TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - SEN - Cây hoa thủy sinh, mỗi bộ phận chữa một bệnh
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

SEN - Cây hoa thủy sinh, mỗi bộ phận chữa một bệnh

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Mar 28, 2016 10:43 pm    Tiêu đề: SEN - Cây hoa thủy sinh, mỗi bộ phận chữa một bệnh

SEN - Cây hoa thủy sinh, mỗi bộ phận chữa một bệnh

Nếu cây Trúc thường được xem như biểu tượng của người quân tử thì hoa Sen lại là hình ảnh của sự hài hòa, thanh cao, và cũng là biểu tượng của Phật Giáo. Trong văn chương Việt Nam, Sen được nhắc nhở đến bằng những câu ca dao như: “Trong đầm gì đẹp bằng Sen..” hoặc khen ngợi Sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.



Sen tuy ít thông dụng trong Y Dược Học Tây Phương nhưng lại được xử dụng rất nhiều trong Dược Học Đông Phương mà mỗi bộ phận của cây được dùng để trị bệnh khác nhau.


TÊN KHOA HỌC:


Nelumbo Nuciferum thuộc họ thực vật Nelumbonaceae. Mỹ gọi là Lotus. Pháp gọi là Nenuphar. Đông Y gọi dưới nhiều tên tùy thuộc vào phần xử dụng như Liên Hoa (toàn thể hoa sen), Liên Tử (hạt sen), Liên Tu (tua trong hoa sen), Liên Ngẫu (ngó sen)


ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Lịch sử đầy màu sắc của Hoa Sen liên hệ đến nền văn hóa của 3 dân tộc Trung Hoa, Ấn Độ và Ai Cập. Trong nghệ thuật Ấn Độ, hình dáng tròn trịa và tươi đẹp của Hoa Sen được xem như những đường nét cân đối của nữ giới, và là biểu tượng của cái đẹp trong sạch nhất. Hình ảnh Hoa Sen và Lá Sen nổi trên mặt nước xuất hiện rất nhiều trong các tranh họa và điêu khắc Ai Cập. Hạt Sen cổ nhất còn sót lại mới được khám phá tại Trung Hoa, có số tuổi tính theo Carbon phóng xạ, khoảng 1500 năm mà vẫn còn tốt.

Sen là một cây thủy sinh, nghĩa là chỉ sống được ở dưới vùng đầm, ao hồ với độ sâu ít nhất từ 15 – 30cm nước trên mặt. Cây có thân rễ mập (ngó sen), sống lâu năm. Lá hình gần như tròn, trải rộng trên mặt nước, lộ ra ngoài không khí, phát xuất từ một cuống (thay vì cành) dài, màu xanh bóng. Hoa lớn thơm, trên cuống, có nhiều cánh hoa mềm, xếp tỏa tròn đều, màu hồng hay trắng vàng tùy giống. Nhị nhiều màu vàng làm viền nổi cho phần nhụy hình nón úp ngược, màu xanh (gương sen). Sen thường trổ hoa vào mùa hè. Quả thuộc loại bế quả, gọi là Hạt Sen.

Sen mọc rất khoẻ nơi nước đọng, nhiều bùn và thường được trồng bằng các đoạn thân rễ có chồi mầm (ngó sen). Tại miền Nam Việt Nam, Sen được trồng vào đầu mùa mưa. Hai giống Sen thông dụng tại Hoa Kỳ là:

- Nelumbo Luteum hay Sen Vàng Hoa Kỳ (American Lotus = Lotus Jaune D’Amerique) với cây thấp lá và hoa nhỏ màu vàng nhạt, có nhiều chủng phụ tùy địa phương nhe Sen Texas.

- Nelumbo Nucifera (Nelumbium Nelumbo) hay Sen Tàu, Sen Ấn Độ (Lotus Lily, Sacred Lotus) với lá tròn rộng đến 60cm có thể mọc vươn khỏi mặt nước. Rất nhiều loại phụ được ưa chuộng để trồng trong các hồ nhân tạo tại tư gia.

Sen trong nghệ thuật nấu ăn Á Đông: Trong nghệ thuật nấu nướng Á Đông, tất cả mọi bộ phận của Sen được xử dụng:

- Lá Sen: phơi khô và dùng để gói xôi. Khi hấp chín, lá Sen tạo cho Xôi mùi vị rất đặc biệt. Lá non được thái nhỏ và nấu như món Cải. Lá Sen cũng dùng để ướp Trà.

- Hoa Sen: Thái Lan và Trung Hoa thái nhỏ rắc trên món ăn. Đài Hoa được dùng chứa thực phẩm và trưng bày bàn tiệc rất đẹp mắt.

- Rễ Sen: thường mọc sâu dưới bùn. Đây là phần Rễ củ sốp và có những khoang trống trong thân Rễ. Phần Rễ non được gọi là Ngó Sen. Người Nhật dùng Ngó Sen nấu chín dưới tên Nimono và được xem là phần không thể thiếu trong các hộp ăn trưa làm sẵn Bento. Người Việt và Trung Hoa dùng Ngó Sen trộn Gỏi.

- Hạt Sen: để nấu Chè. Có thể rang chín. Riêng Tâm Sen chỉ dùng làm thuốc và vì vị đắng nên bị loại khi dùng hạt làm thực phẩm. Hạt Sen còn dùng làm Mứt.


THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ DƯỢC TÍNH:

Tùy theo phần xử dụng, thành phần hóa học thay đổi và cách dùng để chữa bệnh cũng khác nhau:


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Lá Sen:

Folium Nelumbis Nuciferae: Lá Sen được gọi trong Đông Y là Hà Diệp với phiên âm He-Ye. Nhật gọi là Kayo, Đại Hàn gọi dưới tên Hayôp. Theo Đông Y thì Lá Sen vị đắng, khí êm và không độc; tác dụng vào các kinh mạch thuộc Tâm, Can và Tỳ. Lá Sen tuy không được ghi chép trong Thần Nông Bản Thảo nhưng được Lý Thời Trân ghi nhận trong Bản Thảo Cương Mục.

Thành phần Hóa Học; Lá Sen chứa:

- Các Alkaloids: Nuciferine, Roemerine, Nornuciferine, dl-armepavine, N-methyl Coclaurine, Anonaine, d-Pronuciferine, Liriodenine, Nelumbine.

- Các Flavonoids: Nelumbiniside, Quercetin.

- Các Acid hữu cơ: Succinic, Malic và Citric.

Tác dụng sinh học:

- Lá Sen trị được các chứng nóng sốt do tác dụng của Nhiệt khí mùa Hè, đổ mồ hôi quá độ, nước tiểu đục và tiêu chảy do Hỏa vượng.

- Lá Sen tăng và giúp thông thoát Dương khí trì trệ, ứ đọng nơi Tỳ; nhất là những trường hợp tiêu chảy do quá nóng tại Tỳ, Vị.

- Lá Sen có tác dụng cầm máu, trị được ói ra máu: Lá Sen giã nát đắp vào vết thương, cầm máu rất nhanh và rất tốt.

- Muốn trị nóng sốt nhanh hơn, Lá Sen thường được dùng chung với Đậu Ván trắng (Bạch biển đậu). Tác dụng của Lá Sen có thể bị giảm nếu dùng chung với Phục Linh (Poria Cocos).

- Liều dùng: Có thể dùng từ 9 đến 15g lá tươi mỗi lần. Nên chọn những lá tươi, lớn và nguyên vẹn.

. Dược Lực Học (Pharmacology)

- Lá Sen có tác dụng Hạ Huyết Áp: Khi thử nghiệm trên thú vật, trích tinh Lá Sen làm giãn nở mạch máu, đưa đến sự giảm Huyết Áp ngoại biên.

- Lá Sen có tác dụng Sát Trùng: Nước Trích Lá Sen ngăn cản được sự phát triển của các vi trùng Eberthella Typhosa (gây thương hàn) và Shigella Dysenteriae (gây kiết lỵ)


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Đốt Ngó Sen:

Nodus Nelubinis Nuciferae Rhizomatis, Mỹ gọi dưới tên Node of the Lotus Rhizone. Đông Y gọi là Liên Ngẫu Tiết hay đơn giản hơn là Ngẫu Tiết, với phiên âm Ou-jie. Tên Nhật là Gusetsu, còn Đại Hàn là Ujôl. Đốt Ngó Sen được ghi chép trong Thần Nông Bản Thảo.

Đốt Ngó Sen được xem là có tính hàn, vị ngọt/chat, tác dụng vào các kinh mạch Phế, Vị và Can.

Đốt Ngó Sen có khả năng rất tốt để trị các bệnh về Máu, nhất là trong các bệnh xuất huyết do tính chất làm tan được máu ứ đọng, trị được ho ra máu, ói mửa ra máu, chảy máu cam..tác dụng cầm máu gia tăng, giúp ngưng ho ra máu nhanh hơn khi được dùng chung với Địa Hoàng, A-giao.

Thành phần hóa học của Đốt Ngó Sen: Đốt Ngó Sen chứa nhiều Amino-Acid như Asparagine, Arginine, Tyrosine, Trigonelline và ngoài ra cũng còn Tannic Acid.

Liều dùng: Thường dùng 9 – 15g Dược liệu khô hoặc 30 – 60g Dược liệu tươi. Muốn điều hòa khí huyết có thể dùng tươi hoặc xay thành nước uống. Nếu muốn cầm máu (ho hoặc ói ra máu) thì cần sao chín trước khi dùng.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Đài Sen:

Receptaculum Nelumbinis Nuciferae, Lotus Receptacle hay Lotus Peduncle, Đông y gọi là Liên Phòng với phiên âm Lian-fang. Tên Nhật là Renbo, Đại Hàn là Yon-bang.

Đài Sen có tính Ôn, vị đắng/chát, tác dụng vào các kinh mạch thuộc Tỳ, Thận và Tâm.

Tác dụng của Đài Sen:

- Đài Sen làm tan được máu huyết ứ đọng và cầm máu nhất là trong các trường hợp xuất huyết tử cung và có máu trong nước tiểu.

- Đài Sen giúp an vị, ổn định bào thai, giúp trị được hư thai.

- Đài Sen cũng phân tán được nhiệt, giúp trị nóng cảm do Hỏa vượng, Nhiệt cao.

- Đài Sen được dùng chung với Ích Mẫu (Leonuri Heterophylli) để trị trường hợp Rong Kinh (kinh nguyệt quá nhiều)

- Đài Sen dùng chung với Đường Qui, Địa Hoàng và Trúc Nhự (Bambusa) để trị và ngừa hư thai.

- Đài Sen đang được thử nghiệm tại Nhật để trị Ung Thư Cổ Tử Cung.

Thành Phần Hóa Học – Đài Sen chứa:

- Các Alkaloids như d- (-) -N-Noramepavine; (-) Nuciferine, Liriodenine.

- Các Vitamin A, B1, C, Riboflavin.

. Tác Dụng Huyết Học: Khi thử nghiệm trên Chó, Đài Sen cho thấy khả năng làm ngắn thời gian chảy máu. Đài Sen sau khi sao còn có tác dụng nhanh và mạnh hơn.

. Tác dụng Diệt Vi Khuẩn: Đài Sen ngăn cản được sự phát triển của Staphylococcus Aureus.

Liều Dùng: Từ 3 đến 9g


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Hạt Sen:

Semen Nelumbinis Nuciferae; Lotus Seed. Đông Y gọi là Liên Tử hay Liên Nhục với phiên âm Lian-zi. Tên Nhật là Renshi. Đại Hàn gọi là Yoncha.

Hạt Sen được chép trong “Thần Nông Bản Thảo” và đôi khi còn được gọi là Thạch Liên Tử. Hạt Sen tác dụng vào các kinh mạch thuộc Tâm, Tỳ với tính Ôn, vị ngọt/chát, không độc.

Tác dụng của Hạt Sen:

- Bổ Tỳ và Cầm Tiêu Chảy: trị các trường hợp suy nhược Tỳ, đưa đến Tiêu Chảy và ăn mất ngon.

- Bổ Thận và Kiên Tinh: trị được các trường hợp xuất tinh sớm và thiếu tinh trùng do Thận suy. Cũng dùng để trị các chứng xuất huyết nơi tử cung và huyết trắng nơi phụ nữ.

- Bồi Bổ Tâm Thần: an định tâm trí, trị được hồi hộp, âu lo hay gắt gỏng, khó tính và mất ngủ. Tác dụng rất công hiệu trong các trường hợp Tâm và Thận rối loạn.

- Dùng chung với Sơn Dược (Củ Khoai Mài) và Bạch Truật để trị tiêu chảy do suy nhược Tụy Tạng.

- Dùng chung với Sa Uyển Tật Lê (Astragali = Sha-yuan ji li) và Kê Thiệt (Euryales Ferocis = qian-shi) để trị bất lực và thiếu tinh trùng trong tinh khí.

- Dùng chung với Bách Hợp (Bai-he), Ý Dĩ Nhân (Yi-yi ren = Hạt Bo bo) và Sa Sâm (Sha-shen) để trị các bệnh mất ngủ nhẹ, hồi hộp dễ nóng giận, đồng thời Mộng Tinh kèm theo khát nước và nước tiểu nóng do Hỏa vượng tại Tâm.

- Dùng chung với Hoàng Liên và Đẳng Sâm để giúp kiện vị, trị âu lo do Tâm và Thận bất hợp gây rối loạn.

- Không nên dùng Hạt Sen trong các trường hợp đầy bụng và táo bón.

Liều thường dùng: Mỗi lần từ 6 đến 15 hạt.

. Thành phần Hóa Học - Hạt Sen chứa:

- Các Alkaloids như Oxoushinsunine, N-Norarmepavins, Lotusine, Isoliensinine, Neferin, Methylcorypalline.

- Các Muối khoáng như: Calcium, Phosphorus, Sắt.

- Chất đường hữu cơ: Raffinose.

- Phân hóa tố I-IsoAspaty Methyl Transferase với khả năng đặc biệt tạo sự tái sinh, làm trẻ lại các tế bào già yếu. Đặc biệt nhất là phân hóa tố này vẫn tồn tại trong Hạt Sen cổ 1200 năm tìm thấy tại Trung Hoa năm 1996.

. Dược Lực Học

- Tác dụng trên Cơ Trơn: Các Alkaloids trong Hạt Sen làm giãn nở Cơ Trơn. Methyl-Corypalline làm nở động mạch vành. Trong khi đó Demethyl-Coclaurine làm giãn nở bắp thịt cơ trơn nơi tử cung.

- Nước Sắc Hạt Sen có tính giải độc, làm giảm bớt đau cùng bớt sưng cuống họng và mũi.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Nhị Sen:

(tua trong Hoa Sen = Stamen Nelumbinis), Lotus Stamen, Đông Y gọi là Liên Tu với phiên âm Lian Xu. Nhị Sen tác dụng vào các kinh mạch Tâm và Thận, được dùng để làm tăng sản xuất tinh khí; kiểm soát các trường hợp xuất huyết, bổ thận và giáng (hạ) Hỏa vượng tại Tâm.

Nhị Sen có thể chữa được Kiết Lỵ, Mộng tinh và đi tiểu nhiều ban đêm. Nhị Sen được ghi trong các sách của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông với tính cách chủ trị các chứng Tâm phiền nhiệt, lòng nóng nảy lo âu, hoảng hốt; nghĩa là có tính trấn an thần kinh.

. Thành phần Hóa Học:

Nhị Sen chứa Nuciferin, Luteolin, Các chất Flavonoids như Quercetin, Iso-quercetin. Tác dụng Dược học đặc biệt nhất của Nhị Sen là nước trích có khả năng ngăn chặn Siêu Vi Trùng Influenza (gây cảm cúm) rất mạnh.

Liều Dùng: từ 5 đến 9 g Nhị tươi.



Tâm Sen:

(Lõi xanh trong hạt = Embryo Nelumbinis), Lotus Embryo, Đông Y gọi là Liên Tử Tâm với phiên âm Lian-zi-xin. Tâm Sen vị đắng, tính Hàn, có tác dụng độc nhất vào kinh mạch thuộc Tâm; với khả năng làm phân tán được khí nóng xâm nhập vào Tim, thường được dùng để trị các trường hợp Ho ra máu.

. Thành phần Hóa Học:

Tâm Sen chứa khá nhiều Alkaloids như Methyl-Corypalline Lotusine Chloride; Demethyl-Coclaurine; Iso-liensinine, Niciferine, N-nor-Nuferin; O-Nor-Nuferin; Pronuciferine.

. Tác Dụng Dược Lực Học:

- Liensinine có khả năng làm Hạ Huyết Áp bằng cách phóng thích các chất Histamine, làm giãn nở các mạch máu ngoại biên và do đó làm áp huyết giảm xuống.

- Demethyl-Coclaurine có tác dụng làm giãn nở bắp thịt cơ trơn tử cung khá mạnh.

Liều Dùng: từ 1.5 đến 6g.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

GHI CHÚ: Ngoài các phần của cây Sen được mô tả ở trên, Đông Y cũng còn xử dụng:

- Cuống lá Sen (Ramulus Nelumbinis) với khả năng làm tan khí độc ứ tắc nơi ngực; để trị các chứng Ho, Tức ngực do Hỏa Vượng xâm nhập vào Phế kinh.

- Ngó Sen = Liên Ngẫu, được ghi chép trong Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh với đặc tính giải trừ được sự buồn phiền. Nước Cốt sau khi nghiền nát dùng để cầm máu, trị ung nhọt. Ngó Sen nấu chín có tính an thần, làm sảng khoái, tiêu được hờn giận và trị được tả lỵ.

DS Trần Việt Hưng
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân