKP (Bhaktivedantavidyaratna)



Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Thu Jul 28, 2016 9:20 pm    Tiêu đề: KỂ CHUYỆN TÌNH  NHÀ THƠ TRIẾT GIA PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)

ĐỌC  LÊ KHẮC THANH HOÀI
"Chuyện  một người đàn bà.. năm con"
KỂ CHUYỆN TÌNH  NHÀ THƠ TRIẾT GIA PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
(Huỳnh Văn Nhiệm sưu tầm)

Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện  qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác  viết :  anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học  Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy  trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?
Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại ?
Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị : Chuyện một  người đàn bà năm con,  tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê tác giả : Ý thức mới trong văn nghệ và triết học , Phạm Công Thiện.
Sách trang bìa hình tháp Eiffel  Paris, nơi xảy ra câu chuyện và bức chân dung  chị Lê Khắc Thanh Hoài  ký tên  Phạm Công Thiện vẽ, ngày anh tỏ tình cùng chị, chị không dấu tên người bạn đời. Người đàn bà có năm con cùng triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011) kể lại cuộc đời mình dẫn nhập bằng cuộc đối thoại với cháu ngoại,  mừng sinh nhật bà, trao phong bì : một bài thơ bằng tiếng Pháp  và  lì xì :  10 Euro cho bà, vì thấy bà ngoại nghèo quá thật là dễ thương, ngộ nghĩnh và cảm động. Từ đó chị kể lại cuộc đời mình qua 13 năm sống chung. Thời gian mà anh  sang Pháp  năm 1970, từ bỏ áo nhà tu Thích Nguyên Tánh  và  sau năm 1985 anh sang Mỹ cư ngụ tại Los Angeles và qua đời tại Houston..
Tuổi học sinh Trung học, tôi say mê khi đọc Phạm Công Thiện, tôi biết về thơ Appolinaire, Rimbaud, Pierre Emmanuel..về các triết gia mới  Tây Phương qua anh.
Bây giờ thì tôi viết về anh qua truyện kể của chị Thanh Hoài, nhìn anh qua những Vidéo các buổi nói chuyện của anh. Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời  Hiện tượng Phạm Công Thiện, một thời làm mưa làm gió tại Miền Nam những năm 1966-1970. Và dư âm những mưa gió ấy tại Hải ngoại từ 1970 đến năm 2011. Tôi muốn hiểu Phạm Công Thiện là ai ? anh là một thiên tài thần đồng, hay một  một Trạng Quỳnh của một thời ?. Những kiến thức anh lấy từ đâu ? nguyên do gì anh đã mê hoặc  cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam trong thời điểm đó. Đâu là sự thật của đời anh, đâu là huyền thoại do anh và mọi người thêu dệt. Những người Phạm Công Thiện quen biết  tôi đều có dịp gặp gỡ :  từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại Học Vạn Hạnh : Họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hoà thượng Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh, chị Thanh Hoài người bạn đời từng chung sống với anh 13 năm, và có  5 con với anh.
Chị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong Trào tranh đấu Phật Giáo  miền Trung, năm 1963 từng bị  tù dưới chế độ Ngô Đình. Năm 1969 chị học Triết học Đông Phương tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Năm 1970 chị lên đường sang Bruxelles du học. Gặp và kết hôn với  Phạm Công Thiện tại Paris. Chị Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, tác giả nhiều CD, và hàng trăm nhạc phẩm.
Trước nhất  Phạm Công Thiện là một nhà thơ : tập ‘Ngày sinh của rắn’ in năm 1988, có những bài thơ đẹp,  và lạ lùng :
VI : Tôi chấp chới/ đắng giọng/ giữa tháng ngày mơ mộng, nốt ruồi của hương/ hay nốt ruồi của rigvêda/ tôi mửa máu đen/ tôi mửa đêm paris/ tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng/ tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người/ cho quế hương nằm ở nhà thương điên trí nhớ/ mặt trời có thai/mặt trời có thai/ sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt.
VIII : Mười năm qua gió thổi đồi tây/ tôi long đong theo bóng chim gầy/ một sớm em về ru giấc ngủ/bông trời bay trắng cả rừng cây/ gió thổi đồi tây hay đồi đông/ hiu hắt quê hương bến cỏ hồng/trong mơ em vẫn còn bên cửa/ tôi đứng bên đồi mây trổ bông/gió thổi đồi thu qua đồi thông/mùa hạ ly hương nước ngược dòng/tôi đau trong tiếng gà xơ xác/một sớm bông hồng nở cửa đông.
Anh nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đã công tác viết bài cho tạp chí Bách Khoa, một tạp chí nổi tiếng giới trí thức miền Nam thời bấy giờ, anh thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. Nguyễn Hiến Lê là một học giả tự học viết khoảng 60 quyển sách từ sách : Tự học làm người, Rèn luyện nhân cách, đến Triết Học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục. Có lẽ Phạm Công Thiện đã học phương pháp tự học và làm việc của  học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn học một ngôn ngữ, học bằng cách dịch  quyển sách mình ưa thích, mỗi ngày đều đặn, chỉnh tề, ngồi vào bàn viết.. lúc đầu khó khăn, sau thành thói quen viết dễ dàng nhanh chóng. Tôi hiểu anh không nói ngoa, anh đã viết 20 quyển sách thời niên thiếu và đốt đi. Đó là cách tập luyện viết sách, đọc một quyển sách mình mô phỏng theo, viết một quyển tương tự, ban đầu mình chịu ảnh hưởng nhiều từ từ mình tạo ra một phong cách riêng, tiến đến một sáng tạo hoàn toàn.
Anh giỏi tiếng Pháp anh có tài dịch thơ lưu loát và quyến rũ, anh đọc các triết gia Tây Phương và các Thiền sư Phật Giáo và diễn tả lại gọn gàng dễ hiểu. Anh đáp ứng được nhu cầu giới trẻ đương thời đang muốn mở ra tiếp xúc với Tây Phương, nhưng không đủ vốn liếng ngôn ngữ để đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức văn chương Tây Phương từ sau cuộc tiếp xúc với Văn chương lãng mạn thời Thơ Mới với Baudelaire, Edgar Poe.. Các Triết gia  Hiện Sinh, hiện đại như thế nào ? Anh đáp ứng được một nhu cầu muốn tìm hiểu của đương thời. Thuở còn học sinh Trung Học tại Phan Thiết, tôi và anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ thường gặp nhau bàn về những điều Phạm Công Thiện viết. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, mơ ước một chân trời khác , đọc được Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng tên tuổi các triết gia Hy Lạp, triết gia bên Tây  tên tuổi nghe mù mờ, có người tóm lược giảng giải  nên lấy làm thích thú. Lâu lâu lại khen chữ nghĩa, tâng bốc  văn hóa Việt Nam, làm hừng chí  tự ti dân tộc.  Phạm Công Thiện  nổi danh trên mảnh đất trống tư tưởng  đó.
Phạm Công Thiện là một người quyến rũ, có sức thôi miên người đối thoại. Chị Thanh Hoài viết  tr 167:
« Gặp Chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cởm.  Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắng. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và.. trôi theo bấp bênh cùng Chàng !
Phải rồi ! Bấp bênh và.. vô định ! Tự dưng nàng linh cảm mãnh liệt điều đó. Đến với chàng là chấp nhận bấp bênh và vô định. Không chờ đợi, không đòi hỏi. Vô điều kiện.  Là quăng bỏ quá khứ và tương lai. Là phiêu lưu không cần địa bàn định hướng. Chỉ có một chiếc kim chỉ nam là tấm lòng, là con tim, là sự thành thật. Đó mới là kho tàng vô giá. »
Thời tôi và chị Thanh Hoài đi du học, số nam sinh viên luôn luôn đông hơn nữ, tỷ lệ có thể đến 1/20. Được một cô sinh viên du học xinh đẹp mới qua là có ít nhất  hàng tá chàng trai Việt chạy theo. Các gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, gửi con gái đi du học với niềm hy vọng : nếu nó học không xong cũng hy vọng có được tấm chồng trí thức, bác sĩ, kỹ sư, tương lai bảo đảm. Con gái nếu không thành công, thì có con rể vinh hiển cũng được nơi nương tựa yên ổn. Chị Thanh Hoài đã từ chối bao kỹ sư, bác sĩ đến với chị để nghe tiếng gọi của trái tim yêu một thi sĩ, một triết gia, âu cũng là một sự lựa chọn cho cuộc đời gian truân của chị.
Phạm Công Thiện là ai ? anh được đào tạo từ đâu ? hay anh là một thiên tài, đã học từ bao nhiêu kiếp trước, nay sinh ra đã trở thành một triết gia không cần học ai. ?
Theo tiểu sử anh sinh ra từ một gia đình theo đạo Công Giáo, anh theo học một trường tư thục Công giáo dạy bằng tiếng Pháp, anh được  cha mẹ mướn người dạy kèm học tại tư gia, nhưng năm 1963, anh ra Nha Trang quen biết với nhà thơ Quách Tấn. Quách Tấn  đưa anh đi thăm viếng chùa Hải Đức, nơi đây anh tập thiền và  quy y pháp danh Nguyên Tánh với Thầy Trí Thủ, một vị cao tăng Phật Giáo.
 Phạm Công Thiện không viết hồi ký nên không rõ anh có bằng Tú Tài  II hay không, nhưng giỏi sinh ngữ như anh  việc thi thí sinh tự do, lấy bằng Tú Tài toàn phần  không phải là chuyện khó, rất nhiều học sinh học trường Pháp, thi  thí sinh tự do lấy bằng Tú Tài  II Ban Sinh Ngữ Văn Chương trường Việt thật dễ dàng. Học sinh  trường Pháp thi  môn Anh Văn, Pháp Văn kỳ thi  Tú Tài Việt được 18, 20 dễ dàng, các môn Triết Học, Sử Địa chỉ cần học một lượt cũng được trung bình là  kỳ thi qua trót lọt.Triết Học lại là môn anh Thiện ưa thích lại quen viết bằng tiếng Việt.  Để có học bổng tại Viện Đại Học Yale, để đi du học  Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú Tài Toàn Phần hạng Ưu hay Bình.  Phạm Công Thiện  xong B.A (Cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học, thì anh bỏ học ra đời.
Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng . Lá Bối . Sài Gòn Xuất bản  1968 trong bức thư cho Nhị Tay Ngàn, chương đầu Phạm Công Thiện viết :
« Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học tao học, như trường đại học Yale  và Columbia, chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp ta đã sống nghèo đói thế nào, thì mày đã biết rõ rồi, những lúc tao nằm ngủ tại những vĩa hè Paris, vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư trường đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hégel, và Heidegger hay Héraclite. »
« Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao cũng không thèm nghe nữa. Tao là học trò của tao, và chỉ có tao là thầy của tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không muốn ai làm thầy  của tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức, trí thức 15 xu, ái quốc nhân đạo 35 xu, triết lý tôn giáo 45 xu..
Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hégel hay Karl Marx. Không cần phải đọc Khổng Tử, Lão Tử. Không cần phải đọc Upanisads và Bhagavad Gita. Chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nội tại tiếng Việt Nam là bổng nhiên nhìn thấy tất cả đạo lý, triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sâu trong ba tiếng Việt đơn sơ như : Con, Cái, Chay, Cháy, Chày, Chảy, Chạy và còn bao nhiêu điều  đáng suy nghĩ khác mà chúng ta bỏ quên một cách ngu xuẩn.» 
Phạm Công Thiện, sang Pháp, anh ghi danh ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước nhưng rồi không thuận với anh,  ông lên Paris khoảng năm 1966. Lúc này tại Paris  Thầy Nhất Hạnh  lập Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại, chi bộ Pháp do anh Võ Văn Ái  làm Tổng Thư Ký trụ sở tại Maison Alfort, ngoại ô Paris. Phạm Công Thiện thân thiết với anh Ái và cùng ở nơi này.
Năm 1966, Hòa Thượng Minh Châu  đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại Học Vạn Hạnh. Gặp Phạm Công Thiện, thầy thuyết phục anh làm  lễ xuất gia  cho  anh, Đại Đức Thích Nguyên Tánh  và đưa anh về Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Phạm Công Thiện  tạm thời phụ trách Khoa Khoa Học Nhân Văn. Sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Niên  khoá  1968-1969 ; Thanh Hoài học môn Triết Đông với Thầy Nguyên Tánh.
Năm 1970 Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội Nghị Phật Giáo cùng Hoà Thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án Tiến Sĩ.  Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cuộc sống phiêu lưu đầy gian nan, sống với học bổng của anh trong 4 năm.  Sau đó anh xin được một việc làm văn phòng Đại học Toulousse, nhân có một chân phụ giảng trống anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu  ‘ Sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất, bốn năm cao học đã hoàn tất ‘  (tr 252). Điều này chứng tỏ Phạm Công Thiện đã xong văn bằng tốt nghiệp Ecole Pratique des Hautes Etudes (tương đương với Master) tại Sorbonne, và học xong một năm D. E. A. Diplôme Etudes Approfondies, (theo tổ chức đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành Master I, Master II và bỏ văn bằng Tiến sĩ  Đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc Gia, chỉ còn một văn bằng Tiến sĩ  duy nhất).  Anh làm việc này giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là Giảng  sư (Maître de Conférence) tại Đại Học Toulousse II. Ở chức vụ này anh phải xong luận án Tiến sĩ Đệ Tam Cấp, nếu  không thì anh không được gia hạn.. Công việc tạm ổn định, chị Thanh Hoài sinh năm con, bốn cháu trai và một cô gái út, quần quật với bầy con : đưa rước đi học, ăn uống tắm rửa, bếp núp, chị còn làm việc  ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus, nhưng Phạm Công Thiện lại rơi vào vòng nghiện rượu, sống cuộc sống đầy bè bạn quên mất chuyện gia đình.
« Và nơi ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra chỉ có hương hoa và sắc  màu  của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay, nơi  đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu.
« -Anh không thấy gì hứng thú vì cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền nuôi vợ con ». «  Anh chỉ là chiếc bóng đằng sau bầy con.  Điều này cũng làm anh đau khổ.. Lải nhải triết lý xong thì anh chỉ còn biết lè nhè . »
« Thì giờ của em dành cho con quá nhiều và em đã bỏ rơi anh.. Hay là em.. tránh né anh.. ?  »
Tránh né anh vì em ghê sợ mùi rượu. Vậy anh hãy ngừng uống rượu..
-Đúng là lẫn quẩn không lối thoát !
Bảy năm trời trôi qua trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát đó, nơi cái biệt thự màu hồng đó. Nàng thì vẫn cứ xoay mòng với bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán chường mỗi ngày một chồng chất, nhưng bọn sinh viên vẫn ào ào tới càng ngày càng đông hơn, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến càng nhiều hơn. Những buổi trà dư tửu hậu lại tiếp nối nhau. Khói thuốc vẫn mịt mù lan toả. Mùi rượu vẫn nồng nặng xông lên..
Cho đến cái ngày mà giọt nước đã tràn đầy ly thì cái vòng lẩn quẩn đó tự động ngừng quay. »
Một ngày Thanh Hoài bị suyển nặng, ho vì dị ứng phấn hoa, nhờ anh đi mua thuốc. Anh ra đường  gặp bạn bè rủ đi ăn nhậu, quên mất chuyện thuốc cứu cấp cho vợ, sáng hôm sau mới về mang một hộp trứng, hỏi thuốc, anh quên mất.
« Sáng hôm ấy, vì quá mệt, Nàng đưa toa của bác sĩ nhờ Chàng ghé tiệm thuốc mua giùm Nàng. Mười lăm phút, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua, Nàng ngong ngóng Chàng về đưa thuốc cho đỡ nghẹt thở. Rồi một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua.. vẫn không thấy bóng Chàng. Nửa ngày trôi qua. Một đêm trôi qua. Nàng vẫn ngong ngóng. Nhưng vẫn không thấy bóng chàng đâu. Một đêm đã trôi thật quá dài, quá dài tưởng như bất tận. Không ngủ được vì ho, vì nghẹt thở. Nàng đã trải nghiệm cảm giác thế nào là kề cận cái chết. Nàng không đủ sức để tức giận, vì nàng nghĩ nếu chết trong sự tức tối, chỉ tự mình hại mình, sẽ không được đầu thai tốt, lại còn rơi vào đọa xứ nữa không chừng !  Chi bằng cứ thản nhiên, chấp nhận số phận và thanh thản niệm Phật. Đây là điều cần làm trong lúc này, chẳng phải là sự tức giận !
Nàng nhắm mắt chờ thần chết rước đi. Nhưng không, không được ! Nàng sực tỉnh ! Mà kia mình đã quên mất bầy con, mình chết thì chúng sẽ ra sao đây ? Mình có thể bỏ chúng để ‘ tiêu diêu ‘ nơi phương trời nào đó được chăng ? Từ bỏ cái thân thể bệnh hoạn khổ sở thì mình cũng hết nợ với thế gian này, nhẹ nhàng thanh thản cho mình, nhưng không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên bầy con. Không được rồi, không đúng rồi.. Không mình phải sống, phải ngồi dậy, đứng thẳng và không còn nghẹt thở. Mình phải tự bảo vệ mình, không thể buông xuôi ! Mình nhớ đã từng được dạy dỗ ‘ thân người khó được ‘, phải bảo vệ nó cơ mà ! Không sát sanh, không hại vật, nhưng khi nguy cơ đến thì cũng phải biết tự bảo vệ để không mất mạng chứ ! Có thể nào chết dễ dàng như vậy được ? Không, ta phải sống !
Khi trời vừa tờ mờ sáng thì Nàng nghe tiếng cửa mở. Chỉ cần thấy dáng bộ xiêu vẹo, ngả nghiêng của Chàng là nàng thừa hiểu tất cả. Trông Chàng còn thê thảm hơn cả Nàng nữa ! Thôi thì chẳng còn gì để hỏi, để nói, để trách nữa. Chắc chắn là không có thuốc cho Nàng rồi.
Dù gì thì Nàng cũng đã quyết định rằng Nàng phải sống, Nàng phải thở, Nàng phải đứng thẳng dậy và đi tiếp.
Nhưng đoạn đường đi tiếp của Nàng chắc chắn là sẽ không đi cùng Chàng. Không vì tức giận hay oán trách, mà chỉ vì không còn giải pháp nào khác hơn.
Thế là Nàng lặng lẽ sắp đặt cuộc ra đi của Nàng. Rồi đến ngày hôm đó, không báo trước, không nói năng. Nàng âm thầm dắt bầy con ra khỏi ngôi biệt thự màu hồng . » 
Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, chị thu xếp cùng năm con ra đi. Phạm Công Thiện cũng mất việc đại học vì chưa xong luận án, anh được Hoà Thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Tế Phật Giáo, tai Los Angeles. Anh lại trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.
Tại xã hội Pháp nuôi nấng năm con không phải là điều dễ dàng, thường mỗi gia đình chỉ dám có 2,3 con. Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người :  Cậu trai đầu , tốt nghiệp École Normal Supérieur rue d’Ulm, Tiến sĩ Vật lý , giảng dạy Vật Lý Viện Đại Học Paris XII Orsay. Cậu thứ hai Tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại tại Bordeaux, Giám Đốc  Thương Mại, cậu thứ ba Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật tại San José Hoa Kỳ, Họa sĩ, cậu thứ tư  tốt nghiệp  Triết Học  và cô gái út Bác sĩ Nhi Khoa. Chị có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.
Phạm Công Thiện qua đời năm 2011 tại Houston, các con đều sang dự đám tang cha.
« Nhờ âm nhạc, qua âm nhạc, bà luôn luôn đi sát cạnh cuộc đời, ở trong cuộc đời, thăng hoa cuộc đời, biến những nỗi buồn thành niềm vui, những chán chường thành lạc quan yêu đời, cô đơn thành cảm thông chia sẽ. »
Đứa cháu ngoại đã hỏi chị :
-«  Bà ơi ! Bà có giận ông ngoại không ?
-  Bà chẳng hề giận !
- Thực ra, con cũng thấy thương ông ngoại làm sao ấy..
‘  Cháu bà giỏi lắm, các cậu và mẹ con cũng thế, luôn yêu thương ông ngoại, không hề ghét bỏ hay trách móc.
- Mỗi lần gặp lại ông, con chỉ muốn ôm ông hôn và không cần phải nói nhiều.. Con biết ông không hề có ý làm khổ bà, vì chính ông là người khổ trước tiên nếu phải làm khổ ai…. Ông ngoại vẫn luôn bảo tụi con phải yêu thương bà hết mực, vì nhờ bà mà mẹ con, các cậu con nên người. Có  điều.. ông vẫn nghĩ là bà còn giận ông !
- Con có nghĩ như vậy khi bà kể chuyện cho con ?
-  Không, Con nghĩ bà vẫn còn yêu ông ngoại !
 - Thực ư.. Chính bà cũng không biết ! »  
Khép lại trang sách tôi ngẫm nghĩ. Tiếc là sách bằng tiếng Việt, nếu viết bằng tiếng Pháp, các cháu nội, cháu ngoại chị Thanh Hoài đọc được sẽ nghĩ rằng : ông bà mình thiếu thông tin cho nhau. Nếu ông đi đâu, điện thoại cho bà một tiếng, hay nếu có điện thoại di động, bà gọi ông nhắn ông đem thuốc về gấp thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tiếc thay oan Quan Âm Thị Kính nằm ở chổ, thời ấy chưa có dao cạo râu : Thị Kính phải vác con dao phay to tướng cắt râu cho chồng.  Bà giận ông : vì thời ấy chưa có điện thoại di động. Nếu không bà sẽ điều khiển từ xa, ông chồng triết gia lãng trí hay quên của mình.
Các cháu Việt Nam sinh ra tại Pháp xem xong vở tuồng Quan Âm Thị Kính thường tức tối và hỏi : Où est sa bouche ?. Cái miệng bà Thị Kính ở đâu ? Sao bà không nói ? Sao ông không nói ? Tiếc thay khi ông bà giận nhau các cháu chưa ra đời !
Khép lại đọc trang cuối bìa tập sách là lời Phạm Công Thiện viết khi gặp nhau lần cuối :
« Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh của dịu dàng đầm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể.
Hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể. »  
Khép lại trang sách chuyện kể một cuộc tình, hai cuộc đời không trọn vẹn cùng nhau đến cuối đời. Nhưng lời kẻ chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm  tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài.
Xin giới thiệu tiểu thuyết “Chuyện một người đàn bà.. năm con » của Lê Khắc Thanh Hoài do nhà xuất bản Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn cùng đọc giả trong và ngoài nước. Qua câu chuyện một kinh nghiệm sống cuộc đời, chị đã vẽ ra một khung cảnh người Việt trên đất Pháp, nó cần thiết cho các bạn trẻ, cho phụ huynh khi con em lên đường du học. Truyện còn giúp ta hiểu hơn về Phạm Công Thiện một nhà thơ, một triết gia một thời danh tiếng  tại miền Nam Việt Nam.
Paris 23-7-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.


Mời xem Video Clip :

Triết-gia Phạm Công Thiện, người được ban tổ chức mời giới thiệu về tác giả và tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật.
Tại Houston ngày 04 tháng 11/2007.




Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Fri Jul 29, 2016 11:40 am    Tiêu đề: Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ

dokimphung đã viết :


Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ


      Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ

      Cảm ơn Thọ rất nhiều khi tải lên đoạn clip-art 35 phút quay cảnh Phạm Công Thiện nói về cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thầy Tuệ Sỹ (TS). Đây là lần đầu tiên mình mới xem được clip này. Cảm ơn Thọ nhiều. Sau đây mình xin ghi lại vài bổ sung thêm sau khi xem đoạn clip trên.

      1- Clip cho thấy trang bìa của Huyền Thoại Duy Ma Cật ghi: Ban Tu thư Phật học Hải Đức Nha Trang, 2550 theo Phật lịch, tức năm 2006. Nhưng chỉ một năm sau, tháng Ba năm 2007, sách đã được nhà xuất bản Phương Đông phát hành với mẫu bìa đẹp và có màu xanh lục ; in lần thứ nhất tại xí nghiệp in Fahasa, 1000 cuốn, khổ 14 x 20cm, 316 trang, chữ vừa.

      2- Sau đó một năm, tháng Giêng năm 2008, thầy TS cho ra tiếp cuốn Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, cũng nxb Phương Đông phát hành với mẫu bìa đẹp và có màu y như vậy in tại xí nghiệp in Fahasa (khổ 14 x 20 cm; 307 trang, chữ vừa; 1000 cuốn).

      3- Tính theo năm sinh, Thầy Tuệ Sỹ nhỏ hơn PCT; Thầy TS tên thật là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 ở Lào, PCT sinh 1941. Thành vậy, PCT nói khi gặp TS ở Phật học viện Hải Đức, Nha Trang năm 1964, TS là một chú tiểu chừng 18, 19 tuổi là không đúng (có lẽ PCT hơi lẩm cẩm rồi chăng! vì PCT nói 40 năm rồi chưa gặp lại TS, tức là từ 1970 khi PCT ở hẳn luôn nước ngoài!) Thầy TS được cố HT Thích Trí Thủ (1909-1984) - người sáng lập Viện Cao đẳng Phật giáo năm 1964, phát hiện là một bậc kỳ tài. Chính HT Trí Thủ đã đặt pháp danh cho hai chú tiểu này: pháp danh của PCT là Nguyên Tánh, còn pháp danh của TS là Nguyên Chứng. Tuệ Sỹ là pháp danh do chính Thầy đặt cho thầy!

      4- Để ý trong đoạn clip, PCT có đề cập đến một thượng tọa, nhưng ông không muốn nói tên chỉ nói rằng đang nổi tiếng giống như Đạt-lai Lạt-ma; có lẽ các cử tọa trong buổi nói chuyện đó ai cũng thừa biết thượng tọa đó là ai rồi; đó là thiền sư Nhất Hạnh (NH). Sỏ dĩ PCT không muốn nhắc đến NH vì ông quá rành vị thiền sư này rồi. Nếu quí bạn muốn rõ PCT viết gì về NH xin quí bạn cố tìm cho được tác phẩm nhỏ HENRY MILLER (tuyệt bản) của PCT xuất bản khoảng 1969-1970, sẽ rõ thôi. Bây giờ tôi không ghi lại, vì thiền sư NH bệnh nặng, đang chữa trị ở Hoa Kỳ sau khi được chuyển từ một bệnh viện bên Pháp sang.

      5- Khi giải thích về từ ngữ huyền thoại mà PCT nói rõ từ ngữ này – từ chữ Hy Lạp, mythos và logos - đã được miền Bắc sử dụng lâu rồi – sử dụng sai ý nghĩa, miền Nam không dùng đến; nhưng sau này có mấy vị tốt nghiệp nước ngoài về hay dùng những từ ngữ như: tha nhân, đối thoại, thông cảm, trao đổi vân vân và dùng lại hai chữ huyền thoại của miền Bắc. PCT không nói đích danh ai, nhưng chắc chắn cử tọa hôm ấy đều thừa biết – giống như biết vị thượng tọa đó là ai như đoạn trên vậy. Đó là Nguyễn Văn Trung, cựu giáo sư trường đại học văn khoa Saigon và sau tháng 4/1975 ông vẫn được tiếp tục dạy đến khi định cư ở Canada. NVT và PCT như mặt trời và mặt trăng trong những năm 1965-1970, mà quí bạn đã rõ.

      6- Ở quê hương VN này những người thuộc thế hệ chúng tôi chẳng ai mà không biết thầy TS. Ngài là một trong số ít ỏi cao tăng của thế hệ xưa còn lại, ngài thông thạo các sinh ngữ và cổ ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhựt, Hán, Phạn, Tây Tạng và Pàli. Toàn bộ tác phẩm của thầy tôi đều có đủ, kể cả bộ tiểu tạng Thanh văn (kinh Nam tông, 4 quyển) đồ sộ dịch từ nguyên bản chữ Pàli. Và tôi cũng đã được diện kiến thầy vài lần khi thầy còn ở chùa Già Lam, đường Lê Quang Định, Gò Vấp, Sài Gòn. Còn các sách của PCT tôi cũng có gần đủ, kể cả tập thơ sau cùng của ông tựa TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ IM LẶNG, nxb Văn Hóa, TP/HCM, tháng 5/2009, dày 187 khổ 13. 5 x 20. 5 cm; trong đó có 4 trang rưỡi của TS viết Thay Lời Dẫn, mở đầu như sau:

      “Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát-na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một lãng tử vô lại. Khi người đời kinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng anh sao Mai lẻ loi. ”
      Sđd. trang 7.

      Có thể nói rằng hiểu PCT chỉ có TS và hiểu TS chỉ có PCT, vì cả hai đã cùng sống chung với nhau dưới một mái chùa ở Nha Trang những năm 1963-1964; rồi sau này ở đại học Vạn Hạnh những năm 1966-1970. Tổng thư ký tòa soạn đầu tiên của tập san TƯ TƯỞNG, Viện Đại học Vạn Hạnh là PCT (lúc đó ghi là: Thích Nguyên Tánh), đến cuối năm 1970 khi PCT ra nước ngoài, thầy TS thay thế cho đến tháng 4/1975.

      29-7-2016
      ĐKP (Bhaktivedantavidyaratna)





***Ghi Chú :
     Bạn Phụng nên đăng những bài liên quan cùng một chủ đề vào chung với nhau, để đọc giả xem liên tục, dễ tìm & không thất thoát !
     Cám ơn bạn
     MHT
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sat Jul 30, 2016 5:54 am    Tiêu đề:

Thôi, hết rồi nhé . Chuyện về hai vị này kể hoài cũng không hết,  chưa bàn đến giai thoại đó .

Mình  chỉ muốn cho HẬU DUỆ biết cái gì là cái gì thôi . Thế là đủ rồi ! Chuyển sang đề tài khác vây.

ĐKP
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sat Jul 30, 2016 8:43 am    Tiêu đề: Re: Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ

MAI THO đã viết :
dokimphung đã viết :


Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ


      Chuyện về Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ

      Cảm ơn Thọ rất nhiều khi tải lên đoạn clip-art 35 phút quay cảnh Phạm Công Thiện nói về cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thầy Tuệ Sỹ (TS). Đây là lần đầu tiên mình mới xem được clip này. Cảm ơn Thọ nhiều. Sau đây mình xin ghi lại vài bổ sung thêm sau khi xem đoạn clip trên.

      1- Clip cho thấy trang bìa của Huyền Thoại Duy Ma Cật ghi: Ban Tu thư Phật học Hải Đức Nha Trang, 2550 theo Phật lịch, tức năm 2006. Nhưng chỉ một năm sau, tháng Ba năm 2007, sách đã được nhà xuất bản Phương Đông phát hành với mẫu bìa đẹp và có màu xanh lục ; in lần thứ nhất tại xí nghiệp in Fahasa, 1000 cuốn, khổ 14 x 20cm, 316 trang, chữ vừa.

      2- Sau đó một năm, tháng Giêng năm 2008, thầy TS cho ra tiếp cuốn Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, cũng nxb Phương Đông phát hành với mẫu bìa đẹp và có màu y như vậy in tại xí nghiệp in Fahasa (khổ 14 x 20 cm; 307 trang, chữ vừa; 1000 cuốn).

      3- Tính theo năm sinh, Thầy Tuệ Sỹ nhỏ hơn PCT; Thầy TS tên thật là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 ở Lào, PCT sinh 1941. Thành vậy, PCT nói khi gặp TS ở Phật học viện Hải Đức, Nha Trang năm 1964, TS là một chú tiểu chừng 18, 19 tuổi là không đúng (có lẽ PCT hơi lẩm cẩm rồi chăng! vì PCT nói 40 năm rồi chưa gặp lại TS, tức là từ 1970 khi PCT ở hẳn luôn nước ngoài!) Thầy TS được cố HT Thích Trí Thủ (1909-1984) - người sáng lập Viện Cao đẳng Phật giáo năm 1964, phát hiện là một bậc kỳ tài. Chính HT Trí Thủ đã đặt pháp danh cho hai chú tiểu này: pháp danh của PCT là Nguyên Tánh, còn pháp danh của TS là Nguyên Chứng. Tuệ Sỹ là pháp danh do chính Thầy đặt cho thầy!

      4- Để ý trong đoạn clip, PCT có đề cập đến một thượng tọa, nhưng ông không muốn nói tên chỉ nói rằng đang nổi tiếng giống như Đạt-lai Lạt-ma; có lẽ các cử tọa trong buổi nói chuyện đó ai cũng thừa biết thượng tọa đó là ai rồi; đó là thiền sư Nhất Hạnh (NH). Sỏ dĩ PCT không muốn nhắc đến NH vì ông quá rành vị thiền sư này rồi. Nếu quí bạn muốn rõ PCT viết gì về NH xin quí bạn cố tìm cho được tác phẩm nhỏ HENRY MILLER (tuyệt bản) của PCT xuất bản khoảng 1969-1970, sẽ rõ thôi. Bây giờ tôi không ghi lại, vì thiền sư NH bệnh nặng, đang chữa trị ở Hoa Kỳ sau khi được chuyển từ một bệnh viện bên Pháp sang.

      5- Khi giải thích về từ ngữ huyền thoại mà PCT nói rõ từ ngữ này – từ chữ Hy Lạp, mythos và logos - đã được miền Bắc sử dụng lâu rồi – sử dụng sai ý nghĩa, miền Nam không dùng đến; nhưng sau này có mấy vị tốt nghiệp nước ngoài về hay dùng những từ ngữ như: tha nhân, đối thoại, thông cảm, trao đổi vân vân và dùng lại hai chữ huyền thoại của miền Bắc. PCT không nói đích danh ai, nhưng chắc chắn cử tọa hôm ấy đều thừa biết – giống như biết vị thượng tọa đó là ai như đoạn trên vậy. Đó là Nguyễn Văn Trung, cựu giáo sư trường đại học văn khoa Saigon và sau tháng 4/1975 ông vẫn được tiếp tục dạy đến khi định cư ở Canada. NVT và PCT như mặt trời và mặt trăng trong những năm 1965-1970, mà quí bạn đã rõ.

      6- Ở quê hương VN này những người thuộc thế hệ chúng tôi chẳng ai mà không biết thầy TS. Ngài là một trong số ít ỏi cao tăng của thế hệ xưa còn lại, ngài thông thạo các sinh ngữ và cổ ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhựt, Hán, Phạn, Tây Tạng và Pàli. Toàn bộ tác phẩm của thầy tôi đều có đủ, kể cả bộ tiểu tạng Thanh văn (kinh Nam tông, 4 quyển) đồ sộ dịch từ nguyên bản chữ Pàli. Và tôi cũng đã được diện kiến thầy vài lần khi thầy còn ở chùa Già Lam, đường Lê Quang Định, Gò Vấp, Sài Gòn. Còn các sách của PCT tôi cũng có gần đủ, kể cả tập thơ sau cùng của ông tựa TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO LÀ IM LẶNG, nxb Văn Hóa, TP/HCM, tháng 5/2009, dày 187 khổ 13. 5 x 20. 5 cm; trong đó có 4 trang rưỡi của TS viết Thay Lời Dẫn, mở đầu như sau:

      “Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát-na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một lãng tử vô lại. Khi người đời kinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng anh sao Mai lẻ loi. ”
      Sđd. trang 7.

      Có thể nói rằng hiểu PCT chỉ có TS và hiểu TS chỉ có PCT, vì cả hai đã cùng sống chung với nhau dưới một mái chùa ở Nha Trang những năm 1963-1964; rồi sau này ở đại học Vạn Hạnh những năm 1966-1970. Tổng thư ký tòa soạn đầu tiên của tập san TƯ TƯỞNG, Viện Đại học Vạn Hạnh là PCT (lúc đó ghi là: Thích Nguyên Tánh), đến cuối năm 1970 khi PCT ra nước ngoài, thầy TS thay thế cho đến nam8 1973, tro ve lai chua Hai Duc, Nha Trang.

      29-7-2016
      ĐKP (Bhaktivedantavidyaratna)





***Ghi Chú :
     Bạn Phụng nên đăng những bài liên quan cùng một chủ đề vào chung với nhau, để đọc giả xem liên tục, dễ tìm & không thất thoát !
     Cám ơn bạn
     MHT
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân