TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đợi chờ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đợi chờ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Mon Feb 09, 2015 8:34 pm    Tiêu đề: Đợi chờ
Tác Giả: Khái Hưng

Truyện ngắn Khái Hưng

Đợi chờ

Linh cho ngựa phi nước kiệu lớn, qua dặng đồi cỏ tranh, hấp tấp, vội vàng như người đi đâu có việc gì cần kíp.

Tới chỗ sông Thương lượn khúc chảy ven đường Bố Hạ, quanh một quả đồi rộng trồng cam, Linh kìm cương, nhẹ nhàng nhẩy xuống đất, buộc ngựa vào một cây trẩu trụi gần hết lá. Đã một tuần nay, từ khi cam bắt đầu rám đỏ, sáng sáng, dùng xong bữa điểm tâm sơ sài, Linh lên ngựa đi thăm lấy lệ mấy nơi vừa phá hoang trồng chè, rồi phi thẳng tới đây ngồi đợi.

Chàng đợi người năm ấy. Sự mong mỏi làm rạo rực lòng chàng và như man mác cả linh hồn vạn vật.

Vì có lúc ngắm cảnh quanh mình, chàng thấy những khóm cây yên lặng nghiêng mình trên bờ cao, soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lá sắc và nhọn với hàng bông trắng đứng im tăm tắp và loáng thoáng lẩn trong không. Cả những làn mây nhạt đương lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây, mây, nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về.

Tiếng chim sơn ca hót trong cỏ rậm. Linh giật mình quay nhìn theo con đường đỏ, và cảm thấy tất cả nỗi thất vọng của một tấm lòng vơ vẩn đợi chờ...

Nhưng qua giậu nứa đan mắt cáo, màu vỏ cam mới rám hồng vẫn nhắc nhỏm gợi nhớ nhung.

*
* *

Cách đây hai năm, và cũng trong tháng chạp. Một hôm cưỡi ngựa đến bên sông thăm vườn cam sắp trẩy, Linh gặp một chiếc ô tô đỗ cạnh đồi. Tưởng đó là xe khách đến chơi và tài xế không biết lối vào trong ấp, Linh cho ngựa lại gần, nghiêng mình nhòm qua cửa xe. Trong xe, một bà ngót năm mươi tuổi và một thiếu nữ đầy đặn nở nang, nước da hồng hào rám nắng, mà thoạt trông chàng ví ngay với màu da cam bắt đầu rám chín dưới luồng gió heo may.

Chàng ngồi thẳng người lên, lễ phép nói:

- Xin cụ tha lỗi cho, tôi tưởng bạn đến chơi.

Nhưng thiếu nữ rất lịch thiệp đã thò đầu ra ngoài mỉm cười đáp lại:

- Thưa ông, me tôi không dám. Vả lầm thì ai chả có khi lầm.

Câu trả lời, Linh cho là vô vị. Song nụ cười tình tứ điểm theo, chàng ngắm thấy ngọt như mật ong, thơm như hoa cam sành mới nở, và có mãnh lực làm cho chàng lúng túng mất vài giây. Sự lúng túng ấy chàng che đậy bằng một câu hỏi, giọng run run:

- Thưa cô, xe liệt máy?

Nụ cười càng tình tứ hơn, tuy đôi lông mày bán nguyệt tô thêm chỉ hơi díu lại một cách rất nũng nịu, dễ yêu.

- Thưa ông, xe không chết máy, nhưng hết dầu xăng.

- Vậy ý hẳn bác tài đi mua dầu xăng?

- Không, anh ấy đến hàng nước kia hỏi xem có thể mua lại ở đâu được vài lít xăng để đủ chạy từ đây đi Kép. Vậy thưa ông, ông có biết thì xin ông làm ơn bảo giùm cho.

Linh mỉm cười:

- ồ! Tưởng hỏng máy, chứ nếu chỉ hết dầu xăng, thì tôi xin biếu cụ và cô.

Bà cụ sung sướng vội hỏi.

- Thưa ông, nhà ông ở gần đây?

- Thưa cụ, cũng không xa. Đây là đồn điền của tôi.

Thiếu nữ vẻ mặt ngạc nhiên.

- Đồn điền của ông? Chắc là rộng lắm!

- Thưa cô, cũng không rộng lắm, độ hai nghìn mẫu thôi.

Thiếu nữ mở cửa xe bước xuống, gọi:

- Anh tài!

Tức thì một người vận âu phục màu vàng từ trong hàng nước cạnh bến phà đi lại. Linh xuống ngựa, nói:

- Bác cưỡi ngựa theo con đường này vào ấp bảo người nhà tôi đưa cho một bi đông ét xăng, rồi cầm ngay ra đây...

- Thưa ông, cháu không cưỡi ngựa bao giờ.

- Chà, khó gì!

Linh ngẫm nghĩ một giây rồi chép miệng nói tiếp:

- Thôi được, để tôi đi lấy cho.

Thiếu nữ vội gạt:

- Chết thế thì phiền ông quá!

Nhưng Linh đã nhẩy lên lưng ngựa, dựt cương ra về, và nháy mắt, chàng đã biến vào trong cỏ tranh cao, rậm.

*
* *

Lúc trở lại, Linh chỉ thấy người tài xế nằm ngủ trên nệm xe. Chàng dừng lại ngồi thở, trời rét, cái áo lót của chàng ướt đẫm mồ hôi, vì chàng đã cho ngựa phi mau quá.

Bỗng có tiếng cười nói trong vườn cam. Linh vội vàng cởi bỏ vào trong xe cái bi đông dầu xăng buộc sau yên, rồi cho ngựa thong thả lên đồi. Tiếng thiếu nữ nói qua hàng giậu:

- Chúng tôi đương đợi ông ra để xin ông một quả cam.

Linh hấp tấp rẽ cương qua cửa vườn.

- Thưa cụ, cam ở đây còn chua lắm, chưa ăn được. ở trong ấp có một ít đã thực chín rồi và ngọt lắm, xin mời cụ và cô quá bộ vào chơi.

Bà cụ từ tạ:

- Xin cảm ơn ông, chúng tôi xin về... Ông đã cho chúng tôi vay dầu xăng?

Linh buồn rầu đưa mắt nhìn thiếu nữ:

- Thưa cụ, có dầu xăng rồi.

- ồ! thế thì may quá. Cảm ơn ông quá. Không có ông giúp thì mẹ con tôi chẳng biết làm thế nào mà về được đến nhà.

- Thưa cụ, ấp cách đây có hơn hai cây số, xin mời cụ quá bộ vào chơi. Thưa cụ, tôi ở nơi hẻo lánh này chẳng mấy khi được hân hạnh đón tiếp khách quý.

Thiếu nữ nể lời ân cần mời mọc của chủ ấp, áy náy nhìn mẹ:

- Thưa me, hay là me vào chơi một lát cho ông chủ bằng lòng. Vào ăn quả cam Bố Hạ rồi lại đi ngay.

Quay về phía Linh, nàng mỉm cười, láu lỉnh nói tiếp:

- Rồi ông để chúng tôi đi ngay nhé?

Linh, trên mặt lộ đầy vẻ biết ơn:

- Xin vâng.

- Vậy vào nhé, me nhé?

Bà mẹ mắng yêu con

- ừ thì vào. Gớm chết! Cô Phụng đi đâu cô cũng la cà hết ngày hết buổi.

Linh sung sướng chạy vội ra cửa vườn gọi tài xế.

*
* *

Một giờ sau, Linh đưa Phụng đi xem khắp vườn cam, quýt, trong khi bà mẹ ngồi nghỉ bên lò sưởi, vì đứng ở ngoài lâu chân tay bà rét buốt.

Nhờ có một nền giáo dục lịch thiệp nhận được ở trường học và ở một gia đình theo lối mới Phụng đối với ông chủ ấp không chút ngượng ngùng, e lệ. Nàng cười nói dễ dàng, hỏi nhiều câu mà Linh phải lấy làm kinh ngạc, tưởng các cô thiếu nữ không bao giờ dám nghĩ tới.

Đến một gốc quít cỗi, nàng ngắt một quả rồi vờ quay đi ăn vụng. Nhưng nàng quay lại ngay, phá lên cười và kêu:

- Bắt lấy con ăn cắp quýt cho tôi!

Linh cũng cười, nói một câu mà vừa buột miệng thốt ra, chàng cho là rất sáo:

- Nó được hân hạnh cô chiếu cố là may cho nó.

- Vậy tôi lại muốn chiếu cố đến nó nữa.

Vừa nói Phụng vừa với một quả ở cành cao nhưng không tới.
- Cô để tôi lấy giùm.

Linh phải nhảy lên mới với được cả cành quít chĩu chịt gần chục quả.

- ồ phí quá, ông nhỉ?

Linh toan ngắt ra từng quả nhưng Phụng vội gạt.

- ấy, ông cho xin cả để tôi mang về giữ làm kỷ niệm.

Hai tiếng kỷ niệm ở miệng mỹ nhân nói ra, Linh nhận thấy âu yếm, thấm thía tâm hồn. Chàng toan đáp lại một câu tình tứ, nhưng không tìm ra được, đành chỉ lặng lẽ mỉm cười nhìn thiếu nữ. Giữa phút thần tiên ấy, có tiếng gọi:

- Phụng, xin phép ông về thôi!

Lần đầu tiên trong đời, Linh cảm thấy tất cả cái ý nghĩa buồn rầu, sầu thảm của chữ "về".

- Phụng, đi về!

- Vâng, con đây.

Nàng bỏ cả nửa quả quít vào mồm nhai ngốn ngấu. Còn một nửa có lẽ vì đãng trí, nàng đưa cho Linh:

- Trời ơi! Quít ngọt quá! Ông nếm thử mà xem.

Rồi nàng chạy vội lại chỗ mẹ.

Linh thở dài, lững thững theo sau...

*
* *

Lúc xe mở máy. Linh mới chợt nhớ ra rằng chưa hỏi địa chỉ của Phụng.

Trong một giờ được một mình ở bên người đẹp, Linh chỉ mê man nghĩ đến hiện tại mà chàng biết rằng ngắn ngủi. Và chàng chỉ cảm thấy từng phút từng giây đương lạnh lùng rơi vào quãng không.

Kẻ ở người đi rồi hiện tại sẽ thành dĩ vãng sẽ thành một kỷ niệm như cành quít mà Phụng đã đem về nhà để giữ làm kỷ niệm.

Nhưng cái kỷ niệm giây phút ấy đối với Linh đã thành vĩnh viễn thiêng liêng.

Năm, năm, cứ đến tháng chạp khi cam ngoài vườn bắt đầu rám đỏ dưới luồng gió heo may, Linh lại cảm thấy thân thể và tâm hồn rung chuyển. Rồi trong vườn hiện ra hình ảnh một thiếu nữ tươi tốt, hồng hào thướt tha bên gốc cam, gốc quít.

Linh chờ đợi, mong ngóng.

Chàng chờ đợi, mong ngóng cho tới hết mùa cam. Vì Phụng có hứa với chàng rằng mỗi năm cứ đến mùa cam nàng sẽ lại cùng mẹ một lần lên thăm ấp của Linh. Lời hứa ấy có lẽ Phụng đã thốt ra theo cách xã giao trong câu truyện thù ứng. Nhưng Linh tin là lời hứa thành thực. Chàng cũng không hiểu sao chàng lại tin như thế nhưng chàng cũng không thể không tin được.

Đã hai năm chàng chờ đợi...

Và trên bờ sông cao khóm cây vẫn yên lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lau lá sắc và nhọn vẫn đứng thẳng hàng, bông trắng loáng thoáng lẫn trong không. Và trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại. Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về.





Net

*  *
*
Truyện ngắn :  Đào Mơ

Thời ấy, ở một huyện lỵ buồn tẻ, tôi sống như bị chôn giữa bốn bức hàng rào dày, qua đó tôi trông ra đồng rộng mênh mông như qua then lồng, con chim non nhìn quãng trời xanh lá biếc. Rất ngắn ngủi những giờ giải trí của tôi, sau những giờ học dài đằng đẵng.

Ngày nay đã có lần tôi trở về thăm nơi kỷ niệm cũ. Tôi thấy nó nhỏ hẹp quá. Thời xưa đối với tôi, nó rộng như một thế giới. Cái hồ sen mà cặp giò nhỏ xíu của tôi không mấy khi chạy nổi một vòng, bây giờ tôi thấy chỉ như cái bể nước đựng núi non bộ, tròn trĩnh, nhẵn nhụi, hàng giậu dâm bụt vây chung quanh cắt xén bằng chằn chặn. Hai cái nhà tây - tây là vì nó có hiên, có trần và có nền cao - đứng đối nhau hai bên công đường, tôi thấy giống như thứ đồ chơi trẻ con. Trong một nếp nhà ấy, tôi đã sống bao ngày bằng phẳng, đều đều, với quyển sách chữ nho, với cái bút lông tô dạm nét son của một ông thầy học nghiêm khắc; với những buổi chiều hè vang động tiếng sáo diều trên không, và, trong yên lặng hoàn toàn, với những buổi trưa chán nản kéo dài tiếng cút kít gióng một của chiếc xe lợn trên con đường thiên lý.

Trong cái thế giới buồn tẻ ấy, thỉnh thoảng một bọn hát chèo lại đem đến cho mấy anh em chúng tôi một ít màu tươi của sự thay đổi: một hai tối, có khi luôn một tuần lễ, cái sân huyện trở nên một nơi hội hè om xòm, tiếng cười của dân phố huyện đến xem chen với giọng ca của cô đào, tiếng thét của ông tướng mặt xanh mặt đỏ, câu pha trò của vai hề quê mùa vừa nhạt nhẽo vừa tục tằn.

Rồi gánh hát từ giã ra đi, cái huyện nhỏ lại rơi vào trong yên lặng buồn tẻ.

Phần nhiều những phường chèo ấy, tôi còn nhớ tên phường "Kha lý", phường "Quốc nhớn", phường "Quốc con". Nhưng cái phường, khi ra đi làm cho tôi ngao ngán, khổ sở nhất, thì tôi lại không biết tên là gì. Chừng vì đó cũng là một bọn hát tầm thường. Tôi chỉ theo ông thầy học tôi và những người lớn mà gọi là phường Mơ, vì trong số ba cô đào, một cô tên là Mơ.

Mơ là một cô gái quê chừng mười tám tuổi. Thân hình uyển chuyển của Mơ càng uyển chuyển khi Mơ đóng những vai đào lẳng như Vân Dại, Thị Màu hay Vợ quỷ. Và mặt trái xoan đều đặn của Mơ dưới lớp phấn chèo trông lộng lẫy như trong bức tranh tiên. Hoạt động nhất là hai con mắt đen láy của Mơ, hai con mắt bao giờ cũng cười trước khi cặp môi hé mở hàm răng hạt huyền.

Năm năm, cứ sang xuân, trong thời còn nghỉ học, tôi lại mong nhớ Mơ, sự mong nhớ âm thầm, buồn bã của một tâm hồn ngây thơ. Quả nhiên, trong hai tháng sau tết, các phường chèo kế tiếp nhau đến, tựa bầy chim én trở về cùng với những ngày quang đãng, ấm áp, vui tươi.

Tim tôi hồi hộp khi tôi thấy những gánh hòm vuông sơn đen, sơn đỏ qua cổng huyện, tiến vào trong sân. Và tôi thất vọng nếu phường xin hát không phải là phường Mơ. Nay nhớ lại, tôi còn cảm thấy sự thất vọng của tôi mênh mang không biết đến đâu tuy chỉ là một sự thất vọng trong phút chốc. Rồi tiếng trống chèo rung đổ hồi lại đem vui cười vào lòng tôi ngay.

Nhưng thế nào, sớm muộn, phường Mơ cũng đến, ít ra mỗi năm một lần, trong mùa xuân. Gặp Mơ, tôi cảm động nghẹn ngào ngây người đứng nhìn. Mơ cũng yêu tôi lắm. Nàng chạy vội đến bế bổng tôi lên mà hôn chùn chụt ở hai bên má tôi, khiến tôi sung sướng nóng bừng cả mặt. Rồi nàng thỏ thẻ bảo tôi:

- Cậu lên xin phép thầy cho chúng tôi hát nhé?

Tôi cho câu ấy là thừa, vì cũng như tôi, những người lớn đều thích phường Mơ cả, bắt đầu từ thầy học của tôi. Chỉ trông cánh tay ông giơ cao roi chầu, ra sức vụt mạnh vào tang trống, khi Mơ múa hát, cũng đủ biết ông yêu Mơ đến bực nào. Lúc không cầm chầu thì ông trố mắt nhìn Mơ, và lớn tiếng thốt những câu bình phẩm sỗ sàng để chòng ghẹo Mơ, làm cho Mơ phải mỉm cười dù lúc Mơ đóng vai pho tượng như tượng đức Phật Quan Âm.

Rồi sau một, hai hay ba hôm, Mơ lại theo phường bạn rời đi nơi khác. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy tôi trơ trọi bằng lúc ấy. Tôi ngơ ngẩn như người mất linh hồn. Anh tôi thấy thế cười, bảo tôi:

- Dễ Linh nó ốm tương tư cái Mơ đấy.

Tôi xấu hổ, cười gượng, rồi trốn vào xó tối đứng sụt sùi khóc.

*
* *

Từ khi ra tỉnh theo học chữ Pháp, không một lần nào tôi gặp Mơ nữa. Nhưng mỗi năm, sau những ngày rét mướt, gió ấm mùa xuân lại thổi vào tâm hồn tôi sự mong ước nhớ nhung không cỗi rễ. Phải chăng đó là vết tích mối tình thơ ấu của những ngày sống giữa sự lạnh lẽo nặng nề?

Cách độ hơn mười năm, một hôm tôi gặp một người kép hát trong một rạp chèo ở một tỉnh nhỏ. Người ấy nhận được tôi, nói vì tôi không thay đổi mấy. Kỳ thực, người ấy đã hỏi dò lai lịch tôi. Khi biết bác kép trước cùng ở một phường với Mơ, tôi vội vàng hỏi thăm tin tức cô đào hát. Bác ta cười bảo tôi:

- Chị ấy nay đi cầu bơ cầu bất hát chẳng rõ ở đâu.

Rồi kể cho tôi nghe cái đời khổ sở của Mơ, Mơ lấy lẽ một ông chủ đồn điền. Vợ cả ghen, ông này đưa Mơ về Hà Nội thuê nhà cho ở. Nàng đã sinh được một trai. Một tối ông ta cùng Mơ đi xem chèo. Mơ nhớ đến nghề xưa liền bỏ chồng con xin nhập bọn rạp hát. Chẳng bao lâu Mơ được chủ rạp yêu quí. Nhưng Mơ đã "quen nết hư" chẳng giữ tình chuyên nhất với một ai, nay đi với người này, mai ở với người khác. Nhất Mơ lại phóng đãng thái quá nên mất cả giọng, tàn cả nhan sắc.

Tôi hỏi:

- Mơ hát không còn hay như xưa nữa?

Anh kép ngoác cái miệng rộng ra cười:

- ấy, ông cũng còn nhớ đấy: chị Mơ hát hay lắm, có lẽ hay nhất "Bắc cờ". Mà chị ấy cũng đẹp hơn hết các cô đào hát "Bắc cờ".

- Thế bây giờ chị ấy đâu?

- Bây giờ chị ấy bệ rạc, đói rách lắm, ông ạ, cùng người chồng mù đi lang thang khắp đó đây hát gõ kiếm ăn.

Tôi kinh ngạc:

- Chị ấy lấy sẩm?

Người kép buồn rầu:

- Thưa ông cũng không hẳn là sẩm.

Rồi đột ngột hỏi tôi:

- Ông có nhớ anh Thiếp không nhỉ?

Tôi ngẫm nghĩ đáp:

- Không.

- Vâng, ông nhớ sao được, ngày ấy ông mới lên bảy, lên tám. Anh Thiếp trước ở cùng phường với chị Mơ, với tôi. Anh ấy có tài thổi sáo, kéo nhị. ấy, chị Mơ đã một dạo mê anh ta về tiếng sáo réo rắt.

Người kép ngừng lại một giây rồi lắc lư cái đầu búi tóc, đọc hai câu Kiều:

Rõ thực:

Có tài mà cậy chi tài.
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Và kết luận:

- Ông coi, chẳng qua là duyên số cả, ngày xưa chị ấy đẹp thế, tưởng làm nên bà nọ bà kia, ai ngờ...

Tôi buồn rầu ngắt lời:

- Thì chị ấy chả làm nên bà chủ đồn điền trong một năm là gì!

Bác kép thở dài:

- Thưa ông, giá cứ ở hẳn với ông chủ đồn điền thì nay cũng chả đến nỗi.

Bác ta cười sằng sặc nói tiếp như khi pha trò hề trên sân khấu:

- Giá ngày xưa mà ông đã lớn tuổi như bây giờ thì dễ thường ông cũng say mê chị ấy, đấy nhỉ?

Tôi nóng cả mặt và sợ người kép hát nhận thấy bẽn lẽn, tôi đánh trống lảng cười theo đáp lại:

- Hẳn thế, chứ lị!

*
* *

Từ đó mỗi lần xuống phà hay qua hè phố, gặp một cặp vợ chồng, chồng kéo nhị vợ hát chèo, tôi lại tưởng nhận được tiếng Mơ. Và tôi miên man nghĩ đến những con chim sơn ca cùng mùa xuân, đem cái vui tới nơi thôn dã.

Và buồn rầu tôi thấy hiện ra trong ký ức hình ảnh một cô gái quê xinh đẹp, hình ảnh vai Vân Dại lẳng lơ, vai Thị Mầu nhí nhảnh, ái tình của cái tuổi thơ lạnh lùng trơ trọi.


* *  
*
 Truyện Ngắn : Thời Chưa Cưới


Trên bãi biển Sầm Sơn, Phát và Hoàn biết nhau, lưu ý đến nhau rồi thân mật với nhau.

Hoàn và mẹ thuê nhà nghỉ mát, thuộc dẫy thứ sáu. Mỗi khi ra bãi biển, Hoàn phải qua một khách sạn nhỏ. Phát trọ ở đấy. Sáng nào, chiều nào chàng cũng đứng trên hiên gác đợi Hoàn đi tắm. Và chàng thả xuống những lời bỡn cợt. Trước Hoàn còn mỉa mai đáp lại. Sau thấy anh chàng trơ trẽn quá, nàng lặng thinh, hoặc mỉm cười khinh bỉ. Nhưng cái lặng thinh ấy, cái mỉm cười ấy, Phát không cho là có ý khinh bỉ. Trái lại, chàng nhất định tin rằng Hoàn ưng mình.

Hoàn khó chịu, đi lối khác ra biển tuy lối này vừa dài hơn, vừa bẩn hơn, nhất những hôm trời mưa. Biết thóp, Phát đến đón ở gần cổng nhà Hoàn, để theo nàng đi tắm. Hoàn bật cười. Và chẳng giữ nổi vẻ lạnh lùng, nàng trả lời Phát một câu nhã nhặn. Thế là hai người bắt đầu làm quen nhau.

Từ đấy Hoàn lại theo con đường cũ. Mỗi lần qua khách sạn, nàng ngửng lên nhìn, và cố nhiên gặp Phát đứng vẫy rồi vội xuống để cùng ra bãi biển. Hoàn thấy Phát có duyên. Phát thấy Hoàn không nhạt cũng không rởm đời như phần nhiều thiếu nữ chàng đã gặp. Đó là, theo ý chàng, một hạnh kiểm rất hiếm ở một cô gái con nhà.

Nhờ làn không khí dễ dàng ở nơi tắm biển, hai người rất chóng thân mật, suồng sã với nhau nữa. Nghĩa là có những cử chỉ và ngôn ngữ mà ở Hà thành người ta sẽ cho là quá thân mật, suồng sã. ở đây, đó chỉ là những sự đã được coi thường, đã quen mắt lắm. ở đây, còn ai giữ gìn bẽn lẽn làm gì nữa, khi mà nam nữ gần trần truồng đứng nói chuyện với nhau hằng giờ rất tự nhiên và thẳng thắn. ở đây, chỉ những người giả đạo đức mới cho thế là lõa lồ, là dơ dáng.

Vì thế, không ai lưu ý đến Phát và Hoàn khi hai người cầm tay dắt nhau đi dưới nước, hay rúc rích cười nhảy theo làn sóng trắng. Và khi Phát dạy Hoàn bơi, không những chị em bạn Hoàn không lấy làm chướng mắt mà còn nhờ Hoàn giới thiệu mình với Phát để được chàng dạy. Phát đã trở nên một thiếu niên được phái đẹp cưng chiều trên bãi biển. Chàng không lấy thế làm tự hào với đám phụ nữ vì ngoài Hoàn ra chàng không để mắt tới một ai. Chàng sung sướng rằng môn bơi lội của mình đã làm tôn giá trị mình ở trước mặt Hoàn. Còn Hoàn thì nàng tự phụ rằng đã quen trước các chị em một người có tài bơi lội - chỉ cái tài ấy là đáng kể ở nơi bãi biển - mà lại quen thân. Nhưng một hôm, chính nàng cũng không hiểu tại sao, nàng bỗng cảm thấy nàng ghen. Tính tình ấy vụt hiện ra trong tâm khảm nàng. Có lẽ thoạt tiên đó chỉ là lòng ích kỷ không ưng người khác có cái mình có. Phát đã dạy nàng bơi, nàng muốn một mình nàng được hưởng cái đặc quyền ấy.

Rồi tính ghen thu hẹp lại trong phạm vi ái tình, Hoàn đau đớn nhìn Phát giữ trong tay những tấm thân màu nâu hồng, chắc nịch và khỏe khoắn.

Nàng đã bắt đầu yêu.

Phát thì mê man, ngây ngất trong giấc mộng mới nhóm. Chàng thấy Hoàn có đủ hết đức tính về hình thức và tinh thần. Một hôm chàng gọi đùa và nịnh: "Cô Hoàn toàn". Hoàn sung sướng đỏ mặt, nhưng vờ hỏi:

- Sao anh lại gọi tôi là Hoàn toàn?

Chàng mỉm cười đáp:

- Vì cô hoàn toàn đẹp cả người lẫn nết.

Mặt Hoàn càng đỏ, và nàng ngượng ngùng nhìn Phát:

- Anh cứ mỉa em!

Thế là tiếng "em" đột ngột lọt vào trong câu chuyện, rồi ở lại đấy; trước còn ngập ngừng, sau trở nên tự nhiên và thân mật. Tới thời kỳ ấy, anh chị đã năng đến nhà nhau, hoặc Phát lại bà hàn rồi cùng bà và Hoàn ra bãi biển, hoặc Hoàn lúc qua khách sạn rẽ vào đó để đợi Phát thay slip. Những hôm bà hàn không đi tắm được, bà không quên dặn Phát:

- Ông đừng cho em ra xa quá nhé. Tôi nghĩ đến những người chết đuối mà tôi sợ... Mà ông cho em về sớm một tí.

Lần nào Hoàn cũng cười và có khi nũng nịu đáp lại mẹ:

- Mẹ làm như con mẹ lên năm lên ba không bằng!

Nếu con bà lên năm lên ba thì bà hàn đã chẳng lo sợ. Bà lo sợ chỉ vì Hoàn năm nay vừa mười tám. Nhưng bà đã kịp hỏi thăm tin tức về Phát rồi. Bà biết Phát là con nhà giàu sang lại sắp lên năm thứ ba trường Luật. Vì thế bà bằng lòng cho phép Hoàn gần gụi Phát tuy bà càng cẩn mật giữ gìn con gái hơn trước. Bà thầm mong Phát sẽ trở nên rể bà, nhưng bà vẫn ngại cho cái tính quá phóng túng, quá tự do của cô con cưng.

Trong khi ấy, Phát và Hoàn đi sâu mãi vào tính tình, vào tâm khảm nhau. Và một ngày một thêm kính trọng, yêu mến nhau hơn. Phát cho Hoàn là người vợ mình mơ ước bấy nay. Không một cái gì một người đàn bà cần phải có mà chàng không thấy Hoàn có. Về phần Hoàn, thì nàng mừng rằng nàng đã do dự chưa nhận lời lấy Phiên, người đến hỏi nàng đầu năm nay. So với Phát, Phiên còn đáng kể vào đâu!

Về Hà Nội, Phát vẫn chăm chỉ đến nhà Hoàn. Bây giờ, tuy chưa hỏi, hai người đã tôn nhau như vị hôn phu và vị hôn thê của nhau rồi. Trong đám bạn bè của hai nhà, có người lại tưởng như Phát và Hoàn đã lấy nhau.

ở Hà Nội, làn không khí thân mật suồng sã ngoài bãi biển đã nhường chỗ cho một làn không khí trang nghiêm và buồn tẻ nơi khách thính. Nhưng không vì thế mà đôi bên thấy kém lạc thú trong sự giao thiệp. Có buổi chiều, hằng giờ ngắm nghía Hoàn đan chiếc áo len ở bên cạnh bà mẹ ngồi chăm chú phá trận, Phát sung sướng hơn là được trò chuyện với Hoàn. Vì trong lúc yên lặng ngắm nghía Hoàn, chàng nghĩ đến cái sung sướng không cùng của chàng.

Nghỉ hè năm sau, Phát đã đỗ bằng cử nhân. Và trước khi vào Sầm Sơn, chàng đã hỏi Hoàn làm vợ. Đó là một việc không cần vội, theo ý Phát và Hoàn, nhưng trước sau cũng một lần, làm cho xong đi thì vẫn hơn. Vả hỏi rồi, hai người sẽ được tự do nói chuyện, sẽ được tự do đi chơi mát với nhau mà không sợ người ta dị nghị.

- Nhưng chỉ hỏi thôi đấy nhé? Còn cưới thì hãy thong thả.

Hoàn âu yếm bảo Phát thế. Và Phát cười ngất trả lời:

- Vâng, xin tuân thượng lệnh.

Hoàn cảm động, giọng nói run run:

- Năm nay em mười chín, ước gì em được sống cái thời chưa cưới trong ba năm nữa.

- Bấy giờ em hăm hai và anh hăm sáu, vừa lắm. Thời chưa cưới càng dài mình càng sung sướng, phải không em?

Hoàn giọng nũng nịu:

- Chính thế. Với lại em sợ lúc cưới rồi, anh không yêu em bằng lúc chưa cưới.

Phát cười, trách:

- Em không tin bụng anh hay sao?

Hoàn vội vàng tạ lỗi.

Quả nhiên hai người xin được nhà cho hoãn việc cưới. Họ đều là con cưng, muốn sao cũng được cha mẹ chiều theo.

Năm nay ra biển, Hoàn thấy kém thú. Nàng cố tìm duyên cớ, và dễ dãi nàng cho ngay rằng Sầm Sơn buồn tẻ là vì số người ra nghỉ mát không đông. Sự thực thì chỉ tại năm trước nàng mới bắt đầu làm quen với Phát, nàng còn đương náo nức, bồng bột. Năm nay lòng nàng đã trấn tĩnh lại. Và bên người chồng chưa cưới, nàng thấy cần phải giữ gìn hơn bên một người bạn trai. Với người bạn, nàng không sợ phật ý. Với người chồng chưa cưới, nàng chỉ lo làm phiền lòng vì một câu nói lỡ, hay vì một ý tứ kém thân yêu. Nàng trở nên thiếu thành thực đối với Phát và đối với mình. Không phải nàng không yêu Phát bằng năm ngoái, trái lại thế. Nhưng lúc nào nàng cũng phải cố biểu lộ tình yêu của nàng, đó có lẽ là cái cớ làm cho nàng lúc nào cũng áy náy không vui.

Còn Phát thì chàng thấy cử chỉ của chàng ngượng ngập, ngôn ngữ của chàng lúng túng.

Bọn phụ nữ quen chàng bảo nhau: "Phát làm sao ấy, không được như năm ngoái nữa". Quả thực, Phát kém thân mật, kém vui vẻ, kém cả tự nhiên đối với họ. Chàng đã nhận biết tình ghen của Hoàn. Chàng thầm cảm ơn Hoàn, cho tình ghen ấy là tình yêu. Và chàng cố cư xử sao cho Hoàn khỏi bực tức vì chàng: Chàng lạnh lùng với tất cả mọi người, trừ Hoàn ra. Chẳng bao lâu chàng trở nên một người cứng cỏi, ít giao thiệp. Nguy hiểm cho chàng, Hoàn cũng nhận thấy thế.

Nhưng may mắn cho hai người, mùa nghỉ mát của họ kéo dài có đến đấy. Họ về Hà Nội và tình thế cứu vãn kịp. Vì ở Hà Nội hai người ít gặp nhau hơn ở Sầm Sơn, và nhờ đó, ít phải giữ gìn hơn. Bởi thế họ lại cảm thấy họ yêu nhau nồng nàn. Có xa nhau mới biết yêu nhau, mới nhận thấy tình yêu của nhau. Mà ở Hà Nội tuy gần nhau nhưng hai người vẫn xa nhau. Phát ngày hai buổi bận dạy học ở một trường tư. Rỗi lúc nào lại cắm cổ học thêm để chờ thi tham tá lục sự, hay thương chánh hay một chân kiểm sát ngạch tây nào đó. Theo luồng tư tưởng mới trong đám trưởng giả mới, Hoàn rất ghét quan, lấy sự nói xấu quan trong khách thính làm hợp thời thế.

Hoàn cũng biết Phát chăm học lắm, và chăm học như thế là vì nàng. Nàng cảm động và yêu Phát hơn, mặc những lời chỉ trích của các chị em bạn. Họ bảo Hoàn:

"Anh cử nhà chị học lấy chết à?" - "Anh đồ của chị học mụ người đi mất thôi." – "Bây giờ chả thấy mặt mũi anh chàng đâu nữa" - "Ghê quá! Hôm nọ gặp chàng ở Gôđa, trông người bây giờ lù dù tệ!"

Hoàn nghe những câu chế giễu đã chán cả tai. Nhưng một hôm nàng thấy Phát lù dù thật, nhất Phát lại đi bên cạnh một người bạn lực lưỡng, khỏe mạnh, đẹp đẽ bội phần. Phát giới thiệu bạn với vị hôn thê:

- Anh Huấn, một nhà quán quân quần vợt kiêm quán quân bơi lội, sinh viên trường thuốc.

Hoàn nhã nhặn đưa tay ra bắt.

Sang nghỉ hè năm thứ ba của thời chưa cưới. Đã có sự thay đổi: Phát vừa đỗ kiểm sát thương chánh và bà hàn vừa làm xong nếp nhà nghỉ mát ở Sầm Sơn. Bà mời Phát cùng đến ở với mẹ con bà, nhưng Phát từ tạ nói đã trót thuê nhà rồi. Sự thực, chàng giữ kẽ không muốn đến ở nhà vợ trước khi cưới, nhất chàng lại biết bà mẹ vợ rất khó tính và lắm điều.

Vui vẻ khỏe mạnh nay đã trở về với Phát. Những người quen thuộc đều nhận thấy anh Phát năm xưa, hồi còn theo học trường Luật. Nhưng Hoàn, trái lại, lúc nào cũng nghĩ ngợi, nét mặt buồn tẻ, lạnh lùng. Phát mải đùa nghịch không hề lưu ý đến cái buồn, cái tẻ của nàng, làm nàng càng bực tức, khó chịu. Nàng khinh bỉ tự nhủ thầm:

"Lúc người ta lên thì người ta biến đổi đến thế đấy! Nhưng mới được thế mà đã cho là lên thì tầm thường quá!".

Và nàng thấy Phát tầm thường. Nhớ lại, nàng không tìm thấy một cái gì cao thượng ở Phát. Nhưng nàng chép miệng tự an ủi: "Người ta tầm thường như thế cả, có gì mà mình phải bận lòng!"

Giữa lúc ấy Huấn vào Sầm Sơn, đến ở nhà Phát. Tính ngộ nghĩnh hay pha trò của Huấn khiến Hoàn quay về với vui vẻ được hơn một tuần lễ. Rồi sau khi Huấn ra Hà Nội, đâu lại vào đó.

Một hôm nàng mỉm cười chua chát đứng nhìn Phát giữ cho một bạn gái của nàng tập nằm ngửa trên mặt nước. Phát quay lại, thoáng nhìn thấy cái mỉm cười ấy. Chàng không giữ nổi chau mày. Chàng nghĩ thầm: "Hoàn vô lý quá! Bạ ai cũng ghen". Tình ghen mà trước kia chàng cho là tình yêu, nay chỉ là một tính tình nhỏ nhen, khả ố. "Chưa cưới mà còn thế này, nữa là lúc đã cưới. Mình sẽ mất hết tự do". Chàng cũng không trang nghiêm nghĩ tới tương lai. Và ngay buổi chiều, chàng ngỏ ý kiến với Hoàn về tình ghen. Chàng không muốn để bụng một điều gì. Hoàn xin lỗi chàng. Phát đã quen với tính mỉa mai của vị hôn thê. Chàng không biết lúc nào Hoàn thành thực, lúc nào nàng giễu cợt. Đối với Hoàn, chàng thường ngờ vực, và những lời xin lỗi của Hoàn, chàng không dám chắc rằng đó là những lời thành thực.

Giữa hai người như có một bức rào ngăn cản. Cả hai cùng cố phá bức rào ấy đi, nhưng phá một cách quá uể oải, nên một ngày nó một mọc dầy hơn, bền vững hơn.

Chỉ còn những sự giả dối để che đậy. Cử chỉ dịu dàng, ngôn ngữ mềm mại, thân mật. Và ở ngoài bãi biển bao giờ hai người cũng đi liền với nhau. Họ khoác cánh nhau, vui cười trò chuyện với nhau. Nhưng đó là những lúc linh hồn họ xa nhau nhất. Hoàn bảo Phát: "Sáng mai chúng ta ra tắm sớm nhé?".

Và nàng nghĩ thầm: "Mình phải bảo Nga, Lan cùng đi tắm mới được, nếu không thì sẽ buồn chết". Phát cố giữ cái ngáp để trả lời: "Phải đấy Hoàn ạ, mai đi tắm sớm nhé!" Và chàng tự nhủ: "Để ngắm cái mặt buồn thiu của bà vị hôn thê! Rõ khổ!".

Họ đi sát cánh nhau. Họ nói chuyện để nghe thấy câu chuyện tẻ nhạt của nhau. Họ yên lặng để nghĩ đến, để nhớ đến cái xoàng, cái tầm thường của nhau, của gia đình nhau. Nay họ biết nhau, hiểu nhau như vợ chồng. Ba năm gần chung sống rồi còn gì! Cái mỉm cười của người này, người kia nhận thấy hết nghĩa sâu kín. Câu khôi hài của người kia người này cố không nghe thấy vì đã nghe không biết lần thứ mấy rồi.

Họ hiểu nhau, để mà chán nhau, để mà khinh nhau. Nếu họ là vợ chồng rồi thì họ cứ chán nhau, cứ khinh nhau, không sao. Đằng này họ là vị hôn phu, vị hôn thê của nhau. Họ có can đảm chán, khinh nhau mãi để chờ ngày cưới không?

Phát cho việc hôn nhân của mình là một câu chuyện danh dự: Vì chàng gắn bó theo đuổi mà Hoàn trở nên vị hôn thê của chàng. Bây giờ còn biết nói sao? "Thôi thì cũng liều; vả lại lấy Hoàn vị tất đã khổ hơn lấy một người khác, bất cứ người nào... Về nhan sắc, thì Hoàn chẳng kém mấy ai. Có một người vợ đẹp kể cũng oai, cũng đáng tự hào với chúng bạn". Tư tưởng ấy làm Phát bật cười lên tiếng.

Hoàn thì cho việc hôn nhân của mình là do số mệnh. Nàng nghĩ đến, nàng nhớ lại những người định hỏi nàng và bị nàng lãnh đạm từ chối. Nàng thấy những người ấy đều hơn Phát. "ít ra cũng không tầm thường bằng!" Vì mới quen, nàng không biết tính tình họ, nhưng nàng chắc rằng không đến nỗi xoàng xĩnh như tính tình Phát.

Kể nàng tìm cớ tuyệt giao thì cũng được, thì cũng chẳng khó khăn gì. Phiền một nỗi thời chưa cưới của nàng đã kéo dài quá. Ai ai cũng biết rằng nàng là vị hôn thê của Phát. Ai ai cũng nói đến. Hơn thế, người ta coi hai người như đã thành vợ chồng rồi. Chẳng lẽ bây giờ câu chuyện lấy nhau bỗng im bặt đi! Như cái pháo tịt ngòi? Thế còn ê chề hơn là nhắm mắt lấy nhau vậy. Giá Phát xin thôi, thì đã đi một lẽ. ừ, giá Phát xin thôi...

Từ đó nàng hy vọng Phát xin thủ tiêu hôn ước. Và tính nết nàng càng khó chịu: nàng mong thầm rằng nhờ thế mà may ra nàng được Phát tuyệt giao.

*
* *

Hết hè, nhà Phát và nhà Hoàn nhộn nhịp sắm sửa. Đôi bên cha mẹ muốn lo xong việc hôn nhân cho con trước khi Phát được bổ vào Sài Gòn.

Và đám cưới linh đình, ồn ào, ầm ĩ. Để che cái nhạt nhẽo, cái lạnh lùng của hai linh hồn sắp hòa hợp.

Tối nhập phòng, Phát bảo Hoàn:

- Giá chúng ta lấy nhau ngay mùa hè mới biết nhau ở Sầm Sơn...

Hoàn hiểu thấu tư tưởng của Phát, cau có hỏi:

- Sao anh lại nói thế?

Phát chữa:

- Thì có phải bây giờ đã có con rồi không?

Hoàn cười làm lành:

- ừ! Thì bây giờ may ra đã có con rồi.

Nguồn Net
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Thu Feb 19, 2015 10:24 pm    Tiêu đề: Truyện Ngắn

Truyện Ngắn Khái Hưng

Một Buổi Chầu


Đầu giờ Dần quan lễ bộ tả thị lang họ Hà đã thức dậy gọi gia nhân thắp đèn đuốc sáng trưng năm gian phòng tư thất. Sáng sớm hôm nay, ngài sẽ cùng văn võ bá quan vào cung chầu thiên tử, trong buổi đại triều thứ nhất về mùa xuân.

Thánh thượng ngọc thể khiếm an đã hơn hai tháng. Đã hơn hai tháng các quan không được gặp thiên nhan. Vì thế quan thị lang sốt ruột mong chóng tới giờ bệ kiến.

Không những quan thị lang đã nổi tiếng là một trung thần ai ai đều kính phục, mà chữ trung đối với ngài còn có một nghĩa cao cả thiêng liêng. Ngài đinh ninh thờ vua ở trên đầu, âm thầm thờ vua ở trong tâm. Lúc thức tơ tưởng đến vua, lúc ngủ chiêm bao thấy vua. Thị lang muốn cả cái thân ngài hoàn toàn là kỷ vật của vua và chỉ ao ước có dịp được hy sinh cho thánh thượng.

Hy sinh! Xả thân vì thiên tử! Không một ngày nào, không một giờ nào, quan thị lang không nghĩ đến điều ấy. Rồi đem điều ấy dạy vợ dạy con, coi như đó là một học thuyết, là học thuyết độc nhất của bọn thần tử, của toàn thể quốc dân.

Thị lang không bỏ qua một dịp nào có thể nhắc đến ơn vua. Ngài thường bảo cho lũ con nhỏ biết rằng chúng ăn cơm vua, mặc áo vua ban, và cả gia đình đều nhờ lộc vua mà được sống.

Những lời xúc phạm tới vua, dù nhẹ đến đâu mặc lòng, thị lang không bao giờ tha thứ. Và ngài thường lấy địa vị một viên quan trong bộ Lễ tư sang bộ Hình đòi làm tội nặng cực điểm những kẻ phạm thượng.

Mới cách đấy hơn một tháng, thị lang đã toan khép vào án tử hình bà thứ thất yêu quý của ngài vì một tội chẳng lấy gì làm trọng cho lắm. Bà chỉ bình phẩm một câu về hoàng thượng, mà lại bình phẩm trong phòng khuê giữa câu chuyện ái ân đằm thắm. Nhân chồng báo tin cho bà biết rằng thánh thể bất an, bà mỉm cười nói:

- Bà thứ phi đẹp thế làm gì mà thánh thể chẳng bất an.

Sự thực, năm trước hoàng thượng vừa kén được một cung tần, một thiếu nữ giặt chiếu bên sông mà mê vì sắc, trọng vì thông minh ngài đã cất lên ngôi thứ phi và rất đỗi thương mến như viên ngọc quý trên tay. Vả câu nói của bà thứ thất quan thị lang chỉ là một câu đùa bỡn trong lúc nũng nịu. Nhưng đối với người trung thần kia, thì đó là một ý tưởng bất kính, một ý tưởng phạm thượng, phản trắc. Vì thế, ái tình quan thị lang đang bồng bột nồng nàn bỗng lạnh ngay như giá băng. Rồi ngài ra công đường thảo bức thư giao phó bà thứ thất về với cha mẹ trong sáu tháng; bà được kết án nhẹ như thế là cũng nhờ về có nhan sắc.

*

*   *

Quan thị lang đã đóng xong triều phục. Chỉ còn thiếu một đôi hia, vì ngài không ưng đi đôi hia thường. Ngài cho rằng mang đôi hia đã dùng để đi ra vườn, ra sân, nhỡ giẫm phải một vật ô uế, thì còn đâu là lòng kính cẩn khi quỳ trước sân rồng. Bởi vậy, ngài đã truyền gia nhân mở rương lớn lấy đôi hia mới.

Ngồi trong ghế bành tượng, quan thị lang nóng nẩy chờ lính hầu đem hia lại. Và ngài băn khoăn tìm xem còn điều gì khiếm khuyết nữa không. Hôm qua, ngài đã tắm gội thanh khiết. Ngài lại đã trai giới trong luôn ba hôm. ấy là không kể mười ngày trai giới trong tháng trước để cầu nguyện cho thượng hoàng chóng bình phục...

Sợ chậm trễ bị quan quở, chú cai hầu cận chỉ kịp phủi qua bụi trên mũi đôi hia nhung, rồi vội vàng lồng vào chân quan.

Bấy giờ mới giữa giờ Dần mà dinh quan tả thị lang bộ Lễ lại gần cửa Ngọ Môn, nhưng Hà công cũng hấp tấp ra đi. Ngài thừa biết còn sớm chán và đến Ngọ Môn sẽ phải đợi lâu mới tới giờ Mão, giờ vào chầu. Ngài làm ra vội vàng, chẳng qua là để tỏ lòng mẫn cán thờ vua của mình, tỏ riêng với mình để được đúng lễ chứ không cần phải bộc bạch cho mọi người đều biết.

Hà thị lang đứng dậy ra sân. Một hồi trống khẩu, một tiếng hô. Tức thì một cái võng trần ghé lại bên thềm. Kể thì chức tả thị lang chánh tam phẩm được đi kiệu cũng như chức thượng thư chánh nhị phẩm, nhưng Hà công không bao giờ dùng kiệu để vào chầu vua. Ngài cho cái kiệu cao quá, và ngồi nghênh ngang trên kiệu, ngài thấy không hợp với cái đạo làm tôi. Người bầy tôi phải khúm núm run sợ, khi đương đi đến sân rồng cũng như khi quỳ trước long nhan.

Nhưng không phải vì thế mà quan tả thị lang lúi xùi. Ngài vẫn dùng đủ các nghi phục ngài được phép dùng: bốn cây lọng xanh, bốn cái đèn lồng và hai đôi kiếm, quất.

*
*  *

Một hồi trống lớn. Cánh cửa Ngọ Môn mở rộng. Hai bên các quan văn võ qua hai lối xép đi vòng hồ bán nguyệt, thong thả, trịnh trọng theo điệu âm nhạc bước tới sàn đại điện. Rồi chia ngôi thứ, ghi ở các biển phẩm trật, các quan quỳ thành hai hàng dài.

Bấy giờ cửa điện đã mở, nhưng rèm còn buông, nên các quan đều chưa rõ hoàng thượng đã ngự triều hay chưa. Tuy thế mặc lòng, nhiều quan cũng thì thầm nói chuyện với nhau. Và có người lại dám cúi gằm mặt xuống khúc khích cười nữa.

Riêng về phần Hà thị lang, ngài không nhúc nhích, mắt đăm đăm nhìn thẳng vào miếng kính ở cái hốt ngà.

Một câu hô: "Thiên tử!"

Các rèm kéo lên một loạt.

Giữa lúc ấy, Hà thị lang thấy có một vật động đậy trong hia bên trái. Rồi các đầu ngón chân buồn buồn tựa có kiến bò. Thị lang rùng mình, và rời rã chân tay như người bị cù. Nhưng một tiếng hô thứ hai làm ngài giật mình và quên hẳn cái chân.

"Bái chúc thánh hoàng vạn tuế!".

Ngài theo các quan quỳ phía trên, phủ phục xuống sân rồng, đọc cùng một loạt:

"Bái chúc thánh hoàng vạn tuế! Vạn vạn tuế!".

Tiếng "tuế" sau cùng vừa dứt, Hà thị lang thấy nhói một cái ở ngón chân út, như bị một mũi dùi đâm mạnh, khiến suýt nữa ngài kêu: "ái!".

Thị lang cho là mình để chân nhầm chỗ có cái đanh nhọn, và vì mình ấn mạnh hia xuống gạch để lạy, cái đanh ấy xuyên qua lần vải mà chọc vào ngón chân. Đoán chỗ thủng sâu lắm, và có cảm giác máu chảy, thị lang ngó ngoáy và cố di ngón chân út vào vải hia cho đỡ ngứa, thì cái đanh tưởng tượng lại càng đâm mạnh hơn, sâu hơn.

Rồi liền ngay lúc ấy chỗ đau nhức nhói, buốt chội lên như ai cầm một nắm kim mà cắm thấu tận xương. Thị lang nghiến răng lại để khỏi xuýt xoa. Và ngài nghĩ thầm: "Thiên tử mới bình phục chắc còn mệt. Vậy thì cố chịu đau một lát nữa thế nào rồi...".

Nghĩ đến đấy, thị lang bỗng phải ngừng lại để toan kêu thét lên vì vừa bị một nhát thương thứ hai ở ngón chân cái. Bấy giờ cái cảm giác có một con vật bò trong chiếc hia rộng đã hơi rõ rệt. Thị lang thấy cả hàng chân mềm của con vật động đậy và chải mơn lên đầu mấy ngón chân của mình. Rồi như có một cơn gió vừa thổi lạnh vào thân thể, vào ngũ tạng, thị lang rét run, hai hàm răng đập vào nhau côm cốp.

Nhức buốt dần dần tăng, dần dần lan ra tứ chi, thấm vào ruột, vào phổi, ăn thẳng lên óc. Thị lang tưởng chừng con vật ở trong hia đã chui lọt qua lần da, theo đường các ống xương mà chạy thực mau, vừa chạy vừa cắn.

Nhưng tuy đau có thể chết ngất được, thị lang vẫn cố sức, vẫn thu hết tàn lực lại để quỳ vững vàng, ngay thẳng. Mỗi khi cái lưng ngài muốn gập xuống dưới sức đè nặng trĩu của con quái vật tàng hình thì ngài lại nghiến răng bạnh cổ và ưỡn ngực để chống lại. Vì cái đau xé can tràng vẫn không thể làm cho tinh thần ngài mất tỉnh táo đến nỗi quên được rằng mình đương chầu vua, và chỉ một tiếng kêu bất kính, một cử động không hợp lễ như thò tay bóp chỗ đau chẳng hạn, cũng đủ liệt mình vào hàng bầy tôi bất trung.

Mắt thị lang lim dim nhìn vào kính hốt thấy đôi mi xưng húp như chứa đầy nọc độc con vật kỳ quái.

Rồi mình mảy thị lang đau ran lên, đau từng phân, từng li thịt một. Bất giác hai dòng lệ tuôn rơi lã chã, thị lang phải ghì hết can đảm và nghị lực mới giữ được khỏi thốt ra câu thỉnh cầu khiếm lễ: "Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ miễn triều cho kẻ hạ thần, chẳng kẻ hạ thần chết mất."

*

*   *

Trong khi ấy thì hoàng thượng vui vẻ hỏi chuyện quan thái sư mà ngài vừa truyền gọi đến bên ngai vàng. Ngài cười nói coi bộ thích chí, thì thầm nhiều câu tưởng chừng bí mật lắm. Và ngài như quên hẳn bọn bầy tôi đương quỳ ngoài sân rồng.

Bỗng ngài quay ra, chau mày nhìn, rồi lẩm bẩm như gắt:

- Miễn triều!

Tức thì quan thị vệ ngân nga hô lớn:

- Thiên tử miễn triều!

Các quan thong thả lên gối đứng dậy một loạt.

Một mình Hà thị lang vẫn quỳ. Người bên cạnh nhắc:

- Kìa, quan bác, Bệ hạ miễn triều!

Hà thị lang ngửng lên chừng để được thấy thiên nhan một lần cuối cùng, rồi nằm vật ra kêu:

- Trời ơi! Cái hia!

Các quan ngơ ngác, hoảng hốt cúi nhìn: Hà thị lang bằn bặt thiếp đi.

Nghe có tiếng ồn ào, hoàng thượng hỏi thái sư:

- Cái gì thế?

Một quan thượng thư tiến gần lại quỳ tâu:

- Muôn tâu Bệ hạ, Hà thị lang vừa ngất đi. Mà lúc Hà thị lang lăn ra đất, kẻ hạ thần có nghe thấy tiếng kêu: "Cái hia!" Vậy chưa rõ thực hư, kẻ hạ thần xin cứ tâu lên thánh thượng.

Hoàng đế cười, phán:

- Hắn kêu "cái hia" thì cứ tháo hia hắn ra sẽ rõ thực hư ngay, chứ có khó gì.

Chiếc hia trái vừa rút khỏi chân Hà thị lang vẫn nằm bất tỉnh, thì một con rết dài gần một gang tay chạy vọt ra. Bá quan văn võ quên cả nghi lễ đua nhau chạy đuổi, vung bốt ngà đánh dập nát con vật, trong khi hoàng thượng ngồi cười ngất trên ngai vàng.


*   *

*

Truyện ngắn : Hai Con Mắt

Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già lẫn - tuy ông Cửu năm nay chưa đầy sáu mươi. Bệnh như không tăng mà cũng không lui. Đêm nào cũng vậy, cứ vào khoảng một, hai giờ khuya, ông Cửu lại ú ớ kêu la cầu cứu, khiến con cháu ông đều thức dậy, chạy cả đến bên giường. Vừa thở hổn hển, ông vừa thuật lại giấc mơ dữ dội: hai con mắt hiện lên ám ảnh ông, chăm chú nhìn ông, hai con mắt to như mắt hộ pháp lòng trắng dã và tròn, lòng đen đen nháy và vuông. Ông rên hư hư "ối giời ơi! Hai con mắt! Hai con mắt vuông!" Rồi cho đến sáng ông Cửu không sao ngủ được.

Một hôm ông gọi đông đủ con cháu đến bảo:

- Tao chắc đây là một việc báo thù hay một việc đòi của.

Ông Cửu như ngần ngại, sợ hãi, xấu hổ, nằm im lìm suy nghĩ, giương mắt nhìn thẳng lên đỉnh màn. Trong khi ấy, các con cháu ông yên lặng, lo lắng, kính cẩn đứng đợi. Về sau không giữ nổi, ông thở dài kể tiếp:

- Chúng mày hẳn không biết vì sao ngày nay tao có cái cơ nghiệp này, cha mẹ tao có để cho tao một đồng một chữ nào đâu. Cả người trong làng cũng vậy, thấy tao đương nghèo đói, - đói thực ấy - bỗng trở nên giàu có, làm nhà làm cửa, tậu vườn tậu ruộng thì họ cũng đoán và đồn rằng tao được của, thế thôi, chứ sự thực thì tao chưa hé ra với ai một lời nào. Nhưng sự thực thì chính tao được của. Ngày xưa, tao nghèo lắm, thường đi gánh thuốc lào thuê cho người hoặc làm bất cứ công việc gì để kiếm một ngày hai bữa cơm và vài tiền quý, có khi giời làm đói kém, chỉ được một ngày hai bữa cơm thôi cũng đã là may lắm rồi.

"Một hôm tao đào móng nhà cho ông chánh Thà. Lúc ấy về chiều tối, ai nấy đã nghỉ tay, sắp sửa ăn cơm. Nhưng tao còn đào chơi vài nhát thuổng nữa. Có lẽ giời xui khiến ra thế, vì có ai bắt mình làm đâu! Mà nào mình có làm việc cho mình cho cam!

"Bỗng giữa những tiếng giục giã: "Ra ăn rỗi, anh Niệm!" tao thấy chối tay và nghe thấy một tiếng cạch: lưỡi thuổng của tao vừa xiên xuống một vật rắn chắc như thành một cái tiểu sành vậy. Tao cúi xuống bới nhìn thì đó là một cái vật nhỏ đậy nắp mà nắp lại trát gắn bùn rất cẩn thận. Tao đồ rằng trong đó có vật quí nên lấp lại điềm nhiên đi ăn cơm với mọi người.

Đêm hôm ấy tao xin ngủ lại chỗ xưởng làm như thể là một sự rất thường mình vẫn ở làm thuê cho ông chánh, có khi trong luôn dăm ba bữa nửa tháng không về qua nhà. Tao chờ đêm khuya vắng đến chỗ móng đào bới đất moi lên được một cái vại chỉ bằng cái vại nén cà nhỏ ấy thôi. Nhưng mà tao bê thấy nặng quá. Nền nhà mới dựng vào một khu vườn rong: ông chánh Thà giàu lắm, đất ở thênh thang có tới vài mẫu. Tao đem cái vại của tao tới bụi chuối rậm, rồi mở nắp lấy hết những vật ở trong, gói vào rẻ rách giấu đi. Tao cũng không biết đó là những vật gì. Mãi hôm sau đem về mới biết là vàng, toàn những vàng thoi..."

Ông Cửu ngừng kể. Các con cháu vẫn im lặng đứng chờ, vì chưa thấy có liên lạc giữa hai con mắt vuông, với cái vại vàng chôn. Sau một lúc lâu, ông Cửu lại nói:

"Vậy tao chắc nay... nó đòi của. Nó theo tao, nó đòi của. Hai con mắt nó hiện ra, kia nó hiện ra kia - hai con mắt nó về để báo cho tao biết... để báo cho tao biết rằng tao đã đến ngày tận số"

Ông Cửu nghẹn ngào như bị hai bàn tay vô hình bóp cổ. Người con cả ông an ủi.

- Thưa thầy, thầy được của là giời cho thầy. Của ấy là của giời. Nếu là của ông cha ông chánh Thà để lại thì sao ông chánh lại không biết gì, thì sao xưa kia ông ta lại không đả động tới mà các cụ tiền nhân cũng không báo mộng báo mù gì cho ông ta hay nhất là tại sao của ấy lại không lọt vào tay ông ta. Lại điều này nữa khiến con tin chắc chắn rằng giời dành của ấy cho thầy: là tại sao thầy lại tìm thấy cái vại để vàng giữa lúc nghỉ việc? Nếu thầy đào được sớm hơn, vào buổi sáng hay buổi trưa chẳng hạn, thì có phải đã ầm ĩ lên và ông chánh đã nhận mất vàng rồi, còn đâu. Không, con dám quả quyết rằng của ấy là của giời chứ không phải là của tổ tiên ông chánh. Của giời dành cho thầy. Vì thuở xưa hay kiếp trước thầy đã tu nhân tích đức nhiều lắm.

Ông Cửu mỉm cười nhắc lại: "Thầy đã tu nhân tích đức nhiều lắm?". Ông nghĩ đến những việc ông đã làm: nào cho vay nặng lãi, nào trữ thóc gạo lại không bán làm cho giá cao lên trong khi bao nhiêu người chết đói, và ông lẩm bẩm: " Hay đó là hai con mắt của bọn ấy đến đòi mạng đến bắt mình phải đem mạng mình ra mà thế mạng". Nhưng ông nghĩ tiếp ngay - vì trong khi ốm tinh thần ông sáng suốt khác thường: "Nếu là mất của chúng thì sao hai con mắt ấy lại lạ lùng thế. Sao lòng đen lại vuông, lại to thế? Không, chắc đây là mắt thần".

Tự nhiên trong tưởng tượng của ông, một vị thần hiện ra trần truồng ngồi trên bệ gạch, một vị nữ thần miệng gắn nhựa trám và hai con mắt to thao láo lòng trắng tròn, lòng đen vuông. Rồi pho tượng biến dần biến dần, chỉ còn lại hai con mắt đăm đăm nhìn ông. Ông lại la: "Giời ơi! Hai con mắt! Hai con mắt vuông!" và lắc đầu xua tay đuổi cả con cháu ra ngoài phòng.

Mấy người con bàn nhau về căn bệnh cha. Họ đoán có tiền căn nghiệp chướng chi đây. Họ liền mời các vị cao tăng đến lập đàn ba ngày ba đêm ở sân để tụng kinh, giải ách cho cha. Đêm thứ ba, cúng chúng sinh: một nhà sư tốt giọng hát bài ca chiêu hồn để gọi linh hồn chúng sinh về nghe kinh phật, trong bọn có đủ các hạng khốn nạn, cùng khổ trong loài người.

Nào những kẻ sa cơ, lỡ bước...

Bỗng ông Cửu kêu rú lên một tiếng rồi ngất đi.

Và ông mơ thấy ông đi trên con đường nắng, chân mỏi, bụng đói. Hai bên đường lúa mọc xanh rờn, người làm việc đông đảo. Họ hát những câu ca dao mà ông cũng thuộc và những khi đi gặt hái ông thường hát.

Tới một cái miếu con ẩn trong bóng cây đa um tùm, ông dừng chân ngồi nghỉ. Một tia hy vọng vụt chiếu rọi vào mắt ông: ông vừa trông thấy kê trước cửa miếu một cái nia đầy những xu và trinh... Ông đưa mắt nhìn quanh: không một ai. Mấy nén hương cắm trên một thẻ vàng tỏa mùi thơm lạnh lẽo và càng làm tăng phần tĩnh mịch nơi miếu vắng. Ông tự nhủ thầm: "Mình chỉ việc đưa tay ra bốc một nắm bỏ túi là sẽ có cơm ăn, là sẽ không chết đói". Và ông đưa tay ra thực. Nhưng ông lại rụt tay lại, tưởng như có ai ghé mắt đâu đó đứng nhìn. Ông nghĩ đến câu chuyện Mường, chuyện Thổ, những chuyện ma xó giữ nhà: mình vào nhà lấy trộm vật gì trong khi chủ đi vắng; con ma sẽ đọc tên vật ấy lên rồi nó theo dõi mình mà bóp cổ cho mình chết. Tự nhiên, ông rùng rợn, dựng tóc gáy, vội vã bỏ đi.

Đi được một quãng, ông lại quay về cái nia tiền. Ông định bụng cứ lấy một ít đi ăn cơm rồi chết thì chết cũng cam lòng. Chết còn hơn đói. Giữa lúc ấy một người đi đến. Ông sợ hãi nấp vào sau gốc đa. Người kia thản nhiên qua miếu, và ông nghe thấy hắn ném vào nia một đồng trinh. Chờ cho hắn đi khỏi, ông lại nhô ra, đến bên cái nia, đăm đăm nhìn. Nhưng vẫn không sao dám nhặt vài đồng trong nia tiền... của thánh. "Của thánh... lấy, tội chết, thánh quật chết!" Ông Cửu Niệm thì thầm. Rồi quả quyết đi thẳng.

Một quãng xa, ông gặp trên con đường rẽ vào một cái chợ đương họp, một chị ăn mày ngồi phục bên một cái rổ, một cái gậy, và ngước mắt trắng đục nhìn trời, miệng kêu than như ca hát: "Con người thì có, con mắt thì không...". Trong rổ có hai đồng trinh. Mắt ông Cửu như dán vào đó. Ông đứng im một hồi lâu, tai như lắng nghe câu van lơn của người ăn mày. Nhưng sự thực ông đương nghĩ thầm: "Nó mù! Nó mù! Nó không trông thấy mình.. Quanh đây không một ai.." Và ông cúi xuống, lẳng lặng cúi xuống, rón rén nhặt hai đồng trinh thu vào trong bọc.

Rồi ông hấp tấp chạy, như sợ người mù đuổi theo. Ông vào chợ mua bát cơm đầy, ăn ngốn ngấu. Ăn xong, ông quay về con đường cũ. Qua đầu đường, ông vẫn thấy người ăn xin ngồi nguyên chỗ, và trong rổ của nó hai đồng trinh vẫn còn. Ông mừng thầm tự nhủ: "Thì ra mình mơ thấy mình lấy hai đồng trinh của nó. Kỳ thực mình có lấy đâu?"

Tới miếu cũ, ông ngắm lại cái nia. Lạ lùng chưa! Bao nhiêu trinh trong nia đã sắp thành từng đôi một. Và chỉ trong một giây biến thành những cặp mắt. Những cặp mắt ấy to mãi ra, to mãi ra và trừng trừng nhìn thẳng vào mắt ông, những cặp mắt lòng trắng tròn, lòng đen vuông. Cùng một lúc, tiếng ăn mày cất lên tứ phía, giọng nghe thê thảm: "Lạy ông lạy bà, ông bà thương con, con người thì có, con mắt thì không". Rồi bao nhiêu cặp mắt vuông bay tới tấp vây chặt lấy ông Cửu...

Ông kêu thét lên: "Giời ơi! Hai con mắt vuông!" Rồi ông tỉnh mộng.

Ngoài sân, tiếng nhà sư đọc bài chiêu hồn chúng sinh giọng trầm bổng như kẻ ăn mày kêu đường. Ông Cửu thở hổn hển, rồi lại ngất đi.

Sáng hôm sau, ông gọi các con đến dối dăng:

- Cha nhiều tội lắm. Cha ở ác với rất nhiều người, nhưng với hai con mắt... với hai con mắt vuông ấy thì cha chết mất. Đó là hai con mắt thịt, hai con mắt trần, chứ không phải mắt thần, mắt thánh nào cả như cha vẫn tưởng nhầm. Ngày ấy... đã lâu lắm... Nhưng mà thôi, đã có các con chuộc tội cho cha. Ngay hôm nay các con rao mõ rằng luôn năm hôm cha phát chẩn cho những người đói khó trong khắp vùng này. Mỗi người các con cho một bát gạo với hai đồng trinh. Hai đồng trinh, các con nhớ chưa? Đó là cha trả nợ, còn bát gạo là cha trả lãi.

Chiều hôm ấy, ông Cửu nghe tiếng mõ rao, và biết rằng các con ông sẽ làm theo lời ông dối lại. Ông sung sướng mỉm cười trong giấc ngủ cuối cùng. Ông chắc chắn sẽ thoát khỏi sức áp bách, sức thôi miên của hai con mắt vuông.


Xuân 1940
Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve.


* * *
*
*

Truyện ngắn : Véo von tiếng địch


Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân.

Công chúa Li Nương, con Đức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấy ả tì nữ theo hầu, dạo chơi ngắm cảnh trong vườn Thượng Uyển ở trên đồi caọ Đi lâu, chân đã thấy mỏi, công chúa ung dung bước lên lầu Na Nan ngồi nghỉ, đưa mắt nhìn khắp bốn phương.

Quanh lầu, lá liễu buông mành, gió chiều khẽ đưa tha thướt. Trông ra xa, các đồi liên tiếp, như đàn rùa phủ phục nằm chầụ Trên đồi, những cây gồi, thân thẳng mà cao, ngọn cây phất phơ chòm lá xòe ra như tàn quạt. Thỉnh thoảng điểm những cây thông, gốc già giặn, lá xanh đen như mấy nét sẫm chấm phá trên nền màu non tươị Dưới chân rặng đồi, con sông Bạch Hạc quanh co lượn khúc, ẩn, hiện bên những khóm cây rườm rà lả ngọn. Li Nương tì lan can, mắt rời cảnh vật bao la, cúi nhìn xuống cái hồ bán nguyệt, mới thấp thoáng nhô lên mặt nước một vài nõn sen mềm mạị

Bỗng nàng hé cặp môi mỉm cười, vì nàng vừa trông thấy bóng xinh đẹp của mình in trên mặt hồ trong xanh, phẳng lặng và sáng như gương. Nàng giơ tay trắng nuột vịn cành liễu non, bẻ mấy chiếc lá, thong thả bỏ rơi xuống hồ. Mặt nước rung động, hình công chúa cũng rung động. Gợn nước vòng tròn, rộng tan mãi ra, rồi dần dần biến đi như chìm xuống đáy hồ mà trả lại hình công chúạ

Li Nương vui sướng - cái vui sướng của tuổi trẻ hồn nhiên - cười khanh khách, giọng trong trẻo như tiếng con chim vàng anh đương hót ở trên cành.

- Này các ngươi! Các ngươi lại xem bóng ta vỡ rồi lại lành.

Bọn tì nữ, xúm xít quanh mình công chúa, đều cúi xuống nhìn, rồi cùng cườị Còn Li Nương thì tựa cột lầu tì tay lên lan can, hé cặp môi mỉm cườị Mấy giọt nước mưa đọng trên lá liễu từ từ rơi bám vào mái tóc búi lỏng, để chĩu xuống gáy, trông lấp lánh như những ngôi sao ló trong đám mây đen.

Bỗng mọi người đều chú ý lắng tai nghẹ..

Trong bầu không khí yên lặng buổi chiều tà, tiếng địch véo von ở đâu đưa tới, khi bổng khi trầm, như đến làm hoạt động một cảnh xuân đầm ấm.

Cành liễu rung rinh trước gió như chịu âm hưởng của khúc nhạc thanh tao, mà Li Nương vốn người đa cảm, cũng thấy toàn thân rung động, cặp má nóng bừng, trái tim hồi hộp...

Tiếng địch im bặt... Một người buông thở, thấy lòng nhẹ nhàng, khoan khoáị

Từ đó, trong buổi chiều tà vẫn nghe véo von tiếng địch.

Suốt năm đêm, công chúa Li Nương không chợp mắt, lòng thổn thức vì tiếng địch véo von. Chiều chiều, tiếng địch bay lọt tới thâm cung, như kể lể, như kêu van, như thì thầm trong tâm trí kẻ đa tình! Lúc lanh lảnh như nhịp cười khoái lạc, lúc thâm trầm như giọng than thở âu sầụ

Đêm khuya thanh vắng, Li Nương mơ mộng. Tiếng địch vẫn như rành mạch bên taị Nàng mỉm cười một mình, vì trí tưởng tượng của nàng đương cố vẽ ra một chàng thanh niên tuấn tú. Nàng lấy làm lạ, vì nhà âm nhạc nàng thấy hiện ra trước mắt giống hệt cái bóng người in trên mặt hồ bữa nọ.

Thấy công chúa kém tươi, vóc ngọc ngày một hao mòn. Vua cha lấy làm kinh hãị Ngài cho rằng con đã đến tuổi cập kê, nên buồn về nỗi đêm xuân chiếc bóng, liền bày ra hội hè, chèo hát, thiết yến tiệc linh đình, mời hết các lạc hầu, lạc tướng đến dự, để công chúa kén chọn phò mã.

Nhưng ngắm mấy trăm yến khách, Li Nương không thấy một ai tài mạo sánh kịp người trong mộng. Nàng nghĩ thầm:

"Người thổi địch ấy đối với ta có thiên duyên, nên ta chưa gặp mặt mà đã tưởng tượng ra được."

Công chúa không chấm một aị Các quan lạc tướng, các quan lạc hầu lại kéo nhau ai về nhà nấỵ Làn không khí ở chốn đế đô lại tịch mịch như xưạ

Nhưng trong buổi chiều ta vẫn véo von tiếng địch...

Công chúa Li Nương ốm nặng.

Tiếng mõ rao khắp chốn đế đô cùng các vùng lân cận, để tìm kiếm các nhà lương ỵ

Song gần một năm, thầy lang đã kế tiếp nhau ra khỏi bệnh phòng mà bệnh nhân vẫn không thấy đỡ. Vì các thầy chẳng biết công chúa mắc phải bệnh gì.

Một hôm, về buổi chiều, một thầy lang già tới xin chữa bệnh. Thầy già, già lắm, già đến nỗi phải sờ soạng mới tìm thấy tay bệnh nhân để bắt mạch. Công chúa nghĩ thương tình, bèn khẽ bảo:

- Này cụ lang, cụ có muốn chữa tôi khỏi bệnh không? Nếu cụ muốn được Vua cha trọng thưởng thì có cách này khiến tôi khỏi ngaỵ Là ra tâu với Vua cha cho gọi người đương thổi địch kia vào thổi cho tôi nghe

Thầy lang tuy mắt kém cỏi, nhưng tinh thần sáng suốt, hiểu ngay rằng công chúa mắc bệnh đau tim. Thầy liền đem lời công chúa tâu với Vua cha, nói khoác rằng mình mới tìm ra nguồn bệnh.

Tức thì Vua cha cho đi bắt chàng thổi địch giải tới cung điện.

Thuốc thần tiên thực! Công chúa nhác trông thấy anh chàng, các bệnh khỏi ngay, vì cái bộ dạng xấu xí lạ thường của nhà âm nhạc khiến nàng tỉnh ngộ, mà lòng thương hão nhớ huyền cũng theo hình ảnh tưởng tượng mà biến vào cõi mộng...

Nhưng trong buổi chiều ta vẫn véo von tiếng địch...

Nhà tài tử xấu xí từ khi ở điện nhà vua trở về nơi lều tranh vắng vẻ, mang theo hình ảnh Li Nương, và vì ai ngày đêm tưởng nhớ. Tiếng địch nay càng réo rắt, càng âm thầm như có chịu ảnh hưởng cái đẹp của công chúa, như muốn bao bọc ôm ấp lấy tấm linh hồn công chúạ

Ở trong cung, công chúa nghe tiếng địch, gan vàng vẫn lại thổn thức như xưa, bệnh cũ ở đâu lại ầm ầm kéo đến. Nhưng khi Vua cha cho đi bắt anh chàng thổi địch tới cung thì bệnh nặng lại khỏi dần.

Đã như thế đến bốn lần rồị Vua cha nổi trận lôi đình, ra lệnh cấm hết dân gian, không cho ai thổi địch.

Từ nay trong buổi chiều tà không còn đâu là tiếng địch véo von!

Hai tháng sau, công chúa Li Nương lại ốm, ốm rất nặng.

Lần này công chúa mắc bệnh, là vì đêm nào cũng nghe văng vẳng có tiếng địch bên tai, tiếng địch ảo não, buồn rầu như giọng ai kể lể tình xưạ Hễ thức giấc dậy thì tiếng địch lại im.

Năm đêm liền như thế. Bệnh tình công chúa xem ra nguy ngập.

Vua cha lại truyền cho đi tìm anh chàng thổi địch. Nhưng khi đến nhà chàng thì được tin chàng đã chết đúng năm ngày, thi thể chôn trên một ngọn đồi cao, nhìn vào trong cung. Chàng thổi địch trước khi từ trần đã dặn lại người nhà chôn mình ở đó.

Được tin, đức Vua lo sợ. Mà bệnh công chúa thì một lúc một tăng.

Một quan thị vệ quì gối tâu rằng:

- Xin bệ hạ cho đào mả người kia lên để công chúa trông thấy mặt thì chắc bệnh lại khỏi ngaỵ

Trong khi nguy kịch, nhà vua cũng phải theo lời, chứ còn biết làm saọ

Nhưng khi quật mồ lên, thi hài kẻ kia chỉ còn lại một khối tim. Cất lấy coi thì đó là một khối tim ngọc thạch. Các quan tất tả đem về trình đức Vua cha

Vua cha giơ lên xem: trong có hình công chúa Li Nương đương ngồi lắng tai nghe một người thổi địch.

Ngài liền đem chuyện thuật cho con nghe và đưa luôn cho xem viên ngọc. Công chúa ngắm nghía trái tim thấy bóng mình trong đó, đem lòng thương kẻ chung tình. Từ từ giọt lệ rơi xuống viên ngọc... Trái tim người xưa bỗng tan ra, hòa với nước mắt của Li Nương mà biến mất.

Li Nương khỏi bệnh.

Mà từ đó, đêm đêm không bao giờ còn nghe thấy tiếng địch véo von.

Khái Hưng



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân