TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Kẻ Chết Giả
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Kẻ Chết Giả

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Mon Mar 16, 2015 7:40 pm    Tiêu đề: Kẻ Chết Giả
Tác Giả: Truyện dich

Tác giả : Buzzati, Dino
Truyện ngắn : Kẻ Chết Giả


Nguyễn Văn Dân dịch
(Truyện Ý Đại Lợi)

Một buổi sáng, họa sĩ quen biết Lucio Predonzani, 46 tuổi, bấy lâu nay đã lui về ẩn cư tại quê nhà ở Vimercate, mở tờ báo hàng ngày ra đọc. Ông vô cùng sửng sốt khi thấy ở trang ba có một dòng tít:
Một tổn thất lớn đối với nền nghệ thuật Italia: họa sĩ Predonzani đã từ trần.
Bên dưới là một mẩu tin nhỏ:
Vimercate đêm 21 tháng 2. Sau một cơn đau đột ngột, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không có kết quả, cách đây hai hôm họa sĩ Lucio Predonzani đã từ trần. Thể theo nguyện vọng của người quá cô, bản cáo phó này được đăng sau khi lễ an táng đã được cử hành.
Tiếp theo là một bài tưởng niệm dài gần một cột báo đầy những lời tán dương ký tên nhà phê bình nghệ thuật Giovanni Steffani. Thậm chí còn có một bức ảnh chụp nhà họa sĩ cách đây khoảng hai mươi năm.
Vô cùng kinh ngạc, Predonzani vội đọc lướt bài điếu văn, và mặc dù đọc lướt, ông vẫn nhanh chóng phát hiện ra một vài câu văn có ý châm chọc xen kẽ một cách khéo léo giữa những lời tán tụng.
- Matilde? Cô Matilde đâu rồi? - Predonzani gọi to khi đã định thần.
- Chuyện gì thế hả mình? - tiếng vợ ông ở phòng bên vọng sang.
- Vào đây, vào đây tôi bảo!
- Đợi em một chút, em đang dở tay là mấy cái áo.
- Cứ vào đây đã nào, trời đất ơi!
Giọng ông hoảng hốt đến nỗi Matilde vội vứt bỏ bàn là chạy sang phòng ông.
- Này cô xem đi! - Ông họa sĩ rên rỉ đưa tờ báo cho vợ.
Chị đọc báo mặt tái dần, và với sự phi lý kỳ diệu của đàn bà, chị bật khóc một cách tuyệt vọng.
- Ôi anh Lucio thân yêu, anh Lucio khốn khổ của em, cục vàng của em, - chị thổn thức trong tiếng nấc.
Cuối cùng thì cái cảnh này cũng làm cho ông chồng phát cáu.
- Này cô điên đấy à? Thế cô không thấy tôi đang ngồi sờ sờ ra đây ư? Cô không thấy là họ thầm à?
Chị Mạtilde lập tức nín bặt nhìn chồng, nét mặt trở lại tươi tỉnh, rồi đột nhiên, cũng thật dễ dàng như khi chị vừa khóc, chị không nhịn được cười.
- Ôi lạy chúa tôi, thật buồn cười, ôi thật là khôi hài... Tha lỗi cho em nhé, anh Lucio..., một tổn thất đối với nền nghệ thuật..., thế mà ở đây anh vẫn khỏe như vâm? - chị ôm bụng vừa nói vừa cười.
Thôi đủ rồi! - Ông họa sĩ bực mình quát lên. - Cô không hiểu gì à? Thật kinh khủng, kinh khủng? Được rồi, tôi sẽ cho gã chủ bút biết tay. Hắn sẽ phải trả giá đắt cho cái trò đùa này!
Thế rồi ông Predonzani vội vàng ra thành phố và đến ngay tòa báo. Ông chủ bút nồng nhiệt đón tiếp ông:
- Ồ thưa nhà họa sĩ bậc thầy, mời ngài ngồi. ấy đừng, mời ngài ngồi sang đây. Xin mời ngài hút thuốc... ôi cái bật lửa chết tiệt này... Gạt tàn đây... Nào bây giờ mời ngài cho biết lý do gì cho phép tôi được hân hạnh đón tiếp ngài như thế này?
Ông ta vờ vịt hay quả không biết gì về cái chuyện đăng báo kia? ông Predonzani cảm thấy lúng túng:
- Ờ à báo hôm nay... ở trang ba... có đăng tin là tôi đã chết...
- Đăng tin ngài chết ư? - ông chủ bút cầm lấy một tờ báo đang để trên bàn rồi giở ra đọc. Ông ta có vẻ lúng túng giây lát, chỉ giây lát thôi, rồi bình tĩnh lại một cách tài tình.
- À vâng, vâng, có chuyện không ổn ở đây, phải không ạ? Một sự nhầm lẫn kỳ lạ.
Ông ta làm ra vẻ như một người bố trách mắng con mình trước mặt một người qua đường bị con mình trêu ghẹo.
Ông Predonzani nóng tiết.
- Nhầm lẫn cái gì? - ông gầm lên. - Ông giết tôi rồi đấy! Thật ghê tởm.
- Vâng, vâng, - ông chủ bút bình thản nói. - Có lẽ bài báo đã vượt quá dự định ban đầu... Nhưng mặt khác, tôi hy vọng là ông đã đánh giá đúng lòng tôn kính của bản báo đối với tác phẩm của ông...
- Tôn kính ư? ông làm hại tôi thì có.
- Vâng, phải công nhận là có mấy điểm không chính xác...
- Tôi còn sống mà ông bảo tôi đã chết... Thế mà ông lại gọi đó là mấy điểm không chính xác! Ông làm tôi phát điên lên được ông phải đính chính lại ngay. Và tất nhiên tôi có quyền yêu cầu phai được bồi thường thiệt hại.
- Thiệt hại ư? Nhưng thưa ông bạn thân mến, - Ông ta chuyển từ chữ "ngài" sang chủ "ông bạn" một cách trơn tru, đây là một dấu hiệu chẳng tốt lành gì. - Ông không thấy là ông đã gặp một điều cực kỳ may mắn à? Nếu là người khác thì người ta đã nhảy cẫng lên vì vui sướng đấy.
- May mắn cái gì?
- Là vì sau khi một nghệ sĩ qua đời thì lập tức tác phẩm của ông ta lên giá ngay. Thật vô tình, vâng thật vô tình là chúng tôi đã tạo cho ông một dịp may hiếm có.
- Thế tôi... tôi phải giả vờ chết thật à?... Tôi phải biến mất à?
- Hẳn rồi, nếu ông muốn lợi dụng dịp may có một không hai này... Trời đất ơi, chẳng lẽ ông lại bỏ lỡ dịp hay sao. Này nhé, ông thủ nghĩ xem, người ta sẽ tổ chức cho ông một cuộc trưng bày tranh sau khi chết... Chính chúng tôi cũng sẽ cố gắng quảng cáo cho ông... Cái đó sẽ đem lại cho ông hàng triệu đồng, ông ạ, và không phải chỉ có thế thôi đâu.
- Thế còn tôi? Tôi sẽ không được lộ mặt nữa ư?
- Yên xem nào: ông có cậu em trai nào không?
- Có, nhưng để làm gì? Chú ấy hiện đang sống ở Nam Phi.
- Tuyệt? Anh ấy có giống ông không?
- Cũng khá giống. Chỉ có điều là chú ấy để râu.
- Hay lắm: ông cũng để râu đi. Và ông sẽ đóng giả em trai mình. Mọi việc sẽ đâu vào đấy cả... Ông hãy nghe tôi: tốt hơn hết là ông cứ để mặc mọi việc muốn ra sao thì ra... Sau này ông sẽ hiểu... Còn nếu ông muốn đính chính cái tin này thì... Thực tình tôi cũng không biết sau này ai sẽ được lợi... Xin lỗi ông nhé, nhưng tôi xin nói thật là có đính chính cũng vô ích. Người ta không ưa những người chết sống lại đâu... Ngay cả trong giới nghệ thuật cũng vậy, ông biết đấy, người ta đã tốn biết bao hương nến cho ông rồi mà bây giờ ông lại sống lại thì chỉ làm cho mọi người khó chịu mà thôi.
Ông Predonzani không thể nói là không đồng ý. Ông về quê, giam mình trong buồng kín để chờ cho râu mọc dài ra. Còn vợ ông thì mặc đồ tang. Bạn bè lần lượt đến chia buồn cùng vợ ông, đặc biệt là Oscar Pradelli, anh này cũng là họa sĩ và trước đây luôn là cái bóng của Predonzani. Tiếp đó là các khách hàng đến mua tranh: đó là nhúng người buôn tranh, là các nhà sưu tầm tranh. những người đánh hơi thấy một món hời. Những bức tranh trước kia khó mà bán được 40, 50 nghìn đồng thì nay bán với giá 200 nghìn là thường. Trong khi đó tại một nơi kín đáo Predonzani tiếp tục vẽ hết bức tranh này đến bức tranh khác và dĩ nhiên là ông đề lùi ngày tháng lại.
Sau một tháng, khi râu đã mọc khá tốt ông Predonzani mới dám xuất hiện, tự giới thiệu là em trai của nhà họa sĩ quá cố và vừa ở Nam Phi trở về. Ông đeo kính và cố pha một giọng nói ngoại lai. Tuy vậy thiên hạ vẫn bảo ông giống anh trai như hai giọt nước.
Sau những ngày cấm cố, giờ đây ông thả sức dạo chơi, và một lần vì tò mò ông đã vào thăm nghĩa địa. Tại khu nhà mồ của dòng họ ông, ông thấy một ông thợ khắc đang khắc tên ông cùng ngày sinh và ngày mất lên tấm bia đá lớn trước của nhà mồ.
Ông nói với người thợ khắc rằng ông là em trai của người quá cố. Ông lấy chìa khóa mở cánh của bằng đồng của nhà mồ rồi bước vào bên trong. Một loạt quan tài xếp chồng lên nhau, trong đó có một chiếc mới đóng, rất đẹp, trên nắp có gắn một tấm bảng bằng đồng thau với dòng chữ "Lucio Predonzani". Nắp quan tài được gắn bằng đinh vít. Với một nỗi lo âu mơ hồ, ông gõ gõ ngón tay vào một đầu quan tài. Tiếng gõ vang lên âm thanh cửa một chiếc quan tài rỗng. Ông yên trí tự nhủ: càng tốt.
Thật kỳ lạ, khi Oscar Pradelli càng năng lui tới nhà ông thì Matilde - vợ ông - xem ra lại càng như hồi xuân trở lại. Bộ đồ tang trông rất hợp với chị. Ông Predonzani theo dõi sự biến đổi của vợ mình với một thái độ bao dung pha lẫn nỗi lo âu. Một buổi tối ông chợt cảm thấy thèm khát vợ mình, điều mà đã mấy năm nay không còn xuất hiện ở ông nữa. Ông đang thèm khát chính người vợ góa của mình. Về phần Pradelli, liệu lòng nhiệt tình của anh ta có tỏ ra không đúng lúc không? Nhưng khi Predonzam lưu ý Matilde về chuyện này thì chị ta giận giữ mắng ông:
- Anh đừng có nghĩ vớ vẩn? Tội nghiệp anh Oscar. Anh ấy là người bạn chân chính duy nhất của anh. Anh ấy là người duy nhất thực lòng thương tiếc anh. Anh ấy đã làm hết sức mình để cho em bớt cô đơn, thế mà anh lại nghi ngờ anh ấy. Anh không biết xấu hổ à?
Trong lúc đó ở thành phố người ta tổ chức một cuộc triển lãm tranh của Predonzani, thật là một thành công lớn. Trừ các khoản chi phí đi, cuộc triển lãm đã thu được năm triệu rưởi đồng. Sau đấy người ta nhanh chóng quên đi ông họa sĩ Predonzani cùng những bức tranh của ông, nhanh chóng một cách kỳ lạ. Tên ông càng ngày càng ít xuất hiện trên báo chí, và chẳng bao lâu người ta đã quên bẵng ông.
Ông Predonzani ngạc nhiên đau đớn nhận thấy rằng thiếu ông thế giới vẫn không hề suy chuyển; thiếu ông mặt trời vẫn mọc đằng đông và lặn đằng tây như ngày nào; cũng như trước đây, sáng sáng các bà nội trợ vẫn rũ thảm ngoài trời, tàu hỏa vẫn chạy ngược chạy xuôi, thiên hạ vẫn ăn uống và giải trí như thường lệ và đêm đêm, trai gái vẫn đứng hôn nhau trong công viên thành phố.
Cho đến một hôm, sau khi đi lang thang ngoài đồng về, ông Predonzani nhận ra chiếc áo đi mưa của ông bạn quý hóa Oscar Pradelli của mình treo trước cửa. Ngôi nhà chìm trong cảnh im ắng đầy vẻ ấm cúng mời chào. Bên trong vọng ra những giọng nói thì thầm xen lẫn những tiếng rên rỉ ngọt ngào.
Ông Predonzani rón rén quay lui. Ông nhẹ nhàng bước ra cổng rồi đi về phía nghĩa địa. Tối hôm đó trời mưa lâm thâm êm ả.
Bước tới truớc cổng nhà mồ của giòng họ, ông đưa mắt nhìn quanh. Không một bóng người. Ông liền rút chìa khóa mở cánh cửa bằng đồng ra.
Trong khi bóng tối cứ lan dần ông Predoilzani thong thả dùng con dao nhíp vặn những chiếc dinh vít tiên nắp chiếc quan tài mới nhất ra, đó là chiếc quan tài "của ông": ông Lucio Predonzani.
Ông bình tĩnh mở nắp quan tài rồi nằm vào trong, lựa chiều cho đúng với tư thế của những người sẽ vĩnh viễn ngủ giấc ngủ ngàn thu. Ông cảm thấy dễ chịu hơn là ông vẫn tưởng.
Không một chút bối rối, ông thong thả kéo nắp quan tài đậy lại. Khi nắp quan tài sắp sửa đóng kín, ông dừng tay một chút để nghe ngóng xem có ai gọi mình không. Nhưng chẳng có ai gọi cả.
Thế là ông liền buông tay cho nắp quan tài bịt kín lại.

Net
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Wed Apr 01, 2015 4:50 pm    Tiêu đề: Bông cẩm chướng đỏ


Những vụ án nổi tiếng thế giới

Bông cẩm chướng đỏ
Phương Hà, Vĩnh Hồ


Harrison Swanbank soi gương chải mái tóc muối tiêu lấp lánh như ánh bình minh rồi cài bông cảm chướng đỏ lên ve áo. Tấm gương phủ kín bức tường, từ sàn lên tới trần căn phòng ngủ, trị giá 3.000 đô. Đang ở tuổi năm mươi sung sức. Harrison là chủ tịch một ngân hàng lớn ở New Jersey. Ông có một con trai đang học Harvard, một con trai thứ hai học trường đào tạo sĩ quan. Bản thân ông là một nhân vật quan trọng, đảm nhiệm toàn những việc lớn lao. Tấm gương đồ sộ trong khung mạ vàng phản chiếu hình ảnh một con người toàn bằng vàng. Chỉ có một điều không may trong số phận: bà vợ mới qua đời năm rồi. Bà đang yên nghỉ trong ngôi mộ cẩm thạch, dưới bóng hai cây dương chở từ Ý sang. Tối nay, sau một năm sống cô đơn trong ngôi nhà mênh mông, lần đầu tiên ông Harrison cảm thấy trong người thư thái, lòng vui như mở hội, rũ bỏ hết nỗi buồn bực thói thường vẫn dằn vặt ngay cả những người thành đạt nhất trong cuộc sống. Ông đã gặp nàng trong hộp đêm Boya. Một thiếu phụ tóc nâu nhỏ nhắn, rất có duyên, trong ánh mắt luôn phảng phất nét buồn dịu dàng của những cô gái mồ côi sớm chưa bao giờ được hưổng sung sướng trên đời. Loại người mà khi vừa gặp ta đã muốn năm lấy tay mà an ủi, mà ngỏ ý chở che, mà hứa hẹn sẽ từ nay chăm sóc, nâng niu. Ông đã khiêu vũ trong vòng tay cô và cảm thấy vô cùng thanh thản trong vòng tay ấy. Sau đó, ngồi bên cô thủ thỉ tâm tình, ông mỉm cười tự nhủ: "Sao lại không?" Tối nay Harrison lại ngắm mình trong gương. Lấy một bông cẩm chướng đỏ cài lên ve áo, mỉm cười hài lòng với bóng mình trong gương. …
Hai người cưới nhau đã ba tháng nay. Bartolo tràn đầy niềm hạnh phúc kỳ lạ. Nàng quả là con người có một không hai. Mỗi phút bên nàng là một phát hiện mới, một khám phá mới. Harrison có thể ngồi hàng giờ nghe nàng nói mà không thấy chán, ông lim dim mắt tận hưởng làn da tay ghì trên cổ luồn vào mái tóc mượt mà … và sung sướng thấy nàng mừng rỡ như trẻ con khi nhận những món quà đắt giá ông trao tặng: những váy áo thời trang lộng lẫy, chiếc xe Cadilac mui trần. Ông còn mở cho nàng một tài khoản ở ngân hàng. Không bao giờ hỏi nàng tiêu pha những gì, cũng không hỏi vì sao nàng đánh mất chiếc trâm hồng ngọc đáng giá tám ngàn đô. Ông chỉ ước ao nàng ở bên ông mãi mãi, được cưng chiều nàng mãi mãi. Khi mắt nàng sáng rực lên như mắt đứa trẻ vừa nắm chắc trong tay món đồ chơi thiéch thú và nũng nịu: "Anh cưng em quá trời, em đâu xứng đáng?”, Harrison sung sướng muốn nghẹn thở. Cô nàng nói câu đó - "Em đâu xứng đáng” - Là một câu rất thành thực. Lúc này cô đang ngồi bên gã Bonzenti cao to đang mút mẩu xì gà từng hơi ngắn. Gã vặn vẹo người tình:
- Mày đang thòng lọng với thằng nào vậy?
- Một thằng rất sộp: loại số dách của New Jersey. Tiền như nước.
- Cắn câu chưa?
- Còn phải hỏi!
Bonzenti ngồi lọt hẳn vào ghế bành, ngắm nghía chiếc đồng hồ vàng trên tay. Cô ả hỏi:
- Được không?
Bonzenti mím chặt môi gật đầu ra vẻ sành sỏi tồi xác nhận:
- Tuyệt đấy, cô bé. Khó lòng kiếm được thứ này. Cảm ơn em nhiều nhiều.
Ả vuốt mái tóc bù xù của gã ta, khoe:
- Em đưa anh bao nhiêu thứ của lão tặng em, vậy mà chẳng bao giờ thấy lão vặn hỏi chúng biến đi đâu. Nhiêu khi chính em lại cảm thấy hơi ngường ngượng thế nào ấy. Anh không thể biết lão mê em tới mức nào. - Ả cúi xuống - Thế còn anh, có yêu em bằng chừng đó không?
Bonzenti vít đầu ả đặt lên đùi, hôn vào cổ vào gáy.
- Có mà điên! Anh ghét em thì có. Em như thuốc độc ấy!
Harrison ngồi một mình trong phòng khách. Phòng lạnh lẽo. Người cô đơn. Mưa đêm gõ nhịp trên cửa kính gợi nhớ điệu Rumba năm trước, trong hộp đêm Boya. Một năm chung sống với người đẹp khiến ông chợt phát hiện ra một điều hết sức bất ngờ: ông vẫn còn có thể yêu say đắm mê cuồng. Một năm đẹp nhất trong cuộc đời… Nhưng giờ đây chẳng còn gì nữa. Chủ tịch ngân hàng Harrison buồn bã thở dài. Vì sao đến nông nỗi này?
Ông thiếu thận trọng trong kinh doanh. Ném sáu chục ngàn đô vào Colorado nhưng không thu về được đồng nào. Rồi liên tiếp mấy vụ thua lỗ nữa. Kiểm lại sổ sách, Harrison biết mình gần như trắng tay. Bữa qua có hai nhân viên FBI tới kiểm tra sổ sách và cũng xác nhận như vậy. Thế là hết!
Nhưng chỉ hết với bản thân ông. Còn với cô vợ trẻ yêu quý nhất đời, người đã được ông lo toan chăm chút đảm bảo một cuộc sống vương giả, ông nhất định sẽ làm một điều gì đó cho cô, một lần cuối cùng. Harrison còn món tiền bảo hiểm nhân thọ hai trăm ngàn đô. Số tiền này sẽ vào tay cô sau khi ông qua đời. Tất nhiên trong hợp đồng có điều khoản: “nếu thân chủ tự sát, người thừa kế hợp pháp sẽ không được lính khoản tiền bảo hiểm đó”. Nhưng không sao. Một người bạn thân tín sáng nay vừa mách cho ông địa chỉ của người có thể giúp giải quyết vụ này. Ông không tiếc gì đời, mặc dù phải lìa bỏ nó ở tuổi mới năm mươi mốt. Miễn là cô ấy được sống sung sướng! Còn ông, ông vui lòng ra đi vĩnh viễn, trong niềm tin: cô ấy rất mực yêu ông. …
Gã Bonzenti phì vội mẩu xì gà, chồm lên:
- Ai giới thiệu tôi? Ai cho ông địa chỉ của tôi? Ông nghĩ là tôi chịu nhúng tay vào những việc bẩn thỉu này à? Ông có là cớm hoặc chỉ điểm không hử?
Harrison điềm nhiên trả lời:
- Anh đừng ngại. Người cho tôi biết địa chỉ này là bạn rất tin cậy của tôi.
- Ông chịu bao nhiêu?
- Đưa trước trăm ngàn, trả nốt trăm ngàn khi xong việc. - Harrison mỉm cười, nói tiếp - Khỏi lo lắng gì. Sáng mai sẽ có người đưa tiền đến. Tôi đã hứa là làm. Quân tử nhất ngôn!
- Tôi đã nhận lời đâu! Mà cũng không nói là không nhận.
- Tôi muốn thằng đó phải bị tiêu. Nó vướng chân vướng mắt tôi quá, chịu không thấu.
- Khỏi cần đi sâu vào chi tiết chuyện riêng của ông. Tôi không cần biết.
- Tám giờ tối mai, hắn sẽ từ tắc xi bước xuống cửa chính khách sạn Arlington. Hắn mặc smoking, trên ve áo gài bông cẩm chướng đỏ.
- Ta giả dụ là tôi nhận lời của ông. Gã của ông trông dáng người thế nào, ông nói nghe thử.
- Khá cao lớn, lịch sự. Khoảng năm mươi nhưng trông trẻ hơn tuổi.
- Sao nữa, nói rõ thêm xem nào.
- À, hừm… trông hao hao giống tôi.
- Thật à?
- Thế nào, anh tính sao?
Gã Bonzenti nhăn mặt một lát, rồi xòe rộng bàn tay hộ pháp:
- Xong!
Rồi tiếp:
- Thế nhé, tôi không hề trả lời bằng lòng, mà cũng không từ chối. Hai người bắt tay nhau…

Đứng trước tấm gương phủ kín bức tường phòng, Harrison gài bông cẩm chướng đỏ lên ve áo smoking. Tấm gương phản chiếu toàn bộ cảnh tượng gian phòng. Đồ đạc bày biện thật hài hòa về hình dáng và màu sắc. Căn phòng biểu tượng thời oanh liệt đã qua, cuộc sống xa hoa, tấm lòng hào phóng của ông. Nó phải chấm dứt, thì sẽ chấm dứt theo cách ông dự tính: không có cảnh sát tới khám xét, không có thẩm phán gọi ông tới chất vấn. Lát nữa, ông sẽ vào phòng cô vợ trẻ, ôm hôn từ biết nàng: "Anh yêu em hết lòng". Nàng sẽ đáp lại: “Em cũng yêu anh không để đâu cho hết, anh yêu qúy của em, cục cưng của em!". Trước đó, ông đã báo cho nàng biết ông phải tới New York dự bữa tiệc làm việc, đêm nay sẽ không về nhà. Liếc nhìn đồng hồ thấy đã bảy giờ tối, Harrison mở tủ lấy đôi găng tay trắng muốt, thản nhiên kêu vợ tới chia tay lần cuối. Ông không hề biết: khi ông đang ngã giá với Bonzenti, vợ ông đã nghe rõ tất cả, đã hiểu hết mọi chuyện..
Đến lượt tới trước tấm gương phủ kín tường, Bonzenti ngắm mãi bộ smoking cắt rất khéo gã đang mặc, rút lược trong túi chải đầu và thốt lên:
- Ủa, mình có tóc bạc rồi sao!
Thiếu phụ tóc nâu dẩu cặp môi mọng:
- Đáng lẽ anh không nên tới đây.
- Không hề gì. Lúc chiều em vửa nói đêm nay lão già không ngủ nhả mà? Anh muốn xem qua cái tổ ấm này.
- Lỡ có người trông thấy anh vào đây thì khốn…
- Khỏi lo, cưng ơi! Anh cẩn thận lắm, không sao đâu. - Hắn nhìn đồng hồ . - Đi đớp thôi! Bảy giờ ruỡi rồi.
- Vâng. Em xong ngay đây.
- Ta đi đâu bây giờ?
- Yên chí. Em biết một chỗ ngon tuyệt. Anh cười gì vậy?
Bonzenti vừa liếc bóng mình trong gương. Từ lâu hắn đã mơ ước có một ngôi nhà như thế này: rộng rãi, thoáng mát, cao ráo, không như những hang chuột hắn vẫn chui rúc lâu nay.
- Chẳng bao lâu nữa anh cũng sẽ có một chỗ ở như thế này. Có khi còn to hơn. Dạo này sắp có kha khá tiền.
- Em biết.
- Tối nay hai thằng đệ từ của anh sắp làm một quắn mười ngàn đô. Mà anh chỉ mất một cú phôn cho thằng Monoco là xong. Bảo nó rằng: "Monoco, phái ngay hai thằng cứng cựa tới, có việc cho chúng nó tối nay. Mình có thằng bạn muốn đi xa”. Chỉ thế thôi nha! Một cú phôn được mười ngàn. Chẳng mấy chốc anh sẽ mập ú!
- Xong. Ta đi thôi, anh yêu.
Ả lôi hắn đi, tiện tay rút bông cẩm chướng đỏ trong bình, gài lên ve áo gã.
- Lại còn hoa hoét nữa! Để làm trò gì vậy?
- Trời! Đêm nay anh là nhân vật quan trọng lắm nha! Chưa làm giám đốc ngân hàng, nhưng sắp rồi. Thử nhìn trong gương coi!
Bonzenti nhìn vào gương: gã thấy tối nay quả thật minh sang trong thật, bảnh bao, lịch sự hơn hẳn mọi bữa. Nhìn bằng con mắt dân ngoại ô nghèo đói, gã càng thấy mình tối nay cao sang gấp bội, tới mức không thể tin đó là mình nữa! Hắn quay sang cô ả tóc nâu.
- Có khi anh đổ đốn mà phải lòng em thật!
Ả tủm tỉm:
- Nhất định rồi. Tránh đâu cho thoát khỏi tay gái này!
Chiếc xe hơi đen tới đỗ sát vỉa hè đối diện khách sạn Arlington. Trên ghế trước có hai gã đàn ông mặt mày bặm trợn. Gã khoác áo mưa xám nhìn đồng hồ.
- Gần tám giờ. Chuẩn bị sẵn sàng!
Gã kia hơi cúi người, bật khóa điện. Gã kia lại nói:
- Người cao, bận smoking, cẩm chướng đỏ cài ve áo.
- Đúng. Monoco dặn đúng như vậy.
- Taxi chắc sẽ đỗ bên này đường. Không hiểu liệu có vướng đường bọn mình rút không?
- Khỏi lo! Tớ quen tay lắm rồi. Có phải lần đầu đâu!
Một chiếc taxi vàng từ từ chạy tới đõ sát vỉa hè. Từ trên xe bước xuống một thiếu phụ nhỏ nhắn tóc nâu và một người đàn ông to cao bận smoking. Người đó móc ví.
- Hắn đấy - Tên bận áo mưa thì thầm - Mày thấy bông cẩm chướng không?
- Còn con mèo kia? Trong kế hoạch không có.
- Chờ nó qua đường đã.
- Con mồi trả tiền xong rồi. Tên thứ hai trong chiếc xe đen cúi xuống sàn xe mở vali lôi ra khẩu tiểu liên. Vừa đúng lúc đó, một taxi khác trườn tới. Người đàn ông trên xe bước xuống, cao lớn, trông vẻ lịch sự. Ông ta liếc mắt đảo quanh, đưa tờ giấy bạc cho lái xe, ra hiệu khỏi trả lại tiền thừa. Rồi vén tay áo coi lại đồng hồ, chừng như đang chờ đợi ai. Bộ smoking ông mặc trông rất khéo, trên ve cài bông cẩm chướng đỏ. Tên cầm tiểu liên chửi thề:
- Đ.m… Những hai thằng y hệt nhau. Mày nhìn coi! Làm thằng nào?
- Đến giờ chưa?
- Đúng tám giờ.
- Cho cả hai đi luôn!
Bên kia đường, thiếu phụ nhỏ nhắn tóc nâu dừng lại trong góc đại sảnh khách sạn Arlington. Ánh đèn chói chang lóa mắt, ả không nhìn rõ ngoài đường. Chỉ nghe nổ ra một loạt súng, thoáng thấy hai bóng người ngã vật xuống, bóng chiếc ôtô lao vụt đi…

Trước tấm gương đồ sộ phủ kín bức tường phòng, thiếu phụ nhỏ nhắn tóc nâu bận toàn đồ đen đứng soi mình trong gương. Rồi gục mặt xuống bông hoa cẩm chướng đỏ trên tay như đang cầu nguyện. Căn nhà quá lớn trống trải và có lẽ gieo vào người ả cảm giác lạnh lẽo. Đang quen sống với gã Bonzenti và chủ ngân hàng Harrison, cả hai người đàn ông đều cao to nên giờ đây ả càng thấy mình mới bé nhỏ làm sao! Và góa bụa nữa. Tuy vừa lĩnh hai trăm ngàn đô. Cộng với những thứ Bonzenti để lại: trâm hồng ngọc, đồng hồ vàng…
Ả từ từ ngẩng đầu lên, chợt nhận thấy màu đen bộ đồ tang thật hợp với dáng người mình. Trông có vẻ cao sang nữa. Từ nay ả sẽ thường xuyên bận đồ tang. Cho hợp với địa vị mới: bà quả phụ Harrison, giàu có tới mức không thể đếm hết các khoản tiền có trong tay. Nhớ lại hồi mua tấm áo mất hai đô để diện khi gặp Harrison lần đầu trong hộp đêm Boya, ả lẩm bẩm: "Mình bỏ vốn rất trúng!".

Net
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Mon Apr 13, 2015 11:55 pm    Tiêu đề: Mẹ Người Bị Tù Oan
Tác Giả: Truyện dịch


Truyện dịch
Tác giả: Phương Hà, Vĩnh Hồ


Truyện ngắn Mỹ

Người phụ nữ 58 tuổi này mang cái tên mà các cậu bé, cô bé Mỹ thường đặt cho con chuột bạch nhỏ xíu nuôi chơi trong lồng sắt: Minnie. Kể ra thì cũng có gì đáng ngạc nhiên, vì Minnie không khác con chuột nhỏ bao nhiêu. Trong lồng, chuột miệt mài suốt ngày đạp bốn cái chân quay chiếc vòng không ngơi nghỉ. Trên tầng 40 tòa cao ốc số 56 đường Đông NewYork, Minnie cũng ngày ngày bò bốn chân cọ rửa, lau chùi sàn nhà từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Sau đó từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày lại tới cọ rửa, lau chùi sàn các hộp đêm trên đường số 42. Ngày lại ngày cứ vậy, không ngơi nghỉ…

Thẻ đoàn viên "Công đoàn Người Lao công" của Minnie ghi: Minnie Rolls. Da trắng, 58 tuổi. Ngụ tại khu Brooklyn. Thế thôi. Thẻ công đoàn không ghi, giấy căn cước cũng không ghi một sự kiện tày đình trong đời sống riêng của bà: năm 18 tuổi chẳng may rơi vào tay một gã du đãng dưới gầm một cây cầu nọ ở Brooklyn. Và từ cuộc đụng độ bất ưng này đã ra đời một chú bé. Minnie đặt tên con là Till để tưởng nhớ người ông nội gốc Áo. Rồi ngay từ đó bắt đầu cuộc đời lao công nhọc nhằn để nuôi thân và nuôi con. Trong 40 năm đằng đẵng, từ 18 đến 58 tuổi, bà đã lết hai gối trên không biết bao nhiêu cây số vuông sàn nhà, chỉ biết rằng hai đĩa xương bánh chè đều mòn vẹt, mười đầu ngón tay thành chai cứng như gỗ. Nhưng vẫn không dám nghỉ, mong sao thằng con không vì đói mà làm liều không bị nay tù mai tội như biết bao đứa cùng cảnh "con hoang". Tội nghiệp Minnie!

Mơ ước chỉ có thế mà cũng không thực hiện nổi: Till bị cảnh sát bắt giam. Người mẹ biết con mình không trộm cắp, không giết người. Bà chắc chắn biết điều bất hạnh đã xảy ra với con bà là ở chỗ nó vô phúc rơi vào một viên cảnh sát nhầm lẫn nó với một tên khác. Hoặc cố tình bắt tội nó để khỏi tốn công truy tìm một tên khác. Chỉ một mình người mẹ biết và tin như vậy. Bữa đó nhằm ngày tháng Chạp năm 1932, Till bảo mẹ:

- Mẹ ơi, xin mẹ tin con. Con làm than suốt ngày trong nhà mình, đâu có lai vãng tới tiệm bán đồ, đâu có biết ai bị giết hồi nào!

Minnie tin. Nên từ bữa đó càng ra sức quét rửa, lau chùi không ngơi nghỉ, vì Till để lại cho bà một cô vợ trẻ và thằng cháu nội mới sinh. Dần dà, một ý nghĩ cháy bỏng nảy ra trong đầu, phát triển thành nỗi ám ảnh day dứt đêm ngày: phải tìm ra hung thủ, giải thoát con khỏi chốn ngục tù oan uổng. Muốn vậy, phải có điều kiện đầu tiên: đôla, thật nhiều đôla. Từ nay không thể ngủ tới 3 tiếng mỗi đêm. Cũng không được ăn mỗi ngày hai bữa... Nhờ nhịn ăn, nhịn mặc tăng giờ lau chùi cọ rửa nên mỗi cuối tuần Minnie lại tới ngân hàng gửi được chín phần mười số tiền vừa lãnh. Nhân viên thu tiền chăm chú nhìn mặt bà già héo hon trước tuổi, nhìn những ngón tay cong queo, khô khốc run rẩy đếm từng tờ giấy bạc, từng đồng xu lẻ. Rồi anh nói vui: “Bà là người lao công giàu có nhất NewYork". Thực ra Minnie đâu có giàu tiền giàu bạc, mà chỉ giàu hi vọng. Hy vọng kiếm đủ 5.000 đôla để cứu con…

Till lãnh án tù chung thân, vào tù từ năm 1932. Đến nay đã 12 năm trôi qua. Minnie đã gom được 5.000 đôla. Bà xin nghỉ việc. Nói với các ông bà chủ đang thuê mướn mình: "Tôi nghỉ xả hơi ít bữa". Minnie về căn nhà ổ chuột của mình tại Brooklyn, ở lỳ trong đó. Một mình vò võ. Vì từ lâu rồi cô con dâu đã bỏ cuộc: cô quá trẻ, quá xinh nên không thể thăm nuôi mãi người tuy gọi là chồng nhưng đã bị kết án tù chung thân. Cũng trong thời gian này, ở cuối thành phố NewYork có một nữ phóng viên trẻ măng của tờ báo nhỏ nhưng đầy tham vọng nổi danh. Cô phóng viên trẻ đang nóng lòng thi thố tài năng. Phụ nữ làm phóng viên ở những năm đầu thập niên 40 đòi hỏi phải thật sôi nổi, cả gan và tài giỏi hơn bất cứ nghề nào khác. Năm 1944 này, nữ phóng viên Elisabeth Falsh mới hai mươi hai tuổi, nhưng đã có đủ những phẩm chất đó. Trong khi những đồng nghiệp nam giới có những đề tài viết về âm mưu chính trị, ngụp lặn trong các vụ ganster, bới móc công đoàn và giành độc quyền về đề tài chiến tranh; Elisabeth có quan niệm khác hẳn họ về nhiệm vụ viết báo. Cô cho rằng tờ báo phải giúp bạn đọc thấu hiểu cảnh ngộ người đồng loại, nhất là những người dân bình thường. Cuộc sống thường nhật của họ thiếu gì những điều vĩ đại, những chuyện khác thường, sao cứ đua nhau vung phí giấy mực tả những vụ li hôn quái đản, những cuộc truy hoan của tỷ phú, những đám cưới hỏi của cô con gái dầu mỏ?

Nghĩ vậy nên sáng nào cô cũng chăm chú đọc mục tin vặt của tất cả các tờ báo trong nước. Sáng 20 tháng Mười, cô đọc trên tờ Time của Chicago mấy dòng sau đây: “Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth quay số, đinh ninh sẽ nghe giọng một đàn ông tiếp chuyện. Nhưng từ đầu dây bên kia vọng tới tiếng nói nhỏ nhẹ run run:

- Minnie Rolls đây, cô muốn gì vậy?

Tội nghiệp Minnie, từ bữa thuê đăng mấy dòng trên báo, bà đã nhận cơ man cú điện thoại của đủ loại người: lưu manh có, lừa đảo có, thám tử có, mà những kẻ rỗi mồm, tọc mạch và nhân chứng giả cũng không ít. Nên mỗi bận nghe máy bà đều trả lời:

- Xin thứ lỗi, tôi không có nhiều thời giờ tiếp chuyện lâu, nếu ông (hoặc bà) có bằng chứng gì, xin vui lòng viết thư gửi cho ngài biện lý. Bằng chứng nào đáng giá nhất sẽ nhận được tiền thưởng. Minnie không còn cách nào khác. Bà chỉ đủ tiền trả bảy kỳ báo. Tuy có 5.000 đôla gửi ngân hàng, nhưng đó là món tiền bất khả xâm phạm. nếu qua một tuần chưa có kết quả, bà sẽ lại đi làm, dành dụm rồi thuê đăng mấy ngày nữa. Elisabeth khẩn khoản nài:

- Tôi là nhà báo, thưa bà, xin đừng bỏ máy.

- Cũng phải như mọi người thôi. Tôi không muốn mất thời giờ vì tính tò mò của người khác.

- Tôi muốn được gặp bà. Cách bà theo đuổi chẳng có tích sự gì hết, thật đấy. Đời thủa nhà ai lại truy tìm tên sát nhân bằng mấy dòng rao vặt trên báo, như thể rao tìm việc làm?

Minnie đáp rằng con người thường tử tế khi ta cho họ cơ hội và đôla. Bà tận dụng thói ham tiền của các nhân chứng chứ không ảo tưởng tên giết người sẽ hối lỗi. Elisabeth vẫn vật nài đòi gặp. Minnie thẳng thừng từ chối:

- Bữa con tôi bị kết án, báo chí các cô đều im re. Tât cả mọi người không một ai mở miệng. Một cảnh sát bị giết, thế là người ta tóm một thằng bé ngốc nghếch và bắt nó trả giá. Cô muốn biết thì tới hỏi cảnh sát, họ sẽ thuật lại cho mà nghe. Tôi kể sao bằng họ được! Vả lại tôi bận ngập đầu, phải nghe trả lời điện thoại không kịp thở nữa kia. Mỗi giờ ngồi nói như thế này, không đi làm là tôi mất đứt nửa đô. Cô thử tính mà coi, tôi phải bỏ ra mười hai năm quần quật không ăn không ngủ mới tích cóp được 5.000 đôla.

Minnie gác máy. Elisabeth quyết định nhập cuộc, coi đây là sự nghiệp cả cuộc đời mình. Ông chủ báo hỏi cô căn cứ vào đâu cô tin chắc “Mụ già điên" có lý, Elisabeth đáp:

- Vì bà ta tin chắc mình có lý…

Tại đồn cảnh sát, Elisabeth được biết vụ Till xảy ra như sau: Ngày 6 tháng Mười hai năm 1932, một cảnh sát vào cửa hàng nọ uống vại bia, đúng lúc hai tên cướp tấn công người thu ngân. Viên cảnh sát định can thiệp thì bị chúng giết chết rồi biến mất. Bà quản lý cửa hàng khai Till là một tên trong bọn. Till cãi: ngày đó anh ta chở than về nhà, vào đúng giờ đó, vì cô vợ đang chuyển dạ trong bệnh viện, mùa đông năm nay sẽ rất giá buốt, nhà lại có trẻ sơ sinh. Tối đó, có người đàn ông nhìn không rõ mặt tới gọi cửa, nói:

- Chúng đang truy đuổi, tôi van anh, hãy giấu tôi đi…

Sau đó, Till khai thêm: người kia cố tình chui xuống hầm nhà nấp một lát rồi đi không nói năng gì. Anh đã kể hết đầu đuôi với chòm xóm, với mẹ rồi với vợ. Nhưng cảnh sát cho rằng vợ Till đồng lõa với chồng. Bà quản lý cửa hàng khai: "Đúng nó, không sai”. Vậy là đủ để kết tội Till giết người. Chỉ riêng ông thẩm phán điều tra vụ việc coi đây là một sai lầm tư pháp, khốn nỗi ông bị chết đột tử trước khi kịp đòi xem xét lại bản án. Tiền thuê luật sư thì quá cao, vả lại các luật sư đều biết rõ: bào chữa cho kẻ đã giết nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ là chuyện chẳng ngon lành gì. Till không bị tử hình là do thiếu bằng chứng: bà quản lý cửa hàng không khẳng định chính tay anh ta đã nổ súng… Nắm được diễn biến vụ án, Elisabeth cùng với các đồng nghiệp bỏ ra nhiều tháng đi thu thập thêm lời khai của nhân chứng, tìm gặp từng người trong hội đồng bồi thẩm. Trong khi Minnie đều đặn quay về với chổi và giẻ lau nhà để lại tiếp tục đăng trên báo: "Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth tới hỏi bà con chòm xóm của mẹ con Minnie. Họ đều nói:

- Cả buổi chiều bữa đó, cậu ấy bốc than đem vào nhà. Sáng sau cậu ấy kể với bọn tôi là có người đàn ông lạ mặt tới nấp ít lâu trong nhà rồi bỏ đi. Elisabeth tới gặp bà quản lý cửa hàng… sau một hồi quanh co cuối cùng bà ta thú thực:

- Mấy chú cảnh sát dặn tôi nhận đúng cậu Till là một tên trong bọn. Thật tình mà nói, cậu ấy hơi hao hao giống, tuy có thấp nhỏ hơn… nhưng tôi nhìn đâu có còn tinh lắm…

Ngày 16 tháng Chín năm 1945, Ủy ban ân xá quyết định thả Till. Anh trở về căn nhà ổ chuột Brooklyn với khoản trợ cấp của chính quyền đền bù cho mười hai năm ngồi tù oan uổng. Trở về nhưng mất vợ, mất con, không biết làm một nghề gì kiếm sống, vì suốt mười hai năm đó anh chỉ được người ta dạy bảo có một điều duy nhất: "chờ".

Líu ríu bên con bước ra khỏi tòa án, mắt bà Minnie ướt đẫm, hai tay ghì chặt trước ngực một bọc nho nhỏ. Bà tới nhà cô phóng viên Elisabeth Falsh, hai tay nâng gói nhỏ đưa cô:

- 5.000 đôla của con đây, cầm lấy. Con rất xứng đáng được nhận món tiền thưởng này của mẹ.
Elisabeth khăng khăng từ chối. Giằng co mãi, bà Minnie mới thuận giữ lại cho mình kết quả của mười lăm tiếng quần quật mỗi ngày trong mười hai năm ròng rã. Bài báo của Elisabeth được đăng trên trang nhất với tựa đề: 65.699 giờ cọ rửa để chùi sạch vết nhơ oan ức trên người đứa con.


---oo0oo---


Truyện dịch : Trước ngã ba đường
Tác giả: Phương Hà, Vĩnh Hồ


Truyện ngắn Mỹ.

Ở tuổi ngoài năm mươi một chút mà được như thế này William Farrell có thể tự coi là thành đạt trong cuộc đời: sau ít năm làm nhân viên quèn cho một ngân hàng lớn, giờ đây ông ngồi trên ghế giám đốc chi nhánh New York với thu nhập mỗi năm vài chục ngàn đô la. Có lẽ cũng vì thế mà William luôn thấy mình còn trẻ. Quả thật, so với bạn bè đồng nghiệp cùng lứa, ông vẫn còn tráng kiện lắm. Dáng cao lớn, thân hình chắc lẳn như hồi mới ba mươi, mấy lọn tóc muối tiêu bên thái dương càng tôn cao những nét dễ ưa trên gương mặt. Tuy có những ưu thế trời cho ấy nhưng ông không để ý lắm vì mải mê công việc. Cho tới năm vừa rồi, khi gặp Cynthia. Hai người tình cờ gặp nhau trong bữa tiệc nhà bạn bè…

Cynthia ba mươi lăm, tuổi chín mọng của phụ nữ. Ngay buổi đầu William đã thấy choáng váng trước vẻ quyến rũ của thiếu phụ, không sao cưỡng nổi sức hút mãnh liệt kia. Tóm lại, ông yêu Cynthia, yêu đến phát điên phát cuồng, phát rồ phát dại… Mối tình vụng trộm đã kéo dài được khá lâu…

William nhanh nhẹn đưa xe vào gara ngôi nhà ông tại một vùng ngoại ô New York. Lúc này là 7 giờ tối ngày 20 tháng Chín năm 1976. Ông nhẹ tay tra chìa khóa mở cửa rồi len lén lách vào, gần như một tên trộm, tuy đây là nhà ông. Vì lúc này, lương tâm không thanh thản. Bóng tối và cảnh vắng lặng trong nhà khiến William trấn tĩnh lại. Rõ ràng bà vợ Marjorie còn đang mê mải với cỗ bài Bridge ở câu lạc bộ, ít nhất cũng mười lăm phút nữa mới về tới. Ông còn đủ thì giờ. Bàn tay phải trong túi run run nắm một vật bé xíu nhẵn nhụi, ông tự nhủ: Lúc này không phải lúc đắn đo suy tính gì nữa, không thể lùi bước được nữa. Ý định đã nghiền ngẫm từ lâu rồi, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, phải ra tay thôi, đừng chần chừ nữa. William lên thang rất nhanh, lẻn vào phòng vợ. Hai người ngủ riêng từ mười năm nay. Khác hẳn hai chục năm đầu mới lấy nhau. Ông đã thực sự yêu Marjorie trong hai mươi năm, nhưng giờ đây tình yêu đó đã thành dĩ vãng, xa xăm, tựa hồ không hề có…

Ông nhẹ tay mở ngăn kéo bàn ngủ của vợ, lấy đúng thứ định tìm: chiếc lọ nhỏ đựng vitamin. Trên nhãn đề rõ: lọ có sáu chục viên, sáu chục viên nhỏ xíu màu hồng mát dịu như màu hồng sơn móng tay của Cynthia. May mắn cho William, nhờ vậy ông chỉ vê cục strychnin cho vừa bằng viên vitamin rồi quét một lớp sơn móng tay lên là xong. Trông y hệt, có khi người bán thuốc cũng không thể phân biệt nổi. William mở lọ vitamin, lấy ra một viên rồi bỏ viên strychnin vào. Ông chỉ nhận ra nó vì nó nằm ngay chính giữa, lớp trên cùng, ngoài ra không có chút gì khác các viên xung quanh. Ông đậy nắp, lắc mạnh lọ thuốc. Trong gian phòng rung lên tiếng nhẹ nhẹ như tiếng lục lạc và ngay sau đó dưới tầng trệt vẳng lên một tiếng động khác: tiếng mở khóa cửa, sau đó tiếng Marjorie:

- Anh yêu, anh ở trên đó phải không?

William vội đặt lọ vitamin vào chỗ cũ rồi chạy xuống đón. Khi ôm hôn vợ, ông hơi rùng mình ghê tởm, nhưng bây giờ thì đã muộn. Cỗ máy đang chạy: Mỗi ngày Marjorie uống hai viên khi ăn sáng; trong lọ có sáu mươi viên, vị chi Marjorie còn sống hoặc một ngày hoặc một tháng nữa. Hôm nay là ngày 20 tháng Chín, Marjorie sẽ chết trong khoảng từ 21 tháng Chín đến 20 tháng Mười. Đích xác ngày nào?

21 tháng Chín, William chạy xe vào khu trung tâm New York. Sáng nào cũng vậy, ông theo con đường này để tới nhiệm sở. Nhìn đồng hồ thấy kim chỉ 8 giờ 30 phút, ông thầm tính toán: mười lăm phút nữa Marjorie sẽ tỉnh giấc, cô xuống bếp nấu món ăn sáng, trở lên lầu, và vẫn bận tấm áo ngủ hoa hoét mà ông chịu không nổi, cô trèo lên giường, kê gối tựa lưng thoải mái rồi uống hai viên vitamin chiêu bằng ly nước cam tươi. Hồi nãy, trước khi đi làm ông đã hé cửa liếc vào: Marjorie vẫn ngủ say, và vẫn để cả một đống “lô” uốn tóc cùng với trâm, cặp tua tủa trên đầu như mọi bữa. Thật khó coi!…

Lúc đó, William chợt mong sao cho sự việc xảy ra ngay sáng nay. Đã quyết thì quyết cho rồi. Đáng lẽ không nên lắc. Cô ta sẽ lấy viên trên cùng, và thế là gọn sau vài phút đồng hồ. Còn bây giờ, đành phải chờ. Có khi phải chờ một tháng. Ngồi vào bàn làm việc quen thuộc từ bao năm nay, William không sao đọc nổi những tờ giấy cô thư ký vừa mang tới. Hai mắt nhìn trân trân vào chiếc đồng hồ đề bàn xinh xắn trước mặt: kim chỉ 9 giờ 5. Sau mười phút nữa có thể gọi được…

Mắt vẫn nhìn trân trân vào đồng hồ, đầu óc tập trung đến nỗi nhìn rõ chiếc kim phút xuống dần, xuống dần con số 3. Chiếc đồng hồ là quà rặng của Marjorie nhân dịp kỷ niệm đám cưới hai vợ chồng, vào dịp thứ bao nhiêu cũng chẳng nhớ nữa. Tất nhiên, ông ta thấy chiếc đồng hồ xấu ghê xấu gớm. Cái cô Marjorie này đâu có phân biệt nổi cái xấu với cái đẹp!

9 giờ 15. William nhấc máy điện thoại. Và bất chợt nhận ra một điều thật vô lý: không sao nhớ ra số điện thoại nhà mình. Mỗi năm ông gọi điện về nhà không tới mười lần, những khi cần báo cho vợ biết tối nay ông mời khách về nhà ăn tối. Thế thôi. Còn thì chỉ Marjorie gọi tới, ngày nào cũng gọi, dù chỉ để nói những chuyện chẳng đáng gì như "bữa nay nhà mình không có thư", hoặc hỏi thăm chồng vài câu…

William vừa tìm được số điện thoại trong sổ. Bấm xong phím số cuối cùng, ông nhịn thở…

Chuông đổ… hồi thứ nhất… thứ hai…

Tiếng chị vợ:

- Alô, tôi nghe đây.

- Anh đây, William đây.

Giọng Marjorie bỗng tỏ vẻ lo lắng:

- Có chuyện gì không anh?

- Không, anh chỉ báo em biết chiều nay anh về hơi trễ một chút.

Marjorie lẩm bẩm có ý không vui, nhưng lại lấy ngay được giọng niềm nở:

- Không sao đâu, anh yêu. Vừa ngủ dậy đã được nghe tiếng anh dù qua điện thoại em cũng thấy vui quá. Thật không ngờ, Mong anh luôn gọi điện cho em như thế này nha!

William thoáng ngạc nhiên nhưng trấn tĩnh được ngay:

- Đồng ý. Từ nay, sáng nào anh cũng gọi điện cho em. Anh hứa.

Suốt ngày hôm đó, William cố hết sức bắt đầu óc tập trung làm việc. Nhưng trong khi đọc các bản thống kê, cân đối thu chi, hóa đơn xuất nhập… cứ có hai con số lởn vởn trong đầu tuy chẳng ăn nhập gì vơi những con số đang sờ sờ trước mắt: 58 - 29… 58 viên vitamin, 29 ngày sống, thời hạn tối đa cho Marjorie…

Chiều đến, ông hăm hở lao tới nhà cô bồ Cynthia. Ông làm việc này vì cô, để có cô cho riêng mình, để bắt đầu một cuộc sống mới, để có được một thời thanh xuân mới. Rất cần gặp cô thật nhanh, vì chỉ khi ở bên người tình ông mới tạm quên được việc mình đã làm. Tuy nhiên ông không cho Cynthia biết. Không dám nói, sợ bị người tình ghê sợ, có thể sẽ hắt hủi mình. Nên William nín thinh không hé răng tiết lộ. Cynthia tiếp đón ông vẫn nồng nàn vẫn thắm thiết hết mình như mọi bữa. Khi đồng hồ điểm 9 giờ ông trở về nhà. Vừa vào tới phòng khách, William giật mình đứng sững Marjorie đứng chờ ông tự lúc nào đang nở nụ cười tươi tắn, giang rộng hai tay đón ông. Bữa nay cô diện tấm áo mới, mái tóc bới đổi kiểu cũng mới, trông thật xinh. Hơn nữa, khác hẳn mọi bữa thấy ông về trễ cô thường cằn nhằn kèm theo hàng tràng dài lời khuyên gìn giữ sức khỏe đại loại “vừa vừa thôi ông ạ, cày thế để mà chết sớm à?"…. thì bữa nay cô không hề trách móc nửa lời. Chỉ nắm tay kéo tuột William vào bếp:

- Nhìn kìa, em nấu toàn những món anh thích nhất.

William chưa kịp cởi áo mưa, đi theo vợ như cái máy, mãi mới hỏi:

- Sao lại làm vào hôm nay?

Marjorie nhoẻn cười nhí nhảnh, ngoẹo đầu nũng nịu:

- Để cảm ơn anh đã gọi điện cho em sáng nay, anh yêu! Lâu lắm mới lại được như vậy, nên em rất sung sướng… Không được quên đâu nha, anh đã hứa sáng nào cũng gọi điện cho em rồi đấy!

Ngồi vào bàn, tuy chị vợ luôn mỉm cười thúc giục nhưng William không sao nuốt nổi những món ăn ngon lành được vợ xào nấu rất khéo. Trong lòng day dứt một nỗi niềm khó tả, pha trộn thương xót lẫn ghê tởm. Bao năm nay ông ta không ngó ngàng gì tới vợ, coi Marjorie chỉ còn là một mớ những thỏa thuận, những thói quen, những định kiến. Vậy mà chỉ một cuộc điện thoại sáng nay đã biến Marjorie thành người phụ nữ đầy sức sống và tình yêu đang âu yếm chăm sóc ông… Nhưng muộn mất rồi… Đã đi thì phải đi tới cùng, đâm lao thì phải theo lao. Bỏ dở bữa ăn, William lên lầu, mặc cho vợ cô níu kéo với đôi mắt hờn tủi ngân ngấn ướt…

Trong ba ngày liên, cảnh khó lòng chịu đựng này cứ như vậy diễn ra. Sáng sáng, William bồn chồn ngồi sau bàn làm việc ở nhiệm sở nhìn trân trân vào chiếc kim đồng hồ mạ vàng chờ lúc nó chỉ 9 giờ 15 phút. Nhấc điện thoại… nghe hồi chuông thứ nhất… hồi thứ hai, rồi nghe tiếng Marjorie sau hồi chuông thứ ba. Càng ngày cô càng tỏ vẻ thích lệ mới này, cô vừa nói vừa cười, giọng đầy âu yếm…

Sau mỗi lần như vậy, khi gác máy William lại tự nhiếc mình dã man vô nhân đạo, lại hạ quyết tâm khi về nhà sẽ ném lọ vitamin thật xa. Vẫn còn kịp dừng lại, vẫn còn đủ thì giờ cứu sống Marjorie…

Nhưng đến tối, sau khi chia tay Cynthia, ý định cũ lại trở lại mạnh hơn, dữ dội hơn: phải đi đến cùng!

Ngày thứ năm, ngày Marjorie uống viên thứ chín thứ mười đã tới. Một bài toán bất ngờ lần đầu tiên xuất hiện. Mọi trưa thứ bảy trước William vẫn tới nhiệm sở làm việc, cả ngày chủ nhật cũng phải đi làm trong khi Marjorie về nghỉ cuối tuần tại nhà nghỉ của hai vợ chồng ở Lockport phía bắc bang New York kế cận thác Niagara. Nhưng thứ bảy này cô ta khăng khăng đòi chồng cùng đi…

Tất nhiên William viện đủ cớ để từ chối, nhưng sau hồi lâu, sợ vợ sinh nghi đành phải nhận lời. Trước khi lên đường, ông không quên lấy lọ vitamin trong học bàn ngủ bỏ vào túi…

Lỡ Marjorie chết ngay bên mình thì rầy rà to!

Thứ hai ngày 27 tháng Chín năm 1976, William ngồi trong phòng làm việc tại nhiệm sở, hai mắt trân trân nhìn kim đồng hồ trên bàn đang chỉ 9 giờ 10. Cố xua đuổi những hình ảnh ngọt ngào trong dịp nghỉ cuối tuần vừa qua mà không sao làm được. Marjorie chưa bao giờ đáng yêu như trong mấy ngày vừa rồi. Cô đòi bằng được hai vợ chồng dắt nhau đi trên con đường bên thác Niagara, đoạn đường hai người đã cùng đi hồi mới cưới. Và khiến ông nhớ lại nhiều điều nhiều cảnh đã vùi sâu trong ký ức từ lâu…

Lần này William thấy cảm động, bối rối hơn bao giờ hết. Và nao núng lưỡng lự hơn bao giờ hết. Nên dừng tay chăng? Vẫn còn kịp mà!

Nhưng rồi như bị ma đưa lối quỷ dẫn đường, bàn tay lại run run lấy chiếc lọ trong túi bỏ vào hộc bàn ngủ trong phòng Marjorie. Chắc bây giờ Marjorie đang đợi cú điện thoại buổi sáng, cú điện thoại đã trở thành mòn quà quý giá không thể thiếu hàng ngày. William liếc nhìn đồng hồ: 9 giờ 20. Ủa, sao nhanh vậy, trễ 5 phút rồi. Tay run bắn lên, ông nhấc máy, bấm số. Hồi chuông thứ nhất… hồi chuông thứ hai… Đây là lúc Marjorie cầm máy… Hồi chuông thứ ba đổ ở đầu dây bên kiea, một hồi nữa, rồi một hồi nữa…

Sau hồi chuông thứ mười, William quăng máy đâm bổ ra ngoài…

Đáng lẽ phải ngồi yên tại chỗ và đợi, như kịch bản đã vạch sẵn, vả lại đây là điều chờ đợi, mong mỏi từ lâu nay mới tới, sao lại hốt hoảng như vậy?

Trên đường chạy xe hết tốc độ để về nhà, William chợt nhận ra mình đã phạm sai lâm nghiêm trọng…Đáng lẽ không nên hạ sát Marjorie ở thời điểm hiện tại… Nếu cô ta chết ngay ngày đầu, ngay từ viên thuốc thứ nhất, không đáp lại cú điện thoại đầu tiên ông gọi cho cô sau bao nhiêu năm, mọi sự sẽ diễn ra trót lọt chẳng có vướng mắc gì, theo đúng kế hoạch dự tính. Nhưng sự việc xảy ra theo quy luật của nó: do thấp thỏm, nơm nớp mỗi ngày, ông đã phải gọi điện cho vợ, và giữa hai người đã có những cuộc trò chuyện được nối lại sau nhiều năm đứt đoạn…

Không biết từ lúc nào, tận đáy sâu tiềm thức, William không muốn giết vợ nữa. Tuy lý trí chưa nhận biết thật rõ rệt nhưng thâm tâm đã chấp nhận, đã mong muốn Marjorie vẫn tồn tại, với những tật xấu, những lố lăng vốn có, với tình yêu chồng theo kiểu riêng của cô. Vậy mà ông lại giết chết cô rồi!

Về tới nhà, William Farrell chợt cảm thấy còn một chút hy vọng mong manh. Biết đâu đấy, có khi Marjorie không ở trong phòng ngủ khi ông gọi điện về? Có thể đang sửa soạn bữa sáng trong bếp chẳng hạn…

Trước khi nhảy từng bốn bực một lên cầu thang, William liếc nhìn vào bếp: không có người. Đạp cửa phòng trên của Marjorie chạy vào: cô nằm gục trên giường, ly nước cam trống trơn bên chiếc lọ đựng những viên vitamin màu hồng. Một tay vắt lên máy điện thoại, có lẽ phút cuối cùng cô định gọi chồng cầu cứu…

William nhảy bổ tới nhấc điện thoại gọi Parker, bác sỹ của gia đình. Rồi cố tìm cách cứu chữa Marjorie bằng nhưng phương tiện gặp chăng hay chớ: đắp khăn ướt, xoa bóp, hà hơi thổi ngạt. Không một giây nào nghĩ mình đang hành động hết sức phi lý: mới tối qua thôi, chính tay mình đặt lọ thuốc vào ngăn kéo kia, chính tay mình đã giết vợ. Gây án mạng có chủ định, hơn nữa, có thể coi là án mạng được lặp lại mỗi ngày, bởi lẽ mỗi ngày ông ta đều có thể cứu sống vợ nhưng vẫn để mặc. Bây giờ đứng trước người vợ sắp chết, hoặc chết rồi không chừng, William quên hết mọi chuyện. Bác sỹ Parker vừa tới. Không cần hỏi han vô ích, bác sỹ tới ngay bên giường. Sau vài giây khám nghiệm, bác sỹ lắc đầu. Hết hy vọng. William gục xuống khóc nức nở. Bác sỹ hỏi ông: “Bà nhà có hay dùng thuốc ngủ hoặc có xài ma túy không?", ông chỉ lắc đầu, không nói. Bác sỹ Parker thở dài buồn bã. Ông quen biết hai vợ chồng từ hai mươi năm nay, đã trở thành bạn thân của họ, nhưng ông vẫn phải làm phận sự của mình.

- Tôi rất tiếc, ông bạn thân mến. Tôi không thể ký chứng nhận khai tử được. Đây là một vụ đầu độc. Phải chờ nhà chức trách mở cuộc điều tra.

William không phản ứng gì khi nghe nói "mở cuộc điều tra”. Một tuần sau, khi cuộc điều tra bắt đầu ông ta cũng không phản ứng gì. Mổ tử thi Marjorie, bác sỹ pháp y phát hiện một lượng strychnin chết người. Chồng nạn nhân rõ ràng là kẻ đáng nghi, nhưng các điều tra viên chưa lần ra manh mối, vì William chỉ trả lời các câu hỏi của họ rất lấp lửng, thậm chí tránh né. Ông ta chưa hết bàng hoàng trước cái chết của người vợ.

Thực ra, William đang lẩn trốn sau một màn sương, một trạng thái tranh tối tranh sáng, hòng thoát khỏi mọi hồi ức đau buồn, thoát khỏi nỗi hối hận không sao chịu nổi. Vì vậy ông ta trả lời cảnh sát bằng những câu rời rạc, thậm chí ngớ ngẩn. Như khi giải thích lý do tại sao bữa đó bỗng nhiên ông về nhà vào một thời điểm khác thường như vậy. Ông ta có thể trả lời: do vợ gọi về giúp vì cô ấy đột nhiên khó ở. Nhưng trái lại, ông ta nói chính mình đã gọi điện về nhà và không thấy trả lời nên chột dạ quay về.

- Tôi vẫn thường gọi điện cho vợ tôi lúc 9 giờ 15 phút sáng. Lần nào cô ấy cũng nhấc máy ở hồi chuông thứ ba.

Biết khó moi được điều gì ở ông ta, cảnh sát lần theo đầu mối khác. Họ theo dõi việc đi lại, nghe lén điện thoại mong phát hiện một cô bồ nhí nào đó của William. Nhưng không thấy gì, họ cho rằng cuộc sống riêng của con người này hoàn toàn trong sáng không một gợn mây. Tối nào cũng đi thẳng một mạch về nhà đóng kín cửa không tiếp ai. Những cú điện thoại gọi tới đều của bạn bè thân hữu muốn an ủi ông ta cho khuây sầu nhưng không được, ông toàn nhắc tới Marjorie giữa hai tiếng sụt sùi. Đúng là một người góa bụa không thể nguôi ngoai. William Farrell không đóng kịch chút nào. Sau khi giết vợ, không lúc nào ông nghĩ tới chuyện gặp lại con người đã từng là nguyên nhân khiến ông phạm tội. Toàn bộ dĩ vãng, một dĩ vãng không sao chịu nổi bỗng chốc phai mờ. Chỉ còn đâu đó, trong sâu thẳm tâm hồn một cái gì mà ông biết là không nên làm thức dậy, trong đó có Cynthia. Cùng với tất cả các thứ khác, Cynthia đã biến khỏi tâm trí William ngay lúc Marjorie tắt thở…

Sau thời gian điều tra cực ký công phu tỉ mỉ như kiến tha mồi, cảnh sát New York mới thu thập đủ bằng chứng William Farrell phạm tội. Họ kiểm tra sổ bán thuốc của tất cả các cửa hàng dược ở Lockport và ở vùng có nhà nghỉ của đôi vợ chồng. Trong những tháng trước khi xảy ra án mạng, không thấy có tên William Farrell trong danh sách những khách hàng mua strychnin. Song cảnh sát không vì vậy mà bỏ qua, họ tỏ ra là những người đặc biệt kiên nhẫn và tài giỏi: lần lượt gặp từng người có tên trong danh sách. Và một người hàng xóm nhà William đã day tay mím miệng thề rất độc: “Tôi đâu có mua strychnin hồi nào!" Khi tới đối chất, người bán dược phẩm nhận ngay ra William. Ông này bưng hai tay ôm chặt đầu như thể đang cố lục lọi hồi ức về quá khứ xa xăm. Rồi tuyên bố rất bình thản tựa hồ nói về một kẻ nào khác.

- Vâng, đúng tôi. Chính tôi đã giết cô ấy…

Tuy vậy, William không phải ra trước tòa. Ba tháng sau khi bị tạm giam, một cơn đau tim đột ngột đã thay luật pháp trần gian đưa con người sám hối muộn màng này xuống hỏa ngục.

Net



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân