TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thiên đường đã mất
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thiên đường đã mất

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Sat Apr 09, 2016 11:03 pm    Tiêu đề: Thiên đường đã mất

Thiên đường đã mất


Nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates ở Iraq có một vùng đầm lầy với vô số các loài động thực vật quý. Người Al-Mada'in (hoặc Madain) chọn khu vực ngập nước này thành nơi sinh sống trên những chiếc bè nhà làm bằng lau sậy. Theo Kinh Thánh và các nhà sử học xác định, khu vườn từng được biết đến với tên gọi là vườn Địa đàng (Eden) có từ 5,000 năm trước Công nguyên. Thế nhưng, vào thời Saddam Hussein, “khu vườn” rộng 20,000 cây số vuông tuyệt đẹp sơ khai nhất thế giới này đã bị phá hủy hoàn toàn.


Ngôi nhà chung của dân Madain làm bằng sậy - Nguồn: MessyNesssyChic


Mọi thảm họa bắt đầu từ hàng chục con đập trên sông Tigris và Euphrates chảy qua từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie thi nhau mọc lên để lấy nước cung cấp cho thành phố, tưới tiêu các vùng nông nghiệp và phát triển thủy điện. Từ thập niên 70, dòng nước từ hai con sông lớn nhất vùng Trung Đông đổi dòng đổ ra vịnh Ba Tư. Lượng nước trong các đầm hồ từng nuôi sống người dân Madain của Iraq bắt đầu cạn kiệt và biến thiên đàng xanh thiên nhiên thành vùng đất khô cằn. Cây cỏ chết khô, muôn thú biến mất, hầu hết đất bị nhiễm mặn không còn là vùng đất sống bình yên của người dân Madain như hàng trăm năm trước.

Người dân Madain phải chịu thiên tai mất đi nguồn lợi thủy sản nuôi sống mình lại thêm Saddam Hussein, chính quyền đương thời dựng nên kế hoạch biến vùng đất ngập nước thành đồng bằng phát triển nông nghiệp cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng. Thực chất, đó chỉ là một cái cớ để Saddam Hussein triệt phá nơi trú ẩn của quân kháng chiến chống lại chế độ độc tài của chính quyền Iraq sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. Chính quyền Iraq tiến hành cho thiêu hủy các khu rừng lau sậy che chắn dọc ngang các kênh rạch làm căn cứ địa giúp quân kháng chiến ẩn nấp an toàn.

Người dân Madain sống trên khu vực đầm lầy phải chịu thiên tai kép mà chính con người gây ra. Một phía vì quyền lợi kinh tế nông nghiệp từ các nước láng giềng. Một bên ngay trong đất nước khi Saddam Hussein thẳng tay ra lệnh cho công binh thay đổi dòng chảy cuối cùng còn sót lại của một vùng đầm lầy nhỏ nằm ở phía Tây Al-Hawizeh gần vùng biên giới Iran. Từ lúc này, thiên đường vang bóng một thời và có dấu ấn trong lịch sử dân tộc Iraq biến mất. Một vùng đất chết khô cằn, bị sa mạc hóa, người Madain phải ly tán kiếm sống khắp nơi, không còn những ngày hạnh phúc, tự do trong cuộc sống với chim trời cá nước.


Bên trong ngôi nhà chung dùng để sinh hoạt cộng đồng- Nguồn: MessyNesssyChic


Ông lão Ali Khan Mutafa từng sống trong ngôi nhà làm bằng lau sậy trên vùng đầm lầy qua ba đời kể chuyện với phóng viên tạp chí Heritage về những năm tháng hạnh phúc mà ông tin đó là một khu vườn địa đàng có từ thuở xa xưa. “Chúng tôi làm nghề săn bắt cá trên những con thuyền gỗ, săn bắt vịt trời, nuôi dê cừu trên mảnh đất nhỏ bên hông nhà. Mỗi ngôi nhà giống như một ốc đảo nhỏ, người dân lấy đất dưới đầm đắp nên hoặc cũng có những ngôi nhà lau sậy dựng trên những chiếc bè gỗ. Người dân tự do sinh sống. Cá nước chim trời nhiều vô kể, chẳng có tranh giành sự sống trên vùng đầm lầy hoang sơ đầy những ngôi nhà nhỏ truyền thống từ thời cha ông. Nhà làm rất đơn giản với vật liệu thiên nhiên mọc theo ven các con kênh, có khi là cả một rừng lau sậy. Người dân Madain bó cột sậy dựng nên khung nhà, cỏ lau bện lại thành tranh lợp mái. Ngôi nhà thật đơn sơ nhưng ấm cúng, mỗi ngày các thành viên gia đình họp mặt bên những bữa ăn đầy cá tôm tự tay đánh bắt. Người già kể cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện xa xưa. Chúng tôi sống rất vui vẻ, không màng chuyện di chuyển đến nơi có cuộc sống hiện đại và tiện nghi hơn. Bởi vì ở nơi đây chúng tôi có tất cả những gì mình muốn. Có ngôi nhà chung mudhif với mái vòm cao. Đấy là nơi sinh hoạt của cộng đồng người Madain, người dân tập trung đông đủ trong các buổi giảng kinh với lòng thành tâm linh trong sáng. Các triều đại lần lượt đi qua nhưng ngôi nhà lau sậy của chúng tôi vẫn tồn tại cho tới ngày chính quyền Saddam Hussein thiêu đốt cả đầm lầy, triệt phá con đường sống của chúng tôi, biến vùng đầm lầy thiên đường của cha ông thành địa ngục”.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc, Saddam Hussein vẫn chưa hết hận thù với quân kháng chiến vẫn còn ẩn náu trong khu đầm lầy thu hẹp chưa đầy mười phần trăm như khi xưa. Năm 1992, lại thêm một chiến dịch mới của Saddam mong muốn quét sạch hang ổ quân kháng chiến đã khiến kẻ độc tài điên cuồng sát phạt bằng cách cho đào một con kênh lớn dài 75km dẫn nước sông Euphrates thẳng ra biển, “sấy khô” khu vực còn lại của vùng đầm lầy nhằm tước đi môi trường sống, buộc người Madain phải rời bỏ xứ sở. Những ngôi nhà lau sậy trở thành mồi bắt lửa, chính quyền cắt đứt mọi nguồn viện trợ lương thực thuốc men, buộc quân khởi nghĩa ra đi. Trong suốt mười hai năm đã có hơn trăm ngàn người Iraq phải tị nạn sang nước láng giềng Iran để tránh nạn đói, thanh trừng mà chính quyền Saddam Hussein ra lệnh cho quân đội lùng bắt. Không những thế Saddam còn hạ lệnh trút mưa bom xuống các rừng lau, tiêu diệt những mầm sống từ loài cỏ cây cố vươn lên mà sống trên mảnh đất cạn kiệt nguồn nước.


Chính quyền Saddam Hussein đã biến vùng đầm lầy trở thành nơi khô cằn - Nguồn: MessyNesssyChica


Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai kết thúc. Khu đầm lầy của người Madain trở thành sa mạc, một thảm họa sinh thái bị hủy diệt hoàn toàn như biển Aral khô hạn. Susan Alwash, nhà sinh thái thành viên Quỹ tái thiết Iraq nhận xét: “Điều khó nhất để tái tạo lại môi trường sinh thái khu đầm lầy rộng hơn hai mươi ngàn cây số vuông đòi hỏi một thời gian khá dài. Trước tiên là nguồn nước sông Tigris và Euphrates đang bị ô nhiễm nặng nề do các ngành công nghiệp xả nước thải xuống các dòng sông không khác nào một đường cống lộ thiên khổng lồ. Phải lọc sạch nguồn nước trước khi cho nó chảy vào đầm. Khó khăn thứ hai: nền đất đầm lầy bị khô hạn nhiều năm, độ nhiễm mặn ăn sâu vào lớp đất, cần phải rửa xả nhiều năm, tạo môi trường thích hợp cho thực vật phát triển. Thứ ba là độ ẩm đã giảm, nhiệt độ môi trường tăng và những trận bão cát không ngừng thổi qua làm ảnh hưởng đến khu vực từng là nơi trú ẩn của hàng triệu chú chim thiên di từ Siberia đến biển Caspian và nhiều loài động vật khác đang có nguy cơ tuyệt chủng”.

Nhưng điều may mắn nhất sau khi chiến tranh vùng Vịnh kết thúc 2003, một số nhỏ dân Madain tứ tán đã quay về dùng nguồn nước từ vùng đầm còn sót lại Al-Hawizeh gần biên giới Iran dẫn về. Một lượng nước ít ỏi đã làm khu vực khô cạn nở rộng trên ba trăm cây số vuông. Các cánh rừng lau sậy hồi sinh, có nơi sậy mọc cao quá đầu người. Đây đó người dân Madain tản cư đã trở về trú ngụ, dựng nên các căn nhà sậy, sinh sống bằng cách tìm nguồn cá đang sinh sản trong đầm. Thế nhưng chính điều này sẽ làm cuộc sống khó khăn hơn cho người dân trong tương lai khi nguồn cá con bị đánh bắt không kịp để chúng sinh sản.


Dân Madain phục hồi một phần đầm lầy từng nuôi sống họ bằng công việc đánh bắt cá - Nguồn: Paradiselost


Chương trình của Liên Hiệp Quốc về môi trường nhanh chóng cứu nguy phục hồi môi sinh đầm lầy bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ và các hiệp hội từ thiện bắt tay đưa ra giải pháp. Họ tăng cường xả nước từ sông Tigris sau khi qua hệ thống lọc thiên nhiên để mở rộng mặt nước cho khu vực đầm lầy. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh hai lần ở vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng lên một dự án khổng lồ xây dựng hàng chục các đập nước hút hết một phần tư lưu lượng nước của những con sông lớn chảy qua Iraq. Lượng nước sông giảm mạnh đã khiến nước trong vùng đầm lầy chỉ đạt được 30% so với trước đây là một vùng đầm đẹp như thiên đàng của dân Madain. Hơn nữa, chính phủ Iraq còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau thời hậu chiến.

Đầm lầy đang hồi sinh một cách chậm chạp, nhưng có được kết quả như thế thật đáng khích lệ khi cả ngàn gia đình dân Madain kéo nhau về tái định cư. Họ dựng lại nếp nhà xưa trên các ốc đảo hoặc các bè nổi, thả thú nuôi bên hông nhà. Cuộc sống an bình đang trở lại, và họ chung tay dựng lại thiên đường đã mất dù biết rằng sẽ phải mất nhiều năm trời nữa.

Ngọc Linh - Theo The Lost Paradise
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân