TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGHĨ VỀ HAI BẢN DỊCH
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGHĨ VỀ HAI BẢN DỊCH

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sat Nov 08, 2014 9:20 am    Tiêu đề: NGHĨ VỀ HAI BẢN DỊCH

NGHĨ VỀ HAI BẢN DỊCH

Đúng ra tựa bài phải viết là : VỀ HAI BẢN DỊCH VIỆT NGỮ CÁCH NHAU 40 NĂM CỦA TÁC PHẨM NỔI TIẾNG “THE FIRST AND LAST FREEDOM” (Krishnamurti) nhưng vì trang web nên phải ngắn gọn thôi.

Đó là :

1- TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, Phạm Công Thiện dịch, An Tiêm, Saigon xuất bản lần I năm 1967 và lần II, 1968 ; Chúng tôi đang đề cập đến bản in lần II năm 1968 với số lượng 5000 quyển; bìa mỏng , chữ vừa, khổ sách 13 x 20, dày khoảng 600 trang, không kể mấy chục trang dịch giả viết thêm về “thái độ dịch” của dịch giả khi đối chiếu với bản dịch chữ Pháp của Carlos Suarès và lá thư “tâm tình” với ông giám đốc nhà xuất bản An Tiêm. (ở đây gọi là Bản dịch 1)

2- TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, Nguyễn Minh Lý dịch, nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, xuất bản năm 2008; chữ  lớn hơn chữ vừa chút xíu, khổ sách 14.5 x 20.5, dày 403 trang, bìa cứng, số lượng in 500 cuốn nộp lưu chiếu quí 3/2008. (ở đây gọi là Bản dịch 2)

Trước khi đối chiếu hai bản dịch , chúng tôi xin trích ra đây một đoạn quan trọng để xem Phạm Công Thiện (PCT) đã dịch The First and Last Freedom với một tinh thần như thế nào .

“Khi dịch quyển The First and Last Freedom, tôi đã dùng bản dịch của nhà xuất bản Victor Gollamez Ltd., London, năm 1958. Lối dịch  văn của tôi đã cố gắng giữ sắc thái nghiêm túc, giản dị, linh động và uyển chuyển của lối phát biểu của Krishnamuri, cách sử dụng chữ Anh của Krishnamurti rất linh động và biến đổi luôn, nhiều khi chỉ một chữ mà Krishnamurti đã thay đổi nghĩa khác nhau trong những trường hợp cần thiết, do  đó cũng tùy văn diện  của mỗi trường hợp, tôi cũng phải chuyển nghĩa theo tinh thần của nguyên tác , chẳng hạn như chữ awareness đây là một chữ mà Krishnamurti đã tạo ra một nội dung ý nghĩa khác hẳn với chữ awareness mà người Anh Mỹ thường dùng một cách hời hợt trong đời sống.  Người Pháp không dịch nổi chữ ấy và chỉ tạm dịch là l’etat de perception ; tôi dich chữ awareness là trực thức  và có khi cũng dịch là ý thức trực tiếp  tùy theo nghĩa diện của câu văn. Cũng như chữ mind của Krishnamurti cũng có nghĩa đặc biệt trong mỗi trường hợp do đó,khi tôi dịch là tâm thức, khi thì tôi dịch là tâm trí, khi tôi dịch là tâm tư và có khi cũng dịch là trí óc hoặc trí thuật tùy theo trường hợp; còn chữ transformation thì được dịch là sự chuyển hóa hoặc chuyển thức hoặc chuyển biến tùy theo trường hợp. Trong dụng ngữ của Krishnamurti có chữ what is là khó dịch cho hết nội dung phong phú của chữ ấy; tôi dịch từ ngữ ấy là hiện thể, đôi khi dịch là hiện tính  và có khi cũng dịch nôm na  là “cái đang là” cho dễ hiểu; từ ngữ what is và that what is , đã được Krishnamurti dùng với một ý nghĩa đặc biệt  chỉ vào thực tại hiện tiền linh động của đời sống vĩnh cửu trong mỗi giây phút ngay bây giờ. Còn chữ conditioning thì được dịch là sự qui định cũng có khi dịch là sự qui định trùng phược hoặc qui định nô lệ; ; chữ process khi được dịch là biến trình và có khi là tiến trình; chữ experiencing được dịch là hiện nghiệm; relationship được dịch là tương giao; ideationsự vận hành của ý niệm ; challenge thách thức response đáp ứng; projection phóng ảnh hoặc  ngoại hiện hoặc phóng ngoại hoặc phóng hiện hoặc phóng ảnh ngoại hiện tùy trường hợp uyển chuyển; còn identificationtinh thần đồng hóa hoặc sự đồng hóa.  Những chữ vừa nêu ra ở trên là những chữ mà Krishnamurti quen dùng với ý nghĩa đặc biệt của tinh thần vô ngôn. “

“Lúc dịch quyển The First and Last Freedom tôi có so sánh bản dịch Pháp văn của Carlo Suarès tức là quyển La première et dernière Liberté  (nhà xuất bản Stock, Paris, 1955) và một điều đáng nói ra đây là bản dịch chữ Pháp có nhiều lỗi sai rất trầm trọng. Đây thật là một điều bất ngờ, Vì Carlo Suarès là một tư tưởng gia nổi tiếng , một nhà học giả có tên tuổi và cũng là một dịch giả chuyên viên và chuyên nghiệp về tất cả các tác phẩm của Krishnamurti ở tại Pháp. Tôi để ý nơi trang nào trong The First and Last Freedom có những chữ khó hiểu thì Carlo Suarès lại bỏ qua và không dịch (chẳng hạn xin đọc La première et dernière Liberté, trang 265, dòng 24, 26 và so sánh nguyên tác The First and Last Freedom trang 259, dòng 23, 25;  xin đọc La première et dernière Liberté, trang 248, dòng 7, 8 và so sánh nguyên tác The First and Last Freedom trang 242, dòng 9, 10;vân vân). Để khỏi dài dòng về bản dịch chữ Pháp của Carlo Suarès tôi xin nêu ra vài thí dụ ngay nơi phần mở đầu bản dịch Pháp văn :

Nguyên tác (trang 14, dong 14-16) : an education that teaches us not how but what to think is an education that calls for a governing class of pastors and masters.
Bản dịch Pháp văn của Carlo Suarès (trang 18, dòng 29-31) : une éducation qui nous enseignerait , non pas “quoi” mais “comment” pense exigerait une classe dirigeante de pasteurs et de maitres.
Dịch như trên thì ý nghĩa  trái nghịch hẳn với nguyên tác và phản bội hoàn toàn nội dung phát biểu của nguyên ý .

Còn ở nguyên tác (trang 15 dòng 8,9) :[b]God’s service is perfect freedom. Conversely perfect freedom is the service of God.
Nơi đây, tác giả chơi chữ giữa [/b]“God’s service” và “the service of God”, thế mà trong bản dịch Pháp văn của Carlo Suarès  thì hai ý thức khác nhau  giữa hai từ ngữ ấy không còn khác nhau nữa,  cả hai ý nghĩa khác nhau đã bị chuyển nghĩa thành giống nhau như nhau : “Le service de Dieu est parfaite liberté; inversement, la liberté parfaite est service de Dieu (trang 19, dòng 22-24).
Đáng lẽ từ ngữ “God’s service” phải dịch là “l’oeuvre de Dieu” hoặc “l’acte de Dieu”, và “the service of God”  là “service de Dieu”. (Bản dịch 1,từ  trang 610 đến 613)

Và cũng vậy, trước khi khi đối chiếu hai bản dịch , chúng tôi xin trích ra đây một đoạn quan trọng để xem Nguyễn Minh Lý (NML) đã dịch The First and Last Freedom với một tinh thần như thế nào.

Quyển The First and Last Freedom này đã có một bản dịch tiếng Việt của ông Phạm Công Thiện, xuất bản cách đây đã lâu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần có một bản dịch khác để bạn đọc rộng đường tìm hiểu hầu tự mình phát hiện lại một tác phẩm rất nòng cốt và tinh tường của Krishnamurti.  Và cũng vì thế chúng tôi không tham khảo bản dịch đã có trước. (Bản dịch 2,từ  trang 5)

Tiếp theo, dường như dịch giả muốn chứng tỏ với người đọc rằng ông dịch chính xác, ông đã đưa ra những câu nói của Krishnamurti (tiếng Anh) đi kèm với các câu dịch của ông – tức là song ngữ . Nhưng tiếc thay, những câu ông trích dịch lại không nằm trong The First and Last Freedom, mà lại từ Commentaries on Living II  (Bản dịch 2, trang 6 và bìa sau) .

Rồi,ở trang 404 ông lại thêm Vài Lời Cuối Cùng của Krishnamurti  không có chữ Anh , chỉ có dịch Việt thôi (12 dòng , khoảng gần 170 chữ) , và ghi Krishnamurti, Tương Lai là Bây Giờ (trang 109)  và ông ghi  trích trong quyển The Future Is Now.

Bây giờ đi vào từng mục : từ ngữ và cú pháp .

Trước tiên là từ ngữ . Có thể dùng  tiêu đề của từng mục để đối chiếu ; tôi ghi kèm chữ Anh để quí bạn đọc tiện nhận định  :

Nguyên bản                Bản dịch 1                                             Bản dịch 2
   Phần I
II- What are we seeking Chúng ta đang đi tìm gì                             Chúng ta đang tìm kiếm cái gì
V- Action and Idea                 Hành động và Ý tưởng                             Hành động và Ý Niệm                
XII- Awareness                Trực thức                                                   Thức giác
XIV- Relationship and  Isolation Tương giao và Cô lập              Mối Quan hệ và sự Cô lập
XVI- Can Thinking Solve our Problems Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không ? Liệu sự tư duy có thể giải quyết được các  vấn dề của chúng ta không ?
XVII- The Function of the Mind Chức Năng của Tâm Trí              Chức Năng của Tâm Thức
XIX- Self-centred Activity                 Sinh Hoạt Vị Ngã                              Hoạt Động Quy Ngã
XXI- Power and Realization                 Quyền thế và Thể hiện               Quyền lực và sự Tỏ ngộ

Phần II
9- On Relationship                                 Về sự Tương giao                               Về mối Quan hệ
14- On Gossip                                 Về sự Nói Nhảm                                Về sự Tọc Mạch và Chuyện Người
19- On Prayer and Meditation                  Về sự Đọc Kinh và Tham Thiền Về sự Cầu Nguyện và Thiền Định
28- On the Known and the Unknown Về  Điều Sở Tri và Điều Bất Tri   Về cái Biết-được và cái Không-biết-được
31- On Immediate Realization                 Về sự Đốn ngộ                                Về sự Tịnh ngộ tức thì
37- On the Confusion of the Mind Về sự Tán loạn của Tâm thức                Về sự Hỗn độn của Tâm thức

Sở dĩ tôi chỉ chép ra chừng bao nhiêu tiêu đề ấy so với Phần I (21 tiêu đề)  và Phần II ( Questions and Answers) với 38 tiêu đề -  Bản dịch 1 : Hỏi và Trả Lời; Bản dịch 2 : Phần Hai – là vì các phần kia hai dịch giả dùng từ ngữ gần như giống nhau .

Chỉ đáng lưu ý ở Câu hỏi số 33 (On Superficiality) PCT dịch : Về Sự Thiển Bạc Hời Hợt , còn NML dịch : Về Sự Hời Hợt Nông Cạn ; nhưng trong câu hỏi : How is one who is superficial to become serious ?  thì :
- PCT dịch : Một kẻ hời hợt thì làm thế nào trở nên đứng đắn nghiêm chỉnh ?
- NML dịch : Làm thế nào một người hời hợt nông cạn trở thành nghiêm túc ?

Quí bạn thấy đó, cùng một câu chữ Anh mà có hai lối dịch như vậy – chưa kể đến các trích dẫn của PCT về lối dịch sang Pháp văn của Carlo Suarès, nói ở trên -  thì tuy không nói ra quí bạn cũng có thể đoán được tới lúc dịch toàn thể cuốn sách The First and Last Freedom thì cả hai dịch giả PCT và NML chắc chắn phải khác xa nhau thôi ! Bởi thế, ngài Krishnamurti dường như  biết trước điều này sẽ xảy ra trong tương lai, nên ngài đã nói :

“The teachings are important in themselves and interpreters and commentators only distort them. It is advisable to go directly to the source, the teachings themselves, and not through any authority”
(Những lời dạy quan trọng là tự trong chính lời dạy, các nhà diễn giải và  bình luận chỉ làm lệch lạc nó mà thôi. Tôi khuyên các bạn hãy trực tiếp đến tận nguồn, tức là chính những lời dạy, chứ đừng qua bất kỳ thẩm quyền nào cả.”

Tuy nhiên điều tôi muốn nói ra đây là nhằm  cho quí bạn thấy tiếng Việt trước 1975 và  sau 1975   khác nhau ra sao về cách dùng từ ; ví dụ bây giờ hay dùng chữ quan hệ (như : quan hệ sản xuất, quan hệ ngoại giao, quan hệ gia đình, quan hệ làm ăn, quan hệ tình dục v.v..) thành ra chúng ta không lấy làm lạ khi NML dịch từ ngữ relationshipquan hệ thay vì tương giao như PCT  .  Trước 1975, chữ International Relationship dịch là Bang giao quốc tế, bây giờ là Quan hệ quốc tế , vân vân.

Trở lại phần trên trong bản dịch của Nguyễn Minh Lý, tôi thấy chữ MEDITATION , PCT dịch là THAM THIỀN, còn NML dịch là THIỀN ĐỊNH. Tôi nghĩ rằng PCT dịch chính xác hơn . Bởi vì khi nói THIỀN ĐỊNH tức là bao gồm THIỀN và ĐỊNH; nhờ có tham THIỀN mới có nhập ĐỊNH  .Và có lẽ những ai từng nghiên cứu Phật học hay triết học Ấn Độ đều biết rằng Thiền và Định là hai giai đoạn cuối của sự tu tập. Trong cuốn RAJA-YOGA của Swami Vivekananda (1863-1902) – (nxb Ramakrishna-Vivekananda Center, New York, 1973) có nói  đến Raja-Yoga với 8 giai đoạn trong đó Thiền và   Định là hai giai đoạn cuối cùng  trong quá trình tu tập :

1- Yama (Giới) : consisting of non-killing, truthfulness, non-stealing, continence, and non-receiving of gifts.
2- Niyama (Hạnh) : consisting of cleanliess, contenment, austerity, study and self-surrender to God.
3- Àsana (Tư thế ngồi) : posture.
4- Prànàyàma (Kiểm soát nguyên khí) : control of the pràna
5- Pratyàhàrà (Phân cách các giác quan) : restraint of the senses from the objects.
6- Dhàranà (Chú tâm và một điểm) : fixing the mind on a spot.
7- Dhyàna (Tham thiền) : meditation.
8- [i][b]Samàdhi (Nhập Định): superconscious experience (siêu ý thức
) ] (sách đã dẫn, trang 22) .  Tôi cho in đậm 7 và 8.

Tôi không muốn đi sâu vào từng trang từng đoạn của Bản dịch 2 do  không có thời gian  , mà chỉ có một thắc mắc rằng :  tại sao phải bỏ công sức  dịch lại một tác phẩm mà trước đây đã có người dịch rồi với số lượng  10.000 cuốn cho hai lần phát hành  trong khi Bản dịch 2 chỉ có 500 cuốn cho lần tái bản I năm 2008 (tôi không biết lần in đầu tiên năm nào và bao nhiêu ); điều đó cũng đủ làm cho ta suy nghĩ ; vả lại  bây  giờ là thế kỷ  XXI là thời đại của tiếng Anh  - nó gần như được coi là universal language – rồi.  Vì vậy những ai muốn tìm hiểu về Krishnamurti họ chỉ cần mở GOOGLE là thấy ngay bản chữ Anh của Krishnamurti rồi và tải xuống đọc;   và như thế họ đâu cần đọc bản dịch làm gì, vì ngài Krishnamurti sử dụng từ ngữ và cú pháp rất giản dị .

Còn Phạm Công Thiện đã dịch và phải  dài dòng giải thích về cách sử dụng từ ngữ dịch thuật của ông là vì thời đó khó tìm được quyển The First and Last Freedom , vả lại những năm đó (1967 hay 1968, tức là chỉ 13, 14 năm sau 1954) người biết tiếng Pháp thì nhiều mà người biết tiếng Anh không bao nhiêu; cho nên ta thấy khi Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng  được in ra đã được nhiều người đón nhận (10.000 cuốn cho hai kỳ ấn loát) và cho tới 1975 cũng chẳng thấy ai phàn nàn về dịch phẩm này .

Tây đô, tháng 11-2014, kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản lần đầu tác phẩm Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC của Phạm Công Thiện . (Sách được tái bản 02 lần trong vòng 03 năm, tổng cộng 15.000 quyển).
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân