TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chuyện chưa kể về Nam Nguyễn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chuyện chưa kể về Nam Nguyễn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Wed Feb 25, 2015 4:44 pm    Tiêu đề: Chuyện chưa kể về Nam Nguyễn

Em Nam Nguyễn đoạt chức vô địch môn vũ trượt băng nghệ thuật Canada


Kingston, Ontario: Một thiếu niên gốc Việt mới có 16 tuổi, em Nam Nguyễn đã sáng chói trên sân băng hôm thứ bảy ngày 24 tháng giêng vừa qua, trong cuộc tranh chức vô địch môn vũ trượt băng đơn nam.

Trong cuộc tranh tài, mà vắng đương kim vô địch Patrick Chan, em Nam Nguyễn đã hạ các đối thủ, đoạt chức vô địch.

Tuyên bố với các phóng viên báo chí sau khi đoạt chức vô địch, em Nam Nguyễn cho biết là trước đây em lấy làm vinh dự được người ta gọi là “một Patrick Chan của Canada”, nhưng em cho rằng bây giờ em và Patrick Chan đã bằng vai vế, là đối thủ của nhau.

Tưởng cũng nên nói thêm là anh Patrick Chan đã từng ba lần đoạt huy chương vàng các cuộc tranh tài thế giới và 7 lần liên tiếp đoạt chức vô địch Canada.

Em Nam Nguyễn cũng là một tay vợt Canada duy nhất đoạt các chức vô địch đơn nam Canada từ khi em mới 8 tuổi. Em đã lần lượt đoạt các chức vô địch dần dần theo tuổi tác từ juvenile, pre novice, novice, junior và bây giờ là senior.

Về phía nữ, người đoạt huy chương vàng nữ là cô Gabrielle Daleman.

Như thế em Nam Nguyễn sẽ là một trong những lực sĩ đại diện Canada trong cuộc tranh chức vô

địch trượt băng thế giới, sẽ diễn ra trong tháng ba năm nay ở thành phố Thượng Hải, Trung quốc.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Gabrielle Daleman

Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Wed Feb 25, 2015 4:45 pm    Tiêu đề: Chuyện chưa kể về Nam Nguyễn

Chuyện chưa kể về Nam Nguyễn

Trên sân băng Nam Nguyễn bay bổng như một hoàng tử nhỏ, chói sáng như một minh tinh. Sau khi Nam “soán ngôi” Patrick Chan nắm giữ suốt bảy năm, hôm 24/01 vừa qua, và trở thành vô địch trẻ nhất của giải trượt băng nghệ thuật Canadian Figure Skating Championships 2015 ở tuổi 16, thông tin về em tràn ngập.
Chỉ cần search trên Google là có hàng mấy trăm ngàn kết quả về Nam Nguyễn, nhưng về gia đình đã bồi đắp nên “super Nam” thì quá ít ỏi. Đó là lý do PV Thời Báo phải lặn lội tới nhà Nam vào một ngày tuyết rơi khá dày…

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Nam Nguyễn, vô địch đơn nam Canada, môn vũ trượt băng nghệ thuật


Chuyện chưa kể của Namnamnoodle

Có biết bao mỹ từ báo chí Canada và thế giới dành cho Nam: “Super Nam”, “thần đồng”, “hiện tượng”, “tương lai của trượt băng nghệ thuật Canada”... nhưng đón tôi là nhà vô địch được nuôi dưỡng theo kiểu “rặt Việt Nam”.

Vừa trở về sau chuyến đi biểu diễn nhiều ngày ở Nam Hàn, còn ngật ngừ vì thay đổi múi giờ, Nam cúi đầu “chào Cô” thật ngoan và cười thật tươi.

Khó thể hình dung đây là một Nam Nguyễn tự tin, điềm tĩnh, không chỉ phô diễn kỹ thuật mà còn biểu diễn trên sân băng như một nghệ sĩ thực thụ, chinh phục đấu trường với mấy chục ngàn khán giả từ khi mới 8 tuổi.

Mẹ Nam, chị Lê Liên Thư, kể Nam là thế đó, “chinh chiến” trên khắp đấu trường quốc gia và quốc tế, dù nổi tiếng đến đâu nhưng “vẫn phải theo nếp nhà, ‘nhà vô địch’ mà hư thì cũng bị phạt, bị la như thường”.

Nhà vô địch này còn trẻ con lắm, ra sân tập thích chơi với bọn nhóc và hay trêu đùa mọi người. Thích ăn “spicy noodle”, chơi games, sợ chó, ý chí mạnh không ai bằng nhưng cũng có nhiều chuyện sợ phát khóc.

Chơi piano rất hay, từng trình diễn solo ở Tòa thị chánh hồi ở Richmond, BC, nên vừa nghe đề nghị “đàn cho cô nghe một bản đi” là Nam tươi ngay nét mặt, ngồi vào đàn ngay.

Nam rất thích coi băng Thúy Nga Paris và mơ ước có ngày được xuất hiện trên sân khấu Thúy Nga Paris.

Một chuyện khá thú vị: Nam bây giờ không còn “bé ốc tiêu” nữa, chỉ trong vòng một năm gần đây thôi, cậu nhỏ “nhổ giò” cao hơn cả tấc. Bây giờ, Nam đã cao tới 1. 75m, không còn lọt thỏm giữa các đối thủ vừa lớn tuổi lại to xác như trước nữa rồi.

Nhưng chân dung của Nam Nguyễn chưa được phác họa đầy đủ nếu không kể đến cái tính cách hết sức mạnh mẽ đằng sau dáng dấp mảnh khảnh ấy. Một khi Nam muốn làm điều gì thì không bao giờ bỏ cuộc. “Chính ba dạy cho con cách kiểm soát ý chí. Thành công là phải biết tập trung và khi đó mọi điều mình muốn sẽ đạt được. Mọi chuyện luôn xuất phát từ tinh thần... ”.

Sau ánh hào quang

Vâng, sau ánh hào quang của Nam là cái bóng cả của hai đấng sinh thành. Cậu bé Nam tài hoa chắc chắn không thể chói sáng như hôm nay nếu anh chị Nguyễn Hồng Sơn – Lê Liên Thư không đồng hành với con từ những bước chập chững đầu tiên.

Chị Thư nhớ lại cái buổi “thảy” Nam ra sân băng hồi 5 tuổi: “Lúc đó gia đình sống ở Vancouver, nơi community rất mạnh. Thấy người Hoa mang con tới đó nhiều lắm, tụi này nghĩ sao mình không cho Nam chơi các môn thể thao ở đó để coi con nó thích cái gì. Thế là Nam được cho học đủ thứ: hockey, tennis,... Khi cho ra sân băng thì mấy bữa đầu Nam là đứa... tệ nhất trong số hai mươi mấy đứa con nít. Con người ta chạy trên sân băng còn Nam cứ ngồi một chỗ. Coach thấy vậy mới thảy ra giữa sân để Nam phải chạy thì nó lăn ra khóc. Mấy bữa liền Nam như vậy nên hai vợ chồng bàn nhau sắm mỗi người một đôi giày để tập chung với con. Một tuần sau Nam chịu chạy... ”.

Nam là một đứa bé đặc biệt, như sinh ra để rực sáng trên sân băng. Sáu tuổi Nam được ba mẹ cho học với huấn luyện viên riêng. Học được một buổi, nghe thầy Nam nói nửa năm sau sẽ cho Nam đi thi, anh chị thấy chuyện tin sao nổi nhưng “vì Nam thích” nên tiếp tục cho con theo đuổi.

“Vì Nam thích” nên dân ngoại đạo, chẳng biết chút gì về trượt băng như anh chị phải tìm hiểu để rồi giờ đây anh Sơn như một huấn luyện viên thứ hai, theo sát từng buổi tập để chỉ cho Nam những điều cần thay đổi.

Chị Thư kể chị phải tới sở làm từ 5 giờ sáng để có thể về lúc 2 giờ lo cho con, anh Sơn tan sở lúc 5 giờ chiều là tới sân tập. “Cơm nước mang theo, dinner của cả nhà là ở sân tập của Nam”. Và cho đến tận bây giờ, anh chị vẫn tất tả đưa đón, không có buổi tập nào của Nam vắng bóng cha mẹ.

Lên tám tuổi, Nam giành ngôi vô địch đầu tiên rồi gặt thành công liên tục, đi thi thố, biễu diễn khắp nơi trên thế giới, anh chị càng phải dốc sức nhiều hơn. “Người Việt mình mà, đâu có thả con ra được. Nam dẫu sao cũng mới mười mấy tuổi... ”.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Nam bên mẹ và em gái. Ảnh: Tịnh Khê


Có khi nào anh chị thấy mệt mỏi? “Trời ơi, nhiều lần muốn bỏ cuộc lắm chứ! Hồi ông ngoại Nam còn sống cũng kêu thôi đi. Cả gia đình bên ngoại hầu như đều theo nghề bác sĩ, chính Thư cũng tốt nghiệp Y khoa ở Việt Nam rồi mới qua đây nên ai cũng muốn Nam làm bác sĩ. Nếu chọn con đường đó cho Nam chắc tụi này đỡ vất vả hơn. Nhưng cứ nghĩ lúc ở Việt Nam có bao chuyện mình muốn mà làm không được. Vượt biên sang đây, khó khăn biết bao nhiêu, nay có thể cho con làm điều nó thích sao nỡ tước đi. Vả chăng người Việt mình rất giỏi, thành công trong nhiều lãnh vực nhưng trong thể thao như Nam thì có bao lăm, bởi vậy cũng tự hào lắm chứ, rồi... ráng”.

Mùa hè năm 2012, gia đình dọn về Toronto cũng vì tương lai của Nam...


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Nam đa tài, giỏi hockey, múa ballet, chơi piano đều hay nhưng anh chị Sơn-Thư đành “cho drop hết vì kham không nổi” để Nam tập trung vào skating. Chần chừ mãi rồi tôi cũng phải hỏi tới chuyện tế nhị: “Đầu tư cho Nam hẳn tốn kém? ”. “Chi phí cho Nam lớn dần theo mỗi bước thành công của Nam. Bây giờ mỗi năm cả trăm ngàn. Đủ thứ chi phí, chỉ riêng tiền ice thôi cũng cả chục ngàn, rồi tiền thuê coach, đạo diễn, trả tiền tác quyền các bản nhạc Nam sử dụng khi trình diễn, tiền đi lại...

Ngày trước Thư còn tự may đồ cho Nam thi đấu nhưng giờ thì phải đặt may của một anh chuyên may đồ cho nhà hát ở tận Niagara Fall. Bộ đồ Nam mặc hôm đoạt giải cũng hết 1, 500. Cho nên... ”.

Cho nên đồng lương của đôi vợ chồng cùng là kỹ sư điện toán, cùng làm một công ty về medical software, dồn hết cho chuyện tập luyện, thi thố của Nam.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Bức ảnh Nam đoạt chức vô địch Canadian figure skating championships năm 2011, ở tuổi 12, cạnh huy chương bạc Shaquille Davis (trái) và huy chương đồng Peter O’Brien gây ấn tượng mạnh


Nam Nguyễn vs Patrick Chan, tại sao không?

Nam tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Nam, sinh ngày 20/05/1998 ở Ottawa.

Ở tuổi 16, Nam hiện đang nắm giữ kỷ lục người Canada duy nhất giành được trọn bộ danh hiệu vô địch quốc gia trượt băng nghệ thuật, từ Juvenile Champion (năm 8 tuổi), Pre-Novice Champion (9 tuổi), Novice Champion (10 tuổi) tới Junior Champion (12 tuổi) rồi vô địch đơn nam (16 tuổi). Hầu như ở giải nào Nam cũng là nhà vô địch nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Canada.

Ngay từ khi Nam vụt sáng đã có nhiều nhận định Nam sẽ không khó để vượt qua Patrick Chan (sinh năm 1990), thể tháo gia Canada gốc Hoa ba lần vô địch thế giới, bởi lẽ đến tuổi 17 Patrick Chan mới đoạt giải vô địch quốc gia và huy chương bạc giải vô địch thiếu niên thế giới World Junior Champion. Còn Nam vô địch quốc gia ở tuổi 16, và một năm trước đó vô địch World Junior Champion.

Khi bằng tuổi Nam bây giờ Patrick không thực hiện những cú xoay ba vòng Axel hay nhảy Quadruple ổn định như Nam.

“Nam còn được trời phú cho nhạc cảm và kỹ năng biểu diễn. Đó là những điều mà chẳng người thầy nào dạy được mà chỉ có một số ít “hiện tượng” của môn trượt băng nghệ thuật có được”, theo Joanne McLeod, huấn luyện viên của nhiều vận động viên tên tuổi.

Mọi so sánh bao giờ cũng khập khiễng nhưng qua đó có thể thấy một tương lai rực rỡ của Nam, như nhận xét của Huấn luyện viên Briam Orser: “Tiềm năng của Nam là vô tận và Nam còn tiến xa trong thời gian tới”.

Nam nghĩ gì về đàn anh? “Patrick rất tuyệt, con rất tôn trọng anh ấy, vì những gì Patrick đã làm cho môn thể thao này. Con cũng học được nhiều điều từ Patrick. Việc Patrick bước xuống khán đài tới chúc mừng con đoạt chức vô địch hôm vừa rồi khiến con thấy hãnh diện”. Nhưng Nam cũng rất tự tin khi trả lời: “I think it’s a huge honour that people say that ‘The next Patrick Chan’. But I don’t know if I would call myself that anymore, because we’re at the same level now, right? I’m his competitor. ”


Kể từ ngày được biểu diễn trên sân băng Olympic mùa đông 2010 tại Vancouver, Nam không thôi nghĩ về cái “gold medal” ở Thế vận hội mùa đông 2018.

Cái đích mà Nam hướng tới: trở thành người Canada gốc Việt đầu tiên giành huy chương vàng ở thế vận hội, cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Phần Nam thì đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu những bàn tay chung sức cùng anh chị Sơn-Thư giúp Nam biến điều đó thành hiện thực...

Tịnh Khê


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân