TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Sông Hằng huyền bí
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Sông Hằng huyền bí

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9630

Bài gửiGửi: Sat Apr 02, 2016 10:32 pm    Tiêu đề: Sông Hằng huyền bí

Sông Hằng huyền bí

Sông Hằng (Rio Ganges) luôn là những huyền bí đối với người Ấn Độ. Mỗi năm hàng triệu tín đồ Hindu từ mọi miền đổ xô về đây hành hương, tắm sạch tâm linh, tẩy rửa mọi ưu phiền để hòa mình vào ân sủng giữa trời nước. Có người từ miền núi đổ về dòng sông rộng, có người từ thành thị vượt đèo cao heo hút, đi trong giông bão bất chấp khó khăn tìm về sông Hằng, bởi sông Hằng là con sông Thánh.


Ngày hội hành hương Purna Kumbha bên sông Hằng, người dân tắm, uống nước sông có thể làm tiêu tan bệnh tật - Nguồn: Worldpress


Người Hindu Ấn Độ xem sông Hằng là cội nguồn của sự sống, cho nên vùng châu thổ sông Hằng có đến gần bốn trăm triệu người sống dọc theo hai bên bờ. Sông Hằng từng mang lại cho họ cuộc sống ấm no, cho mùa màng tươi tốt. Không chỉ vậy, con sông còn được người dân thần thánh hóa như một vị thần ban nhiều điều tốt lành cho người dân trong cuộc sống tâm linh. Nơi đây, trên vùng núi cao Garhwal thuộc khu vực núi Himalaya của bang Uttar Pradesh, con sông xuất phát từ độ cao 3,900 mét mang những dòng nước tinh khiết của băng sơn chảy qua các thung lũng, xuôi về hạ nguồn mở rộng lòng sông nuôi sống trực tiếp hàng trăm triệu người Ấn giáo. Chính vì thế, sông Hằng cũng được xem là cội nguồn của Ấn giáo.


Vùng núi Garhwal tại bang Uttar Pradesh nơi khởi nguồn sông Hằng dài 2,700 km - Nguồn: Amusingtrip


Garhwal sương giá quanh năm. Cư dân nơi heo hút này là một cộng đồng các giáo sĩ, ẩn sĩ đạo Hindu lạ lùng và huyền bí. Có những tu sĩ chấp nhận giam mình trong các hang động rêu phong tu đạo rồi quy tiên về với thánh thần. Họ xem cái chết là cách sống vĩnh cửu với thế giới không có không gian và thời gian. Số khác tham thiền tại các điểm chênh vênh bên sười núi cao phía trên Garwhal cách đó nhiều cây số mà chỉ cần sơ suất một chút là rơi mình xuống vực sâu ngàn mét. Thị trấn huyền bí Gaumukh là nơi tập trung những con người tu khổ hạnh bằng cách ăn uống đơn giản hoặc không ăn uống gì suốt một thời gian dài, trong khi thời tiết lạnh giá bên ngoài có khi xuống độ âm. Một kiểu tu ép xác như một dòng tu khắc kỷ ở châu Âu vào thế kỷ 17. Nhu cầu vật chất với họ là vô nghĩa. Thú vui duy nhất với họ là khi thả hồn vào khói thuốc cỏ, mọc nhiều ở vùng này. Khói thuốc có ma lực quyến rũ lạ thường, giúp họ rũ bỏ hồng trần, giữ được tâm hồn thanh sạch chờ thời điểm về nơi cực lạc.

Đối với người Ấn Độ, Gaumukh là miền đất Thánh, lễ lạt diễn ra triền miên trong các nghi thức thần linh. Những người hành hương đến đây với lòng mộ đạo sôi sục, miệng đọc kinh không ngớt, trầm mình trong dòng nước lạnh buốt. Và kết quả, không ít người đã bị nước cuốn trôi. Tuy nhiên, không ai tỏ ra sợ hãi. Với đa số tín đồ Ấn giáo, cái chết trên sông Hằng luôn được xem là phước lành miên viễn. Họ tin rằng, chết tức là bảo đảm cho một cuộc tái sinh tốt đẹp hưởng phúc phần ở kiếp sau. Và cứ thế, thị trấn non cao lạnh giá Gaumukh luôn là nơi gặp gỡ của các đạo sĩ và tín đồ Ấn giáo ở vùng đất thánh địa này. Chính tại nơi đây, bạn luôn nghe bên tai lời chào hỏi mà ban đầu cứ ngỡ rằng đó là câu thần chú: “Hari Om, Hari Om” (Thượng đế ở khắp nơi).


Phía trên Garhwal là vùng băng sơn khung cảnh hoang sơ tinh khiết nơi có nhiều đạo sĩ tu hành và những nhà leo núi thám hiểm - Nguồn: Peakadventure


Đến với thế giới của những đạo sĩ Hindu bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cách ăn mặc của các đạo sĩ khác hẳn với những hiểu biết sơ đẳng về các vị tu hành của các tôn giáo khác. Họ ăn mặc có phần kỳ lạ với mảnh vải quấn quanh người, đầu chít khăn nhưng điểm khác biệt là họ dùng tro, phẩm màu bôi vẽ khắp mặt mày, tóc râu gần như không bao giờ cắt, được bện từng sợi thừng to quấn quanh cổ hoặc quấn quanh đầu như một tổ quạ. Tay không cầm tràng hạt mà là cây đinh ba giống như mấy vị thần trong truyện cổ, miệng đọc kinh liên tục, cơ thể múa may như thể lên đồng. Cũng chính vì thế mà Gaumukh trở thành điểm hấp dẫn những du khách trong nước và thế giới kéo nhau đến đây. Người đi hành hương, kẻ đi tìm hiểu và nhất là thỏa mãn với cuộc vui chơi thể thao leo núi và được đến tận nguồn cội huyền bí sông Hằng.

Khó có thể tưởng tượng nơi đây, một vùng đất tâm linh dành cho các tu sĩ, ẩn sĩ và các đạo sĩ lại có thể hòa trộn cùng với những nhà thể thao một cách tương phản lạ lùng. Chuyện ai nấy làm giữa những người đã quên trần thế, trầm mặc trong tư thế tĩnh tọa bên cạnh những vận động viên leo núi nhộn nhịp với quần áo thể thao đủ màu sặc sỡ chinh phục độ cao của khu vực gần dãy núi Himalaya giá lạnh. Cuộc sống kinh tế hiện đại đã xóa bỏ sự ngăn cách thế giới tôn giáo truyền thống để đáp ứng nhu cầu sống bằng nguồn tiền thu từ các tổ chức du lịch nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân nghèo sống trên vùng núi hoang sơ băng tuyết kéo dài gần sáu tháng trong năm.


Sông Hằng và chi lưu chảy qua hàng trăm thành phố tại Ấn Độ - Nguồn: Wiki


Thế nhưng sự tinh khiết của dòng nước sông Hằng ngày nay không còn sự trong lành nữa. Ngay tại cội nguồn, nơi thánh địa của các đạo sĩ xuất hiện cuộc sống hiện đại đô thị hóa đã phá hủy cuộc sống thanh bình huyền bí từng vốn có trước đây. Ngay cả ngày càng nhiều xuất hiện những người lang thang giả mạo tu hành lẫn trong số các đạo sĩ thật để kiếm miếng ăn dựa vào lòng từ tâm của các tín đồ Ấn giáo. Cuộc sống khổ hạnh của các đạo sĩ vẫn thường được các tín đồ cung cấp thực phẩm mỗi ngày để duy trì tu đạo cho đến khi về với sông Hằng mãi mãi. Trừ khi một đạo sĩ quyết định thời khắc tuyệt thực ẩn tu trong các hang động không người trên đỉnh non cao để cuối cùng trao thân xác cõi phàm về với thánh thần kết thúc nghiệp đạo trần gian.

Cuộc sống trần gian cũng đang thay đổi cùng guồng máy kinh tế phát triển lại không chú trọng đến môi sinh trong môi trường sống. Nó kéo theo những hệ lụy thay đổi bắt đầu từ tận nguồn cội sông Hằng mang những thứ dơ bẩn của cuộc đời trần tục thấm nhiễm vào dòng nước tinh khiết của tôn giáo làm vẩn đục. Sông Hằng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân mà trong đó nguyên nhân chính vẫn là do niềm tin tôn giáo, thần thánh hóa sông Hằng của người sống lẫn người chết. Con sông dài 2,700 km này chảy qua hàng trăm thành phố trở thành nơi tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải của người dân hằng ngày vứt thẳng xuống dòng sông được mệnh danh là Mẹ của người Hindu.


Tu sĩ và tín đồ Ấn giáo - Nguồn: Worldpress


Cho đến ngày nay, những tập tục hỏa táng cho người chết vẫn tiếp tục dựng lên dọc theo bờ sông Hằng. Trước khi hỏa táng, thân nhân người quá cố đem xác xuống sông Hằng tắm rửa, rồi sau đó mới đem lên giàn hỏa. Than tro sau đó lại rải xuống dòng sông để hồn người chết được sống bên “Bà Mẹ sông Hằng”. Mới đây nhất, hồi đầu năm nay, dân làng Pariyar, miền Bắc Ấn Độ đột nhiên thấy cả trăm xác chết trôi sông bị mắc lại bờ kè, thu hút chó và kên kên tìm đến rỉa các tử thi phân hủy. Đó không phải là một cuộc thảm sát mà là một cuộc thủy táng của những cư dân nghèo sống từ những vùng cao vẫn còn duy trì hủ tục thủy táng người chết thả bè xuôi dòng xuống hạ nguồn và đó là một cách tiết kiệm chi phí cho việc mai táng.


Tập tục hỏa táng người chết rải tro xuống sông Hằng là một nguyên nhân làm ô nhiễm dòng sông - Nguồn: Wik


Sông Hằng ô nhiễm và càng ô nhiễm hơn nữa khi hằng năm dòng sông này phải chứa những gì còn lại sau cuộc hành hương về với sông Hằng của hàng triệu người dân cả nước. Bông hoa, rác thải tràn ngập dòng sông làm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu con người sống hai bên bờ sông vẫn thường dùng nước sông Hằng làm nước sinh hoạt. Vậy thì nguồn nước xử lý sao không dùng trong sinh hoạt? Câu trả lời là không đủ tiêu dùng, một số người dân vẫn sử dụng nước sông gạn lọc thủ công để tắm giặt và nấu nướng.

Tuy vậy, nhiều người biết là dòng sông Mẹ ô nhiễm nhưng với niềm tin tâm linh mạnh mẽ, trong những ngày ngày hội hành hương Purna Kumbha về tắm sông Hằng, người ta chẳng ngại ngùng gì vốc từng vốc nước sông Hằng đưa lên miệng uống như uống nước Thánh cầu mong sự huyền bí của sông Hằng làm cho tiêu tan bệnh tật.

Ngọc Linh
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân