TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ai ăn mắm tép tôm hông?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ai ăn mắm tép tôm hông?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9636

Bài gửiGửi: Wed May 04, 2016 1:21 pm    Tiêu đề: Ai ăn mắm tép tôm hông?
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Ai ăn mắm tép tôm hông?


“Chợ chiều thừa khế, ế chanh

Nhiều con gái đẹp nên anh phụ nàng”

“Buổi chợ đông, con cá hồng anh chê lạt

Tan buổi chợ rồi, con tép bạc anh cũng khen ngon”.

Cái thời hoang sơ “Chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn” ở miền Tây Nam bộ trù phú, màu mỡ, con tép bạc lớn bằng ngón tay đã bị chê rồi. Tép bạc là loại tép nước ngọt sống ở đồng ruộng, khác với tép đất là tép sống ở sông nước lợ. Sông nước miền Tây có đặc điểm thay đổi theo mùa, mùa mưa nước từ trên nguồn đổ xuống nhiều nên nước ngọt, mùa nắng nước biển tràn vô cửa sông hòa với nước ngọt thành ra nước lợ. Tép đất nước lợ màu sẫm hơn, thịt dai và ngọt hơn, vỏ dày và cứng hơn tép bạc, khi chín có màu đỏ hồng cả con nhìn rất đẹp mắt. Tép bạc vỏ mềm và mỏng, thịt cũng mềm hơn, khi chín lưng tép màu hồng nhạt chút xíu, còn lại cả con tép màu trắng đục, nhìn không bắt mắt như tép đất.

Con tép trấu (có nơi còn kêu là tép mòng, tép moi), nhìn còn tệ hơn, nhỏ xíu bằng cái tăm, lớn hơn thì bằng đầu đũa ăn cơm là hết, vỏ dày, thịt ít, đầu lớn và cứng, nói chung là phẩm chất tệ nhất trong họ nhà tôm tép, khi chín có màu trắng đục, không đẹp chút nào, chỉ được mỗi cái ngọt nước mà thôi.



Lúc nhỏ, tôi thấy người ta lấy miếng vải giống như vải mùng, lớn cỡ hai mét vuông, hai người cầm hai đầu căng ra lội xuống ao, lội từ bờ bên này qua bờ ao bên kia rồi túm bốn góc miếng vải kéo lên là thấy có một mớ cá lòng tong lẫn lộn tép trấu khoảng đầy một chén ăn cơm, nhỏ xíu, trắng trong, nhảy xoi xói chính giữa miếng vải. Đem lên bờ đổ hết ra cái thau mủ lớn, rồi lượm bỏ rác là nhánh cây, lá cây mục vướng trong đó ra, lượm cá bỏ riêng vô cái thau khác, tép đổ vô cái thau khác. Xong lại lội xuống ao kéo tiếp. Cứ làm vậy vài lần là đủ cho cả nhà có thức ăn ngon ngày hôm đó rồi. Gặp mùa tép trấu sinh sản, mỗi buổi kéo có thể được cả thau khoảng vài ký lô đem ra chợ bán kiếm thêm tiền mua bánh trái, mắm muối đem về.


tép trấu


Chợ quê bán tép trấu con lớn bằng đầu mút đũa, còn tươi rói, cứ nhảy xoi xói, giá mười ngàn đồng một ký lô, quá rẻ. Tánh mình tham ăn nên mua liền hai ký. Đem tép về rửa sạch để ráo, bỏ vào thau, đổ vào một lít rượu trắng cho tép “uống rượu”. Mười lăm phút sau đổ tép ra rổ để ráo. Nước mắm ngon cho thêm chút đường, chút bột ngọt nấu sôi lên để nguội. Cho tép vào hũ keo, đổ nước mắm vào, bỏ thêm tỏi đã lột vỏ, ớt chỉ thiên chín (nguyên trái), dùng nan tre ém cho tép chìm dưới nước mắm. Xong rồi đậy nắp chặt đem phơi nắng. Phơi nắng phải tuân thủ đúng nguyên tắc: Sáng bưng ra để chỗ nào có nhiều ánh nắng, thỉnh thoảng đi ra đi vô ngó chừng, chiều mát thì bưng vô nhà cất, nếu không làm đúng như vậy sẽ không còn cái keo tép nào để ăn.



Sáng ngày thứ bảy mở nắp keo ra, mùi nước mắm, mùi tép chín bốc lên thơm ghê. Lấy đũa gắp một con ăn thử, chà vừa mềm vừa ngọt ngọt, mặn mặn, bùi bùi, ăn được rồi. Liền chạy ngay ra chợ mua nào là chuối chát, khóm (thơm), khế chua, dưa leo đem về. Chuối chát gọt bỏ một lớp mỏng bên ngoài (vẫn còn lớp vỏ xanh dính quanh trái chuối) rồi cắt lát mỏng, cả khóm, khế chua, dưa leo cũng cắt như thế rồi sắp tất cả lên cái dĩa. Gắp tép ra cái dĩa hơi sâu lòng, vắt vào một trái chanh, trộn đều. Cái này mà ăn với bún tươi là tuyệt vời vô cùng, nhưng thôi, nhà có sẵn nồi cơm mới nấu thì ăn với cơm cho rồi, thời buổi này không nên cầu kỳ đi mua bún cho tốn thêm lít xăng. Có đu đủ bào trộn vô ém đầy đủ, qua hôm sau lấy ra ăn thì còn trên cả tuyệt vời.

Muốn ngon hơn nữa thì phải thêm miếng thịt heo ba rọi luộc xắt miếng mỏng khoảng hai ngón tay, cuốn bánh tráng và rau kể trên. Không thích ăn với thịt sợ béo thì chơi thêm cá lóc nướng trui hay hấp cách thủy xé miếng bằng ngón tay, rồi cũng cuốn bánh tráng với mắm tép, rau.

Vậy là bưng nồi cơm ra chén với mắm tép. Gắp chuối chát, khế, khóm, dưa leo chung với tép bỏ vào miệng nhai nó ngon làm sao í. Thỉnh thoảng ăn thêm miếng tỏi, miếng ớt (ngâm chung với tép nên nó đã bớt nồng và bớt cay), làm một hơi liên tục đến ba chén cơm bự, muốn ăn nữa nhưng sợ béo phì nên ngưng mà cũng còn thòm thèm lắm. Đành tự an ủi rằng con người sống ở đời phải có chí khí, cương quyết ăn uống điều độ, “pha học”, không được phàm ăn tục uống, ăn lấy ăn để cho thỏa thích như heo. Ai không tin mình cho ăn ké vài đũa thì biết.



Bây giờ, đọc báo thấy miền Tây cạn nước, đất nứt nẻ cháy khô, người nông dân ngồi khóc trên mảnh ruộng, con tép trấu, con cá lòng tong nhỏ xíu có còn nơi để sống hay không?

Người dân Thái Lan biểu tình phản đối Lào xây đập thủy điện Xayaburi. Người dân Myanmar cũng biểu tình và Tổng thống Thein Sein quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ, thể hiện Myanmar đang từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc. Việt Nam thì sao? Những kẻ được giao trách nhiệm (và sống bằng tiền ngân sách) đã kết luận rằng:

“Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”! (Báo cáo dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (MDS, Mekong Delta Study) ” do Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) dự kiến trình bày tại một hội nghị quốc tế).

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân bức xúc lên tiếng: “Các kết luận trên đây là vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng”

“Nguy hiểm còn bởi dự án là một dự án của Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3.5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong”.



Một bài thơ ký tên Sông Quê trên mạng internet đọc lên sao mà thương quá, nỗi lòng của Út Nhỏ cũng là nỗi lòng của người nông dân miền Tây chất phác, bình dị:

“Tin hạn – mặn mùa nầy về châu thổ

Đồng Tháp Mười trong đó có An Giang

Nơi tập trung vùng đất lúa bạt ngàn

Quê Út Nhỏ nghe sao mà thương quá

Nếu lúa thất chắc Út rời thôn dã

Bỏ xuồng trôi không chở bạn vần công

Út sẽ phải tìm về nơi phố đông

Làm công nhân tạm thời gian hạn – mặn

Mong ngọt nước phù sa về bồi lắng

Lúa đồng xa trĩu hạt sắc tươi vàng

Hết tha hương Út trở lại thôn làng

Kẻo mai một hương đồng phai theo gió”

Ngày xưa, cụ Nguyễn Du viết: “Chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”, tôi mạn phép cụ Nguyễn Du viết lại như vầy: “Nhớ sao cá bống, tép mòng/Chôn nhau cắt rún nỗi lòng nước mây/Hồn quê còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.”

Miền Tây Nam phần trong sự quản lý, điều hành của những kẻ chỉ biết có tiền và lợi ích nhóm riêng mình rồi sẽ ra sao?

Tạ Phong Tần
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân