TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hoa đào năm ngoái ...
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hoa đào năm ngoái ...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Sat Feb 28, 2015 1:33 pm    Tiêu đề: Hoa đào năm ngoái ...



Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Điển tích truyện Kiều)

     
Kim Trọng về hộ tang chú ở Liêu Dương thì nửa năm sau, chàng trở về đến chốn cũ tìm Kiều, nhìn thấy cảnh đã khác xưa:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
(câu 2745 đến 2750)

       Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường trẻ tuổi đẹp trai, nhân dự hội Đạp Thanh đến một xóm trồng toàn hoa đào (Đào hoa trang), gõ cửa một nhà xin giải khát. Bên cửa cổng, một thiếu nữ thập thò đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Hai bàn tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má hây hây đỏ như đoá hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu đoạn từ giã ra đi.

       Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xoá mờ hình bóng giai nhân. Xóm hoa đào và con người đẹp vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến nhà thơ lãng mạn chan chứa biết bao tình cảm lưu luyến mặn nồng. Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến, Thôi Hộ tìm đến xóm hoa đào. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa lại vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười chào đón khách du xuân.

       Ngẩn ngơ, thờ thẩn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:
- Hay là nàng đã về nhà chồng?
       Từng bước một, chàng quay gót trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, Thôi Hộ lấy bút mực trong bị ra, đề mấy câu thơ trên cửa cổng.

       Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn trên cổng thấy bốn câu thơ:

Khứ niên kim nhựt thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

   Nghĩa:

Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong
Hoa đào mặt ngọc gợn ánh hồng
Mặt người nay biết đi đâu vắng
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông

       Nét chữ tinh xảo, ý tứ dồi dào chan chứa một tình cảm đậm đà khiến nàng thiếu nữ họ Đào cảm thấy lòng xao xuyến và quả tim tình bắt đầu vỗ đập theo một nhịp yêu đương. Nàng ngậm ngùi thở dài, luyến tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng.

       Rồi ngày này sang ngày khác, nàng vẫn tựa mình bên cửa cổng mong đợi và hy vọng gặp lại người khách tài hoa xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều tắt lịm sau dãy đồi xa mà bóng người xưa chẳng thấy, chỉ thấy vài cánh chim chiều lẻ bạn, bạt gió từ ngàn phương kêu bạn đổ về với một giọng não nùng.

       Rồi từ đó, nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tuỵ, dung nhan võ vàng. Thân phụ nàng ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc thang nhưng vô hiệu.

       Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già và xin tha tội bất hiếu. Nhìn đứa con thiêm thiếp trên giường bệnh như chờ đợi tử thần, ông lão thương con, nóng lòng  chạy tìm người đề thơ trên cổng. Nhưng hạc nội mây ngàn, tìm đâu cho thấy.

       Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng, mong gặp chàng thi sĩ trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió, bão tố trong gia đình ông, thì giờ phút này, ông cho là một vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy tìm nữa. Ông chạy tìm một cách cầu may!

       Vừa ra khỏi cổng nhà một quãng, bỗng chạm phải một người, ông ngẩng mặt nhìn. Đó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông mặt mày ràn rụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh lấy làm lạ hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể thành thực sự tình. Nghe kể chưa hết câu chuyện, chàng thư sinh bỗng bưng mặt khóc. Ông lão bấy giờ lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi rõ thì chàng thư sinh nói:
- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề thơ trên cổng...

       Ông lão mừng rú lên, rồi lôi xềnh xệch chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng.

       Nhưng người thiếu nữ vừa trút hơi thở cuối cùng.

       Nhìn người mang nặng tình yêu đã vì chàng mà phải vóc liễu tiều tuỵ, chết một cách đau đớn, chàng quá cảm động, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng áp mặt chàng vào mặt nàng, khóc nức nở... không ngờ nước mắt và hơi ấm của chàng thi sĩ rỏ trên mặt và ủ ấp người nàng có mãnh lực kỳ diệu thế nào, khiến nàng từ từ mở mắt ra, đăm đăm tha thiết nhìn chàng. Nàng thiếu nữ Đào Hoa trang sống lại, và kết duyên với chàng thi sĩ tài danh Thôi Hộ.

"Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông"

Năm năm trước có người có hoa đào
Năm nay vắng người chỉ còn có hoa đào

       Hoa đào còn đó phe phẩy trước gió như cười với gió. Cảnh cũ nhưng lại vắng người xưa, nhà thơ Thôi Hộ đã ghi lại xúc cảm của mình bằng bốn câu thơ. Liêu Dương cách trở nửa năm, Kim Trọng quay lại tìm người yêu thì người yêu vắng bóng, trước cảnh đìu hiu, quạnh quẽ, hoa đào vẫn mơn mởn tươi cười

Sao lại có hoa đào cười?
Sao lại có nụ cười ở đây?

       Nhìn người đương buồn bã đau khổ mà lại cười, phải chăng là nụ cười vô duyên đến quái dị!

       Trước cảnh bất công của xã hội, giữa lúc nơi lầu son gác tía lại rượu thịt ê hề, thừa thải đến hôi thối thì ngoài đường xương kẻ chết vì đói lạnh chất chồng phơi trắng ra, Đỗ Phủ, một thi hào đời nhà Đường cực tả bằng hai câu:

Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt

       Hai cảnh tượng tương phản.

       Tình cảm thương nhớ, hy vọng của Kim Trọng mong gặp lại Kiều ở một nơi mà ngày xưa được gọi là "thiên thai", "động Đào"... thực hạnh phúc biết mấy; thế mà nay "vách mưa rã rời", "rêu phong mặt đất"... thì cái tình cảm hy vọng đột nhiên trở thành tuyệt vọng. Cực tả trạng thái tình cảm tuyệt vọng này, tác giả dùng lối nhân hình hoá với thế tương phản "hoa đào cười" thì không còn gì tuyệt diệu hơn là làm tăng nỗi đau đớn, tuyệt vọng thêm lên.

       Tác giả Truyện Kiều dùng điển tích bằng hai câu thơ cuối của Thôi Hộ, nhưng không phải làm một việc "nhai lại" mà vốn chuyển hoá điển tích này một cách có khác hơn để phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình của Kim Trọng có một ý tình khá sâu sắc.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Mặt người nay biết đi đâu vắng
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông)

       Với Thôi Hộ, thì "người không biết đi đâu" tức tác giả nhận định tình trạng dĩ nhiên như thế một cách khách quan. Và, "hoa đào như cũ, cười với gió đông" tức tả cái cảnh thấy đó, chớ thiếu hẳn một ý tình chứa chan sâu sắc.

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

       Đối với Nguyễn Du, qua những từ "trước, sau, nào" đã cho ta thấy một hình ảnh của một con người đương chăm chú, để ý nhìn trước nhìn sau tìm kiếm, cuối cùng hoàn toàn tuyệt vọng... nào thấy bóng người xưa. Và, những từ "năm ngoái", "còn" khiến cho người đọc có thể nhận thức được chàng Kim nhìn hoa đào cười mà chỉ thấy hoa đào năm ngoái là cái hoa đào có Kiều đứng ở bên còn đó, và nụ cười của người yêu xưa cùng với hoa đào xưa, sao nay chỉ còn có hoa phe phẩy nụ cười với gió... Trong một thời gian ngắn ngủi xa cách mà hoa vẫn còn đó nhưng người xưa lại đâu rồi!

       Có khác hơn nhà thơ Thôi Hộ, tác giả Truyện Kiều tả cảnh phối hợp tình, nhưng đi sâu vào tâm tình của đối tượng với tính chủ quan hơn. Tuy cùng mong nhớ một giai nhân, nhưng mối tình của nhà thơ Thôi Hộ đối với cô gái vườn đào không giống mối tình giữa chàng Kim và nàng Kiều. Tình cảm mong nhớ một giai nhân không giống được tình cảm mong nhớ một tình nhân. Mối tình đầu giữa chàng Kim và nàng Kiều đã gắn bó, đương gắn bó.... mà điều này Thôi Hộ chưa có- nên đã tạo được một tình cảm sâu sắc biến động trong tâm tư trước cảnh vật, tất nhiên chất liệu của thơ đã được phát huy- hay tiếng lòng của đương sự đã được rung động với một nhịp độ dồn dập lên cao. Tác giả cực tả cái trạng thái tình cảm và tâm lý chủ quan này.

       Bài thơ của Thôi Hộ cũng như của bao nhiêu bài thơ trữ tình khác. Nhưng sở dĩ còn được người đời nhắc nhở, truyền tụng phải chăng một phần lớn quyết định là do bút pháp điêu luyện, sáng tạo của tác giả Truyện Kiều tạo nên. Cũng như không có tác phẩm Đoạn trường tân thanh hay Truyện Kiều của Nguyễn Du thì quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Hoa, hẳn không ai tìm biết làm gì?

       Mượn của người xưa mà không làm nô lệ của người xưa, trái lại làm sáng danh cho người xưa mới thực là tuyệt diệu.

       Tuy nhiên, ở đoạn miêu tả này có điểm đem lại nhiều thắc mắc. Tác giả Truyện Kiều đã xác định:

Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vường Thuý dò la
Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa
(câu 2741 đến 2744)

       Như vậy, chỉ thời gian trong vòng nửa năm mà gia đình của Vương ông (đã vắng Kiều) lại tàn lụi đến thế sao? Phải chăng đây là một kẽ hở còn có thể phê bình được.

       "Điển tích Truyện Kiều" chỉ chú trọng về điển tích và chỉ phát triển hay giải thích ý nghĩa sự việc có liên hệ đến phần điển tích, chớ không phê phán đi sâu vào những sự kiện do tác giả Truyện Kiều sắp xếp trong truyện. Những điểm trên được trích lại, xin làm tư liệu cho phần tham khảo được phong phú, ngoài phạm vi của quyển biên khảo này. Hay nhà thơ giàu cảm nhìn cảnh vật bằng tâm hồn, và đây mới là cái thực chất đặc biệt của nhà thơ.


Nguồn Net





                                               
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Sat Feb 28, 2015 2:11 pm    Tiêu đề: Hoa đào năm ngoái


ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ

THÔI HỘ (崔 護)


      Thôi Hộ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông (742 – 805).
      Ông tự  là Ân công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa. Tương truyền ông vốn  là người phong nhã  nhưng sống khép kín, ít giao du Về đường khoa cử lại rất lận đận, Mãi đến năm796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ  mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam. Ông nổi tiếng  nhờ bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”.


  題昔所見處

去 年 金 日 此 門 中

人 面 桃 花 相 映 紅

人 面 不 知 何 處 去

桃 花 依 舊 笑 東 風

                  * 崔 護

           *Dịch âm:

Đề Tích Sở Kiến Xứ (1)

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

*THÔI HỘ

*Dịch nghĩa:

Ghi lại những điều đã thấy năm xưa


 Năm ngoái ,(cũng) ngày này, tại cửa này.
 Mặt người và hoa đào cùng soi nhau ánh hồng.
 (Nay trở lại), mặt người không biết đã đi đâu (vắng) rồi.
 (Chỉ thấy) hoa đào vẫn tươi cười với gió xuân như cũ.

*Dịch thơ:
  * Bản dịch 1:
   Ghi lại những điều đã thấy năm xưa

Năm ngoái, ngày này, nơi cửa ấy
Hoa đào soi mặt ánh tươi hồng.
Mặt người không biết giờ đâu vắng?
Hoa vẫn tươi cười đón gió đông.

                                * HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
 


  * Bản dịch 2:

    Ghi lại những điều đã thấy năm xưa

            Năm xưa nơi lối cổng vào
 Mặt người hồng ánh hoa đào thắm tươi
           Mặt ai giờ khuất đâu rồi?
 Hoa đào lối cũ vẫn cười gió xuân. (2)

 ·                               * HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG  dịch    
*Chú thích:
 (1) Bài này còn có tên đầu đề khác là: “ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG”(Đề ở  căn nhà  phía nam thành đô) (thành đô tức là kinh đô Trường An của nhà Đường nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, một trong 4 cố đô của Trung Hoa). Bài thơ được trích trong "Thành Ngữ Cố Sự Đệ Nhất Tập", do Bành Minh Huy biên soạn, nhà xuất bản Hải Hoa Văn Khố ấn hành .
 (2) Đông phong: Gió đông: gió đông ở đây có nghĩa là gió xuân, ngọn gió thồi về mùa xuân từ hướng đông. Có bản chép là xuân phong trong câu“Đào hoa y cựu tiếu xuân phong”(l桃 花 依 舊 笑 春 風)


*Giới thiệu sự tích bài thơ:

  Theo giai thoại, nhân một lần trong dịp tiết Thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam kinh đô Trường An. Chàng trai thấy có một vườn đào đang nở hoa rất đẹp, chàng đến gõ cổng nhà ấy xin nước uống. Người ra mở cổng là một thiếu nữ xinh đẹp. Màu hồng của hoa đào và màu hồng của khuôn mặt giai nhân đã làm chàng trai sửng sốt.Uống nước xong, chàng cảm ơn  ra đi và mang theo hình bóng ấy.
      Tiết Thanh minh năm sau, chàng trở lại Đào hoa trang cũng gõ cửa xin nước uồng nhưng lại không gặp cô gái. Không nén được cảm xúc, chàng đã đề bài thơ lên cổng rồi ra đi.
    Ít lâu sau, vì bị tình cảm thôi thúc, chàng vội trở lại Đào hoa trang để mong gặp lại người xưa. Đến nơi, thấy cảnh nhà tất bật, lại có tiếng khóc vọng ra, chàng hỏi thăm mới biết cô gái vừa qua đời. Với tâm trạng đau đớn, chàng xin được phép vào thăm. Lúc gặp ông lão – cha cô gái, chàng mới hiểu sự tình. Chính vì đọc bài thơ của chàng mà nàng bị tương tư, bỏ ăn bỏ uống và mới vừa trút hơi thở. Tuy đã mất nhưng người vẫn còn ấm nên chưa khâm liệm. Nghe qua, chàng ứa nước mắt, xin được vào gặp thi thể người đẹp. Chàng quì bên giường khóc than kể lể. Bỗng nhiên cô gái chợt tỉnh dậy làm cả nhà vui mừng khôn xiết. Sau đó họ trở thành vợ chồng. Thôi Hộ cố gắng dùi mài kinh sử, thi đỗ ra làm quan. Họ sống với nhau đến răng long đầu bạc.
      Không hiểu giai thoại này thực hư  như thế nào nhưng có lẽ vì bài thơ(nguyên tác) quá hay nên người đời đặt ra chuyện ly kỳ để tăng thêm phần thơ mộng và giá trị bất hũ của nó.
      Có điều thú vị là Đài Loan đã đóng một bộ phim nhiều tập với tên là “Nhân diện đào hoa” mà nội dung chuyện phim lại dựa vào bài thơ với chuyện tình của Thôi Hộ
                                               ***
        +Giới thiệu một số bản dịch khác:

* Thi hào Nguyễn Du: Mặc dù không có dịch nguyên bài nhưng ông đã mượn hai câu sau đưa vào tác phẩm “Truyện Kiều”, đoạn tả cảnh Kim Trọng trở lại vườn thúy mà không gặp Kiều:
....      Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Câu 2748)

*Bản dịch của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu :

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.


*Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Hôm nay, năm ngoái, cửa này.
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.


*Bản dịch của ông Trần Trọng San?

Hôm nay năm ngoái cổng này,
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người.
Mặt người đã ở đâu rồi ?
Hoa đào nay vẩn còn cười gió đông.

*Bản dịch của ông Bùi Khánh Đản:

Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông.




Nguồn Net
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Mar 27, 2015 7:40 pm    Tiêu đề: Hoa đào năm ngoái ...

Hoa đào năm trước


Thu Tứ



  Mùa xuân, hoa đào...

   Cửa kia năm trước ngày này
   Người vay hoa thắm hoa lây má hồng
   Người hoa giờ biết đâu trông
   Hoa không người vẫn gió đông cợt đùa.(1)
   (Thơ Thôi Hộ, Thu Tứ dịch)

Bài thơ cũ mười mấy thế kỷ, nhưng cảnh và tình trong thơ vẫn chưa cũ. Mới hồi tiền chiến, ở ta còn có người gặp cái cảnh ấy và "cảm xúc mãnh liệt" cái tình ấy.

Nguyễn Hiến Lê kể:

"Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (...)

Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Đề Tích Sở Kiến Xứ.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.
Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước."(2)

Kỷ niệm thú vị thay!

Về thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ, Nguyễn Hiến Lê cước chú:

"Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác:

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Ai có tài dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm."(3)
Đầu năm Nhâm Thìn 2012, cái bài thơ dịch "đầu ai, cuối Nguyễn Du" mà Nguyễn Hiến Lê ao ước hình như vẫn chưa ra đời.

_______________
(1) Nguyên tác:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch nghĩa:

Ngày này năm ngoái ở giữa cửa kia
Mặt người (đẹp) và hoa đào chiếu ánh hồng lên nhau
Người đẹp bây giờ không biết ở đâu
Hoa đào vẫn cười với gió đông y như năm ngoái.
(Gió đông đây là gió phương đông, tức gió xuân.)

(2) In trong Để tôi đọc lại, nxb. Văn Học, VN, 2001, đăng trên trang gocnhin.net.

(3) Không biết Nguyễn Hiến Lê đã đọc những bản dịch nào. Đây một số bản tương đối phổ biến:

Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông. (Trần Trọng Kim)

Hôm nay năm ngoái cổng này,
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người.
Mặt người đã ở đâu rồi ?
Hoa đào nay vẩn còn cười gió đông. (Trần Trọng San)

Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu? đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây. (Tương Như)

Có điều này lạ. Tản Đà dịch nhiều thơ Đường, thế mà hình như chưa dịch bài rất nổi tiếng này...

Net
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Mar 27, 2015 7:45 pm    Tiêu đề:


Hoa Đào Năm Ngoái (Phạm Anh Dũng - Mai Đức Vinh - Vương Ngọc Long) Nguyễn Thu Hoa

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân