TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bài Thơ Còn chút gì để nhớ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bài Thơ Còn chút gì để nhớ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Wed Oct 29, 2014 4:58 pm    Tiêu đề: Bài Thơ Còn chút gì để nhớ

Bài thơ Còn chút gì để nhớ
Tác Giả Vũ Hữu định

NGUYỄN & BẠN HỮU

Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung, là một nhà thơ nổi tiếng. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ “Còn chút gì để nhớ”, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1970 thành ca khúc cùng tên. Vũ Hữu Định làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến cùng với bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của ông.

Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và sống nghèo trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ Xây Dựng Nông Thôn ở Đà Nẵng. Sau biến cố 1975, ông ở lại Việt Nam và bị đưa đi học tập cải tạo 1 tháng. Vũ Hữu Định được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng. Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu rượu với bạn bè, ông bị té lầu và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

Bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm 1 người bạn ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên với khổ thơ cuối được nâng lên thành cao trào.

Còn một chút gì để nhớ

Phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
VHĐ

Bản nhạc và bài thơ được nhiều người ưa thích và sống mãi tới bây giờ. Đã có nhiều nhà văn viết về nó cùng với địa danh Pleiku Phố Núi. Trong số đó có Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mạnh Trinh, Du Tử Lê.





Nguyễn Đình Toàn

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy (năm 1970). Nghe rồi mới đọc. Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử. Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa... cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy. Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính. Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bày bài hát này. Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng? Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì. Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao? Thắc mắc nữa mà chi?

Nguyễn Mạnh Trinh

Bài thơ về phố núi Pleiku của Vũ Hữu Định với nhạc Phạm Duy đã tạo một thành phố nhỏ nơi xó rừng thành một nơi chốn đầy huyền thoại, vừa lãng mạn vừa bi tráng. Ở đây, có những chuyện về Bà Chúa Rừng linh thiêng, có những mối tình y như tiểu thuyết của những người lính trận và những cô gái giang hồ. Thời chiến tranh cực độ, phố núi là nơi dưỡng quân của những chàng G.I. từ mặt trận biên giới trở về và cũng là nơi mà các nàng kiều nữ từ khắp nơi đổ về kiếm tiền.Và, cũng chính nơi đây, là nơi nghỉ phép của những chàng lính chiến từ biên trấn. Rượu, ăn chơi, nhảy nhót, cho quên sầu để rồi trở lại chiến trường, ở đó có những mối tình giang hồ nhưng cũng có những mối tình lãng mạn trong trắng.

Ở đó, cũng có con đường Trịnh Minh Thế rợp bóng cây dầu, cây sao, những giờ đi học hay tan học tung tăng những tà áo trắng nữ sinh trong cái mù sương buổi sáng hay nhạt nắng buổi chiều. Pleiku, “phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ...” Con đường Hoàng Diệu từ rạp Diệp Kính đến Bưu Điện, chỉ vài phút đi lên đi xuống để cho đời còn mơ còn mộng, còn thấy hạt nắng dễ thương, hạt mưa tuy buốt lạnh nhưng lại ấm lòng vì đôi mắt em. Dù nơi đây suốt năm là mùa đông tháng giá nhưng má đỏ môi hồng em làm ấm mùa xuân. Và:

“xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.”

Du Tử Lê

Địa danh hay nơi chốn thường chiếm giữ một vị trí đáng kể trong thi ca Việt Nam. Thí dụ như “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan, hay “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng. Hoặc gần hơn nữa là “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định, vân vân…

Nhiều người cho rằng, nếu không kể những áng văn chương cổ mà chúng ta phải học, đọc thì số người biết đến “Đôi mắt người Sơn Tây” sẽ không nhiều lắm, nếu nó không được soạn thành ca khúc bởi nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cũng vậy, số người yêu “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định sẽ giảm nhiều, nếu không có phần nhạc của Phạm Duy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên căn bản những bài thơ được các nhạc sĩ tìm tới, chọn để soạn thành ca khúc, tự thân đã vốn có những đặc điểm mà các bài thơ khác không có.

Hơn thế nữa, khi bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của cố thi sĩ Vũ Hữu Định vỏn vẹn chỉ có 4 khổ mà ông đã vẽ được bằng ngôn ngữ “chân dung” rất riêng của Pleiku, một thành phố cao nguyên miền Nam.







Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Thu Oct 30, 2014 6:44 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Wed Oct 29, 2014 5:20 pm    Tiêu đề:

Còn Chút Gì Để Quên, Để Nhớ ...
Nhạc sĩ  PHẠM DUY



Vũ Hữu Định (1942-1981)

Vào đầu thập niên '70, sau khi vừa ra khỏi không khí phản kháng của giai đoạn tâm ca, tâm-phẫn-ca,... tôi đi tìm cảm hứng khác ở cuộc sống của riêng tôi và nhất là ở những nhà thơ trẻ, đại đa số đang đi lính (hay trốn lính) ở bốn phương trời Việt Nam khói lửa ... Tôi kết bạn với những thi sĩ ở ngay Sài gòn như Phạm Thiên Thư để tìm về ĐẠO, với Phạm Lê Phan để chia sẻ thân phận hiểm nghèo của chiến sĩ trong Mùa Hè Đỏ Lửa, ở Nguyễn Tất Nhiên để trở về sự hồn nhiên... Rồi qua những chuyến được mời đi lưu diễn ở các vùng chiến thuật cùng với các bạn văn nghệ của Quân Đội, tôi gặp Thái Luân ở Huế, Luân Hoán, Tôn Thất Lan ở Đà Nẵng, Kim Tuấn ở Pleiku v.v... Nhờ ở sự giao du với những nhà thơ trẻ này, tôi soạn ra khá nhiều những ca khúc phổ thơ với đầy đủ mầu sắc của cái thời có quá nhiều kỷ niệm thật vui hay thật buồn. Để rồi trong cuộc sống lưu vong hiện nay, nhiều khi tôi đã quên kỷ niệm đi rồi, thì có khi tôi lại có dịp ngồi nhớ lại kỷ niệm... Như vào lúc này, ở trong và ngoài nước, xẩy ra những vụ tưởng niệm một nhà thơ tài hoa bạc mệnh là Vũ Hữu Định.

Tại Pleiku vào khoảng 1970, tôi gặp Vũ Hữu Định lúc anh ta vừa được gọi nhập ngũ và đang đóng quân tại doanh trại nơi biên giới có những buổi chiều quanh năm mùa đông này. Cùng với Kim Tuấn (và vài bạn trẻ khác tôi không nhớ tên), chúng tôi là những khách lạ đi lên đi xuống trên vài con phố núi đầy sương mù... Kim Tuấn phóng dật và ít nói bao nhiêu thì Vũ Hữu Định phóng đãng và năng động bấy nhiêu. Cả hai đều có những bài thơ não nề (có cuộc chiến nào mà chẳng não nề? Kể cả những chiến thắng của Napoléon) mà tôi rất thích vì đang có ý định tung ra những khúc BÌNH CA. Tôi đã chọn để phổ nhạc bài thơ Khi Tôi Về của Kim Tuấn và bài thơ Còn Chút Gì Đễ Nhớ của Vũ Hữu Định. Trở về Sài gòn, cả hai bài này đều được phổ biến tối đa tại các phòng trà, đài phát thanh và trong các cassettes...

Nhà thơ Vũ Hữu Định (tên thật là Lê Trung,) sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại Thừa Thiên, trưởng thành tại Đà Nẵng, mất đêm 16 tháng Giêng năm Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng, trong một bữa rượu say. Nghe nói anh rớt từ trên lầu xuống đất, nguyên do không ai biết rõ. Bút hiệu Vũ Hữu Định chỉ xuất hiện khoảng 1970 khi thơ anh được đăng trên các Tạp chí Văn nghệ tại Sài gòn, như Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, và tờ Tạp chí Ý Thức của nhóm anh em trẻ. Anh làm thơ từ thập niên '60 ký là Hàn Phong Lệ, trong lớp tuổi các nhà thơ Thành Tôn, Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu, Nguyễn Tịnh Đông, Đynh Trầm Ca, Trần Dzạ Lữ, Hoàng Lộc, Hà Nguyên Thạch, ... Nhờ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, Vũ Hữu Định nổi tiếng ngay trong quảng đại quần chúng thưởng ngoạn. Nhiều thi sĩ nổi tiếng nhờ nhạc của Phạm Duy, - còn tự thơ họ không thể làm họ nổi tiếng -, riêng Vũ Hữu Định, anh là một thi sĩ đích thực.

Vì nhu cầu của nhạc luật, khi phổ nhạc một bài thơ, tôi thường hay thêm vào hay bớt đi vài câu hay vài chữ của nguyên bản, nhưng với bài Còn Chút Gì Để Nhớ, tôi kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm. Tôi chỉ khéo tạo ra không khí miền Cao Nguyên với một thanh âm ngũ cung có bán cung của dân ca miền Jarai hay Bahnar. Và có chuyển giọng (tonalité) ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm mầu sắc.

So với những bài thơ phổ nhạc khác của tôi, bài Còn Chút Gì Để Nhớ này rất ngắn, rất dễ nghe, do đó rất dễ nhớ. Nội dung của bài thơ là sự đi tìm một hạnh phúc nho nhỏ trong một cuộc đời rất điên đảo, tuổi trẻ bắt buộc phải rời bỏ gia đình, làng nước để ra đi. Địa danh Pleiku với cô em má đỏ môi hồng càng làm cho người nghe hương vị phương xa (exotique) dễ gây cảm xúc.

Bài Còn Chút Gì Để Nhớ còn được hầu hết những giọng ca vàng của thời đại hát lên. Có thể nói vào lúc đó và về sau, nó vô địch về con số ca sĩ trình bày. Sau nó là bài Ngậm Ngùi, thơ Huy Cận, với khoảng mười ca sĩ đã thu thanh vào đĩa hát hay băng nhạc. Hiện nay tôi có trong Tủ Nhạc (Phonography) của tôi, bài Còn Chút Gì Để Nhớ hát bởi Thái Thanh, Duy Quang, Nhật Trường, Elvis Phương, Khánh Ly, Thanh Lan, Anh Tú, Vũ Khanh, Ngọc Lan, Nhật Hạ, Ý Lan, Anh Dũng (12 ca sĩ!)... Ước mong trong tương lai, ở hải ngoại hay ở trong nước, khi có một buổi lễ Tưởng niệm Vũ Hữu Định có tôi được tham dự thì tôi sẽ mời mọi người cùng nghe bài hát này với tất cả những giọng ca đó.

Tôi hơn lớp thi sĩ (và nhạc sĩ) Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Đynh Trầm Ca, Trần Dzạ Lữ, Trần Quang Lộc... vào khoảng hai mươi tuổi. Vào lúc tôi đã gần đất xa trời rồi, thật là cảm động khi thấy những nghệ sĩ "trẻ" ấy đã bước vào tuổi xấp xỉ 60, để tưởng nhớ một người bạn cùng thế hệ đã qua đời, đồng thời cũng để nhớ lại một thời dù sao cũng rất đẹp và không thể quên được... họ đã cùng với số đông bằng hữu góp tiền để in ra tập thơ Còn Chút Gì Để Nhớ mà tôi được hân hạnh có một cuốn trong tay. Trong thơ Vũ Hữu Định, có bốn câu mà tôi muốn mượn để hôm nay, người còn, kẻ mất, người ra đi, kẻ ở lại, người bên ni, kẻ bên tê... chúng ta cất cao giọng, gọi hồn nhau:

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung... (thơ VHĐ)

(Nguồn Net)







Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân