TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Về hai quyển tự điển Việt - Anh và từ điển Anh - Việt (tiếp theo)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Về hai quyển tự điển Việt - Anh và từ điển Anh - Việt (tiếp theo)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sat Jan 16, 2016 4:11 am    Tiêu đề: Về hai quyển tự điển Việt - Anh và từ điển Anh - Việt (tiếp theo)





      Về hai quyển tự điển Việt – Anh và từ điển Anh - Việt
      (tiếp theo)

      Xin quí độc giả lưu ý điểm này:

      • TỰ ĐIỂN PHỔ THÔNG VIỆT-ANH (Vietnamese-English Dictionary) của Nguyễn Văn Tạo; viết tắt TĐVA Nguyễn Văn Tạo
      • TỪ ĐIỂN ANH-VIỆT (Essential English-Vietnamese Dictionary) của Nguyễn Đình Hòa; viết tắt TĐAV Nguyễn Đình Hòa.
     
Sách của Nguyễn Văn Tạo là TỰ-ĐIỂN còn của Nguyễn Đình Hòa là TỪ-ĐIỂN; cả hai cũng đều ghi tiếng Anh DICTIONARY. Tiếng Việt TỰ ĐIỂN hay TỪ ĐIỂN cũng vậy thôi vì cũng từ tiếng Anh (dictionary), tiếng Pháp (dictionnaire) và tiếng Đức (worterbuch) mà ra cả.

      Tuy nhiên, có lẽ tự-ngữ TỰ ĐIỂN của Nguyễn Văn Tạo có lẽ chính xác hơn, vì trong tất cả các quyển tự điển mà tôi tham chiếu cũng đều ghi là TỰ ĐIỂN từ quyển xưa nhất VIỆT NAM TỰ ĐIỂN của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 cho đến quyển gần nhất trước 1975 ở miền Nam VIỆT NAM TỰ ĐIỂN của Lê Văn Đức & một nhóm văn hữu với Lê Ngọc Trụ hiệu đính xuất bản năm 1970 cũng là TỰ chứ không phải TỪ. Sau tháng 4/1975 thì toàn là TỪ ĐIỂN như TỪ ĐIỂN VÀ NGỮ HÁN VIỆT của Nguyễn Lân (1989), TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Hoàng Phê (1995), TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Trung Tâm Từ điển học (2010) và TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT THÔNG DỤNG của Nguyễn Như Ý & Nguyễn Văn Khang và Phan Xuân Thành năm 2008 vân vân, cũng vậy.

      Mở TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Trung Tâm Từ điển học do Hoàng Phê và các tác giả (2010) – sách đã dẫn trước đây - ở trang 1373 cột trái, tìm TỪ ĐIỂN, thấy: ĐN (đồng nghĩa) với từ điển là: tự điển, tự vị. Vậy đã rõ TỰ ĐIỂN = TỪ ĐIỂN.
     
Mở SƠ THẢO NGỮ PHÁP VIỆT NAM của Lê Văn Lý (1913-1992) nơi mục: Bảng Chỉ dẫn theo chữ cái, trang 230 thấy TỰ (TỪ), tức là TỰ = TỪ ; vậy có thể hiểu TỰ ĐIỂN = TỪ ĐIỂN vậy.

      Vì thế, ta thấy trong TĐAV Nguyễn Đình Hòa, trang 63 (cột trái) dictionary (n.): từ-điển, tự-điển. Tìm đến TĐVA Nguyễn Văn Tạo, trang 2095 (cột trái) từ điển (n.): dictionary, lexicon; và trang 2098 (cột phải) tự điển (n.): dictionary. See also từ điển.
     
Tóm lại, tự điển = từ điển. Như thế không có gì bàn cãi nữa. Tuy vậy ta thấy sau 1975 có khuynh hướng dùng TỪ hơn TỰ, ngay cả GS Nguyễn đình Hòa cũng dùng tiếng TỪ-ĐIỂN cho cuốn tự điển của ông nói trên.

      Để rõ thêm, chúng tôi xin trích ra đoạn sau đây cũng trong sách này để độc giả hiểu thêm TỰ và TỪ được sử dụng ra sao theo tác giả, GS Lê Văn Lý, nguyên Trưởng Ban Ngữ học Đại học Văn khoa Saigon 1968-1975 kiêm Viện Trưởng Đại học Đà-Lạt (1970-1975), Tiến sĩ Quốc gia Văn chương (Docteur d’Etat ès-Lettres) đại học Sorbonne, Pháp, 1948, với luận án Le Parler Vietnamien. Sa Structure Phonologique & Morphologique Fonctionnelle. Esquissed’une Grammaire Vietnamienne. (Tiếng Nói Việt Nam. Cấu Trúc Ngữ Âm & Hình Thái Chức Năng của tiếng Việt. Phác Thảo Ngữ Pháp Việt Nam).

      Trong cuốn Ngữ Pháp này, chúng tôi sẽ dùng tiếng Tự Ngữ (chứ không phải Từ Ngữ) để chỉ đơn vị căn bản của một ngôn ngữ, chứa đựng một ý nghĩa và có thể đảm nhiệm một phận vụ Ngữ Pháp. Vì thế khi phân chia các Tự Ngữ của tiếng Việt ra từng loại chúng tôi sẽ gọi các Tự loại đó là: Danh Tự, Động Tự, Tính Tự...
      Còn khi xét về Phận Vụ của các Tự ngữ trong Ngữ tuyến, chúng tôi sẽ dùng những tiếng: Chủ Từ Thuật Từ, Túc Từ, Định Từ, Liên Từ, Phụ Từ... ”
      (Sđd. trang 8)

      Trở lại hai quyển tự điển nói trên ta thấy có mấy điểm sau đây:
      So sánh:

      • Trong TĐAV Nguyễn Đình Hòa, có tiếng logistics và soạn giả ghi như sau: logistics (n.): ngành hậu cần (trang 144, cột phải). Điều này giống với TỪ ĐIỂN ANH-VIỆT, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990; LOGISTICS (dt số nhiều): (quân) ngành hậu cần. (trang 997, cột phải)

      • Trong khi đó TĐVA Nguyễn Văn Tạo, trang 1869 (cột trái) có tiếng TIẾP VẬN, n. (Mil): logistics. Và trang 631 (cột trái) cũng có tiếng HẬU CẦN, nhưng chép như sau: HẬU CẦN, n. (Comm): rear service. Ở mục Các Chữ Viết Tắt Dùng Trong Tự Điển thì: chữ Comm. Là viết tắt của Communism, Cộng sản. Như vậy, theo TĐVA Nguyễn Văn Tạo tiếng HẬU CẦN là của CS dùng, còn VNCH dùng TIẾP VẬN.

      So sánh tiếp:
      • Trong TĐAV Nguyễn Đình Hòa, có tiếng logic và tác giả ghi như sau: logic (n.): lôgic, luận lý học (trang 144, cột phải). Điều này gần giống với TỪ ĐIỂN ANH-VIỆT, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990; LOGIC (dt): lôgic. (trang 997, cột phải), chỉ khác là soạn giả thêm luận lý học.

      • Trong khi đó TĐVA Nguyễn Văn Tạo, trang 980 (cột phải) có tiếng LUẬN LÝ HỌC: logic. Luận lý học hình thái: formal logic; luận lý học biện chứng: dialectic logic v. v.. Soạn giả luôn dùng tiếng luận lý học, chứ không phải lôgic.
     
So sánh tiếp:
      • Trong TĐAV Nguyễn Đình Hòa, tất cả các danh tự đều có dấu ngang nối (hyphen), điều này giống với các tự điển xuất bản ở VNCH trừ cuốn của Thanh Nghị. Trong khi TĐVA Nguyễn Văn Tạo không có, có lẽ ông theo cách của Thanh Nghị và của GS Lê Văn Lý chăng?

      Nói một cách tổng quát, hai quyển đều hay cả, vì của các bậc thầy về ngôn ngữ mà. Còn nhiều điểm so sánh nữa, như vậy cũng đủ rồi.

      Nhưng phải nói rằng cho đến nay hơn 40 năm rồi vẫn chưa có quyển tự điển Việt Anh nào đồ sộ và nhiều mục từ (entry) hơn Tự Điển Phổ Thông Việt-Anh của Nguyễn Văn Tạo cả. Ngoài quyển tự điển nói trên và cuốn Phiên Dịch Sách Báo Việt – Anh; Anh - Việt cũng do Tao Đàn xuất bản, ông còn dịch rất nhiều tiểu thuyết khác nữa từ tiếng Anh và tiếng Pháp.

      Bây giờ không biết ông ở đâu, còn sống hay đã qua đời. Đúng là “vật đổi sao dời” nhỉ!

      ĐKP (Bakhativedantavidyaratna)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân