TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - SÀI GÒN xưa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

SÀI GÒN xưa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
henry chang



Ngày tham gia: 01 Oct 2008
Số bài: 1223
Đến từ: Hawaii

Bài gửiGửi: Thu Oct 15, 2015 12:24 am    Tiêu đề: SÀI GÒN xưa

Tìm Hiểu vài Tên Gọi ở Sài Gòn
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
http://huongduongtxd.com/vaitengoi_osaigon.pdf

Bài viết dưới đây được viết bởi anh Phạm Đình Lân,được đăng trên một tờ báo có lập trường .. ?? khó viết ra quá !!
Nhân đọc thấy hay hay và biết thêm được một ít về SÀI GÒN,
Sưu tầm thêm một số hình ảnh, cùng nhau coi lại để nhớ về SÀI GÒN ngày xưa


Sài Gòn nhập tịch Việt Nam vào năm 1698. Trong quá trình phát triển Sài Gòn mang nhiều ấn dấu của văn hóa Trung Hoa hơn là văn hóa Khmer mặc dù nó nằm trên đất Thủy Chân Lập, một phần của lãnh thổ Cambodia. Phần đất này được sáp nhập vào bản đồ hành chánh Nam Hà kể từ năm 1757. Sài Gòn trở thành một thành phố và một giang cảng quan trọng từ khi Pháp chánh thức chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862. Từ đó ảnh hưởng văn hóa và kiến trúc Pháp được tìm thấy ở Sài Gòn.
   
                        Chợ Bến Thành xưa
Trong bài viết này chúng tôi cố tìm hiểu nguồn gốc của vài tên gọi quen thuộc ở Sài Gòn.

Sài Gòn


Theo từ nguyên Sài là cây củi và Gòn là cây gòn. Sài Gòn là tên dịch nghĩa từ chữ Prei Kor của người Khmer tức là rừng gòn. Vùng Bình Hòa, Gò Vấp, Cây Mai, Phú Lâm hiện nay vẫn còn sót vài cây gòn cao lớn. Cây gòn được tìm thấy nhiều ở Mỹ Châu nhiệt đới, Đông Nam Á, Phi Châu. Tên khoa học của cây gòn là Ceiba pentanda, thuộc gia đình Bombacaceae. Cây gòn được nhiều dân tộc ở Mỹ Châu, Phi Châu và Đông Nam Á xem là thiêng mộc. Người ta trồng gòn để lấy trái và hột. Trái gòn khô có nhiều sợi dùng để làm bông gòn, dồn nệm, gối, áo ấm. Trái gòn non được người Khmer ăn như rau cải. Hột gòn có nhiều chất béo. Dầu gòn được dùng để chiên xào hay dùng trong kỹ nghệ sản xuất xà bông. Hột, lá, vỏ, nhựa cây gòn dùng để làm thuốc trị kiết lỵ, suyễn, bịnh dương liễu, kinh nguyệt, bịnh về thận và cả tiểu đường nữa. Thân cây gòn dùng làm thuốc pháo.

Vùng Sài Gòn được người Khmer gọi là Prei Kor. Vậy tên gọi Sài Gòn là chữ dịch nghĩa từ chữ Prei Kor. Giả thuyết này khá tin hơn giả thuyết cho rằng Sài Gòn là chủ âm từ chữ Tầy Cống của người Minh Hương đầu tiên đến khai phá vùng đất này. Tầy Cống nghĩa là quan Việt Nam nhận công phẩm của Chân Lập (Chen La) vì nước này nằm về phía tây.

Bến Nghé

Sông Bến Nghé ám chỉ sông Sài Gòn. Chữ ‘nghé’ là âm thanh từ loại sấu phát ra chớ không phải ‘nghé’ là bò con hay trâu con (bò nghé, trâu nghé). Cách đây 300 năm vùng Sài Gòn bây giờ còn hoang vu. Dưới sông có sấu. Cọp xuất hiện ở vùng Chợ Quán nên có chuyện truyền khẩu về việc ông Tăng Ân đánh cọp.

Bến Thành
Bến Thành là bến nước gần cái thành. Bến nước đó là bến Bạch Đằng bây giờ. Gần đó có cái chợ gọi là chợ Bến Thành. Đó là Chợ Cũ Sài Gòn nằm trên đường Hàm Nghi gần bến Bạch Đằng. Còn chợ Bến Thành bây giờ là chợ mới cất sau khi Pháp thiết lập nển đô hộ của họ ở Nam Kỳ. Chợ mới này cách xa bến nước gần 2 cây số. Bến Thành cũng ám chỉ Sài Gòn

Bồn Binh


Là công trường trước chợ Bến Thành bây giờ. Chợ Bến Thành cũng được gọi là chợ Bồn Binh. Đó là nơi có tượng Phù Đổng Thiên Vương (1965). Gọi là Bồn Binh hay Bồn Kèn vì lính Pháp tập họp diễn tập và thổi kèn mỗi ngày tại đây. Sau cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963 Bồn Binh này được gọi là Công Trường Quách Thị Trang, tên một nữ sinh, bị bắn chết trong cuộc biểu tình Phật Giáo năm 1963.

Đường Xe Lửa Giữa
Trước năm 1954 từ Sài Gòn vào Chợ Lớn có xe lửa điện. Đường rầy xe lửa đặt chính giữa đường. Đường xe lửa giữa chỉ đường Galliéni tức đường Trần Hưng Đạo. Đường xe lửa này chạy qua đường Grimaud (Phạm Ngũ Lão) đến cuối đường La Somme (Hàm Nghi).

Dinh Norodom
Dinh Norodom là dinh Độc Lập sau này. Bây giờ là dinh Thống Nhất. Norodom là tên của một vị vua của Cambodia ký thỏa ước nhận sự bảo hộ của Pháp ở Cambodia năm 1863. Ông mất năm 1904. Để đền đáp công lao của ông, Pháp dùng tên ông để đặt tên dinh to lớn nhất và con đường rộng lớn nhất ở Sài Gòn. Ngày 09-03-1945 Nhật đảo chánh Pháp và bắt toàn quyền Decoux từ dinh này đem lên Lộc Ninh quản thúc. Sau khi Nhật đầu hàng đô đốc Thierry d’Argenlieu được bổ nhiệm làm cao ủy Đông Dương (như toàn quyền). Ông sống và làm việc trong dinh Norodom. Năm 1955 cao ủy Ely trao trả dinh này lại cho thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Dinh Thống Đốc
Thống đốc là người Pháp đứng đầu guồng máy cai trị ở Nam Kỳ. Dinh thống đốc là nơi thống đốc ở và làm việc. Đó là dinh Gia Long nằm tại góc đường Gia Long và Công Lý. Năm 1962 dinh Độc lập bị oanh tạc hư hại nặng nề. Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình ông Ngô Đình Nhu dọn ra dinh Gia Long ở và làm việc cho đến khi bị lật đổ vì cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963.

Mả Ngụy
Mả ngụy là mồ chôn tập thể 1,831 người tham gia cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1833 ở Nam Kỳ. Năm 1835 quân triều đình tái chiếm thành Gia Định và hủy bỏ thành này. Tất cả những người trong thành này đều bị xử tử chôn tập thể trong mả ngụy lịch sử này. Mả ngụy nằm ở Đồng Tập Trận là nơi lính Pháp tập bắn bia. Đồng Tập Trận nằm trong khuôn viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trên đường Trần Quốc Toản (đường 3 tháng 2).

Trường Áo Tím


Trường Áo Tím là trường trung học đầu tiên dành cho nữ sinh ở Nam Kỳ. Gọi là Trường Áo Tím vì nữ sinh phải mặc áo tím. Pháp gọi là École des Filles sau đổi thành trường nữ trung học Gia Long tức Collège Gia Long. Xin đừng nhầm nghĩa của chữ collège và college của Pháp và Anh. Collège của Pháp là trường trung học đệ nhất cấp tức cấp hai bây giờ. Sau khi học hết 4 năm, học sinh phải thi tuyển vào lớp seconde (đệ tam hay lớp 10) ở trường Petrus Ký để học chung với nam sinh.

Trường Thầy Dòng


Đó là trường Taberd lâu đời nhất ở Nam Kỳ do các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo lập. Sau này trường trở thành trường La San dịch âm của tên Thánh Saint Jean Baptiste de Lasalle. Trường này có trước khi thống đốc De Lagrandière cho xây dinh Norodom. Thầy dòng là các sư huynh (frères) Thiên Chúa Giáo đặc trách việc giáo dục.

Đường Kinh Lấp


Đường Kinh Lấp là đường Charner tức đường Nguyễn Huệ chạy từ bến Bạch Đằng thẳng vào tòa đô chánh.

Nhà Hát Tây


Nằm trên đường Catinat (Tự Do) bây giờ là Đồng Khởi. Năm 1956 nhà hát Tây trở thành Quốc Hội. Từ năm 1967 đến 1975 đó là hạ viện Việt Nam Cộng Hòa.

Vườn Bồ Rô

‘Bồ Rô’ âm từ tiếng Pháp Jardin des Beaux Jeux là khu vườn nơi có câu lạc bộ thể thao (Cercle Sportif Saigonnais) với các trò chơi tao nhã của người Tây Phương như cỡi ngựa, bơi lội, đánh kiếm, quần vợt v.v. Đó là nơi giải trí lành mạnh của các nhà cai trị Pháp thời thuộc địa và giới thượng lưu Việt Nam sau năm 1954. Năm 1963 tướng Taylor và tướng Minh bàn ‘quốc sự’ trên sân quần vợt trong hội quán thể thao này. Sau năm 1954 vườn này được đổi thành vườn Tao Đàn, phóng nghĩa của chữ Beaux Jeux của Pháp. Trong khuôn viên vườn Bồ Rô có sân đá banh lâu đời và quan trọng nhất thời Pháp thuộc.

Vườn Ông Thượng


Vườn Ông Thượng là vườn Bồ Rô hay vườn Tao Đàn. Trước khi người Pháp đến nó được gọi là Vườn Ông Thượng. Ông Thượng là tả quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành (Nam Kỳ). Ông được ban tước Công dưới triều vua Gia Long. Người miền Nam gọi ông là đức Thượng Công.

Lăng Ông Bà Chiểu


Lăng là từ ngữ đặc biệt dành cho vua chúa dùng để chỉ mồ mả. Lăng Ông Bà Chiểu là mộ của tả quân Lê Văn Duyệt. Tả quân là một trong Ngũ Quân Đô Thống chỉ huy quân đội. Chức vụ này như thống chế ngày nay. Người đứng đầu trong Ngũ Quân Đô Thống là trung quân đô thống. Tả quân Lê Văn Duyệt là khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng không thích ông vì ông ủng hộ con của hoàng tử Cảnh, có cảm tình với đạo Thiên Chúa như Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) mà ông theo phò trong lúc nguy nan và vì việc chém đầu Huỳnh Công Lý, cha của một ái phi của vua Minh Mạng, rồi muối đầu gởi về Huế. Khi ông còn sống vua Minh Mạng không đụng đến ông bởi ông là một khai quốc công thần. Vả lại ông có thế lực ở Nam Kỳ. Khi ông mất, mộ của ông bị san phẳng và xiềng xích. Thuộc hạ của ông bị bắt bớ giam cầm. Ông Nguyễn Đình Huy, thân sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu), chỉ là một viên chức nhỏ làm việc cho tòa tổng trấn Gia Định Thành của tả quân Lê Văn Duyệt cũng phải lánh né sự trừng phạt. Dưới thời Pháp thuộc có nhiều vụ án không tìm ra sự thật người ta phải dẫn tội phạm đến Lăng Ông Bà Chiểu để thề. Người ta tin rằng tả quân Lê Văn Duyệt rât linh hiển. Sau năm 1954 vào dịp đầu Xuân người ta thường đến Lăng Ông Bà Chiểu khẩn vái để xin lộc đầu năm.

Nhà Thờ Huyện Sĩ



Nhà thờ xây dựng do sự đóng góp tài chánh của Philippe Lê Phát Đạt tức huyện Sĩ. Huyện ở đây là chức huyện hàm (honoraire) vì dưới thời Pháp thuộc chức tri huyện không còn ở Nam Kỳ. Tuy vậy người Pháp ban tước huyện hàm này cho những người giàu có, có thế lực và hữu ích cho Pháp. Tôn Thọ Tường là đốc phủ Tường. Đỗ Hữu Phương là tổng đốc Phương mặc dù những chức tổng đốc, tri phủ, tri huyện hoàn toàn biến mất khi Pháp trực trị Nam Kỳ. Còn Sĩ không phải là tên mà là danh hiệu ‘học sĩ’. Một người biết quốc ngữ, nói rành tiếng Pháp, tốt nghiệp trường thông ngôn và theo đạo Thiên Chúa như Philippe Lê Phát Đạt được xem là hội đủ điều kiện để được gọi là ‘học sĩ’. Philippe Lê Phát Đạt là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu tức Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào (1).

Đất Thánh Tây

Đất Thánh Tây là nghĩa trang của người Pháp và những người Việt Nam có Pháp tịch, có đạo hay có quyền thế. Francis Garnier bị Giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Ô Cầu Giấy, Hà Đông, được cải táng ở đây. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, tướng Lê Văn Tỵ đều được chôn ở đây. Có một vài lính hải quân Nga bị Nhật đánh bại trong trận hải chiến Tsushima thoát chạy về phía nam, bị bịnh chết và chôn ở Đất Thánh Tây này. Sau năm 1954 Đất Thánh Tây được gọi là Nghĩa Địa Mạc Đỉnh Chi. Vào đầu thập niên 1980 những ngôi mộ trong nghĩa địa này được cải táng. Hài cốt các thủy thủ Nga và Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn được cải táng ở Ấp Đông Ba, xã Tân Thới, huyện Thuận An (Lái Thiêu).

Bến Nhà Rồng


Bến Nhà Rồng nằm trên sông Sài Gòn, nơi xuất phát các chuyến tàu đi Pháp trước kia. Tai đây có một tòa nhà trên nóc có hình con rồng nên người ta gọi là bến Nhà Rồng cho dễ nhận. Nhà Rồng là cách nói nôm na ám chỉ vua Gia Long, vị vua khai sáng ra nhà Nguyễn và là người có cảm tình với Pháp qua sự giúp đỡ của giám mục Pigneau de Béhaine, người đại diện cho Nam Hà ký hiệp ước Versailles năm 1787 với thượng thơ bộ ngoại giao Pháp là De Montmorin.

          Nếu chiết tự ra ta sẽ thấy:
                Nôm              Hán-Việt                                                                                                                                                          
                Nhà                   Gia
                Rồng                 Long    

Nhà Bè

Nhà làm bằng tre nổi trên mặt nước tại nơi giao lưu của sông SÀI GÒN và sông Đồng Nai để phát gạo và nước cho khách thương hồ lỡ bước sống qua ngày. Nhà bè này do Võ Hữu Hoằng tức Thủ Huồng dùng tiền làm ra. Trên Cù Lao Phố ở Biên Hòa có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Thủ Huồng. Cái nhà bè tạo phúc đức cho Thủ Huồng này trở thành một địa danh nằm cách SÀI GÒN 10 km. Đặc điểm của Nhà Bè nằm trong câu hát sau đây:
            Nhà Bè nước chảy chia đôi  
           Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Vì Nhà Bè là nơi hai sông Sài Gòn và Đồng Nai hợp lưu trước khi đổ nước ra biển. Đi theo sông Sài Gòn thì về Gia Định. Đi theo sông Đồng Nai thì về Biên Hòa.

Thành Ô Ma

Thành Ô Ma nằm trong tứ giác giới hạn bởi đường Arras (Cống Quỳnh), Frères Louis (Võ Tánh), Nancy (Cộng Hòa), Phạm Viết Chánh (đường mới lập sau này). Pháp gọi là Camp aux Mares (camp: trại lính; mares: đầm ao) vì trong vùng có những chỗ trủng bị đọng nước khi trời mưa. Ô Ma âm từ chữ aux mares mà ra. Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia đặt trong thành Ô Ma này. Vị trí của nhà Viên Thống Đốc trước kia là một sân đá banh Stade Saigonnais của đội võ biền Pháp.

Sở Ba Son



Chữ Ba Son là hai âm gián đoạn của chữ réparation. Sở Ba Son tức arsenal de réparation là cơ sở của hải quân công xưởng trên đường Luro tức Cường Để sau năm 1954. Ụ sửa tàu nằm trên rạch Bến Nghé (Arroyo de l’Avalanche. Avalanche là tên chiếc tàu Pháp vào bắn phá vùng này trước tiên) chạy ngang hông Sở Thú SÀI GÒN. Sở Ba Son, nhà đèn Chợ Quán (2), sở Trường Tiền (3), sở Hỏa Xa (4) là những nơi thu hút nhiều công nhân ở SÀI GÒN vào đầu thế kỷ 20.

Khám Lớn Sài Gòn

Khám Lớn Sài Gòn nằm gần dinh thống đốc (dinh Gia Long) và Pháp đình Sài Gòn. Đó là khuôn viên của Thư Viện Quốc Gia và Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa trước năm 1975. Người miền Nam biết Khám Lớn Sài Gòn qua cuộc khởi nghĩa của Thiên Địa Hội Phan Xích Long, việc cầm tù nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và cuốn Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm (1929). Năm 1953 Khám Lớn Sài Gòn bị đập phá. Khám dời về Chí Hòa (Hòa Hưng).

Kỳ Hòa và Đất Hộ
Đó là hai địa danh nhỏ trong vùng Sài Gòn - Gia Định bị người Pháp ghi sai nhưng lại được người Việt Nam dùng cho tới ngày nay.
                                   Tên gọi của Việt Nam      Địa danh do Pháp ghi sai
                                              Kỳ Hòa                           Chí Hòa                                                                                    
                                              Đất Hộ                             Đa Kao

Bây giờ người ta biết Đa Kao, Chí Hòa chớ không biết Đất Hộ và Kỳ Hòa.

Cầu Bông

Đó là chiếc cầu nối liền Bình Hòa và Đa Kao. Người ta tránh không gọi là Cầu Hoa mà gọi nôm na là Cầu Bông vì Hồ Thị Hoa là tên của một hoàng hậu nhà Nguyễn gốc ở Linh Xuân Thôn, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa và là mẹ của vua Thiệu Trị. Nếu dùng Hán Việt thì Cầu là Kiều và Bông là Hoa thì ta có Hoa Kiều tức kiều dân Trung Hoa!

Cầu Thị Nghè

Cầu do bà Nguyễn Thị Khánh, ái nữ của tướng Nguyễn Cửu Vân, bắt cho chồng đi làm việc. Tương truyền bà là vợ một ông nghè nên người Pháp gọi là Thị Nghè. Bây giờ Thị Nghè trở thành một địa danh. Trên bản đồ hành chánh Thị Nghè là làng Thạnh Mỹ Tây nằm bên kia rạch Bến Nghé mà người Pháp gọi là Arroyo de l’Avalanche vì tàu chiến Avalanche của Pháp là chiếc tàu đầu tiên bắn phá trên rạch này.

Tướng Nguyễn Cửu Vân đánh tan quân Chân Lạp do Xiêm La yểm trợ vào năm 1714 nghĩa là trước khi toàn thể Thủy Chân Lạp (Nam Bộ bây giờ) được sáp nhập vào Nam Hà. Nhưng chúa Nguyễn đã thiết lập guồng máy hành chánh vững chắc từ Biên Hòa xuống Sài Gòn -Chợ Lớn bây giờ với sự thành lập Biên Trấn Dinh. Chiếc cầu gỗ mà chúng ta đề cập được bắt vào thế kỷ 18. Lúc ấy việc học hành thi cử chưa hoàn chỉnh làm sao có một công dân nào ở Nam Hà (phía nam sông Gianh) đậu tiến sĩ để được gọi là ông nghè và bà Nguyễn Thị Khánh được gọi là bà nghè tức là vợ của một tiến sĩ ? Phan Thanh Giản là người đầu tiên đậu tiến sĩ ở Nam Kỳ. Ông đậu tiến sĩ năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng. Dưới triều vua Gia Long (1802-1820) chỉ có thi hương mà thôi. Có phải chăng chồng bà Nguyễn Thị Khánh tên là Nghè?

Cầu Ông Lãnh


Chữ ‘lãnh’ là chữ gọi tắt của chức ‘lãnh binh’ vào thế kỷ 19. Cầu Ông Lãnh là chiếc cầu làm ra theo lịnh của một lãnh binh. Lãnh binh là người trông coi việc quân sự trong một tỉnh nhỏ. Chức vụ này tương đương với thiếu tá hay trung tá ngày nay. Ngày xưa gọi tên một người có chức quyền, lớn tuổi hay giàu có là một sự khiếm nhã và thất kính. Vì lý do đó người ta chỉ gọi tắt chức vụ nên những thế hệ sau nhầm tưởng đó là tên của một người nào đó. Chiếc cầu bây giờ do người Pháp xây chớ không phải chiếc cầu nguyên thủy thời Ông Lãnh làm bằng gỗ.

Bình Trị Giang

Tên của rạch Bến Nghé mà người Pháp gọi là Arroyo de l’Avalanche. Đó là con rạch chạy gần Sở Thú Sài Gòn và Cầu Bông.

Gò Vấp

Gò Vấp là một địa danh cách Sài Gòn 9 km về phía bắc. Tên gọi Gò Vấp là do sự hiện diện của cây vấp mà ra. Cây vấp được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka (Tích Lan), bán đảo Đông Dương. Các nhà thực vật học gọi là thiết lực mộc (ironwood) hay nag Champa. Đó là một thiêng mộc đối với người Chiêm Thành, Ấn Đô, Sri Lanka và các dân tộc trong vùng Đông Nam Á. Tên khoa học của cây vấp là Mesua Ferrea (5) thuộc gia đình Clusiaceae. Hoa cây vấp rất thơm. Nhựa hơi độc. Người ta dùng cây vấp làm nhà, đóng bàn ghế, ngạch đường rầy xe lửa, căm xe bò. Nó là quốc mộc của dân đảo Sri Lanka. Dầu vấp dùng trị ngứa, đau thấp khớp, trị gàu trên da đầu. Ở Sri Lanka sản phụ uống nước sắc của hoa cây vấp sau khi sinh. Cây vấp có nhiều dược tính: kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm và diệt trùng lãi. Ngày nay Gò Vấp là một thành phố hiện đại nên không ai tìm thấy đâu vết của cây vấp nữa.

Lăng Cha Cả


Mồ mả của vua gọi là lăng. Cha cả là vị cố đạo cao và lớn tuổi. Cha Cả ở đây ám chỉ giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), người mộ người Pháp giúp cho Nguyễn Phúc Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn. Ông tham gia giặc mùa đánh vào các tỉnh do nhà Tây Sơn cai trị. Ông mất trước khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước bằng cách đánh bại nhà Tây Sơn. Nguyễn Phúc Ánh cho cử hành một đám tang theo nghi thức vương giả cho ông. Mộ của ông được gọi là lăng. Vào thập niên 1980 mộ này bị bốc dỡ.

Ông Hoành, Ông Trắm


Ở Sài Gòn và Nam Kỳ ngày xưa người ta dùng hai chữ ‘Ông Hoành’, ‘Ông Trắm’ để ám chỉ những người ngang ngược, lộng hành dùng sức mạnh và bè đảng để hiếp đáp kẻ khác.Ông Hoành, Ông Trắm không phải là chức tước trong chánh quyền hay học vị trong giới nho gia như ông Cống (cử nhân), ông Nghè (tiến sĩ). Ông Hoành tên thật là Nguyễn Văn Hàm và Ông Trắm là Nguyễn Văn Trắm. Cả hai là thuộc hạ của Lê Văn Khôi, dưỡng tử của tả quân Lê Văn Duyệt. Trong thời kỳ Lê Văn Khôi tạm chiếm Nam Kỳ, ông Hoành và ông Trắm hống hách, ngang ngược hiếp đáp dân chúng nhưng không ai dám than vãn gì cả. Khi quân triều đình vãn hồi trật tự năm 1835, ông Hoành và ông Trắm bi giải về Huế hành quyết.

Xâm Nửa Con Rồng

Vào đầu thế kỷ 20 những tay anh chị, giang hồ bạt tụy ở Sài Gòn thường xâm mình, học bùa Tà Lơn, học gồng hay võ nghệ đề chứng minh sự gan dạ và bản lĩnh của mình cho người khác nể sợ. Xâm mình rất đau. Vì vậy người xâm cả con rồng đầy vi, vẩy trên lưng hay ngực và bụng được xem là người gan dạ, trung thành, với những khẩu hiệu xâm trên mình hay tay chân như:

      Tứ hải giai huynh đệ.
      Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục.

Từ chuyện xâm minh để chứng minh sự gan dạ có cụm chữ ‘xâm nửa con rồng’ nhằm chế nhạo những người nhát gan nhưng giả dạng anh hùng nên mới xâm nửa con rồng không vi, không vẩy đã vội bỏ chạy.

Địa Danh Mang Chữ ‘Tân’


Vào cuối thế kỷ 18 Nam Kỳ là địa bàn giao tranh giữa quân Tây Sơn và họ Nguyễn. Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, nhiều địa danh mang chữ Tân xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định như Tân Thới, Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Hòa, Tân Định, Tân Kiểng (Tân Cảnh), Tân Lân, Tân Bình, Tân Khánh, Tân Long, Tân Hội, Tân Đông Hiệp, Tân Thạnh Đông… như để đánh dấu một cái gì mới mẻ sau cuộc chiến tàn phá khốc liệt.

Cột Cờ Thủ Ngữ


Cột cờ trên bờ sông Sài Gòn. Đó là nơi các thanh niên Sài Gòn ngồi nói đủ thứ chuyện tào lao. Người Pháp gọi nơi này là Pointe des Blagueurs (Mũi đất của kẻ nói dóc). Chữ ‘thủ ngữ’ là dịch nghĩa từ chữ blagueurs (kẻ nói dóc; khoác lác) mà ra vậy.

Thầy Thông

Theo đúng nghĩa thầy thông là thông ngôn dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt. Khi Pháp vừa chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường), trường thông ngôn (École des Interprètes) được mở ở SÀI GÒN để đào tạo cộng sự viên liên lạc giữa người Pháp và người bản xứ. Được học và tốt nghiệp trường này là một danh dự và một đảm bảo về việc làm vững chắc lại được lương bổng cao so với lợi tức của đa số nông dân thời bấy giờ. Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên dạy ở trường này. Lê Phát Đạt (huyện Sĩ) học và tốt nghiệp trường thông ngôn này. Chữ ‘thầy thông’ dần dần mất nghĩa gốc của nó. Sau này khi nói đến ‘thầy thông’ người ta nghĩ đến ‘thầy thông nhà dây thép’ tức người làm việc cho bưu điện.

Con Cò


Bưu điện Sài Gòn sớm được thành lập khi người Pháp thiết lập guồng máy cai trị của họ ở đây sau năm 1862. Thời ấy dân ta hoàn toàn xa lạ với tem thơ nên không biết gọi là gì cho ổn. Gọi là con tem vì nghe người Pháp gọi nó là timbre (Anh: stamp). Gọi là con niêm vì thấy nó dùng để dán lên bao thơ như để niêm kín cái thơ vậy. Gọi đó là con cò vì thấy hình con cò trên con tem. Người miền Nam gọi người chỉ huy cảnh sát là ông cò. Chữ ‘cò’ ở đây là cách phát âm Việt hóa chữ đầu của chữ commissaire de police.

Da Bà Bầu

Da Bà Bầu là tên của một con đường trong tỉnh Chợ Lớn (6) thời Pháp thuộc. Tên đường này làm cho nhiều người ngạc nhiên vì không phải là tên của một người nào hay một danh nhân nào. Nếu hiểu theo kiểu trực tiếp thì càng khó chịu hơn. Nghĩa thực sự của Da Bà Bầu là quán của bà Bầu dưới tàng cây da. Nhà Thương Chú Hỏa Đó là bảo sanh viện Từ Dũ ngày nay. Chú Hỏa là một người Hoa giàu có và có Pháp tịch. Ông là người tài trợ sự xây cất bịnh viện này. Tên của ông là Hui Bon Hoa. Ông có nhiều điền sản và nhà cửa ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Đường Lý Thái Tổ ở Sài Gòn mang tên Hui Bon Hoa dưới thời Pháp thuộc. Khi mất, thi thể của ông được đặt trong một quan tài thủy tinh. Người đương thời bận tâm ít nhiều về chuyện này. Người thì khen ngợi sự giàu có nên khi chết có quan tài thủy tinh. Người khác lại nói chuyện Âm Dương Ngũ Hành để dựng thành phim.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I. ________

Chú Thích:
(1) Vì có Pháp tịch nên phải giữ gốc của tên cha là Nguyễn Hữu Hào. Tên Việt của bà là Nguyễn Hữu Thị Lan
(2) CEE: Compagnies des Eaux et Électricités
(3) Travaux Publiques
(4) Chemin de Fer
(5) Trong chữ Ferrea có chữ ‘fer’ có nghĩa là sắt vì cây vấp có gỗ nặng và rắn chắc như sắt
(6) Dưới thời Pháp thuộc Chợ Lớn là một trong 21 tỉnh của Nam Kỳ
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân